Nhà nghiên cứu văn hóa HỒ VĨNH
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 9195
Sinh năm 1959 tại phường Vĩnh An, Thành Nội Huế.
Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế.
Hội viên Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam
Địa chỉ: 129 Ngô Đức Kế, Huế.
Tác phẩm:
NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA XÃ HỘI THỜI NGUYỄN NXB Khoa Học 1995 (in chung).
ĐÔI NÉT MIỀN TRUNG tập phóng sự, NXB Hội Nhà văn 1996 (in chung).
DẤU TÍCH VĂN HÓA THỜI NGUYỄN NXB Thuận Hóa 1996. (Tái bản lần 1: 1998; lần 2: 2000).
GIỮ HỒN CHO HUẾ NXB Thuận Hóa 2006.
Kịch bản phim tài liệu:
BIA ĐÁ CHO ĐỜI Đài Truyền Hình Huế 1999.
NHỮNG NGƯỜI GIỮ BÓNG THỜI GIAN Đài Truyền Hình Huế 2001.
*
Giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế 1994, 1995.
Phóng sự “Đâu rồi điện Voi Ré” được chọn là phóng sự hay của tạp chí Sông Hương năm 1994.
*
Hồ Vĩnh và “duyên nợ” với Trịnh Công Sơn
Diên Thống
*
Kỷ niệm 10 năm ngày nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (TCS) qua đời, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh tẩn mẫn ngồi kiểm lại “gia tài” của anh đã sưu tập về người nhạc sỹ tài danh xứ Huế này. Hồ Vĩnh cho biết, hầu như không có bài báo và cuốn sách nào viết về TCS, dù lớn, dù nhỏ, mà anh bỏ sót, nếu biết.
Trong một góc trên căn gác nhỏ của anh ở cuối đường Ngô Đức Kế-Huế, tư liêụ về TCS được Hồ Vĩnh buộc gọn ghẽ, năm nào ra năm đó. Năm 2001, năm nhạc sỹ họ Trịnh giã từ cõi trọ trần gian, Hồ Vĩnh sưu tập 61 tờ báo và tạp chí có bài viết về TCS; năm 2002: 23 tờ…và năm 2011 này, cho đến khoảng còn 2 tuần nữa là kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh, Hồ Vĩnh đã sưu tập khoảng chục tờ báo và tạp chí. Hôm chúng tôi sang, anh vừa mang về cả chồng báo vừa phát hành, chỉ bởi một điều, trong đó có in những bài viết về Trịnh.
Tại sao và từ bao giờ anh mê TCS? Hồ Vĩnh cười hiền. Ấy là vào những năm 1970-1971, khi đang là học sinh trường trung học Tổng hợp Gia Hội (nay là Trường THPT Gia Hội), giờ âm nhạc, thầy giáo Bình dạy lớp anh bài Nối vòng tay lớn. Ca từ và âm điệu của bài hát bỗng làm anh…nổi da gà. Và anh chú ý đến TCS, sưu tập những gì liên quan đến TCS từ đó.
Hồ Vĩnh với những tư liệu sưu tập về Trịnh Công Sơn.
Trong bộ sưu tập về TCS, Hồ Vĩnh có những tập nhạc rất xưa cũ như Kinh Việt Nam, Phụ khúc Da vàng, Em còn nhớ hay em đã quên…; có cả bài viết đăng trên tạp chí Bách khoa của tác giả Trần Triệu Luật với tiêu đề “Những ý nghĩ xuôi dòng về nhạc Trịnh Công Sơn” (2/10/1966), mà theo Hồ Vĩnh, có thể đây là bài báo đầu tiên viết về Trịnh. Hơn 500 bài viết, hình ảnh, tư liệu và hiện vật về TCS là những gì Hồ Vĩnh đã lưu giữ được trong mấy chục năm qua.
và những tập ca khúc TCS rất “xưa cũ” mà Hồ Vĩnh còn lưu giữ
Nghe tin HĐND tỉnh vừa thông qua việc đặt tên đường TCS ở Huế, Hồ Vĩnh cười mãn nguyện. Anh cảm thấy vui vì đã góp một phần nhỏ cung cấp tư liệu cho thành phố trong quá trình lập đề án đặt tên đường. Lục tìm tập tài liệu đề năm 2001, Hồ Vĩnh lôi ra 2 tờ báo Nhân Dân, số phát hành ngày 3/1 và số ngày 5/1. Số ngày 3/1 có bài tưởng niệm về TCS đăng ở trang 8; số ngày 5/1 có tin truy điệu nhạc sỹ TCS đăng ở trang nhất: “Đặc biệt lắm, ít có văn nghệ sỹ nào lại được vinh dự như thế. Nó cho thấy, Đảng, Nhà nước mình đánh giá rất cao về nhạc sỹ”. Hai tờ Nhân Dân kể trên vì thế được Hồ Vĩnh rất quý và lưu giữ kỹ.
Những ngày này, cũng như không ít người khác, Hồ Vĩnh đang ước mơ về cái ngày mà Huế có nhà lưu niệm, hay một bảo tàng về nhạc sỹ TCS, lúc đó, không cần điều kiện, không cần vận động, anh sẽ tự nguyện mang tất cả những gì mình đã sưu tập về TCS để hiến tặng…
Diên Thống
*
- http://www.baothuathienhue.vn/?gd=4&cn=69&newsid=20110325175651
- http://netdephue.net/index.php?language=vi&nv=news&op=Van-hoa-
Giao-duc/Ho-Vinh-va-duyen-no-voi-Trinh-Cong-Son-1038
- http://thuvienhue.huecity.vn/portal/?GiaoDien=1&ChucNang=77&NewsID
***
Người yêu Trịnh Công Sơn bằng kỷ vật
Văn Nguyễn
Ông Hồ Vĩnh giới thiệu “tài sản” về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Văn Nguyễn.
Lặn lội sưu tập sách, báo, kỷ vật về Trịnh Công Sơn, đến nay nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh (thành phố Huế) đã có gia tài hơn 500 bài viết, hình ảnh, tư liệu và hiện vật về nhạc sĩ tài hoa này.
Sáng 1/4, trong căn gác nhỏ tại 129 đường Ngô Đức Kế (thành phố Huế), ông Hồ Vĩnh say sưa kể về hàng trăm bài báo, tạp chí viết về Trịnh Công Sơn mà ông sưu tập được. Thi thoảng, ông lại cất giọng hát "Diễm xưa", "Em đi bỏ lại con đường" như một thói quen.
“Hầu như không có bài báo và cuốn sách nào viết về Trịnh Công Sơn mà tôi bỏ sót. Tìm ở Huế không có, tôi nhờ người quen ở Sài Gòn, Hà Nội… mua giúp gửi về”, ông Vĩnh cho biết, tay vuốt lại mép một tờ báo cũ viết về Trịnh.
Năm 2001, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giã từ cõi trọ trần thế, Hồ Vĩnh đã lặn lội đi sưu tập được 61 tờ báo và tạp chí có bài viết về Trịnh Công Sơn. Một năm sau, ông sưu tầm thêm được 23 bài. Chỉ ba tháng đầu năm 2011, Hồ Vĩnh đã làm dày thêm bộ sưu tập với 50 bài báo và đầu sách viết về cố nhạc sĩ nhân 10 năm ngày mất.
Ông Vĩnh cho chúng tôi xem trong bộ sưu tập của mình có những tập nhạc thuộc loại “hàng hiếm” như Kinh Việt Nam, Phụ khúc Da vàng, Em còn nhớ hay em đã quên… Đặc biệt có bài báo với tiêu đề “Những ý nghĩ xuôi dòng về nhạc Trịnh Công Sơn” (2/10/1966) của tác giả Trần Triệu Luật mà theo ông rất có thể là bài báo đầu tiên viết về Trịnh. Bản thân ông cũng có bài viết về Trịnh đăng trên Tạp chí Sông Hương với tiêu đề: “Nhớ về Nối vòng tay lớn”.
Bằng giọng trầm ấm, ông Vĩnh kể năm 1970, khi đang còn là học sinh trường trung học Tổng hợp Gia Hội (nay là THPT Gia Hội), được thầy giáo dạy “Nối vòng tay lớn”, ông như bị mê hoặc bởi âm điệu của bài hát. Về nhà học thuộc lòng và hiểu được ý nghĩa của bài hát là ca ngợi hòa bình, đề cao tình anh em, tình nhân loại và nghĩa đồng bào, ông mới chú ý đến tác giả là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
"Từ tình yêu đó, tôi bắt đầu sưu tầm những bài hát, rồi đến những kỷ vật của cố nhạc sĩ”, ông Vĩnh chia sẻ.
Trong bộ sưu tập sách về Trịnh Công Sơn, ông Vĩnh có được cuốn Paris tiếng hát Trịnh Công Sơn do chính nhà văn Nguyễn Quang Sáng, một người bạn thân của cố nhạc sĩ viết phát hành năm 1990. Ảnh: Văn Nguyễn.
Lục tìm hai tờ báo Nhân Dân năm 2001 (phát hành ngày 3/4) với bài tưởng niệm về Trịnh Công Sơn và số ngày 5/4 có tin truy điệu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đăng ở trang nhất, ông Vĩnh tâm sự: “Ít có văn nghệ sĩ nào ở Việt Nam được nhiều người chú ý và quan tâm như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”.
Nói về dự định của mình, ông Vĩnh cho biết: “Tôi muốn tặng lại tất cả những gì mình đã sưu tập như một nén hương lòng nhớ đến anh nếu một ngày Huế có nhà lưu niệm, hay một bảo tàng về nhạc sĩ tài danh này”.
Mới đây, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh là người cung cấp tư liệu cho thành phố Huế trong việc lập đề án đặt tên đường Trịnh Công Sơn tại Huế bằng chính những kỷ vật mà ông sưu tập.
Văn Nguyễn
*
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/04/nguoi-yeu-trinh-cong-son-bang-ky-vat/
http://totvare.net/xem-tin-tuc/2/2740//ho-vinh---nguoi-yeu-
trinh-cong-son-bang-ky-vat.html
*
Hồ Vĩnh & Võ Quê. Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân (2.1995)