Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHÀ VĂN MƯỜNG MÁN

Giới thiệu Nhà văn Mường Mán, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

45173848-28

 

Trần Văn Quảng,
sinh ngày 20.5.1947.
Quê gốc: An Truyền ( Chuồn ), Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện sống ở Sài Gòn,
Cựu phóng viên chiến trường miền nam trước 1975
Hiện làm việc tại Công Ty văn hoá Phương
Nam.
Hội viên Hội Nhà văn Việt
Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam .

Tác phẩm đã xuất bản: Lá tương tư (truyện dài, 1974); Một chút mưa thơm (1974); Hồng Hạ (tiểu thuyết, 1989); Thương nhớ người dưng (1989); Kiều Dũng (tiểu thuyết, 1989); Ngon hơn trái cấm (tiểu thuyết, 1989); Sớm mai (1990); Người đàn ông tội nghiệp của tôi (1990); Mùa thu tóc rối (1990); Chiều vàng hoa cúc (1992); Trộm trải vườn người (1994); Bỡo nước long đong (1995); Trăng không mùa (1995); Những ràng buộc êm ái (tập tn, 1995); Vọng (tập thơ, 1995); và những kịch bản phim truyện, phim truyền hình: Người trong cuộc (1988); Tiếng đờn Kìm (1996); Trăng không màu (1996); Gió qua miền tối sáng (viết chung, 1996);Cạn chén tình (tập truyện); Dịu khúc (thơ lục bát, NXB Trẻ 2008)...

 

IMG_3497

 

10840444-1311-muong-man-to.jpg

 

MƯA THẢO CẦM

Truyện ngắn

 

Những ngày thong thả mùa đông thay vì cuộn mình trong chăn, tôi thích ra đường thả mình cho ngọn gió bấc tha hồ cuốn đi. Những đứa bạn cũng thế. Đứa từ Vĩ Dạ qua, đứa từ Bến Ngự hay Tây Lộc tới. Điểm hẹn thường là quán cà phê Mệ Tôi trước Đại nội, quán chị Lợi sau lưng thư viện đại học, hoặc quán chị em cô Thanh Thanh đối diện bưu điện. Có khi đông vui chuyện trò rôm rả. Có lúc chờ mãi chẳng thấy mống nào. Một mình ngồi ngắm mưa bay chán lại đi, đi. Riêng buổi sáng chủ nhật hôm ấy tôi không sốt ruột chờ những thằng bạn văn nghệ mà chờ Thảo Cầm.
Từ xe buýt bước xuống, em mỏng manh trong chiếc áo mưa màu vàng mũ trùm kím đầu chầm chậm, khe khẽ bước như ngại làm đau gạch lát hè đường. Tôi bụng lỏng bỏng cà phê, môi nghi ngút khói thuốc, và hai đứa sóng vai nhau đi vào Đại nội.
- Răng đến trễ rứa?
- Biết anh nóng lòng nhưng… xôi ế, hơn chín giờ mới hết, mạ mới cho đi. Ngồi chờ, có chụp bắt được tứ thơ hay lạ mô không?
- Dĩ nhiên là…
- Đọc đi!
Hồi đó, tôi “thống lĩnh” cả một thi văn đoàn gồm tới… bốn thành viên, làm thơ dễ như bỡn chứ không khó khăn như bây giờ, liền hắng giọng:
- Mưa làm ấm lòng người ta. Riêng anh quắt như là mưa điên.
- Răng mưa lại điên? Siêu thực vừa thôi.
- Ước cho có một nàng tiên. Giúp em xôi hết đến liền ngay đây.
- Xạo, mới ứng khẩu hả? Nghe hay in… vè!
Sực nhớ hôm tình cờ gặp ở quán sách Ưng Hạ em hít hà nhăn mặt than đau răng, tôi không thể đễ lỡ cơ hội hỏi thăm sức khỏe:
- Có còn bị cái răng quỉ sứ hành hạ không?
- Chờ anh vấn an thì hắn đã tiêu diêu.
Sân rồng vắng hoe. Những cội sứ đội mâm hoa trắng cúi mình trầm tư trên mặt hồ trước điện Thái Hòa. Vua chúa xa giá lọng tàn ngày xưa khuất sau cánh cửa nghìn thu khép lại đã đành, cả thế giới hình như cũng rủ nhau chơi trò cút bắt đâu đó, để chốn này dành riêng hai đứa. Như thường lệ, chúng tôi lên lầu Ngũ Phụng. Em ngồi cách tôi ba gang tay, ngước trông ra dòng Hương lặng lờ vài mái thuyền bồng. Cái răng đau ngỡ rơi lại dưới chân lầu, hóa ra em vẫn mang theo.
- Phải bỏ một cái răng em tiếc đến đứt mười sợi tóc. Mạ phán răng dù hư, nhổ xong phải cất kỹ, hơ hỏng chuột tha lên tận cung trăng suốt đời sẽ ngơ ngơ ngáo ngáo, hễ ra đường là ngước mặt trông tìm trăng, bị xe tông chết không kịp trối.
- Ôi, mê tín dị đoan. Em tin ư?
- Không tin mạ thì tin ai? – Vừa nói Thảo Cầm vừa mở khăn tay cầm chiếc răng trắng hếu bỏ vào tay tôi – Tặng anh, quí lắm đó. Nhớ giữ gìn cẩn thận kẻo chuột tha lên trời em hóa khùng hóa dại thì tội lắm!
Quí? Mặt tôi lúc ấy hẳn ngớ ra nom thộn đáo để. Em mỉm cười:
- Chàng ngốc nì, người ta nói “Cái răng cái tóc là gốc con người". Em tặng anh một góc người em đó, hiểu chưa?
Gió thốc từ lòng ra hay từ sông Hương lên khiến tôi chợt rùng mình nghe lạnh? Em nghiêm trang hệt nữ tu trong giờ cầu kinh, khác xa cô bé thuở nào mới gặp. Ngày ấy, nắng sớm mai vừa xuyên qua màng sương bít bùng cuối hạ đầu thu, bước xuống xe lam bên này Đập đá, cậu bé nhà quê ôm khư khư bọc quần áo sách vở trước bụng, đang ngơ ngác trông ngược xuôi phố phường, giật mình nghe cô bé ở hàng xôi trước hàng hiên ngôi nhà đầu ngõ xóm rợp mướt chuối xanh vui vẻ cất tiếng:
- Ê, vô ăn xôi đi, răng đứng xớ rớ mãi rứa?
- Có phải đây là xóm Chuối có nhà bác Sản thợ may ở phía trong, gần bờ sông không? – Tôi e dè hỏi, bước vào, ké né ngồi xuống chiếc ghế đẩu thấp. Ngó bộ dáng nhà quê rặt của khách lạ hẳn buồn cười, em bật cười thành tiếng:
- Phải rồi, anh từ mô lên?
- Làng Chuồn, lẽ ra mạ tui dẫn đi nhưng bận công chuyện nên gởi đại cho ông xe lam, mừng quá, rứa là đúng chỗ rồi.
- Lên chơi hay…
- Ở trọ, đi học! – Hình như mặt tôi hơi vênh lên – Vừa thi đậu vô lớp đệ thất (lớp 6) trường Nguyễn Tri Phương.
- Rứa à? Tui, à em cũng vô trường Đồng Khánh. Răng ngụy ri hè? Hai đứa cùng…
Tới lúc ấy Thảo Cầm mới bẽn lẽn cúi mặt, tôi mới thấy đôi bím tóc và cặp mắt người ta ngộ nghĩnh y như búp bê. Sau này nhắc lại cái phút ban đầu ngơ ngác ấy, tôi nói dóc là dĩa xôi đậu xanh rắc muối mè thơm lựng ngon nhất đời bữa đó lần đầu tiên được ăn. Cho rằng lũ con trai sống xa nhà vụng về, thiếu thốn đủ mọi thứ, em luôn bao dung như người chị. Sẵn sàng giặt giùm quần áo. Mùa thi lục cá nguyệt, cánh cửa sổ bên bàn học thỉnh thoảng được khẽ khàng mở ra giữa khuya, tuồn vào trái bắp nướng phết mỡ hành thơm phứt, hoặc đôi trứng vịt lộn. Sáng sớm “thằng nhỏ” ngang qua nhà bật vài tiếng ho khan, trưa về cô bạn chận lại đặt vào tay chai dầu Nhị Thiên Đường, vài viên thuốc cảm vân vân. Ngày tháng qua mau, chúng tôi dần lớn. Sau lắm lần thay đổi chỗ trọ, rời Nguyễn Tri Phương chuyển sang Quốc Học học tiếp đệ nhị cấp, tôi vẫn không quên cô bạn hàng xóm cũ. Tình bạn kể như thâm giao, đậm màu anh em hơn là trai gái, không đưa đón trước cổng trường, không cả thư từ trao tay giống như bao đôi cặp khác. Sáng nay có ngọn gió lạ nào khiến em bỗng “chuyển mùa” chăng? Chiếc răng nho nhỏ nhưng mang cả ý nghĩa “trọng đại” làm thằng tôi bất ngờ nên hơi… khớp.
- Tặng răng, mai mốt đừng có tặng thêm tóc nữa nghe! – Tôi nửa đùa nửa thật.
Em xụ mặt:
- Răng rứa?
- Thêm một gốc nữa ai mang nổi?
- Xí, đừng có ham! – Nguýt dài, khoảng cách nới ra thêm hai gang tay, Thảo Cầm mát mẻ: - Tụi bạn em nói típ người mê văn chương chữ nghĩa như anh là chúa mơ mộng, lãng mạn, tim có tới trăm ngăn lận, phải không?
- Tim dân dã chỉ chỉ có tâm thất mà phải và trái, tim dòng dõi Tôn thất như em mới nhiều ngăn. Nhớ coi, có ông vua mô chỉ một vợ?
- Anh ngốc thật hay giả ngốc?
Xoáy vào tinh mũi tôi khóe nhìn não nùng chưa từng thấy, đoạn Thảo Cầm rảo bước xuống sân rồng, giấu mình sau cội sứ. Mưa mênh mang bốn phía như nghìn triệu năm đã mưa, vẫn âm điệu trầm buồn sao bấy giờ tôi tưởng chừng nghe cả tiếng rạng vỡ mơ hồ trong không gian. Tiếng gọi giục giã những lẻ loi cất cánh tìm đến nhau? Lặng người một lúc, tôi cất mình hệt chiếc lá bay vào lưới mưa. Và, trong chiếc lưới điệp trùng ấy bốn bàn tay đã nắm lấy nhau. Năn nỉ mãi em mới không đòi lại món “quà quí” mà em đã tặng, rồi lúc bất ngờ nhất em bỗng ngữa mặt dịu dàng nhắm mắt lại, cho tôi được những hạt mưa trên môi em tinh khiết, ngát hương thời trẻ dại.
Những cuộc hẹn như thế ngỡ sẽ mùa tiếp mùa đâm chồi nẩy lộc cho chúng tôi thêm những ngày vui. Nhưng rồi thời học trò chưa qua, Thảo Cầm đã bước ra khỏi mặt đất này hệt ngôi sao nhỏ nhoi băng mất tăm trong bầu trời rộng.
Xóm Chuối nay đã bị xóa hẳn, chìm khuất dưới nền khách sạn Hương Giang đồ sộ. Chiếc răng sâu của em con chuột thời gian đã tha lên tận cung trăng, hay rơi lọt qua kẽ đời mất hút từ bao giờ không hay, sau nhiều lần thay đổi nơi cư trú của tôi. Hễ thoáng nhớ, tôi lại trách mình là đứa vô tâm, nỡ để thất lạc chút kỷ vật đối với em rất là hệ trọng và thiêng liêng ấy. Gã trai trẻ ngày xưa rời Huế, phiêu bạt lắm phố nhiều sông, thỉnh thoảng quay về, ngang qua trước đường Đồng Khánh – nơi một tai nạn xe cộ đã cướp mất em vào giờ tan học – chưa nguôi ngậm ngùi, đôi khi tưởng chừng thấy bạn hư ảo hiện ra sau một gốc cây hay ngõ phố khuất khúc nào. Có chiều mưa bụi hắn lại quay lại chỗ ngồi trên lầu Ngũ Phụng, bâng khuâng nhìn bông sứ rụng trắng mặt hồ, bắt gặp mình lẩm nhẩm những điều hết sức vô nghĩa. Những điều may ra chỉ có mưa mới hiểu, còn cả thời gian chung quanh cơ hồ chơi trò cút bắt đâu ai thèm nghe!
Đã và sẽ còn có những ngày mưa không tên bay qua trong đời. Riêng cơn mưa khó quên hôm ấy – lần cuối cùng tôi lại gặp em – ở Đại nội, mỗi lúc chợt nhớ tôi gọi nó bằng cái tên: Mưa Thảo Cầm.

M.M

.

QUÁN RUỐC THÀNH PHÒNG TRANH

.

TT - Đúng hơn là kể từ ngày 16-1, quán Ruốc (38/26 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) sẽ có thêm chức năng triển lãm

tranh, mở màn với chính 22 tác phẩm sơn dầu của ông chủ quán: nhà văn Mường Mán.

 

Tác phẩm Nhớ của nhà văn Mường Mán

Như nhà văn Mường Mán tự bạch, phải lòng hội họa ngay cả trước khi đến với văn chương, nhưng phải đến khoảng thời

gian hơn 10 năm phụ trách phần mỹ thuật trình bày bìa sách ở Công ty văn hóa Phương Nam, và hơn hai năm chăm lo

phần minh họa cho tập san Áo Trắng, ông mới tích lũy được vài trăm tranh vẽ bằng màu nước, mực tàu, trong đó có

một số đã in lên bìa sách. 22 bức tranh với chủ đề Đôi lứa và mặt đất muôn màu được trưng bày lần này chỉ mới là sự

khởi đầu cho ý tưởng làm giàu thêm sắc màu và tăng phần thú vị cho khách hàng (theo công thức gallery + restaurant).

Tranh triển lãm sẽ còn được bổ sung bởi chính tác giả và các họa sĩ bạn bè.

ANH CHI

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.