NHÀ THƠ LÊ TẤN QUỲNH
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7818
Giới thiệu Nhà thơ Lê Tấn Quỳnh, hội viên Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế.
Họ và tên: Lê Tấn Quỳnh
Ngày tháng năm sinh: 08/01/1976
Quê quán: Vinh Phú – Phú Vang - Thừa Thiên Huế
Nơi ở hiện nay: 12/24 Trần Thanh Mại -phường An Đông– TP HuếĐang công tác tại Tạp chí Sông Hương.
Các giải thưởng :
Giải nhất thơ Bút Mới báo Tuổi trẻ lần thứ nhất năm 1996.
Giải tư cuộc thi thơ Tạp chí Sông Hương 1997.
Tặng thưởng tác phẩm xuất sắc hàng năm của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế 1998 (tập thơ Linh Ngọc).
“Thơ đối với tôi chỉ là một cuộc chơi , nhưng là một cuộc chơi lớn của một đời người. Chính vì vậy mà nhiều lúc nó theo đuổi tôi cũng như tôi theo đuổinó...”
Tác phẩm đã in:Linh Ngọc (tập thơ) NXB Thuận Hoá - 1998.Vông vang (tập thơ) NXB Thuận Hóa - 2009.
Những giỏ hoa của thời gian Năm Mặt Đặt Tên In chung: Đông Hà, Đặng Như Phồn, Lê Vĩnh Thái, Phạm Nguyên Tường. NXB Thuận Hóa 2011..
Những giỏ hoa của thời gian tản văn, NXB Thuận Hóa 2013
***
Hoa của thời gian, hoa của con người
· Hoàng Diệp Lạc
Thời gian và hoa. Như cặp phạm trù mỹ học sung triệt lẫn nhau. Nếu không có hoa thì thời gian trở nên vô nghĩa. Nhưng thời gian là kẻ tòng phạm khiến đời hoa qua nhanh. Vì thế tôi gọi thời gian và hoa là cặp phạm trù mỹ học sinh triệt lẫn nhau. Thật ra, mọi vật đều chịu chung một quy luật như vậy cả, chỉ có điều, hoa là biểu tượng của cái đẹp, sự thăng hoa lộng lẫy của hành trình sống, như một bài học của thiên nhiên dạy cho đối tượng chiêm ngắm mà khản giả chính là con người phải biết chịu ơn của tạo hóa. Ngày nay để đáp lại hàm ơn đó người ta kêu gọi mọi người hãy bảo vệ môi trường. Đó là trực nhận và suy diễn của tôi khi nhìn nhan đề của tập tản văn Nhưng giỏ hoa thời gian của Lê Tấn Quỳnh, do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành 2013, bìa và trình bày Thái Ngọc Thảo Nguyên, không chỉ là sự gợi tưởng đó, mời bạn đọc bước vào thế giới “Những giỏ hoa của thời gian” để nghe sự chia sẻ từ tấm lòng của tác giả. Lê Tấn Quỳnh được biết đến như một nhà thơ, anh đã có những thành công trong quá khứ: Giải Nhất thơ Bút mới do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 1996, giải Khuyến khích thơ Tạp chí Sông Hương năm 1998, cùng với những tập thơ: Linh Ngọc - 1998, Vông Vang - 2009 và tập thơ Năm mặt đặt tên, in chung 2011.
Có thể nói tản văn của Quỳnh là tập hợp của những tính từ và hình ảnh của cuộc chuyển động giữa bầu trời xúc cảm bất định. Nơi vùng trời đó, như một khung vải trắng được căng lên theo từng trạng thái cảm xúc, Quỳnh tha hồ vung vãi những sắc màu của thiên nhiên để tạo nên từng tiết nhịp cho riêng mình.
Đối tượng đi vào trong tản văn của Lê Tấn Quỳnh là những sự vật xung quanh nhản quan của tác giả hoặc một mảnh ký ức vừa thành hình, như: Cọng cỏ bên sông, áng mây trắng tháng giêng, những cánh hoa suốt bốn mùa,... cho đến màu xanh của ngôi làng cổ, rồi mùa hoa lau bên bến sông, những sắc vàng của hoa chuỗi ngọc, sắc tím của bằng lăng, những đường cong của mái đò, đường chéo của cơn mưa trắng đục đất trời, những nét chấm phá của mùa lễ hội làm điểm nhấn cho xứ sở Thần kinh, những nò sáo dích dắc của sóng nước Tam giang ,... đôi khi sợi dây liên tưởng khơi dậy những hình ảnh trong tầng sâu của ký ức rồi gán vào hình ảnh của hiện thực qua tâm trạng và tài diễn đạt của tác giả đã cho người đọc những câu thơ trong tản văn: “Chiếc lá cũng như những cái vẫy tay của thời gian”, hay những lúc cảm xúc dâng trào, mà chủ nhân của nó không kìm lại được, không hướng sự dâng trào theo dẫn dắt của lý tính để rồi nó bùng lên thành đám cháy, thành cơn bão: “Đám sương cuối cùng cũng qua đi và thay vào đó là những tia nắng long lanh đến bất ngờ. Nắng dường như cũng không đủ cái nồng ấm sau khi men qua lớp sương dày đặc ấy, tiếp tục đi qua những tán cây rậm để đến với chúng tôi là những đám pháo - bông - nắng lung linh đủ màu”
Bên cạnh thành quách rêu phong, những phiên chợ trần gian là những cơn mưa ngút ngàn đã dẫn dắt tác giả vào mê cung của nổi buồn: “Cái dầm dề của cơn mưa cứ níu trải lòng ta xuống. Nỗi buồn nào có bất chợt hiện ra rồi cũng sẽ thoắt biến đi... chỉ còn lại tiếng mưa thanh thản trong hoài thai nỗi nhớ...”
Tản văn đầy chất thơ của Quỳnh như lời tự sự của anh với từng vùng đất mà bước chân anh đã ngang qua. Kể cả trong những giấc mơ hư ảo của cuộc đời, Quỳnh bất giác thấy mình: “Chẳng còn là ta nữa trong cơn lất phất ngổn ngang gam trời lồ lộ. Có thứ men rượu nào đủ say như men mưa Huế.” Chỉ tiếc một điều, trong cơn say ấy, người say thường lặp đi lặp lại những ngữ ngôn khiến độc giả nghĩ tác giả như lạc vào cánh rừng của từ láy mà chưa tìm được lối ra. Hay có thể đó là phong cách của tác giả để nhấn nhá làm đậm thêm nỗi buồn vốn dĩ đã chực chờ quanh ánh mắt người thơ. Cũng như trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều từ láy được sử dụng rất tài tình và có tỉ lệ xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm, đặc biệt là những từ láy biểu cảm về âm thanh. Thực ra, với tranh phong cảnh những danh họa rất kiệm màu trên mỗi tác phẩm. Người ta thường chia trên khung vải thành những điểm vàng, và nhắc nhở chúng ta nên thả vào những điểm vàng một cách tiết kiệm từng vệt son cảm xúc. Đọc tản văn của Lê Tấn Quỳnh, mới thấy rằng, “Những giỏ hoa thời gian“ chính là hoa của dòng sông, hình ảnh dòng sông đã xuất hiện rất nhiều trong tản văn của Lê Tấn Quỳnh. Đó là dòng Hương giang mà Quỳnh đã soi bóng, nơi đã hình thành ký ức và tính cách của tác giả. Hoa của thời gian chính là cái đẹp mà tạo hóa đã ban cho con người. Quỳnh như muốn nhắn nhủ với độc giả hãy quý mến thiên nhiên, quý mến từng giỏ hoa trong ký ức bất tận, những giỏ hoa trong cuộc sống này.
H.D.L
Những ngày sau cơn bão Nari, 10/2013
THƠ LÊ TẤN QUỲNH * THƠ LÊ TẤN QUỲNH * THƠ LÊ TẤN QUỲNH
CẢM THỨC
Cảm thức chừ lêu nghêu bươn bả
Phấn hoa từng nét cong
Nơi lời ru tức mình ngộp thở
Quày quả trận cười úng ngập gió sông
Câu ca dao nối dài chân dung Việt
Kỷ nguyên em đưa đẩy cuồng đông
Cái hơi hớm của loài người đa mang tiễn biệt
Cớt nhả lên xanh bãi xanh đồng
Em đi qua cái giật mình hiếm muộn
Vẫn còn tức tưởi như không.
MỘT DÒNG XANH
Giọt nước mắt mảnh chai vuốt cái nhìn lờ lững
Mưu mô xa xỉ tạp mùn
Sau chuỗi đàn bà khao khát vỡ
Cái rùng mình ba bảy sống lưng
Người rồi còn một không gian dẹp
Nơm nớp niềm điêu ngoa
Nơi người đàn bà không quen không biết
Hái gió xuôi sông buông tiếng khóc oà
Người rồi còn một dòng xanh để thở
Ngút ngàn nay rơi rớt ngút ngàn qua...
HUN HÚT
Những hun hút trong tôi nằm dài kẻ chỉ
Lên sự cong cớn mùa màng
Giọt mồ hôi buôn chuyện người qua chợ
Phố lâu rồi cắm cúi đò ngang
Phố lâu rồi rỉ rêu trắc trở
Xoáy tõm mình đì đạch trò chơi
Lơ mơ trước đám tàn-tro-ra-rả
Hoá trăng trên giấc đá tìm người
Phố luôn tan tầm dấu xe khấp khểnh
Lạc nhau hoài hờ hững lạc nhau trôi...
THỜI GIAN
Những cánh tay vuốt mùa ra trên tuổi
Cuối phì nhiêu nhợt nhạt đồng bằng
Sau dòng cây rưng rức mở
Thời gian khấp khởi bước qua sân
Hạt mùa đông lịm dần khe cửa nhớ
Rối lên cơn gió buổi bời bời
Có cái gì sau màu vôi vồn vã
Mảnh sân già thâm thấm nắng như trôi
Mùa chúm chím len vào trong mắt lạ
Cứ hỏi mua mơ mộng chuyện người
VỠ
Trong mây khói vẽ nên vết lá
Lạnh nhạt xanh bầm túa ứa tôi mua
Chợt vỡ mảng tay người thất bát
Bật dậy tro than rao bán ngần ngừ...
Nức nở lưng trời quên sau chấp chới
Dấm dẳng con đường vạch dọc vạch ngang
Nghe có tiếng rơi đâu trong lòng bạn
Hấp hối tìm lên đâu đấu rộn ràng
Xa xăm gì xé cơn quá lứa
Những gì đôi chân bất bại trên đời
Người rơm rớm trái tim xanh ngắt
Thở lên ngày như những vết vôi...
DỊ MỘNG
Với ngón tay nào vẽ lên ngoại ô dị mộng
Lấy nỗi buồn đem thắt chỉ sông
Sự chia ly của bờ môi tấp tểnh
Ném bùn non qua qua ngái ngủ chập ngừng
Ta khoác áo xanh đi trong chớp
Học nói tên mình với những nốt câm
Ngày đang hoá kén từ đâu dưới đất
Mà đêm nhói về phía phố xa xăm
Hắt lên cỏ tiếng rơi bụ bẫm
Mộng mị như gạch vỡ nhọc nhằn
Trên những cổng thành ngẫm nghĩ
Rồi chìm đâu mất trong trăng.
MỘT MÌNH
Với chiếc trường kỷ đặt lên phía tim u uất
Người lăn dài quẫy đạp mùa đông
Tiễn đưa chi cuộc chơi âm bản
Vừa buồn vui lũ tuổi gánh gồng
Chẳng có gì vẫn hồn nhiên rét mướt
Vẫn hồn nhiên đi vồn vã tóc mòn
Đã kịp nói đâu những suy tư đuối sức
Với những hạt ngày rơi bệt xuống chân
Trong hoang phế bỗng khát lên sự sống
Khát tiếng gọi nhau ơi ới phân vân
Chạy hụt hơi còn xa xưa ngọn cỏ
Từng vạch lên nhau những vết tím bầm...
LÊ TẤN QUỲNH
-----------
Ảnh trên cùng: Lãng Hiển Xuân
Tư liệu:
Đọc "Vông vang" của Lê Tấn Quỳnh - Hành trình của ảo giác hoa - Hoàng Diệp Lạc
Trang thơ Lục bát Lê Tấn Quỳnh
http://lucbat.com/home.php?lan=v&id=lbtuchon&code=1548
.
Từ phải: Lê Tấn Quỳnh, Võ Quê, Nguyễn Tuấn, Lê Vĩnh Thái, Minh.
.
Võ Quê & Lê Tấn Quỳnh