Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHÀ VĂN HÀ KHÁNH LINH

Giới thiệu Nhà văn Hà Khánh  Linh, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

 

ha-khanh-linh-2

 



 

 

NHÀ VĂN HÀ KHÁNH LINH

                                                             

Phùng Quán và Hà Khánh Linh chụp ở Hóc Môn, TP HCM 12/1993
                                                                     

Tên khai sinh: Nguyễn Khoa Như ý, sinh ngày 25 tháng 7 năm 1945, tại Ưu Điềm, Phong Hòa, Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nơi ở hiện nay: A 38, khu mới Trường An, thành phố Huế. Tốt nghiệp đại học Ngữ văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1976)

Hà Khánh Linh đã qua các nghề: dạy học, làm báo và viết văn. Trong chiến tranh, làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, phóng viên Đài Phát thanh Bình Trị Thiên. Từ 1980 làm biên tập viên rồi Thư ký tòa soạn, Phó Tổng biên tập, tạp chí Sông Hương.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

 

Thúy (tiểu thuyết, NXB Văn nghệ Giải phóng - 1973); Nụ cười Ápxara (tập truyện, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh - 1983); Là bóng hay là hình (tập truyện, NXB Tác Phẩm Mới - 1986); Chiến tranh và sau chiến tranh (tiểu thuyết, NXB Thanh Niên - 1989); Rừng và cái chết con thiên nga (tiểu thuyết, Hội Văn Nghệ Thừa Thiên Huế - 1992); Góa phụ Pari (tập truyện, NXB Văn Học - 1993); Trăng cứu rỗi (thơ, NXB Hội Nhà Văn - 1995); Những bọt bóng màu (thơ NXB Hội Nhà Văn – 1998); Con gái người cung nữ (tiểu thuyết, NXB Phụ Nữ - 1999); Vũng Chân Mây (tập truyện, NXB Đà Nẵng – 1999

 

DSCN5814

Ngày ấy, Trường Sơn (hồi ký, NXB Hội Nhà Văn – 2000); Vì người mà tôi làm vậy (tập truyện, NXB Hội Nhà Văn – 2001); Người cắm hoa nhà thờ (tiểu thuyết, NXB Văn Học- 2002); Người kinh đô cũ (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà Văn – 2004), …Và đàn bà (tập truyện, NXB Văn Nghệ - 2007); Phùng Quán viết trăng hoàng cung (NXB Thuận Hóa – 2007)…

Hà Khánh Linh đã được nhận giải thưởng "Văn học Nghệ thuật Cố đô" của tỉnh Thừa Thiên Huế cho tác phẩm Chiến tranh và sau chiến tranh.

 

imagesCAVKOKY6

TÁC PHẨM:

 

Lên Đồng

Truyện ngắn Hà Khánh Linh

 

Tôi tìm đến tiệm uốn tóc quen thuộc của mình thì tiệm đã biến mất. Nếp nhà nhỏ nương mình bên con lộ mới, tựa lưng vào bệnh viện Đa Khoa ngày nào giờ chỉ còn là một nền xi măng bóng láng. Không phải mất công nhiều tôi đã tìm ra cô chủ tiệm đang dùng hành lang nhà ở của mình để đón khách đến làm tóc trong lúc đợi xây dựng cơ sở mới. Một hành lang không rộng nằm chìm ngập giữa hoa lá cây cảnh, nhìn ra khoảng sân rộng được bao bọc bởi khu vườn nhỏ trồng rau đậu và các loài hoa. Cô chủ bước ra đón tiếp tôi với một người con gái đẹp. Tôi ngỡ ngàng nhìn cô gái nói với chủ tiệm:

- Nếu em đang bận khách thì cô sẽ đợi.


- Thưa cô em không bận. Từ hôm em chuyển vào đây những khách hàng thân tình lắm mới tìm đến, có khi chỉ để thăm chơi.

Tôi đưa mắt nhìn người con gái đẹp giữa quầng sáng hẹp trên hành lang đầy hoa lá: tóc cô dài, nâu, bồng bềnh dợn sóng, làn da ngà ngọc, đôi mắt tròn đen thoáng một nét buồn, cái miệng xinh đẹp và có chút gì bí ẩn với lượt son mỏng màu nâu sẫm. Những vòng, nhẫn bằng ngọc, khoen vàng tây, dây chuyền bạch kim... trên thân nàng lấp lánh. Đã đẹp đến thế lại còn đeo lắm đồ trang sức loại đắt tiền! Tôi thầm nhủ và nghe những nhát kéo, những ngón tay của người chủ tiệm uốn tóc luồn qua chân tóc mình.

- Tóc cô thật là đẹp! Để nguyên như vậy đã đẹp khác thường rồi, xén tỉa một chút càng đẹp hơn. Giá mà em có được đầu tóc như cô! - Người đẹp nói.

- Còn cô thì đang muốn được đầu tóc như em...

Người đẹp kéo ghế ngồi gần tôi hơn để quan sát tôi, hay nói đúng hơn, để theo dõi những thao tác của người thợ trên mớ tóc tôi.

- Thưa cô, em xin phép hỏi cô, cô làm việc ở đâu?

Tôi nói tên và chỗ làm việc của mình xong, liền ráng nghe người đẹp tự giới thiệu:

- Em là Mai Trang, em biết cô lâu lắm rồi, bây giờ mới được gặp...

Đến đây thì niềm vui "được gặp" đã chuyền qua hết phía tôi, bởi mấy năm gần đây tôi đã nhiều lần làm khán giá của nghệ sĩ Mai Trang, trước đó làm khán giả của ông bà ngoại và cha mẹ của Mai Trang. Cái gia đình có bốn thế hệ ca kịch Huế và dân ca Thừa Thiên - Huế nổi tiếng này thật có lạ gì với khán giả trong cả nước và với riêng cố đô Huế?

Sở dĩ tôi chưa kịp nhận ra Mai Trang ngay vì trước nay tôi chỉ luôn nhìn thấy Mai Trang trong tư thế biểu diễn với phục trang sân khấu. Ơ' đời thường, Mai Trang ăn mặc khác nên khó nhận ra. Trên sân khấu, Mai Trang đẹp lộng lẫy rực rỡ với lời hát hay điệu múa đẹp, trong đời thường nàng đẹp đằm thắm, mặn mà, sâu lắng, và có chút gì bí ẩn. Chính cái bí ẩn này có một sức lôi cuốn mãnh liệt. Tôi ân cần hỏi thăm sức khoẻ và gia đình. Mai Trang tâm sự:

- Em đã một lần đính hôn ước rồi không thành. Từ ấy đến nay cũng có nhiều đám tử tế đến xin cầu hôn, nhưng em không thích. Gần đây có một đám, tuy không yêu nhưng em ngưỡng mộ tài năng và kính trọng anh ấy lắm, một phần cũng để cho ba mẹ em yên lòng, nên em đã nhận lời. Đang lúc chuẩn bị đám hỏi thì bị hỏng, vì những lý do không đâu vào đâu. Em chán nản quá bèn đi coi thầy, mới biết em bị người cõi âm đem lòng yêu, do đó thường gặp trắc trở hôn nhân trần thế. Muốn diệt trừ nạn này thì phải có lễ cúng, cầu xin họ buông tha mình ra, phải làm một hình nhân thật đẹp để thay thế mình, để dâng cúng rồi đốt đi...

- Ai nói với em tất cả những điều đó? Tôi cố nén sự bất bình hỏi.

- Thì chính bà thầy bói nói như thế. Cô biết không, cả đời em chưa lần nào đi đến chỗ đền miếu đồng bóng, vậy là ra rồi em phải tin vì kinh ngạc cô ạ. Người ta biết được cả những điều thầm kín nhất trong tâm tư của mình, những điều mình chưa một lần hé lộ với ai. Thế mới tài chứ! Ban đầu em cũng không tin. Nhưng thôi họ đòi sắm sanh lễ vật ngần ấy, ngần ấy... Em cũng thử một phen xem. Nếu ứng nghiệm thì tốt, nếu không thì coi như một lần đi thực tế cho biết.

Từ chỗ cảm thấy khó chịu, tôi suýt bật cười với ý nghĩ "đi thực tế" của nghệ sĩ trẻ Mai Trang. Tôi nói:
- Nghĩ như vậy thì cũng được. Bao giờ thì có lễ?

- Thưa cô ngày mai. Sau bữa trưa là bắt đầu. Hay là cô cùng đi với em cho vui?

- Nhưng người lạ vào, liệu họ có đồng ý không?

- Cô cứ đi. Em sẽ giới thiệu cô là người nhà của em. Tại chỗ lên đồng em thấy cũng có nhiều người đến xem. Nếu cô đi với em, em nhờ cô quan sát lúc đó có thật "hồn" lên nhập vào xác của em không? Ngôn ngữ và hành động của em lúc đó có thật là do "hồn" sai khiến không?

Tôi trở lên hào hứng:
- Cô sẽ đi, sẽ thú vị đấy.

Tôi rời tiệm uốn tóc với một niềm vui nho nhỏ vì lời hẹn đầu giờ chiều ngày mai tôi sẽ đi với nghệ sĩ Mai Trang đến chỗ người ta lên đồng, vừa về đến nhà thì có điện thoại của giáo sư Lê nói chiều mai giáo sư sẽ đến thăm chào tạm biệt tôi để sáng sớm ngày hôm sau đáp máy bay về Hà Nội. Tôi bối rối:

- Xin lỗi, chiều muộn một chút có được không? Vì đầu giờ chiều mai mình có chút việc.

- Được. Mình sẽ đến nhà các bạn khác. Cuối buổi chiều, khoảng 17 giờ là bạn xong việc chứ gì? Giáo sư Lê nói.

- Vâng! 17 giờ...

Mấy năm nay giáo sư Lê thường thỉnh giảng ở Đại học Huế, giáo sư thường đến trước một ngày. Lấy chỗ nghỉ xong thường đến thăm tôi. Kết thúc thời gian thỉnh giảng, chúng tôi thường hẹn gặp nhau để tạm biệt, khi thì giáo sư đến chỗ tôi, khi thì tôi đến chỗ của giáo sư. Lần này giáo sư đề nghị đến chỗ tôi, mà tôi lại tìm cách kéo cuộc hẹn đến cuối giờ, thật là bất nhã, nhưng biết làm thế nào được! Tôi đã quên mất một điều là, giờ ấy tôi sẽ bị hút vào những công việc bề bộn, và cũng chắc gì việc cúng lễ lên đồng của Mai Trang đã kết thúc? Nhưng dẫu sao cũng gặp giáo sư Lê. Là chỗ bạn bè thân thiết, cùng khoá học với nhau trước đây, nay ai cũng ổn định, cũng yên bề gia thất cả, riêng Lê hiền lành chăm chỉ là thế, thông minh đĩnh ngộ là thế mà cứ mãi lận đận chuyện riêng tư.

Công việc một ngày đem dồn lại cho nửa ngày để có nguyên một buổi chiều mà đi coi lên đồng là rất căng thẳng. Tôi tất bật làm việc từ sáng sớm đến hơn 15 giờ mới ngơi tay. Từ chỗ làm việc tôi chạy thẳng đến nhà Mai Trang, hỏi đường đến chỗ Mai Trang đang làm lễ. Tôi nhanh chóng tìm ra chỗ cúng lễ này nhờ những làn diệu chầu văn vẳng ra từ một góc phố nhỏ có nhiều người qua lại vào ra. Tôi bước vào sân điện thờ là gặp ngay tàu bè, xe ngựa, voi, trống, cờ quạt, xiêm áo, hài thêu, hia mão chất thành từng đống cao nghễu nghện, và bày biện kín cả hành lang, chỉ chừa một lối nhỏ cho từng người một lách vào bên trong - nơi cô đồng đang nhập vai.

Bước ra chào hỏi tôi là một người đàn bà khoảng bốn mươi, mặt hoa da phấn, thân hình hơi đẫy đà một chút, tóc uốn cao, mặc bà ba trắng. Tôi nói tôi cần gặp cô Mai Trang, tôi là người nhà của cô ấy.

- Mai Trang đang cúng lễ. Mời cô vào. Người đàn bà nói rồi thoắt bước vào trong.

Tôi đi vào nhà và tự tìm chỗ cho mình. Cô đồng chừng ngoài 60, ăn mặc rất sang, rất đẹp trong trang phục võ tướng. Tay cầm binh khí, cờ quạt dắt sau lưng, chít khăn, đi hia, đội mũ. Thoạt nhìn cứ ngỡ là diễn viên tuồng đang nhập vai của mình. Võ tướng - quan ngài đang huơ chân múa tay, mắt láo liên, mồm liên tục quát tháo ra hiệu lệnh. Phía "cánh gà" bên trái một người đàn bà trạc ngoài 40, gầy, khuôn mặt thon dài, da ngăm đen, trong bộ bà ba màu tối, tay gõ sanh, miệng hát chầu văn, giọng ca rất ngọt, rất truyền cảm. Trước mặt bà là một cái chuông to, dùi chuông để bên cạnh, trong chuông có những cây hương đã thắp và chưa thắp. Bên cạnh có hai nhạc công, một thanh niên, một thiếu nữ. Thanh niên mặc áo sơ mi trắng quần tây xanh, thiếu nữ mặc bộ áo quần dài trắng, "cánh gà" bên phải là những người đàn ông trung niên áo sơ mi trắng, quần jean, đang tất bật làm theo các hiệu lệnh của cô đồng: thắp hương, thắp đèn, dâng trà, dâng rượu, dâng khăn, dâng thuốc lá, thắp thuốc lá... ở giữa chánh điện có hai người đàn bà mặc áo dài màu vàng, đội khăn vành vàng, quỳ gối chắp tay, cúi đầu. Nhìn mãi tôi mới nhận ra một trong hai người là nghệ sĩ Mai Trang. Đặc biệt quan ngài tuy đi hia đội mão vận võ phục của thời xa xưa nhưng lại thích hút thuốc lá đầu lọc, thuốc Jet. Một người đàn ông chạy ra cổng mua vội bao thuốc lá Jet vào bóc ra châm liền ba điếu dâng cho quan ngài. Quan ngài ngậm ba điếu một lúc, rít một hơi rồi nhả khói, cầm ba điếu thuốc đặt lên bàn thờ. Đoạn ra hiệu châm tiếp ba điếu khác đưa cho quan ngài. Quan ngài cầm ba điếu thuốc, xoay mình một vòng rồi đến ban hai điếu cho hai người đàn ông trung niên, còn điếu thứ ba quan ngài đi về phía những khán giả, mọi người đưa mắt nhìn nhau. Cô đồng - quan ngài mỉm cười nhoài người chìa điếu thuốc về phía tôi. Tôi khẽ nhích người nhường lối cho người bên cạnh đến nhận thuốc, nhưng quan ngài gạt đi, rồi với người trao điếu thuốc vào tận tay tôi. Tôi ngỡ ngàng nhận điếu thuốc lá thơm đang cháy trong tiếng cười ồ của mọi người.

- Thế đấy, "cậu" thấy người đẹp nên cậu ân cần mời mọc, chứ bao nhiêu người đứng ở đây toàn cánh mày râu cả chẳng ai được mời, lại đi mời người không biết hút thuốc.

Nghe họ nói tôi kịp hiểu vai đồng đang "diễn" là "cậu". Tôi cầm điếu thuốc đợi cho cháy hết mới vứt bỏ trong khi đồng vẫn tiếp tục nhảy múa, hò hét, truyền lệnh. Người đàn bà mặt hoa da phấn lúc nãy ra chào mời tôi giờ đang từ ngoài ngõ đi vào với chai nước ngọt màu vàng chanh và ly nước đá. Bà đứng gần chỗ tôi ngồi, khuấy cho tan nước đá trước khi uống và nói:

- Đấy, Mai Trang mải bận hầu ngài, còn chị kia thì đã cúng lễ trước rồi, hôm nay chỉ đến tạ lễ mà thôi, kia là chồng của chị ấy. - Người đàn bà đưa tay chỉ một người đàn ông trung niên đang lăng xăng chạy việc hầu hạ đồng.

Tôi nghe người đàn bà mặt hoa da phấn nói vừa nhìn cái màu nước ngọt vàng chanh trên tay bà rồi thầm nhủ:

- Phải chăng trong những dịp lên đồng như thế này, người ta nhất thiết phải ăn uống những thức ăn có màu đồng bóng?

Cái màu vàng chanh vốn đã ẻo uột yểu điệu huyễn hoặc giờ trở nên lung linh ẻo lả huyễn hoặc hơn trong tay người đàn bà mặt hoa da phấn đứng uống nước, vừa hơi nhún nhảy theo nhịp phách và lời ca ngọt ngào trữ tình của cô đào hát luống tuổi kia. Mai Trang đưa mắt nhìn tôi và khẽ mỉm cười. Tôi biết Mai Trang đang hoàn toàn tỉnh táo. Đồng lên lần lượt sắm các vai: quan ngài - cậu, ông lão chèo đò, bà lão, rồi cô - công chúa. Mỗi lần thay vai là một lần thay áo mũ hia giày và các đạo cụ. Đồng lên rất đẹp. Trang phục rất sang. Hàng vải mới tinh, sắc màu lộng lẫy, các kiểu cắt, may thật là cầu kỳ và diễm lệ. Cuối mỗi vai "diễn", cô đồng thường ngất đi khuỵu xuống trong một vài phút - Y' muốn nói lúc đó "hồn" đã thăng, đã lìa khỏi xác đồng, để cho các đồng lại tiếp tục nhập "hồn" khác. Khá khen thay bấy nhiêu vai mà chỉ có một người "diễn", chưa nói đến tài nghệ, chỉ riêng sức khoẻ đủ để đảm nhiệm một chương trình độc diễn dài đến thế, phong phú đến thế, đa dạng đến thế cũng là điều làm cho tôi hết sức khâm phục. Tôi nhìn đồng hồ tay và giật mình vì chỉ còn mười lăm phút nữa là đến giờ hẹn với giáo sư Lê. Thời gian trôi nhanh quá! Tôi dùng dằng, không muốn rời khỏi chiếu đồng tí nào cả. Đồng lúc này đang hoàn thành vai "cậu". "Cậu" đang nhận của lễ là những hình nhân tuyệt đẹp và người kỹ nữ đang hát lời: "... Nguyễn Thị Mai Trang nay xin ly dị với chư vị, xin trả hết của lễ cùng con cái cho cậu...". Và "cậu" khóc khi dang tay ôm chặt các hình nhân trẻ con và mỹ nữ vào lòng. Tôi kiên quyết đứng dậy bước ra ngoài lấy xe chạy nhanh về nhà đón giáo sư Lê. Giáo sư Lê đến sớm không có ai đón đã quay về và gặp tôi ở ngã ba đường. Tôi xin lỗi giáo sư Lê và nói thật việc tôi đi coi lên đồng.

- Hay lắm! Giáo sư Lê nói - Đang xem nửa chừng mà bỏ về là uổng lắm, chúng ta không nên quay về nhà nữa, mà hãy đi thẳng tới chỗ lên đồng. Mình đi với bạn tới đó có được không?

- Chắc là được, vì ngoài mình ra còn có nhiều người đến xem lắm.

Tôi và giáo sư Lê vội vã trở lại chỗ lên đồng. Cô đồng già đã nghỉ, đã thay hết xiêm áo để giờ đây trong bộ đồ bà ba lụa màu lam nhạt đang lẫn giữa đám đông, điềm đạm dịu dàng như bao bà mẹ già khác. Người đàn bà mặt hoa da phấn đã phục trang như một vương hậu, đang "diễn". Giáo sư Lê và tôi ngồi lẫn vào đám đông lắng nghe kỹ nữ hát, các nhạc công gảy đàn và cô đồng đang nhảy thậm thịch, vừa hô hai cô hầu là Nguyễn Thị Mai Trang và Trần Phúc Liên Hoa cùng nhảy. Giáo sư Lê nói khẽ:

-Tuyệt...!

Nghệ sĩ Mai Trang bước đi ngập ngừng rụt rè e lệ nhìn cô đồng rồi nhìn đồng tín hữu với mình là Trần Phúc Liên Hoa đang cố nhảy theo, bắt chước theo từng điệu bộ của cô đồng. Đám người hầu lễ mặc áo sơ mi trắng quần Jean chen chúc nhau quanh chiếu đồng né tránh những ngọn lửa từ những ngọn nến trên tay các cô đồng đang quét qua mặt. Những người đàn ông này hét to:

- Múa đi! Nhảy đi! Nhảy mạnh vào!

Một giọng khác:
- Lính mới thì còn vụng về e lệ, chưa biết nhảy, rồi sẽ quen!

Tôi vỡ lẽ: Thì ra ai đã một lần đi cúng ở đây đều phải quay lại, lâu dần thành đệ tử? Thành cô đồng? Phải chăng người đàn bà mặt hoa da phấn đang dẫn đầu tốp nhảy với vai Công chúa - Hoàng- hậu kia cũng bắt đầu bằng việc đi cúng lễ để cầu xin một việc nào đó thường là tình duyên trắc trở?

- Nhảy đi! nhảy mạnh vào! Không nên rụt rè e lệ!

Tôi hiểu không phải Mai Trang rụt rè e lệ, và Mai Trang không hề say đồng, không bị điệu đàn câu hát và khói hương trầm thôi miên. Những người giúp lễ kia không biết Mai Trang là ai nên mới hô hét như vậy. Bỗng Mai Trang nhón chân lướt nhẹ trên sàn nhảy. Hai cánh tay dài và mảnh với những ngón tay thon nhỏ kẹp hai lưỡi lửa hai bên và bắt đầu múa. Cả không gian như bừng sáng. Mọi người như nín thở. Mai Trang mềm mại uyển chuyển bài bản nghề nghiệp. Tất cả mọi con mắt lúc này đều tập trung về phía Mai Trang. Cô đồng chính đã bi lu mờ dần bởi những bước chân nặng nề thậm thịch, bên Mai Trang chân không bén đất, múa lượn như bay. Nét mặt Mai Trang luôn điềm tĩnh. Thỉnh thoảng Mai Trang liếc nhìn tôi và mỉm cười. Nụ cười của Mai Trang lúc này đẹp một cách hoang đường. Cô đồng vẫn dẫn đầu tốp nhảy múa và đang hò hét báo hiệu rằng hồn Công chúa đã nhập vào chính bản thân mình và vào hai người hầu là Mai Trang và Trần Phúc Liên Hoa. Tôi nhìn thấy nét mặt Mai Trang không có gì thay đổi, vẫn kín đáo gởi đến cho tôi cái mỉm cười có chút gì bí ẩn và đẹp một cách hoang đường. Bất ngờ tôi nhớ những lần nghe Mai Trang hát điệu Nam Ai lời cổ nói về sự ra đi của Huyền Trân công chúa đến làm Hoàng hậu Chiêm Thành để đổi lấy hai châu Ô và Lý cho bờ cõi được dài rộng hơn. "...Ra đi... Cái tình chị? Má hồng da tuyết - đền nợ Ô Lý...". Tôi không biết giờ này nếu quả thật có một hồn thiêng công chúa nhập vào cô đồng, thì đấy là công chúa nào? Huyền Trân công chúa ư? Bởi vì chúng tôi đang đứng trên mảnh đất mà vua Chiêm đã dùng làm sính lễ cho cuộc hôn nhân với công chúa Huyền Trân. Công chúa Ngọc Vạn con gái yêu của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên ư? Vì Ngọc Vạn đã vâng lệnh phụ vương ra đi từ miền đất này đến làm Hoàng hậu Vương triều U-Đông Chân Lạp để góp phần giữ yên bờ cõi và đặt nền móng cho công cuộc Nam tiến. Công chúa Ngọc Khoa em gái của Ngọc Vạn ư? Ngọc Khoa cũng phải vâng lệnh cha già đi làm Vương phi của vua Chiêm Thành trên vùng đất Phan Rang bỏng rát... Tiếng hịch, tiếng cheng, tiếng đồng, tiếng thép, tiếng suối reo, tiếng thác đổ, tiếng biển gầm, tiếng của những con tim cô đơn nức nở, tiếng reo hò phấn khích đòi tự do, tiếng thủ thỉ dịu êm của những lời tình tự... Hơn bốn mươi điệu hát chầu văn, hơn bốn mươi cung bậc đang nối tiếp nhau, đang réo rắt dẫn dắt người nghe trở về với những trang sử hào hùng và đầy bi tráng của dân tộc, trong đó có những người con gái phải biết hy sinh tình riêng để đền nợ nước. Vì các cuộc hôn nhân chính trị mà các nàng công chúa đã ra đi từ dải đất này, đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng dân tộc, và giờ đây Mai Trang đang hiển hiện chân dung của những nàng công chúa mỹ lệ ấy... Đến đây cô đồng nhân danh là bà chúa của một vương triều đầy quyền lực đang lệnh cho quân hầu đưa tiền bạc của cải ra để ban phát cho thần dân. Quân hầu dạ rân vang vừa cúi rạp người vâng lệnh, rồi bưng ra những đĩa hoa quả bánh trái xôi chè và cả những cọc tiền lẻ. Công chúa tự tay đi ban khắp lượt cho thần dân trong vương quốc của mình. Công chúa nghệ sĩ Mai Trang cũng mang bổng lộc đi phân phát. Khi ngang qua chỗ tôi, Mai Trang cố chọn một quả xoài tượng thật ngon lành trao cho tôi kèm một nụ cười làm chao đảo cả kinh thành! Mai Trang nhìn giáo sư Lê rồi chọn trao cho giáo sư Lê một trái đào đỏ thắm. Giáo sư Lê đang nhìn nàng đắm đuối.

Đã 18 giờ. Không biết sau lúc ban phát bổng lộc cho thần dân xong các công chúa còn có chương trình nào nữa không, riêng bản thân tôi đã thấm mệt, và giáo sư Lê còn lo chuẩn bị cho chuyến bay ngày mai. Tôi đứng tên bước ra ngoài. Giáo sư Lê bước ra theo vẻ xúc động bàng hoàng lưu luyến còn đọng trong ánh mắt. Chúng tôi ra về bỏ lại đằng sau lời ca nỉ non dìu dặt, bao sắc mầu xiêm áo, võng lọng ngựa xe...

- Cám ơn bạn nhiều lắm. Nhờ bạn mà tôi mới có được những giây phút thật tuyệt vời thật hạnh phúc vừa qua.

Tôi nhìn giáo sư Lê lòng đầy nghi hoặc như thể anh chưa bước ra khỏi cơn chếnh choáng mộng mị mà không khí đồng bóng đã đem lại.

Tôi pha nước trà thơm thật nóng mời giáo sư Lê với mứt gừng, bánh hột sen và bánh sen tán.

Anh bóc ăn ngon lành nhỏ nhẻ mỗi thứ một, rồi vừa vuốt ve quả "đào tiên" mà "người tiên" vừa ban tặng cách nửa giờ trước, anh nói:

- Có lẽ tôi sẽ bỏ chuyến bay ngày mai. Bởi vì tôi đã tìm thấy công chúa của mình rồi.
- ... ?
- Bạn ngạc nhiên ư? Tôi có cảm giác tôi và Mai Trang đã gặp nhau đâu từ kiếp trước và chúng tôi đã để lạc mất nhau trong từng ấy đoạn đường đời, bây giờ bất ngờ được gặp lại nhau.

- Vậy hoá ra bà thầy bói nói đúng sao? Mai Trang phải làm lễ li dị với người cõi âm mới mong kết tóc se tơ với tình lang ở trần thế.

- Nói như vậy cho vui cũng được, nhưng điều quan trọng là vừa nhác thấy nàng tôi đã chếnh choáng, bởi vì tôi đã đi tìm khuôn mặt như thế lâu lắm rồi... Giáo sư Lê định nói "...giờ đây mới cách xa nàng có mấy chốc mà tôi đã cảm thấy bơ vơ lắm, như vừa đánh mất một báu vật quan trọng nhất của đời tôi..." nhưng giáo sư Lê đã kịp ghìm phần còn lại của câu nói kia trong cổ họng mình.

Đêm Huế mới bắt đầu ngoài kia, êm dịu lắm...

Hà Khánh Linh
Văn nghệ số 21/2001

 

 
 
       
 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.