Nhà văn TRẦN HẠ THÁP
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5919
NỮ GIỚI VÀ TÀI HOA…MẶT ẨN VĂN HÓA HUẾ
Mưa và nắng mỗi mùa một nét riêng của Huế.Đấy là cái đẹp tự nhiên. Bên cạnh đó còn cái đẹp nhân văn, điển hình là văn hóa nghệ thuật do con người xây đắp qua đã nhiều thời đại.Khi so sánh nhiều nơi, sẽ dễ dàng nhận thấy cái đẹp ở đây không hề đơn điệu mà hội đủ hai mặt như nghệ thuật với thiên nhiên, cung điện đền đài và cả nhà vườn nơi thôn dã.Hoặc sinh động phồn hoa với bên cạnh là những cảnh chùa thanh tịnh…Cái đẹp hòa điệu mang ý nghĩa "Thái Hòa".Là cái đẹp được đề cao trong căn bản mỹ học phương đông.
Cùng thể hiện hai mặt của vấn đề.Bên cạnh những hình thái "động"còn có hình thái "tĩnh" - trầm lặng hơn - Bên cạnh nam là nữ giới.Tính đồng hành cơ bản, rõ ràng nhất được nhận chân trong bản sắc văn hóa Huế.Mọi giá trị nhân văn sẽ được nhân đôi, khi mà phẩm chất nữ giới được minh chứng là yếu tố đồng hành đích thực.Là thể hiện bản sắc từ hòa điệu "Thái Hòa" kia trong góp phần vào quá trình chung tựu thành miền văn hóa.Vâng, cái đẹp nơi đây là cái đẹp đi về minh triết nói trên.Nhưng đâu là mặt ẩn của văn hóa Huế.Cái đẹp thầm lặng minh chứng cho tài hoa nữ giới ?
Thật độc đáo khi nhận ra rằng, bóng dáng người phụ nữ nơi đây chưa hẳn chỉ đóng khung vào mỗi một "bức tranh liêu trai" đầy thơ mộng qua bao nhiêu thơ ca và nhạc họa….Từ Hàn Mặc Tử với một thoáng : "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh" Để mãi còn lại đó dòng thơ bâng khuâng, bất tử"Ai biết tình ai có đậm đà".Đến Trịnh Công Sơn "Gọi nắng trên vai em gầy, đường xưa áo bay"…Quả thực dung nhan ấy là vô cùng tuyệt mỹ song cũng mơ hồ như khói tỏa sương lan.Cứ tưởng chừng"Như cánh vạc bay" hoặc không khác những "Đóa hoa vô thường" tinh khiết, hết sức mong manh giữa nắng gió cuộc đời.Chân dung ấy chỉ mới là hiện thân tính ước lệ của văn học, nghệ thuật.Phụ nữ Huế còn một chân dung khác - thực tế, tài hoa - đấy là chân dung về văn hóa. Cái đẹp qua văn học nghệ thuật chỉ mới chú trọng vào chữ Dung.Một trong bốn cái đẹp truyền thống, mẫu mực Công - Dung - Ngôn - Hạnh mà nữ giới Huế - nói chung - vẫn coi như giá trị trước tiên, bình thường nhất để được xứng đáng là một người con gái Huế.Cái đẹp về văn hóa phong phú hơn và biểu hiện qua Ngôn, Hạnh và Công - phần hãnh diện, tự hào nhất trong suốt cả một cuộc đời phụ nữ…
"Dạ thưa xứ Huế bây giờ.Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương" Với Bùi Giáng, ngoài hai thắng cảnh nổi tiếng xưa nay là núi ấy, sông kia…Dường như Huế chỉ còn lại vọng âm qua hai tiếng dạ, thưa nhẹ nhàng rất mực ngọt ngào và hiền dịu.Phụ nữ Huế kín đáo, ít tỏ bày song giọng nói đủ để làm nên "hiệu ứng nghệ thuật" không biết tự bao giờ.Vọng âm ấy - Ngôn - nói lên phong thái đặc biệt của phụ nữ đất thần kinh.Những người nghiêm trang giữ gìn lễ tiết, không đường đột dù cả trong ngữ điệu, ngôn từ.Giữa một không gian đầy thơ mộng thì giọng nói nhẹ nhàng và chân dung ẩn hiện kia, thấp thoáng sau lá trúc, vườn cau…Được khắc họa bằng hai chữ tuyệt vời "Nhân ảnh". Đã biết bao khách viễn phương đến Huế không chỉ để chiêm ngưỡng những di tích đền đài, lăng tẩm hay thắng cảnh thiên nhiên…Họ sẽ còn nhớ mãi hương vị tuyệt vời, sắc sảo của những món ăn xứ Huế.Bàn tay người phụ nữ nơi đây tài hoa.Thứ năng khiếu, mang bẩm chất thiên phú được trân trọng sánh ngang nghệ thuật, sáng tạo.Họ thực sự là những nghệ sĩ thầm lặng gửi đến muôn phương vô vàn tác phẩm thành danh, đã đi vào lòng thế nhân ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng…
"Thực phổ bách thiện" sách dạy nấu ăn truyền thống của người phụ nữ Huế.Một cuốn sách độc đáo, bất ngờ khi mà thế giới chữ nghĩa ngày ấy còn trong thời đại chỉ dành riêng cho tu mi nam tử vịnh ngâm và luận bàn thế sự.Tính thực tế và lợi ích thiết thực từng ngày của cuốn sách như một thông điệp ngầm nói lên vị trí, giá trị không thể lãng quên của người phụ nữ vốn bị xem thầm lặng chốn khuê phòng. Họ qua đó như muốn nói rằng, bếp lửa gia đình vẫn là giá trị đơn giản nhưng thân thiết, tồn tại lâu dài nhất qua mọi nền văn minh nhân loại.Đó là nơi mà hết thảy hoạt động của con người xuất phát và cũng là chỗ để quay về, sau mỗi ngày - hoặc suốt một đời người - bước chân vào thế cuộc.Kỹ thuật chuyên môn trong sách ấy đã cao cường, độc đáo song ẩn ý về "tâm thuật" mới là điều phát hiện đặc biệt khiến đời sau ngợi ca và trân trọng. Rất khác tập quán văn hóa nhiều nơi, người Huế - truyền thống - không ngoại giao thân tình nơi tửu quán, ca lâu…Ngược lại, trân trọng nhất vẫn cứ là lúc người Huế đón khách tại nhà riêng.Như một niềm hãnh diện và cũng chính là cơ hội giới thiệu tài hoa của người bạn trăm năm trong ngôi nhà vườn truyền thống.Khách viễn phương sẽ được nhận chân đích thực đâu là ý nghĩa chữ Công của riêng người phụ nữ nơi đây.Hương vị và phong thái ấy, sự thầm lặng đi đôi với tài hoa kia thể hiện, khẩu vị và màu sắc độc đáo, cảnh sắc thoát tục bên non bộ và gốc lão mai rêu phong xứ Huế…Tất cả khiến khách viễn phương - như thuật ngữ bình dân diễn tả - "ngậm nghe" với vô vàn cảm xúc còn đọng mãi để chia tay mà một đời ghi nhớ…
"Mười thương" bài ca Huế theo điệu Lý tình tang cũng đã nói lên một phần tài hoa, duyên dáng và nhất là phẩm hạnh người con gái nơi đây.Cái "duyên" họ trân trọng, quý yêu nhất vẫn là cái duyên bao hàm phẩm hạnh hay đạo nghĩa luân thường.Khi mà mái tóc người con gái nơi đây tượng trưng cho những gì cao cả để phụng thờ, để cúi đầu và bái lạy trước phụ mẫu, tổ tiên và gia đường hương hỏa…Gọi "tóc thề", để khi cắt một ít tóc ấy làm tin cho mối tình sâu nặng với ai là người con gái Huế coi như đã thể hiện một lời thề hết sức lớn lao và tối thượng.Tóc thề nơi đây biểu trưng cho thủy chung, đạo nghĩa suốt đời người.Vì thế, một mái tóc dài - trong ý thức truyền thống - vẫn luôn là nét duyên trước hết khi ngợi ca dung nhan một người con gái Huế.Chữ Hạnh.Nét duyên của đạo nghĩa luân thường và thủy chung như nhất.Ai thấu hiểu được ý nghĩa "tóc thề xứ Huế" là hiểu được vì sao ? Người phụ nữ nơi đây thường kín đáo và giữ gìn lễ tiết.Họ muốn nói, muốn hướng mình về đạo nghĩa luân thường và thủy chung như nhất với tình yêu.Nét đẹp phụ nữ Huế sẽ càng sâu sắc, mặn mà khi chính sự thầm lặng đầy nguyên sơ kia như một câu hỏi luôn cuốn hút ai thật tình say đắm muốn khám phá, muốn tận tụy một đời bên những dung nhan và tài hoa đã làm nên mặt ẩn một nền văn hóa vinh danh.
(thành nội - Huế)
Trần Hạ Tháp
(*) Lão hạc Linh mai : Ở Huế hiện nay theo tác giả được biết chỉ còn chừng chưa đến mười cây.Để khúc chiết được những linh ứng kỳ lạ của loại cây được coi như linh vật nầy, sự diễn giải cần đi vào chuyên khoa các môn ứng dụng Dịch lý trong Huyền học Đông phương.Khuôn khổ trang báo có hạn, tác giả đành xin khuất tất…(T.H.T)
Xuân Huế giữa thời gian…
Xuân đã thấp thoáng sau nhiều tháng thu đông đằng đẵng.Giã từ bão lụt, Huế chờ đợi những giọt nắng nguyên sơ trên cánh cổng 2008.Một mệnh đề mới về thời gian đang rộng mở.Đây cũng là lúc thích hợp để chuẩn bị nhiều hứa hẹn mới với tương lai.Sắc xanh vừa trở lại trên từng ngọn cỏ úa trong vườn.Đâu đó…Hoàng mai đã bắt đầu nhú búp.
Vượt qua hệ quy chiếu ba chiều nguyên thuỷ, Einsten trực nhận về kích chiều thứ tư của vũ trụ.Chiều thời gian.Vật lý và thi ca tìm thấy tiếng nói chung từ đó…Bất chấp tất cả, xuân hạ thu đông vẫn tuần tự xoay vần để thời gian vẫn là điệp khúc bốn mùa miên viễn. “Thiên hà ngôn tai.Tứ thời hành yên.Thiên hà ngôn tai”.Khổng Tử khi san định Kinh Dịch, ông đã ngạc nhiên, bừng tỉnh : “Trời có nói gì đâu ! Bốn mùa vẫn cứ xoay vần đúng độ. Trời có nói gì đâu”.Vâng, trong muôn vàn biến dịch vẫn có điều bất biến. Giữa trăm ngàn lẽ động luôn tồn tại mặt tĩnh ẩn tàng.Thời gian là chân lý của mọi chân lý.Là kẻ đóng dấu lên tất cả để khẳng định sự ấn chứng sau cùng.
Khí xuân làm cỏ cây nảy nở.Tự nhiên con người cũng tâm sự, giao tiếp nhiều hơn.
“Ăn nên đọi, nói nên điều.
Có người quân tử khăn điều vắt vai”.
Không biết từ bao giờ - qua những câu thường đàm, thành ngữ - phạm trù thời gian đi vào tâm thức Huế bằng những hình thái đặc thù, đa diện.Ẩn dưới từng câu nói đơn giản, khi hiểu theo cung cách Huế, là bóng dáng trầm mặc của một phần văn hoá nơi đây… “Ra năm, ngày rộng tháng dài” Vâng, câu nói đầu xuân còn có nghĩa ngoài chiều dài, thời gian ở đây còn có thêm chiều rộng.Thật lạ lùng, dù chỉ tồn tại qua cảm nhận song thứ chiều rộng ấy chưa hẳn đã quá hoang đường, xa lạ.Thời gian sắp đến của năm mới bao giờ cũng dài, rộng và thênh thang hơn dẫu tháng năm chẳng có gì thay đổi.Quả thực Huế trong mùa mưa, bầu trời thấp xuống và không gian cô đặc, nhỏ hẹp đến bất ngờ.Mỗi một bức trường thành cứ tưởng như dày dặn hơn, hoá hiện những bức tường mưa chất ngất.Bây giờ, khi mà nắng mới đã giao mùa.Ngàn mây trắng thênh thang lơ lững.Là lúc Huế chợt rộng ra trên mặt thoáng của sông dài.Màu xanh lam bóng núi hiện hình tận chân trời khói
toả…
Sự “co giãn không gian” Huế theo mùa, tiết trong năm luôn là nguyên nhân gây cảm xúc bâng khuâng đầy bất ngờ, xa vắng.Điều ấy cắt nghĩa vì sao Huế gần gũi với thi ca ? Ngày nay, nhịp sống nền văn minh đô thị đang dần chiếm hữu những khoảng-không-gian-thi-ca ấy…
Câu thành ngữ hàm chứa biết bao hy vọng, dự kiến được gửi gắm ở ngày mai.Mặt khác, giúp con người đánh giá lại, ngầm nhắc nhở nhau về hiện thực.Trong đó có triết lý lạc quan hướng về tương lai nhưng không hề ảo vọng.Triết lý ấy luôn cho thấy, chấp nhận hiện thực và công nhận hiện thực là hai mệnh đề chưa bao giờ đồng nghĩa.Phải chăng tiến bộ của văn minh nhân loại cũng đã và đang được xây dựng ngay trên nền tảng ấy.Kỳ lạ thay một trong những thuộc tính nổi bật của văn minh nhân loại là phục chế và bảo lưu tối đa những nền văn minh xưa cũ ! Hồi ức quá khứ bỗng nhiên được trân trọng sánh ngang hàng bảo vật.Đó là thứ “quặng mỏ tinh thần” vô giá.
“Sông có khúc, người có lúc” thành ngữ so sánh các thời kỳ đột biến của đời người không mấy khác sự biến động phức tạp một dòng sông.Mặc nhiên, dòng sông còn biểu tượng cho dòng chảy của thời gian, dòng sống hay mệnh vận của con người.Hương giang trầm lắng, xanh trong như hôm nào.Những hình ảnh cuồng nộ mới đâu đây hoàn toàn biến mất như chuyện kể một giấc mơ.Từng chiếc thuyền rồng tiếp tục cuộc tuần du của những khách viễn phương.Đứng ở Nghinh Lương đình, chùa Thiên Mụ bất cứ lúc nào có thể nhìn thấy nhiều quý khách phương Tây tất bật chỉa ống kính thu hình lên hai bờ cây lá.Hình ảnh Kinh thành Huế xanh rêu, lặng lẽ kia vẫn không ngừng đổ bóng xa hơn, đậm hơn lên trong lòng nhân loại…
Nhìn dòng chảy trôi đi…Ta cảm nhận được lẽ huyền vi của tạo hoá. Thoắt có thoắt không, trong không gian tĩnh lặng mơ hồ có tiếng vọng từ nội tâm sâu thẳm.Ngôn ngữ của thời gian.Là hồi ức ban sơ cùng kỷ niệm của đời người…Phải chăng sau tất cả biến động thăng trầm, con người Huế vẫn luôn cố lắng nghe âm vang muôn đời trong đất đai, thành quách.Tiếng vọng của mùa xuân.Mọi thứ có thể sẽ nhạt nhoà song tiếng vọng ấy vẫn muôn đời tồn tại.Tiếng vọng vượt thời gian, mang tần số của nhịp tim người xa Huế…
“Chuyện từ đời tù huy, tù huýt”.Là chuyện đã lùi sâu vào quá khứ…Khi mà mọi gợi tưởng đã không còn cầm chắc như gợi tưởng về âm thanh một đồ chơi ấu thơ thuở trước.Con tu huýt nặn bằng đất sét quê hương.Độ lùi của thời gian bây giờ được thông qua mã số một âm thanh kỳ thú, huyền hồ.
Huế còn nhiều chợ quê nhưng đã dần thiếu vắng đi con tò he, những chiếc còi tu huýt hoặc trống giấy lung tung màu đỏ, xanh hàng mã.Chẳng khác gì tuổi ấu thơ đã qua…Chúng cũng một đi không trở lại.Còn lại những gì ? Nhan nhản một đại dương đồ chơi vô cảm.Những thứ được cơ điện hoá, mang thông điệp “ngoại hành tinh viễn tưởng”, xa lạ hẳn với con người.Tuổi thơ hôm nay rất thiếu ân cần với thiên nhiên ngay nơi chốn giàu có thiên nhiên như Huế.Mãi đến khi lớn lên, cầm chắc chẳng có ai trong trẻ thơ hôm nay phải bồi hồi nhắc lại từng trò game điện tử ? Nhưng chính lúc ấy chúng sẽ không còn kinh ngạc vì sao người lớn luôn say sưa kể lại chuyện tát cá, tìm chim…Về các thú vui hoa niên ở tận những miền quê, xa điện đường đô thị.
“Gạo tháng giêng, tiền tháng chạp”.Trong mỗi cuối năm, khi các bà mẹ Huế gặp gỡ nhau, câu chuyện mua sắm rất có thể sẽ bắt đầu qua câu tâm sự ấy.Bão lụt, mưa gió thất thường trong nhiều tháng thu đông khiến lúa gạo luôn trở thành mối ưu tư khi trời quang, mây tạnh.Mùa lúa mới hãy còn xa, chờ gieo mạ…Nước vẫn trắng mênh mông trên những cánh đồng dọc thôn trang heo hút.Người Huế lo giỗ tết gia tiên giữa thời khắc đầy nghiệt ngã trong năm.Ít ai hiểu, khi vất vả làm “cúi khói, lọi lưng” là lúc nhà nông yên tâm không còn lo thiếu đói, mất mùa. Lọi lưng nhưng vui vì đòn xóc nặng trĩu lúa vàng nhờ gặt hái xum xuê.Cúi khói hay đầy nhà rạ rơm để ngày ngày bếp lửa vẫn có người cúi lưng thổi khói lam chiều.Vâng, từ thời điểm tháng bảy, nước dẫy lên bờ người Huế làng quê đành bó gối, khoanh tay vì bão lụt tràn qua…
Để có được nụ cười và hơi ấm gia đình, bây giờ hoa trái của nương vườn trở thành niềm cứu rỗi…Mới hay rằng, vườn Huế ngoài khung cảnh trầm mặc thanh nhàn kia, còn chất chứa thứ tình cảm sâu đậm không thể nói nên lời.Với người Huế, chẳng phải ngạc nhiên khi phải rời bỏ gia nương (nhà, vườn) là cả một chia lìa đau xót :
“Gia nương lút cút mẹ già.
Bên tê sông chàng đợi, thiếp theo qua răng đành”.
Và vì thế, khi bước đi lấy chồng người con gái Huế ngày xưa, chỉ ước mơ thực tế :
“Thì thôi, trăm đỉnh ngàn chung…
Chi bằng hai chữ gia nương bên chồng”.
Khúc ruột miền Trung thắt lại thành chiếc eo mềm dịu.Gợi tưởng hình ảnh đầy cảm xúc những người phụ nữ giỏi giang, chịu đựng.Phụ nữ Huế một đời tần tảo nắng mưa “Những người thắt đáy lưng ong.Đã giỏi chìu chồng lại khéo nuôi con”. Đời sống gia đình Huế qua muôn ngàn cuộc bể dâu, nhờ thế vẫn giữ được nếp riêng, rất ít khi phải xô bồ giao động.
Một mùa xuân mới bắt đầu.Tất cả đặt hy vọng vào những tháng ngày rộng mở.Ai cũng nguyện thầm may mắn. “Gặp may xưa” là cách nói khiêm nhường của những người đang được điều may mắn.Cũng có nghĩa, nhờ vào phước đức của ông, cha từ xa xưa để lại.Riêng bản thân, không hẳn đã tài giỏi hơn những người chưa dự phần may mắn…
Khi đã rạch ròi câu chữ, ta không còn nhìn thấy ở đây một lý lẽ thần quyền nào như những người chưa thấm nhuần tâm thức Huế.Vượt lên trên còn cho thấy, ở đây còn một niềm tin mãnh liệt vào đạo đức xử thế.Niềm tin vào lẽ phải của con người.Sự kính ngưỡng tổ tiên và không quên quá khứ.
Người Huế - nhất là trong những dịp Tết đến, xuân về - trân trọng sự gặp gỡ hai hạng người đặc biệt…Hoặc tượng trưng cho hồn nhiên dễ mến của trẻ thơ, hoặc tử tế hiền lành như những bô lão vui cười dễ tính.Những hạng người âý vô hại không tiểu tâm, thường đem an lành cho kẻ khác.Sự lựa chọn thật đơn giản, không mảy may đề cao vật chất danh uy…Nhưng đấy lại là biểu tượng đích thực nhất của đạo đức dân gian.Thứ đạo đức vô cùng cụ thể chẳng cần đợi nghi lễ cao xa hoặc triết luận đưa con người vào hư văn, mê tự…Cũng từ đó “Gặp may xưa” với quan niệm người Huế - trước hết và trên hết - phải là gặp gỡ những cái Tâm an lành theo ngữ nghĩa bình dân…
Như một lời chào “rất Huế” xin hãy chúc may xưa khi gặp nhau trên ngưỡng cửa mùa Xuân.
T.H.T
Hát dưới trăng tàn
(tặng một người xa Huế)
Hỏi ai về bên bờ dĩ vãng
Có thấy tôi ngồi hát trăng tàn ?
Đường lá cũ bước người xưa đã vắng
Vết rêu mùa để lại trước thềm hoang
Sông vỗ thời gian bay cánh vạc
Thả xuôi nguồn biệt tích bóng chim qua
Nước chảy mãi mà sao tôi vẫn hát
Còn bao lời bất tận thuở thu ca
Ai đếm hết trong chiều bạt gió ?
Mưa Nội thành mùa gửi lá khô bay
Cành phượng mục vỡ xuống lòng con phố
Có thấy tôi nhặt lại quả hương ngày...
Nhịp cầu ấy đã đành trong cổ tích
Có ai về qua bến cũ sương lan ?
Trường tiền đẫm hoàng hôn lên mắt biếc
Chầm chậm nghe tôi hát dưới trăng tàn
(Thành nội - Huế.2008)
Tro và lửa
(tặng Hồ.Đ.Nh) - A. Tha
Gió mùa đông bắc thổi
Toang hoát phên lạnh buốt da trời
Khói rạ rơm quấn cổ
Mẹ que cời bên bếp đời con
Lửa của người luyện tro
Những tàn tro bón thành hoa quả
Vườn bao dung gấp vạn lần đời
Mẹ đi-nhưng-không-mất
Mặc ai còn-kỳ-thực-đã-đi
Để lại giống mọc gì trong lá
Nương rau xanh bay đậu cánh chuồn
Đừng rượt đuổi phù du
Tìm nồng cay quanh chân vườn cũ
Ớt chín cây chỉ có chim nhồng
Ngắt cả cuống câu hò
Mẹ ơi xáy lòng canh mướp ngọt
Mặc dòng sông vỡ lẽ vô thường
Con mãi toát mồ hôi vị Huế
Thương một giấc nồm trưa
Lá tre reo chuyện gió qua đồng
Tàn bóng nguyệt một câu ru cũ
"Nói rồi lột lưỡi như không"
"Phải chi lột lưỡi như nhồng mà hay"
Gõ bậu cửa bìm leo
Con lại hát thay mẹ già trăm tuổi
(Thành nội - Huế.2008)
Mưa Huế và tôi
Mưa vuốt mặt thì thầm giọt Huế
Gốc phượng già nét khắc xuân xanh
Ai đứng dưới tàn cây muôn thuở
Ngày xưa ơi…ngọn lá xa cành
Từ khi vắng nắng vàng cõi hạ
Lối người về Thượng Tứ trong mưa
Còn lại đó bên đường xương lá
Áo xưa đâu ? trắng mộng kinh thành
Mưa vẫn mưa chiều nay chưa tạnh
Thành quách xưa lạnh buốt gió mùa
Đường phượng bay một ngày gió nổi
Em có nghe tiếng hát không lời…
Mưa đan nhau một đời không nói
Huế trong tôi ướt đẫm phương trời
Dòng sông ấy mùa đông lại tới
Sông mịt mờ mưa Huế và tôi
(Thành nội - Huế)
Những mảnh đá Hạ Long
Không riêng gió hiểu nghĩa ngàn nơi
Đâu chỉ sóng kinh qua phiêu dạt ?
Hạ Long nói gì gió mùa đông bắc
Dãy đàn đá và thoại đầu rêu tạc...
Kiếu biệt đại ngàn đem theo trăng sáng
Núi lội nước xuống lòng biển mặn
Triệu triệu năm núi đứng hay nằm ?
Người chú giải sấm thi của sóng
Núi khoét sâu ngực mở cổng trời
Hang động rỗng dồn ca từ cho gió...
Gió và biển rập rình tiếng vọng
Gió và biển hát về mênh mông bất tận
Trường tấu chơi vơi ẩn ngữ không lời
Dãy đàn đá ôm nỗi lòng huyền sử
Nguyên bản đá trong vườn nhà ai
Những mảnh vỡ từ Hạ Long vời vợi
Ngược biển khơi về chen chúc đứng, ngồi
Giấc-mơ-thực, dựng trong lòng bể...cạn
Hạ quê
( tưởng nhớ mẹ)
Lặng lẽ bờ ao rơi tõm sung già
Cúi xuống váng ngày nụ hoa mùa hạ
Chẫu chàng ngồi đếm cá mặt trăng
Thuyền mo cau biển lá cây vườn
Gió đập bơi chèo lanh canh nắng lượn
Bến bờ neo ngất ngưởng không gian
Vút khúc ca sáo sậu bụi lùm
Bềnh bồng bóng thả qua đồng nội
Trời bay chim đất vói xanh lời
Ai hát ầu ơi chuyện cổ
Bốn tao ru dưới gốc tre tàn
Mo nang xỏ giầy lang thang chân gió
Hơn nửa thế kỷ thôi nôi
Hỏi bóng người còn soi mặt nước
Hài nhi nào ngậm sữa vườn chơi
(Thành nội - Huế. Vu lan 2008)
Tứ đại cảnh
(Ngư)
Lưới sâu lòng nước mỏi
Cá chia nguồn cội xưa
Khuya giữa dòng sương khói
Bến cũ chừ ! Bao mưa...
(Tiều)
Cánh ngày qua núi gió
Chim rừng chiều bay mau
Bao nhiêu lần bỏ tổ
Kêu đêm chừ ! Nơi đâu...
(Canh)
Bóng gieo vào ruộng thẳm
Tàn, mọc mùa rạ rơm
Nhen lên lòng đất rạn
Khói nào chừ ! Chưa tan...
(Mục)
Trâu bên bờ cỏ dại
Một sợi vào sương mai
Dắt lên đồi lau sậy
Thổi điệu chừ ! Sáo ai...
(Thành nội - Huế)
Biên niên hến(Kính tặng Cồn Hến)
Nước vẫn chảy bao lần qua đó
Hến ngậm bùn sống đáy lòng sông
Loài há miệng chỉ khi còn là vỏ...
Đâu cần ngọc "châu trầm hải để"
Bảy trăm năm vẫn hến, hàu, sò
Ơn lặn hụp thương tô cơm người Huế
Hai mảnh phận, một đời úp vó
Cất trong tâm hương vị sông hồ
Để sóng vỗ thay cho lời thân thế
Cuộc hoá thạch cào lên dâu bể
Đốt thành vôi bạc trắng góc trời
Khi hoát ngộ cũng là khi bốc khói
Ai khuấy nước có nghe câu hỏi
Đục hay trong xác hến, vỏ hàu ?
Trong im lặng ướt niềm đau chổi đót
Cát đá xây bức tường ngang, dọc
Để hoá thân tô sáng cơ đồ
Nước mắt hến quét lên đài, tượng, phố...
(Thành nội - Huế)
T.H.T