Nhà nghiên cứu Văn hóa TRẦN ĐỨC ANH SƠN
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 14315
TS. Trần Đức Anh Sơn sinh 1967 tại Huế. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế) năm năm 1989. Năm 2002, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đề tài “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn” (Đồ sứ men lam Huế). Từ 1990 – 1993, làm hướng dẫn viên du lịch. Từ 1993 – 1995, làm cán bộ nghiên cứu về lịch sử, bảo tồn tại Trung tâm BTDTCĐ Huế. Sau đó anh làm Phó giám đốc (1995 -2001), rồi giám đốc (2001 -2007) Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Từ tháng 1.2008, làm Trưởng khoa Việt Nam học của Đại học Phan Chu Trinh (Quảng Nam). Tháng 1.2009 đến nay, làm ở Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng với các chức danh Trưởng phòng Nghiên cứu Xã hội Nhân văn và bây giờ là Phó viện trưởng phụ trách lĩnh vực Xã hội Nhân văn.
TÁC PHẨM:
RONG RUỔI THỰC LỤC, bút ký Trần Đức Anh Sơn, NXB Lao Động – 2008.
HUẾ TRIỀU NGUYỄN. MỘT CÁI NHÌN, biên khảo Trần Đức Anh Sơn, NXB Văn Hóa Thông Tin – 2008.
ĐỒ SỨ KÝ KIỂU THỜI NGUYÊN biên khảo Trần Đức Anh Sơn, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội – 2008..
TRÒ CHƠI VÀ THÚ TIÊU KHIỂN CỦA NGƯỜI HUẾ, biên khảo Trần Đức Anh Sơn, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội – 2008.
"Lễ hội cung đình Huế và vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị để phục vụ nhân dân và phát triển du lịch Huế."
TS. Trần Đức Anh Sơn
TS Trần Đức Anh Sơn trình bày tham luận "Lễ hội cung đình Huế và vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị để phục vụ nhân dân và phát triển du lịch Huế." tại hội thảo khoa học do Hội Văn Nghệ Dân Gian TT Huế tổ chức tại Huế ngày 26.6.2011.
Do hoàn cảnh lịch sử, Huế được vương triều Nguyễn chọn làm kinh đô của Việt Nam trong suốt 143 năm (1802 - 1945). Cùng với việc xây dựng bộ máy cai trị theo chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Huế, các vua triều Nguyễn, đứng đầu là vua Gia Long (1802 - 1820), đã thiết lập một chế độ lễ nghi phong phú, bài bản, chặt chẽ và tổ chức thực thi trong suốt thời gian tồn tại của vương triều này. Những lễ nghi này, thường được gọi là lễ hội cung đình triều Nguyễn hay lễ hội cung đình Huế, là một phần của văn hóa cung đình Huế, một trong hai thành tố hợp thành nền văn hóa Huế, và là thành tố quan trọng nhất tạo nên bản sắc văn hóa Huế, làm cho văn hóa Huế khác biệt so với văn hóa của các địa phương khác ở Việt Nam.
Bài viết này tập trung nghiên cứu về lễ hội cung đình Huế dưới thời Nguyễn, đồng thời, đánh giá những hiệu quả và tác động của việc bảo tồn và phát huy giá trị để phục vụ người dân và phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế.
1. TỔNG QUAN VỀ LỄ HỘI CUNG ĐÌNH HUẾ
1.1. Lễ hội và lễ hội cung đình
1.1.1. Lễ hội
Lễ hội là khái niệm được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay, nhưng cũng là một khái niệm mơ hồ, gây tranh cãi, cả trong lĩnh vực học thuật lẫn trong lĩnh vực quản lý văn hóa.
Theo Phan Thuận An trong bài viết Lễ hội cung đình triều Nguyễn nhìn từ góc độ văn hoá và du lịch ngày nay in trên tạp chí Sông Hương, thì: “Về mặt thuật ngữ, lễ hội là một từ tương đối mới, chỉ được sử dụng một cách phổ biến trong mấy chục năm nay, đặc biệt là để chỉ các lễ hội dân gian. Còn những sinh hoạt lễ nghi tập thể của các vua quan ngày xưa ở chốn cung đình thì chỉ thấy các sử gia triều Nguyễn ghi là triều hội (hội họp của triều đình)”.[1]
Hiện nay, lễ hội đang được quan niệm theo hai khuynh hướng khác nhau: khuynh hướng xem xét theo cấu trúc và khuynh hướng xem xét theo tổng thể.
- Khuynh hướng xem xét theo cấu trúc thường chia lễ hội thành hai phần: phần lễ và phần hội. Đại diện cho khuynh hướng này là Bùi Thiết, tác giả sách Từ điển hội lễ Việt Nam. Theo Bùi Thiết: “Lễ: các hoạt động đã đạt đến trình độ lễ nghi. Hội: các hoạt động lễ nghi đã phát triển đến mức cao hơn, có các hoạt động văn hóa truyền thống. Khi phần hội phong phú hơn thì gọi là hội lễ. Cũng có khi phần lễ lấn át thì gọi là lễ hội”.[2] Bùi Thiết cũng đề xuất khái niệm hội lễ thay cho lễ hội. Theo đó: “Hội lễ là cách gọi cô đọng nhằm để chỉ toàn bộ các hoạt động tinh thần, phản ánh những tập tục, vật hiến tế, lễ nghi dâng cúng, những hội hè đình đám của cộng đồng làng xã nhất định”.[3] Tuy đề xuất như thế nhưng ông này cũng thừa nhận: “cũng khó phân chia tách bạch ra hội lễ hay lễ hội”.[4] Phan Thuận An cũng cho rằng: “Chúng ta cũng có thể thấy người xưa đã chia nội dung của loại hình sinh hoạt văn hóa đang bàn (lễ hội - T.Đ.A.S) ra làm hai phần khá rõ ràng, là phần lễ và phần hội”.[5] Một số tác giả khác ở Việt Nam khi viết về lễ hội cũng có khuynh hướng tác bạch giữa phần lễ và phần hội như Bùi Thiết.[6]
- Khuynh hướng xem xét theo tổng thể thì cho rằng không nên tách phần lễ khỏi phần hội, vì lễ hội là một quá trình nảy sinh và tích hợp các hiện tượng văn hóa phát sinh trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó nghi lễ luôn là gốc rễ của lễ hội, còn phần hội chỉ là hiện tượng phái sinh trên cái gốc của nghi lễ và tồn tại song hành cùng nghi lễ. Đại diện cho khuynh hướng này là Ngô Đức Thịnh, tác giả bài viết Mấy nhận thức về lễ hội cổ truyền in trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Theo Ngô Đức Thịnh: “Tính tổng thể của lễ hội không phải là thực thể “chia đôi” như người ta đã quan niệm, mà nó nảy sinh và tích hợp các hiện tượng văn hóa phát sinh để tạo nên một tổng thể lễ hội… Cho nên trong lễ hội, phần lễ là phần gốc rễ, chủ đạo, phần hội là phần phát sinh, tích hợp. Trong thực tế có một số ít nghi lễ không hay chưa có phần hội (tức phần sinh hoạt văn hóa) kèm theo (như một số nghi lễ liên quan tới sản xuất nông nghiệp ở các tộc người thiểu số ở vùng núi hay một số nghi lễ trong phạm vi gia đình ở người Việt); chứ không có một loại hội nào mà không có nghi lễ giữ vai trò gốc rễ. Điều đó cũng cắt nghĩa là nếu cần phải đặt tên cho loại sinh hoạt cộng đồng này thì nên gọi đó là lễ hội, chứ không phải là hội lễ”.[7]
Trong khi đó, Lê Văn Thuyên, tác giả bài viết Lễ hội ở Huế dưới thời Nguyễn thì cho rằng: “Lễ hội là một khái niệm có tính ước lệ của cộng đồng, còn bản chất của nó lại gắn liền với nhu cầu sinh hoạt văn hóa của con người, gồm có nhu cầu về tâm linh và nhu cầu về vui chơi, hưởng thụ. Trong các nhu cầu về tâm linh, lễ nghi là hình thức quan trọng hơn cả”.[8]
Chúng tôi quan niệm rằng: “Lễ hội là một dạng hoạt động văn hóa do con người sáng tạo ra nhằm thỏa mãn các nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, vui chơi, giải trí, được hình thành qua một quá trình lâu dài do tác động của văn hóa và lịch sử”.
Tán thành quan điểm của Chu Quang Trứ khi ông xem lễ hội là “hiện tượng lịch sử, luôn phát triển theo thời gian và có tính thời đại”[9], chúng tôi cho rằng “Lễ hội luôn phát triển theo thời gian và có tính thời đại, vì thế, lễ hội không có tính bất biến mà biến đổi tùy thuộc các điều kiện khách quan (thời gian và không gian tổ chức lễ hội) và các điều kiện chủ quan (chủ thể tổ chức lễ hội, ý thức hệ chủ đạo của thời đại, cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn tài chính)”.
Trên thực tế, khái niệm lễ hội ở Việt Nam hiện nay được sử dụng rất linh hoạt, tùy theo từng trường hợp. Chẳng hạn: lễ hội được hiểu như chữ event (sự kiện) trong tiếng Anh (lễ hội bắn pháo hoa Đà Nẵng, lễ hội hoa anh đào Nhật Bản ở Hà Nội), lễ hội được hiểu như chữ festival (liên hoan) trong tiếng Anh (như: lễ hội trái cây Nam Bộ, lễ hội hoa Đà Lạt); lễ hội được hiểu như một chương trình nghệ thuật (lễ hội áo dài trong các kỳ Festival Huế) hay lễ hội được hiểu như chữ road show (cuộc biểu diễn đường phố) trong tiếng Anh (lễ hội rước tổ nghề thêu ở Huế, lễ hội rước bức tranh thêu lớn nhất Việt Nam dạo quanh các đô thị của Việt Nam do Công ty thêu XQ tổ chức trong năm 2010)…[10]
Từ khái niệm lễ hội có tính bao trùm, một số nhà nghiên cứu đã đưa ra những khái niệm có tính phân loại về lễ hội như: lễ hội truyền thống, lễ hội cổ truyền, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo, lễ hội đương đại, lễ hội du lịch, lễ hội lịch sử và cách mạng…[11]
1.1.2. Lễ hội cung đình
Lễ hội cung đình là những lễ hội do các vương triều phong kiến khai sinh và tổ chức thực hiện nhằm biểu hiện quyền lực, tư tưởng và nhận thức về thế giới quan và vũ trụ quan của giai cấp thống trị; đáp ứng các nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, vui chơi, giải trí của giai cấp thống trị và các tầng lớp trên trong xã hội phong kiến.
Chủ thể của lễ hội cung đình là nhà nước phong kiến, thông qua các đại diện là vua chúa, quan lại (tùy từng trường hợp cụ thể), nhưng đối tượng tham gia lễ hội cung đình thì không chỉ có giai cấp thống trị mà còn có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội. Khi nhà nước phong kiến không còn tồn tại thì lễ hội cung đình cũng biến mất do không còn chủ thể tổ chức.
Ở Việt Nam, chế độ XHCN đã thay thế cho chế độ quân chủ. Nhà nước phong kiến không còn nên lễ hội cung đình không còn được tổ chức. Vì thế, lễ hội cung đình ở Việt Nam hiện nay không còn duy trì trên thực tế mà chỉ được phản ánh trong các nguồn sử liệu, các công trình nghiên cứu hay được lưu giữ trong ký ức của một bộ phận dân chúng từng có mối quan hệ với triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Cũng vì lý do này, mà Cục Văn hóa Thông tin Cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa Thông tin) khi tiến hành thống kê các di sản lễ hội ở Việt Nam đã đưa ra con số: đến năm 2003, Việt Nam có 8902 lễ hội các loại, trong đó gồm: 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài, 7005 lễ hội dân gian, 1399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng, 64 lễ hội khác[12], không có số liệu nào về lễ hội cung đình. Nhiều công trình nghiên cứu về lễ hội ở Việt Nam đã bỏ qua các lễ hội cung đình do họ không biết (hoặc không quan tâm) đến sự tồn tại của các lễ hội này trong lịch sử Việt Nam.[13]
1.2. Lễ hội cung đình Huế
1.2.1. Khái niệm lễ hội cung đình Huế
Cũng như khái niệm lễ hội, khái niệm lễ hội cung đình Huế cũng là một khái niệm mang tính ước lệ. Theo đó, lễ hội cung đình Huế là những lễ hội do triều Nguyễn khai sinh và tổ chức thực hiện trong thời gian triều đại này cầm quyền ở Huế, vì người ta đã đồng nhất cung đình Huế với cung đình triều Nguyễn, do Huế là kinh đô của nhà Nguyễn.[14] Vì thế, khái niệm lễ hội cung đình Huế được đề cập trong bài viết này nhằm chỉ những lễ hội do triều Nguyễn đã tổ chức thực hiện ở Huế trước đây và nay đang được một số cơ quan, tổ chức ở Huế phục hồi và tái hiện trong các sự kiện văn hóa - du lịch vì nhiều mục đích khác nhau.
1.2.2. Loại hình lễ hội cung đình Huế
Triều Nguyễn chia lễ hội cung đình thành hai loại: các lễ tiết và các lễ tế tự. Đây là hai loại hình quan trọng nhất của lễ hội cung đình mà triều Nguyễn đã tổ chức và thực hiện trong suốt thời gian triều đại này trị vì ở Huế.
- Các lễ tiết[15]: Các dịp triều hội hàng tháng gồm: Đại triều (vua ngự điện Thái Hòa để nhận chầu) và Thường triều (vua ngự điện Cần Chánh để nhận chầu); 3 cuộc lễ lớn hàng năm nhân các đại tiết: Nguyên đán (Tết âm lịch), Đoan dương (Tết Đoan ngọ), Vạn thọ (sinh nhật nhà vua); các lễ mừng nhân các dịp: Hưng quốc khánh niệm (quốc khánh của triều Nguyễn), Thánh thọ (sinh nhật hoàng thái hậu), Tiên thọ (sinh nhật hoàng thái phi); Thiên thu (sinh nhật hoàng hậu), Thiên xuân (sinh nhật hoàng thái tử).[16]
Triều Nguyễn cũng xếp vào mục lễ tiết các lễ sau: lễ đăng quang (lễ lên ngôi của nhà vua), lễ tấn tôn (lễ sách phong hoàng thái hậu, hoàng thái phi), lễ mừng nhà vua ngự cung mới, lễ mừng hoàng thái hậu ngự cung mới[17], lễ sách phong[18]…
Ngoài ra, vào các tiết: lập xuân, đông chí, thượng nguyên (15 tháng 1), trung nguyên (15 tháng 7), hạ nguyên (15 tháng 10), thất tịch (7 tháng 7), trùng dương (9 tháng 9)… triều đình cũng tổ chức triều hội hay tế lễ tại các miếu. Những lễ hội này cũng được xếp vào mục lễ tiết.
- Lễ tế tự: Là các lễ tế tại các đàn, miếu do triều đình lập ra, thờ tự và tổ chức tế lễ hàng năm. Triều Nguyễn quy định các lễ tế tự theo ba bậc:
+ Đại tự: Gồm các lễ tế tại: đàn Nam Giao; các miếu trong Hoàng Thành gồm: Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, Thế miếu, điện Phụng Tiên; điện Hiếu Tư; điện Long An; miếu Triệu Tường và miếu Trừng Quốc công; các lăng tẩm của các vị chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn; đàn Xã Tắc.[19]
+ Trung tự: Gồm các lễ tế tại: miếu Lịch đại đế vương; miếu Lê Thánh Tông; Văn miếu; đàn Tiên Nông.[20]
+ Quần tự: Gồm các lễ tế tại: đền Khải thánh[21]; Võ miếu; miếu Quan Công; miếu Quốc vương Chiêm Thành; miếu Quốc vương Chân Lạp; miếu Khai quốc công thần; miếu Trung hưng công thần; miếu Trung tiết công thần; miếu Đô Thành hoàng; miếu Hội đồng; miếu Thai Dương phu nhân; miếu Nam hải Long vương; miếu Hậu thổ; miếu Mộc thương, miếu Hỏa pháo thần; miếu Tiên y; miếu Vũ sư; miếu Phong bá; miếu Thiên phi; miếu Hỏa thần; miếu Sơn thần; miếu Tiên nương; miếu thờ thần hồ; miếu thờ thần các đảo; đàn Ân tự; đàn Âm hồn; đàn Sơn xuyên; miếu thờ Thổ kỳ; từ đường thờ các thân huân, hoàng thân; từ đường thờ gia tiên các phi tần có công lao, đức hạnh lớn với triều đình, hoàng gia…
Ngoài ra, triều Nguyễn còn tổ chức một số lễ nghi và hội hè khác như: lễ kỳ đạo (lễ tế cờ); lễ đảo vũ (lễ cầu mưa); lễ ban sóc (lễ ban lịch năm mới tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 12 âm lịch); lễ phất thức (lễ lau chùi và niêm phong các kim bảo ngọc tỉ để nghỉ Tết, tổ chức vào hạ tuần tháng 12 âm lịch); lễ tiến xuân ở kinh đô và ở các tỉnh (tổ chức vào ngày lập xuân); lễ tịch điền (lễ vua ra cày ruộng để khuyến khích dân chúng chăm lo nghề nông, tổ chức vào tháng 5 âm lịch); lễ Tứ tuần đại khánh (mừng sinh nhật lần thứ 40 của nhà vua), lễ Ngũ tuần đại khánh (mừng sinh nhật lần thứ 50 của nhà vua); cuộc du xuân của nhà vua (cùng hoàng gia và đình thần) vào dịp đầu xuân; ngày Hổ quyền (tổ chức cho voi ngựa đấu nhau để vua và đình thần thưởng lãm)…
Triều Nguyễn rất quan tâm tổ chức và thực hiện các nghi lễ, tế tự. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (phần Chính biên) đã dành 68 quyển trong tổng số 263 quyển để bàn về các quy thức, điển chế tổ chức thực hiện nghi lễ, tế tự. Điều này cho thấy tế, lễ là hoạt động quan trọng trong chính sự của triều Nguyễn, đồng thời cho thấy sự phong phú của các loại lễ hội cung đình Huế.
1.3. Tổng quan về lễ hội cung đình Huế
1.3.1. Số lượng, địa điểm và thời gian tổ chức lễ hội cung đình Huế
Dựa vào thông tin trong các bộ sách: Khâm định Đại Nam hội điển sự (do Nội các triều Nguyễn biên soạn)[22], Đại Nam nhất thống chí (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn)[23] và Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam (của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề)[24], chúng tôi đã thống kê được hơn 100 lễ hội cung đình khác nhau do triều Nguyễn tổ chức và thực hiện trong thời gian triều đại này cai trị đất nước (xem Phụ lục).
1.3.2. Quá trình hình thành lễ hội cung đình Huế
Hơn 100 lễ hội cung đình mà chúng tôi thống kê trên đây không phải đều do triều Nguyễn đặt ra. Đó là kết quả của một quá trình kế thừa, tiếp thu, bổ túc và điều chỉnh trải dài suốt lịch sử tồn tại của vương triều. Theo chúng tôi, lễ hội cung đình triều Nguyễn được hình thành từ quá trình sau:
* Kế thừa lễ hội của các triều đại trước đây
Các triều đại phong kiến Việt Nam kể từ thời tự chủ đầu thế kỷ X, dù ít dù nhiều cũng chịu ảnh hưởng Trung Hoa trong việc tổ chức triều chính, pháp luật, lễ nghi, văn hóa, giáo dục, khoa cử... Trong lĩnh vực lễ nghi, có nhiều lễ hội có gốc gác Trung Hoa nhưng đã được du nhập vào nước ta và được các triều Đinh - Lê (968 - 1009), Lý (1010 - 1225), Trần (1225 - 1400), Hồ (1400 - 1407), hậu Lê (1427 - 1788), Tây Sơn (1788 - 1802) tổ chức thường xuyên, trở thành những lễ hội truyền thống của nhà nước phong kiến Việt Nam. Chẳng hạn: lễ tế Giao du nhập vào nước ta từ đời Lý Anh Tông (1138 - 1175), được duy trì dưới các triều: Hồ, hậu Lê và Tây Sơn (1788 - 1802)[25]; lễ cày ruộng tịch điền (và tế đàn Xã tắc hay đàn Tiên nông) có từ năm 987 triều tiền Lê[26], được tổ chức thường xuyên vào thời Lý - Trần - hậu Lê; lễ tế Văn Miếu có từ năm 1070 đời vua Lý Thánh Tông[27], tiếp tục được thực hiện dưới các triều Trần và hậu Lê; các lễ: kỳ đạo đăng quang, tấn tôn, sách phong, truyền lô, tiến xuân ngưu… đều được các triều Trần - Hồ - hậu Lê tổ chức. Những lễ hội này đã được nhà Nguyễn kế thừa, tiếp thu và có những bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tính chất và hoàn cảnh đường thời.
* Tiếp thu từ lễ hội cung đình Trung Hoa
Triều Nguyễn chọn khuôn mẫu Trung Hoa làm mô hình để cai trị đất nước. Vì thế, nhiều nghi lễ, điển chương của triều đình Trung Hoa cũng được triều Nguyễn tham khảo, tiếp thu và thực hiện vì nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn: các lễ triều hội nhân các dịp: mừng thọ vua (lễ Vạn thọ), mừng thọ hoàng thái hậu (lễ Từ cung thánh thọ), mừng thọ hoàng hậu (lễ Thiên thu), mừng thọ hoàng thái tử (lễ Thiên xuân), mừng thọ vua (lễ Vạn thọ), mừng vua hay hoàng thái hậu ngự cung điện mới, Tứ tuần đại khánh, Ngũ tuần đại khánh, Bát tuần thánh thọ…; các lễ tế như: tế đền Khải Thánh, tế đền Quan Công, tế Võ miếu (nơi thờ rất nhiều danh tướng, công hầu Trung Hoa); các cuộc du xuân của vua, hoàng gia và đình thần.
* Cung đình hóa và điển chế hóa những lễ nghi truyền thống của dân tộc
Nhiều lễ nghi truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được triều Nguyễn cung đình hóa bằng các nghi lễ long trọng, điển lệ chặt chẽ và tổ chức bài bản hơn nhằm thể hiện địa vị cao quý của dòng họ Nguyễn hay quyền uy tối thượng của nhà vua. Chẳng hạn, các lễ tế, hưởng tại các miếu thờ tổ tiên, các bậc tiền bối và các vị đế hậu triều Nguyễn như Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, Thế miếu, điện Phụng Tiên, điện Hiếu Tư, điện Long An… thực chất là việc cung đình hóa và điển chế hóa tục thờ phụng và cúng bái tổ tiên mà người dân Việt Nam đã thực hiện từ bao đời nay. Thông qua lễ tế, hưởng ở các miếu này, triều Nguyễn đã nâng việc thờ cúng tổ tiên của mình thành biểu tượng quyền uy của chế độ và dòng họ. Chính thuộc tính cung đình của các lễ hội này đã góp phần tạo nên bản sắc cho lễ hội xứ Huế, là yếu tố làm cho lễ hội ở Huế nói riêng và văn hóa Huế nói chung khác biệt với lễ hội và văn hóa của những địa phương khác.
* Xuất phát từ nhu cầu của đời sống; từ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhiều bộ phận dân cư trong xã hội
Rất nhiều lễ hội cung đình Huế do triều đình tổ chức thực hiện xuất phát từ yêu cầu của đời sống xã hội như: lễ đảo vũ (lễ cầu mưa và cầu tạnh để cho mùa màng được phong đăng hòa cốc), lễ truyền lô (tôn vinh những người đỗ đạt để khuyến khích tinh thần hiếu học trong xã hội); hay xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam như các lễ tế tại các miếu thờ: lịch đại đế vương, vua Lê Thánh Tông, quốc vương Chiêm Thành, quốc vương Chân Lạp, khai quốc công thần, trung hưng công thần, trung tiết công thần…; hay xuất phát từ tâm lý cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh éo le, thương tâm của tha nhân như: lễ tế mộ hoang, lễ tế đàn Âm hồn, lễ cúng cô hồn…
Sự hình thành của các lễ hội cung đình Huế là một quá trình, gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển của vương triều Nguyễn. Phần lớn các lễ hội cung đình triều Nguyễn đều được thiết lập dưới triều Gia Long (1802 - 1820) và triều Minh Mạng (1820 - 1841) trên cơ sở tiếp thu, duy trì các lễ hội đã có từ các triều đại trước và đặt thêm các lễ hội mới vì các nhu cầu lịch sử, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng… của triều đại mới. Các triều vua kế vị không chỉ tiếp nối duy trì thực thi mà luôn bổ túc, điều chỉnh và kiện toàn các lễ hội này. Đó là các hoạt động trùng tu, tu bổ đền, miếu, đàn, tự (là nơi thờ tự và hành lễ); di dời, thay đổi vị trí đền, miếu, đàn, tự so với vị trí ban đầu đến những nơi cao ráo, phong quang hơn; điển chế hóa thời điểm, thời gian và quy mô tổ chức lễ hội cũng như các nghi thức tiến hành và lễ vật dâng cúng trong lễ hội… Thậm chí, sự điều chỉnh, bổ túc và kiện toàn này diễn ra nhiều lần ngay trong một triều vua, nhiều nhất là dưới triều Minh Mạng.
1.3.3. Các đặc trưng
Lễ hội cung đình Huế là sự tiếp thu, vận dụng và phát triển đa dạng các lễ hội cung đình của các triều đại trước ở Việt Nam và lễ hội cung đình Trung Hoa trong một bối cảnh mới, triều đại mới, với những mục đích vừa có nét tương đồng, vừa có nét khác biệt so với trước. Vì thế, ngoài những đặc trưng chung của lễ hội cung đình như: quy mô, hoành tráng, có tính điển chế cao, thì lễ hội cung đình Huế còn có các đặc trưng sau đây:
* Phản ánh một nhu cầu tâm linh vừa có tính chất tín ngưỡng thần quyền, vừa tôn vinh vương quyền của vương triều Nguyễn
Vua chúa triều Nguyễn cũng là con người nên họ cũng có những nhu cầu tâm linh như những người bình thường khác. Lễ hội cung đình chính là sợi dây kết nối giữa thế giới trần tục với thế giới thần linh, là phương thức để các bậc vua chúa gửi đến thần linh những nguyện vọng, khẩn cầu (của họ và của những thần dân mà họ đại diện) vì một mục đích nào đó; hay gửi đến tổ tiên và những người đã khuất lòng tiếc thương, sự hiếu nghĩa, sự tri ân và chia sẻ. Đây là một nhu cầu có thực, thể hiện tín ngưỡng thần quyền, tin vào quyền năng của các vị thần linh, vào những người “khuất mặt, khuất mày” ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, do nhà vua là “thiên tử” (con trời), đứng trên các bậc thần linh, nên nhà vua vừa tin tưởng vào quyền năng của thần linh, lại vừa tự cho mình quyền được sai bảo các vị thần. Các vị thần được nhà vua tổ chức tế lễ hàng năm cũng chính là những vị được vua sắc phong (thượng đẳng thần, trung đẳng thần…), nên vua cũng có quyền sai khiến, thậm chí trừng phạt các vị thần vì những “lỗi lầm” của họ.[28] Vì vậy lễ hội cung đình còn thể hiện ý nghĩa tôn vinh vương quyền.
* Phản ánh sự tôn vinh triều đại và dòng họ của vương triều Nguyễn
Trong hệ thống tế lễ của triều Nguyễn có rất nhiều lễ hội, chủ yếu là các lễ tự, hưởng, được tổ chức tại các miếu thờ các vị tổ tiên, liệt vương, liệt đế, hậu phi… của triều Nguyễn. Đây là một hình thức tôn vinh uy quyền của vương triều và đề cao dòng họ của nhà vua. Léopold Cadière nhận xét rằng: “Các vua Nguyễn được thờ cúng trong Thế miếu dưới danh nghĩa của các cựu nguyên thủ quốc gia, và người thực thi nghĩa vụ này là vị hoàng đế đương nhiệm đóng vai trò thủ lãnh hiện thời của vương quốc”.[29] Điều này khẳng định uy quyền của vương triều luôn luôn tồn tại và được kế thừa liên tục và chính thống. Nhiều người tin rằng “việc thờ cúng góp phần củng cố tình đoàn kết trong dòng họ và mang lại sức mạnh tinh thần của triều đại”[30] hay “Việc thờ cúng tổ tiên theo nghi lễ của các bậc vua chúa còn mang lại uy thế của dòng họ nhà vua, đề cao uy quyền của vương triều”.[31] Vì điều này nên những nghi lễ thờ cúng tổ tiên của vương triều Nguyễn trở nên phức tạp và được điển chế hóa ở mức cao nhất so với các triều đại trước đó.[32]
* Diễn ra quanh năm, linh hoạt về thời gian, phong phú về hình thức tổ chức và diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau
Lễ hội cung đình Huế diễn ra quanh năm, tập trung vào một số tiết lớn như Lập xuân, Nguyên đán, Thượng nguyên, Đoan dương, Trung nguyên, Hạ nguyên, Đông chí, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ) mà đỉnh điểm là vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Thời gian tổ chức lễ hội linh hoạt, có lễ hội chỉ diễn ra trong 1 ngày, một số lễ hội kéo dài đến 3 ngày, thậm chí 7 ngày (như các lễ tế đàn). Hình thức lễ hội và nghi thức lễ hội rất phong phú. “Tất cả các lễ hội cung đình Huế đều có phần âm nhạc đi kèm. Một số lễ hội quan trọng còn có cả các tiết mục ca và múa”.[33] Các lễ hội cung đình này được tổ chức ở nhiều nơi tại kinh đô Huế xưa, một số lễ hội còn có sự phối hợp tổ chức giữa kinh đô với các địa phương khác trong nước.
* Ảnh hưởng mạnh mẽ đến lễ hội dân gian ở Huế
Như đã đề cập ở phần trên, nhiều lễ hội cung đình Huế có gốc gác từ dân gian nhưng đã được triều Nguyễn cung đình hóa và điển chế hóa thành lễ hội cung đình, chẳng hạn như các lễ tế, hưởng ở các miếu, điện thờ vua chúa nhà Nguyễn trong Đại Nội (bắt nguồn từ việc kỵ giỗ tổ tiên của dân gian), lễ yết bái ở các lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn (bắt nguồn từ lễ tảo mộ của dân gian)… Tuy nhiên, khi những lễ nghi dân gian được cung đình hóa, đến lượt, lại ảnh hưởng trở lại đối với các lễ hội trong dân gian, nhất là trong phần lễ, thể hiện ở trình tự hành lễ, lễ vật dâng cúng và ngôn từ của các bài văn khấn, kể cả trang phục của những người hành lễ và dự lễ. “Ảnh hưởng của nghi lễ cung đình thật rõ nét trong nghi lễ dân gian ở Huế. Sự tổ chức cúng bái, cung cách thể hiện, nghi thức một cách trang trọng, đúng phép cho ta thấy nghi lễ dân gian vùng Huế không chỉ do truyền thống mà còn chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và tác động của nghi thức xuất phát từ cung đình”.[34]
* Nặng phần lễ, nhẹ phần hội
Khi xem xét lễ hội cung đình Huế theo cấu trúc, gồm phần lễ và phần hội, chúng tôi thấy rằng phần lễ được coi trọng hơn phần hội. Triều Nguyễn coi trọng việc thực hành lễ nghi hơn là tổ chức hội hè, vui chơi, giải trí trong các lễ hội. Đây cũng là nét khác biệt giữa lễ hội cung đình với lễ hội dân gian. Lễ hội cung đình do vua thiết lập và đình thần tổ chức thực hiện. Cả người khai sinh lễ hội, lẫn người hành lễ đều là những người học thức, chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Nho giáo. Nho giáo quan niệm “Lễ vốn là trật tự của trời đất ” (Lễ giả, thiên địa chi tự dã - Kinh Lễ). Vua là người thay trời để điều hành cái trật tự ấy cho nên phải lấy lễ làm gốc. Ngoài ra, mục đích của các lễ hội cung đình là để tôn vinh thần quyền và vương quyền, tôn vinh những giá trị tinh thần cao đẹp theo nhãn quan của giai cấp thống trị. Vì thế, họ quan tâm đến tính chất nghiêm trang, sự uy nghi, tính điển chế của lễ nghi hơn là quan tâm đến những sinh hoạt hội hè đi kèm lễ hội. Mặc khác, với địa vị cao quý của mình, giai cấp thống trị không cho phép mình tham dự những sinh hoạt hội hè có tính trần tục như trong các lễ hội dân gian, nên cho dù một số lễ hội cung đình Huế có tổ chức phần hội kèm theo thì phần hội này cũng thiên về hình thức hơn là một hoạt động nhằm thỏa mãn vui chơi giải trí thực sự như trong các lễ hội dân gian.
* Giàu tính nhân văn
Đây là một trong những giá trị văn hóa đáng trân trọng của lễ hội cung đình Huế. Triều Nguyễn tổ chức lễ hội không chỉ vì mục đích suy tôn vương quyền, đề cao dòng họ và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của các bậc đế vương. Nhiều lễ hội do triều Nguyễn tổ chức như tế Nam giao, tế Xã tắc, lễ cày ruộng tịch điền… là để cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, mùa màng tốt tươi… Những lễ hội này được tổ chức hàng năm mà người chủ lễ chính là nhà vua. Điều này thể hiện rằng các vua triều Nguyễn coi việc cầu mong mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, người dân an lạc là việc trách nhiệm của họ. Ngoài ra, vua cũng cử các vị đại thần khâm mạng thay mặt vua tiến hành các lễ đảo vũ (mỗi khi có hạn hán hay mưa dầm), lễ tế miếu Phong bá, lễ tế miếu Vũ sư… để cầu khấn và tạ ơn các vị thần mưa, thần gió. Tính nhân văn trong các lễ hội cung đình Huế còn được thể hiện trong việc triều đình lập miếu thờ và tổ chức tế tự các vị đế vương của các triều đại trước (miếu Lịch đại đế vương, miếu Lê Thánh Tông)… thể hiện sự trọng thị và biết ơn đối với các triều đại trước. Sự trọng thị này không chỉ đối với các vị vua chúa Việt Nam mà còn đối với các vị quốc vương Chiêm Thành và Chân Lạp thông qua việc lập đền miếu và duy trì tế lễ các vị này. Triều Nguyễn lập Văn miếu và Võ miếu để tôn vinh văn trị, võ công; lập các miếu thờ công thần và tổ chức tế lễ ở các nơi này để tôn vinh những người có công với đất nước, với triều đại. Không những thế, các lễ tế mộ hoang, lễ tế đàn Âm hồn… mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện sự đồng cảm, cảm thông, thương xót đối với đồng loại bất hạnh. Trong khi đó, các lễ triều hội như Nguyên đán, Đoan dương lại thể hiện sự tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; lễ Truyền lô thể hiện việc tôn vinh người tài và tuyển chọn người tài ra giúp nước… Tất cả những nét tích cực ấy là phần cốt lõi tạo nên những giá trị nhân văn trong lễ hội cung đình thời Nguyễn. Loại trừ những phần hạn chế do thời đại và hệ tư tưởng phong kiến, lễ hội cung đình Huế chứa đựng những giá trị văn hóa tích cực và giàu tính nhân văn.
2. LỄ HỘI CUNG ĐÌNH HUẾ VÀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐỂ PHỤC VỤ NHÂN DÂN VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở THỪA THIÊN HUẾ
Do hoàn cảnh lịch sử và những biến đổi của xã hội, sau khi triều Nguyễn cáo chung, hầu hết các lễ hội cung đình không còn được tổ chức do chủ thể lễ hội không còn tồn tại. Tuy nhiên, một số hình thức tế lễ như lễ tế, hưởng tại các miếu thờ trong Đại Nội Huế, lễ yết bái lăng tẩm các vua chúa nhà Nguyễn nhân tiết Thanh minh hay vào các dịp giỗ kỵ nhà vua vẫn được con cháu họ Nguyễn, dưới sự điều hành của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc, vẫn được duy trì, nhưng trong phạm vi dòng họ, chứ không phải là những quốc lễ như trước.
Đặc biệt, sau nhiều năm gián đoạn, vào năm 1972, với mục đích nguyện cầu cho hòa bình, bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại đã đứng ra tổ chức một cuộc lễ tế tương đối quy mô tại đàn Nam giao của triều Nguyễn, với sự chứng kiến của đại diện chính quyền đương thời ở Huế. Đây là lễ Tế giao đầu tiên được tổ chức sau khi triều Nguyễn kết thúc, và người đứng ra tổ chức lễ tế này là một bà (cựu) hoàng thái hậu của triều Nguyễn.
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, chế độ mới tuyên bố “đi theo con đường xã hội chủ nghĩa”, những lễ hội cung đình của triều Nguyễn trước đây bị coi là tàn dư của chế độ phong kiến nên bị loại bỏ. Thậm chí, chế độ mới luôn tìm cách xóa sạch mọi “dấu vết” liên quan đến sự tồn tại của các lễ hội này.[35]
Tuy nhiên, từ đầu thập niên 1990, khi Huế bắt đầu được du khách trong và ngoài nước quan tâm, đặc biệt, sau khi quần thể di tích triều Nguyễn ở Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những thay đổi trong cách “đối xử” với các di sản văn hóa do vương triều Nguyễn để lại, kể cả di sản vật thể lẫn di sản phi vật thể.
Ngoài việc đầu tư tiền của và trí lực cho công cuộc bảo tồn quần thể di tích kiến trúc triều Nguyễn, chính quyền cũng cho phép người dân tổ chức một số lễ hội truyền thống của địa phương, trong đó có những lễ hội có gốc gác gắn với văn hóa cung đình Huế như lễ hội điện Hòn Chén. Đặc biệt, vào ngày 23.6.1989, được sự đồng ý của chính quyền, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc và con cháu dòng họ Nguyễn đã cử hành lễ Cung nghinh an vị và kỵ Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim ở Triệu miếu. Cuộc lễ có sự tham dự của đại diện chính quyền cấp tỉnh và cấp thành phố, đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam của tỉnh, các vị nhân sĩ, trí thức và hơn 2000 con cháu của dòng họ Nguyễn từ khắp nơi về dự.[36] Sau sự kiện này, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc chủ trương phục hồi dần dần một số lễ tế tại các miếu thờ các vua chúa triều Nguyễn ở trong Đại Nội. Hiện nay, hàng năm Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đều tổ chức bốn cuộc lễ chính tại các miếu này: lễ kỵ Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim (ngày 20.5 âm lịch); lễ kỵ Thái tổ Gia dũ hoàng đế Nguyễn Hoàng và hiệp kỵ các vị chúa Nguyễn (ngày 3.6 âm lịch); lễ kỵ Hưng tổ Hiếu khương hoàng đế Nguyễn Phúc Luân, thân phụ vua Gia Long (ngày 10.9 âm lịch) và lễ kỵ vua Gia Long và hiệp kỵ các vua Nguyễn (ngày 19.12 âm lịch). Có thể nói rằng, lễ tế tự tại các miếu thờ vua chúa nhà Nguyễn, từ hình thức “quốc lễ” do nhà nước phong kiến chủ trì, trong bối cảnh mới đã được phục hồi, tái hiện dưới hình thức nghi lễ của dòng tộc. Điều thú vị là những cuộc tế lễ này được tổ chức ở ngay những nơi mà nhà nước phong kiến trước đây đã thực hiện quốc lễ, với những nghi thức như lễ hội cung đình nhưng giản lược và kiệm ước hơn.
Ở một phía khác, trong các kỳ Festival Huế được tổ chức từ năm 2000 đến nay, nhiều lễ hội cung đình đã được chính quyền cho phép và đầu tư tiền của để phục hồi, tái hiện như: lễ tế đàn Nam giao, lễ tế đàn Xã tắc, lễ Truyền lô, lễ Vinh quy bái tổ, cuộc thi Tiến sĩ võ…, nhằm làm phong phú thêm các hoạt động của Festival và giới thiệu những nét độc đáo của văn hóa Huế để thu hút du khách.
2.1. Việc phục hồi, tái hiện lễ hội cung đình Huế trong thời gian qua
2.1.1. Mục đích phục hồi, tái hiện
Kể từ khi Đảng và nhà nước có những thay đổi về chủ trương, chính sách đối với lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là từ khi Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quy chế mở hội truyền thống (ngày 4.10.1989), thiết lập cơ sở pháp lý cho việc phục hồi những lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có những động thái đồng tình, ủng hộ việc phục hồi những lễ hội dân gian và lễ hội cung đình ở Huế. Theo đó, một số lễ hội cung đình thời Nguyễn cũng có cơ may được tổ chức trở lại. Việc phục hồi, tái hiện những lễ hội này được thực hiện ở cả hai phía, người dân và chính quyền, với những mục đích khác nhau:
* Về phía người dân
Do nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng nên người dân tự đứng ra tổ chức (với sự chấp thuận của chính quyền và các cơ quan chức năng) một số lễ hội mà trước đây nhà nước phong kiến thường đứng ra tổ chức như: lễ tế miếu Âm hồn (nhân sự kiện Thất thủ kinh đô) vào ngày 23 tháng 5 âm lịch; lễ hội điện Hòn Chén (vốn là một lễ hội dân gian nhưng đã được cung đình hóa từ triều vua Đồng Khánh) vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch.
Ngoài ra, do nhu cầu thờ phụng và bày tỏ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc và con cháu họ Nguyễn thường xuyên tổ chức các lễ tế, hưởng tại các miếu thờ các vua chúa nhà Nguyễn ở bên trong Đại Nội hay tổ chức các lễ yết bái, tảo mộ tại lăng tẩm các vị vua chúa nhà Nguyễn trong các dịp Thanh minh, giỗ chạp. Những lễ hội này được tổ chức hoàn toàn vi nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân, diễn ra trong phạm vi nhỏ, với các nghi lễ được giản lược, lễ vật khiêm tốn và thời gian hành lễ được rút ngắn so với trước. Kinh phí tổ chức các lễ hội này đều do người dân hoặc con cháu trong dòng họ Nguyễn đóng góp.
* Về phía chính quyền
Bắt đầu từ Festival Huế 2004, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư kinh phí và mời người dàn dựng[37] một phần trong lễ tế Nam giao thời Nguyễn, gọi là Ngự đạo hồi cung. Tiếp theo lễ tế Nam Giao, một số lễ hội cung đình khác tiếp tục được chính quyền địa phương đầu tư phục hồi, tái hiện như: lễ tế Xã tắc, lễ Truyền lô, lễ Vinh quy bái tổ, lễ Quang Trung lên ngôi hoàng đế, lễ hội Thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn, lễ hội Hành trình mở cõi, hội Du xuân của nhà vua, hoàng gia và đình thần triều Nguyễn được tái hiện trong chương trình Huyền thoại sông Hương…
Mục đích của việc phục hồi, tái hiện này là nhằm để: phục vụ các kỳ Festival Huế; phục vụ các dịp kỷ niệm những danh nhân, sự kiện lịch sử; phục vụ phát triển du lịch và phục vụ các nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của một bộ phận xã hội.[38]
2.1.2. Những lễ hội cung đình đã được phục hồi, tái hiện trong thời gian qua
Ngoài Nhã nhạc triều Nguyễn và các điệu múa cung đình đã được đưa vào biểu diễn trong nhiều lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại ở Huế, nhất là trong các dịp Festival Huế, từ năm 2004, một số lễ hội, không chỉ là lễ hội cung đình triều Nguyễn mà lễ hội của các thời đại trước như thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn, cũng đã tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép phục hồi, tái hiện.
* Những lễ hội được phục hồi
- Lễ tế Nam giao: Được phục hồi trong các kỳ: Festival Huế 2004 (trích đoạn Ngự đạo hồi cung); Festival Huế 2006 (phục hồi cả ba phần: Ngự đạo xuất cung, lễ tế tại đàn, Ngự đạo hồi cung, nhưng ưu tiên phần hội hơn phần lễ)[39]; Festival Huế 2008 (cả phần lễ và phần hội đều được chú trọng như nhau) và Festival Huế 2010 (chỉ thực hiện phần lễ rước nhà vua từ Trai Cung lên đàn và phần tế tại đàn Nam Giao).
- Lễ tế Xã tắc: Được phục hồi trong Festival Huế 2008 và vào đêm 8.4.2010, mở đầu cho mùa Festival Huế 2010.
- Lễ Truyền lô: Được phục hồi trong Festival Huế 2006.
- Lễ Vinh quy bái tổ: Được phục hồi trong Festival Huế 2006.
- Lễ Hoàng hôn: Được phục hồi trong chương trình Đêm Hoàng cung được tổ chức tại Đại Nội trong các kỳ Festival Huế 2006, 2008, 2010 và tổ chức định kỳ hàng tháng trong các năm 2007 và 2009.
* Những lễ hội được tái hiện
- Thi tiến sĩ võ: Được tái hiện trong Festival Huế 2008.
- Lễ Quang Trung lên ngôi hoàng đế: Được tái hiện trong Festival Huế 2008 và trong dịp khánh thành Khu tượng đài anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân (Huế) vào ngày 9.1.2010.
- Hội Du xuân của nhà vua, hoàng gia và đình thần triều Nguyễn: Được tái hiện trong chương trình Huyền thoại sông Hương trong các kỳ Festival Huế 2008 và 2010.
- Lễ hội Thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn: Được tái hiện trong chương trình Festival Huế 2010.
- Lễ hội Hành trình mở cõi: Được tái hiện trong Festival Huế 2010.
2.1.3. Nhận xét, đánh giá về việc phục hồi, tái hiện lễ hội cung đình Huế trong thời gian qua
Lễ hội cung đình là một bộ phận hợp thành văn hóa Huế, tạo nên giá trị đặc trưng và bản sắc cho văn hóa Huế. Vì thế, việc phục hồi và tái hiện lễ hội cung đình Huế để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân và thu hút khách du lịch đến với Huế trong thời gian qua đã đáp ứng sự mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân Thừa Thiên Huế và du khách đến thăm Huế.
Những lễ hội được phục hồi và tái hiện một cách công phu và hoành tráng này này đã gây tiếng vang lớn trong dư luận, góp phần vào thành công của các kỳ Festival Huế, biến Festival trở thành một “thương hiệu” riêng của Huế, góp phần quảng bá cho du lịch và văn hóa Huế.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc phục dựng và tái hiện các lễ hội cung đình Huế đã không được như kỳ vọng, khiến dư luận xôn xao. Trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện nhiều bài viết với những đánh giá tiêu cực về cách thức phục hồi và tái hiện một số lễ hội cung đình trong các kỳ Festival Huế vừa qua.[40]
Theo chúng tôi, những bất cập không đáng có trong việc phục hồi, tái hiện các lễ hội cung đình ở Huế trong thời gian qua là do các nguyên nhân sau:
- Nội dung và hình thức tổ chức của lễ hội đã bị làm sai lệch vì các lý do chính trị hay thương mại, thậm chí vì để đáp ứng yêu cầu của truyền hình.
+ Lễ tế Nam giao phục hồi trong dịp Festival Huế 2006, tuân theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương, ban tổ chức ưu tiên phần hội hơn phần lễ. Nhưng đến lễ tế Nam giao trong Festival Huế 2008 thì lại phục hồi đầy đủ cả phần lễ và phần hội. Và đến lễ tế Nam giao trong Festival Huế 2010 thì chỉ tập trung vào phần lễ bỏ qua phần hội.
+ Sẵn sàng cắt bỏ những nội dung quan trọng của lễ hội vì một lý do nào đó. Chẳng hạn lễ tế Nam giao trong Festival Huế 2010 chỉ thực hiện phần “sơ hiến tế” và “á hiến tế”, lượt bỏ phần “chung hiến tế”.
+ Sẵn sàng thay đổi không gian và hình thức tổ chức lễ hội vì lý do thương mại hay thay đổi thời gian tổ chức lễ hội chỉ vì lý do truyền hình trực tiếp như trong lễ tế Xã tắc vào tháng 4.2010 (chuyển buổi lễ từ ban ngày vào ban đêm).
- Đặt quá nhiều mục tiêu cho việc phục hồi một lễ hội nên không đáp ứng được mục tiêu nào.
+ Trong khi ban tổ chức Festival Huế khẳng định việc phục hồi lễ tế Nam giao là nhằm làm phong phú hoạt động của Festival và để tạo ra một sản phẩm du lịch đặc thù của Huế nhằm thu hút du khách thì một bài báo lại đăng ý kiến của ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Phó ban tổ chức Festival Huế 2010 rằng: “Đây là lễ tế Giao thật sự chứ không đơn thuần là một lễ hội trong Festival Huế. Vì thế, khi tiến hành lễ, toàn bộ lực lượng tham gia phải mặc lễ phục (áo dài, khăn đóng), kể cả hơn 500 phóng viên tại Festival Huế lần này. Xung quanh khu vực đàn tế, diễn viên đóng vai quân lính, ngự lâm quân đứng rất nghiêm trang; phụ nữ không được lên đàn tế. Khi nào lễ kết thúc, dân chúng mới được vào thắp hương”.
+ Trong khi ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tác giả kịch bản và đạo diễn các lễ tế Xã tắc và Nam giao nhấn mạnh việc phục dựng các lễ tế này chủ yếu là tạo ra một sản phẩm phục vụ du lịch và khẳng định mục tiêu du lịch được đặt lên hàng đầu và buộc các mục tiêu khác phải phục tùng nó, thì ban tổ chức cuộc lễ này lại huy động 100 vị bô lão lại từ các làng trên toàn tỉnh được mời về, đại diện cho trăm họ, nên mới sinh ra cảnh “vua thì giả mà dân chúng thì thật” như báo chí đã nêu.
- Chủ thể của lễ hội không nhất quán, thậm chí ngay trong cùng một cuộc lễ
Trong lễ tế Nam giao năm 2008, ngoài ông vua giả mặc hoàng bào đứng ra chủ tế, còn có những ông “vua giả” là các quan chức đầu tỉnh, cũng mặc áo vàng “xon xen” leo lên đàn tế để khấn vái. Trong khi đó, nhiều phóng viên báo chí muốn lên đàn tế để tác nghiệp thì ban tổ chức không cho lên với lý do chỉ có vua mới được lên đàn tế.[41]
- Nhiều nghi thức truyền thống bị loại bỏ hoặc được thay thế bằng những biến tướng
Do sự thay đổi thể chế chính trị, nên nhiều nghi thức truyền thống trong các lễ hội cung đình không còn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay. Vì thế, những người phục hồi lễ hội đã thay thế bằng những biến tướng mới, nhưng do không am hiểu lịch sử và văn hóa nên một số nghi thức mới trở nên phản cảm, gây hiệu quả không tốt.
- Nhiều loại trang phục, đạo cụ truyền thống sử dụng trong lễ hội bị thay thế bởi trang phục, phương tiện, thiết bị hiện đại, không đúng với nguyên gốc.
- Thái độ của người tham gia lễ hội không còn thành kính, nhiệt tâm như trước. Họ không còn đóng vai trò là chủ thể trong lễ hội, là đối tượng sáng tạo nên di sản văn hóa mà trở thành khách thể, là những người thưởng thức, sử dụng di sản văn hóa.
Những vấn nạn trên đã khiến cho hình ảnh của một số lễ hội cung đình Huế được phục hồi và tái hiện trong thời gian qua trở nên “méo mó” trong tâm thức của người dân và “lệch lạc” trong mắt của du khách; một số lễ hội đã bị mất đi hình thái nguyên thủy, dẫn đến việc đánh mất tính xác thực, mà lẽ ra, phải được bảo toàn.
2.2. Một số đề xuất cho lễ hội cung đình Huế trong bối cảnh hiện nay
2.2.1. Lễ hội cung đình Huế với người dân và với du khách
Để khắc phục những hạn chế trong việc phục hồi, tái hiện lễ hội cung đình Huế như trong thời gian vừa qua, đồng thời, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội cung đình Huế, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân và phát triển du lịch ở Huế, theo chúng tôi, trước tiên phải đánh giá đúng vai trò của lễ hội cung đình Huế trong đời sống của người dân và đối với du khách.
2.2.1.1. Đối với người dân
Người dân Huế là chủ thể của di sản văn hóa Huế. Họ là người đã góp phần sáng tạo, thực hiện, gìn giữ và trao truyền nhiều giá trị văn hóa, trong đó có lễ hội cung đình Huế. Mặc dù hiện nay chế độ phong kiến không còn nữa, lễ hội cung đình không còn được tổ chức như trước nhưng những lễ hội này vẫn còn lưu lại trong sử sách và trong tâm thức nhiều bộ phận dân chúng ở Huế. Việc tổ chức, tái hiện các lễ hội này cũng phần nào thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của một bộ phận dân chúng ở Huế.
Lễ hội cung đình Huế là nét riêng độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa Huế. Đó là một dạng di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của xứ Huế và mọi người đều có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị của lễ hội này.
Lễ hội cung đình Huế là những nghi thức thiêng liêng cần được tôn trọng, giữ gìn tính nguyên gốc. Việc phục hồi các lễ hội này trên cơ sở kế thừa truyền thống và phù hợp với bối cảnh mới cần phải đảm bảo những giá trị xác thực và tính nguyên gốc của nó. Theo nhiều nhà nghiên cứu, ảnh hưởng của lễ hội cung đình Huế đối với sinh hoạt lễ hội ở nhiều vùng trên cả nước là rất rõ nét, chẳng hạn đối với một số lễ hội cổ truyền ở miền Bắc. Ngô Đức Thịnh nhận xét: “Tế là nghi thức tưởng niệm, tôn vinh thần linh với ngôn ngữ, ăn mặc và điệu bộ mô phỏng phong cách cung đình Huế thế kỷ XVIII - XIX. Đã có lúc người ta bàn tới việc có nên duy trì nghi thức tế mang đậm tính cung đình phong kiến này nữa không. Nếu xóa bỏ nó thì thay bằng gì để nó có thể biểu hiện được sự tôn vinh của cộng đồng đối với thần linh và ước vọng được thần linh che chở, phù hộ độ trì”.[42] Đây là một nhận xét đáng lưu ý trong vấn đề đánh giá vai trò của lễ hội cung đình Huế đối với đời sống đương đại.
2.2.1.2. Đối với du khách
Du khách đến thăm Huế, ngoài việc đi thăm viếng các di tích lịch sử - văn hóa, họ còn có nhu cầu tham quan, chiêm bái, tìm hiểu các lễ hội ở Huế, trong đó có lễ hội cung đình, bởi họ muốn khám phá những cái hay, cái độc đáo của văn hóa Huế. Cần lưu ý rằng, chỉ có Huế mới có thể tổ chức, phục hồi các lễ hội cung đình vì đây là di sản văn hóa chỉ có ở Huế. Và cũng lưu ý thêm rằng thuộc tính cung đình đã trở thành một thương hiệu độc quyền của văn hóa và du lịch Huế: cơm cung đình Huế, trà cung đình Huế, chè cung đình Huế, ca nhạc cung đình Huế, thuyền cung đình Huế, vườn cung đình Huế, đời sống cung đình Huế...
Từ nhu cầu của du khách, cần thiết phải coi lễ hội cung đình Huế là một sản phẩm du lịch độc đáo, vừa để đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa phục vụ phát triển du lịch ở Huế.
2.2. Một số đề xuất cho lễ hội cung đình Huế trong bối cảnh hiện nay
Chúng tôi ủng hộ quan điểm phục hồi các lễ hội cung đình Huế trong bối cảnh đương đại để phục vụ cho các nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân và phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, mỗi khi tiến hành phục hồi, tái hiện lễ hội, cần phân biệt rõ việc làm đó phục vụ cho cộng đồng hay cho việc phát triển du lịch.
- Nếu phục hồi lễ hội vì nhu cầu tâm linh hay vì ý nghĩa nhân văn sâu sắc của lễ hội thì cần phải tuân thủ về nghi thức, thời gian, địa điểm hành lễ, phải tôn trọng tính xác thực của lễ hội để tránh cung cấp cho người dân những cách nhìn lệch lạc về lễ hội. Đó phải là một lễ hội thật sự và người dân đóng vai trò chủ thể, chính quyền chỉ đóng vai trò ủng hộ, hỗ trợ, tất nhiên, không cần phải đóng giả vua quan. Người chủ lễ có thể là các quan chức cấp cao ở địa phương, hay một vị nhân sĩ cao niên, đức độ, vận trang phục truyền thống (áo dài, khăn đóng) đứng ra tế lễ.
- Nếu phục vụ cho việc phát triển du lịch thì chấp nhận hình thức sân khấu hóa và thương mại hóa. Lễ hội đó phải được quảng diễn, có bán vé thu tiền để công chúng và du khách được vào xem. Lúc đó, có thể mời diễn viên sắm vai vua quan, quần thần, binh tướng… ăn vận và hành lễ giống như trong lễ hội ngày xưa, nhưng phải ‘để’ cho công chúng biết rằng đây là lễ hội phục hồi theo truyền thống, chứ không phải là một lễ hội cung đình Huế chính thống.
- Tôn trọng tính nguyên gốc của lễ hội, từ địa điểm, không gian, thời gian tổ chức đến hình thức diễn xướng, trang phục, đạo cụ, nội dung văn tế mỗi khi phục hồi, tái hiện lễ hội để phục vụ đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân hay để phục vụ phát triển du lịch.
- Xác định rõ chủ thể của lễ hội để có những giải pháp giữ nguyên trạng hay thay thế trong từng lễ hội cụ thể mỗi khi tiến hành phục dựng và tái hiện lễ hội.
- Xác định giá trị gốc, tiêu chí nhận dạng và các biểu hiện đặc trưng của các lễ hội để tránh tình trạng làm sai lệch và biến dạng lễ hội mỗi khi khai thác và sử dụng.
- Tiến hành nhận dạng, phân loại và kiểm kê di sản lễ hội ở Huế, cả lễ hội dân gian và lễ hội cung đình để có kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị cho phù hợp.
- Tư liệu hóa di sản lễ hội cung đình Huế bằng các hình thức chụp ảnh, quay phim, ghi âm, ghi chép... nhằm giúp cho việc bảo tồn lễ hội, đồng thời phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu và phát huy giá trị của lễ hội.
- Duy trì sự tồn tại của lễ hội trong lòng cộng đồng, trong môi trường nguyên thủy mà di sản đã nảy sinh và tồn tại; luôn tạo điều kiện cho cộng đồng bảo vệ, tổ chức khai thác và phát huy các mặt tích cực của lễ hội.
- Khi đủ điều kiện thì cần đăng ký các lễ hội cung đình Huế như là những di sản VHPVT tiêu biểu của Huế với các tổ chức quốc gia và quốc tế để nhận được sự công nhận và bảo vệ tốt nhất đối với các lễ hội cung đình Huế.
Với bài viết này, chúng tôi hy vọng cung cấp một góc nhìn tổng quát về di sản lễ hội cung đình Huế trong lịch sử; đưa ra những nhận xét, đánh giá về việc phục hồi tái hiện một số lễ hội cung đình Huế trong thời gian vừa qua, đồng thời đề xuất những ý kiến hữu ích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội cung đình Huế phục vụ cho chiến lược phát triển văn hóa và phát triển du lịch một các bền vững ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
T.Đ.A.S.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thiết, Từ điển hội lễ Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1993.
2. Chu Quang Trứ, “Lễ hội và tâm linh người Việt”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 1.1997. Dẫn theo: Lê Văn Thuyên, “Lễ hội ở Huế dưới thời Nguyễn”, Sách đã dẫn, tr. 425.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb Sự thật, 1986.
4. Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1992.
5. Đỗ Trinh Huệ, Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả Cadière, Nxb Thuận Hóa, 2006.
6. Dương Văn Sáu, “Lễ hội du lịch và sự phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”, Tham luận tại hội thảo khoa học Sản phẩm văn hóa và phát triển du lịch bền vững, Huế, tháng 6, 2006.
7. Hà Văn Thịnh “Festival Huế: Lịch sử được phục hiện như đồ…giả!”, VietNamNet, Ngày 8.6.2010.
8. Hồ Hương Giang, “Kết thúc lễ hội, những băn khoăn”, Sài Gòn tiếp thị, Số ra ngày 13.6.2010.
9. Hoàng Văn Minh, “Văn hoá Huế, đâu chỉ mỗi triều Nguyễn”, Lao động, Số ra ngày Thứ Tư (1.12.2010).
10 Huỳnh Thị Anh Vân, “Vấn đề bản sắc qua nghi lễ tế miếu: một cách tiếp cận nhân học”, Di sản văn hóa Huế, Nghiên cứu và Bảo tồn, Trung tâm BTDT Cố đô Huế xuất bản, Huế, 2007.
11. Không Lực và Chu Thiên trong bài “Hàng vạn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm tại Huế”, http://hoalinhthoai.com.
12. Lê Hồng Lý, “Những hoạt động lễ hội tín ngưỡng của người Việt trong sự đổi mới kinh tế hiện nay”, Giá trị và tính đa dạng của Folklore châu Á trong quá trình hội nhập, Nxb. Thế giới, 2006.
13. Lê Trung Vũ và Nguyễn Hồng Dương, Lịch lễ hội, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997
14. Lê Văn Thuyên, “Lễ hội ở Huế dưới thời Nguyễn”, Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp xuất bản, Huế, 2002.
15. Lương Kim Thoa, “Các vua triều Nguyễn đối với tín ngưỡng truyền thống ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX”, trong Nghiên cứu và giảng dạy lịch sử thời Nguyễn ở Đại học, Cao đẳng sư phạm và phổ thông (Kỷ yếu hội thảo Khoa học quốc gia), Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2002
16. Minh Tự, “Vua giả mà dân chúng thì thật!”, Tuổi trẻ (Số ra ngày Thứ Ba, 4.5.2010).
17. Ngô Đức Thịnh, “Mấy nhận thức về lễ hội cổ truyền”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 11.1999.
18. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Viện Sử học, 15 tập, Nxb Thuận Hóa, 1993.
19. Phan Thuận An, “Lễ hội cung đình triều Nguyễn nhìn từ góc độ văn hoá và du lịch ngày nay”, Sông Hương, Số 167, Tháng 1, 2003.
20. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, 5 tập, Nxb Thuận Hóa, 1992.
21. Tôn Thất Bình, “Một số đặc điểm của lễ hội dân gian hiện nay ở Thừa Thiên Huế”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 3 (117), 1994.
22. Trần Đình Hằng, “Sức hấp dẫn của du lịch Huế nhìn từ lễ hội truyền thống”, Tham luận tại hội thảo khoa học Sản phẩm văn hóa và phát triển du lịch bền vững, Huế, tháng 6, 2006.
23. Trần Đức Anh Sơn, “Bảo toàn tính xác thực của di sản văn hóa phi vật thể trong hoạt động du lịch và tổ chức lễ hội”, Huế Xưa và Nay, Số 96 (Tháng 11- 12), 2009.
24. Trần Hồng Liên và Võ Văn Hoàng, “Lễ hội Quán Thế Âm ở Đà Nẵng trong không gian lễ hội Phật giáo Việt Nam”, Thông tin khoa học Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, Tháng 10/2009.
PHỤ LỤC: BẢNG THỐNG KÊ LỄ HỘI CUNG ĐÌNH THỜI NGUYỄN
Lễ hội |
Địa điểm tổ chức |
Thời gian tổ chức (âm lịch) |
a. Các lễ tiết |
||
Tiết Nguyên đán |
Điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, cung Từ Thọ (sau đổi là cung Diên Thọ), điện Khôn Đức (sau đổi là cung Khôn Thái) và điện Thanh Hòa, bên trong Đại Nội |
Tết Nguyên đán |
Tiết Đoan dương |
Điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, cung Từ Thọ, điện Khôn Đức và điện Thanh Hòa |
Ngày 5 tháng 5 |
Tiết Vạn thọ |
Điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Tả vu và Hữu vu, bên trong Đại Nội |
Ngày đản (ngày sinh) của vua đương vị |
Tiết Từ cung thánh thọ |
Cung Từ Thọ (cung Diên Thọ) |
Ngày đản của hoàng thái hậu đương vị |
Tiết Thiên thu |
Điện Khôn Đức (cung Khôn Thái) |
Ngày đản của hoàng quý phi đương vị |
Tiết Thiên xuân |
Điện Thanh Hòa |
Ngày đản của hoàng thái tử đương vị |
Lễ Hưng quốc khánh niệm |
Điện Thái Hòa, điện Cần Chánh |
Ngày 2 tháng 5 |
Lễ đại triều |
Điện Thái Hòa |
Ngày 1 và 15 hàng tháng; 1 số ngày lễ quan trọng trong năm |
Lễ thường triều |
Điện Cần Chánh |
Ngày 5, 10 và 25 hàng tháng; các ngày lễ khác trong năm |
Lễ đăng quang |
Điện Thái Hòa |
Không cố định |
Lễ tấn tôn |
Cung Từ Thọ (cung Diên Thọ) |
Không cố định |
Lễ hoàng đế ngự cung mới |
Không cố định |
Không cố định |
Lễ hoàng thái hậu ngự cung mới |
Không cố định |
Không cố định |
Lễ sách lập hoàng hậu, Lễ hoàng quý phi |
Điện Thái Hòa và điện Khôn Đức (cung Khôn Thái) |
Không cố định |
Lễ sách lập hoàng thái tử |
Điện Thái Hòa và cung Chấn Hanh, |
Không cố định |
Lễ sách phong cung giai |
Điện Cần Chánh và nơi cung phi ở thuộc Lục viện, bên trong Đại Nội |
Không cố định |
Lễ sách phong hoàng tử, hoàng thân |
Điện Cần Chánh, nhà Khánh Thiện (hoặc nhà Duyệt Thị), bên trong Đại Nội |
Không cố định |
Lễ sách phong công chúa |
Điện Cần Chánh |
Không cố định |
b. Các lễ tế tự |
||
Tế đàn Nam giao |
Đàn Nam giao ở xã An Cựu bên bờ nam sông Hương[43] |
Ngày tốt, trước ngày 19 tháng 2 |
Tế Triệu miếu |
Triệu miếu[44] bên trong Đại Nội |
8 tháng 1, 1 tháng 4, 1 tháng 7, 1 tháng 10, 22 tháng 12 |
Tế Thái miếu |
Thái miếu[45] bên trong Đại Nội |
8 tháng 1, 1 tháng 4, 1 tháng 7, 1 tháng 10, 22 tháng 12 |
Tế Hưng miếu |
Hưng miếu[46] bên trong Đại Nội |
8 tháng 1, 1 tháng 4, 1 tháng 7, 1 tháng 10, 22 tháng 12 |
Tế Thế miếu |
Thế miếu[47] bên trong Đại Nội |
8 tháng 1, 1 tháng 4, 1 tháng 7, 1 tháng 10, 22 tháng 12 |
Tế miếu Triệu Tường và miếu Trừng quốc công |
Miếu Triệu Tường và miếu Trừng quốc công[48] ở xã Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa |
Ngày tốt, tháng 1 và tháng 7 |
Tế điện Phụng Tiên |
Điện Phụng Tiên[49] bên trong Đại Nội |
Ngày 15 tháng 1 và các ngày kỵ của các vua, hậu |
Tế điện Hiếu Tư |
Điện Hiếu Tư[50] trong cung Khánh Ninh ở bờ bắc Ngự Hà, bên trong Kinh Thành Huế |
23 tháng 4 (ngày đản vua Minh Mạng), 5 tháng 11 (ngày đản Tá Thiên Nhân hoàng hậu), 23 tháng 5 (ngày kỵ Tá Thiên Nhân hoàng hậu), 28 tháng 12 (ngày kỵ vua Minh Mạng), |
Tế điện Long An |
Điện Long An[51] trong cung Bảo Định ở bờ bắc Ngự Hà, bên trong Kinh Thành Huế |
11 tháng 5 (ngày đản vua Thiệu Trị), 19 tháng 5 (ngày đản Nghi Thiên Chương hoàng hậu), 22 tháng 5 (ngày kỵ Nghi Thiên Chương hoàng hậu), 27 tháng 9 (ngày kỵ vua Thiệu Trị) |
Yết bái ở các lăng tẩm |
Lăng tẩm các chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn ở kinh đô Huế |
Tiết thanh minh (tháng 3) và một ngày tốt trong tháng 12 |
Tế đàn Xã tắc |
Đàn Xã tắc ở bên phải Đại Nội, bên trong Kinh Thành Huế và ở các tỉnh |
Ngày mậu, tháng 2 và tháng 8[52] |
Tế miếu Lịch đại đế vương |
Miếu Lịch đại đế vương[53] ở xã Dương Xuân, bờ nam sông Hương |
Ngày quí giữa tháng 2 (sau tế đàn Xã tắc) và ngày quí đầu tháng 8 |
Tế miếu Lê Thánh Tông |
Miếu thờ vua Lê Thánh Tông ở xã Dương Xuân, bờ nam sông Hương |
Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế Văn miếu |
Văn miếu[54] ở xã Long Hồ, bờ bắc sông Hương và Văn miếu ở các tỉnh |
Ngày đinh cuối tháng 2 (sau tế miếu Lịch đại đế vương) và ngày đinh giữa tháng 8 |
Tế đền Khải Thánh |
Đền Khải Thánh[55] ở xã An Ninh, bờ bắc sông Hương và đền Khải Thánh ở các tỉnh |
Hai kỳ tế cùng ngày với tế Văn miếu là ngày đinh cuối tháng 2 và ngày đinh giữa tháng 8 |
Tế đàn Tiên Nông |
Đàn Tiên Nông[56] ở bờ bắc Ngự Hà, bên trong Kinh thành và đàn Tiên Nông ở các tỉnh |
Trước hoặc sau ngày 15 tháng 5 tế đàn Tiên Nông ở kinh đô Huế, vài ngày sau tế đàn Tiên Nông ở các tỉnh[57] |
Tế Võ miếu |
Võ miếu ở xã An Ninh[58] ở bờ bắc sông Hương |
Ngày kỷ cuối tháng 2 (sau tế Văn miếu) và ngày kỷ giữa tháng 8 |
Tế miếu Quốc vương Chiêm Thành |
Miếu thờ Quốc vương Chiêm Thành ở xã Nguyệt Biều, bờ nam sông Hương và ở thôn Xuân Hội, huyện Hòa Đà, tỉnh Bình Thuận |
Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Quốc vương Chân Lạp |
Miếu thờ Quốc vương Chân Lạp ở xã Dương Xuân, bờ nam sông Hương |
Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Khai quốc công thần |
Miếu thờ các vị khai quốc công thần[59] ở xã Thiên Lộc, bờ nam sông Hương |
Ngày giáp, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Trung hưng công thần |
Miếu thờ các vị trung hưng công thần[60] ở xã Thiên Lộc, bờ nam sông Hương |
Ngày giáp, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Trung tiết công thần |
Miếu thờ các công thần tiết nghĩa[61] ở xã Thiên Lộc, bờ nam sông Hương |
Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Hiền lương |
Miếu Hiền lương[62] ở tây nam sông Hương, phía đông chùa Thiên Mụ, bên ngoài Kinh Thành Huế |
Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Trung nghĩa |
Miếu Trung nghĩa[63] ở đông nam sông Hương, phía trước Kinh Thành Huế |
Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8
|
Tế đàn Ân tự |
Đàn tế người có công với nước ở kinh đô Huế và ở các tỉnh, không cố định |
Tháng 2 sau lễ tế các công thần |
Tế mộ hoang |
Đàn tế tại các ngôi mộ hoang được quy tập về một số nơi ở kinh đô Huế |
Ngày tốt tháng 3 |
Tế đàn Âm hồn |
Đàn Âm hồn[64] ở phía bắc, bên ngoài Đại Nội và ở các tỉnh |
Ngày 3 tháng 3; ngày 3 tháng 8 |
Tế đàn Sơn xuyên |
Đàn Sơn xuyên ở xã Thủy Biều, bờ nam sông Hương và ở các tỉnh |
Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Tiên y |
Miếu Tiên y[65] kinh đô Huế |
Ngày tốt, tháng 2 và tháng 11 |
Tế quán Linh Hựu |
Quán Linh Hựu[66] ở bên trong Kinh Thành Huế |
Ngày 3 tháng 3 và một ngày tốt vào mùa thu |
Tế đền Quan Công |
Đền thờ Quan Công[67] ở kinh đô Huế |
Tháng 2 và tháng 8 và ngày sinh của Quan Công |
Tế đền Thiên Phi |
Đền thờ Thiên Phi[68] ở kinh đô Huế |
Ngày kỷ, tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền Trấn bắc an thần |
Đền thờ Trấn Võ chân quân ở gác Từ Vân tại quán Linh Hựu, bên trong Kinh Thành Huế |
Ngày tốt, mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Tiên Nương |
Đền thờ Tiên Nương[69] ở kinh đô Huế |
Ngày tốt, mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Tuyên Mục nhị vương |
Đền thờ Tuyên vương, Mục vương[70] ở xã Long Hồ, bờ bắc sông Hương |
8 tháng 1 và 1 tháng 7 |
Tế đền Triển thân |
Đền Triển thân[71] ở xã Vân Dương, bờ nam sông Hương |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Anh Duệ hoàng thái tử |
Đền thờ Anh Duệ hoàng thái tử[72] ở ấp Bình Lục[73] bờ nam sông Hương |
Ngày tốt, vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Thân huân |
Đền Thân huân[74] ấp An Tân, phía nam sông Hương |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Vĩnh Tường quận vương |
Đền Vĩnh Tường quận vương[75] ở xã Vạn Xuân, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Diễn quốc công |
Đền thờ Diễn Quốc công[76] ở xã Phú Xuân, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Quy quốc công |
Đền thờ Quy Quốc công[77] ở xã Vạn Xuân, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Thọ quốc công |
Đền thờ Thọ Quốc công[78] ở xã Kim Long, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Phúc quốc công |
Đền thờ Thọ Quốc công[79] ở xã Kim Long, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Đức quốc công |
Đền thờ Đức Quốc công[80] ở xã Phú Xuân, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Gia phi |
Đền thờ Gia phi[81] ở kinh đô Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Hiền phi |
Đền thờ Hiền phi[82] ở ấp Đông Trì Hạ, phía đông Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Ý thục |
Đền thờ Ý thục[83] ở vườn Thư Xuân, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Lệ thục |
Đền thờ Lệ thục[84] ở vườn Thanh Phương, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền họ Trần |
Đền thờ họ Trần[85] ở xã Văn Xá, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền họ Hồ |
Đền thờ họ Hồ[86] ở xã Kim Long, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền họ Phạm |
Đền thờ họ Phạm[87] ở xã Phú Xuân, phía tây Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế miếu Vũ sư |
Miếu Vũ sư[88] ở xã Dương Xuân, bờ nam sông Hương |
Ngày kỷ tháng 2 và ngày kỷ tháng 8 (sau tế đàn Xã tắc) |
Tế miếu Phong bá |
Miếu Phong bá[89] ở cửa biển Thuận An |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Nam hải Long vương |
Miếu thờ Nam hải Long vương[90] ở gần cửa biển Thuận An |
Ngày quí, tháng 2 và tháng 8 (sau tế đàn Xã tắc) |
Tế miếu Tư Dung hải môn |
Miếu thờ thần cửa biển Tư Dung[91], phía nam kinh đô |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Thai Dương phu nhân |
Miếu thờ Thai Dương phu nhân ở xã Thai Dương, gần cửa biển Thuận An |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Hà Bá |
Miếu thờ Hà Bá ở xã Hà Trung, gần cửa biển Thuận Trực |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Hỏa thần |
Miếu Hỏa thần ở kinh đô Huế[92] |
Ngày 23 tháng 6 |
Tế miếu thần Hỏa pháo |
Miếu thờ thần hỏa pháo ở xã Phú Xuân, phía nam Kinh Thành Huế |
Ngày 1 tháng 9 |
Tế miếu Đô Thành hoàng |
Miếu Đô Thành hoàng ở bên trong Kinh Thành Huế, phía tây Đại Nội |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 (sau tế đàn Xã tắc) |
Tế miếu Hội đồng |
Miếu thờ Hội đồng[93] ở kinh đô Huế |
Ngày bính, tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Thiên Thọ |
Đền thờ thần núi Thiên Thọ ở xã Định Môn, nơi lăng vua Gia Long tọa lạc |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Triệu Tường |
Đền thờ thần núi Triệu Tường ở xã Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa, nơi lăng Nguyễn Kim tọa lạc |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Khải Vận |
Đền thờ thần núi Khải Vận ở xã Kim Ngọc, phía tây nam Kinh Thành Huế, nơi lăng chúa Nguyễn Hoàng tọa lạc |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Hưng Nghiệp |
Đền thờ thần núi Hưng Nghiệp ở xã Cư Chánh, phía tây nam Kinh Thành Huế, nơi lăng Nguyễn Phúc Luân, tọa lạc |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Hiếu |
Đền thờ thần núi Hiếu ở xã An Bằng, phía tây nam Kinh Thành Huế, nơi lăng vua Minh Mạng tọa lạc |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần Thổ kỳ |
Đền thờ thần Thổ kỳ ở xã An Bằng, phía tây nam Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Thuận Đạo |
Đền thờ thần núi Thuận Đạo, xã Cư Chánh, phía tây nam Kinh Thành Huế, nơi lăng vua Thiệu Trị tọa lạc |
Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền An Ninh bá |
Đền thờ An Ninh bá[94] ở xã Cư Chánh, phía tây nam Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào tháng 2, tháng 8, tiết thanh minh và tháng 12 |
Tế đền thần núi Hải Vân quan |
Đền thờ thần núi Hải Vân quan ở xã An Cư, phía nam Kinh Thành Huế |
Ngày giáp, tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Phụ Ổ |
Đền thờ thần núi Phụ Ổ ở xã Phụ Ổ, phía bắc Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào tháng 3 |
Tế đền thần Thúy Anh |
Đền thờ thần núi Thúy Anh[95] ở cạnh cửa biển Tư Dung (Tư Hiền) |
Mỗi năm tế 1 lần trước ngày vua tuần du đến nơi này |
Tế đền thần hồ Tĩnh Tâm |
Đền thờ thần hồ Tĩnh Tâm ở bờ nam Ngự Hà, bên trong Kinh Thành Huế |
Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
c. Các lễ hội khác |
||
Lễ đảo vũ |
Không cố định |
Không cố định |
Lễ ban sóc[96] |
Điện Thái Hòa, Ngọ Môn[97] |
Ngày 1 tháng 12 |
Lễ tiến xuân |
Trước cửa Chánh Đông của Kinh Thành |
Tiết lập xuân hàng năm |
Lễ tịch điền |
Ruộng tịch điền của triều Nguyễn[98] ở bên trong Kinh Thành Huế |
Giữa tháng 5 cùng ngày với ngày tế đàn Tiên Nông |
Lễ kỳ đạo[99] |
Thiết triều ở điện Cần Chánh, đàn lễ lập ở bên ngoài phía nam Kinh Thành |
Ngày tốt tháng 1 |
Lễ phất thức |
Điện Cần Chánh trong Tử Cấm Thành |
Cuối tháng Chạp |
Lễ truyền lô[100] |
Điện Thái Hòa và lầu Phu Văn |
Không cố định |
Lễ đại táng[101] |
Không cố định |
Không cố định |
Lễ Tứ tuần đại khánh, Ngũ tuần đại khánh |
Không cố định |
Không cố định |
Cuộc du xuân |
Không cố định |
Không cố định |
Ngày Hổ quyền |
Hổ quyền ở xã Nguyệt Biều, bờ nam sông Hương |
Không cố định |
[1] Phan Thuận An, “Lễ hội cung đình triều Nguyễn nhìn từ góc độ văn hoá và du lịch ngày nay”, Sông Hương, Số 167, Tháng 1, 2003, tr. 46.
[2] Bùi Thiết, Từ điển hội lễ Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1993, tr. 5
[3] Bùi Thiết, Sách đã dẫn, tr. 5.
[4] Bùi Thiết, Sách đã dẫn, tr.5-6.
[5] Phan Thuận An, “Bài đã dẫn”, tr. 47.
[6] Chẳng hạn:
- Trần Hồng Liên và Võ Văn Hoàng trong bài “Lễ hội Quán Thế Âm ở Đà Nẵng trong không gian lễ hội Phật giáo Việt Nam”, Thông tin khoa học Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, Tháng 10.2009;
- Không Lực và Chu Thiên trong bài “Hàng vạn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm tại Huế”, http://hoalinhthoai.com.
[7] Ngô Đức Thịnh, “Mấy nhận thức về lễ hội cổ truyền”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 11.1999. Dẫn theo: Lê Văn Thuyên, “Lễ hội ở Huế dưới thời Nguyễn”, Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp xuất bản, Huế, 2002. tr. 425.
[8] Lê Văn Thuyên, “Lễ hội ở Huế dưới thời Nguyễn”, Sách đã dẫn. tr. 426.
[9] Chu Quang Trứ, “Lễ hội và tâm linh người Việt”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 1.1997. Dẫn theo: Lê Văn Thuyên, “Lễ hội ở Huế dưới thời Nguyễn”, Sách đã dẫn, tr. 425.
[10] Từ một góc nhìn khác, Phan Thuận An cho rằng người Tây phương đã dùng một số thuật ngữ như: cérémonie (ceremony), fête, festival… để chỉ lễ hội, nhưng nội hàm của các thuật ngữ này có đôi chút khác biệt. Cụ thể:
- Ceremony: có ý nghĩa thiên về lễ nghi, lễ thức, lễ bái, cúng bái.
- Fête: lễ lạt, đình đám nói chung.
- Festival: thiên về hội hè, liên hoan có rất nhiều người thuộc nhiều thành phần tham dự, chẳng hạn như “jazz festival” (liên hoan nhạc jazz). Dẫn theo: Phan Thuận An, “Bài đã dẫn”, tr. 47.
[11] Xem thêm:
- Trần Đình Hằng, “Sức hấp dẫn của du lịch Huế nhìn từ lễ hội truyền thống”, Tham luận tại hội thảo khoa học Sản phẩm văn hóa và phát triển du lịch bền vững, Huế, Tháng 6.2006.
- Ngô Đức Thịnh, “Mấy nhận thức về lễ hội cổ truyền”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 11.1999.
- Trần Đức Anh Sơn, Bảo toàn tính xác thực của di sản văn hóa phi vật thể trong hoạt động du lịch và tổ chức lễ hội”, Huế Xưa và Nay, Số 96 (Tháng 11- 12), 2009.
- Dương Văn Sáu, “Lễ hội du lịch và sự phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”, Tham luận tại hội thảo khoa học Sản phẩm văn hóa và phát triển du lịch bền vững, Huế, Tháng 6.2006.
- Lê Hồng Lý, “Những hoạt động lễ hội tín ngưỡng của người Việt trong sự đổi mới kinh tế hiện nay”, Giá trị và tính đa dạng của Folklore châu Á trong quá trình hội nhập, Nxb. Thế giới, 2006.
[12] Dẫn theo: Lê Hồng Lý, “Những hoạt động lễ hội tín ngưỡng của người Việt trong sự đổi mới kinh tế hiện nay”, Sách đã dẫn, tr. 196.
[13] Cuốn sách Từ điển hội lễ Việt Nam của Bùi Thiết (Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1993) thống kê cả nước có 403 lễ hội; cuốn Lịch lễ hội của Lê Trung Vũ và Nguyễn Hồng Dương (Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997) thống kê cả nước có 385 lễ hội. Nhưng cả 2 cuốn sách này không có dòng nào đề cập đến những lễ hội cung đình đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam. Công trình nghiên cứu nghiêm túc và bài bản về lễ hội cung đình Việt Nam có lẽ là cuốn Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề (Nxb Văn học, Hà Nội, 1992). Cuốn sách này đã khảo cứu và giới thiệu 36 đại lễ từng được tổ chức dưới các triều Lý - Trần - Lê - Tây Sơn - Nguyễn và 11 vũ khúc cung đình, chủ yếu là vũ khúc cung đình thời Nguyễn.
[14] Quan điểm đồng nhất cung đình Huế với cung đình triều Nguyễn, do Huế là kinh đô của nhà Nguyễn là rất phổ biến hiện nay. Thực ra, Huế không chỉ là kinh đô của triều Nguyễn mà còn là kinh đô của triều Tây Sơn, trải hai đời vua Quang Trung và Cảnh Thịnh trong 14 năm (1888 - 1801). Và trước đó, Huế là thủ phủ của xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn trong khoảng thời gian từ năm 1636 - 1774. Nếu coi Đàng Trong là một vương quốc phong kiến như cách nhìn nhận của các sử gia phương Tây thì Huế cũng chính là kinh đô của vương quốc này. Không chỉ đồng nhất cung đình Huế với cung đình triều Nguyễn, nhiều người còn coi văn hóa Huế chính là văn hóa triều Nguyễn. Xem: Hoàng Văn Minh, “Văn hoá Huế, đâu chỉ mỗi triều Nguyễn”, Lao động, Số ra ngày thứ Tư (1.12.2010). Quan niệm này, theo chúng tôi, là rất phiến diện.
[15] Chữ tiết (節) có 13 nét nghĩa. Chữ tiết ở đây là chữ dùng trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn, hàm chứa các nét nghĩa sau: “Thời tiết, một năm chia ra làm 24 tiết, như: xuân phân, lập xuân”, “ngày thọ của vua” và “ngày Tết”.
[16] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Viện Sử học, Tập 6, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 13-66.
[17] Sau khi xây xong một cung điện mới, như: điện Thái Hòa (năm 1804), cung Khánh Ninh (năm 1825), cung Bảo Định (1845), cung Trường Thọ dành cho hoàng thái hậu (1804)… triều đình tổ chức lễ mừng nhà vua (hay hoàng thái hậu) ngự cung điện mới tức là lễ khánh thành cung điện và đón nhà vua (hay hoàng thái hậu) đến nhận cung điện mới để ở hay để làm việc.
[18] Nội các triều Nguyễn, Sách đã dẫn, tr. 67-83. Lễ sách phong thời Nguyễn bao gồm các lễ: sách lập hoàng hậu, sách lập hoàng thái tử, sách phong cung giai, sách phong hoàng tử, hoàng thân, sách phong công chúa.
[19] Nội các triều Nguyễn, Sách đã dẫn, tr. 338.
[20] Nội các triều Nguyễn, Sách đã dẫn, tr. 339.
[21] Dưới triều Gia Long, lễ tế tại các miếu: Phong bá, Vũ sư, Nam hải long vương và đền Khải Thánh được xếp vào bậc trung tự (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tr. 15) nhưng sang triều Tự Đức, lễ tế tại 4 đền miếu này được xếp vào bậc quần tự.
[22] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Viện Sử học, 15 tập, Nxb Thuận Hóa, 1993.
[23] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, 5 tập, Nxb Thuận Hóa, 1992.
[24] Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1992.
[25] Triều Trần không tổ chức lễ tế Giao. Dẫn theo: Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Sách đã dẫn, tr. 15.
[26] Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Sách đã dẫn, tr. 87.
[27] Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Sách đã dẫn, tr. 105.
[28] Vua Minh Mạng đã từng “trừng phạt” nữ thần Kỳ thạch phu nhân, được thờ ở xã Thanh Phước, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên vì đã không đáp ứng yêu cầu cầu mưa trong lễ đảo vũ do triều đình tổ chức.
[29] Dẫn theo: Đỗ Trinh Huệ, Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả Cadière, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 221.
[30] SarDesai, D.R, Southeast Asia, Past & Present, O.S. Printing House, Bangkok 1997, p. 42. Dẫn theo: Huỳnh Thị Anh Vân, “Vấn đề bản sắc qua nghi lễ tế miếu: một cách tiếp cận nhân học”, Di sản văn hóa Huế, Nghiên cứu và Bảo tồn, Trung tâm BTDT Cố đô Huế xuất bản, Huế, 2007, tr. 234.
[31] Lương Kim Thoa, “Các vua triều Nguyễn đối với tín ngưỡng truyền thống ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX”, trong Nghiên cứu và giảng dạy lịch sử thời Nguyễn ở Đại học, Cao đẳng sư phạm và phổ thông (Kỷ yếu hội thảo Khoa học quốc gia), Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2002, tr. 116.
[32] Huỳnh Thị Anh Vân, “Vấn đề bản sắc qua nghi lễ tế miếu: một cách tiếp cận nhân học”, Sách đã dẫn, tr. 234.
[33] Phan Thuận An, “Bài đã dẫn”, tr. 47.
[34] Tôn Thất Bình, “Một số đặc điểm của lễ hội dân gian hiện nay ở Thừa Thiên Huế”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 3 (117), 1994.
[35] Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định một trong những nhiệm vụ tổng quát của cách mạng Việt Nam thời kỳ này là “chặn đứng và loại trừ các biểu hiện tiêu cực” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb Sự thật, 1986, tr. 51). Vì thế, các hình thức cúng bái, lễ nghi, từ cung đình đến dân gian, đều bị coi là hoạt động mê tín dị đoan tiêu cực, nên bị cấm đoán, tẩy chay, đền miếu bị đập phá hoặc bỏ hoang.
[36] Huỳnh Thị Anh Vân, “Vấn đề bản sắc qua nghi lễ tế miếu: một cách tiếp cận nhân học”, Sách đã dẫn, tr. 240.
[37] Tên gọi chính thức do Ban tổ chức Festival Huế công bố và được báo chí sử dụng rộng rãi là phục hồi lễ tế Nam Giao. Thậm chí, ông Phùng Phu, Phó ban tổ chức Festival Huế 2010 còn tuyên bố: “Đây là lễ tế Giao thật sự chứ không đơn thuần là một lễ hội trong Festival Huế” (http://vietnamnet.vn/vanhoa/201006/F...u-that-915282). Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây chỉ là sự dàn dựng một phần lễ tế Nam Giao của các đạo diễn sân khấu, chứ không phải phục hồi nguyên trạng lễ tế Nam giao của triều Nguyễn.
[38] Mục đích thứ 4 này là một mục đích có thật, nhất là trong các dịp phục hồi lễ tế Nam Giao và tế Xã tắc, nhiều quan chức cấp cao của tỉnh Thừa Thiên Huế đều “đăng đàn” cầu khấn rất thành tâm. Song vì vấn đề ý thức hệ, người ta thường không thừa nhận mục đích này vì sợ mang tiếng mê tín dị đoan, một điều cấm kỵ đối với ý thức hệ cộng sản.
[39] “Ưu tiên phần hội hơn phần lễ” là ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong một văn bản ban hành vào cuối tháng 5/2006 do Phó ban Đào Duy Quát ký.
[40] - Sau khi xem lễ tế Nam giao phục hồi trong Festival Huế 2006, tại Hội thảo khoa học Sản phẩm văn hóa và phát triển du lịch bền vững (do Phân viện Văn hóa Nghệ thuật thành phố Huế tổ chức vào ngày 24.6. 2006), nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã phát biểu, đại ý: Nếu những gì diễn ra trong lễ tế (phục hồi) này là đúng sự thật, thì lịch sử thế giới cần phải viết lại, vì sớ tế trời của ông vua thời Nguyễn mà lại xướng danh Cộng hòa XHCN Việt Nam. Như vậy chế độ XHCN đã có ở Việt Nam trước khi Cách mạng Tháng Mười diễn ra ở Nga vào năm 1917”.
- Báo Tuổi trẻ (Số ra ngày Thứ Ba, 4.5.2010) đăng bài “Vua giả mà dân chúng thì thật!” của Minh Tự, phản ánh những bất cập của lễ hội tế Xã tắc (được phục dựng vào tháng 4.2010). Bài báo viết: “Đi đầu đoàn ngự đạo là chiếc xe chở một dàn đèn pha sáng choang cùng với camera truyền hình trực tiếp. Vua do diễn viên đoàn hát sắm vai, nhưng 100 vị bô lão lại là bô lão thật (từ các làng trên toàn tỉnh được mời về, đại diện cho trăm họ. Vua cử hành nghi lễ rất trang nghiêm nhưng là cái “trang nghiêm” của diễn xuất, còn các vị bô lão thì quỳ lạy vua và thần linh với một niềm thành kính rất chân thật”. Bài báo cũng dẫn lời một số nhà nghiên cứu ở Huế cho rằng: “Thật không ra thật, mà giả cũng chẳng ra giả!” (Ý kiến của ông Hồ Tấn Phan), “Lập lờ giữa các mục đích nên cái nào cũng chẳng ra cái nào” (Ý kiến của ông Trần Đức Anh Sơn).
- Báo điện tử VietNamNet (ngày 8.6.2010) đăng bài “Festival Huế: Lịch sử được phục hiện như đồ…giả!” của Hà Văn Thịnh, phản ánh nhiều bất cập của lễ hội Thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn (được tái hiện trong Festival Huế 2010). Bài báo kết luận: “Hàng vạn du khách muốn nhìn thấy Huế của ngày xưa nó ra làm sao chứ không phải là cái ngày xưa ấy được ngày nay chế biến theo khuôn mẫu game online! Nếu lịch sử chỉ là “đồ giả” thì chỉ nên gọi đó là vở kịch hóa trang chứ không thể liều lĩnh gọi là “tái hiện” lịch sử. Đó là nguyên tắc. Vi phạm sự trung thực của lịch sử tức là chúng ta đã làm giả lịch sử đến hai lần”.
- Báo Sài Gòn tiếp thị số ra ngày 13.6.2010, đăng bài “Kết thúc lễ hội, những băn khoăn” còn lại của Hồ Hương Giang phản biện ý kiến của ông Phùng Phu (Phó ban Tổ chức Festival Huế) phát biểu với báo chí trong cuộc họp báo trước lễ bế mạc Festival Huế 2010 về “tính chân xác của các lễ hội cung đình” được phục hồi trong các kỳ Festival Huế. Bài báo cho rằng: “Tính chân xác ấy, lần nào diễn ra cũng như trêu đùa bỡn cợt. Ở lễ tế Nam Giao, Ban tổ chức đã huy động tới 160 bô lão đến từ các làng văn hóa tiêu biểu trong tỉnh để tham gia lễ hội. Thế nhưng, linh hồn của lễ hội, nhân vật chính của lễ tế... lại là ông vua giả (do diễn viên đóng). Vậy là tính chân xác chỉ có trên lớp áo của người diễn viên. Đáng nói là khi tái hiện lại lễ rước nhà vua lên đàn tế và hồi cung, các bô lão “thật” đều phải quỳ mọp đầu trên sân để đón ông vua “giả” đi qua”.
Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến phản hồi về vấn đề này, nhưng do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi không thể liệt kê hết ở đây.
[41] Phản ánh của phóng viên Bùi Ngọc Long đăng trên báo Thanh niên sau khi tham gia đưa tin về lễ tế Nam Giao trong Festival Huế 2008.
[42] Ngô Đức Thịnh, “Mấy nhận thức về lễ hội cổ truyền”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 11.1999. Dẫn theo: Lê Văn Thuyên, “Lễ hội ở Huế dưới thời Nguyễn”, Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp xuất bản, Huế, 2002. tr. 431.
[43] Các địa danh hành chính trong bảng này được ghi theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và sách Đại Nam nhất thống chí, không ghi theo địa danh hành chính hiện nay.
[44] Triệu miếu thờ Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim và hoàng hậu.
[45] Thái miếu thờ 9 vị chúa Nguyễn và các hoàng hậu của họ.
[46] Hưng miếu thờ thân phụ và thân mẫu của vua Gia Long là Hưng tổ Hiếu khương hoàng đế Nguyễn Phúc Luân và hoàng hậu.
[47] Thế miếu thờ các vua, hậu triều Nguyễn.
[48] Khu miếu này gồm hai miếu: bên phải là Miếu Triệu Tường thờ Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim và Thái tổ Gia dũ hoàng đế Nguyễn Hoàng; bên trái là miếu Trừng quốc công thờ Trừng quốc công Nguyễn Văn Lựu, thân sinh Nguyễn Kim.
[49] Điện Phụng Tiên trước gọi là điện Hoàng Nhân, thờ các vua hậu triều Nguyễn, dành riêng cho các bà đến lễ nghi, cúng viếng.
[50] Điện Hiếu Tư thờ Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mạng và Nhân hoàng hậu.
[51] Điện Long An thờ Hiến tổ Chương hoàng đế Thiệu Trị.
[52] Đàn lập vào năm 1806, hàng năm tế Xã tắc vào ngày mậu đầu tháng 2 và ngày mậu đầu tháng 8. Đến năm 1809, vua Gia Long quy định 3 năm tế một lần (vào các năm tí, ngọ, mão, dậu). Năm 1822, vua Minh Mạng quy định xuân tế tổ chức vào ngày mậu sau tế Nam giao, tức là ngày mậu sau ngày 19/2; thu tế tổ chức vào ngày mậu đầu tháng 8.
[53] Miếu này thờ các vị: Phục hi, Viêm đế, Thần nông, Hoàng đế, Nghiêu đế, Thuấn đế, Hạ Vũ vương, Thương phang vương, Chu Văn vương, Vũ vương, Kinh dương vương, Lạc long quân, Hùng vương, Sĩ vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tổ, Lê Trang Tông, Lê Anh Tông cùng nhiều đại công thần trong lịch sử Trung Hoa và lịch sử Việt Nam.
[54] Văn miếu thờ Khổng Tử, Tứ phối, Thập nhị triết và Thất thập nhị hiền.
[55] Khải thánh từ thờ Thúc Lương Ngột, thân sinh Khổng Tử.
[56] Đàn Tiên Nông là nơi quan Phủ Doãn Thừa Thiên vâng mệnh vua tới làm dâng lễ trước khi vua ra cày ruộng tịch điền.
[57] Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, từ năm Tự Đức thứ 4 (1851), đàn Tiên Nông ở các tỉnh tế mỗi năm 2 kỳ vào tháng 5 và tháng 8 âm lịch. Tài liệu đã dẫn, tr. 442.
[58] Võ miếu thờ các võ hầu, danh tướng trong lịch sử Trung Hoa gồm: Khương Tử Nha, Quản Trọng, Hàn Tín, Lý Tĩnh, Lý Thạnh, Từ Đạt, Điền Nhương Thư, Trương Lương, Gia Cát Lượng, Quách Tử Nghi, Nhạc Thi, và các danh tướng trong lịch sử Việt Nam gồm: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hữu Tiến, Tôn Thất Hội, Lê Khôi, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Văng Trương.
[59] Miếu này thờ 4 vị khai quốc công thần là: Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Kính.
[60] Miếu này thờ 424 vị công thần thời Nguyễn, đứng đầu là Tôn Thất Mân, Võ Tánh, Tôn Thất Huy, Ngô Tòng Chu, Tôn Thất Hội, Châu Văn Tiếp.
[61] Miếu này thờ 114 vị công thần triều Nguyễn chết trong cuộc chiến Nguyễn - Tây Sơn.
[62] Miếu này thờ Thiếu bảo Cần Chánh điện đại học sĩ Trịnh Hoài Đức và Quốc công Phạm Đăng Hưng cùng 39 hiền thần triều Nguyễn.
[63] Miếu này thờ Thống chế Lê Mậu Cúc và Nguyễn Văn Thận cùng 469 trung thần của triều Nguyễn.
[64] Đàn này để tế những quỷ thần không có người thờ tự (vô tự quỷ thần).
[65] Miếu Tiên y thờ Phục hi, Thần nông, Hoàng đế và các vị hành nghề thuốc. Đời Gia Long đền này ở phường Dưỡng Sinh, bên trong Kinh Thành Huế, năm 1824 dời đến phường An Ninh, phía tây bên ngoài Kinh Thành Huế, đến năm 1845 dời đến phường Ninh Viễn bên trong Kinh Thành Huế. Theo: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Tập 1, Nxb Thuận Hóa, 1992, tr. 77.
[66] Linh Hựu quán thờ Cửu thiên thánh tổ, Kim đồng Ngọc nữ, Lão Tử, Quan Âm bồ tát, Trấn Vũ chân quân. Lúc đầu quán này thuộc phường Linh Thái, ở bờ bắc Ngự Hà, bên trong Kinh Thành. Về sau quán này được dời về ở bên trái Đại Nội, thuộc phường Trung Tích.
[67] Đền này thờ Quan Công, tức Quan Vân Trường, tức Quan Thánh đế quân. Đời Gia Long đền tọa lạc bên trái chùa Thiên Mụ, đến năm 1821 dời về bờ bắc Ngự Hà, bên trong Kinh Thành Huế.
[68] Đền này thờ thần biển, đời Gia Long tọa lạc ở bên trái chùa Thiên Mụ. Năm 1845 dời về tọa lạc ở xã Thuận An.
[69] Đền này thờ thần sông, tọa lạc ở cạnh nguồn Hữu Trạch, một trong hai hợp lưu của sông Hương.
[70] Tuyên vương tên là Nguyễn Phúc Hạo, con thứ 9 của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765). Mục vương tên là Nguyễn Phúc Dương, con trưởng của Tuyên vương.
[71] Đền này thờ một số hoàng thân, hoàng tử và công chúa thời các chúa Nguyễn, gồm: Tôn Thất Chương, Tôn Thất Huy, Tôn Thất Bảo, Tôn Thất Hạo, Tôn Thất Đồng, Tôn Thất Mân, Tôn Thất Hi, Tôn Thất Điển, Trinh Thục công chúa, Trinh Liệt công chúa, Nhu Khiết công chúa, An Tĩnh công chúa và một số công chúa chết non (tảo thương).
[72] Tức hoàng tử Cảnh, con trưởng vua Gia Long.
[73] Sách Đại Nam nhất thống chí (Phạm Trọng Điềm dịch, Tập 1, Nxb Thuận Hóa, 1992, tr. 76) chép là “ấp Bình Long, huyện Phú Vang”.
[74] Đền này thờ Hải Đông quận vương Tôn Thất Đồng (bác của vua Minh Mạng), Thông Hóa quận vương Tôn Thất Điển (bác của vua Minh Mạng) và Thuận An công Tôn Thất Huy (anh ruột vua Minh Mạng). Trước đây, họ được phối thờ ở đền Triển thân, nhưng đến năm 1839, vua Minh Mạng cho lập đền riêng để thờ ba vị này.
[75] Vĩnh Tường quận vương là hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Hoành, con vua Minh Mạng.
[76] Đền này thờ Thái bảo Diễn quốc công Nguyễn Phúc Trung và thân phụ của ông.
[77] Đền này thờ Thái bảo Quy quốc công Tống Phúc Khuông và vợ cả của ông.
[78] Đền này thờ Thái sư Thọ quốc công Trần Hưng Đạt và vợ cả của ông.
[79] Đền này thờ Thái bảo Phúc quốc công Hồ Văn Bôi và vợ cả của ông.
[80] Đền này thờ Thái bảo Đức quốc công Phạm Đăng Hưng và vợ cả của ông.
[81] Đền này thờ bà Gia phi Phạm Thị Tuyết, vợ vua Minh Mạng. Đời Minh Mạng đền ở xã Vạn Xuân, phía tây Kinh Thành, đến năm 1849, đền dời về tọa lạc ở ấp Đông Trì Thượng, phía ngoài Kinh Thành Huế.
[82] Đền này thờ bà Hiền phi Ngô Thị Chính, vợ vua Minh Mạng.
[83] Đền này thờ An tần Hồ Thị Tùy cùng bà vợ thứ của vua Minh Mạng, từ tam giai trở xuống cửu giai.
[84] Đền này thờ bà Quý tần Đinh Thị Nghĩa, vợ vua Minh Mạng và các hoàng tử con vua Minh Mạng đã mất.
[85] Đền này thờ Thọ quốc công Trần Hưng Đạt cùng các bà vợ của ông và con trai trưởng của ông là Thị độc học sĩ, tên húy là Uyên cùng vợ cả của ông này.
[86] Đền này thờ gia tộc của Phúc quốc công Hồ Công Oai.
[87] Đền này thờ gia tộc của Đức quốc công Phạm Đăng Hưng.
[88] Miếu Vũ sư thờ thần mưa.
[89] Miếu Phong bá thờ thần gió
[90] Lúc đầu đây là Thuận An hải môn từ, năm 1804 đổi là Nam hải Long vương miếu, thờ Nam hải Long vương, phối thờ thần cửa biển Thuận An, thần cửa biển Tư Dung (Tư Hiền) và Hà bá.
[91] Đời Thiệu Trị đổi tên thành cửa Tư Hiền do kiêng húy tên vua Thiệu Trị (tên là Dung)
[92] Miếu này thờ thần lửa, đầu đời Minh Mạng tọa lạc ở xã Phú Xuân, phía bắc Ngự Hà, năm 1825 dời đến ấp Bình An, huyện Hương Thủy, phía nam Kinh Thành Huế.
[93] Miếu lập năm 1803 ở gần cửa Thuận An, đến năm 1826 dời về địa phận xã Triều Sơn, phía đông bắc Kinh Thành. Miếu này thờ: nam thần, nữ thần, Đương cảnh, Thổ địa, Long thần, Ngũ phương, Hà bá thủy quan, Tiên sư, Thổ công, Táo quân, Trụ trạch.
[94] Miếu này thờ Nguyễn Ngọc Huyên, người xã Cư Chánh, có công cất giấu chiếc sọ Nguyễn Phúc Luân, thân phụ vua Gia Long khi quân Tây Sơn đến quật phá ngôi mộ của ông này vào năm 1786. Về sau Nguyễn Ngọc Huyên đã dâng trả chiếc sọ này cho vua Gia Long nên được vua Gia Long ghi ơn, phong tước An Ninh bá và cho lập miếu thờ.
[95] Núi Thúy Anh trước có tên là Thúy Hoa, năm 1841 vua Thiệu Trị đổi là núi Thúy Anh vì kiêng húy tên Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa (mẹ vua Thiệu Trị). Sau đổi là núi Thúy Vân. Trên núi có chùa Thánh Duyên, quốc tự của triều Nguyễn.
[96] Lễ ban sóc là lễ phát hành lịch năm mới, tổ chức vào ngày 1 tháng 12 năm cũ. Từ đầu triều Gia Long đến năm 1840, lễ ban sóc được cử hành tại điện Thái Hòa. Từ năm 1840 trở về sau, lễ được cử hành ở trước Ngọ Môn.
[97] Từ đầu triều Gia Long đến năm 1840, lễ ban sóc được cử hành tại điện Thái Hòa. Từ năm 1840 trở về sau, lễ ban sóc được cử hành ở trước Ngọ Môn.
[98] Trước năm 1828, ruộng tịch điền của triều Nguyễn thuộc 2 phường Hòa Thái và Ngưỡng Trị, bên trong Kinh Thành. Từ năm 1828 trở đi ruộng tịch điền được chọn ở 2 phường An Trạch và Hậu Sanh, gần cung Khánh Ninh, cũng ở bên trong Kinh Thành Huế.
[99] Đầu thời Nguyễn, lễ này gọi là lễ Xuất quân, đến năm 1809, vua Minh Mạng đổi thành lễ Kỳ đạo. Theo: Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Sách đã dẫn, tr. 270.
[100] Lễ truyền lô là lễ xướng danh những sĩ tư thi đỗ kỳ thi Điện (Điện thí), tức kỳ thi Đình của các triều đại trước. Thông thường lễ được tổ chức ở điện Thái Hòa, những cũng có năm tổ chức ở trước Ngọ Môn. Gặp năm có đại tang trong triều, lễ được tổ chức ở điện Cần Chánh hay ở bộ đường bộ Lễ.
[101] Lễ đại táng là đám tang của các vị vua Nguyễn.