Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NGHỆ NHÂN NGUYỄN KẾ RÉO RẮT CUNG TỲ

Ông đã sử dụng điêu luyện đến mức tuyệt kỹ các loại đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn bầu ...

 

cahue

 

NGHỆ NHÂN NGUYỄN KẾ

RÉO RẮT CUNG TỲ

 

Nghệ nhân Nguyễn Kế sinh năm 1919 tại làng Kim Đôi, Quảng Thành, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Nằm bên cạnh dòng sông Hương trữ tình, thơ mộng, làng Kim Đôi thời Nguyễn Kế đang còn thanh niên có một đời sống văn hoá tinh thần tương đối phong phú. Hình thức diễn xướng các loại hình âm nhạc dân gian, tín ngưỡng, ca Huế thường được tổ chức nhiều nơi trong làng vào các dịp tế lễ xuân thu nhị kỳ, hội hè, những mùa trăng ...

Vào những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nghệ nhân Nguyễn Kế là một trong những nghệ sĩ đàn ca Huế hiếm hoi của thế hệ lão thành còn lại. Dường như với đôi mắt không được tốt, bao nhiêu ánh sáng, thanh sắc tinh hoa của cuộc đời,  đã được dồn nén vào tiếng tơ cầm của nghệ nhân Nguyễn Kế. Ông đã sử dụng điêu luyện đến mức tuyệt kỹ các loại đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn bầu ... Khác với ngón đàn của nghệ nhân Trần Kích đằm thắm, nhu hoà, ngón đàn của nghệ nhân Nguyễn Kế, nhất là với đàn tỳ bà (ảnh dưới, bên trái) có một sức sống nội tâm mãnh liệt. Cung bậc réo rắt, tha thiết; sự nhấn nhá, vuốt, rung từ những ngón tay ông đã mang đến cho người nghe những âm hưởng tuyệt vời sâu lắng, vừa có kỹ thuật cao, vừa tràn trề, thấm đẫm tình cảm lãng mạn. Những cuộc hoà đàn giữa Ông và các nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng như Tôn Thất Toàn, Vĩnh Phan, Bửu Lộc, Gia Cẩm, Trịnh Chức, Trần Kích ... đã trở thành những kỷ niệm nghệ thuật khó quên đối với giới điệu nghệ ca Huế.
 

Từ thuở thiếu thời đến cuối đời ông đã dành trọn sức sống cho nghệ thuật đàn ca Huế. Những năm tháng gần đây, dù tuổi hạc đã cao nhưng nghệ nhân Nguyễn Kế đã tham gia tích cực vào Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Nhà Văn Hoá Huế. Trường Đại Học Nghệ Thuật Huế, Trường Văn Hoá Nghệ Thuật Huế đã mời ông giảng dạy, truyền khẩu cho nhiều thế hệ học trò, góp phần phát huy các giá trị nghệ thuật Nhã nhạc Cung đình Huế. Năm 1995, ông đã sang biểu diễn tại Pháp cùng Ban nhạc Cung đình do nghệ nhân Trần Kích làm trưởng đoàn.

Cũng như ngôi nhà của nhạc sĩ Tôn Thất Toàn, mái ấm của nghệ nhân Nguyễn Kế ở 84 Bờ Hồ  Phan Đăng Lưu, Huế cũng trở thành một thính phòng tri kỷ  đón bạn tri âm : Tại đây các giọng ca nhiều thế hệ, ở gần như Minh  Mẫn, Vân Phi, Quế Trân, Thanh Hương, Thanh Tâm, Diệu Liên ... ở xa như Thu Tâm (Pháp), Cô Nhơn (TP. Hồ Chí Minh), Minh Nguyệt (Buôn Mê Thuột) ... đã vang ngân trong hoà âm tỳ bà (Nguyễn Kế), đàn bầu (Trần Kích) đàn tranh (Tôn Thất Toàn) đàn nhị (Nguyễn Văn Tân), đàn nguyệt (Tôn Thất Viễn Dung, Phạm Văn Thiết, Tôn Thất Thể) ... Với trí nhớ minh mẫn, cộng với quá trình tháng năm gắn bó dài lâu với bộ môn ca Huế, nghệ nhân Nguyễn Kế đã thuộc rất nhiều lời ca các bài bản lớn của ca Huế cùng với các xuất xứ sự hình thành của các bài bản ấy đã giúp cho giới nghiên cứu, sưu tầm có điều kiện chỉnh lý, sưu tập làm tư liệu và truyền bá các bài bản cổ.


Cũng như nghệ nhân Trần Kích có con trai là Trần Thảo kế thừa sự nghiệp của thân sinh, nghệ nhân Nguyễn Kế cũng có con trai là Nguyễn Đình Vân từ năm 12 tuổi đã được ông truyền dạy nghệ thuật đàn ca Huế; Nguyễn Đình Vân (ảnh dưới, bên trái là nghệ nhân Trần Kích) cũng đã từng với Trần Thảo lưu diễn nhiều nơi trong nước và quốc tế. Chúng ta trân trọng và ngưỡng mộ tài năng, tâm huyết của những gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc ấy.


Nghệ nhân Nguyễn Kế đã lần lượt được Bộ Văn Hóa Thông Tin tặng Bằng khen tại Đại Hội ca nhac Huế lần thứ I (1977); tại Liên hoan Âm nhạc dân tộc ở Hà Bắc (1978); Năm 2000 được tặng Huy chương Chiến Sĩ Văn Hóa. Với những thành tích trên, nghệ nhân  Nguyễn Kế đã góp vào dòng sông âm nhạc cổ truyền Huế những phím lòng nhân hậu. Phím lòng ấy mãi vọng ngân trong cõi nhân gian, chan chứa tình người.

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.