Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

VIẾT VỀ NHÀ THƠ XUÂN HOÀNG

Tôi vẫn đuổi bắt thơ suốt đời như đuổi bắt một vẻ đẹp vĩnh hằng...

 

16_nhatho39

"CÒN THƠ THÌ QUẢ LÀ VÔ CÙNG"

090717xuanhoang1216_180

Những ngày đầu xuân Giáp Thân, giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế vô cùng thương tiếc khi nghe tin nhà thơ Xuân Hoàng đã từ trần vào ngày mồng 3 Tết (24.1.2004) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự ra đi của nhà thơ Xuân Hoàng là một tổn thất lớn đối với phong trào văn học của khu vực Bình Trị Thiên ruột thịt và của cả nước.

Dầu đang trong thời điểm đón Tết, với nhiều sinh hoạt văn học nghệ thuật mừng xuân mới và nhận được tin rất muộn, nhưng Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật, Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế, Chi hội Nhà Văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế đã tâm huyết kịp thời tổ chức Lễ phúng viếng nhà thơ Xuân Hoàng tại Nhà tang lễ quân đội số 5 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp TP. Hồ Chí Minh và tổ chức trọng thể lễ truy điệu tại Huế vào chiều mồng 5 Tết Giáp Thân (26.1.2004) - cùng ngày với lễ an táng nhà thơ Xuân Hoàng - với sự tham dự đông đủ của Hội đồng hương Quảng Bình tại Thừa Thiên Huế và giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà; những người đã từng sống, gắn bó thương yêu nhà thơ Xuân Hoàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời bình sau 1975.

Nhà thơ Xuân Hoàng (bút danh khác : Minh Thi) tên khai sinh là Nguyễn Đức Hoàng, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1925 tại xã Phước Hòa, Tuy Hoà, Bình Định. Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tốt nghiệp đại học Văn sử và Kinh tế chính trị. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam (1957).

Nhà thơ Xuân Hoàng đã trải qua công tác dạy học, làm báo từ năm 1945 đến1956. Từ năm 1956 chuyên tâm làm công tác văn nghệ và sáng tác, nhà thơ đã kinh qua các chức vụ : Chủ tịch Hội Văn Nghệ Quảng Bình, Phó Chủ tịch Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên ...

Nhà thơ Xuân Hoàng đã cho in : Tiếng hát quê hương (in chung, 1959); Du kích sông Loan (trường ca, 1963); Miền Trung (thơ, 1967); Hương đất biển (thơ, 1971); Biển và Bờ (thơ, 1974); Dải đất vùng trời (tuyển thơ, 1970); Về một miền gió thổi (thơ, 1983); Từ tiếng võng làng Sen (Trường ca, 1983); Quãng cách lặng im (thơ, 1984); Thời gian và quãng cách (Truyện, 1990); Hoa quê Bác (thơ in chung, 1991); 100 bài Xônê (thơ, 1991); Thơ tình gửi Huế (thơ, 1995); Âm vang thời chưa xa (hồi ký, 1996).

Nhà thơ Xuân Hoàng đã nhận được một giải thưởng về thơ của Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu 4 và Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên tặng từ năm 1947 đến 1989, Tặng thưởng của Ủy Ban Toàn quốc Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam 1996 cho tập hồi ký "Âm vang thời chưa xa".

Theo tập kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản năm 1997, nhà thơ Xuân Hoàng đã tâm sự : " Xuất thân từ một gia đình có truyền thống văn học, sau khi học hết cấp trung học, tôi theo cách mạng : dạy học, làm cán bộ rồi viết văn, - Tuy đã in nhiều tập nhưng tôi vẫn chưa bằng lòng với mình và cố gắng mỗi ngày đổi mới ... Tuy nhiên con đường sáng tạo gian nan vẫn mãi là một thử thách không ngừng. Bây giờ về già, tôi viết hồi ký để nhìn lại cả cuộc đời đi theo cách mạng và văn học của mình có tính tổng kết nhằm góp một chút gì đó với những thế hệ tiếp nối và phản ánh lại với người đọc mai sau một thời hào hùng của lịch sử mà tôi đã là một nhân chứng trung thực. Còn thơ thì quả là vô cùng. Tôi vẫn đuổi bắt thơ suốt đời như đuổi bắt một vẻ đẹp vĩnh hằng ở trước mắt mà rất khó bắt. Tôi nghĩ người đọc sẽ là trọng tài sáng suốt và trung thực nhất đối với bất cứ một nhà thơ nào vì bao giờ hạnh phúc và sự bất hạnh, cái rủi và cái may cũng thường xen kẽ hoặc trộn lẫn nhau trong trò chơi đuổi bắt hư ảo với cuộc đời".


Việc tổ chức lễ tưởng niệm nhà thơ Xuân Hoàng trong ngày mồng 5 Tết Giáp Thân tại trụ sở Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế (26 Lê Lợi, Huế) giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế xem như là sự trở về ăn Tết của nhà thơ Xuân Hoàng trong gia đình văn nghệ. Tại mái nhà 26 Lê Lợi Huế, trong những năm nhà thơ Xuân Hoàng lãnh đạo Hội VHNT Bình Trị Thiên, hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ đã dành gửi nhà thơ Xuân Hoàng tất cả niềm trân trọng kính yêu và niềm ngưỡng mộ thân tình bởi nhà thơ Xuân Hoàng cũng đã dành cho giới văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên nguồn nhân ái, phúc hậu thông qua lối sống đạo đức, đầy phẩm hạnh, giản dị, hòa đồng. Từ con người thơ Xuân Hoàng luôn tỏa sáng mầm yêu thương cuộc sống, có sức thuyết phục người khác cũng sống chơn thật, đức độ, trong sáng như nhà thơ vậy.

Từ mái nhà 26 Lê Lợi, nhà thơ Xuân Hoàng là tấm gương sáng về sự miệt mài trong lao động sáng tạo văn học. Những chuyến đi thực tế sáng tác về khắp mọi miền đất nước trong và ngoài tỉnh; những lần đọc thơ sôi nổi nhiệt tình đầy tính cách Xuân Hoàng "không giống ai"; những cuộc gặp gỡ hàn huyên thân mật trong từng căn nhà hội viên Bình Trị Thiên ... đã trở thành những kỷ niệm đẹp, lắng sâu trong tâm hồn tình cảm của nhiều người biết, hiểu và quí trọng nhà thơ Xuân Hoàng.

Trong không khí trang trọng, thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền dân tộc, giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm và tiễn biệt nhà thơ Xuân Hoàng với lòng tiếc thương vô hạn. Kính nguyện cầu hương linh nhà thơ từ cõi vĩnh hằng vẫn tiếp tục về với Thơ ca bởi theo nhà thơ Xuân Hoàng "Còn thơ thì quả là vô cùng"...

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.