NHÀ THƠ NGUYỄN VĂN VŨ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6889
Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Văn Vũ, hiện đang sinh sống tại Huế.
SOI MẶT LÚC NỬA ĐÊM thơ Nguyễn Văn Vũ. NXB Thuận Hóa 2011.
.
Phù Dung
Mộng mị những đóa phù dung
mong manh yểu điệu
lặng lẽ giữa ráng chiều
chập chùng thời gian không trôi
thời gian trãi dài thương nhớ…
Ai như em đóa hoa thân phận
ướt đẩm sương chiều
vô tình rơi vào đáy cốc vinh hoa
ướm vừa chiếc hài cổ tích
huy hoàng đăng quang
cài vương miện lên nụ cười rưng rưng
bước chênh vênh trên sàn đời nghiêng ngữa
để cơn lũ trái mùa cuốn em đi
mù tăm…
Chiều chết lặng dưới gốc phù dung
cong queo nỗi đau mọc nhánh
kỹ tích rêu phong rùng mình
nở chùm bi ca
giữa thời khắc bóng phù sinh rao lời phán xét
Ai như em
còn nán lại bên đời làm hạt bụi
còn dại khờ nghe tôi hát thơ tôi?!…
.
Mênh mông trời quê
Lạc đường
vì biển quá mênh mông
hay tại trời xanh rối cả lòng
“ Trời xanh như thể không có nắng
Nắng tự da người nắng rực lên ”
Cười trên sóng
như đứa trẻ trần truồng ôm hạnh phúc
ngụp trong gàu nước giếng quê
nhớ mẹ reo lên
“ Biển bao dung quá mẹ ơi!”
Quên chuyện đường dài
ngồi xuống bên gió trưa
lao xao
dừng đũa giữa chừng mà mơ
“ Thiếu em ớt chín nửa cây
cơm ngon nửa chén mây bay nửa trời…”
nhớ xoáy lòng
sẽ viết bài huyền thoại lửa
về đốt ngõ chiều không em…
Bọt phế tích trào dâng
vỗ bờ quên lãng
thời buồn vui sáo nò sóng nước
bồi hồi khơi xa
“Lặng nhìn ra phía mênh mông
người đi phiêu bạt quê không lối chờ
đời còn mấy cuộc chơ vơ?
gió bay lật sấp trang thơ bạc tình…”
Tam Giang, 08.5.2011
.
Sẽ đến lượt chúng ta
Mưa dội trên đầu người thiện lẩn kẻ ác
Và thiên tai chẳng hủy diệt riêng ai
Hãy mở rộng mắt nhìn
Hai thập niên giao đầu thế kỷ :
Từ Chuetsu đến Kobe rồi Fukushima
Động đất, sóng thần, phóng xạ
Thách thức chôn sống văn minh
Tước doạt ước vọng thanh bình
Ác mộng len vào cơn mưa mạch nước
Rúng động cả địa cầu
Khơi thêm nỗi đau nhân loại…
Bên kia bờ Thái Bình Dương
Từ Florida đến Orleans, Santa Monica rồi Texas
Lốc xoáy, đất lỡ, nước cuồng
Xóa sạch hàng ngàn dặm đường cao tốc
Hàng vạn khu dân cư…
Lũ hôi của loi ngoi
Giữa thời khắc văn minh chập choạng
Hổ thẹn trái tim con người!…
Ở phương bắc xa xôi
Hết Trường Giang đến Tứ Xuyên
Lũ tràn suốt một mùa xuân
Đất sụp núi trôi
Xóa sạch hàng triệu ngôi nhà
Hàng vạn sinh linh
Tiếng kêu còn vẳng lại…
Kinh hoàng địa chấn Sumatra
Hơn hàng chục lần bom nguyên tử
Trời long đất lỡ
Lan tỏa nấu sôi Ấn Độ Dương…
Rồi kinh hoàng Haiti sụp đổ
Hàng vạn xác vùi chôn
Dưới gạch vụn bê tông
Lênh bênh trôi trên biển
Dịch bệnh nối tiếp dập vùi…
Và khắp nơi, khắp nơi
Những điểm nóng điểm đen
Tây Á, Bắc Phi, Trung Đông, Trung Mỹ
Kẻ giết người giấu mặt giấu tên
Cuồng sát giữa bến xe tàu điện
Trên mái đầu trẻ thơ
Giẫm lên xác người, lội qua vũng máu
Khuyến mãi chiến tranh giữa buổi chợ chiều
Tiếp tay hủy diệt
Đồng hành với thiên tai…
Tai ương quyền sinh sát của đất trời?
Tai ương bàn tay vấy máu con người?
Người thiện vẫn đúng giờ đi cầu nguyện
Kẻ ác vẩn thản nhiên đếm xác chết tính tiền
Năm đại dương trào dâng nước mắt…
Ai là người phán xét
Khi đến lượt chúng ta!?…
Tháng 3.2011
.
.
Như mây bay qua đời
Đâu chỉ là mây bay ngang trời
Đâu chỉ là tình giây phút trôi
Em như bóng thuyền qua biển rộng
Ta như cánh chim về khơi ngàn…
Như chợt chiều xuân đi qua thềm
Như chợt gợn lòng xao xuyến thêm
Em như nắng hè yêu biển mặn
Ta như thú hoang mơ thảo nguyên
Mùa xuân ơi! sao em vội quên
Phố khuya ơi! sao làm em muộn phiền
Ta một lần theo cơn say dắt lối
Qua truông sâu lỡ đánh mất em rồi
Chiều xuân trôi, em theo chiều trôi
Nép bên ta sao tình xa vời vợi
Cơn mộng nào mê say nơi dương thế
Thôi, em đi mà níu lấy thiên đàng…
Ta sợ con đường qua lối cũ
Giẫm bụi trần vương nợ thiên thu
Tưởng đã quên nhưng lòng còn nhớ
Môi em mềm giọt đắng phôi pha…
.
Xóm rác
Cái xóm nhỏ bằng nửa bàn tay
mà cưu mang biết bao thân phận
bốn góc đường bụi bặm
che chắn những cuộc đời
như ô cờ tàn và quân tốt chơi vơi
cùng bần tắc biến
sáng ra đã râm ran đủ chuyện…
Bà mẹ nhỏ bằng con nhái bén
sinh con thứ năm
chồng đâu không biết thiếu sữa thiếu ăn
nằm chờ phép lạ
Thơ thẩn người lính già
chống gậy vào ra nhớ đồng đội
nhớ cánh rừng xa nhớ sông nhớ suối
nhớ viên đạn xuyên vai
Người khất thực đắp chiếu nằm dài
mơ màng nghe dế sầu rỉ rã
ôm cơn đau vật vã
không biết ngày mai
Lảo bói mù quên dự đoán tương lai
nửa đêm đột tử
ôm chặt bao tiền
một người từ đâu không rõ họ tên
đến xưng chủ nhà ngồi tính toán
Tên thợ săn vô cảm
vác bị thịt đi ngang
hô hố cười vang vung tay chỉ về phía chợ…
Xóm vẩn suốt ngày vĩa hè góc phố
rượu bia cà phê thuốc lá mồi mè
vé số đậu phụng và những đứa trẻ
đúng giờ xe gom rác vẩn leng keng
người quét đường vẩn ướt đẩm sương đêm
bao giờ thôi còng lưng chở xong đời rác?!…
(Giờ nghe chuông gom rác)
.
Cúc Vàng
Cúc vàng
mấy độ nở hoa
mà em một thuỡ vẩn là gái xuân…
Trên tay em cầm nụ hoa vàng
cánh hoa rũ nắng khơi ngàn yêu thương
cuối nẽo hoa trôi về trời
hương bay bát ngát
chiều không bến bờ…
Em đi mùa xuân
anh chờ ngày hạ
heo may thu về
đông qua lạnh giá
em chờ mùa nào cúc vàng nở hoa?
Mùa xuân em qua
hoa vàng còn nở ?
em chờ mùa nào
em hẹn mùa nào
cho tràn lên môi nụ cười rạng rỡ…
Như cúc vàng
chớm nụ đầu tiên
thuyền ai vừa chở tình ngoài bến xuân…
Xin qua đây
tháng ngày hững hờ
về đây mà viết chuyện tình ngây ngô
xin qua đây
tháng ngày mong chờ
trãi hoa nằm giữa hoang sơ mùa vàng…
.
Quê hương
Mãi ngập hồn tôi
mùi sữa mẹ tràn môi thơm giấc ngủ
mùi hương cau đầu hạ gọi ong về
mùi mít chín cuối vườn thơm mỏ quạ
mùi bùn non tháng chín níu chân quê
mùi rạ khô tháng năm cay buỗi lợ
mùi sầu đâu hoa tím rợp chân cầu
mùi bắp rang nằm ngữa cổ đếm sao
mùi cá kho lục nồi tìm cơm nguội
mùi mồ hôi bạc áo nhớ hơi cha…
Mãi réo tim tôi
con đường dài hun hút buổi chợ quê
ngóng dài cổ đợi mẹ về dưới bến
cây đa đầu làng mõi mòn hết lớn
thấp dần theo năm tháng chờ mong
bờ ao mênh mông giong sào đuổi vịt
ham rong chơi cuối bãi quên về
bến đò chờ người năm tháng xa quê
treo hoài ước mơ bên bờ huyền thoại
trường học mái rơm bóng thầy dáng Phật
dạy đánh vần dạy đức độ lòng tin
dạy trang sử dựng nước giữ nhà bao thế hệ…
khản tiếng à ơi giữa ngày hanh hụt gió
ru lịm dần tiếng trẻ khóc đòi ăn
rền tiếng ve ran đuổi nắng trưa hè
tiếng gà gáy trưa giục giờ tan học
nắng hè phơi khô trang vở che đầu…
Mãi ấm lòng tôi
bếp quê nghèo in bóng Mẹ đêm thâu
hình dáng Cha oai hùng nơi trận mạc
giữ núi rừng sông biển bao la
giữ trời xanh mây gió bạt ngàn
bài ca dao đậm nghĩa tình nhân ái
giọng chân quê muôn thuở ngọt ngào…
Giữa hè 2011
.
Soi gương lúc nửa đêm
Nửa đêm về nhà
soi mặt vào chiếc gương mở mắt thao láo
thấy một thằng lần khân đứng đó
y như từ vỏ chai ông già chui ra
đội bóng đêm mà cười…
Bầy chuột đuổi nhau chạy quanh mang tai
sân hận nổi lên chí chóe
đập vỡ cái gì cho hết tức
nện rầm rầm máu tươm
lấy máu tay chảy ra mà rửa mặt
vứt thiên đàng ngoài tha ma…
Hóa trang kinh dị
che mặt bằng máu thì thành ác quỷ
đóng kịch trên nỗi đau thì khóc không ra nước mắt
tự bóp trái tim mình thì làm sao mà biết yêu thương
cười rung rinh trần nhà
để đàn dơi thất kinh rớt xuống
bay đi ban phúc cho lũ cú mèo dưới gốc sung…
Ê! mày không là tội đồ
ở tù trong tấm gương phẳng
thì bước ra rửa sạch mùi rượu
mà đi đổ rác
trả lại bóng đêm chuệnh choạng cho lũ dơi
rồi mọc lên cùng với mặt trời
nhặt sương mai mà xâu những chuổi cườm
xếp cỏ non thành những cánh hoa bươm bướm
thả cho bay vào đời trẻ thơ
cúi xuống thật thấp và cõng đầy hơi thở
nhận của dòng sông một đóa hoa tươi
mặc định còn đó một trái tim người…
Về khuya, 10.5.2011
.
Dấu lặng tròn
Chiều lặng lẽ ôm đàn
dạo bản tình ca không lời
tiếng guitar chuyển âm sắc tím
giọt nước mắt trào rơi như một dấu lặng tròn…
Bất chợt lời ca đó
đi vào lòng như cơn đau rất dịu dàng
không phải, như giọt rượu đầu tiên ( hay cuối cùng )
chạn vào đáy ly
vang lên nồng nàn
làm sao biết nỗi đau trong em mà mách bảo
huyễn hoặc quá đi thôi!…
Chú ve non đã thoát đời tăm tối
hát lên bài ca tuyệt mệnh
rót lửa vào trái tim mùa hè
em âm trầm rơi xuống trong lặng yên nỗi nhớ
lời tiên tri sự sống hồi sinh
cuối con đường nắng tắt…
Chiều hát bài “Cuối con đường là niềm vui”
ngợi ca nỗi đau chín ngọt
ngậm trong môi nụ cười và nhắm mắt
thấy anh quá xa vời
nhà tiên tri bé bỏng của tôi ơi!
Sự sống đang bồi hồi gõ nhịp
trên dấu lặng tròn
Em đang ở đâu?!…
Mùa hạ chín
.
Dòng sông dài nỗi nhớ
(Tặng tuổi thơ tôi)
Huế trong tôi
có dòng sông dài
chở bao cuộc đời đi qua gian khó
cơm chan mồ hôi
áo sờn vai
Mẹ nuôi con
tháng ngày mưa nắng triền miên…
Huế trong tôi
có nụ hôn đầu
thơm mùi chè cau, thơm mùi mít chín
có những ngày vui thoáng qua hơi thở
chinh chiến điêu tàn
xao xác hồn thơ…
Huế trong tôi
như máu trong tim
như tiếng mẹ ru
như lời hẹn thề…
thương dòng sông xuôi đôi bờ dĩ vãng
áo trắng ai bay trắng trang đời
bao tháng ngày vương vấn hồn tôi…
Huế thân yêu ơi
thương quá ngày thơ
em đi cùng ta về cội nguồn
tìm dòng nước xanh
đầu nguồn suối mát
cho giấc mơ dài xanh cuộc đời
Huế ơi…
Hạ Mười
o
Vĩa hè “Khẩu” đời thường…
Sáng nay không khí tại quán cóc lề đường này vẫn rộn ràng như mọi ngày, nhưng hơi ngạc nhiên vì không thấy ai nhắc nhở gì đến một sự kiện hiếm hoi đang xảy ra ngay trên đỉnh đầu mình. Chính xác hơn là đang trôi đi trên bầu trời, từ đông sang tây, chắc cũng gây ra chút ảnh hưởng gì đó trong những tia mặt trời chói chang đang lọt qua những tán lá bằng lăng um tùm, để có lúc rớt thẳng vào những ly cà phê đen sóng sánh, lưng đầy không đều, lỉnh kỉnh trên mặt bàn nhựa quá hẹp so với cả hơn mười chiếc ghế trệt vây quanh. Những ly cà phê mà thông thường thì ly đầu tiên bắt đầu tỏa hương vào đầu giờ thìn và đổi sang màu hổ phách đại trà vào giữa giờ tỵ… Để rồi, cũng như bao lẽ đời thường khác, không ai bảo ai, cả hai bàn thượng hạ dưới mái hiên ngắn áp vào dãy tường rào ám bụi đều đứng dậy, miển chào nhau, mỗi người mỗi ngã, đi làm cái nghiệp dĩ riêng lẻ nào đó mà chắc rằng mọi người, kể cả chính bản thân mình khó lòng tự nhận ra được...
Nói thêm nữa sẽ thành chuyện triết lý bâng quơ… Trở lại bên cái lề đường chật chội với những khuôn mặt pẹc-mơ-năng của “sàn cà phê khẩu” này thì có lẽ sẽ thú vị hơn nhiều. Nói “sàn cà phê khẩu” là quá hợp lý, không có gì oan trái, vì có thể nói hoạt động giao dịch về “khẩu” có lẽ không có nơi đâu sôi nổi và… đầy “khẩu khí” bằng cái góc vĩa hè cà phê nầy. Phật dạy khẩu nghiệp là một trong những nghiệp chướng nặng nề do lòng tham, sân, si của con người sinh ra… nhưng, nếu có ai đó bước chân đến với góc vĩa hè đặc biệt nầy để dự vài phiên “giao khẩu”, sẽ nhận ra mình hiểu chưa hết ý Ngài, vì nếu cuộc sống nầy mà diệt sạch đi cái khẩu nghiệp kia thì có lẽ chẳng còn chút ý vị gì để mà tồn tại và phát triển, tạo cho con người có cơ duyên để tu dưỡng nữa!
Xin đơn cử một việc nầy thôi cũng đủ biết. Chỉ đi xa mấy hôm, mà một nhân vật cựu trào, một nhà thơ ai cũng biết tiếng vì cuộc đời riêng đầy ắp thơ và sóng gió, với những bài thơ trào phúng gần đây của anh… đã không cầm lòng được, bèn dán luôn mấy trang hình ảnh kỷ niệm lên facebook kèm theo những lời nhắn gởi chân tình với “bạn khẩu”. Đã thế, lại đăng nguyên một bài thơ của bạn để minh họa cho “nỗi nhớ” đang trào dâng trong lòng mình. Có đoạn:
“…dưới hàng muối này hay ở đâu cũng thế
những người đàn ông mở lòng
nói ra những điều có thể
dễ dàng như lá rơi
ở đây lá mùa nào cũng rơi
dễ dàng như những điều có thể
và chỉ nói những điều dễ dàng có thể
như ở đây mùa nào lá cũng rơi…”
Thật là hồn hậu. Khẩu như thế thì nhân văn quá! Có điều bài thơ nầy còn nhắc đến một góc đường khác, đầy lá rơi và kỹ niệm hơn cả nơi nầy.
Và lại nữa, dưới trang ảnh tươi cười của những khuôn mặt đã có tuổi rồi mà trông vẩn thật là “khẩu dạng” - trong đó có ít nhất hai nhà thơ, hai họa sĩ và có lẽ còn có một nhạc sĩ, chưa kể ngoài rìa còn có mấy người không ăn ảnh là nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ… là những câu lục bát chắp nối nhau rất tươi mươi của vài “khẩu” trong nhóm đang lên mạng. Ừ! Những “giao dịch viên” trên “sàn cà phê khẩu” thì gọi tắt là “khẩu” chắc cũng hợp tình hợp lý thôi. “Khẩu nhà chủ”, người được post ảnh lên trang nhật ký “ứng khẩu” đầu tiên:
“Ở đây từ sáng đến trưa
Ly cà phê khẩu nắng mưa đậm tình”
Tác giả bức ảnh ( “khẩu” đang đi xa) tiếp liền sau ba mươi giây:
“Ly cà phê khẩu linh tinh
Ai vui ngồi lại… ai nhột mình thì lui”
Nhà chủ kịp thời phân bua:
“Thân quen hỏi được mấy người
Lời linh tinh cũng là lời nhân văn”
Và một “khẩu” mới từ đâu bỗng nhảy vào kết ngay:
“Huế đây chỉ có mấy chàng…
Lăng quăng lui tới mấy vần thơ quen…”
Kết như thế thì cứng quá “khẩu” ơi!
Thôi thì khỏi phân tích, khen chê thêm nhiều nữa lại mang tiếng mèo khen mèo dài đuôi! “Khẩu” khen “khẩu” lắm mồm! Nhưng dù sao cũng không thể không nhắc đến một nhân vật có công lớn trong việc chăm sóc cho “đời khẩu” tồn tại và phát triển bền vững. Gọi là “chủ sàn cà phê khẩu” chắc khó nghe, thôi thì gọi quách là “chủ quán” cho rõ nghĩa và phù hợp với… “pháp luật hiện hành”. Không thấy chủ quán nào mà lòng dạ lại “sắt đá” như chủ quán nầy. Từ xuân đến hạ, ngày nắng đến ngày mưa vẩn một mực giữ vững lập trường “ổn định giá cả”. Dù giá vàng đã tăng gấp đôi, giá xăng đã tăng gấp rưởi, giá ly cà phê đậm tình nhân nghĩa nơi đây vẩn chỉ tăng chun chút, từ hai ngàn lên hai ngàn rưởi rồi ba ngàn, và hiện nay vẫn giữ chắc ở mức bốn ngàn đồng. Dù cho toàn thể “khẩu viên” đã nhiều lần kiến nghị tăng lên một chút cho đủ công pha chế, vẩn chỉ được trả lời bằng một nụ cười rất “tịnh khẩu”: “Anh em vui là được rồi, kể chi!”. Câu nói ngắn gọn nhưng đã nêu lên một “tiêu chí” sống quá tuyệt vời, tạo được một “sàn giao dịch” rất chi là ổn định… Thực tình mà nói, trên “sàn cà phê khẩu” nầy, chỉ có chủ quán đây là người gần như đã thoát được “khẩu nghiệp”, lại có tấm lòng quá độ lượng, có khi vượt ra ngoài mong ước của mọi người. Như có lần nghe nói có bài viết hay trong nhóm được đăng báo, chủ quán liền tự nguyện đãi mỗi “khẩu viên” hiện diện mỗi người một chai Festival lạnh để chúc mừng. Thật là một bất ngờ thú vị! Tửu lượng đội nhà được đà tăng lên do có thêm nhiều “khẩu” noi gương quay thêm mấy vòng bia lạnh cho đến khi đứng bóng…
Trong “sàn cà phê khẩu” nầy, cũng có chuyện khó lòng, như tình huống một “khẩu đặc chũng”, khi chén thù chén tạc với anh em chỉ uống được vang đỏ. Thế là môn phái “Võ đang” nhân đó mà được một nhà “thơ lái” sáng kiến nêu danh trên “sàn giao dịch”. Chỉ cái tội là khi được ai mời dự tiệc tùng gì, “khẩu phái” nầy phải tự mình xách theo đồ riêng mà dùng! Có lần từ Cồn Tộc, sau cuộc triển lãm tưng bừng, “bổn khẩu” nầy phải tức tốc nhờ người vào tận Huế đem ra cho được hai chai hiếm hoi, đúng lễ nghĩa của môn phái mới chịu thỏa lòng! Cực thế mà vẩn trung thành từng bữa! “Vang đỏ ơi là Võ đang!”…
Lại có bậc trưởng thượng tóc đã bạc như tiên, vẩn một lòng lui tới với “bạn khẩu” hậu sinh. Dù uống cà phê vào bị mệt tim, phải nhắp chén trà loảng hay uống ly nước chanh để có cớ hàn huyên tâm sự, vẩn luôn giữ được khẩu khí trào lộng mà thân tình, thật đáng phục. Trái lại cũng có “khẩu” tóc hãy còn xanh, râu chưa hề bạc mà đã vội sớm trở thành “cựu khẩu”, phải giã từ “khẩu trường” vì chịu hết nổi ép-phê của “đại khẩu lực”, đúng như câu thơ vừa viết lên facebook trên đây “Ly cà phê khẩu linh tinh, ai vui ở lại… ai nhột mình thì lui”…
Mùa xuân năm nay, một thành công bất ngờ đã xãy ra trong dịp triển lãm của hơn mười họa sĩ trong nước và nước ngoài rơi nhằm vào một “khẩu” là nhà báo – họa sĩ của “nhóm khẩu”, được mệnh danh là “giám đốc Vinagay”, người đã có công “gây” cho nhiều “khẩu” yếu vía bỏ “sàn” mà đi. Ngay trong ngày khai mạc cuộc triển lãm “Lại Về Lại”, cả bốn bức tranh của “họa-báo-khẩu” may mắn nầy đều được gắn nơ đỏ làm cho cả “khẩu đội” vui mừng, nhưng cũng không tránh khỏi việc gây ra khói cay làm cho một bộ phận không nhỏ “khẩu phật tâm tật” bực mình, buông lời dèm pha, xoi mói…Đó cũng là chuyện đương nhiên thôi!
Nói thế chứ không phải tất cả mọi khuôn mặt giao dịch trên “khẩu trường” nơi đây đều toàn tài, toàn ý! Cũng có hiện tượng “bí khẩu vô ngôn”, chỉ ngồi nhấm nha nhấm nháp cho hết giọt cà phê tận cùng, vành mũ kéo sụp che giấu đôi mắt thường dán chặt vào những đôi chân dài hay những cặp mông ngúng nguẩy đang bước vội qua đường đi vào quán ăn. Cũng có khi giả đò “á khẩu” để chăm chú nghe xem chung quanh mình đang “khẩu” những gì… Đố ai mà biết được! Cũng có “khẩu” không có khả năng tham gia “bình loạn” hay “đấu khẩu” mà chỉ có tài “ác khẩu”, “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, lại thích “gắp lửa bỏ tay người”… Không phải để mồi thuốc cho bạn “khoái khẩu” đâu nhé!
Về bộ dạng của các “khẩu” nơi đây thì muôn hình muôn vẻ. Có người ai nhìn vào đều cũng có chung cảm giác kính nể như đối với một “chủ tịch hội Người cao tuổi cấp quốc gia” nhưng thực chất là một “khẩu” có văn phong trẻ trung, viết những trang có khi đọc đến cũng phải thẳng lò xo. Có những “khẩu” mặt còn tươi tắn nhưng râu cằm đã dài như râu bắp, tóc bối như đạo sĩ, râu mép che duyên cho cái miệng khi nói chuyện cứ bắt người khác nghĩ đến hình ảnh “thỏ con mum cà rốt”… Có “khẩu” đã gây ra ngộ nhận đáng tiếc cho nhiều người đẹp do mặt mày sáng nét từ bi, lại xuống tóc gọn gàng, có lần khiến cho cô chủ quán chắp tay cúi đầu “Thưa thầy dùng Bồ Đề tửu phải không!”. Cười. Á khẩu. Hành động thôi! Tương tự, có một “khẩu” mặt mày hiền hậu, cười nhiều hơn nói được tôn là “mục sư điệp báo”…Nếu không nhắc đến những “khẩu diện” mặt mày không tì vết, đẹp trai như tài tử xi nê mà vẫn trung thành theo “binh chũng phòng không” thì thiếu sót lớn. Trong những bài thơ của các “thi khẩu” này thường thấy “thương em rất nhiều” nhưng ngoài đời thì “nõ chộ ai thương”… A! thì ra chỉ giỏi lãng mạn trong thơ văn thôi, đành “bó chim” vậy!... Còn có một “khẩu” nữa thuộc dạng đặc biệt, là kỹ sư xây dựng, mặc dù chưa hề thấy giới thiệu công trình xây dựng nhà cửa nào to lớn cả nhưng ai cũng phải công nhận là có tài xây những tòa “khẩu đài” đồ sộ, nên không lạ gì được đa số phong cho chức “giám đốc Vinaxoi”, là “đối khẩu” siêu hạng của “Vinagay” đã đề cập trên đây…
Điểm cho đủ mặt “toàn khẩu” nơi đây chắc còn phải kể đến tối. Nhưng chỉ cần nói gọn lại một điều nầy thì chắc ai cũng phải gật đầu tâm đắc. Nơi đây, trên cái sàn giao dịch ngoại hạng chỉ gọn bằng chiếc chiếu con nầy, lại có đến cả chục nhà văn, nhà báo, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, võ sư… Trình độ sơ sơ cũng Tú tài, và tất nhiên là có đến cả Tiến sĩ… đều là những người đã từng trãi qua nhiều ngọt bùi, đắng cay trong cuộc sống hay đang còn miệt mài với công việc trong cuộc đời thường… Nhưng hầu như tất cả đều mang đến đây những nụ cười đầy “khẩu sắc”, những câu chuyện đầu xuôi nhưng đuôi… lại ngược chèo ngoẽo để tạo nên những trận “khẩu chiến” chóng mặt... Ngẫm lại, phải chăng nơi đây, giữa bao câu chuyện đời muôn màu muôn vẻ, giữa mớ bòng bong tạp lục “từ đầu đường đến cuối chợ” nầy đã nẫy mầm những ý tưởng, những câu hỏi, những trăn trở về cuộc sống, để rồi có một lúc ngẫu hứng nào đó sẽ được thể hiện trong một câu thơ, một bức tranh, hay một đoạn văn để làm đẹp cho cuộc đời… như trong bài viết nầy, ở đây chẳng hạn. Phải chăng cái góc “cà phê khẩu” râm ran tiếng cười nói nầy là âm bản của những bức tranh rất “đời” mà khi chuyển thành tấm ảnh thực sẽ là những tác phẩm thú vị bất ngờ…
Lúc nầy là đầu giờ tỵ, cái sự kiện trăm năm mới có một lần trên bầu trời có lẽ đã xãy ra gần một nửa hành trình. Chắc sao Kim đã đi vào giữa mặt trời để rồi qua giờ ngọ sẽ hoàn thành vai diễn lịch sữ của mình. Vẩn không ai bàn tán gì nhiều, dù biết rằng hơn một trăm năm sau sự kiện này mới lại xẩy ra. Nhưng ảnh hưởng gì chứ! Đừng nhìn thẳng vào mặt trời là được! Cũng như chân lý, hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến nó như một niềm tin thì mới thấy được ánh sáng chiếu dọi từ trong sâu thẳm của lòng mình.
Huế - 06/6/2012
Xuân Nguyên