NHÀ THƠ THANH HẢI
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 30475
Giới thiệu cố Nhà thơ Thanh Hải, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.
NHÀ THƠ THANH HẢI
Tác giả Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn
Sinh ngày 4 tháng 11 năm 1930
Quê ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1978 )
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông công tác tại đoàn Văn công tỉnh, rồi ở lại hoạt động, làm tuyên huấn ở cơ quan khu ủy Trị Thiên thời chống Mỹ cứu nước.
Từ 1975 , ông là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế. Ông từng là ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Ông mất ngày 30. 12. 1980 tại Huế
Ông nhận giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu 1965 .
Tác phẩm chính:
- NHỮNG ĐỒNG CHÍ TRUNG KIÊN (1962);
- HUẾ MÙA XUÂN (2 tập, 1970-1975),
- DẤU VÕNG TRƯỜNG SƠN (1977);
- MƯA XUÂN ĐẤT NÀY (1982);
- THƠ TUYỂN (1982).
Giới thiệu tác phẩm:
Mùa xuân nho nhỏ
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa biếc tím
Ơi, con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trờiTừng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy bên lưngMùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập trong hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Mùa xuân - ta xin hát
Câu nam ai, nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.
Mùa
Đất ta chúng cướp, chúng cày
Nhà ta chúng phá, chúng xây bốt đồn
Khóc không tan hết oán hờn
Van xin đâu phải con đường ta đi.
Ta không phải sống vì bom đạn
Ta vốn không bạn với chiến tranh
Nhưng vì chúng cậy đao binh
Bắt ta nô lệ ta đành chịu sao?
Ta vùng dậy súng đao ta giữ
Lấy đất cày, lấy chợ, lấy sông
Giặc kia gian ác hung hăng
Đầu rơi quyết trả lại bằng đầu rơi.
Vì chúng vẫn quen nòi xâm lược
Tan mồ cha lại rước voi dày
Thì ta súng chặt trong tay
Đánh ta lũ chúng như ngày năm xưa.
Đêm đêm đi dưới rặng dừa
Nghe quê hương chuyển những giờ tiến công
Bừng bừng ánh mắt nghĩa quân
Nhìn sao ôm cả trời hồng bao la
Chân đồn cất mãi lời ca
Đem xương máu giữ quê nhà mến thương.
Nhạc hay khúc hát lên đường
(12-1961)
Cháu nhớ Bác Hồ
Đêm nay bên bến Ô Lâu
Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ
Nhớ hình Bác giữa bóng cờ
Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu
Mắt hiền sáng rực như sao
Bác nhìn tận đến Cà Mau sáng ngời
Nhớ khi trăng sáng đầy trời
Trung thu bác gởi những lời vào thăm
Nhớ ngày quê cháu tan hoang
Lụt trôi, Bác gởi lúa vàng vào cho
Nhớ khi nhà cháu ra tro
Bác đưa bộ đội về lo che giùm
Bác ơi nhớ mấy cho cùng
Ngoài xa Bác có thấu lòng cháu không.
Đêm đêm cháu những bâng khuâng
Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu
Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu
Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ
Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ
Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn
Bác ơi dù cách núi non
Mà hình Bác vẫn trong lòng không xa
Giặc kia muốn cắt sơn hà
Mà miền Nam vẫn hướng ra Bác Hồ,
Hướng về sắc đỏ ngọn cờ
Về ngày Nam Bắc cõi bờ liền nhau.
Đêm nằm cháu những chiêm bao
Ngày vui thống nhất Bác vào miền Nam.
Cổng chào dựng chật đường quan
Bác đến đình làng Bác đứng trên cao
Bác cười thân mật biết bao
Bác dặn đồng bào cặn kẽ từng câu
Ung dung Bác vuốt chòm râu
Bác xoa đầu cháu, Bác âu yếm cười.
Đêm nay trăng lại sáng rồi
Trung thu nhớ bác cháu ngồi cháu trông
Ngoài xa nghe tiếng trống rung
Nghe những nhi đồng nhảy múa hò reo
Bác chắc cũng nhớ cháu nghèo
Miền Nam đau khổ sớm chiều trông ra.
(8-1956)
Sang đò đêm mưa
Trời mưa, mưa mãi là mưa
Má ơi sao má chẳng đưa vào bờ?
Con đò lơ lửng lửng lơ
Trời mưa ướt cả thân già má ơi!
Má rằng: con ở trong mui
Cứ ngồi cho ấm để rồi lại đi
Má ướt một bữa can chi
Chỉ lo con ướt lấy gì mà hơ.
Bên kia những bụi cùng bờ
Không tơi không nón đụt (1) nhờ vào đâu?
Con chờ qua trộ mưa (2) rào
Má sẽ cập bến, đò vào, con lên.
Trời mưa, mưa đến nửa đêm
Đò quay vào bến, con lên tới bờ
Má còn buộc lại con đò
Vì dầm mưa lạnh má ho từng hồi.
Má ơi! Đi đã xa rồi
Mà con vẫn mãi nhìn lui bến đò
Con còn vọng mãi tiếng ho
Mỗi khi vượt bốt sang đò đêm mưa.
(1961)
-----------
*Đụt: trú, ẩn (tiếng miền Nam)
Trộ mưa: cơn mưa
Từ trên máy bay
Nhìn quê từ đất nhìn lên
Từ rừng nhìn xuống, biển xanh nhìn vào
Nay nhìn quê tự trên cao
Qua mây nhìn núi, qua sao thấy rừng
Thấy sông, thấy ruộng, thấy nguồn
Màu đất nâu thẫm con đường quanh quanh
Ô hay có đợi gì tranh
Ngắm hoài dất nước hoá thành tình ca...
Tám năm nay mới gặp nhau
Tám năm nay mới gặp nhau
Ôm nhau mà thấy lòng đau chín chiều
Xa nhau chỉ một mái chèo
Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây
Siết tay, ôm chặt, siết tay
Nói gì nước mắt tràn đầy đôi môi
Tám năm là mấy đêm rồi
Có đêm nào chẳng trông trời nhìn sao
Có ngày nào chẳng ước ao
Bước chân ra Bắc vui nào vui hơn
Đây rồi biên giới Lạng Sơn
Đây rồi quê của hội Lim đây rồi!
Lòng ơi sao thấy bồi hồi
Hà Nội, Hà Nội đứng ngồi không yên
Hôn nhau, hôn nữa hôn thêm
Lòng không chỉ một trái tim trong người
Tim anh mười sáu triệu lời
Tim tôi mười bốn triệu người miền Nam
Máu lại gặp máu tám năm
Thịt xương lại gặp sao ngăn nỗi mừng
Cười lên nước mắt rưng rưng
Cười lên hoa vẫy giữa rừng cờ bay
Tám năm mới có hôm nay
Hôm nay có bởi ngàn ngày đứng lên
Cười lên anh hỡi cười lên
Ngăn sông! Ta vẫn đến bên nhau rồi
Ôm nhau khó nói hết lời
Nhìn trong mắt ướt đầy trời xuyến xao!
(10-1962)
Bây giờ ngày mai
"Ngày mai cô sẽ từ trong đến ngoài
Thơm thịt hương nhuỵ hoa lài" (*)
Con đò khuya giữa dòng sông
Buồn như em giữa mênh mông bến bờ
Tỉnh rồi, còn đó trơ trơ
Nghĩ mình lạc bước bây giờ tính sao
Mẹ cha sống chết phương nào
Quê hương mờ mịt biết đâu đường về
Con đò khuya sóng não nề
Đời thôi đành vậy, mong gì ngày mai
Thương ai lòng nỡ thương ai
Thương mình mình lại dạc dài tấm thân
Ngoảnh nhìn trời đất mênh mông
Lòng toan những bỏ nợ trần… lại thôi
Ngờ đâu đờn dạo khúc vui
Ngờ đâu có lúc đời đời là đây
Ngỡ ngàng một phút riêng tây
Rồi sao nước mắt rơi đầy gối đêm
Máu nào lại chảy về tim
Hồn nào lại sang, lại ấm nước non
Bấy nhiêu năm sống mỏi mòn
Tưởng tim đã cứng, tưởng hồn đã trơ
Ngờ đâu lại có bây giờ
Ngày mai lại sẽ… bây giờ ngày mai
Ôi bao nhiêu chiếc áo dài
Đi trên đường nắng giữa ngày vinh quang
Sao anh cứ thấy áo em
Bay lên như một cánh chim giữa đời
Nỗi mừng chung đến bồi hồi
Nỗi mừng riêng được làm người chứa chan
Em nhìn sông nước Hương giang
Trong veo như một tiếng đàn sang xuân.
7-1975(*) Thơ Tố Hữu
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
ĐÔI KỶ NIỆM NHỚ ĐỜI VỚI NHÀ THƠ THANH HẢI
Võ Quê
Những năm 70, khi còn là một sinh viên trong phong trào yêu nước đấu tranh của đô thị miền Nam, từ thành phố Huế, mặc dù bị chính quyền Sài Gòn kiểm soát nghiêm nhặt nhưng tôi cũng đã may mắn có nhiều cơ hội tiếp cận với văn học miền Bắc, vùng giải phóng qua những nguồn sách báo được bí mật gửi về từ chiến khu Thừa Thiên Huế. Làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng cũng là hai kênh thông tin cho tôi được hiểu biết, gần gũi hơn với những tên tuổi các nhà thơ, nhà văn “Trường Sơn” và ở bên kia dòng sông Bến Hải. Một trong những nhà thơ tài hoa “Trường Sơn” mà tôi mến mộ, yêu quý từ những tháng ngày này là nhà thơ Thanh Hải.
Tháng 9 năm 1973, sau một năm bị tù ở Côn Đảo, tôi được Thành ủy Huế đưa lên chiến khu một thời gian ngắn rồi ra Hà Nội. Chính nhờ chuyến đi này mà tôi có dịp gặp gỡ nhà thơ Thanh Hải tại Khu ủy Trị Thiên cũng như được tiếp xúc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, gặp lại nhà thơ Trần Phá Nhạc trước đó tại mật khu Thành ủy Huế mấy ngày. Thời gian đầu ngắn ngủi ở Trường Sơn tôi luôn có cảm giác phấn chấn, lâng lâng… Có lẽ do đã trải qua những ngày tù ngục gian khổ, khắc nghiệt, mất tự do ở hải đảo xa xôi nên khi được sống trong một không gian xanh của núi rừng hùng vĩ bên cạnh những người kháng chiến đầy hào khí cách mạng nên tôi có được trạng thái tình cảm ấy. Khi nghe có các anh Trần Hoàn, Thanh Hải, Tô Nhuận Vỹ… đang có mặt tại Khu ủy Trị Thiên tôi vô cùng mừng rỡ. Với nhạc sĩ Trần Hoàn thì trong những năm 70, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ yêu nước ở đô thị miền Nam đang trở nên cao trào, từ vùng địch tạm chiếm, tôi cũng như tuổi trẻ học đường Huế đã vô cùng xúc động khi nghe trên làn sóng Đài Phát thanh Giải Phóng phát bài hát Lời ru trên nương, phổ từ bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hình ảnh em bé Akay qua giai điệu mượt mà, sâu lắng, rất tâm cảm đã gợi lên trong tuổi trẻ Huế tình yêu núi rừng đang đau thương, quằn quại dưới làn bom đạn Mỹ. Và bài hát Em thương người trong Huế đấu tranh của nhạc sĩ Trần Hoàn với bút danh Hồ Thuận An. “ Mưa lâm thâm ướt dầm lá khế, em thương người trong Huế đấu tranh…” với sự đồng cảm của anh dành cho phong trào đấu tranh chống Mỹ của sinh viên học sinh Huế đã rất kịp thời, hiệu quả. Những bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn trong giai đoạn này đã góp phần tiếp lửa cho những cuộc xuống đường đốt xe Mỹ trên đường phố Huế của đồng bào, thanh niên, sinh viên học sinh Huế. Với nhà văn Tô Nhuận Vỹ thì tôi đã rất quen tên anh bởi tôi cũng đã từng cầm trực tiếp trên tay các tập Em bé sông Hương, Em bé làng chài và thích thú đọc những truyện ngắn của anh để rồi sau này tôi cứ nhớ hoài một nhân vật thiếu niên có tên Phóng Tẹo. Thế là, tôi háo hức và chờ đợi một cuộc hội ngộ kỳ thú sẽ được diễn ra nơi chiến khu xanh thẳm với các tên tuổi mà mình chỉ mới “văn kỳ thanh” mà chưa “kiến kỳ hình”. Vào khoảng 4 giờ chiều hôm ấy, nhà thơ Thanh Hải chỉ xuất hiện một mình bởi nhạc sĩ Trần Hoàn và nhà văn Tô Nhuận Vỹ đều có việc đột xuất nên tôi không có dip diện kiến hai anh ấy. Một thoáng tôi buồn. Lòng như chùng xuống. Nhưng tôi kịp thấy lại niềm vui bởi tôi còn được đón tiếp nhà thơ Thanh Hải bằng xương bằng thịt. Trước mắt tôi là một Thanh Hải người tầm vóc nhỏ nhắn, đôi mắt sáng và nụ cười phúc hậu trên gương mặt hiền lành. Tôi không ngờ đằng sau nét đằm thắm, chơn chất ấy lại tiềm ẩn, chất chứa một nguồn thơ kháng chiến chống ngoại xâm, yêu nước nồng nàn, ngời ngời sắc lửa và máu. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa nhà thơ Thanh Hải và tôi diễn ra nhẹ nhàng, dễ thương, không sôi nổi, sinh động như tôi đã hình dung trước đó. Đầu tiên, anh trao cho tôi món quà của anh Trần Hoàn gửi tặng là hai cân đường trắng, hai hộp sữa, một hộp dao lam. Tôi biết món quà này thật vô cùng quý giá trong bối cảnh khó khăn của chiến trường lửa đạn, thiếu thốn đủ mọi thứ.
Nhà thơ Thanh Hải sau khi hỏi thăm tôi về tình hình thời sự, về chuyện bà con, chuyện phong trào đấu tranh đòi thống nhất hòa bình, đòi Mỹ rút quân, đòi quyền dân sinh dân chủ… của đồng bào, thanh niên, sinh viên học sinh dưới Huế đã cho tôi biết về cuộc sống của Trường Sơn kháng chiến, của những lần cán bộ tuyên huấn xuống công tác vùng đồng bằng; về những cảm xúc lắng sâu mỗi khi anh cùng các chiến hữu hoạt động bí mật trong dân; về công việc lặng thầm sáng tác… Giọng anh nhỏ nhẹ, chậm rãi, khúc chiết. Qua câu chuyện kể của anh tôi đã mường tượng được sự khốc liệt, gian khổ, truân chuyên của chính bản thân anh cùng biết bao cán bộ, chiến sĩ, đồng bào dân tộc ít người ở Trường Sơn dưới làn bom đạn của kẻ thù. Ngôi lán mà tôi và anh Thanh Hải gặp nhau được cất bên cạnh một dòng suối lớn. Tiếng suối chảy róc rách, bổng trầm; làn nước suối trong xanh xuyên qua những viên đá tảng tạo cho tôi - người vừa lên với núi ngàn - một cảm giác thú vị, lãng mạn. Tôi tự nghĩ thế nào đêm nay mình cũng sẽ có thêm một “đêm không ngủ” với nhà thơ Thanh Hải và tha hồ mà hàn huyên. Nhưng thật bất ngờ đối với tôi khi đúng 6 giờ chiều hôm ấy, nhà thơ Thanh Hải đứng lên chào: “Thôi, mình về đây! 6 giờ rồi, mình phải ngủ sớm. Mai lên đường ra Bắc mạnh khỏe nghe!”. Tôi bỡ ngỡ, hụt hẩng, lúng túng một lúc rồi nói: “Em chúc anh ở lại bình yên! Em mong sẽ được gặp lại anh trong một ngày gần nhất”. Nhìn nhà thơ Thanh Hải rời khỏi lán, lòng tôi không khỏi bùi ngùi. Tôi chợt nhận ra một điều, đúng là anh cần phải giữ gìn sức khỏe. Giấc ngủ đến sớm, điều độ là một sự cần thiết, dài lâu cho những người kháng chiến trường kỳ gian khổ như anh.
Tháng 3 năm 1975, thành phố Huế được giải phóng. Từ thời điểm này trở đi mái nhà chung là Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế rồi Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, 26 Lê lợi Huế đã lần lượt tiếp nhận văn nghệ sĩ từ bốn nguồn: văn nghệ sĩ tại thành phố Huế, văn nghệ sĩ ở Trường Sơn, văn nghệ sĩ tập kết ra miền Bắc trở về, văn nghệ sĩ sinh trưởng tại miền Bắc về với cố đô. Không khí thống nhất, đoàn kết, thương yêu thật sinh động rõ nét nơi này. Đầu năm 1976, theo sự điều động của tổ chức, tôi được rời Ban Tuyên huấn Thành Ủy Huế để về công tác tại Hội Văn Nghệ Thừa Thiên Huế do nhà thơ Thanh Hải làm Tổng thư ký. Duyên văn nghệ đã cho tôi gần gũi, gắn bó hơn với nhà thơ Thanh Hải. Được làm việc bên cạnh nhà thơ Thanh Hải tôi càng hiểu và thán phục nhân cách lớn của nhà thơ. Nhà thơ Thanh Hải không có một toan tính chi cho riêng mình trong cuộc sống. Cùng lúc với công tác quản lý, tập hợp văn nghệ sĩ chung sức chung lòng xây dựng phong trào văn học nghệ thuật tỉnh nhà ngày một lớn mạnh, anh lặng lẽ sáng tác những bài thơ mới. Một trong những bài thơ được người yêu thơ trong cả nước đồng cảm là “ Mùa xuân nho nhỏ”. Khi nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc “Mùa xuân nho nhỏ” thì tác dụng, hiệu quả tốt đẹp của bài thơ này càng lan tỏa rộng lớn trong đời sống văn học nghệ thuật của cả nước.
Bước sang năm 1980, nhà thơ Thanh Hải bị bệnh hiểm nghèo. Đây cũng là hệ quả tất yếu của một con người đã trải qua những năm tháng trường kỳ gian khổ nơi rừng sâu, núi thẳm. Thỉnh thoảng vào bệnh viện thăm anh, chứng kiến cảnh anh quằn quại trong cơn đau đớn tột cùng có khi tôi không cầm được nước mắt. Tôi xoa đôi bàn tay lên bụng anh đang căng phồng mà xót xa, thương cảm. Thương nhà thơ Thanh Hải với cơn bệnh nan y, thương chị Thanh Tâm và các con trai đang trong một hoàn cảnh ngặt nghèo.
Trên giường bệnh, dù cơn đau dày vò, hành hạ cơ thể mỗi ngày, nhưng nhà thơ Thanh Hải vẫn đã rất tinh tế khi hiểu được những nỗi nhọc nhằn của người vợ hiền là chị Thanh Tâm trong quá trình chăm sóc anh để viết nên những dòng thơ nồng nàn, sâu nặng về tình nghĩa vợ chồng:
Khi anh nằm xuống đó
Giữa bát cơm em đơm
Giữa chén cháo em múc
Giữa bộn bề bếp núc
Em nâng cho anh nằm
Giữa những cơn khóc thầm
Em quạt cho anh ngủ
...
Năm 1983, khi tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, bài thơ trên của nhà thơ Thanh Hải đã được in trang trọng với lời tòa soạn: “Đây là một trong những bài thơ của nhà thơ Thanh Hải trong những ngày cuối đời. Bài thơ này chúng tôi chép trong sổ tay của chị Thanh Tâm, vợ anh. Bài thơ không có đầu đề”. Khi tạp chí Sông Hương số 1 phát hành khắp thành phố Huế bằng hình thức dùng xe phát thanh lưu động, tôi đã rất xúc động khi đọc bài thơ ấy cho đông đảo bà con, bạn đọc Huế nghe. Và tôi hiểu, chính bài thơ giàu nghĩa tình vợ chồng của nhà thơ Thanh Hải đã góp một phần thành công trong việc phát hành tạp chí Sông Hương số ra mắt đầu tiên.
Trong thời điểm viết những dòng nhớ và thương nhà thơ Thanh Hải này tôi cũng đang những ngày tháng vào ra bệnh viện. Không phải để nằm viện như anh mà tôi chăm sóc vợ tôi đang trong cơn bệnh hiểm nghèo. Nhớ và thương anh, tôi sẽ noi gương anh để biết thương yêu vợ mình nhiều hơn nữa. Bài thơ viết cho chị Thanh Tâm của nhà thơ Thanh Hải đã nói lên sức mạnh tinh thần của thi ca trong cuộc sống muôn nơi, muôn thuở !
Huế, 17. 5. 2010.
Võ Quê