Nhà văn TRẦN PHƯƠNG TRÀ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 8772
Giới thiệu nhà văn Trần Phương Trà, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam
Tên thật: Trần Nguyên Vấn
Sinh năm: 1937
Nơi sinh: Thành phố Huế.
Bút danh: Trần Phương Trà
Thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết
Tác phẩm:
Trở về Hà Nội, in chung - 1960
Của tin – 1981
Ba người bạn Quốc Học Huế -1997
Nhớ Tuân Nguyễn - 2008
Huế giữa lòng Hà Nội - 2010.
Giải thưởng:
Giải thưởng của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội và Tổng cục Chính trị bút ký “Lần theo năm tháng cũ” – 1992.
****
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 st1\:*{behavior:url(#ieooui) } /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}
NHÀ THƠ XUÂN DIỆU VỚI TRƯỜNG QUỐC HỌC HUẾ
VÀ CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG THƠ
ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
Trường Quốc Học Huế được thành lập năm 1896 theo dụ của nhà vua yêu nước Thành Thái. Trường chỉ có bậc trung học cơ sở. Niên khoá 1936-1937, trường đổi tên là Lycée Khải Định, bắt đầu có hệ trung học phổ thông và thi tú tài bán phần, tú tài toàn phần. Năm học đầu tiên, các học sinh lớp 11, 12 rút từ trường Albert Sarraut ở Sài Gòn và trường Bưởi Hà Nội. Các ông Xuân Diệu, Mai Chí Thọ, Nguyễn Khắc Viện... cũng vào học Lycée Khải Định từ thời ấy. Giáo sư Nguyễn Hữu Thứ, cố hiệu trưởng trường Trung học Khải Định hai niên khoá 1948-1949 và 1949-1950 ở Hồi ký "Kỷ niệm ký túc xá Quốc học với thi nhân Tế Hanh, Nguyễn Đình, Xuân Diệu, Huy Cận” in trong tập "Một thời Quốc học “xuất bản ở Toronto Canada năm 2002 có đoạn: "Hai nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận học trên tôi 2 lớp nên tôi ở chung Dortoir IV một năm mà thôi. Lưu trú sinh ở D. IV thuộc ban tú tài chỉ lớp Seconde, tương đương với lớp 10 là không thi gì, học sinh rảnh, hai lớp còn lại thi tú tài I, tú tài II mà chương trình rất nặng, nên ai cũng lo "học gạo", không có thì giờ chuyện trò thân mật. Nếu trời tốt, giờ nghỉ là ra sân tập thể dục, thể thao hoặc bách bộ để nghỉ ngơi cho lại sức. Đó là nói chung chung. Riêng anh Huy Cận không thấy tập thể dục hay chơi thể thao mà lặng lẽ làm việc riêng. Anh Xuân Diệu cũng không chơi thể thao, không làm việc riêng gì, thường đi chơi với một học sinh nhỏ ở Dortoir II hay Dortoir III, luôn luôn có một bạn trai nào đó, có thể khác nhau tuỳ giai đoạn và không bao giờ thấy Xuân Diệu có một bạn gái nào.
Ngày chủ nhật hay ngày lễ, anh Huy Cận thường cũng hay ra, có lúc ở lại ký túc xá, anh Xuân Diệu ra ngoài nhiều hơn là ở lại. Lúc ra, anh xoa đầu cho tóc - đã quắn- có vẻ... vô trật tự hơn nữa, rồi đứng đường Lê Lợi, góc trước trường, gần cabin điện, gần trường Đồng Khánh, để nhìn các nữ sinh rời ký túc xá trong đồng phục màu xanh biển. Nhìn một cách nên thơ thôi chứ không làm gì cả. Lúc phỏng các nữ sinh ra hết, anh mới đi chỗ khác.
Tôi có cảm tưởng rằng anh Xuân Diệu làm thơ dễ dàng lắm, không thấy anh viết gì lúc vào phòng học. Anh Huy Cận cũng học, viết như những lưu trú sinh khác, không rõ anh làm thơ hay làm bài. Có một ngày nghỉ, tôi hướng dẫn một số bạn xa đi thăm một số làng bằng xe đạp. Lúc đến gần mộ của vua Minh Mạng trong lăng, chúng tôi thấy anh Huy Cận làm thơ hay viết gì có vẻ chăm chú lắm; nơi đó, khung cảnh đẹp mà ít người qua lại. Còn anh Xuân Diệu nhân đi chơi ở con đường từ Nam Giao đến lăng Tự Đức, vùng lăng Tùng Thiện Vương đi cùng các lưu trú sinh nơi đầy thông, rất đẹp về mùa xuân, lúc về chuẩn bị viết Phấn Thông Vàng.
Ai cũng biết trước đây hai nhà thơ trên nổi tiếng là viết văn chương trữ tình, mỗi người một cách. Trong bài tựa cho cuốn Thơ Thơ của Xuân Diệu, Thế Lữ viết: "Mục đích của đời người là sự sống. Mà còn gì làm sống đầy đủ hơn là Xuân và Tình? cho nên Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân... Sở dĩ Xuân Diệu tham lam với tình yêu,.. là bởi vì thi sĩ rất sợ cô độc. Đọc lắm bài của Xuân Diệu, người ta có cảm tưởng rằng nhà thơ thường nghĩ đến tình cảm "khăng khít" nhiều như bài "Xa Cách":
Có một bận em ngồi xa anh quá,
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn
Em ngoan ngoãn xích lại gần hơn chút nữa
Anh vẫn giận em mỉm cười vội vã
Đến kề anh và mơn trớn "em đây"
... Hãy sát đôi đầu ! Hãy kề đôi ngực!
Hãy hôn nhau đôi mái tóc ngắn dài !
Những cánh tay! Hãy quấn quýt đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt !
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa anh sẽ bảo em rằng
"Gần thêm nữa ! Thế vẫn còn xa lắm".
Viết thì vậy, trong thực tế, không phải thế. Tuy mỗi ngày nghỉ anh Xuân Diệu ra đứng ở góc trường để nhìn các nữ sinh nội trú đi qua, mà không bao giờ ai thấy thi nhân "đưa Ngọ về" cả. Trong danh sách nữ sinh mà tôi có nói đến lúc viết về Tế Hanh, không thấy tên cô nào có một bên "Xuân Diệu' s''.
Nhà thơ Trà My Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá thông tin Thừa Thiên Huế, dạy học ở trường nữ trung học Đồng Khánh trong hồi ký "Cảm nhận Đồng Khánh" có nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu:
"Trong một buổi "học chạy" sang dạy nhà trệt, cách trường Đồng Khánh bằng một con đường, lớp chúng tôi đang nhốn nháo vì quá 10 phút mà thầy dạy Anh văn (Thầy Nguyễn Đức Mai) chưa đến. Nhiều tên trong lớp đã nhảy lên thềm cửa sổ hướng sang phía Đồng Khánh nhìn dáo dát. Đang lúc lộn xộn thì thầy giám thị Trần Thanh Tánh đi vào lớp. Trật tự của lớp học được nhanh chóng lập lại, thầy Trần Thanh Tánh đã cao hứng nói chuyện với học sinh "Các cậu là học sinh Đệ Tam C1 phải không?". "Ban C1- Văn chương thì có biết thơ Xuân Diệu viết về Quốc học- Đồng Khánh không?" Câu mở đầu của thầy giám thị làm cả lớp chưng hứng vì chưa ai biết. Rồi theo đà xúi bẩy của học sinh, thầy Tánh đã kể lại câu chuyện mà theo thầy là do thầy Tổng giám thị Đặng Văn Kế trước đây kể lại: Xuân Diệu từ khi ngồi trên ghế trường Quốc học đã có những bài thơ hay. Một lần trong giờ chép bài, Xuân Diệu đã bị thầy giáo bắt gặp "cái tội" không chịu chép bài làm ngồi làm thơ. Bài thơ của Xuân Diệu còn bị thầy chê "thơ sáo mòn", trời đang sáng trưng mà lại còn bày đặt "hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm". Xuân Diệu đã phải ngậm bồ hòn không dám cãi, nhưng khi hết giờ nhà thơ mới phản công với bạn bè "thầy không hiểu gì về thơ". Thì ra "mặt trời" của Xuân Diệu không phải là mặt trời mà là cô bạn nhỏ Đồng Khánh ở bên kia đường. Hôm đó trời mưa lạnh, nước lũ đang dâng lên, trường Đồng Khánh cho học sinh nghỉ học. Xuân Diệu không còn thấy được những cánh tay vẫy vẫy phía Đồng Khánh nên đã viết:
Hôm nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em !
Và từ hôm đó cũng không cần tìm hiểu câu chuyện của thầy Trần Thanh Tánh chính xác đến đâu, chúng tôi đã tiếp nhận một điều thú vị: Đồng Khánh là mặt trời của học sinh Quốc học, một mặt trời không những biết đi ngủ sớm mà còn biết che nón làm duyên, biết vẫy tay và tinh nghịch truyền những tín hiệu "gửi hôn cho gió" bằng những ngón tay xinh đẹp".
Những năm 1950-1954, khi học ở trường trung học Khải Định, thế hệ học sinh chúng tôi thường tự hào nhắc đến các nhà thơ đã học ở khoá trước như: Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Tố Hữu, Nam Trân, Bích Khê, Phạm Hầu, Nguyên Xuân Sanh, Khương Hữu Dụng... Chúng tôi sung sướng khi đọc những lời của Ngô Xuân Diệu gửi lại cho thế hệ đàn em: "Anh giao cho em trường học thân yêu, tổ ấm của hồn ta lấy sức; anh giao cho em phòng học sáng sủa, hiên trường có tiếng guốc vang... bụi chuối sau hè, hàng cửa xanh trước mắt, bóng rót mát như tóc chảy... và giao lại cho em cả gió cả trăng".
Trong bài thơ "Lưu học sinh", Xuân Diệu tâm sự:
... Khi ấy lòng xanh mới đón tình
Rào trường ngăn giữ kín vườn xinh,
Chàng trai nhỏ nhé, tôi khi ấy
Đi giữa thiên nhiên để kiếm mình...
... Ai trả cho tôi những mộng đầu
Người con gái nhỏ áo sai bâu,
Đoạn tình thứ nhất sương bao ấp,
Hoa cỏ đưa thơ, lá bắc cầu.
Nhà thơ luôn nhớ Huế và nhớ trường Quốc học Huế.
Vừa độ trai tơ, xuân lại sang
Hoa tươi thêm Huế lại mơ màng
Men trời sực nức nhưng mau lạ
Biết trước cho nên đã vội vàng.
(Trò chuyện với Thơ thơ)
Chúng tôi tìm các tập thơ của các nhà thơ mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhắc đến trong "Thi nhân Việt Nam" và chép thành những tập mỏng. Chúng tôi sưu tầm đủ các tập Thơ thơ, Gửi hương cho gió của Xuân Diệu, Lửa thiêng của Huy Cận, Mấy vần thơ của Thế Lữ, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Điêu tàn của Chế Lan Viên và thơ của nhiều nhà thơ khác.
Với tấm lòng ngưỡng mộ các nhà thơ trên, không ngờ từ cuối năm 1961 tôi trở thành biên tập viên Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, có nhiều dịp được gặp và trao đổi với các bậc đàn anh.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Xuân Diệu đã ở 9 năm tại các chiến khu Việt Bắc, đã đi theo Đài tiếng nói Việt Nam và phụ trách một tuần nói một "câu chuyện văn hoá" ở Đài. Các tuỳ bút này về sau xuất bản thành tập "Việt Nam trở dạ". Chính Xuân Diệu đã viết những bài "tiếng thơ" giới thiệu và cổ vũ phong trào thơ của công nông binh. Cái tên "Tiếng thơ" của Xuân Diệu đặt đã phát triển thành chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam hơn sáu chục năm nay.
Tôi đã nhiều lần trực tiếp đến gặp nhà thơ Xuân Diệu ở 24 Cột Cờ (nay là phố Điện Biên Phủ) hoặc gọi điện xin thơ, tuỳ bút, bình luận về thơ. Vốn là người của Đài Tiếng nói Việt Nam cũ, nhà thơ hiểu rõ tác dụng kịp thời của làn sóng điện nên mỗi khi có bài thơ mới, nhà thơ tự mang đến cho chương trình Tiếng thơ và sau đó gửi cho các báo khác. Từ năm 1961 đến 1966 tôi đã dàn dựng và thu thanh cũng như đã đưa vào chương trình tiếng thơ nhiều bài thơ của Xuân Diệu. Nhiều lúc đùa vui, chúng tôi nhại giọng đọc của Xuân Diệu:
Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau...
"Mũi thuyền ta đó" và tiếng "Cà" kéo dài ra trước khi hạ tiếng "Mau".
Bài thơ "Ông -cụ -trồng -cây" của Xuân Diệu được phát thanh dịp mùa xuân 1962. Bài "Tên đất nước trở thành tên chiến thắng" với những câu thơ thân thuộc như những lời nói thường được phát ngay khi tác giả vừa sáng tác xong mang đến người nghe những kiến thức mới lạ:
- Ôi ! những tên đất nước Miền Nam ta!
Âm thanh hiền hậu, tiếng đặt nôm na
Như cây chùm ruột, như trái chà là,
Tổ tiên xưa chắc là không kịp chuốt,
Cứ mộc thế, mà yêu thương nhức buốt
Những tên nguyên vẹn như thể Tây Nguyên,
Những tên từ Đại Nam thực lục tiền biên
Thấy cha đang còn khom mình cuốc vỡ,
Thấy mẹ đang còn phồng mồm thổi lửa,
Cần Thơ, Cần Guộc, Cần Đước dễ nghe,
Cái Thia, Cái Sắn, Cái Nước, Cái Bè,
Và Cai Lậy - vốn chính là Cái Lậy...
Những tên đất hiền không phải chỉ nằm trên giấy,
Những tên đứng dậy
Với chữ gầm lên
Tôi chưa thấy bao giờ hàng nghìn vạn tiếng tên
Khắp đất Miền Nam nổi gai cùng một lúc!
Năm 1983, nhà thơ Trinh Đường cùng với một số nhà thơ khác đã về làng Thuận Vi, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chúng tôi được biết từ năm 1964, nhà thơ Xuân Diệu đã có bài "Vườn Thuận Vi":
... Cam quýt thêm na, ổi rộn ràng.
Hái hoa ngâu rực chiếc nong vàng
Canh khuya chợt thức như hoa ngát,
Giấc ngủ như là đã ướp hương.
Chúng tôi sưu tầm và mời thêm một số nhà văn nhà thơ viết về xã Bách Thuận. Tôi lo biên tập tập thơ văn về xã và năm 1983 xã Bách Thuận cho in 3.000 bản tập "Hương vườn Bách Thuận". Anh Phạm Văn Thưởng Chủ tịch UBND xã là một người mê thơ. Anh thuộc nhiều bài thơ trong tập sách và tự hào về tập văn thơ đó. Tôi mang sách và nhuận bút của xã đến 24 Điện Biên Phủ gặp Xuân Diệu trao sách và nhuận bút cho nhà thơ. Xuân Diệu xiết chặt tay tôi và pha cà phê cùng uống:
- Mừng chúng ta cùng có thơ trong tập này.
Tôi kể về làng Thuận Vi hiện nay và công việc làm tập sách, đồng thời xin vài dòng bút tích cho xã. Xuân Diệu dọn ra mấy chiếc kẹo và đưa tập thơ tình gồm những bài thơ do Xuân Diệu chép tay:
- Mình khoe với Vấn để Vấn mừng cho tập thơ tình của mình mới in ở Paris.
Viết mấy dòng gửi xã Bách Thuận và ký vào tập thơ "Hương vườn Bách Thuận" cạnh tên tác giả, nhà thơ thân mật nói:
- Sao em ít đến với anh thế?
- Em không dám làm phiền anh, sợ làm mất thì giờ của anh.
- Em cứ gọi điện cho anh, anh sẵn sàng tiếp em. Anh là người của Đài Tiếng nói Việt Nam mà...
Năm 1983 tôi được mời dự hội nghị khoa học về "dạy và học tiếng Việt trong nhà trường" tại thị xã Tây Ninh. Nhà thơ Xuân Diệu có đọc một tham luận trong hội nghị. Trường Cao đẳng sư phạm Tây Ninh đã mời nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện thơ. Xuân Diệu bảo tôi và mấy nhà thơ trẻ khác:
- Anh nhờ các em đến sớm sắp xếp chỗ ngồi nhất là mấy bàn trước dành cho các nữ sinh của trường để cho buổi nói chuyện thêm hào hứng.
Chúng tôi hiểu nhà thơ Xuân Diệu rất kỹ tính khi bình thơ vì thế cùng ban tổ chức, chúng tôi lo sắp xếp người nghe, lo micơ rô, đèn bàn, nước uống để nhà thơ yên tâm trên bục. Buổi nói chuyện thơ của Xuân Diệu được thầy trò trường cao đẳng sư phạm Tây Ninh và nhân dân thị xã hoan nghênh nhiệt liệt. Khuôn mặt nhà thơ bừng sáng khi chào và cảm ơn thính giả đã lắng nghe ông.
Mấy chục năm nay, hình ảnh của nhà thơ Xuân Diệu bên cạnh các thầy trò cũ của trường Quốc học Huế đã mang lại niềm tự hào cho trường được treo trang trọng trong phòng truyền thống. Hàng trăm bài thơ của Xuân Diệu còn lưu giữ ở Trung tâm âm thanh Đài Tiếng nói Việt Nam để lại dấu ấn sâu sắc về người khai sinh ra tiết mục Tiếng Thơ.
Hà Nội, 20-12-2010
Trần Phương Trà
Đời đời yên nghỉ giữa quê hương
thơ Trần Phương Trà
Nhà thơ Trần Phương Trà đã sáng tác bài thơ Đời đời yên nghỉ giữa quê hương nhân dịp Lễ an táng vợ chồng Nhà Thơ Phùng Quán và bà Vũ Thị Bội Trâm tại Khu nghĩa trang vùng Ngoại Viên Hưng, vùng đồi phía tây Thủy Dương, Thị xã hương Thủy, Thừa Thiên Huế vào lúc 10 giờ 30 ngày 6 tháng Chạp năm Canh Dần, tức ngày Chủ nhật, 9. 1. 2011.
Bản in sau cùng Với Nhà thơ Thanh Hải
Mừng cháu nội đầy tuổi tôi
Tặng cháu trai Trần Lê Hoàng An
Mừng cháu nay đầy được tuổi tôi
Nụ cười thơm đỏ cả đôi môi
Giữa vòng tay lớn đầy âu yếm
Nội ngoại quây quần tựa chiếc nôi.
Bốn chiếc răng cửa mới khoe ra
Cầu thang bò ngược mấy tầng nhà
Tai áp tay nâng đầu bên máy
Bắt chước “a lô”, miệng “á à”.
Nhún nhảy đi men vội bước chân,
Mắt nhìn chăm chú vật xa gần
Như chiếc còi, cháu cao tiếng hét
Vẫn làm mát dạ những người thân...
Một năm hạnh phúc với lo toan
Từ buổi sinh ra được vẹn toàn
Mẹ cha lắm tối không tròn giấc
Cho bụ má hồng, ăn ngủ ngoan...
Cả nước chào Ba mươi tháng Tư
Tưng bừng làng phố rợp hoa cờ
Từng năm cháu lại mừng sinh nhật
Hun đúc tâm hồn tự ấu thơ...
Đây bậc đầu tiên giữa cuộc đời
Còn bao thử thách dưới mặt trời
Đường xa tít tắp muôn nghìn bậc
Chúc cháu kiên trì bước đến nơi!
T.P.T
Huế với nhà thơ Huy Cận
|
||||
Tháng 4 năm 2001, nhà thơ thêm một niềm vui lớn góp phần vào niềm tự hào thơ ca Việt Nam hiện đại: được bầu làm Viện sĩ của Viện Hàn Lâm thế giới về thơ – académie mondiale de la posésie. Năm 1950 – 1954, lúc học ở trường Trung học Khải Định (Quốc học Huế), chúng tôi thường nhắc đến các thế hệ đàn anh, tự hào về các nhà thơ của phong trào thơ mới trong đó có Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh… là học sinh cũ của trường.
Chúng tôi sung sướng đọc những lời của nhà thơ Xuân Diệu, cựu học sinh Quốc học năm 1937 gửi lại cho thế hệ đàn em: “Anh giao cho em trường học thân yêu, tổ ấm của hồn ta lấy sức; anh giao cho em phòng học sáng sủa, hiên trường có tiếng guốc vang… bụi chuối sau hè, hàng cửa xanh trước mắt bóng rót mát như tóc chảy… và giao cho em cả gió trăng…”. Các anh Tường Phong Nguyễn Đình Niên, Hoài Chi Nguyễn Đình Tùng cùng vài bạn khác và tôi đóng những tập giấy pơ-luya màu chép các tập thơ Thơ Thơ, Gửi hương cho gió của Xuân Diệu, Lửa Thiêng của Huy Cận, Mấy vần thơ của Thế Lữ, Điêu tàn của Chế Lan Viên, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư… Những ngày ấy tôi đâu có ngờ từ năm 1961 được về làm biên tập viên Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam và được dịp gần gũi nhiều nhà thơ mà trước đây mình ngưỡng mộ. Sau chuyến đi thực tế ở mỏ, Huy Cận xuất bản tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng năm 1959. Tiếp đó là Đất nở hoa. Thơ Huy Cận nở rộ. Ông cộng tác chặt chẽ với chương trình Tiếng thơ và nhiều chương trình khác của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ ngày 2/9/1945 đến 3/1946, Huy Cận là Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời, hằng ngày đến làm việc ở Bắc bộ phủ như là một thư kí riêng của Hồ Chủ tịch. Có những lệnh mới của Chính phủ thì Hồ Chủ tịch giao cho Huy Cận ra đọc ở Đài Tiếng nói Việt Nam hồi đó ở phố Phạm Ngũ Lão sau nhà hát lớn Hà Nội để chuyển xuống Đài Bạch Mai. Ngày 23/9/1945, Pháp gây hấn ở Sài Gòn thì đồng bào trong đó chờ lệnh Hồ Chủ tịch. Đêm hôm đó, về khuya mới có lời Bác Hồ kêu gọi đồng bào Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống Pháp. Nhà thơ Huy Cận đã đọc nhiều lần lời kêu gọi lịch sử ấy của Hồ Chủ tịch. Huy Cận còn đọc nhiều chỉ thị của Chính phủ lâm thời, của Hồ Chủ tịch. Cũng như Xuân Diệu, Huy Cận mang những bài thơ mới sáng tác cho biên tập viên chúng tôi để kịp thời dàn dựng. Nhiều lúc chúng tôi mời các nhà thơ tự trình bày tác phẩm của mình. Chúng tôi đã thu cả những buổi nói chuyện thơ của Huy Cận ở Thư viện Quốc gia. Khi ban tổ chức giới thiệu Huy Cận là nhà thơ lớn, ông cười và nói: - Người ta là nhà thơ lớn còn tôi là nhà thơ béo… Sau này cùng ở trong ban liên lạc của cựu học sinh Quốc học Huế mà ông là trưởng ban, tôi có nhiều dịp làm việc với ông. Gặp ông, tôi đọc câu thơ cũ của ông:
Ông bắt tay tôi rồi nói đùa: - Ông là Trần Nguyên Vấn, con cháu Trần Nguyên Hãn. Còn nguyên một câu hỏi trên cõi trần này! Tôi nói: - Dạ, còn nguyên một câu hỏi như thơ anh viết:
Nhà thơ Huy Cận cười: - Ông thuộc thơ mình à? - Em biên tập, thu thanh, dàn dựng bao nhiêu bài thơ của anh làm sao mà không thuộc… - Cảm ơn. Ông gọi anh thư kí đi mua hai cốc nước chanh đá đem đến chiếc ghế đá ở sân Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật 51 Trần Hưng Đạo để ngồi nói chuyện lâu hơn. Về dự kỷ niệm 1000 năm thành lập trường Quốc học Huế, ông rủ tôi lên xem kĩ phòng truyền thống của trường. Tôi chụp một tấm ảnh ông đứng bên cạnh ảnh Huy Cận, Xuân Diệu… và lần khác, trong tuần lễ văn hóa huế, tôi lại mời ông chụp tấm ảnh khác. Huy Cận viết trong Đặc san kỷ niệm 100 năm thành lập trường Quốc học Huế (1896-1996): “Danh hiệu” học sinh cũ của trường Quốc học Huế vẫn là niềm vinh dự lớn của mỗi chúng ta, bất cứ thời nào, bất cứ đi nơi đâu. “Đồng môn Quốc học Huế”, đẹp thay cái tên thân yêu! Dù đi đâu, sống đâu ở các phương trời đất nước, dù sống ở quê nhà hay sống xa quê hương, thì cái tên “Đồng môn Quốc học Huế”, như một tiếng chim gọi đàn, lại tập hợp chúng ta trong tình cảm thầy xưa, bạn cũ, trong một nỗi niềm chung: tình trường, nghĩa nước. Tự hào là học sinh Quốc học Huế, nhà thơ đã ghi và đề nghị các bạn đồng môn ghi danh thiếp của mình, cạnh các chức danh khác dòng chữ: “Cựu học sinh trường Quốc học Huế”. Trong một tập thơ tặng tôi, ông ghi: “Thân tình tặng bạn đồng môn Trần Nguyên Vấn (Trần Phương Trà) Huy Cận – Thăng Long Hà Nội 10.2001. Quốc học trường ta, Quốc học ơi!”. Tháng 10 năm 2001, nhà thơ Huy Cận cùng nhạc sĩ Trần Hoàn, trưởng ban liên lạc cựu học sinh trường Quốc học Huế và tôi đi ô tô vào Huế dự lễ kỷ niệm 105 năm ngày thành lập trường Quốc học Huế. Dọc đường, nhà thơ Huy Cận với trí nhớ tuyệt vời kể lại nhiều kỷ niệm thời kì đi học ở Huế. Xin kể lại mẫu chuyện sau đây: Giáo sư Bửu Cân dạy ở trường Quốc học Huế, nhà dòng dõi nhà vua nên ở Huế người ta hay gọi là “Mệ Cân”. Những lần gọi học sinh lên trả bài, giáo sư Bửu Cân thường chậm rãi đọc họ của học sinh, dừng một chốc đọc chữ lót, lại dừng một chốc mới gọi đến tên. Mở sổ điểm danh ra, thầy Bửu Cân chĩa cây bút lên cao rồi đột ngột hạ thẳng đứng xuống chấm vào sổ, dõng dạc gọi: - Cù! Cả lớp vẫn yên lặng. Thầy hắng giọng rồi gọi: - Huy! Vẫn không có ai đứng lên. Thầy xướng to: - Cận! Cù Huy Cận đứng dậy: -Thưa thầy, có! Cù Huy Cận đi lên cạnh bảng, đứng quay mặt xuống các bạn. Thầy bảo: - Ở lớp này chỉ có một mình anh họ Cù, sao tôi gọi anh không xưng? - Thưa thầy, chưa có tên ạ! - Sao tôi gọi Cù Huy anh cũng chưa xưng? - Dạ thưa thầy, chưa có tên ạ! Rồi thầy Bửu Cân cười: - Nay tôi gọi anh là Cù Huy Cận, nhưng mai sau anh làm Thượng thư thì người ta không dám gọi tên anh mà gọi là “Cụ Thượng Cù”, “Cụ Cù”, “Cụ Cù” đó! Cả lớp cùng vui vẻ cười theo thầy Bửu Cân. Những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà thơ Huy Cận được gặp lại thầy Bửu Cân ở Nghệ Tĩnh. Huy Cận vui mừng chào thầy. Thầy Bửu Cân bắt tay Huy Cận và lại cười to: - Chào cụ Thượng Cù, chào cụ Cù, chào cụ Cù. Anh thấy không, hồi anh đi học tôi đã nói rứa, chừ đã đúng chưa? Hai thầy trò sung sướng ôm nhau. Nhà thơ Huy Cận kể tiếp: - Thầy Bửu Cân dạy vật lý, giảng bằng tiếng Pháp. Thầy bảo: người ta cho rằng vật chất ở ba dạng: dạng rắn, dạng nước và dạng khí. Tôi bổ sung thêm một dạng là sền sệt ví như kẹo mè xửng và cứt gà sáp. Thầy nhấn mạnh: “le mè xửng et le cứt gà sáp”. Cả lớp cười vang. Nhạc sĩ Trần Hoàn nói thêm: - Mệ Bửu Cân hai tay cầm hai viên phấn, cùng một lúc viết lên bảng đen mà chữ vẫn đẹp. Mệ hay hắt xì hơi. Vào lớp mệ đứng hắt xì hơi mấy chục cái liền. Xong rút mùi soa lau mũi, mệ quay xuống chỉ một học sinh: - Trò ni… mấy cái? - Dạ thưa thầy, mười chín! Mệ Cân tỉnh bơ: - Sai! Hai mươi! Đêm đó, nghỉ lại bên bờ sông Nhật Lệ, nhà thơ Huy Cận không chịu ở một phòng riêng, ông đề nghị sếp tôi cùng ở với ông đề phòng tuổi già có bất trắc. Tôi cũng đã đưa nhà thơ Huy Cận đến thăm nhà điêu khắc, Viện sĩ Điềm Phùng Thị tức bà Phùng Thị Cúc, sinh năm 1920. Bà bị tai biến mạch máu não, ngồi trên xe lăn, rất vui khi được Huy Cận đến thăm. Huy Cận hôn lên má người bạn Quốc học năm xưa, ân cần hỏi thăm sức khỏe của bạn. Tôi đứng bên thực sự xúc động trước cuộc gặp gỡ của hai người bạn, hai nghệ sĩ lớn, hai Viện sĩ. Tôi cũng đưa nhà thơ về thăm lại trường tiểu học Thanh Long. Ban giám hiệu và ban phụ huynh học sinh nhà trường đang họp chuẩn bị kỷ niệm 80 năm thành lập trường vào năm 2002. Nhà thơ Huy Cận thăm các thầy giáo, cô giáo và kể lại những năm đi học bậc tiểu học cùng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ở trường, nhắc đến những hàng cây, lớp học và các thầy giáo hồi đó… Là một người có nhiều gắn bó với Huế, nhà thơ Huy Cận xem Huế như quê hương thứ hai của mình. Ông dự nhiều cuộc họp Hội đồng Hương Thừa Thiên Huế, làm cố vấn cho Tuần văn hóa Huế tại Hà Nội (4-1999), tham gia câu lạc bộ văn hóa Huế tại Hà Nội và nói chuyện “Huế thơ và thơ Huế” với hội viên câu lạc bộ… Nhà thơ đã đi xa nhưng những vần thơ của Huy Cận vẫn còn mãi mãi với đất nước, với nhân dân Thừa Thiên - Huế và đồng môn Quốc học Huế:
|
Vài kỷ niệm về nhà thơ Thanh Hải
Đầu năm 1961, hai mươi bốn sinh viên khóa 3 Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội chuẩn bị thi tốt nghiệp. Bắt đầu từ năm học này, sinh viên khoa ngữ văn phải làm luận án. Mỗi chúng tôi được giao làm một bản khóa luận về một vấn đề văn học, một tác giả hay một trào lưu văn học trong hoặc ngoài nước. Tôi chọn viết về Thanh Hải, Giang Nam, hai nhà thơ quen thuộc của miền Nam hồi ấy.
Ngoài một số bài đã đăng trên các báo, tôi được nhà thơ Lương An, biên tập thơ báo Thống Nhất cho mượn nhiều tài liệu về thơ từ miền Nam gửi ra. Tôi tìm thấy trong thơ Thanh Hải những hình ảnh thân thiết của người vợ có chồng đi tập kết, tình cảm của nhân dân dành cho những người kháng chiến cũ ở lại miền Nam, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các bộ cách mạng và nhân dân miền Nam và cả tội ác của giặc. Những bài thơ của Thanh Hải như “Mồ anh hoa nở”, “A Vầu không chết”, “Núi vẫn nhớ người vẫn thương”, “Cháu nhớ Bác Hồ”... gây được nhiều xúc động trong người đọc. Với sự hướng dẫn của giáo sư Hoàng Như Mai, tôi viết khóa luận về thơ Thanh Hải, Giang Nam trong công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi về công tác ở chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam cuối năm 1961. Tháng 10 năm 1962, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Trong đoàn có nhà thơ Thanh Hải. Đoàn đã đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi đã được gặp nhà thơ Thanh Hải. Một năm qua, tôi đã được làm quen với nét chữ của anh và hiểu một phần con người anh qua những bài thơ mà tôi đã đọc kỹ, dàn dựng thu thanh và phát trên sóng. Thật sự đau xót trong cảnh gặp gỡ hồi ấy:
Tám năm nay mới gặp nhau
Ôm nhau mà thấy lòng đau chín chiều
Xa nhau chỉ một mái chèo
Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây”.
Năm 1967, tôi được trở về quê hương, tham gia công tác ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế, có nhà thơ Thanh Hải phụ trách. Anh làm chủ bút tờ “Cờ giải phóng”. Ở tòa soạn còn có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Kha, Lê Khánh Thông. Khi khu Trị- Thiên- Huế được thành lập, anh Thanh Hải và tôi được điều động về Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị- Thiên- Huế. Anh Thanh Hải là trưởng tiểu ban tuyên truyền văn nghệ. Chúng tôi rời cơ quan báo "Cờ giải phóng" để lên đường. Qua nhiều cánh rừng bị chất độc hóa học, cành trơ trụi chĩa thẳng lên trời với một màu tím âm âm, qua những hố bom B. 52, B. 57, mấy ngày đường mới về tới hậu cứ của Khu ủy. Lại bắt tay vào đào hầm, chặt cây, làm nhà và làm việc.
Thanh Hải nước da vàng sốt rét vẫn xốc vác trong mọi việc. Anh có nhiều kinh nghiệm sống ở rừng để ngăn ngừa bớt các thứ bệnh. Đã hai mươi năm lăn lộn với mảnh đất này, anh hiểu giá trị của từng ngày đang sống. Những ngày hoạt động “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã rèn cho anh tác phong gọn gàng khẩn trương trong mọi hoàn cảnh. Những lúc đào hầm, làm nhà hay ngồi bên bếp lửa rừng, anh kể nhiều chuyện dí dỏm và nhiều câu chuyện cảm động lúc đi tìm bắt liên lạc với dân.
Thanh Hải kể lại lần ra Bắc được gặp Bác Hồ, khi đọc bài thơ “Cháu nhớ Bác Hồ, ngâm đến câu “Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn”, anh quên mất. bác thấy Thanh Hải quên, liền ôm hôn, và nói:
- Đấy! Hôm nay Bác hôn thật đấy!
Thanh Hải kể:
- Có một lần, Bác nói một câu tôi nhớ mãi, lấy làm bài học cho mình. Khi đó Bác tặng anh Hiếu một cuốn Europe (Châu Âu) số đặc biệt đăng toàn tác phẩm Việt Nam, trong đó thơ Bác được dịch và đăng ở đầu. Nhân đó tôi cũng muốn khoe với Bác một chút. Tôi thưa: “Thưa Bác, trong này họ có dịch thơ cháu. Tôi tưởng Bác sẽ khen, không ngờ Bác nói:
- Ừ chú thì cứ đọc thơ chú, có đọc thơ ai!
Tôi biết Bác có ý phê bình, không nên đề cao mình không nên chỉ biết có mình mà không đọc tác phẩm, không học hỏi người khác.
Những ngày cuối năm 1967, một không khí náo nức khẩn trương trên mọi nẻo đường của chiến khu và vùng giáp ranh của Trị- Thiên- Huế. Tháng 12 này rừng núi Trị- Thiên không có mưa dầm, không có sương mù. Đây là một chuyện hiếm có. Đại hội mừng công của Trị Thiên Huế với hai khẩu hiệu “Tiến vào Đông Xuân quyết thắng” và “Giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”. Anh chị em thông tấn, báo chí, văn công, văn nghệ, điện ảnh... lo phục vụ đại hội và ngay sau đó nườm nượp đi về phía trước. Cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế một bộ phận ra Qủang Trị còn phần lớn dồn về Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 68. Chúng tôi lại lo làm tờ báo "Cờ giải phóng" số Tết Mậu Thân và các tài liệu tuyên truyền khác. Anh Thanh Hải về cánh Nam thành phố Huế. Anh trở lại với địa bàn xã Hương Thọ, với lăng Gia Long và các thôn Đình Môn, Kim Ngọc, Hải Cát... mà anh đã từng bám dân bám đất ở đây trong nhiều năm. Cùng với các đơn vị bộ đội đánh vào phía Nam Huế, Thanh Hải được sống những giờ phút lịch sử giữa thành phố quê hương. Đã biết bao lần đứng trên núi Kim Phụng, trên các ngọn đồi, cánh rừng phía Tây thành phố, anh nhìn về thành phố bên dòng sông Hương với niềm mơ ước được về đấy dù chỉ là vài phút. Mùa xuân 1968 này, anh được về giữa Huế. Những cảm xúc đó anh gửi gắm trong “Tổ khúc mùa xuân Huế” và cả trong vở kịch thơ: “Bình minh trên thành Huế”:
“Ôi Huế của ta, Huế của ta
Cành phượng chưa hè cũng nở hoa
Cờ bay chiến lũy trên phòng ấm
Súng tự lòng tin, súng bắn ra
Đầu năm 1968, Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế được đón các nhà báo Thái Cương, Lê Khánh Căn, Trương Xuân Thâm, Bùi Á, Hoàng Tá và Tô Chức. Các anh cùng chia nỗi gian lao với chúng tôi. Thanh Hải luôn nhiệt tình trao đổi với các nhà báo từ Hà Nội vào. Một hôm, Thanh Hải và tôi tiễn hai anh Bùi Á và Tô Chức ra trạm liên lạc để các đồng chí lãnh đạo huyện ủy Phong Điền, Quảng Điền đón các anh về vùng sâu.Thanh Hải ôm chặt Bùi Á, Tô Chức lưu luyến. Anh biết kỵ binh bay Mỹ đang hoạt động ráo riết khắp cả chiến trường Trị Thiên Huế. Cũng chỉ mấy tháng sau, Tô Chức đã hy sinh anh dũng ở đất Quảng Điền còn Bùi Á đã bị Mỹ bắt.
Mùa thu năm 1969, lực lượng văn nghệ Trị Thiên Huế tổ chức Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ Giải phóng. Chúng tôi quây quần bên nhau để bàn bạc về sáng tác và biểu diễn văn nghệ. Có mặt nhiều anh chị em: Hồ Thuận An, Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Tuyến Trung, Thuận Yến, Trần Vàng Sao, Vũ Ngàn Chi, Phong Hải, Nghiêm Sĩ Thái, Nguyễn Hữu Vấn, Lê Phương Thảo, Lê Khánh Thông, Thu Lưỡng, Trần Phương Trà... Có cả nhà văn Xuân Thiều đến dự. Bài nói chuyện của đồng chí Hai Bình (bí danh của đồng chí Hoàng Anh, bí thư Trung ương Đảng), bí thư khu ủy Trị Thiên Huế với đại hội thật chân tình, cởi mở, gợi nhiều hướng mới cho anh chị em văn nghệ. Nhạc sĩ Hồ Thuận An (Trần Hoàn) được bầu làm Chi hội trưởng, nhà thơ Thanh Hải được bầu làm Chi hội phó kiêm Tổng thư ký Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên Huế. Sau đại hội, anh Thanh Hải và tôi qua máy ghi âm chép lại bài nói chuyện của đồng chí Hoàng Anh và cho in rô- ni- ô gửi về các đơn vị.
Anh Thanh Hải cùng nhiều anh chị em báo chí văn nghệ dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua công nông binh Trị Thiên Huế năm 1969. Anh Lê Chưởng, Phó bí thư Khu ủy thường ưu tiên dành cho chúng tôi được đến trước ngày khai mạc gần cả tuần lễ để gặp gỡ các đại biểu từ các nơi về để khai thác tài liệu. Nhà thơ Thanh Hải cũng chịu khó trò chuyện và ghi chép. Tôi nhận thấy tròng trắng mắt anh đã chuyển sang màu vàng như màu viên thuốc ki- na- cơ- rin pha loãng, tôi nói:
- Anh Thanh Hải ơi! Anh nghỉ đi kẻo nguy đó.
- Cậu này có nhiều chuyện hay quá. Mình đang ham mà...
Mấy ngày sau, ngay trong buổi khai mạc Đại hội, Thanh Hải ngã gục xuống phải chuyển đến phòng cấp cứu và ngay liền đó, anh được cáng đi bệnh viện với một bình mô- ri- a- min với ống truyền cho anh treo trên cáng.
Thanh Hải được cáng tiếp trên đường Trường Sơn và chuyển ra Bắc chữa bệnh. Thời gian sau, anh xây dựng gia đình với chị Thanh Tâm, cô văn công có giọng hò tha thiết ở Đội văn công xung kích của Thừa Thiên. Chị Tâm cũng được ra Bắc chữa bệnh và theo học nghề y.
Năm 1973, nhà thơ Thanh Hải trở lại chiến trường và lại cho ra tờ Tạp chí Văn nghệ Trị Thiên Huế tiếp tờ “Sinh hoạt văn nghệ” của chúng tôi làm năm trước.
Tháng năm 1975, đứng trên lầu Ngọ Môn trong ngày hội chiến thắng, chúng tôi bâng khuâng trước dòng người cuồn cuộn giữa cờ hoa và biểu ngữ tươi thắm. Phía Tây những dãy núi xanh thẫm uy nghiêm hằn rõ nét trên bầu trời trong xanh. Giờ đây được đứng trên lầu hoàng cung, nhà thơ Thanh Hải đã viết:
“Hôm nay trên Ngọ Môn
Ta lên ngôi chiến thắng”.
Sau năm 1975, Thanh Hải là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Thanh Hải vẫn viết đều đặn, ngoài đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh còn mở rộng nhiều đề tài khác. Trường ca "Hành khúc người ở lại” hoàn thành năm 1980.
Nhưng những năm tháng vô cùng gian khổ của một cán bộ bám đất bám dân, uống những nguồn nước có nhiều chất độc hóa học của Mỹ, bị những trận sốt rét dai dẳng tàn phá, bệnh gan của anh càng nặng thêm. Những năm tháng cuối cùng anh làm việc với nghị lực phi thường. Trong một bức thư gửi cho bạn anh viết: “... Tôi luôn luôn có cái ám ảnh của một người đau bệnh hiểm nghèo rằng, không biết mình sẽ nằm xuống lúc nào, nằm xuống để rồi không dậy nữa. Lúc đó để lại bao nhiêu chuyện dở dang, trong đó có những tác phẩm... Khi có điều kiện, người cảm thấy thoải mái đôi chút, là tôi liền ngồi vào bàn. Tôi tự nói: phải sống những ngày tháng cuối có ích để khi mất đi, mình vẫn làm việc đến giờ chót” (1)
Tôi cầm trên tay những tập thơ của Thanh Hải: “Những đồng chí trung kiên” (Văn học - 1962), “Huế mùa xuân” (Giải phóng 1970), “Huế mùa xuân” (tái bản, có bổ sung. Văn nghệ Giải phóng 1977), “Dấu võng Trường Sơn” (Văn học 1977), “Mưa xuân đất này” (Tác phẩm mới - 1982), “Thơ Thanh Hải” (Thuận Hóa- 1982) lòng bùi ngùi nghĩ đến những năm tháng sống bên anh. Thơ anh là tiếng nói chân chất đôn hậu, đậm đà tình yêu thương nhưng ít đổi mới trong phong cách, nhiều bài dàn trải, chưa có những cấu tứ mới lạ, nhiều chỗ còn tự lặp lại mình; Tuy vậy đã ghi lại kịp thời những hiện thực phong phú hào hùng của cách mạng miền Nam. Anh đã được giải nhất cuộc thi thơ báo Thống Nhất năm 1959, giải nhì cuộc thi thơ báo Thống Nhất năm 1962, các bài thơ trong tập “Tiếng hát miền Nam” được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu năm 1965.
Nhà thơ Thanh Hải (tên thật là Phạm Bá Ngoãn) quê ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, sinh ngày 4- 11- 1930 mất ngày 15- 12- 1980 tại Huế.
Thanh Hải là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” viết tháng 11- 1980 trước lúc mất có nửa tháng là tiếng nói chân thành như cuộc đời anh:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Lời thơ tự khép lại đời thơ của một nhà thơ, một chiến sĩ dũng cảm đã sống trọn vẹn với lý tưởng của mình.
T.P.T
(142/12-00)
-----------------------------
(1) Trích theo Ngô Văn Phú trong bài "Tâm hồn Thanh Hải" ở tập thơ "Mưa xuân đất này" - NXB Tác Phẩm Mới - 1983.
Tấm lòng của bà Công Tôn Nữ Trí Huệ với Đại tướng Võ nguyên Giáp
|
|
Thiếu tướng Trần Minh Đức, Trưởng Ban Liên lạc đồng hương Thừa Thiên – Huế đã liên lạc với đồng chí Huyên, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người thư ký cho biết Đại tướng sẵn sàng tiếp cụ. Tôi đã đưa cụ bà Trí Huệ và người con trai cụ đến thăm Đại tướng. Vợ chồng Đại tướng ân cần tiếp hai mẹ con bà. Bà Trí Huệ đặt trên bàn “trái dựa” màu vàng và thưa với vợ chồng Đại tướng: - Kính thưa cụ, con ở Huế ra… Đại tướng vội ngắt lời bà: - Bà đừng gọi thế. Bà vội chữa cách xưng hô và nói: - Kính thưa cụ, lần đầu tiên tôi được ra Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ, lại được cụ để ý lời thỉnh cầu của tôi xin được gặp cụ để thỏa lòng mong ước, tôi vô cùng cảm kích. Mừng cụ và phu nhân khỏe mạnh. Tôi có làm “trái dựa” này được hân hạnh kính tặng cụ. Đại tướng nói: - Chúng tôi cảm ơn bà. Rồi Đại tướng hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống của gia đình bà ở quê. Bà Trí Huệ chắp hai tay trước ngực chậm rãi thưa: - Cảm ơn cụ đã hỏi thăm. Hai mẹ con tôi ra ngoài này cũng bình yên. Ông và cha tôi thuộc dòng dõi triều đình nhà Nguyễn nhưng cũng là những người có tâm huyết với đất nước. Ông nội tôi phò tá vua Hàm Nghi, bác ruột tôi phò vua Thành Thái chống Pháp, sự việc không thành, phải tự vẫn. Cha tôi là Hường Dẫn giúp vua Duy Tân, sự việc không thành, cũng phải chịu giam cầm. Trong hai cuộc kháng chiến, tôi cũng có góp công nuôi giấu cán bộ, tiếp tế thuốc men… Đại tướng Võ Nguyên Giáp trìu mến nói: - Tôi rất mừng được bà con cho biết là gia đình bà cũng có đóng góp cho sự nghiệp chung. Cầu chúc bà luôn luôn mạnh khỏe và sống hạnh phúc với con cháu… Đại tướng kéo chiếc gối xếp gồm năm tấm màu vàng lại gần để xem: - Quà của bà cho đẹp lắm, công phu lắm… Một lần nữa xin cám ơn bà. Cũng nhân dịp này, tôi kính tặng vợ chồng Đại tướng cuốn “Đặc san kỷ niệm 105 năm trường Quốc học Huế” (1896-2001) trong đó có bài thơ của nhà văn Đặng Thai Mai (nhạc phụ của Đại tướng) và những tấm ảnh của cựu học sinh Quốc học Huế chụp với Đại tướng – cũng là một cựu học sinh Quốc học Huế. Tôi cũng kính tặng bài thơ tôi viết tặng Đại tướng năm 1986 ở chiến khu Dương Hòa “Chiến khu xưa, một lần gặp gỡ”. Lúc đó, Đại tướng là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đi thăm nơi ở đang khảo sát làm đập ngăn sông Tả Trạch, hồ chứa nước và đập thủy điện. Hôm đó, nhiều đoàn đang chờ được Đại tướng tiếp kiến nên sau khi chụp ảnh với Đại tướng và phu nhân, chúng tôi xin phép được ra về. Đại tướng và phu nhân ân cần đứng dậy bắt tay từng người và lưu luyến tiễn đưa. Trên đường về bà Trí Huệ nói: - Tôi đã hơn 80 tuổi, được cụ tiếp, thật là vui sướng, cảm động quá. Bao nhiêu ngày mong đợi… nay được trông thấy cụ còn khỏe, mừng cho dân, cho nước… Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ sinh năm 1922, cháu nội của Hoàng tử Miên Lâm, Hoàng tử thứ 57 của vua Minh Mạng. Theo nhà văn Nguyễn Đắc Xuân trong bài “Gặp một bà Công Tôn Nữ biết thêm về gia đình Phụ chánh thân thần các đời Hàm Nghi – Thành Thái” đăng trên tạp chí “Kiến thức ngày nay”, số 435 (10/9/2002), Hoài Đức Quốc Vương Miên Lâm làm phụ chánh thân thần các đời Hàm Nghi – Thành Thái. “Bác ruột của bà Trí Huệ là Hường Hoằng khi vào hầu vua Thành Thái, không rõ vua tôi bàn với nhau những gì về quốc sự mà bị mật thám Pháp bắt được. Sợ liên lụy cho vua, Hường Hoằng nhận hết trách nhiệm về mình. Để dằn mặt vua Thành Thái, thực dân Pháp buộc chính nhà vua phải ra lệnh giết Hường Hoằng. Biết không thể làm khác, trước mặt thực dân Pháp, vua Thành Thái đưa cho Hường Hoằng chọn một trong ba thứ: Thanh gươm, một dải lụa và một chén thuốc độc (tam ban triều điển). Hường Hoằng chọn chén thuốc độc. Ông lạy mẹ hai lạy rồi xin mẹ cho ông được chết vì nước. Lạy xong, ông tự vào nằm trong quan tài rồi uống cạn chén thuốc độc và chết một cách anh dũng”. … “Sau sự kiện Hường Hoằng, Nam Triều theo lệnh của thực dân Pháp bắt mẹ và em cùng mẹ với Hường Hoằng là Hường Dẫn phải về sinh sống với mẹ tại quê Hương Cần. Vì thế mà có chuyện một bà Công Tôn Nữ làm dân quê Hương Cần như hiện nay”. … “Trong tổ chức khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, Hường Dẫn (1892-1955) giữ một vai trò khá quan trọng… Khi cuộc Khởi nghĩa không thành, ông bị bắt giam tại Mang Cá với vua Duy Tân. Đáng lẽ, Hường Dẫn bị khép vào tội chết nhưng nhờ có người anh, con ông bác ruột là ông Hường Đề (con ông Tuy An Công Miên Kháp) rất thân với tân vương Khải Định nên xin với tân vương bảo lãnh cho Hường Dẫn khỏi tội chết. Hường Dẫn bị giam một thời gian rồi được thả về sống ẩn dật tại Hương Cần chuyên nghề làm thuốc bắc”. Là con gái ông Hường Dẫn, bà Trí Huệ lúc còn nhỏ giúp gia đình làm thuốc bắc, lớn lên đi học may để may vá cho các bà trong cung. Sau Cách mạng tháng Tám, bà là cán bộ xã Hương Toàn, ủy viên Ban chấp hành phụ nữ cứu quốc huyện Hương Trà rồi về hầu bà Hoàng thái hậu Từ Cung, rồi phụng trực lăng vua Minh Mạng. Bà đã che giấu cho nhiều cán bộ hoạt động trong thành phố Huế và tiếp tế cho bộ đội và cán bộ ở chiến khu. Bà cũng đã bị địch bắt giam ở lao Thừa Phủ và Mang Cá. Các ông Nguyễn Hữu Hường (Hường Thọ) nguyên Tỉnh ủy viên Thừa Thiên, nguyên bí thư huyện ủy Hương Trà trong hai cuộc kháng chiến; Trung Tướng Vũ Xuân Chiêm, nguyên Bí thư Thị ủy Huế thời chống Pháp, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Lê Tự Đồng, nguyên Phó viện trưởng Viện Quân sự cấp cao; các anh Mai Ngân trước ở chiến khu Dương Hòa; anh Đoàn Nhuận cán bộ dân vận của Thành ủy Huế hồi chống Mỹ… đã xác nhận những đóng góp của bà Trí Huệ trong hai cuộc kháng chiến. Bà đã được tặng huy chương Kháng chiến và bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. |
Của tin
Nghe có tiếng đằng hắng ở ngoài ngõ, thím Chuyên ngước mắt nhìn ra. Một người đàn ông mặc bộ bà ba xanh nhạt, đội mũ xáng bằng ni lông trắng đã ngả vàng, bước vào trong sân. Thím vội trải chiếu rồi nói:
- Chào ông đại diện, chẳng mấy khi ông quá bộ đến chơi, mời ông ngồi xơi trầu.
Đại diện Thời đặt chiếc mũ xuống và ngồi vào tấm phản. Mặt đỏ lựng, hắn cất cái giọng khè khè phả mùi rượu:
- Thím ở nhà một chắc à? Thằng Đường đi mô?
- Dạ, hắn đi trâu chưa về.
Cầm một miếng trầu do thím Chuyên đưa, hắn mở trầu ra, dùng móng tay út têm lại vôi, đôi mắt nhỏ cười nhắm tịt lại:
- Người xưa nói cũng hay thiệt: "Ăn trầu phải mở trầu ra … ". Vô nhà loại A thì cũng phải cảnh giác kẻo rạt gáo ra mô không biết. Hi hi … nói cho vui thôi. Chỗ bà con có lẽ mò lại bỏ thuốc độc thuốc ông đại diện, thím hé? Hi hi …
Vẫn cái dáng thong thả, hắn vấn một điếu Cẩm Lệ nhỏ như tổ sâu kèn và dán lên môi. Hắn vốn nghiện trầu và thuốc lá. Trước thì thuốc Cẩm Lệ mụ Thơi, sau này thì đòi cho được thuốc lá bà Cửu Ới trên Huế.
Hít một hơi thuốc xong, hắn mới lè nhè, hai bàn tay xoa xoa:
- Thím này … Nói gần nói xa … Tui không giấu chi thím. Xã giao cho tui tới gặp thím có chút việc. Chả là nội trong mười hôm nữa có tổ chức ăn mừng xã ta hoàn tất chương trình "bình định". Làng xã có an cư thì dân mới lạc nghiệp. Nên chỉ mấy ông trong hội đồng cũng có nhắm con trâu của thím.
Nghe câu "nhắm con trâu của thím", đang đứng, tự nhiên thím rùng mình. Mới hôm qua, thím có nghe loáng thoáng là xã đánh tiếng mua con trâu ấy. Chừ thì tên đại diện ngồi chèm bẻm trước mặt và n ói ra điều đó rồi. Không còn là c huyện đồn đại nữa. Hơi tái mặt, thím lặng người đi. Hắn giục:
- Răng đó? Thím có ưng để cho xã bắt không?
Hắn nói răng, bắt trâu hay bắt người? Hắn coi mình như con cá nằm trên thớt, đáng chi … Thím quay mặt về phía hắn, chậm rãi:
- Thưa ông đại diện, dân của xã thì nhờ xã chứ nhờ ai nữa. Ông coi nhà tui mẹ goá con côi, chén cơm hột muối, trăm sự trông vô nơi con trâu…
Hắn ngắt lời thím, giọng hơi gắt:
- Mà xã có lấy không mô?
- Dạ, tui cũng có biết là xã mua.
- Ờ, xã không ép. Thuận mua vừa bán thôi!
- Nhưng thời buổi ni cấy mấy sào ruộng, phân tro không có … Nên chỉ thưa với ông để ông trình với xã cho mẹ con tui nhờ. Thiếu chi nơi trâu to bò béo …
Hắn gật gật đầu, thịt ở đôi vai tròn lẳn rung rung.
- Ừ, xã cũng nhắm em xem chị cả đó, chứ có phải không khao chi! Mua cho thím là đem vốn liếng tới cho thím đó. Ai trong xã ni mà không thấy máy cầy của Kêbôta của chánh phủ đem về phát cho dân? Thiệt to hơn cha mẹ lo cho con ra ở riêng nữa. Lo giống lúa thần nông ni, mở lớp huấn luyện lái máy cày ni, lo phân, lo máy nước, lo chích thuốc chữa bệnh dịch cho gà, cho trâu … Gần sáu chục, cũng đã hai thứ tóc trên đầu, tôi chưa thấy khi mô bà con nông nghệ ta được như thời buổi ni cả. Thím có nghe nói không? Chánh phủ lo bớt cho cả cái tiền chuyên chở máy cày từ bên Nhựt Bổn về. Một cái máy cày Kêbôta đúng 160252 đồng, không bớt một xu chứ ít ỏi chi …
Thím Chuyên thăn thỉ giọng đều đều:
- Dạ tui cũng biết rứa, nhưng nhờ xã nghĩ lại cho, hai mạ con chân yếu tay mềm. Giữ con trâu, nhờ bà con cày cho năm bảy sào kiếm một mùa đôi ba thùng lúa, đắp đổi nuôi nhau. Nói vô phép ông, hai mạ con tui ăn mắm mút dòi, bòn khi bó rau muống, khi con dạm, khi con tép … có mô mà đủ trả tiền cày ngàn tám trăm đồng một mẫu? Thiệt chạy bay tóc trán không ra trăm bạc, chứ gần hai ngàn tiền xăng, tiền công?
Thím vẫn đứng dựa cột nhà. Yên lặng. Thới ngồi nhai trầu chóp chép. Đôi tai vểnh nghe ngóng, mắt nhìn trước nhìn sau. Từ lúc ở nhà ra đi, đại diện Thới đã nghĩ đến những lý lẽ của thằng trưởng đoàn bình định. Thằng cha nớ nói phải: xã ni bình định tại chỗ, không tập trung ráo làng nhưng phải rào lòng dân lại. "Tranh thủ khối óc và rái tim" mà! Đã tát nước bắt cá thì phải tính cho gọn. Không khéo mìn nổ trong bụng lúc mô không biết. Sau tết Mậu Thân chỉ quét vôi xoa mấy câu khẩu hiệu của Việt Cộng ở đình làng rồi viết mấy câu mới lên, không đủ! Phải dùng kìm mà nhổ, dùng kìm mà cắt những cái chi Việt Cộng đóng đinh trong óc người dân. Dân làng ni phải tẩy não hết, tẩy não hết! Hè, con trâu của nhà thím Chuyên này giống như cái gai đâm vào mắt. Con trâu béo, cầy hay, cả làng ai cũng khen. Lại còn khen trước mặt mình nữa chứ. Không tống khứ đi cho rảnh mà còn lù lù đó.
Nhả bã trầiu ra cầm ở hai đầu ngón tay, thè lưỡi liếm hai bên mép, hắn nhìn thím:
- Chà, cũng mau quá, sắp được hai cái giỗ của chú rồi thím hè!
Câu nói của hắn như lát dao khía sâu vào vết thương vừa kín miệng của thím. Bất thình lình thím đặt tay lên chiếc khăn. Thím biết hắn nhắc khéo đến tình thế nguy hiểm của gia đình loại A như thím và người chồng thím đã hy sinh hồi 1968 giữa cánh đồng Lang Xá Bàu.
Huế giữa lòng Hà Nội
Khó có thể ghi lại những tình cảm của nhân dân Hà Nội giành cho Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội trong những ngày qua. Các cơ quan thông tin đại chúng đã giành nhiều bài vở, hình ảnh, tin tức hoạt động của Tuần Văn hóa Huế. Từ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đến các bậc lão thành cách mạng, những thầy cô giáo học sinh cũ của trường Quốc Học Huế, những người yêu Huế đã mang đến cho các chương trình của Tuần Văn hóa một sức sống mới. Đại sứ quán Thụy Sĩ, văn phòng khu vực của cơ quan Pháp Ngữ, đại sứ quán Bỉ, phái đoàn Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Pháp, Đại sứ Hàn Quốc, Viện văn hóa Pháp, Quỹ Văn hóa Việt Nam Thụy Điển... đã nhiệt tình ủng hộ Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội.
Tại nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng, nhân tuần Văn hóa Huế tổ chức tại Hà Nội, Đài Phát thanh và truyền hình Hà nội đã cùng với Hội âm nhạc Hà Nội tổ chức cuộc giao lưu giữa các ca sỹ, nhạc sỹ, với đại diện công chúng thính giả, khán giả của Đài.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương năm nay tròn 80 tuổi từ thành phố Hồ Chí Minh ra kể lại từ năm 17 tuổi đã sáng tác nhạc phẩm "Đêm đông" và khi đang công tác ở ngành bưu điện năm 1948 đã viết "Bình Trị Thiên khói lửa". Người con của đất Vân Thê, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế tâm sự: "Với "Bình Trị Thiên khói lửa", lần đầu tiên trong đời tôi viết để phục vụ đồng bào chứ những sáng tác trước, tôi viết cho tôi". Tiếng hát của Quang Thọ qua bài "Bình Trị Thiên khói lửa" làm cho cả nhà văn hóa sôi động hẳn lên.
Nhạc sĩ Đặng An Nguyên nhắc lại một kỷ niệm lần đầu vào Huế sau ngày Huế giải phóng, anh đâm xe vào một cô gái Huế, anh xin lỗi, cô gái chỉ trả lời: "Dạ không có chi!" và mới đây, khi anh đi phô tô bản nhạc "Huế nàng thơ" trước trường Đại học sư phạm Huế, người chủ tiệm biết anh là nhạc sĩ viết cho Huế đã không chịu lấy tiền.
Nhạc sĩ Việt Đức từ Huế ra giới thiệu bài hát "Câu hát lý qua đèo" mang âm hưởng điệu lý hoài nam mà anh cho rằng hay đến mức cao điểm.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã học tiểu học và Trường Quốc Học Huế. Anh cho rằng viết về Huế rất khó và Huế có một công chúng khó tính. Bài hát "Về thôn Vỹ" của Phạm Tuyên do ca sĩ Hương Mơ trình bày. Nhạc sĩ Thuận Yến cầm ghi ta trình bày bài "Em là Huế va thơ" sáng tác tháng 12 năm 1998. Hai nhạc sĩ Tôn Thất Lập và Trần Long Ẩn từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội dự Tuần Văn hóa Huế. Tôn Thất Lập nói: "Mấy hôm nay được sống không khí Huế tại Hà Nội, tôi thấy rất hạnh phúc". Phát triển từ câu hát ru em:
"Chim bay về núi tối rồi
Không cây chim đậu không mồi chim ăn",
Tôn Thất Lập viết ca khúc "Buổi sáng chim bay". Trần Long Ẩn tự trình bày ca khúc "Nhớ Huế". Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp vốn làm công tác biên tập âm nhạc ở Đài Phát thanh Hà Nội, nay anh từ Huế trở về giữa lòng thủ đô và mang đến cho các bạn trẻ trong buổi giao lưu và khán giả, thính giả truyền hình phát thanh bài hát "Dòng sông ai đã đặt tên".
Trong tình cảm gắn bó giữa ba thành phố kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền cùng nhạc sĩ Trần Hoàn hát bài "Nhớ Huế": "... Ngọt bùi cay đắng! Ây chúng mình cùng chia nhau. Huế ơi! Hà Nội đây! Huế ơi! Hà Nội đây!".
Đấy cũng chính là tấm lòng của người dân Hà Nội giành cho Tuần Văn hóa Huế lần này.
Đầu những năm sáu mươi, tôi đã cùng nhiều bà con đồng hương dự lễ kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Ba thành phố trao cho nhau ba bức trướng có câu thơ:
"Hà Nội - Huế - Sài Gòn
Là cây một gốc là con một nhà"
Tại đảo nhỏ ở cổng chính công viên Thống nhất đường Nam Bộ hồi đó, (nay là công viên Lê Nin - đường Lê Duẩn), các đại biểu ba thành phố đã trồng cây mai vàng, cây vú sữa tượng trưng cho hai thành phố phương Nam. Những ngày ấy, chúng tôi đã háo hức ra công viên để ngắm hoa mai thường nở muộn hơn thời tiết ở Huế và nhìn lại những hàng cây chúng tôi trồng.
Hưởng ứng Tuần Văn Hóa Huế, Câu lạc bộ người hâm mộ sân khấu thuộc Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chuyên đề mang tên "Huế - một không gian văn hóa" với sự tham gia của Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế, Đoàn nghệ thuật Tuồng Truyền thống, Đoàn nghệ thuật ca Huế, một số văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế và Hội những người yêu Huế ở Hà Nội. Nhà hát tuổi trẻ Trung ương đậm đà những điệu múa, tiếng át, âm điêụ Huế. Thật thú vị khi tôi lại gặp ở đây những cụ ông, cụ bà người Thừa Thiên - Huế tuổi gần 90 vẫn đến hầu hè, các điểm triển lãm và biểu diễn văn nghệ trong tuần Văn hóa Huê. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người hâm mộ sân khấu, nghệ sĩ ưu tú Vũ Hà cùng các anh chị Đặng Đức Duy, Thanh Huyền, Minh Trang,Thanh Hùng, Phương Hoa, Trọng Phong, Lê Nghiêm, Thu Viễn, Mỹ Hằng lo lắng cho từng tiết mục nhỏ và thật không phụ công lao của các anh chị, câu lạc bộ đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho khán giả.
Từ Paris, anh Lê Huy Cận, Chủ tịch Hội những người yêu Huế ở Pháp đã gửi về ủng hộ Tuần Văn hóa Huế 3000 France và bức Fax có viết: "Tuy bản thân không có mặt ở Hà Nội trong những ngày này để chung sức với các cô bác anh chị phát huy tại Thủ đô nét độc đáo của văn hóa Huế, trong những ngày trước đây ở Paris, Hội người yêu Huế cũng có thực hiện một số việc như thông báo các hoạt động phong phú của Tuần Văn hóa Huế trên một số báo, qua áp phích dán ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, ở các quán tổ chức du lịch Việt Nam tại Paris".
Chị Xuân Phượng dẫn nhà văn, nhà báo BaLan Monica Vacnensca đến dự Tuần văn hóa Huế tại trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Tôi chào và bắt tay chị:
- Xin cảm ơn chị Ba Monica. Chúng tôi đã được đọc những bài phóng sự của chị viết ở vùng giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng Việt Nam hồi 1965 - 1966.
Tôi vẫn gọi chị là chị Ba, cái tên thân yêu mà nhân dân miền Nam Việt Nam giành cho chị trước đây mặc dù năm nay chị đã 78 tuổi. Với vóc dáng hơi thấp, béo, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt linh lợi, đôi mắt tinh anh, chị có nụ cười đôn hậu. Chị đã chăm chú đi xem nhiều gian của triển lãm di sản văn hóa thế giới và dừng lại khá lâu ở triển lãm các trường đại học Huế, Quốc học và Đồng Khánh Huế. Người phụ nữ Ba Lan giàu tâm huyết đã đến với nhiều quốc gia trên thế giới, đã say sưa viết. Nhân dân Việt Nam biết ơn chị Monica đã đem đến cho bạn đọc Ba Lan và nhiều nước khác những hình ảnh sinh động về một Việt Nam trong chiến đấu và trong xây dựng hôm nay. Cuốn sách mới nhất của Monica viết về thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Và thật là thú vị khi chị lại cùng chị Xuân Phượng dự đêm ca Huế trên du thuyền ở Hồ Tây. Người phụ nữ Ba Lan gần 80 tuổi ấy lắng nghe từng nét nhạc bài ca Huế và khuôn mặt rạng rỡ, hai tay nâng niu hai chiếc đèn giấy để thả xuống mặt nước hồ...
Những đêm biểu diễn nghệ thuật truyền thống Huế, tân nhạc và trang phục Huế xưa và nay của nhà tạo mốt tài năng Minh Hạnh đã thực sự thu hút người xem. Một mái ngói đỏ của ngôi đền trên tấm phông màu đen, với bốn dải lụa đỏ được thả từ trần sân khấu xuống tượng trưng cho bốn cột đền vừa trang nghiêm, vừa cổ kính lại có vẻ thanh thoát mà vẫn hoành tráng. Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành cho rằng: chương trình biểu diễn đậm màu sắc Huế mà hoành tráng, bề thế, trang trọng lại vừa có tính hiện đại nhất là sự chặt chẽ giữa các tiết mục, không để thời gian ngưng đọng. Về trang phục, chị Minh Hạnh không lấy màu tím mà dùng màu nâu, màu đà, màu vàng nhạt... pha với nhau rất đẹp. Nghệ thuật cung đình Huế chưa bao giờ được diễn đậm đặc như thế ở nhà hát lớn Hà Nội.
Khi nghệ sĩ nhân dân Lê Dung trình bày bài "Lời ru trên nương" thơ của Nguyễn Khoa Điềm, nhạc của Trần Hoàn, cả nhà hát yên lặng lắng nghe. Bất chợt nhìn sang hàng ghế đầu phía trái, hai tác giả thơ và nhạc đang ngồi gần vợ chồng nhà thơ Tố Hữu, tôi bỗng nhớ về 28 năm về trước, một ngày cuối tháng ba, ở cơ quan ban tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế, anh Nguyễn Khoa Điềm trên đường đi gùi gạo về, leo dốc Cao Bồi, vừa đi anh vừa nhẩm trong đầu bài thơ "Khúc hát những em bé lớn trên lưng mẹ". Khi vừa về đến nhà, anh đặt chiếc gùi xuống, lấy khăn lau mồ hôi và cầm bút chép bài thơ đưa cho tôi. Tôi cầm lấy đọc rồi nói với Nguyễn Khoa Điềm:
- Đây là một bài thơ hay! Chúc mừng Điềm!
Lần đầu tiên, bài thơ đăng trên tạp chí Sinh hoạt văn nghệ của Chi hội văn nghệ giải phóng Trị Thiên - Huế. Sau đó nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc lấy nhan đề là "Lời ru trên nương". Ngày 20-11-1971, cũng ở Ban tuyên huấn khu ủy Trị Thiên - Huế, chúng tôi đang tham gia trại sáng tác văn nghệ của Chi hội văn nghệ giải phóng thì bị một trận bom B.52 đánh trúng vào cơ quan. Tôi cùng nằm một hầm với Nguyễn Khoa Điềm. Một quả bom phạt chém đổ một cây to cách hầm của chúng tôi chừng 5 m. Tôi bị thương nhẹ vở đầu và ngón tay. Nhà trên bị bay, nhà của anh Hoàn bị bom xé nhiều chỗ. Giờ này chúng tôi thật hạnh phúc có mặt trong nhà hát lớn Hà Nội trong Tuần văn hóa Huế để nghe lại những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm viết 28 năm trước qua nét nhạc của Trần Hoàn.
Đêm ca Huế trên du thuyền Hồ Tây được sự hưởng ứng của đông đảo bà con đồng hương và một số người nước ngoài. 3 chiếc tàu với sức chứa gồm 500 người chạy ra giữa hồ. Hai ngàn ngọn đèn được thả xuống. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh cùng đoàn làm phim của anh thuê một ca nô bám sát cả ba thuyền để quay những đoạn bộ phim Tuần Văn hóa Huế ở Hà Nội. Anh nói:
- Những cảnh đẹp của đêm nay trên hồ được ghi lại. Phải hướng ống kính quay từ hồ lên các diễn viên đang ca Huế chứ không thì giống như các diễn viên đang hát cho một restaurant nào!
Tôi đã được gặp các nghệ nhân về nghệ thuật ăn uống từ Huế ra giúp cho Tuần văn hóa. Các bà, các chị đã dồn tâm huyết cho công việc nặng nề và vất vả này. Các chị Nguyễn Thị Đoàn, Lê Như Huy, Mai Thị Kim Hoàng, Nguyễn Thị Hương Trà, Mai Thị Trà... vui mừng với kết quả.
Chị Mai Thị Trà nói: - Chị em chúng tôi đã làm việc tận lực, tận tình, tận khả năng. Chỉ tiếc có những khó khăn chưa đạt kết quả cao nhất.
Nhân Tuần văn hóa Huế, lần đầu tiên 31 tác phẩm của 39 tác giả Huế cùng với 23 tác phẩm của Hà Nội hướng về Huế đã được trưng bày ở Gallery Đông Sơn (Vân Hồ) và nhiều tranh và ảnh của Đào Hoa Nữ được trưng bày ở khách sạn Horison.
Đêm giới thiệu nghệ thuật ẩm thực, ca nhạc và trang phục Huế xưa và nay được tổ chức ở Quốc Tử Giám Văn Miếu. Những chiếc đèn do anh Vũ Mạnh Lập trong Huế mang ra tạo cho Văn Miếu một khung cảnh trang trọng, đầm ấm mà thật cổ kính. Có nhiều người muốn mua vé vào dự nhưng rất tiếc, ban tổ chức không còn. Một anh bạn người Anh có người yêu là một cô gái Việt Nam cứ đợi mãi mong được vào dự. Cuối cùng sau hơn nửa giờ, ban tổ chức đưa cho bạn người Anh đôi vé. Anh cảm ơn rối rít. Dự xong đêm Văn Miếu, anh nói: - Thật là một đêm tuyệt diệu!
Tuần Văn hóa Huế diễn ra đúng lúc, đúng thời cơ, sau lễ lớn 26/3 ở Huế, sau 5 năm Unesco công nhận Huế là di sản văn hóa thế giới, được nhân dân Hà Nội giành cho những tình cảm sâu nặng với một mô hình mới nhà nước và nhân dân cùng làm, phối hợp giữa nhiều bộ phận. Có thể nói Tuần Văn hóa Huế diễn ra trong hoàn cảnh: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiếu tướng Trần Minh Đức, Trưởng ban liên lạc đồng hương Thừa Thiên - Huế tại Hà Nội. Trưởng ban tổ chức Tuần Văn hóa Huế và chị Tôn Nữ Thị Ninh Phó trưởng ban Tổ chức kiêm Tổng thư ký Tuần Văn hóa Huế đã nhấn mạnh:
- Một hoạt động như Tuần Văn hóa không phải vì lợi nhuận, hình thức phong phú, đa dạng, tính xã hội cao, dồi dào tình cảm nên không khỏi có những sơ suất nhưng tất cả đã làm cho nhân dân thủ đô, bạn bè quốc tế hiểu thêm Huế và yêu thêm Huế.
T.N.V