Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHÀ VĂN TRẦN THỊ LINH CHI

Giới thiệu sáng tác nhà văn Trần Thị Linh Chi, hiện đang sinh sống tại thành phố Cần Thơ.

Linh20Chi.jpg

 

TRANG THƠ VĂN  TRẦN THỊ LINH CHI 
 

Nhà thơ Trần Thị Linh Chi là con gái của nhà văn Trần Thanh Mại, cháu cố của quan đại thần Trần Bình (Thượng thư lần lượt cả 5 Bộ Lại, Binh, Hình, Công, Học, triều Tự Đức); cháu nội Học sĩ Trần Nhã, Tri phủ Quế Sơn; cháu Thượng thư Bộ Học Trần Thanh Đạt và nhà văn Trần Thanh Địch.

Tác phẩm:

Xứ Huế xứ thương thơ, NXB Ttrer – 1997.

Mây lửng lơ truyện ngắn, NXB Văn Nghệ - 2001.

 

IMG_3225.jpg

 

Hoa Oanh Trảo truyện ngắn

Chiều muộn thơ, NXB Văn Nghệ - 2007

 

Món Mứt Của Mẹ

 

Đã từ nhiều năm qua, hễ cúng giao thừa xong là tôi không tài nào chợp mắt được. Chuyện đời mênh mang chập chùng như sương khói; hoang sơ là thế mà xao xuyến ngậm ngùi; vu vơ là thế mà trĩu nặng nhớ nhung.

Hình như càng qua nhiều tuổi đời, người ta càng hay tưởng về những quãng đời cũ càng xa. Tôi đang nghĩ tới những ngày cũ, đến cái thời mới mười hai mười ba tuổi của tôi tại xóm nhỏ ngoại ô thành phố Huế.

Cũng như các năm trước và nhiều năm sau, năm ấy, sau khi cúng giao thừa, mẹ tôi đốt thêm mấy cây nhang rồi cắm vào cây cột tre ngoài hiên nhà. Mẹ nhìn hai chị em chúng tôi và nói: “Hai đứa vào giường ngủ đi, sáng mai còn lên hầu thăm bác Thượng”. Em Minh mới lên sáu, mới đặt mình đã ngủ ngay. Tôi thì còn nghĩ mấy ngày Tết, đến bạn bè và mơ ước…

Rồi có tiếng thở dài quen thuộc của mẹ trong đêm. Khổ thân mẹ, kể từ khi cha tôi rời khỏi nhà tham gia cuộc chiến rồi không còn tin tức gì nữa, mẹ phải chịu bao khổ nhọc để nuôi nấng chúng tôi, phải âm thầm chịu đựng sự nghèo túng quẫn bách, luôn luôn che giấu cái nghèo trước mọi người, kể cả những người thân thuộc. “Để giữ thể diện…”, mẹ nói thế. Ngày mẹ sẽ dẫn hai chị em chúng tôi lên bác Thượng, chúng tôi gọi như thế vì bác đang là một vị Thượng thư của Nam triều. Mẹ tôi kính nể bác vì bác là anh cả của cha tôi, xem như tiếng nói của cả họ. Hôm trước mẹ đã cẩn thận xếp vuốt chiếc áo vân màu lục mà từ lâu mẹ giữ gìn cẩn thận, chỉ mặc một hai lần trong năm những dịp mà mẹ cho là quan trọng. Lại một đôi xuyến vàng giả mẹ mới mua ở chợ Đông Ba. Đây là hàng sắm Tết hàng năm của mẹ, vì xuyến vàng giả sẽ xỉn đi trong vài tháng. Mẹ sẽ mang đôi xuyến lận vào tay áo, chúng sẽ thoáng lộ ra rồi bị che đi theo cử động của cánh tay mẹ. Mẹ nghĩ, bác tôi, hay nhiều người khác, sẽ nhận thấy chúng và tưởng rằng mẹ tôi vẫn còn đôi xuyến vàng, gia đình tôi không đến nỗi quá nghèo, mẹ vẫn giữ được nếp nhà và do đó, không nên thờ ơ, khinh bạc đối với mẹ…! Em Minh được mẹ mua cho một bộ đồ may sẵn và một đôi dép mới; còn tôi, một đôi guốc gỗ sơn màu nâu nhạt, bóng loáng. Và bộ quần áo Tết của tôi năm ấy; cái quần vải quyến cũ năm ngoái và chiếc áo dài màu mỡ gà, cũng của Tết năm ngoái, nay đã được mẹ nhuộm lại. Mẹ dành cả một buổi chiều giã củ nghệ để nhuộm áo cho tôi, mẹ nói: “Màu hổ hoàng đó!”. Tôi nhìn lại, chiếc áo trông không đến nỗi cũ quá nhưng nó lại có màu vàng ệch của những lát củ nghệ non. Mẹ vuốt mái tóc “bông bê” của tôi, khẽ đẩy tôi ra một chút rồi cười tươi: “Ừ, trông đẹp quá, gọn ghẽ quá.” Tôi hiểu rằng “gọn ghẽ” nghĩa là “hơi ngắn và hơi chật”. Cũng với bộ quần áo này, năm ngoái mẹ bảo: “Quần áo phải mặc dài và rộng một chút mới sang”. Thế mà năm nay mẹ đã thay đổi thẩm mỹ, vì nghèo đấy thôi!

Mẹ tôi vừa mất cách đây không lâu, cầu trời phù hộ cho mẹ. Mẹ vẫn thường bảo: “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Quan niệm này đã khiến mẹ phải lao đao hơn, khổ tâm hơn trong thời buổi khó khăn hồi ấy. Suốt nhiều năm, mẹ buôn bán theo cách lấy hàng của người này bán lại cho người khác, một cách bán hàng giùm để lấy hoa hồng. Thời buổi khó khăn, mẹ lại chọn hàng để bán, không có vốn, lại ngại bán các hàng vặt rẻ tiền, sợ mất “thể diện”. Hàng mẹ là các xâu chuỗi ngọc, các xấp vải quý, vòng, kiềng… của các mệnh phụ hoàng gia. Người muốn bán thì nhiều mà người muốn mua lại quá ít, do đó mà gia đình chúng tôi hết sức quẫn bách. Mẹ đã phải dành dụm từng hào từng đồng cho những lần cúng giỗ, lễ Tết. Đã nhiều năm, món mứt Tết vẫn là khoai lang ngào, độc nhất và rẻ tiền nhất. Tôi còn nhớ mỗi chiều 30 Tết, chị em chúng tôi cùng mẹ quây quần bên chảo khoai lang được sên bằng “đường đọi” (mà phần đông người Huế gọi là “đoại”) trên cái lò đặt ở hiên nhà. Đường đoại là thứ đường thô được đổ khuôn theo hình cái tô nhỏ, miệng rộng, đáy hẹp (tô này được gọi là đọi hay đoại). Khi nước đường dẻo quánh, những lát khoai trở màu vàng sậm, mẹ tôi dụi bớt mấy que củi, giữ cho lửa nhỏ riu riu. Cháo mứt sôi lệch bệch, tỏa mùi thơm ngát. Chị em tôi tranh nhau nếm mứt. Khoai vừa ngọt vừa bùi, mềm lại dai, lại thêm vị béo của mè, vị cay của gừng thật tuyệt.

Ôi, món khoai lang ngào đường, món mứt của nhà nghèo, thân thương biết mấy. Lớn lên và khi đã thành gia thất cho đến nay, hàng năm tôi vẫn tự tay làm món mứt này để cúng ông bà, dâng mẹ, tặng em Minh và gửi biếu bạn bè. Mẹ tôi không còn nữa; mỗi khi nhìn chảo mứt khoai lang, tôi nghĩ đó là quà của mẹ, là món mứt đầu đời và suốt đời của tôi… 

Chiều 30 Tết một năm nọ, tôi và em Minh ngồi trước hiên nhà canh lửa cho chảo mứt khoai lang ngào của mẹ. Có tiếng xe đạp vang lên ngoài giậu dâm bụt. Chúng tôi biết ngay là cậu Tánh đang đi qua trên chiếc xe đạp Saint Étienne của cậu. Cậu là một nhân vật đặc biệt, nổi bật trong xóm nghèo của chúng tôi. Cậu ở chung với người anh cả là chủ một cửa hàng buôn rất lớn, trong một ngôi biệt thự ở đầu xóm, gần đường cái. Cậu chưa đến tuổi ba mươi, mà nghe đâu cậu đang giữ một chức vụ quan trọng trong một cơ sở lớn, lại có phần vốn ở tận Sài Gòn. Khác với mọi người trong gia đình, cậu luôn vui vẻ với bà con lối xóm, thương yêu và thường đùa giỡn với đám trẻ…

“Ồ ồ…, tụi bây làm chi đó? Mứt hả? Tối ni nhớ mang cho cậu một ít nghe!”. Chúng tôi nhìn cậu, cười toe toét. Tôi nói: “Dạ…, sợ cậu chê…”. “Ứ ừ, con ni nói tầm bậy, nhớ mang mứt cho cậu”. Cậu cười ha hả rồi nghiêng mình qua hàng giậu và thong thả nói: “Cậu đã thông báo khắp xóm, con nít tụi bây đứa mô dưới 10 tuổi cứ đến nhà cậu lúc 5 giờ sáng đều sẽ được thưởng bong bóng và kẹo”. Cậu đạp xe đi và còn ngoái lại: “Đứa mô đến sớm nhất, được thưởng nhiều nhất, nhớ đó!”.

Tôi thì đã 13 tuổi, em Minh mới lên bảy. Minh thích bong bóng, thích kẹo nên reo lên khi nghe cậu Tánh nói như thế. Tôi quyết sẽ đánh thức Minh dậy thật sớm để đến nhà cậu Tánh lãnh phần quà lớn nhất.

Nhà vừa lên đèn, tôi ngỏ ý xin mẹ một đĩa mứt nhỏ để biếu cậu Tánh. Mẹ bảo: “Nhà người giàu sang, ai thèm ăn mứt khoai nhà mình!”. Tôi nài nỉ mãi, mẹ mới miễn cưỡng lựa cái đĩa trà còn tốt nhất nhà rồi sắp đầy mứt và trao cho tôi. Tôi hí hửng cầm đĩa mứt chạy một mạch ra đầu xóm, đến nhà cậu Tánh. Tôi đứng bên ngoài cánh cửa sắt gọi mãi, chị bếp bước ra. Tôi ấp úng bảo rằng cậu Tánh dặn đem mứt biếu cậu; chị ngập ngừng giây lâu rồi nhận lấy đĩa mứt.

Tối hôm đó, tôi thao thức mãi; chợp mắt một lúc thì mẹ đã dậy thắp nhang trên bàn thờ. Hẳn đã sắp đến 5 giờ sáng. Tôi vội vàng thức em Minh dậy, dẫn em ra đầu xóm, đứng chờ trước cổng sắt ngôi biệt thự, chị bếp ra mở cổng. Tôi đẩy mạnh em Minh chạy thẳng vào, vừa lúc nhiều người trong xóm lục đục dẫn các con em đến lãnh quà. Cậu Tánh xuất hiện, cười ha hả, trao bong bóng và kẹo cho từng đứa bé. Em Minh đến sớm nhất, được một cái bong bóng đỏ thật lớn, vài cái nhỏ hơn, đủ màu sắc và một gói kẹo lớn bằng ba bốn nắm tay em. Được quà, Minh mừng lắm. Đôi mắt to và đen của em sáng hẳn lên trên khuôn mặt nhỏ và tái xanh của em. Tôi cũng rất vui, thầm cảm ơn cậu Tánh và cứ thắc mắc không biết cậu đã ăn đĩa mứt của chúng tôi chưa…

Sáng mồng năm, mứt khoai lang đã cạn. Chúng tôi lại ăn sáng bằng khoai lang luộc như phần lớn những buổi sáng trong năm. Mồng sáu, mấy chiếc bong bóng của Minh đã ỉu xìu, nằm lăn lóc dưới chân giường. Buổi chiều, mẹ bảo tôi đến nhà cậu Tánh xin lại chiếc đĩa trà đựng mứt hôm nọ… Khi nghe tôi bảo xin lại đĩa mứt, chị bếp tỏ ra bối rối, rồi bảo tôi chờ. Chị vào nhà lâu, thật lâu, rồi đem ra cho tôi chiếc đĩa đầy mứt như hôm 30 Tết. “Đĩa mứt ni phải không? Chẳng ai đụng tới cả. Thôi em mang về đi”. Tôi ngẩn người ra, cái gì đó làm nghẹn cổ, làm tức ngực. Tôi giận cậu Tánh, giận những người nhà giàu, giận chị bếp, thương cho đĩa khoai lang ngào đã cứng queo, lạnh tênh và thương cho thân phận người nghèo.

Mẹ tôi nhìn đĩa mứt, im lặng giây lâu rồi buồn bã nói: “Mẹ đã nói mà…, người giàu ai thèm ăn mứt khoai lang…!”.

Nhiều năm, nhiều chục năm trôi qua. Dòng đời trôi đi, nhìn lại chỉ thấy mênh mang chập chờn. Những mùa Xuân cũ vẫn còn đó trong tâm trí tôi, lung linh và hư ảo như chiêm bao. Tôi chợt nghĩ đến những con người của xóm nghèo năm cũ, tôi nhớ đến cậu Tánh với tiếng cười giòn giã, với giọng nói sang sảng – Tội nghiệp, nghe đâu cậu đã mất hơn chục năm rồi.

Đĩa mứt khoai lang ngào đang ở trên bàn thờ mẹ tôi. Tôi lại nghĩ đến mẹ và thấy ấm áp trong lòng. Khép nhẹ mắt, tôi nghĩ chắc sáng mai Minh sẽ gọi điện chúc Tết tôi và khen mứt khoai lang tôi đã gửi biếu.

 

TRẦN THỊ LINH CHI

(Theo Văn Hóa Phật Giáo)

 

NGƯỜI CỦA HAI QUÊ ĐẦY LÒNG NHÂN ÁI
 

Trong tiết Xuân ấm áp của cỏ cây đất trời, những người con xa xứ  mang tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê lòng chợt buồn man man. Để tìm hơi ấm giữa xứ lạ, quê người, nhiều năm qua hội đồng hương Huế tổ chức buổi họp mặt đầu Xuân, để cùng nhau cảm thông chia sẻ, ở đây cũng có những món ăn như Tết Huế. Điều đáng quý đó là cảm giác như đang sống trong tình làng nghĩa xóm ở quê nhà. Người có công lớn trong việc tổ chức ngày họp mặt, đan nối tình cảm người xa quê lại gần nhau, được ăn các món ăn Huế trong ngày họp mặt đó phải kể đến bà Trần Thị Linh Chi.

Bà Trần Thị Linh Chi, người con của Huế sinh ra trong một gia đình văn học, là con nhà nòi, là nhà thơ, nhà văn là hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ, đã cho ra đời nhiều tập thơ, nhiều truyện ngắn được nhiều độc giả ái mộ.

Ngoài công tác văn học, hơn nửa cuộc đời đều có bước chân bà đến những nơi bị thiên tai bão lụt, những mảnh đời cơ nhỡ, hoạn nạn khó khăn để nhường cơm sẻ áo.

Có lẽ Huế là những năm tháng lũ lụt, sinh ra ở Huế đều lớn dần theo mùa lũ lụt vì thế mà lòng bà quặn thắt khi nhớ lại người mẹ già ngồi nhìn nước dâng lên mà thở dài não nuột, nhớ từ củ khoai, củ sắn… ăn độn cho qua những ngày mưa bão. Nhớ những trận lụt kéo dài đã quét đi không khí của một làng quê vốn dĩ êm đềm và cuốn trôi tất cả những gì chắt chiu, tạo dựng từ những tháng năm cơ cực, lam lũ. Tiếp đến là bao lo toan vất vả của bà nuôi đàn con ăn học, thiếu thốn đủ mọi bề đã làm cho bà luôn thấu hiểu, cảm thông, những mảnh đời có cùng cảnh ngộ. Hễ nghe đâu có học sinh, sinh viên nghèo mồ côi, người tàn tật, thiên tai, mà chưa làm một việc gì giúp đỡ là cảm thấy như mình còn món nợ chưa trả.

Trong những lúc quê nhà bị bão lụt, ngoài tấm lòng của  bà, bà còn đi vận động mạnh thường quân của ít lòng nhiều mong góp phần nhỏ để chia sẻ khó khăn với bà con quê nhà. Riêng ở Cần Thơ những năm lũ lụt, một số bà con “Huế” ở Ô Môn, Thốt Nốt, bà đã đi đến tận vùng quê sâu lo cho đồng hương mình, chứng kiến cảnh đó ta mới thấy được tấm lòng bao la của bà.

Khuôn mặt bà phúc hậu, đôi mắt, nụ cười còn biểu lộ lộ nét xuân sắc một thời, với giọng Huế rặt : “Thấy nhiều con người đói nghèo giữa xã hội phồn vinh, nhìn họ tiều tụy lang thang xin ăn nơi góc phố tối tăm, tôi trải lòng không chịu được cảnh tương tâm”.

Tấm lòng nhân ái của bà bền bĩ với thời gian, bà bước những bước đi không đơn độc, mỗi bước đi của bà là nối vòng tay bè bạn, nối những tấm lòng nhân ái cùng đồng hành. Như vừa qua bà đã cùng một số người xa quê ở Cần Thơ ủng hộ gây quỹ cho học sinh nghèo chăm học ở Huế theo lời kêu gọi của Tổng biên tập báo Sông Hương.

Hằng năm, hội đồng hương đều trao học bổng và phần thưởng cho các sinh viên, học sinh học giỏi người Huế xa quê, những lúc đó luôn có sự góp mặt của bà, bà thố lộ: “Năm nào tôi cũng xuất vài học bổng giúp cho học sinh nghèo, gia đình tôi cũng là địa chỉ của những người xung quanh, đồng hương khi gặp khó khăn tìm đến. Nhiều trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh nghiệt ngã, tôi thường tạo điều kiện âm thầm giúp đỡ mong các em trở thành người có ích. Việc làm nhỏ bé của tôi đâu bằng ai, mấy chục năm qua tôi chưa bao giờ nghĩ mình đã giúp cho bà con, chỉ đi đến họ bằng cái tâm “ tình người”.

Năm 2000, những người Huế ở Cần Thơ như bác sĩ Hồ Đắc Duy, bác sĩ Hoàng Quỳnh cùng bà đã tổ chức bữa ăn thân mật và phát quà cho hơn 100 em bé cơ nhỡ, không gia đình tại nhà hàng Ninh Kiều. Lúc đó, Đài Truyền Hình Cần Thơ có đến quay phim buổi ăn ấm áp, mang hơi ấm gia đình, biểu lộ sự hân hoan, hạnh phúc của các em cũng như người tổ chức, đó cũng là niềm vui lây của người đồng hương ở Cần Thơ.

Ngôi nhà của bà cũng là địa chỉ của các nhà văn, nhà thơ mỗi lần có dịp ghé Cần Thơ. Ngoài ra trong giới văn nghệ, tác giả nào xuất bản truyện ngắn, ký, thơ… đều được bà mua giúp vài cục cuốn để chia vui cùng tác phẩm ra đời.

Hơn nửa cuộc đời chia sẽ với nhiều em học sinh nghèo, nay đã có nhiều học sinh trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo sư…họ nhìn bà với đôi mắt biết ơn và trân trọng.

Với tấm lòng nhân ái, luôn giúp người khó khăn trong hoạn nạn của bà, được sự ủng hộ nhiệt tình của chồng và các con. Nhờ thế mà mấy chục năm qua và cho đến bây giờ với tấm lòng nhường cơm sẻ áo, bà vẫn giữ được tặng phẩm nuôi dưỡng linh hồn đó là “ lòng nhân ái”.

Xuân 2009 lại về, trong ánh mắt xa xăm có lẽ bà đang nghĩ đến những mảnh đời cơ nhở, mồ côi, những sinh viên nghèo ở quê nhà cũng như ở Cần Thơ đang cần mình chia sẻ.

                                                                                   Tôn Thất Lang

*


 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.