LÝ HẠNH
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5788
Tên thật Nguyễn Thị Lý Hạnh.
Sinh năm 1982.
Sinh quán: Thành phố Huế.
Hội viên Hội Nhà báo.
Hiện đang công tác tại báo Thừa Thiên Huế.
VẼ NGƯỜI
Người là gió, người là mây
Ta trôi trong biển tình đầy đắng cay
Gọi người trong những cơn say
Vẽ người lên cả tháng ngày mình qua
Người là lá, người là hoa
Để ta lỡ mấy chuyến đò qua sông
Mắt tìm người giữa hư không
Tay tìm tay giữa mênh mông cõi buồn
Người là khói, người là sương
Tình rơi trong mắt vất vương khó tìm
Chừa ta một khoảng lặng im
Chừa người một khoảng con tim rất hiền.
TÌM
Tìm người từ thuở còn thơ
Đầu trần chân đất lơ ngơ một mình
Đường quê - buổi chợ - sân đình
Rước đèn đêm hội lung linh tìm người
Nghiêng nghiêng sim tím triền đồi
Tiếng đàn lẫn với tiếng cười ngây thơ
Lạc vào giữa cõi chiều mơ
Ôm vầng trăng khuyết ngẩn ngơ đợi người
Tìm người giờ đã đôi mươi
Sững sờ chỉ thấy một trời mưa buông
Gặp sông một thoáng rất buồn
Gặp ta một giọt nước nguồn trong veo
ĐÁNH RƠI
Đánh rơi
tôi
giữa cơn mê
Đánh rơi
em
giữa bộn bề yêu thương
Đánh rơi
ta
giữa đôi đường
Níu tay
là khói là sương
vô hình…
Đánh rơi
cổ tích
giữa đình
Dòng sông
ký ức
chỉ mình tôi sang
Đánh rơi
tình
giữa nhân gian
Đánh rơi
tôi
giữa bẽ bàng nỗi đau…
GHẾ ĐÁ VÀ MÙA
Ghế đá
em
và mùa thu
Thời gian đi trải gió
Rêu xanh từng viên sỏi nhỏ
Mắt buồn và hương phai…
Ghế đá
anh
và mùa đông
Mưa ùa về đỉnh nhớ
Nồng nàn trong từng hơi thở
Giọt sầu nào đong đưa…
Ghế đá
mùa ta không nhau
Ngút ngàn nước mắt
Chia ly như nhát cắt
Cứa vào tim đau
Mùa nhớ
ghế đá buốt cồn cào
Em
trượt chân
vào trăn trở
Chiếc thuyền tình vỡ tan…
TỰ HỌA
Tôi đã bắt đầu nói về những giấc mơ của mình
Như thể nói về những điều xa lạ
Thảng thốt.
Bất cần!
Nhưng dĩ nhiên tôi biết
Mình đang sống những ngày vô vị nhất cuộc đời.
Lãng tránh ngày hôm qua
Tôi khát khao vùi chôn quá khứ
với những giấc mơ không ánh mặt trời
Và guơng mặt người yêu
chỉ là ảo ảnh.
Vời xa…
Tự họa tôi với những giấc mơ
Gam màu đêm buồn xám
Vòng tay
Ôm trái tim ảm đạm
Bỏ mặc phía ngày lên
Xáo trộn hay yên bình.
BA ƠI, CON SẼ LỚN LÊN …
Là con trai cả trong gia đình, ba tôi được ông bà nội đặt lên vai trách nhiệm lớn lao: sinh 1 quí tử để nói dõi tông đường. Đứa con đầu lòng là con gái, mẹ tự an ủi «ruộng sâu trâu nái…». Lúc mẹ mang thai đứa thứ 2 là tôi, cả nhà đều hồi hộp đợi đến ngày sinh. Một đêm mùa đông lạnh lẽo, tiếng khóc chào đời của tôi đã làm mọi người thất vọng. Mẹ kể, lúc ấy, tôi được chưa đầy 2,5 kg, bé như một cái chai, người co rút lại vì lạnh. Ông bà nội nhìn tôi thở dài. Mẹ buồn lắm, còn ba thì mặt vẫn tràn đầy hạnh phúc. Ba ôm tôi vào lòng, nói chuyện với tôi, hôn lên trán tôi. Sau đó, một tay ba tắm táp, hơ háp cho tôi. Đi đâu ba cũng khoe con gái ba trắng lắm, xinh lắm!
Tôi «bén hơi» ba lúc nào chẳng hay, chỉ biết, khi tôi ý thức được mọi việc xung quanh mình thì tôi không thể rời xa ba. Mỗi khi đi làm, ba thường dẫn tôi theo. Ba đi họp, tôi ngoan ngoãn ngồi yên bện cạnh. Ba ngủ, tôi cũng ôm bụng ba ngủ. Ba ăn, tôi ngồi trong lòng ba đợi ba đút từng muỗng cơm. Đến tuổi đến trường, tôi đi học cùng lũ bạn trong xóm nhưng tâm trí lại để hết ở ba. Về nhà, vừa cất cặp là tôi đã chạy ra đường đợi ba bất kể trời mưa hay nắng, buổi sáng cũng như buổi chiều. Mỗi khi ba có việc bận về trễ là tôi khóc như mưa như gió mặc mẹ dỗ dành. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, ba ham chơi, không nhớ tôi, không còn thương tôi nữa!
Buổi chiều, lũ trẻ con trong xóm thường hay bày rất nhiều trò chơi. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi tham gia vào trò chơi của chúng, đơn giản vì tôi không thể để ba ở nhà một mình. Tôi sợ ba buồn mặc dù nghe tiếng la hét của chúng nó trong lòng tôi cũng đầy nôn nao. Hồi nhỏ, tôi thích vẽ và làm thơ. Tôi chỉ toàn vẽ ba và làm thơ về ba. Mấy bức tranh và bài thơ của tôi được ba dán lên tường rất trịnh trọng dù nó làm cho ngôi nhà nhỏ bé của chúng tôi trở nên bẩn và luộm thuộm hơn.
Tôi được 6 tuổi, ông bà nội giục ba mẹ sinh thêm em bé. Cứ mỗi lần nghe tới từ «em bé» là tôi lại nằm lăn ra đất khóc thật to. Tôi nói với ba, tôi sẽ đánh em bé, sẽ không cho em bé ăn, sẽ không cho ba bế em bé. Những lúc ấy, ba chỉ cười và nói với tôi rằng, ba sẽ không có thêm 1 em bé nào nữa. Và mặc cho ông bà nội nhắc nhở, mặc cho lúc ấy nhà nước chưa có pháp lệnh kế hoạch hóa gia đình đối với cán bộ, ba đã giữ đúng lời hứa với tôi, không sinh thêm em bé.
Hồi nhỏ, sức khoẻ tôi không được tốt. Tôi gầy và xanh lắm. Nhà nghèo, mẹ không có cách cải thiện sức khoẻ cho tôi. Đêm đêm, ba đốt đèn dầu ra đồng bắt cóc về làm thịt. Sợ tôi không ăn, ba băm nhỏ rồi nói là thịt con công, ngon và hiếm lắm. Thấy ba thường thắp đèn đi ra đồng vào ban đêm, tôi lẻn theo. Phát hiện ra ba bắt cóc, là đứa khôn sớm, tôi hiểu ngay mọi việc. Tôi nói với ba rằng, thịt cóc ngon hơn cả thịt con công, dù tôi chưa 1 lần được ăn thịt con công! Từ đó, đêm đêm, tôi ra đồng cùng ba. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những đêm trăng, ba nắm tay tôi đi dọc con mương thơm mùi hoa dại. Đó mãi mãi là kỷ niệm êm đềm và đẹp nhất trong cuộc đời tôi.
Thương tôi nhưng ba cũng rất nghiêm khắc. Những bài học làm người đầu tiên tôi đều học từ ba. Nhà tôi ở bên cạnh cánh đồng. Ở đó, người ta trồng rất nhiều bắp. Với những đứa trẻ suốt ngày ăn cơm độn sắn như chúng tôi, bắp luôn là thức ăn đầy hấp dẫn. Buổi tối, lũ trẻ trong xóm thường rủ nhau đi ăn trộm bắp. Hai chị em tôi cũng nhập cuộc. Chiến lợi phẩm của chúng tôi là 3 trái bắp hạt còn ngậm sữa. Sợ ba, 2 chị em tôi cuộn chúng vào chăn đợi sáng mai ba đi làm sẽ đem ra xử lý. Sáng hôm sau, vừa thức dậy, chúng tôi đã thấy ba đã cầm trên tay 3 trái bắp. Ba hỏi: «Của ai đây?». Hai chị em tôi mặt mày xanh lét, nói không nên lời. Ba bắt chúng tôi quì xuống rồi hỏi tiếp: «Nếu các con tự tay gieo trồng, vất vả chăm sóc, chưa kịp thu hoạch đã bị người ta cướp mất, các con có buồn không?». Ba tiếp lời: « 2 đứa đem đi trả cho người ta rồi xin lỗi họ đi». Chúng tôi oà khóc. Ba dứt khoát: «Lúc đi ăn trộm, 2 đứa có sợ không? Các con phải có trách nhiệm với việc mình làm». Rồi ba dẫn chúng tôi đi trả lại cho chủ vườn bắp.
Tết sắp đến, thế mà trong nhà tôi vẫn chưa chuẩn bị được gì. Bàn thờ tổ tiên trống không. Buổi tối, một bác nông dân đứng tuổi đem đến biếu ba 2 gói bánh. Chị em tôi hào hứng lắm. Thế là ngày mai chúng tôi sẽ có bánh ăn. Thế nhưng, ba dứt khoát từ chối. Bác nông dân ra về, tôi hỏi: «Răng ba không nhận? Con thích ăn bánh lắm». Ba nhìn chúng tôi dịu dàng: «Các con không thấy áo bác ấy bị rách à? Bác ấy nghèo hơn cả mình. Con bác ấy chắc là cũng thích ăn bánh như các con».
Hai chị em tôi dần lớn lên, ba vẫn luôn ở bên cạnh chúng tôi. Học đại học, những ngày mưa gió, ba vẫn đến trường đón tôi tan học. Chị tôi học xa nhà, không có tuần nào ba quên gửi quà cho chị. Tôi ở bên cạnh ba từ bé nên được ba chăm sóc kĩ hơn. Sợ tôi bị tai nạn hay gặp điều gì bất trắc, ba không cho tôi đi chơi với bạn, không cho tôi cắm trại, đi dã ngoại... Ba đã quên mất một điều, tôi không còn là một cô bé con nữa. Tôi cô đơn trong vòng tay của ba. Tôi nói thật nhiều, cười thật nhiều nhưng tôi lại không có bạn. Nói đúng hơn, tôi không thích có bạn. Kết bạn với ai đó một vài ngày, tôi trở chứng, không thích nữa. Hình như, bạn bè cũng không thích tôi vì tôi nhạt nhẽo, thất thường… Có lúc, tôi thấy mình tuyệt vọng! Tôi trách ba nhưng cũng thương ba thật nhiều bởi tôi rất hiểu ba...
Chị tôi lấy chồng xa, trước mỗi bữa ăn ba đều nhắn tin cho chị. Có lúc nhớ chị, mặt ba buồn rười rượi. Thấy ba như vậy, nghĩ đến chuyện lấy chồng, tôi lại sợ.
Tốt nghiệp, tôi chọn cho mình nghề báo. Ba thấp thỏm theo từng bước chân tôi. Không có số báo nào ba không đọc. Ba đề ra chỉ tiêu cho tôi là 1 tuần phải có 2 bài. Số báo nào có bài tôi ba cất giữ cẩn thận. Tôi đi làm xa, đích thân ba chở đi. Những khi bận, ba nhờ người quen chở hộ. Không bao giờ ba để tôi đi làm xa một mình. Bữa cơm, dù tôi có đi làm về trễ ba vẫn ngồi chờ. Thay vì hạnh phúc, tôi lại luôn cảm thấy có áp lực đè nặng lên vai. Nhiều khi phải làm việc buổi tối, đầu óc tôi như chia làm 2, một nửa để ở công việc, một nửa để ở ba. Tôi thường khóc thầm vì cảm thấy mình mệt mỏi.
Những chuyện buồn cùng một lúc ùa đến. Tôi không đứng vững, muốn bỏ nghề, bỏ mảnh đất này đi thật xa. Nhưng chính ngay trong lúc tôi muốn rời xa Huế nhất, tôi hiểu rằng, suốt đời, tôi không thể rời xa ba. Tôi không kể với ba nhưng hình như ba hiểu hết. Buổi tối, ba ôm tôi vào lòng như hồi còn bé, ba nói: «Phải can đảm, mạnh mẽ lên».
Tình cảm của ba và tôi đặc biệt là thế nhưng giữa cha con tôi thường xảy ra xung đột. Mẹ than phiền: «Nhà chỉ có hai cha con mà lúc mô cũng có chuyện!». Tôi có tật giận dai, thế là, ba luôn là người làm lành trước.
Tôi biết, đến một lúc nào đó ba sẽ bỏ tôi mà đi nhưng tôi không ngờ ba lại đi sớm và đột ngột như thế. Đến tận bây giờ tôi vẫn không tin điều đó là sự thật. Tôi cứ nghĩ, ba đang đi công tác xa, rồi ba sẽ về. Có hôm bệnh, sốt cao, trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy ba ngồi cạnh giường suốt đêm, tay đặt trên trán tôi. Mẹ kể, trước ngày ba qua đời, ba nói với mẹ rằng, ba thương chị lấy chồng xa, không ở cạnh người thân nhưng người ba không yên tâm nhất vẫn là tôi vì với ba, tôi chưa bao giờ lớn. Tôi khóc. Con đường phía trước mắt tôi vẫn còn dài lắm, làm sao tôi biết được nó có chông gai, có gập ghềnh hay không. Tôi muốn nói với ba rằng: ba cứ yên tâm, vì bước qua được những chông gai ấy, chắc chắn con sẽ lớn lên…
L.H