Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Nhà thơ NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Diem

Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ Việt Nam, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 9, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Việt Nam.
Nguyễn Khoa Điềm sinh ngày 15. 4. 1943, tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, con của nhà cách mạng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, gốc An Dương (Hải Dương cũ).
Quê gốc: làng An Cựu, xã Thuỷ An, thành phố Huế.
Hiện đang
sinh sống tại Huế.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1964, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Lúc nhỏ đi học ở quê, năm 1955 ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1964, vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở cách mạng, viết báo, làm thơ... cho đến năm 1975.
Sau giải phóng
: Trưởng ban Tuyên Huấn Thành ủy Huế, Bí thư Thành Đoàn Huế; Chủ tịch Hội VHNT Bình Trị Thiên, Tổng Biên Tập Tạp chí Sông Hương, Phó bí thư thường trực tỉnh uỷ Tha Thiên - Huế. Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn khoá 3. Năm 1994 ra Hà Nội, làm thứ trưởng Bô Văn hoá - Thông tin. Năm 1995, được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa 5.
Năm 1996, được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá X), Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
Ông đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm.

 

Tác phầm tiêu biểu:

Đất ngoại ô (thơ, 1973);

Cửa thép (ký, 1972);

Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974);

Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (thơ, 1986);

Thơ Nguyễn Khoa Điềm (thơ, 1990)

Cõi Lặng (thơ, NXB Văn Học 2007)


TRANG THƠ

NGUYỄN KHOA ĐIỀM


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhặt ghi

Tóc trắng

Tóc trắng như thời gian thích chữ lên trán

Đày anh về quê nhà

Không thể chạy trốn số phận

Mặt nạ

Nhiều lúc phải đeo mặt nạ vô lối

Để không ai nhớ anh nữa, trong một thế giới

quá quen thuộc

Chính là cách anh trở lại muôn một giữa đời.

Truyền hình

Có những kẻ ăn khách không khác gì một

cô ca sĩ

Và cô ca sĩ không khác gì một con chim đi giày

Và truyền hình là một tủ kính màu sặc sỡ

Người cô độc

Đi suốt ngày không gặp ai

Những người có thể gặp đã ở sau lưng anh

Mà anh thì không muốn đứng lại.

Ngày 1.4.2007

 

Cỏ trước Ba Đình

 

Cỏ yên tĩnh, cỏ xanh tận cuối trời

Trước và sau ngày làm việc

Cỏ làm lời nhắc nhở

Xanh

Cố gắng

Nhận ra mình trong sắc biếc

Thăm thẳm dịu dàng

Ngay thật

 

Cỏ vĩnh hằng...

Ngày 7/9/2004


Có một chàng trai


Tặng những người cùng đi với tôi

qua các ngả đường chiến tranh,

Có một chàng trai sáu mươi tuổi đời

Mỗi sớm mùa hè chàng đến tắm dưới bến đá

chùa Thiên Mụ,

Huýt sáo một điệu boléro dịu dàng qua

cửa Thượng Tứ,

Ném một cái nhìn xa vời vào làn nước sông Hương,

Lơ đãng như sương mù trên Kim Phụng.

Có một chàng trai từ thế kỷ trước,

Đã rơi theo chiều ngang vào thế kỷ hôm nay,

Mang vết sẹo thời gian chiến tranh

Chàng như con gà gô đi lạc

Vào những siêu thị bóng loáng.

Chàng cầm trên tay một nỗi buồn không ai nhớ đến

Ngày cỏ non còn run rẩy trong vườn

Những chân mây đầy gió lạ

Những cánh rừng dày mưa tuôn...

Và cứ thế chàng trai đi qua cuộc chiến tranh

này qua cuộc chiến tranh khác,

Để ngày hòa bình cắm cây sắn trên sườn đồi sỏi đá

Ăn một bát cơm dưới ngôi nhà tổ phụ,

Đặt hai chân trần lên nền nhà cũ

Trên môi chàng phảng phất một điệu boléro

Chàng sẽ huýt lên khi bước vào cõi chết.

Huế, ngày 6.6.2007

(Trích trong tập thơ Cõi Lặng)

 

MR. Diem

ĐẤT NƯỚC

Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó..
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ra cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào 4.000 năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhỏ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong 4.000 lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyển lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước là Đất Nước nhân dân
Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết "yêu em từ thở trong nôi"
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi
Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau
Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
Chén rượu đánh lừa con mỏi, cơn đau
Con nộm nag tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù cao dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơí
Em nghe không trái thị đã rơi xuống tay người
Trai không chỉ rơi vì sức hút đất đai
Trái rơi vì tay người ao ước
Khi trái chạm tay người và người ấm ủ
Thì lừng hương và cô Tấm bước ra
Đi trả thù và sống Tự do
Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta
Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp
Rơi vào tay người, đó là định luật
Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam
Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm
Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng
Hãy ngã xuống tay nhân dân, hỡi sắc vàng của nắng
Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi..
Hãy ngã vào tay nhân dân, đừng vãi đừng rơi
Đừng do dự, đừng hoài nghi nữa
Hãy yêu nhân dân và nghe người nhắn nhủ
Hãy tìm sức mạnh trên cơ thể nhân dân
Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng
Thế vô tận của nghìn năm giết giặc
Lửa đã cháy hồng hào mặt đất
Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù
Không bao giờ xương máu phải bơ vơ
Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất
Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt
Nguyện làm người xung kích của quê hương
Đấy tiếng hát chúng con: tiếng hát xuống đường!

(Trích Trường ca Mặt Đường Khát Vọng)

 

CHIỀU HƯƠNG GIANG

Sau chiều nay, còn buổi chiều khác nữa
Có thể mây cao, có thể nắng vàng
Cơn gió thổi những buổi chiều chưa tới
Tóc bao người bay rợi cả không gian
Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ
Bên dòng sông như chưa biết chiều tan
Tôi với nó lặng im bè bạn
Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang
Những buổi chiều, những buổi chiều quê hương
Tôi đã sống và tôi chưa được sống
Nhưng chiều nay vô tình trong nắng muộn
Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang

 

N.K.Đ

.

"CÕI LẶNG" CỦA NHÀ THƠ, KHI BỎ RƠI QUYỀN LỰC

30.04.2011 11:37

Nhân kỷ niệm 30/4, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo điện tử Tamnhin.net gửi tới bạn đọc bài viết về một nhà thơ đã có nhiều đóng góp trong cuốc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông vừa rời bỏ quyền lực…

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhận giải VHNT Cố đô 2010 với Cõi lặng (Ảnh: TheThaoVanHoa)

Bây giờ đọc lại những câu thơ này, có người không còn thấy mới, thấy lạ, nhưng vào thời điểm đó, đối với tôi, những bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm có sức cảm hóa lạ lùng. Tôi say mê những bài thơ xứ Huế của Nguyễn Khoa Điềm và Trần Vàng Sao.

Thật ra, Trần Vàng Sao chỉ có một bài  “Bài thơ của một người yêu nước mình”. Hôm qua, mấy người bạn học của tôi ngồi với nhau bàn việc kỷ niệm 40 năm lớp ngữ văn. Phạm Khoa Văn, Khuất Bình Nguyên, Lê Hoài Nguyên… Chúng tôi nói chuyện về các thầy giáo như Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức và đọc thơ. Khuất Bình Nguyên (Khuất Văn Nga, giờ là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) đọc “ Bài thơ của  một người yêu nước mình” không sai một dấu phẩy. Còn tôi, bỗng ngân lên mấy câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

Tháng năm giông chuyển bồn chồn
Hạt mưa vây ấm, nỗi buồn cách xa...

Thế mới biết, thơ hay luôn còn lại với thời gian, còn lại trong tâm hồn người đọc.

Cuộc đời, có những điều ngỡ như là duyên phận. Khi tôi chuyển sang Trung đoàn 236 (Đoàn tên lửa Sông Đà anh hùng), một lần, trung đoàn cử tôi lên công tác ở quân chủng Phòng không - không quân để viết một vở kịch thì phải. Tôi được ở chung với một trung úy đã luống tuổi, nhưng rất vui tính. Qua câu chuyện, tôi được biết con gái ông, chị Lợi, là người yêu, vợ chưa cưới của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Hôm qua, tôi điện cho chị Lợi, vợ anh Điềm hỏi về ông, trung úy Thái Phú ngày xưa, chị bảo ông ở trong quê (Huế) giờ cũng không được khỏe lắm…

Rồi những ngày tôi về báo Tiền phong, tham gia BCH T.Ư Đoàn, tôi và anh Điềm mới gặp nhau. Ngày đó, anh cũng ở trong BCH, làm Bí thư Thành Đoàn Huế thì phải! Những buổi họp BCH T.Ư Đoàn, tôi thường nghe anh phát biểu. Bài phát biểu của anh bao giờ cũng gây được sự chú ý của mọi người. Thảng hoặc, anh qua tòa soạn báo chơi. Tôi tiếp anh trên chiếc bàn làm việc (ban đêm cũng là nơi tôi nằm ngủ). Trải tờ báo cũ, mấy chiếc kẹo bột, chén nước chè nhạt… Chúng tôi nói chuyện văn chương. Thật ra, chỉ một mình tôi nói, còn anh ngồi nghe, mỉm cười hoặc gật đầu. Anh rất ít nói, kiệm lời…

Rồi anh chuyển ra Hà Nội, làm Tổng thư ký Hội Nhà văn, làm Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Anh trở thành cấp trên của tôi.

Chúng tôi gặp nhau nhiều hơn. Ngày tờ Tiền phong Chủ nhật mới ra đời, còn khổ nhỏ, nhưng số lượng phát hành rất lớn, rất có uy tín trong bạn đọc, anh bảo tôi chú ý lượng bài trong nước, bài dịch hơi nhiều. Tôi thấy anh nói đúng, sau đó, chúng tôi điều chỉnh dần.

Anh là người ủng hộ chúng tôi thành lập Công ty, các nhà sách để khuyến khích thanh niên đọc sách. Khai trương mấy nhà sách Tiền phong ở Hà Nội, anh cùng các anh Hồ Đức Việt, Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Quang Nghị đến cắt băng. Anh thường ra mua sách ở các nhà sách Tiền phong. Có lần, anh bảo: “Mình đăng ký qua mạng mua mấy cuốn sách, mãi không thấy ai mang đến”. Tôi về kiểm tra việc bán sách qua mạng của các nhà sách Tiền phong, vào thời điểm đó có sự trục trặc. Tôi nhắc Giám đốc Công ty phải hoàn thiện ngay.

Đại hội Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ, tôi là đại biểu chính thức. Anh Hà Quang Dự, lúc đó là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm tổ trưởng. Khi bàn việc giới thiệu nhân sự, tôi giới thiệu hai người: Nguyễn Khoa Điềm và Lê Đức Thúy. Gút lại danh sách trình lên trên, anh Dự bảo: Phải có ý kiến của người được giới thiệu, theo nguyên tắc… Tôi tìm cách liên hệ với anh Điềm và Lê Đức Thúy nhưng không được.

Thế là tôi phải đứng lên rút tên. Hình như kỳ đại hội sau, cả Nguyễn Khoa Điềm và Lê Đức Thúy đều được bầu vào T.Ư.

Nhớ lần hội nghị tư tưởng văn hóa toàn quốc tại Hà Nội, tôi có lên phát biểu. Trong phần kính thưa, tôi chỉ thưa nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Dưới hội trường có tiếng ồn ào. Nghỉ giải lao, có người bảo tôi: “Ông chỉ thưa nhà thơ thôi à?”. Tôi nói: “Tất cả đại biểu dự hội nghị hôm nay, ai cũng biết chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban TTVHT.Ư của anh Điềm. Nhưng, chức danh nhà thơ, một nhà thơ có tài, có thể nhiều người chưa biết”.

Từ khi anh đảm nhận trọng trách, tôi cố ý ít gặp anh. Nhưng, với tôi, anh vẫn như xưa. Có việc gì, anh gọi điện trực tiếp cho tôi, hay tôi gọi điện đến nhà riêng của anh, không phải qua thư ký.

Một lần, gần 11 giờ đêm, anh gọi điện đến nhà trao đổi về bài viết của Xuân Ba có liên quan đến nhà ở của gia đình cố nhà thơ Tố Hữu. Tôi biết anh là người có trước, có sau, nhưng điều tôi mong đợi ở anh không chỉ có thế.  Tôi mong đợi ở anh thực sự quyết liệt bày tỏ chính kiến của mình… Thực sự giúp cho báo chí có những khoảng thông thoáng hơn… Thế nhưng…

Bây giờ, khi ngồi đọc những dòng thơ trong tập “Cõi lặng” vừa xuất bản, những câu thơ:

Chúng ta, kẻ không may mắn
Rồi cũng nhập vào dòng chảy của
điều tốt đẹp
Dòng nước sẽ rửa sạch sự đớn hèn
Dẫu có khi đã nhường lời cho bọn
khoác lác…

Tôi bỗng hiểu. Cuộc đời thật khó!

Anh đã đi qua tất cả, để bây giờ nhìn lại mình, chiêm nghiệm từ chính mình, thực sự ngồi ngắm khuôn mặt mình:

Cõi lặng. Anh soi thấy mặt mình
với nỗi buồn trong sạch.

Khi ta thoát khỏi sự ràng buộc của chức vụ, quyền lực, bao nhiêu sự vụ, những chuỗi họp hành bất tận, những lời tung hô, những điều đắc chí và bất đắc chí..

Ta bắt đầu đi vào “Cõi lặng” của mình, được nhìn ngắm mình, nhìn ngắm xung quanh, ta bỗng hiểu rằng:

Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng
Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành
Nỗi buồn đánh thức hy vọng

(Hy vọng)

Không phải ai cũng hiểu được điều đó, cảm nhận được những điều tưởng như là nghịch lý, nhưng nó lại là căn nguyên của sự thật, làm ta bình tâm hơn trước những thách thức của cuộc đời.

Nếu cuộc đời thuận buồm xuôi gió, con người khó mà nhận ra mặt trái của cuộc sống.

Nhà thơ, hơn ai hết, nhạy cảm với mọi sự biến động của cuộc đời. Hung bạo, tố giác, nặc danh, nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức, văn hóa… và chính anh, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong “Cõi lặng” đã nhìn tận mặt:

Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn,
trong lớp học.

Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau
công sở, hung bạo đường phố.

Hung bạo văn chương, tố giác,
nặc danh…

(Nghe tin hai nhà khoa học bị tai nạn xe máy)

Với một người đã từng giữ những chức vụ cao như anh, viết những câu thơ thế này, quả là đau xót:

Khi mồ hôi trở nên quá rẻ

Kẻ ranh ma trở nên quá giầu.

(Cánh đồng buổi chiều)

Chân thực và độ lượng. Độ lượng và chân thực, là cảm nhận rõ nét nhất trong “Cõi lặng” của Nguyễn Khoa Điềm. Những ngày anh đảm nhận chức vụ, nhiều trọng trách, mỗi khi gặp nhau, tôi vẫn đề nghị và mong anh chuyển cho báo một chùm thơ mới.

Anh chỉ cười. Bây giờ, anh trở lại với thơ, trở lại với đời thường. Tôi thật mừng. Đã là nhà thơ thì không thể sống mà không làm thơ. Nhiều người thích tập thơ “Cõi lặng” với những sắc thái khác, riêng tôi, tôi vẫn thích những câu thơ như:

Thử luồn tay vào tóc

Sợi bạc không che kín ngón.

Cuối cùng, thơ vẫn là những gì lắng lại sau tất cả mọi điều, dù vinh hoa, phú quý hay những khổ đau,  bức bối thường nhật của cuộc đời.

Dương Kỳ Anh

Theo: tamnhin.net

“Miễn là dám bước qua giới hạn của mình”

Thanh Thảo

Đó là thơ của người tự tin, nhưng chỉ thích giữ nó trong im lặng, không nống lên mức “tuy bạn chưa cao, nhưng ai cũng phải ngước nhìn”. Nghĩa là thơ anh vẫn chấp nhận những giới hạn. Nhưng có một lần, có lẽ là duy nhất trong tập thơ Nguyễn Khoa Điềm chợt nói: “Miễn là dám bước qua giới hạn của mình”. Câu thơ ấy viết về Đà Nẵng, nhưng tôi biết, phàm là thơ dù viết về ai về cái gì cuối cùng cũng chỉ nhằm bộc lộ mình. Khác với nhà tiểu thuyết, nhà thơ không biết tránh đâu khi người ta đọc thơ mà nhận diện mình, và cũng không cần phải trốn đi đâu cả. Tôi đọc bài thơ BÂY GIỜ:
“Bây giờ mùa mưa đã qua
Giọt nước đầu hiên đặc quánh
Bây giờ bạn đã quay lưng
Chén trà một chân đóng cặn

Mặt em như vầng trăng lặn
In trong bài thơ cuối mùa
Ta còn chút vốn rau dưa
Đặt cọc lên tờ giấy trắng

Tháng năm dông dài im lặng
Dễ ai đồng hành đón đưa
Ngước mắt, mắt hoa với nắng
Thì vuốt mặt mình trong mưa”.
Tôi đọc và giật mình: ai cũng có những lúc như thế trong đời, với đúng những cảm giác như thế, nhưng rất ít người dám nói ra điều đó, nhất là thú nhận bằng thơ. Nguyễn Khoa Điềm đã “dám bước qua giới hạn của mình” để có được một bài thơ thật lòng, một bài thơ nhỏ bé nhưng ấm áp như một ngọn lửa nhỏ, khiến ta có thể tin anh như một người bạn, và như một nhà thơ. Sông có khúc người có lúc, thơ cũng có thì, nhưng người làm thơ trong mọi khúc và mọi lúc đều phải tuyệt đối chân thành với chính mình, để từ đó, chân thành với cuộc đời:
“Anh là kẻ phải đánh trận sau cùng
Người đi chuyến tàu vét
Kẻ được xé vé cuối cùng trong rạp hát
Sự may mắn của anh dính dáng ít nhiều với những rễ cây”
( TẶNG MỘT NGƯỜI SÁNG TẠO)
Những câu thơ xa xót ấy dành cho một người bạn thơ lận đận trong đời, nhưng cũng là dành cho chính mình. Đọc những dòng này, có người vặn tôi: “Nhưng Nguyễn Khoa Điềm có chi lận đận? Chẳng phải ông ấy đang là Ủy viên Bộ Chính trị, là… sao?” Nhưng là nhà thơ, thì “đi mô rồi cũng nhớ về…”… Thơ thôi. Mọi điều rồi sẽ qua, nhưng thơ có thể còn lại. Tôi nói “Có thể” bởi thơ của từng nhà thơ có thể còn, có thể mất, nhưng mãi mãi, nhà thơ không thoát khỏi “vùng phủ sóng” của thơ, cả thơ mình và thơ nói chung. Như trong một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Khoa Điềm có câu: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”, thơ của một người chỉ là tấm lưng nhỏ bé ấy, địu những bài thơ như địu những đứa con mình, nhưng “lưng mẹ” cùng dáng hình với “lưng núi”, và:
“ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”
( KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ)


Nhiều nhà phê bình đánh giá cao trường ca Nguyễn Khoa Điềm, nhưng theo tôi, anh mạnh ở những bài thơ trữ tình có độ dài trung bình. Ngay MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG cũng có thể coi như một liên khúc, được kết nối bởi những bài thơ tự do có độ dài trung bình. Với những bài thơ ấy, bắt đầu từ một điểm nhìn cụ thể, Nguyễn Khoa Điềm được thả sức phát triển theo dòng suy tưởng và liên tưởng, những hình ảnh gắn kết trong mạch xúc cảm như một dòng chảy liên tục. Những bài như ĐẤT NGOẠI Ô, CON CHIM THỜI GIAN, CON GÀ ĐẤT CÂY KÈN VÀ KHẨU SÚNG là những bài khá tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm, khi tứ thơ chỉ là “gợi ý”, chỉ là “điểm nhìn” để từ đó bài thơ phát triển tự do theo cảm xúc, nhiều khi vượt ngoài những “bộ khung” của tứ thơ. Là người đã có ý thức trang bị cho mình một vốn liếng kiến thức trước khi đi chiến trường, nhưng những kiến thức mà Nguyễn Khoa Điềm có được đã lặn sâu vào cảm xúc của anh, và chính đời sống chiến trường đầy hiểm nguy nhưng cũng đầy xúc cảm (kể cả phản cảm) đã làm chấn động tâm hồn một người vốn điềm tĩnh như Nguyễn Khoa Điềm, và những bài thơ trào tuôn như không thể khác. Đó cũng là cách để có được thơ của nhiều nhà thơ thế hệ chống Mỹ, những người biết hòa trộn giữa bản năng và nhận thức, giữa những gì có được từ đời sống sách vở với những gì có được từ đời sống chiến trường.
“Côộc. Tiếng chim vang vọng
Thành phố sau màu mây
Ôi thương nhớ vẫn hôn lên cùng nắng hồng mỗi sáng
Một thành phố cuối con suối này
Uống nước đục ngầu mỗi chiều đầy bom đạn”
( CON CHIM THỜI GIAN)

Lê Anh Xuân cũng từng kêu lên như vậy khi nhớ về thành phố Sài Gòn:
“ Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó
Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”
Những người lính - trí thức ấy đã đến với chiến trường và từ chiến trường đến với thơ tuyệt đối trong trẻo, dù họ biết cái “tuyệt đối” ấy nhiều khi là kinh thành Corboda trong thơ Lorca “xa thẳm, đơn độc” mà không biết “bao giờ tới được”. Nhà thơ là con người, không phải thiên thần. Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, họ cũng biết yêu đất nước như những người khác. Có điều, họ lại biết đồng hóa, hòa nhập, cộng trường tình yêu đất nước, yêu nhân dân ở những người khác thành tình yêu của riêng mình, với những cảm nhận và lý giải của riêng mình:
“Những người Tà Ôi da màu than rẫy cũ
Truốt vào lòng bàn tay sần sùi da gỗ bứa
Từng hạt vàng ẩm ướt mồ hôi”
( CON CHIM THỜI GIAN)
Phải yêu nhân dân thật cụ thể mới viết được những câu thơ ấy.
“Ta vuốt ve ngàn mái ngói mênh mang
Tay ta đau với trường thành vỡ rạn
Và con cầu như tiếng nấc nằm ngang”
( CON CHIM THỜI GIAN)
Phải yêu thành phố tuổi thơ mình bằng một cảm giác da thịt như con yêu mẹ mới viết được những câu thơ ấy.
“Ôi Tổ quốc ta yêu Người vời vợi
Khi Người khổ đau không làm ta sợ hãi
Trong căm hờn ta biết hướng ta lên”
( CON CHIM THỜI GIAN)
Đó là những “nấc thang tình yêu”, những cung bậc tình yêu mà khi tác giả kêu lên “Ôi Tổ quốc ta yêu Người vời vợi” người đọc biết đó không phải là câu thơ khuôn sáo, bởi nó được xây dựng bằng một tình cảm chắc thiệt, bền vững đúng như cấu trúc bài thơ. CON CHIM THỜI GIAN được viết trong thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến đấu, vào mùa hè 1969, là một trong những bài thơ tiêu biểu của thơ chống Mỹ. Đáng ra, các tuyển thơ nên chọn bài thơ này, thay vì cứ trích đi, trích lại chương ĐẤT NƯỚC trong trường ca MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG như một thói quen. Có hai giai đoạn tạm coi là “bùng nổ” trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, đó là giai đoạn từ 1969 tới 1971, và sau hòa bình là giai đoạn từ 1982 đến 1984, mỗi giai đoạn chỉ gói tròn trong 3 năm, nhưng đó là ba năm Nguyễn Khoa Điềm “giải phóng” được năng lượng thơ của mình. Có lẽ đó cũng là hai giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của anh. Thực ra, thơ lại hay được “đẻ” ra trong những thời điểm khó khăn như vậy, bởi nó vừa là ngôn chí vừa là cánh cửa giải thoát. Nhưng khi đó, người bạn thân thiết nhất của nhà thơ chính là… thơ của mình. Tôi đọc trong giọng thơ trầm tĩnh của Nguyễn Khoa Điềm có cả phần nén chịu của một người từng trải, có nghị lực:
“Bốn mươi tuổi rồi, lắm khi
Cha cũng ngã, đứng dậy, khóc, cười một mình
Cuộc đời cha dễ đâu toàn vẹn”
( BUỔI ĐẦU)
Và cả biết đau đớn, sống với đau đớn, và vượt qua đau đớn:
“Tưởng như anh không còn dễ khóc cười
Anh cố thủ giữa đời anh chật chội
Biết im lặng phút giây bối rối
Biết mỉm cười đưa đẩy cái bắt tay
Anh xài quen mớ ngôn ngữ hàng ngày
Bay tản mạn xanh xao như khói thuốc
Ôi trái tim anh, trái tim đau buốt
Đã đập qua đêm, đã đập qua ngày”
( HẰNG NGÀY)
Nhưng chính trong những thời điểm căng thẳng và mệt mỏi đó, bất chợt thơ Nguyễn Khoa Điềm mở ra được những ô vuông xanh hồn hậu, những ô vuông mở sâu vào sự bình yên thiêng liêng của đời sống và của tâm hồn:
“Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ
Bên dòng sông như chưa biết chiều tan
Tôi với nó lặng im bè bạn
Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang”
(CHIỀU HƯƠNG GIANG)
Những bài thơ như CHIỀU HƯƠNG GIANG hay MIỀN QUÊ là những vuông cỏ xanh ít ỏi trong thơ Nguyễn Khoa Điềm mà người đọc có thể tin cậy ngả lưng, hồn nhiên sống trong vài giây phút mà không phải nghĩ ngợi gì:
“Lại về mảnh trăng đầu tháng
Mông lung mặt đồng bóng chiều
Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm
Lúa mềm như vai thân yêu”
(MIỀN QUÊ)
Giá như Nguyễn Khoa Điềm có nhiều hơn những bài thơ như thế, có lẽ anh sẽ cảm thấy thoải mái hơn, và người đọc cũng thoải mái hơn. Người viết bài này, thú thực, nhiều lúc cảm thấy mệt vì những đoạn thơ giải thích, lý giải, tranh luận của Nguyễn Khoa Điềm. Có lẽ, thơ không cần lý giải, mà cần được cảm, được xúc động, được đánh thức một cách như tình cờ. Người viết bài này cũng đã từng tâm niệm: “Những câu thơ cần cho cuộc chiến đấu, phút bình yên, cần cho những khoảng nửa đêm khắc khoải của con người”. Không ai phủ nhận tính chiến đấu của thơ, nhưng cũng không thể phủ nhận những rung cảm đặc biệt, những nỗi xao xuyến kỳ lạ mà thơ mang đến cho con người, kéo con người khỏi trạng thái thỏa mãn hay quá tự tin. Thơ phải vừa là mũi tên vừa là giọt sữa là chiếc lá “là cái tổ kết bằng rơm rác cho một cánh chim, là tiếng gọi từ trời xanh cho một tâm hồn đã mỏi mệt, là đường viền mỏng mảnh của giấc mơ” Liệu Nguyễn Khoa Điềm có giai đoạn “bùng nổ thứ ba” của thơ mình hay không? Chắc chắn sẽ rất khó, nhưng người đọc vẫn hy vọng. Vì với những gì có được của thơ mình, Nguyễn Khoa Điềm đã trao cho người đọc bàn tay trầm tĩnh nhưng tin cậy. Bàn tay có những vết chai chứng thực.


Cuối thu 2001
T.T
(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)


VTV Online:

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm Khát Vọng Lặng Lẽ.

 

{flv}nguyenkhoadiemvtv1{/flv}

http://www.vtc.com.vn/lp/126/4824/nguyen_khoa_diem_-_khat_vong_lang_le.aspx

 

Nguyen K Điem NKĐ images

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.