NHÀ VĂN TRIỀU NGUYÊN
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6611
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Triều Nguyên,
hội viên Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam.
Chủ tịch Chi Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam Thừa Thiên Huế.
.
,.
.
.
.
,
.
.
.
.
.
.
.
ĐẶC ĐIỂM CỦA LỜI ĐỐ TRONG CÂU ĐỐ NGƯỜI VIỆT
TRIỀU NGUYÊN
Câu đố gồm hai bộ phận: vật đố và lời đố. Mỗi bộ phận có các đặc điểm riêng. Bài viết này xem xét đặc điểm của lời đố, trên cơ sở 2000 câu đố người Việt được khảo sát .
Lời đố là một văn bản bằng văn vần, nhằm thể hiện vật đố theo bốn phương thức: tả thực, chuyển trường, chơi chữ và tá ý.
II. Lời đố xét về nội dung và đặt trong quan hệ với vật đố, có hai đặc điểm nổi bật, đó là tính xác thực và tính lạ hoá.
1. Tính xác thực của lời đố
A. Lời đố, trong quan hệ với vật đố, phải xác thực, hợp lẽ. Những chi tiết được nêu trong lời đố là những cơ sở để suy ra vật đố. Không phải các đặc điểm của vật đố (hình dáng, cách tác động, công dụng,...) đều được lời đố nêu hết, mà chỉ một vài chi tiết trong số chúng được lựa chọn. Nhưng khi đã nêu, thì các chi tiết ấy phải tương ứng một cách xác thực với vật đố (tức thông tin chứa đựng trong lời đố, so với vật đố, có thể thiếu chứ không được thừa, và chúng đều hợp lẽ).
B. Tính xác thực của lời đố được thể hiện qua các yếu tố hướng đến vật đố: 1) Yếu tố chỉ định tổng loại, đó là cái (hay con, cây,...) gì; 2) Yếu tố chỉ nơi chốn sinh thành, hay phát huy tác dụng; 3) Yếu tố chỉ thời gian phát sinh, phát triển; 4) Yếu tố chỉ công dụng, chức năng; 5) Yếu tố miêu tả vóc dáng, tính chất, hoạt động.
a. Yếu tố chỉ định tổng loại, đó là cái (hay con, cây,... ) gì
Yếu tố chỉ định tổng loại thường đặt ở đầu (có khi nằm cuối) lời đố, khiến lời đố trở thành một câu hỏi. Thí dụ:
- “Cái gì dạo phố dưới xuân,
Đi đầu xuống đất, chọc chân lên trời ?” (cái đinh giày);
- “Con gì vỗ cánh bay nhanh,
Không đẻ trứng lại đẻ thành con ngay?” (con dơi);
- “Cây gì đông héo, hè tươi,
Hoa làm chong chóng giữa trời đuổi nhau;
Mối mọt quen thói đục vào,
Gặp ngay chất đắng, buồn rầu nhả ra ?” (cây xoan);
- “Hòn gì bằng đất nặn ra,
Xếp vào lò lửa nung ba bốn ngày;
Khi ra má đỏ hây hây,
Mình vuông chăn chắn, đem xây cửa nhà?” (hòn gạch);
- “Hoa gì quả quyện với trầu,
Để cho câu chuyện mở đầu nên duyên?” (hoa cau);
- “Quả gì ăn chẳng được nhiều,
Nhưng mà nhìn thấy, bao nhiêu người thèm?” (quả chanh);
- “Thân dài lưỡi cứng là ta,
Hữu thủ vô túc, đố là cái chi?” (cái cuốc);...
Quan hệ giữa lời đố và vật đố kiểu hỏi - đáp, rất chặt chẽ (Cái gì? - Cái đinh giày. Quả gì? - Quả chanh...).
Ngoại lệ được tìm thấy ở một vài trường hợp, tuy lời đố hỏi “con chi”, “chim chi” nhưng lời giải lại là cái (một công cụ, dụng cụ); như:
- “Con chi đầu khỉ đuôi lươn,
Ăn no tắm mát, lại trườn lên cây?” (cái gáo bằng sọ dừa);
- “Chim chi sắc mỏ, cao mồng,
Chim chi không cánh không lông mình trần?” (cái rìu) .
b. Yếu tố chỉ nơi chốn sinh thành, hay phát huy tác dụng
Yếu tố chỉ nơi chốn sinh thành hay phát huy tác dụng của vật đố, được nêu một cách rõ ràng ở lời đố, thường gặp là: trong nhà, gần nhà, đường cái, trong bụi (thuộc vườn nhà hay cạnh lối đi), dưới hồ ao, ngoài đồng, trên núi, bên Tàu,... Thí dụ:
- “Trong nhà có bà ăn cơm trắng?” (bình vôi);
- “Cây gì không lá, không chân,
Mình vàng, không rễ, ở gần nhà ta?” (cây rơm);
- “Bằng trự tiền,
Nằm nghiêng trong bụi” (rau má);
- “Quê em ở chốn ao tù,
Vượt qua mặt nước, võng dù thấp cao;
Đến ngày mở mắt ra chào,
Soi gương mới biết tự hào tốt tươi” (cây sen);
- “Bằng con bò, nằm co giữa ruộng” (cái mả);
- “Cây bên đông có bông không trái,
Cây giữa đường cái, có trái không hoa,
Cây ở trong nhà, có hoa không quả” (cây lau, cây đa, cây đèn).
Yếu tố nơi chốn có thể được dùng kết hợp để cùng xác định vật đố; chẳng hạn:
- “Mình tròn trùn trụn,
Răng nhọn như chông.
Trong nhà ngồi không,
Ra ngoài đồng nhảy chôm chổm” (cái nơm);
- “Vốn nó thì ở rừng xanh,
Đem về hạ bạn kết thành một đôi;
Ra đường kẻ trước người sau,
Về nhà thì ấp lấy nhau mà nằm” (đôi quang);
- “Mình như quả cà sứt tai,
Đàng Trong thì có, Đàng Ngoài thì không” (bánh trôi);
- “Cái trống mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có, bên Tàu thì không” (cái váy).
c. Yếu tố chỉ thời gian phát sinh, phát triển
Thời gian phát sinh, phát triển của vật đố được lời đố thể hiện theo trình tự, xác thực. Thí dụ:
- “Khi nhỏ, em mặc áo xanh,
Khi lớn bằng anh, em thay áo đỏ” (quả ớt)
(quả ớt khi non có màu xanh, khi chín có màu đỏ);
- “Con gì,
Mới sinh ra thì là con sên,
Sau hoá ra con bướm,
Lại hoá thành con công,
Công lại thành lừa,
Lừa hoá ra cáo,
Cáo biến thành con khỉ?” (con người ta)
(sự chuyển biến về hình vóc và tính khí con người từ lúc mới sinh đến lúc về già);
- “Khi xưa em đỏ hồng hồng,
Em đi lấy chồng, em bỏ quê cha.
Ngày sau tuổi hạc về già,
Quê chồng em bỏ, quê cha lại về” (cái nồi)
(con đường sinh thành - huỷ diệt của cái nồi);...
d. Yếu tố chỉ công dụng, chức năng
Có một số lời đố có yếu tố chỉ công dụng, chức năng của vật đố. Đây là công dụng, chức năng xác định, đúng như vật đố vốn có. Thí dụ:
- “Cái gì bao phủ khắp nơi,
Không mùi không sắc mà ai cũng cần?” (không khí);
- “Cây to lá nhỏ chiền chiền,
Non ăn, già bán lấy tiền mà tiêu” (cây tre);
- “Con gì có đuôi, có lông,
Trẻ già trai gái đều cùng mang theo” (con mắt);
- “Một chắc mà giữ hai nhà,
Chị em không có, ruột rà cũng không” (máng xối);
- “Đầu là sắt, đuôi là gỗ,
Không có nó, củi không thành” (cái búa bổ củi);
- “Xương sườn, xương sống,
Không có thịt, có da;
Chim đậu ở trên lưng,
Guốc đi ở dưới bụng.
Giúp ích cho người ta,
Khỏi trần truồng như nhộng” (khung cửi);
- “Có chân mà chẳng biết đi,
Có mặt phẳng lì cho kẻ ngồi trên” (cái ghế);
- “Mặt như cái thớt, mình như cái mai;
Cái răng khấp khiểng, cái tai thẳng đờ.
Khi bài phú, khi ngâm thơ,
Khi cúng ông nọ, khi thờ bà kia” (cây đàn nguyệt);...
e. Yếu tố miêu tả vóc dáng, tính chất, hoạt động
Miêu tả vóc dáng, tính chất, hoạt động của vật đố có thể xem là yêu cầu cơ bản của lời đố. Các chi tiết được miêu tả tương ứng với các chi tiết của vật đố. Thí dụ:
- “Bằng trái cau,
Lau chau đi trước” (ngón chân cái);
- “Cây lum tum, lá loe toe,
Mùa đông úp lại, mùa hè nở ra” (cây sen);
- “Lá xanh, cành đỏ, hoa vàng,
Hạt đen, rễ trắng; đố chàng cây chi?” (rau sam);
- “Con gì cánh mỏng, đuôi dài,
Lúc bay lúc đậu cánh thời đều giương?” (con chuồn chuồn);
- “Không ăn mà mổ cuống cuồng,
Mệt nhoài đứng chống, ra tuồng dửng dưng” (cái chày đạp giã gạo);
- “Cây khô mà nở được hoa,
Đậu được một quả, khi già khi non” (cái cân xách);
- “Chặt không đứt,
Bứt không rời,
Phơi không khô,
Chụm không đỏ” (nước);...
C. Tính xác thực của lời đố cũng được thể hiện qua một số câu đố có lời giải là sự vật sóng đôi, sóng ba. Ở trường hợp này, lời đố vừa thể hiện sự chung cùng giữa chúng trong tổng thể, đồng thời cũng có những phân định trong việc miêu tả sao cho tương ứng với từng sự vật riêng lẻ.
Thí dụ:
- “Tám xóm nhóm lại hai phe,
Chặt phần cây tre, bắc cầu một cột” (đôi quang và chiếc đòn gánh)
(Dòng đầu tả “đôi quang” - hai chiếc, mỗi chiếc bốn tao; dòng sau tả “chiếc đòn gánh” - bằng tre, nằm trên vai người);
- “Bốn bên thành hiểm luỹ cao,
Có một thằng trọc nhảy vào nhảy ra” (cái thùng và cái gáo múc nước)
(Dòng đầu tả “cái thùng” đựng nước, dòng sau tả cái gáo múc nước);
- Hai anh cùng giống cùng nòi,
Anh thích ngồi trốc, anh đòi cõng chơi.
Gió sương, mưa nắng mặc trời,
Từ xưa vốn bạn không rời nhà nông” (cái nón và cái tơi)
(Nửa đầu dòng hai chỉ “cái nón”, nửa cuối dòng hai chỉ “cái tơi”; ba dòng còn lại nêu đặc điểm chung của tơi và nón);
- “Ba bà đi chợ Cầu Nôm:
Bà đi sau rốt luôn mồm “Nhanh lên!”,
Bà đi trước thì thiếu hàm trên,
Bà đi giữa thì thiếu hàm dưới,
Chỉ bà đi cuối là đủ hai hàm!” (người đi bừa, con trâu và cái bừa);
(Dòng hai và dòng cuối chỉ “người (đi bừa)”, dòng ba chỉ “con trâu”, dòng bốn chỉ “cái bừa”; riêng dòng đầu chỉ sự phối hợp của ba đối tượng trên);
D. Tính xác thực của lời đố còn được tìm thấy trong việc xử lí một hình ảnh có khả năng biểu thị nhiều đối tượng. Trường hợp này, lời đố dùng cách phủ định một (hoặc một vài) đối tượng có thể được liên tưởng đến, để chỉ còn để lại một đối tượng duy nhất làm lời giải. Thí dụ:
- “Hai chân đứng,
Hai chân quỳ,
Cái bụng chì ì;
Cấm nói con cóc?” (con ếch);
- “Đi nhăn răng, về nhăn răng;
Ai bảo cái bừa,
Xin thưa đúng mà chưa đúng!” (cái cào cỏ);
-“Xung quanh là nước mênh mông,
Tự nhiên ở giữa nhô lên một hòn;
Dạng hình giống núi giống non,
Không gọi non, núi, đố hòn gì đây?” (hòn đảo);
- “Đá bên đá, nước chảy ra,
Rì rào róc rách khúc ca nhạc rừng;
Gọi sông, gọi suối: xin đừng!
Đố các bạn, đố em cưng, gọi gì?” (con khe);...
2. Tính lạ hoá của lời đố
Tính lạ hoá được thể hiện ở sự phong phú, đa dạng của các lời đố khác nhau về cùng một vật đố, và sự khác thường của hình ảnh, của cấu tạo ngữ pháp ở một lời đố.
A. Có nhiều sự vật trở thành vật đố của một loạt các lời đố khác nhau. Chẳng hạn, có 16 câu đố về cua, ghẹ, 15 câu đố về cái cối xay lúa, 14 câu đố về quả ngô, 13 câu đố về mặt trăng, 12 câu đố về con trâu, 11 câu đố về cái ống điếu,...
Sự vật trong trường hợp này được biểu hiện bằng nhiều góc nhìn khác nhau, nên đường nét về vóc dáng và cả sự bình giá cũng khác biệt.
Dưới đây là một số trích dẫn:
+ Một số lời đố về con cua, ghẹ:
- “Tám sào chống cạn,
Hai nạng chống xiên,
Con mắt láo liên;
Cái đầu không có!”;
- “Tám thằng dân vần cục đá tảng,
Hai ông xã xách nạng chạy theo”;
- “Lạ lùng là lạ lùng thay,
Nằm ngủ ban ngày để lạ lùng ra.
Lạ lùng có mỏ đề ra,
Câu lơn câu tiện có nhà ngói xanh.
Lạ lùng có bức mành mành,
Câu lơn câu tiện có anh lái thuyền”;..
+ Một số lời đố về cái cối xay lúa:
- “Lù lù mà đứng góc nhà,
Hễ ai đụng đến thì oà khóc lên”;
- “Ông nằm dưới trỏ ngóc lên,
Bà nằm trên rên hừ hừ”;
-“Cô kia con cái nhà ai,
Mình to, họng nhỏ, lỗ tai đeo trằm;
Đứng bên nghe tiếng ầm ầm,
Vừa múa vừa hát, rầm rầm mưa rơi”;...
+ Một số lời đố về cái đèn dầu:
- “Mình bằng con sâu,
Nhà ba căn hai chái, thò đầu thò đuôi”;
- “Nước vào sông Đáy,
Lửa cháy non cao;
Đêm dài hiu hắt gió xao,
Sông sâu nước cạn, non cao lửa tàn”;
- “Đồng bạc, nước vàng,
Con rắn nằm ngang,
Lấy sào mà chọc,
Nó ngóc đầu lên”;...
+ Một vài lời đố về con gà trống:
- “Chân đạp miền thanh địa,
Đầu đội mũ bình thiên;
Mình thì bận áo mã tiên,
Ban ngày đôi ba vợ, tối nằm riêng kêu trời”;
- “Trên đầu đội sắc vua ban,
Dưới thời yếm thắm, dây vàng xum xoe.
Thần linh đã gọi thì về,
Ngồi trên mâm ngọc, gươm kề sau lưng”;...
+ Một vài lời đố về chiếc nón:
- “Nắng lửa mưa dầu ta không bỏ bạn,
Tối lửa tắt đèn bạn lại bỏ ta”;
- “Không phải gàu mà dùng để tát,
Không phải quạt cũng để giải nồng,
Không phải nong mà dùng để đựng,
Không phải mũ cũng để đội đầu”;...
+ Một vài lời đố về cây hương:
- “Chân đỏ mình đen,
Đầu đội hoa sen,
Lên chầu Thượng đế”;
- “Hai người xưa ở hai non,
Bây giờ họp lại như con một nhà,
Kẻ làm xương, người làm da,
Phép linh biến hoá còn là một chân”;...
B. Ở trên là sự lạ hoá xét từ mối quan hệ giữa các lời đố với cùng một vật đố. Tất nhiên, không phải bất kì một sự vật, hiện tượng nào khi trở thành vật đố đều có nhiều lời đố, do vậy mà đặc điểm lạ hoá cần được xét từ cấu tạo của lời đố. Ở đó, tính lạ hoá được thể hiện bằng những miêu tả khác thường, chúng tạo nên những hình ảnh kì dị so với thế giới hiện thực; đồng thời, cũng được thể hiện bởi những kết hợp không bình thường về mặt ngữ pháp.
a. Tính lạ hoá được thể hiện bằng những miêu tả khác thường, tạo nên những hình ảnh kì dị:
- “Vừa bằng thằng bé lên ba,
Thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng” (bó mạ);
- “Yếm nàng nịt, áo nàng gài,
Nàng yêu ai, nàng quẹo đít?” (con ốc);
- “Cây boè xoè,
Lá boè xoè,
Có thằng què,
Nằm ở giữa” (cây dứa);
- “Có cây mà chẳng có cành,
Có hai ông cụ dập dềnh hai bên” (cây ngô);
- “Mình thì một tấc,
Da trắng như ngà,
Đội mũ hồng hoa,
Chân đi có một” (giá đậu đỏ);
- “Hai cô ra tắm một dòng,
Cởi áo tắm trần để lộ màu da:
Một cô da trắng như ngà,
Một cô lại có màu da đỏ hồng.
Giữa cơn nắng hạ oi nồng,
Quần rơi trễ xuống, lộ mông dậy thì.
Cùng là hai bạn nữ nhi,
Cớ sao lại thấy rậm rì râu ria?” (hoa sen và hoa súng);
- “Con trâu chết rục,
Nằm giữa đất đai;
Một đường xương sống dài,
Hai đống xương sườn nát” (tàu dừa mục);
- “Thân hình thì chết đã lâu,
Mà hai con mắt, bộ râu hãy còn” (gốc tre khô);
- “Mắt gì cách gối hai gang,
Đem ra trình làng, chẳng biết chuyện chi;
Sinh ra cái giống dị kì,
Lưng nằm đằng trước, bụng thì phía sau?” (cẳng và mắt cá chân);
- “Con chi:
Đánh thắng ông vua,
Đánh thua thầy chùa?” (con chấy)
(Đầu vua có tóc như người bình thường, nên chấy bám được; đầu thầy chùa nhẵn bóng, chấy phải “thua”);
- Con đánh mẹ,
Mẹ van làng;
Đến khi làng ra,
Con chui bụng mẹ!” (cái dùi và cái mõ)
(Loại mõ để rao làng, bằng gốc hay gióng tre, dùi có thể bỏ được vào bên trong);
- “Trâu ăn trên đỉnh, trâu no,
Bò ăn dưới đỉnh, bò đói,
Nước chảy quanh suối,
Trâu đói bò no” (cối xay bột)
(Dòng 1 chỉ thớt trên, dòng 2 chỉ thớt dưới. Thoạt đầu, thớt trên đầy vật đem xay: “trâu no”, thớt dưới không có gì: “bò đói”; xay một hồi, thớt trên hết vật đem xay: “trâu đói”, trong lúc thớt dưới lại tràn đầy: “bò no”); .
b. Tính lạ hoá còn được thể hiện hiện bởi những kết hợp không bình thường về mặt ngữ pháp, thường gặp là sự đánh lẫn đối tượng ở vai chủ thể của một hành động. Thí dụ:
- “Đi thì nằm, nằm thì đứng” (bàn chân)
(Đã đi thì không thể nằm, cũng như đã nằm thì không thể đứng. Nhưng ở đây, chủ thể của “đi” và “nằm2” là người, chủ thể của “nằm1” và “đứng” là bàn chân (và “nằm1” là có bề mặt tiếp xúc lớn nhất theo phương song song với mặt đất – “đứng” thì ngược lại, có bề mặt tiếp xúc bé theo phương thẳng góc với mặt đất - khác với “nằm2” là ngả thân mình trên một vật nào đó, thường để nghỉ), nên lại có thể. Điều tạo nên sự không thể lẫn có thể bất thường này, chính là kiểu câu: X thì Y, X thì Y - với chủ thể của X, X khác với chủ thể của Y, Y , và X trái nghĩa với X , Y trái nghĩa với Y ).
- “Mặc áo xanh, đội nón xanh;
Đi quanh một vòng,
Mặc áo trắng, đội nón trắng!” (quả cau khi róc vỏ)
(Chủ thể của “đi quanh một vòng” là kẻ “mặc áo xanh, đội nón xanh”, nhưng chủ yếu là người dùng dao để róc vỏ cau; vì bấy giờ, hành động của người là chủ động tạo kết quả còn sự vận động của kẻ “mặc áo xanh, đội nón xanh” chỉ là hình thức bị động nhận chịu. Chủ thể người (róc cau) bị ẩn đi, khiến lời đố trở nên kì lạ);...
III. Tóm lại, nếu yêu cầu xác thực là những nấc thang dùng cho việc thu hái vật đố, thì yêu cầu lạ hoá lại làm cho những nấc thang ấy trở nên kì dị, huyền ảo (người trèo có thể bị chệch lối hoặc vấp ngã). Hai đặc điểm xác thực và lạ hoá có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau. Chúng phần nào cho thấy đặc trưng của thể loại câu đố.
T.N
(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)
-----------------------------
Về đặc điểm của vật đố, xem: Triều Nguyên; “Đặc điểm của vật đố trong câu đố người Việt”; Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 10 (132) - 2006; tr 7-10.
Bốn cách này được trình bày trong bốn bài viết. Có ba trong số bốn bài ấy đã công bố: 1) Triều Nguyên; “Các hình thức chơi chữ trong câu đố”; trong: Thông báo Văn hoá dân gian 2002 (Kỉ yếu Hội nghị Thông báo Văn hoá dân gian năm 2002, do Viện Nghiên cứu Văn hoá tổ chức), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr 738-751; 2) Triều Nguyên; “Câu đố dùng cách tá ý”; Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3-2006; tr 55-62; 3) Triều Nguyên; “Câu đố dùng cách tả thực”; Tập san Nghiên cứu Văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế (Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế), số 12-2006; tr 54-65.
Cái gáo khi múc nước xong thường mắc vào một cái cọc bên cạnh lu, vại.
Phân biệt ngoại lệ này với trường hợp các từ chỉ tổng loại, chỉ họ thường gặp trong thế giới sinh vật cũng được dùng với đồ vật; chẳng hạn:
- “Cây chi nhánh sắt, cội ngà,
Đố chàng nho sĩ biết là cây chi?” (cây ô);
- “Con chi không ăn, không nói, không cười,
Nghiêng lưng mà chịu với người hôm mai” (con đà lót ván, sập ngựa).
Gà trống được luộc nguyên con để cúng thần linh; khi cúng, thường đặt con dao ở phía sau.
Những trích dẫn câu đố ở đây nhằm trình bày các hình ảnh khác thường để minh hoạ cho đặc điểm lạ hoá được nêu. Còn cơ chế, cách thức tạo ra loại hình ảnh này, người viết sẽ trình bày trong một bài viết khác.
Trong trường hợp này, là trái nghĩa ngữ cảnh..
CÂU ĐỐI CHƠI CHỮ THEO CÁCH CÙNG NGHĨA
TRIỀU NGUYÊN
Từ ngữ cùng nghĩa là những từ ngữ gần nhau về ý nghĩa, nhưng khác nhau về âm thanh. Có ba kiểu cùng nghĩa trong tiếng Việt, là cùng nghĩa giữa từ ngữ thuần Việt (TV) với từ ngữ thuần Việt, cùng nghĩa giữa từ ngữ thuần Việt với từ ngữ Hán Việt (HV), và cùng nghĩa giữa từ ngữ Hán Việt với từ ngữ Hán Việt. Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa, có hai hình thức: tạo các từ ngữ cùng nghĩa xuất hiện trên cùng một văn bản ngắn; và cách cùng nghĩa có kết hợp với các hình thức chơi chữ khác.
1. Câu đối chơi chữ theo cách tạo các từ ngữ cùng nghĩa xuất hiện trên cùng một văn bản ngắn
Cách chơi chữ này thường dựa trên cơ sở cùng âm. Góp nhần nhận ra hiện tượng cùng nghĩa, có thể nhờ vào yếu tố cùng trường ở vị trí đối ứng. Ví dụ:
* Trồng môn trước cửa;
Bắt ốc sau nhà .
Các cặp cùng nghĩa HV–TV: “môn” – “cửa”; “ốc” – ”nhà”. Trong ngữ cảnh thuận, “môn”, “ốc” là tên cây, tên con vật (TV); chúng chuyển thành từ HV để tương ứng với “cửa”, “nhà”, theo cách cùng nghĩa (để chơi chữ). Sự chuyển nghĩa này được nhận ra do hiện tượng cùng trường: “cửa” – ”nhà” .
* Thủ thỉ chén đầu lợn;
Hung hổ vỗ bụng hùm.
“Thủ thỉ”, “hung hổ” (HV, cấu tạo theo ngữ pháp tiếng Việt), cùng nghĩa với “đầu lợn”, “bụng hùm” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, chúng là những từ thuần Việt (“thủ thỉ”: (ăn nói) nhỏ nhẹ, từ tốn; “hùng hổ”: (thái độ) nóng nảy, dữ tợn).
* Da trắng vỗ bì bạch;
Rừng sâu mưa lâm thâm.
“Da trắng” (TV) cùng nghĩa với “bì bạch” (HV). Trong ngữ cảnh thuận, “bì bạch” là từ tượng thanh; nó chuyển thành ngữ “bì bạch” (HV, cấu tạo theo ngữ pháp tiếng Việt –lẽ ra phải “bạch bì”), do sự xuất hiện của “da trắng”, nhằm đạt cùng nghĩa, trên cơ sở cùng âm (nếu đổi lại, “da đen vỗ bì bạch” chẳng hạn, thì nghĩa theo ngữ cảnh thuận không thay đổi, nhưng chuyện chơi chữ biến mất). Tương tự, “rừng sâu” (TV) cùng nghĩa với “lâm thâm” (HV). Ở ngữ cảnh thuận, “lâm thâm” là từ tượng hình; nó chuyển thành ngữ “lâm thâm” (HV), do sự có mặt của “rừng sâu”, trên cơ sở cùng âm, để tạo ra hiện tượng chơi chữ cùng nghĩa.
Có một số vế đối lại (thay vế dưới) khác: Mũi thấp hun tị ti, Trời xanh màu thiên thanh, Giếng nhỏ bé tỉnh tinh,... Chúng không chỉnh bằng (do nhiều yếu tố, nhưng yế tố cơ bản, là ở vị trí đối ứng với “bì bạch”, không sử dụng được từ tượng thanh).
* Cuốc xuống ao uống nước;
Gà vào vườn ăn kê.
“Cuốc” (quốc), “kê” (HV), cùng nghĩa với “nước” (nước nhà), “gà” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, “cuốc” là con chim cuốc, “kê” là loài cây (hạt kê thường dùng để nấu chè), “nước” là thức uống.
* Sửa nhà, gia đình ra sân;
Cứu nước, quốc hội phải họp.
Các cặp cùng nghĩa HV–TV: “gia” – “nhà”, ”đình” – “sân”; ”quốc” – “nước”, ”hội” – “họp”.
* Dưới sông, hà bá là chúa;
Trên đất, thổ công làm trùm.
Các cặp cùng nghĩa HV–TV: “hà” 2 “sông”, “bá” 2 “chúa”, “thổ” 2 ”đất”, “công” 2 “trùm”.
* Nấu đậu phụ cho cha ăn;
Sắc ích mẫu cho mẹ uống.
“Phụ”, “mẫu” (HV), cùng nghĩa với “cha”, “mẹ” (TV). “Phụ”, “mẫu” là các từ tố của “đậu phụ” (một nguyên liệu để chế biến thức ăn), “ích mẫu” (một cây thuốc thường dùng để chữa bệnh cho phụ nữ), được tách ra để hình thành lối chơi chữ cùng nghĩa, trên cơ sở cùng âm.
Một vế đối lại khác: Lấy mắm tôm cho mẹ chấm. Đem “mắm tôm” đối với “đậu phụ” có vẻ sát hợp hơn, chúng đều là những món ăn thường dùng; duy cách cùng nghĩa “tôm” với “mẹ” thì không tương ứng theo lối HV–TV của vế ra, lại không ổn về nghĩa –”tôm” thường được dân gian sử dụng như một biểu tượng chỉ phụ nữ nói chung, có ý tục, dùng với mẹ thì xấc.
* Chuồng gà kê áp chuồng vịt;
Cá diếc tức phường cá mè.
“Kê”, “áp”, “tức”, “phường” (HV), cùng nghĩa với “gà”, “vịt”, “diếc”, “mè” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, “kê” là đặt, xếp đặt (vật dụng); “áp” là (đặt) sát vào; “tức” là giận, bực; “phường” chỉ tầng lớp người cùng làm một việc, một nghề (hoặc: lũ, bọn), là những từ TV. Do xuất hiện cùng nghĩa, chúng chuyển thành từ HV, theo cách cùng âm TV–HV.
* Đứng giữa làng Trung Lập;
Dấy trước phủ Tiên Hưng.
“Đứng giữa”, “dấy trước” (TV), cùng nghĩa với “trung lập”, “tiên hưng” (HV –vốn tách theo cách cùng âm với hai địa danh Trung Lập, Tiên Hưng, thuộc tỉnh Thái Bình). Vế ra của quan huấn đạo, vế đối lại là của Kì Đồng (Nguyễn Văn Cẩm).
* Ô! Quạ tha gà;
Xà! Rắn bắt ngoé.
“Ô”, “xà” (HV), cùng nghĩa với “quạ”, “rắn” (TV). Trong ngữ cảnh thuận, “ô”, “xà” là những từ cảm thán.
* Hương ngũ vị năm mùi thơm chửa?
Đèn tam tinh ba ngọn sáng sao!
“Ngũ vị”, “tam tinh”, cùng nghĩa với “năm mùi”, “ba ngọn (sao)”; “vị”, “tinh” cũng có nghĩa là “chửa” (chưa), “sao”.
Có vế đối lại khác: Hồ bán nguyệt nửa tháng trông trăng. “Bán nguyệt” cùng nghĩa với “nửa tháng”; “nguyệt” cũng có nghĩa là “trăng”.
* Con rể nết na xem tử tế;
Ông chồng cay đắng kể công phu.
“Tử tế”, “công phu” (HV, cấu tạo theo ngữ pháp tiếng Việt), cùng nghĩa với “con rể”, “ông chồng” (TV). “Tử tế” (có đủ theo yêu cầu, không lôi thôi; có lòng tốt), “công phu” (sự hao tổn sức lực, thời gian), dùng theo ngữ cảnh thuận, là những từ có gốc HV, chuyển thành từ ngữ HV cùng âm, do xuất hiện các yếu tố TV cùng nghĩa với chúng.
* Học trò Phú Khê ăn cơm cháy;
Quan huyện Thanh Trì uống nước ao.
“Cháy”, “ao” (TV) cùng nghĩa với cùng âm “khê” (TV) của “Khê” (trong Phú Khê), với “Trì” (trong Thanh Trì), là những yếu tố HV (được tách ra theo cách cùng âm).
* Nước giếng Rồng pha chè Long Tỉnh;
Lửa cầu Rắn thắp hương Xà Kiều.
Giếng Rồng, cầu Rắn (địa danh TV), cùng nghĩa với Long Tỉnh, Xà Kiều (địa danh theo HV). Long Tỉnh, Xà Kiều đồng thời là tên chè, tên hương; nên với hai địa danh trên là cùng âm.
* Bươm bướm đậu cành sen, liên chi hồ điệp;
Gà trống mổ hạt thóc, cốc đế hùng kê.
“Bươm bướm”, “cành sen” (TV), cùng nghĩa với “hồ điệp”, “liên chi” (HV); “gà trống”, “thóc” (TV), cùng nghĩa với “hùng kê”, “cốc” (HV).
* Ao Thanh Trì nước trong leo lẻo, cá lội ngắc ngư;
Sông Ngân Hà sao bạc chan chan, vịt nằm ấm áp.
Có sáu cặp từ cùng nghĩa TV–HV: “ao”–”trì”; “trong”–”thanh”; “cá”–”ngư”; “sông”–”hà”; “bạc”–”ngân”; ”vịt”–”áp”. “Thanh”, “trì”, “ngân”, “hà” cùng âm với Thanh Trì, Ngân Hà (tên riêng); “ngư”, “áp” là từ tố của “ngắc ngư”, “ấm áp”, được tách ra trên cơ sở cùng âm để đạt yêu cầu chơi chữ. Ở đây, cũng dùng cách chơi chữ cùng trường nghĩa sở thuộc: “cá” ? “ao Thanh Trì”, “vịt” ? “sông Ngân Hà”.
* Huyện Tam Dương có ba con dê, đứng núi đá trông về Lập Thạch;
Quan Tứ Kì đi xe bốn ngựa, vâng mệnh trời ra trị Thừa Thiên.
Các cặp từ ngữ cùng nghĩa HV–TV: “tam dương”–”ba con dê”; “lập thạch” –”đứng núi đá”; “tứ kì”–”bốn (con) ngựa”; “thừa thiên” –“vâng mệnh trời” (đồng thời, “tam dương”, “lập thạch”, “tứ kì”, “thừa thiên” là bốn từ ngữ cùng âm với bốn địa danh trong câu đối).
Có một câu đối được tạo nên bằng những cặp từ đơn tiết cùng nghĩa đi liền nhau:
* Đi chi đường đạo sợ cụ;
Không vô trong nội nhớ hoài.
(tương truyền, vế ra của vua Duy Tân, vế đối lại của thượng thư Nguyễn Hữu Bài)
Các cặp cùng nghĩa TV–HV: “Đi”–”chi”; “đường”–”đạo”; “sợ”–”cụ” (vế trên); “không” –”vô”; “trong”–”nội”; “nhớ”–”hoài” (vế dưới). Các từ HV được chuyển từ cùng âm TV sang một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn đến mức khó nhận ra có sự dụng công, mà chỉ như những câu nói đầu cửa miệng.
Sau cùng, có hai vế câu đối, chưa thấy có các vế đối lại tương ứng, cùng ra đời vào dịp tết và cùng đề cập đến loài hổ báo, xin được chép ra đây:
* Đêm ba mươi tết cọp nằm nhà, xoa đầu con, beo má vợ, sẵn tương ớt, rót hổ cốt nhắm với tôm hùm, no kễnh bụng.
* Làm đại khái qua loa, nói như hùm như cọp, ông ba mươi đã lên giọng lão, chẳng sửa dần càng thêm hổ miệng. (Văn Lợi, 1986)
Loạt từ cùng nghĩa, chỉ loài hổ báo: (ông) ba mươi, cọp, beo1, hổ, hùm, kễnh (câu đầu); khái, hùm, cọp, ông ba mươi, dần, hổ (câu sau).
2. Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa kết hợp với các hình thức chơi chữ khác
a. Cùng nghĩa kết hợp với cùng âm
Đây là cách chơi chữ phức hợp, cả hai hình thức cùng nghĩa và cùng âm đều được thể hiện trên văn bản. Ví dụ:
* Kê là gà, gà ăn kê;
Âu là trẻ, trẻ ăn ấu.
“Kê1”, “ấu1” (HV), cùng nghĩa với ”gà”, ”trẻ” (TV). Có thể viết câu đối dưới dạng công thức suy luận : “kê”=”gà”, “ấu”=”trẻ”; và “kꔹ”gà”, “ấu”¹“trẻ”. Ta thấy, chúng phạm quy luật đồng nhất (đã là một thì không thể tự mình “ăn” (huỷ hoại) mình được). Để khỏi phạm luật, “kê2”, “ấu2” phải là những từ khác nghĩa với “kê1”, “ấu1” – đây là hai từ TV (gọi tên hạt kê và quả ấu).
* Lộc là hươu, hươu đi lộc cộc;
Ngư là cá, cá lội ngắc ngư.
“Lộc”, “ngư” (HV), cùng nghĩa với “hươu”, “cá” (TV). Các từ HV này, đồng thời, cùng âm với các từ tố “lộc”, “ngư” trong “lộc cộc”, “ngắc ngư” (TV).
Vế đối lại khác: Long là rồng, rồng chạy long đong. “Long” (HV) cùng nghĩa với “rồng” (TV), cùng âm với từ tố “long” của “long đong”.
* Cái là tượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái;
Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thầy tu.
(vế trên là của một nhà sư, vế dưới là của Hoàng Phan Thái)
Các cặp cùng nghĩa được nêu trực tiếp (cái là tượng, tượng là voi,...). Các cặp cùng âm như sau: HV-HV: “tượng” (tượng mảng) 2 ”tượng” (voi), “tu” tức “hổ” (xấu hổ) 2 ”tu” (thầy tu); HV-TV: “cái” tức “tượng” (HV, tượng mảng) 2 ”cái” (“cửa cái” –TV, cửa chính), ”hổ” (cọp) 2 “hổ” (xấu hổ).
Ở đây, có hiện tượng chuyển nghĩa bằng cùng âm, tạo sự vi phạm quy luật đồng nhất về hình thức (giả vi phạm luật đồng nhất), trong lúc thực chất là hợp logic. Có thể mô hình hoá để lí giải hiện tượng này như sau:
“Tu (T) là hổ (H), hổ là cọp (C), cọp bắt thầy tu” : T = H , H = C C T
Công thức trên biểu thị việc vi phạm luật đồng nhất (lẽ ra, phải suy thành C = T). Nhưng chỉ giả vi phạm, bởi vì “cọp” là “hổ” (con hổ), không phải là “hổ” (xấu hổ); và “hổ” (xấu hổ) này là “tu” (HV), cùng âm với “tu” (HV -trong “thầy tu”). Vì thực chất C T, “nên cọp bắt thầy tu” là hợp lẽ.
* Phụ là vợ, phu là chồng, vì chồng vợ phải đi phu;
Ngã là ta, nhĩ là mày, tại mày nên ta mới ngã.
Giai thoại về câu đối này: “Anh học trò trốn đi phu, quan bắt vợ anh ta đi thay, rồi đọc vế trên, bảo nếu đối lại hay, sẽ miễn phu cho cả hai người, và anh nọ đã đối như vậy; dù vế đối lại rất xấc, nhưng quan cũng giữ lời mà tha cho”.
Các cặp cùng nghĩa đã được nêu trực tiếp. Các cặp cùng âm như sau: “phu” (chồng) 2”phu” (phu phen, lao dịch); “ngã” (ta)2”ngã” (té ngã).
* Phụ là cha, tử là con, công cha con không dám phụ;
Mẫu là mẹ, tử là con, biết mẹ con còn nói mẫu.
Các cặp cùng nghĩa đã được nêu trực tiếp. Các cặp cùng âm: “phụ” (cha) 2 ”phụ” (phụ bạc); “mẫu” (mẹ) 2 ”mẫu” (nói mẫu: nói bông lơn, nói mỉa mai).
b. Cùng nghĩa kết hợp với cùng trường nghĩa
* Tí tận, thử tống mão;
Sửu đầu, ngưu thốn thìn.
“Tí”, “sửu”, về mặt biểu tượng, cùng nghĩa với “thử”, “ngưu”. Bên cạnh đó, “tí”, “sửu”, “mão”, “thìn” cùng trường nghĩa, thuộc thập nhị địa chi.
* Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long;
Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử.
Tương truyền, vế ra là của Thị Điểm, vế đối lại là của Trạng Quỳnh. “Rồng”, “chuột” (TV), cùng nghĩa với “long”, “thử” (HV). Vế ra có “rồng”, “rắn”, hai từ cùng trường nghĩa; vế đối lại có “(dưa) chuột”, “(dưa) gang”, cũng là hai từ cùng trường dưa quả.
* Cha con thầy thuốc về làng, gánh một gánh hồi hương, phụ tử;
Vàng bạc nhà nông chuộc đất, trồng đôi hàng thục địa, kim ngân.
(Vế trên là một vế đối cổ, vế dưới của Phan Châu Trinh)
Các cặp từ cùng nghĩa TV–HV: “cha con” – ”phụ tử”; “về làng”–”hồi hương”; “vàng bạc” – ”kim ngân”; “chuộc đất” – ”thục địa”. Chúng cùng âm với các tên gọi vị thuốc “hồi hương”, “phụ tử”,... Bên cạnh đó, “hồi hương”, “phụ tử”, “thục địa”, “kim ngân” lập thành một trường về các vị thuốc, phù hợp với nghề thuốc và nhà nông trồng cây thuốc.
* Giậu rào mắt cáo, mèo chui lọt;
Rổ nức lòng tâm, tép nhảy qua.
(vế trên chưa rõ tác giả; vế dưới, tương truyền của Nguyễn Huy Lượng)
Câu đối có các cặp cùng nghĩa: “giậu”–”rào”; “lòng”–”tâm”. Đồng thời, có “cáo”,”mèo” là hai từ cùng trường nghĩa; “tôm”,”tép” cũng vậy.
c. Cùng nghĩa kết hợp với nhiều nghĩa, cùng âm, trùng điệp
* Tương truyền, Đoàn Thị Điểm có ra một vế đối, mà đến nay vẫn chưa có vế đối lại tương xứng:
Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.
Cùng nghĩa HV-TV: “song song” 12 ”hai cửa sổ”. Nhiều nghĩa: “song song” 2 vừa có nghĩa sóng đôi, ngang bằng nhau, vừa có nghĩa được thông suốt (nghĩa “sóng đôi, ngang bằng nhau” đã được Việt hoá). Cùng âm: “song song” 1 – “song song” 2. Cũng lưu ý rằng, nếu ngắt nhịp giữa “ngồi” và “trong”, thì “cửa sổ song song” lại có thể hiểu theo một cách khác, là hai lần cửa, hoặc hai cửa sổ cùng nằm trên hướng nhìn (hai người không ngồi gần nhau). Bên cạnh đó, hiện tượng trùng điệp (âm hay từ) cũng được sử dụng, chỉ có 8 âm tiết được dùng để lắp đầy cho 14 âm tiết của vế đối. ”Cái hay” ấy cũng là cái khó để có thể lựa lời đối lại.
Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa, qua các trình bày trên, là một mảng câu đối thú vị. Chúng góp phần làm phong phú diện mạo câu đối có sử dụng chơi chữ nói riêng, sự sắc sảo, hóm hỉnh của tính cách Việt nói chung.
T.N.
.
CÁCH SỬ DỤNG HÌNH ẢNH TRONG CÂU
TRIỀU NGUYÊN
I. Khái quát
Xem xét cách sử dụng hình ảnh của một thể loại văn học là yêu cầu cần có khi tiếp cận thể loại ấy. Tình hình nghiên cứu thể loại câu đố có nhiều hạn chế so với các thể loại khác của văn học dân gian, trong đó, có vấn đề hình ảnh.Bài viết này tìm hiểu hình ảnh trong hai mối quan hệ:
- Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo lối lạ hoá (gọi là tính lạ hoá của hình ảnh).
- Xét trong quan hệ với người sử dụng, một số hình ảnh được lặp đi lặp lại ở nhiều lời đố khác nhau, đã phần nào cho thấy sự nhìn nhận của dân gian về vấn đề. Hình ảnh, như vậy, đã thể hiện hay phản ánh quan niệm (gọi là tính quan niệm của hình ảnh).
Vấn đề được trình bày qua việc khảo sát 2000 câu đố người Việt mà người viết sưu tập được.
II. Miêu tả cách sử dụng hình ảnh trong câu đố
1. Tính lạ hoá của hình ảnh
a. Ở mức độ chung, trên tổng thể văn bản lời đố, tính lạ hoá được thể hiện theo hai hướng: miêu tả một vật đố bằng nhiều dạng vẻ không giống nhau; và sự miêu tả khác thường một vật đố, tạo nên một thứ kì dị.
Đọc các lời đố sau:
-“Tám sào chống cạn,
Hai nạng chống xiên,
Con mắt láo liên;
Cái đầu không có!”;
-“Tám thằng dân vần cục đá tảng,
Hai ông xã xách nạng chạy theo”;
-“Trên chữ nhất, bình phong che kín,
Dưới chữ thập, che kín bình phong;
Trên chữ phi, pháo nổ đùng đùng,
Dưới chữ tẩu, mưa bay lác đác”;
-“Thiếp đà lỗi đạo chàng ơi,
Sinh ra phận gái nằm côi bụng chồng.
Mùa hè cho chí mùa đông,
May được cái áo thì chồng mang đi.
Nợ nần kẻ kéo người trì,
Thân thiếp thiếp chịu, chẳng can chi đến chàng”.
Hai lời đầu gồm các hình ảnh liên quan đến việc chèo chống, và sự nhộn nhịp của đám người khiêng vật nặng, đều cùng đố về con cua, con ghẹ. Hai lời tiếp theo có bóng dáng của chữ nghĩa, và chuyện lỗi đạo, việc hi sinh cho chồng của người vợ, đều cùng đố về cái cối xay. Những thứ khác biệt nhau được dùng để đố về cùng một vật, khi tập hợp lại, cho thấy chúng luôn mới lạ.
Tất nhiên, không phải bất kì một sự vật, hiện tượng nào khi trở thành vật đố đều có nhiều lời đố, do vậy mà sự lạ hoá cần được xét từ cấu tạo của lời đố. Ở đó, không khó tìm thấy những miêu tả khác thường, chúng tạo nên những hình ảnh kì dị so với thế giới hiện thực. Thí dụ:
- “Mình dà mặc áo cũng dà,
Tay xách con gà, đầu đội thúng bông” (chim ó).
-“Cái đầu một tấc,
Cái đuôi một thước;
Đi một bước, nhảy một cái” (cái cuốc).
-“Cây khô mà nở được hoa,
Đậu được một quả, khi già khi non” (cái cân xách).
-“Hang sâu, đá chắn xung quanh,
Có con cá quẫy loanh quanh giữa dòng” (răng và lưỡi - miệng).
-“Mắt gì cách gối hai gang,
Đem ra trình làng, chẳng biết chuyện chi;
Sinh ra cái giống dị kì,
Lưng nằm đằng trước, bụng thì phía sau?” (cẳng và mắt cá chân);
-“Con chi:
Đánh thắng ông vua,
Đánh thua thầy chùa?” (con chấy)
(Đầu vua có tóc như người bình thường, nên chấy bám được; đầu thầy chùa nhẵn bóng, chấy phải “thua”);
Các thí dụ trên cho thấy, hình ảnh lạ được tạo nên bằng sự miêu tả, là sự miêu tả theo các góc nhìn bất thường, hoặc góc nhìn không cố định. Lời đố của bốn câu đố đầu được sáng tạo theo lối nhân hoá (con chim ó khoác vóc dáng, hoạt động của con người: “mặc áo”, “tay xách con gà”, “đầu đội thúng bông”), động vật hoá (cái cuốc khoác hình thể, hành động của một con vật: “đầu”, “đuôi”, “đi”, “nhảy”,... ), thực vật hoá (cái cân xách khoác dáng dấp của cây cối: “cây”, “nở... hoa”, “đậu... quả”, “già... non”), tự nhiên hoá (răng và lưỡi khoác hình dáng của tự nhiên: “hang sâu”, “đá”, “cá quẫy... giữa dòng”). Lời đố của hai câu đố sau được sáng tạo theo cách tả thực.
Bên cạnh đó, trong câu đố, hình ảnh lạ còn được tìm thấy bởi những kết hợp không bình thường về mặt ngữ pháp, thường gặp là sự đánh lẫn đối tượng ở vai chủ thể của một hành động. Thí dụ:
-“Đi thì nằm, nằm thì đứng” (bàn chân)
(Đã đi thì không thể nằm, cũng như đã nằm thì không thể đứng. Nhưng ở đây, chủ thể của “đi” và “nằm-2” là người, chủ thể của “nằm1” và “đứng” là bàn chân (và “nằm1” là có bề mặt tiếp xúc lớn nhất theo phương song song với mặt đất (“đứng” thì ngược lại, có bề mặt tiếp xúc bé theo phương thẳng góc với mặt đất), khác với “nằm2” là ngả thân mình trên một vật nào đó, thường để nghỉ), nên lại có thể. Điều tạo nên sự không thể lẫn có thể bất thường này, chính là kiểu câu: X thì Y, X' thì Y' - với chủ thể của X, X' khác với chủ thể của Y, Y', và X trái nghĩa (1) với X', Y trái nghĩa với Y').
-“Mặc áo xanh, đội nón xanh;
Đi quanh một vòng,
Mặc áo trắng, đội nón trắng!” (quả cau khi róc vỏ)
(Chủ thể của “đi quanh một vòng” là kẻ “mặc áo xanh, đội nón xanh”, nhưng chủ yếu là người dùng dao để róc vỏ cau; vì bấy giờ, hành động của người là chủ động tạo kết quả còn sự vận động của kẻ “mặc áo xanh, đội nón xanh” chỉ là hình thức bị động nhận chịu. Chủ thể người (róc cau) bị ẩn đi, khiến lời đố trở nên kì lạ);...
b. Ở mức cụ thể, chi tiết, tính lạ hoá của hình ảnh có thể tìm thấy qua các kiểu dạng dưới đây.
1) Kiểu úm ba la:
Kiểu úm ba la gồm những âm thanh, hình ảnh gây nhiễu. Là hình thức tung hoả mù. Những âm thanh, hình ảnh này có thể được bố trí ở đầu hay ở cuối lời đố, và có thể độc chiếm một, hai dòng. Thí dụ:
- “Thiên bao lao, địa lao lao,
Giếng không đào làm sao có nước,
Cá không ở được, là tại làm sao?” (quả dừa);
-“Chẩm chầm châm bốn dầm bơi cạn,
Bản bàn ba hai bức màn treo;
Trước cửa tiền, quân reo ra rả,
Sau cửa hậu có ngọn cờ treo!” (con ngựa);
- “Miệng ngang miệng dọc,
Lo việc quốc gia;
Hắn náu ta la,
Ta la hắn náu! ” (người rao mõ) (2);...
2) Kiểu phóng đại, lớn lối:
Là cách làm cho sự vật được miêu tả không chỉ được phóng lớn mà còn bị làm cho biến dạng, méo mó đi. Thí dụ:
-“Giữa cầu, hai đầu giếng” (gánh nước)
(người gánh nước: cầu, thùng nước: giếng);
-“Trên trời mang tơi mà xuống,
Âm phủ đội mũ mà lên” (cây đậu nảy mầm)
(cây đậu khi nảy mầm chỉ dài vài phân, lớn bằng mút đũa, vậy mà được miêu tả như một người khổng lồ);
- “Lên trời xuống đất,
Chớp giật, sấm ran,
Sét đánh có ngần,
So chi chẳng kém” (pháo thăng thiên)
(miêu tả lớn lối sức của cây pháo);...
3) Kiểu tráo hình ảnh muốn nói bằng hình ảnh cùng trường nghĩa, cùng hình dạng:
+ Hình ảnh muốn nói được thay bằng hình ảnh cùng trường nghĩa (thường là trường nghĩa rộng); thí dụ:
- “Nhà đen đóng đố đen sì,
Trên thì sấm động, dưới thì đèn chong” (nồi cơm đang sôi)
(“đèn”: lửa);
- “Con con hai mái chèo con,
Chèo ra giữa biển, nước non dầm dề;
Oai nghiêm điều khiển một khi,
Cầm sào chỉ trỏ, bốn bề quân reo” (chăn vịt)
(“biển”: sông, lạch, ruộng trũng);
+ Hình ảnh muốn nói được thay bằng hình ảnh cùng dạng (cùng có dáng vẻ, hình vóc giống nhau, hoặc là một hình ảnh có được bằng so sánh); thí dụ:
-“Mình tròn đựng cháo bột huỳnh tinh,
Gái xoan làm bạn với mình đẹp ra;
Bao giờ tuổi tác về già,
Cây đa bóng mát ngồi mà nghỉ ngơi” (bình vôi)
(“bột huỳnh tinh” thay vôi ăn trầu do giống vôi - mịn hay sệt khi hoà với một ít nước và có màu trắng tinh);
- “Có cây mà chẳng có cành,
Có hai ông cụ dập dềnh hai bên” (cây ngô).
(dòng bát, có người đọc: “Vài cô tóc xoã dập dềnh đôi bên”)
(“ông cụ”, “cô tóc xoã”: hai hình ảnh so sánh với quả ngô, nhấn mạnh mặt râu ngô).
4) Kiểu dùng hình ảnh khác thường, có tác dụng như sự đánh dấu cho hình ảnh thật muốn nói đến:
Hình ảnh được dùng tuy khác thường nhưng chúng vẫn tồn tại, để có thể thay thế cho hình ảnh thật muốn nói đến. Thí dụ:
-“Cây minh kinh, lá minh kinh,
Có bầy chim sẻ tụng kinh trên chùa” (cây cau);
-“Trên đầu đội mũ lưu quy,
Áo mặc trăm lớp như sư vào chùa;
Có đôi gậy trúc lơ phơ,
Dao găm cầm lấy dắt vô trong mình.
Ngày thì lơ lửng giang đình,
Có đôi o con gái hữu tình nguyệt hoa” (con gà trống);
-“Trên đầu đội mũ giang sơn,
Hình thì bận áo bách diệp.
Ngày dạo chơi miền sơn lí,
Đêm mến cảnh chùa vô tu” (sinh hoạt của kẻ ăn mày) (3);
-“Cò quăm lấy ở dưới đầm,
Đem về nấu nướng kì cầm cả đêm;
Nước hết thì lại đổ thêm,
Nấu đi nấu lại mới mềm cò quăm” (củ ấu);...
Không có cây, lá mang tên “minh kinh” hay có dáng “minh kinh”, không có loại mũ mang tên hay có dáng “lưu quy”, “giang sơn”,...; nhưng lời đố muốn nói đến một loại cây, loại lá, cái mũ (hay thứ được gọi là mũ) thật. Không có vật mang tên “cò quăm”, nhưng đó là vật “lấy ở dưới đầm”, có thể “kì cầm” (kì cọ), “nấu nướng”, nên là vật thật - đó là củ ấu. Các hình ảnh được sử dụng có tác dụng như sự đánh dấu cho hình ảnh thật muốn nói đến.
5) Kiểu tên riêng được dùng theo lối cùng âm:
Nhiều tên riêng (tên người, tên đất) được dùng theo cách cùng âm, cùng nghĩa cũng có thể xem chúng thuộc lối lạ hoá hình ảnh.
Thí dụ:
-“Gia Cát đánh nhau với Đông Ngô,
Đông Ngô thua, Đông Ngô bỏ chạy,
Gia Cát dồn quân đánh lại trận sau” (rang ngô);
-“Khi xưa ở huyện Hoang Toàng,
Ở xã Bạch Bố, ở làng Cẩm Y;
Ngày thì thủ thỉ nằm ỳ,
Tối thì rủ rỉ rù rì ra ăn” (con rận);...
Các tên người, tên đất ở câu đố “rang ngô”, nhằm mượn các hình ảnh “cát”, “ngô” (theo cách cùng âm). Các tên đất ở câu đố “con rận”, nhằm mượn một vài yếu tố chỉ ra nơi ở của chúng: “bố”: vải; “y”: áo (theo cách cùng nghĩa).
6) Kiểu dùng lời Hán Việt:
Dùng lời Hán Việt thay vì dùng lời thuần Việt để miêu tả vật đố, trong bối cảnh hầu hết người chơi câu đố chỉ biết bập bõm đôi tiếng Hán Việt, cũng nhằm thể hiện lối lạ hoá hình ảnh.
Thí dụ:
-“Thân trường xích thốn,
Y phục thậm đa;
Sinh vô ngôn ngữ,
Tử động sơn hà”.
(Mình dài một tấc,
Quần áo quá nhiều;
Sống chẳng biết nói,
Chết la vang trời) (cái pháo);
-“Thiên vô sinh,
Địa vô sinh,
Vô dạng vô hình;
Đại nhân khai khẩu,
Tiểu nhân kinh”.
(Trời không sinh,
Đất không sinh,
Không dạng, không hình;
Người lớn nhắc đến,
Trẻ con kinh sợ) (ông Kẹ, ông Ọ) ( );
2. Tính quan niệm của hình ảnh
Có một số hình ảnh lặp đi lặp lại trong một số câu đố khác nhau. Chúng cho thấy việc dùng những hình ảnh này đã phản ánh một sự nhìn nhận, một quan niệm của cộng đồng về đối tượng được đề cập. Dưới đây là một số các hình ảnh này:
a. Hình ảnh “mẹ - con” của vật không phải người hay động vật
Hình ảnh “mẹ - con” khi đố về thực vật có thể được mở rộng thành “mẹ, cha - con”; ở đó, cây là “mẹ, cha”, quả (có khi là hoa) là “con”. Thí dụ:
-“Cha thấp, mẹ thấp,
Đẻ con trập tai” (cây và quả cà);
-“Mẹ thì đứng ở ngoài sân,
Sai con tiếp khách, đãi dân trong nhà” (cây và quả cau);
-“Cha mẹ thì ở diêm vương,
Sinh con lại ở tây phương Phật đài” (cây và hoa sen);
-“Con nuôi giống mẹ,
Con đẻ giống ai” (cây chuối)
(“con nuôi”: chỉ cây chuối con; “con đẻ”: chỉ búp hoặc buồng chuối);
-“Trên dương gian trăm ngàn đoạn khúc,
Xuống dưới đất, mẹ đẻ con ra;
Con thì quấn quýt mẹ cha,
Mẹ tôi ốm yếu, đẻ tôi ra ù ì” (khoai lang);...
Khi đố về dụng cụ gồm hai loại bộ phận rời, thì bộ phận lớn là “mẹ”, bộ phận bé là “con”. Thí dụ:
-“Con đánh mẹ, mẹ la làng,
Làng ra, con lại nằm ngang trên đầu”(cái dùi và cái mõ);
-“Một mẹ sinh được sáu con,
Yêu thương mẹ sẻ nước non vơi đầy” (bộ ấm chén, loại sáu chén);
-“Một mẹ sinh được trăm con,
Con nào con nấy vuông tròn như nhau.
Bởi con ăn ở qua cầu,
Mẹ tức mẹ đánh cái đầu con văng” (hộp diêm);...
b. Hình ảnh “mình - đuôi” của vật không phải người hay động vật
Một số vật có gắn dây, thì vật trở thành “thân mình”, dây trở thành “đuôi”.
Thí dụ:
-“Mình thì một tấc,
Đuôi dài thước năm,
Khi đi thì nằm,
Khi ngồi thì đứng” (kim chỉ).
-“Da đen, mặt rỗ, chân chì,
Đuôi dài thườn thượt, mình thì đầy gai” (cái chài, lưới đánh cá);
-“Mình dài một thước đâu sai,
Thơ thẩn tháng ngày, thân lại xoè ba.
Đêm khuya lặng lẽ sương sa,
Mình nằm âm phủ, đuôi mà thượng thiên” (cái mỏ neo);...
c. Dùng thiên can để miêu tả vật có sử dụng lửa
Một số vật có sử dụng lửa, thì hay dùng thiên can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỉ, canh, tân, nhâm, quý), có thể một số hay tất cả, để miêu tả. Thí dụ:
-“Đầu đội giáp ất,
Miệng ngậm bính đinh,
Cổ đeo canh tân,
Bụng mang nhâm quý,
Thân là mậu kỉ” (cái ống điếu);
-“Da trắng như màu thiếc,
Ruột rối như rau câu;
Bính đinh hoả đánh trên đầu,
Nhâm quý thuỷ thân đằng đít” (điếu thuốc);
-“Vai mang giáp ất,
Đầu đội bính đinh,
Ẩn quân tử chi hình,
Tiễn thanh nhân chi khí” (cây hương);...
III. Nhận xét, kết luận
Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố cho thấy yêu cầu hàng đầu của thể loại này là sự mới mẻ, lạ thường. Những hình ảnh này chủ yếu được tạo nên bởi lối nhân hoá (hay động vật hoá, thực vật hoá,... ), và cách tả thực. Do góc nhìn không bình thường, có khi dùng hình thức đánh tráo các quan hệ ngữ pháp, nên tạo ra những vật dị kì. Những cách miêu tả như vậy chỉ có và được chấp nhận trong câu đố, tạo cho thể loại này một phong cách rất riêng.
Tính quan niệm của hình ảnh được nhận ra nhờ sự lặp đi lặp lại khi cùng miêu tả một đối tượng của chúng. Tính chất này có phần mâu thuẫn với yêu cầu lạ hoá đã nói (chẳng hạn, khi lời đố dùng “mình - đuôi”, thì vật đố là loại có kèm sợi dây, dùng thiên can, thì vật đố có sử dụng lửa,... ). Nhưng trong số 2000 câu đố mà chỉ nhận ra được có bấy nhiêu, thì chúng chỉ đủ để nói lên phần nào quan niệm của dân gian ở phạm vi thể loại mà không đến độ phương hại một thuộc tính của nó. Vả lại, các hình ảnh vừa nêu ở mức rất chung, vẫn còn một khoảng cách khá xa để có thể tìm thấy vật đố (nên nắm được các hình ảnh này cũng chỉ ngang mức “gợi ý”, “hạ bậc” mà câu đố thường dùng).
T.N(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)
------------------
(1) Trong trường hợp này, là trái nghĩa ngữ cảnh.
(2) Dòng 1 lời đố có khả năng chỉ miệng người rao và miệng mõ, cũng có thể nhằm cười cợt người rao.
(3) Người ăn mày thường đội mũ, nón rách, mặc áo chằm vá, ngày đi khắp nơi kiếm ăn, tối vào đình, chùa để ngủ.
(4) Ông Kẹ, ông Ọ: Nhân vật tưởng tượng, có hình dạng gớm ghiếc, tính khí hung dữ, dùng để doạ trẻ con (có nơi gọi là ông Ba Bị)..
CÁC PHƯƠNG THỨC LẠ HÓA TRONG NGHỆ THUẬT
BIỂU ĐẠT TRUYỆN CƯỜI
TRIỀU NGUYÊN
1. Khái quát
Sở dĩ người nghe (đọc) truyện cười phát ra được tiếng cười, bởi vì lí trí, tình cảm của họ gặp phải điều không bình thường: thay vì họ tưởng cuối cùng nhân vật sẽ nói, sẽ làm điều “A”, thì hoá ra nhân vật đã nói, làm điều “B”, thậm chí “không A”. Tức trí tuệ, cảm xúc đã không lường trước, đã bị đánh lạc hướng trước đối tượng đang quan tâm. Và thông thường, càng lạ lẫm, bất ngờ, tiếng cười càng sảng khoái, thú vị.
Phương thức, thủ pháp nghệ thuật góp phần quan trọng làm nên điều ấy, gọi chung là lạ hoá. Có ba phương thức lạ hoá thường gặp ở truyện cười, đó là lạ hoá theo lối phóng đại, lạ hoá theo lối tạo sự việc bất ngờ, và lạ hoá theo lối dựng hoàn cảnh phi thực tế.
2. Miêu tả các phương thức lạ hoá trong nghệ thuật biểu đạt truyện cười
2.1. Lạ hoá theo lối phóng đại
+ Lối phóng đại phổ biến là phóng đại các thói tật của nhân vật. Cách phóng đại là thông qua các hành động (lời nói, việc làm) của nhân vật mà biểu hiện cái thói tật được phóng đại ấy. Thí dụ, truyện “Cây bất ở biển Đông” kể về sự kém cỏi của thầy đồ, chẳng những trước cụm từ “Phàm huấn mông” (Phàm việc dạy học) đã không hiểu nghĩa, mà đến chữ “bôi” (cái chén) cũng không đọc được, trong lúc chúng được ghi ở Tam tự kinh (sách dạy vỡ lòng cho trẻ ngày trước). Làm thầy mà đến sách vỡ lòng cũng chưa thông suốt thì sao gọi được là thầy? Cho nên, đây là một sự phóng đại. Sự phóng đại ấy được thể hiện qua việc thầy dạy bừa “Phàm huấn mông” là ông Phàm, ông Huấn, ông Mông, và biến “bôi” thành “bất” với nghĩa là cây bất (mọc ở biển Đông!), ở hai buổi dạy khác nhau, tức thuộc hai hoàn cảnh nói năng riêng biệt. Hoặc như truyện sau:
DIỆU KẾ
Một quan võ có tính sợ vợ. Một hôm, đang cầm cự với giặc ở biên thuỳ, bỗng nghe tin mật báo là phu nhân đang ở sau lưng xốc tới để hỏi tội quan về việc đem nàng hầu đi theo. Quan bèn triệu ban tham mưu lại vấn kế. Kẻ đưa kế này, người bày mưu nọ, quan đều thấy không ổn.
Bỗng một viên quân sư, vốn dòng râu quặp, tiến lại tâu rằng:
- Trước mặt, địch quân như gió bão, sau lưng phu nhân như nước lũ. Song lọt vào tay giặc không nguy bằng lọt vào tay phu nhân. Chỉ có nước tướng quân hàng giặc, để thoát khỏi tay phu nhân là hay hơn cả.
Quan vỗ đùi khen:
- Diệu kế! Tuyệt diệu kế! [5, 61]
Việc sợ vợ được phóng đại đến mức chịu đầu hàng vào tay giặc (có thể bị giết chết, thường cũng phải thân bại danh liệt) còn hơn gặp mặt vợ. Điều phóng đại ấy được thực hiện bởi một chuỗi các sự việc: a) Quan nghe vợ đến hỏi tội đem nàng hầu đi theo là hoảng hốt, vội triệu ban tham mưu lại để tìm cách đối phó; b) Các kế sách đưa ra, quan đều cho không ổn; c) Khi viên quân sư râu quặp (cùng hội cùng thuyền với quan) nêu kế “hàng giặc, để thoát khỏi tay phu nhân”, thì quan rất phấn chấn, xem đó là “diệu kế”! Các sự việc này nối tiếp nhau, và kết hợp lại để tạo nên một sự phóng đại (về cái tật sợ vợ) - Tức: a + b + c = “tật sợ vợ được phóng đại”.
+ Như vậy, có thể thấy, cách phóng đại vừa trình bày khác với việc phóng đại ngay một chi tiết được đề cập thường gặp trong ca dao và thơ. Chẳng hạn, trong ca dao: “Lỗ mũi thì tám gánh lông; Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho” (lông mũi mọc nhiều của chị nọ được phóng đại lên thành tám gánh, ngay lúc được nêu); trong thơ: “Vật mình vẫy gió, tuôn mưa; Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai” (Truyện Kiều, đoạn tả nỗi đau đớn của Kim Trọng lúc chàng gặp lại gia đình Vương Quan, sau khi nghe ông bà viên ngoại kể lại tai hoạ khiến Thuý Kiều phải bán mình. Cách miêu tả chàng Kim vật vã được phóng đại đến mức “vẫy gió, tuôn mưa”, nhằm cho thấy sự đau đớn dữ dội, tột cùng của chàng).
Xét về cấu tạo ngữ pháp, cách phóng đại trong truyện cười được thực hiện ở các ngữ cảnh khác nhau thuộc phạm vi văn bản, còn với ca dao và thơ, như qua hai trích dẫn được nêu, chúng là một bộ phận của nòng cốt câu, ở đây là phần báo (thường gọi là vị ngữ), thuộc phạm vi câu.
2.2. Lạ hoá theo lối tạo sự việc bất ngờ
+ Nói bất ngờ nhưng sự việc được nêu phải phù hợp với kết cấu, nhân vật, tức tương ứng với cốt kể (hay đoạn mạch) và tính cách, đặc điểm của nhân vật. Nghĩa là, bất ngờ mà hợp lẽ, chứ không tuỳ tiện, vô lối. Chẳng hạn, truyện “Chiếc làn xách” kể việc hai vợ chồng vào siêu thị mua hàng, mua xong, đến chỗ gửi làn xách, người chồng vờ “cầm nhầm” cái làn mới của người khác, để cái làn cũ của mình lại. Chi tiết (do người vợ làm và nói ra) “cái ví tiền để trong làn che quyển sách lên” xuất hiện cuối truyện thật bất ngờ. Sự bất ngờ ấy không phải vì nhân vật quên hay vô tình (các sự việc gần với ngẫu nhiên), mà bởi đó là quy định của siêu thị, nhân vật là khách mua hàng buộc phải tuân thủ (để làn xách, mũ nón vào một vị trí riêng, ngoài phạm vi các quầy hàng được bày bán). Do vậy, đó là chi tiết hợp lẽ. Mà mỗi khi sự mất mát không vin được vào một lí do nào khác, thì điều sai phạm, lỗi lầm nổi rõ lên: việc “cầm nhầm” cái làn của nhân vật người chồng bị kết án và trả giá. Đó là ý nghĩa của việc hợp lẽ đang đặt ra.
Hoặc như hai truyện cười sau:
ĐẶT VÒNG
Bà vợ thực hiện kế hoạch hoá gia đình, đi đặt vòng tránh thai. Ông chồng hỏi:
- Họ đặt vòng to hay nhỏ?
- To nhỏ nào ai nhìn thấy, ai đo!
Chồng hỏi lại:
- Vòng đó làm bằng gì? Nhựa hay sắt mạ nhỉ?
- Hình như i-nốc, vì lúc đặt trên đĩa nó kêu leng keng.
Chồng giật thót người:
- Ấy chết, bà bảo họ đổi lại vòng nhựa đi, mình là nông dân hay đi ngoài đồng gặp mưa bão, sét nó bắt i-nốc đánh chết tươi đấy! [4, 60]
TƯỜNG TẬN
Mẹ dặn con:
- Quán cà phê mờ bên kia đường là bậy bạ lắm, đừng sang uống mà hư người đi đấy con ạ.
Ông bố nghe vậy, hùa theo:
- Đúng như vậy, bọn tiếp viên bên ấy, ăn mặc hở hang, có nhiều đứa xinh nhưng đều hư hỏng cả, cái gì cũng tiền, phải mười nghìn đồng một lần nó nâng cốc đưa lên mồm cho khách uống đấy.
Bà vợ nghe vậy sửng cồ lên:
- À, hoá ra ông đã sang rồi phải không? Nếu không sang làm sao mà ông biết tường tận đến vậy! [4, 216]
Với truyện “Đặt vòng”: Việc “ông chồng giật thót người”, bảo vợ đổi lại vòng nhựa, thay vì vòng i-nốc, do sợ “sét nó bắt i-nốc đánh chết tươi đấy!” thật bất ngờ. Sự hợp lẽ của điều bất ngờ này là do ít hiểu biết, nhưng quan trọng hơn là yếu tố tâm lí: quá nhạy cảm với đối tượng liên quan, ở nhân vật người chồng (đây cũng là tâm lí chung của giới mày râu).
Với truyện “Tường tận”: Việc người mẹ đang từ tốn răn dạy con trai về cà phê đèn mờ, bỗng sửng cồ lên với chồng về chính chuyện ấy, thật bất ngờ. Sự hợp lẽ của điều bất ngờ này là khi nghe từ miệng ông chồng nói ra những “tiếp viên”, “ăn mặc hở hang”, “xinh”, “mười nghìn đồng một lần nâng cốc...” có vẻ sành sõi, thì cơn ghen trổi dậy, khiến bà ta nhanh chóng đổi vai, từ vai người mẹ (đang thân mật) sang vai người vợ (nổi tam bành), làm bật ra nhận xét hồ đồ: “Nếu không sang làm sao mà ông biết tường tận đến vậy!” (chẳng lẽ, thí dụ, chỉ nghe người khác kể thôi, há không biết được ngần ấy hay sao?).
+ Sự việc bất ngờ chủ yếu được tạo ra ở tình tiết cuối truyện. Sự việc ấy như một bí mật, phải đợi đến cuối mới “bật mí”. Mà phải thế mới tạo được sự thích thú cho người đọc (đối với loại truyện sử dụng lạ hoá theo lối này), và góp phần tạo ra tiếng cười. Nói như vậy để phân biệt với phương thức lạ hoá theo lối phóng đại. Lạ hoá theo lối phóng đại được thực hiện bởi một chuỗi các sự việc trên nhiều tình tiết. Tình tiết cuối truyện có khi chỉ như một sự xác định sau cùng. Chẳng hạn, tình tiết cuối truyện “Diệu kế” (“Quan vỗ đùi khen: - Diệu kế! Tuyệt diệu kế!”), nêu việc chấp nhận đầu hàng giặc để thoát tay vợ của quan, đồng thời, về phương thức biểu đạt, đã xác định lối phóng đại đang được sử dụng từ các tình tiết trước.
2.3. Lạ hoá theo lối dựng hoàn cảnh phi thực tế
Hoàn cảnh phi thực tế không chỉ là hoàn cảnh thuộc thế giới siêu hình, siêu nhiên, với nhân vật là thần thánh, ma quỷ, mà còn là hoàn cảnh của cuộc sống thật, với nhân vật là người bình thường.
Có thể xem mọi hoàn cảnh thuộc thế giới siêu hình, siêu nhiên, với nhân vật là thần thánh, ma quỷ được dựng lên, đều là hoàn cảnh phi thực tế. Truyện “Khuyến giáo” đã tạo dựng một hoàn cảnh như vậy. Nhân vật là một ông chuyên đi khuyến giáo nhưng có được bao nhiêu thì “lẻm vào mồm hết”, lúc chết bị Minh Vương bắt đày vào ngục tối, mới đến cửa ngục, đã bảo những người bị giam: “Các bác ở đây, tối thế này mà cũng chịu được à? Để tôi đi khuyến giáo, mỗi bác cúng cho ít nhiều, tôi sẽ thuê người mở một cái cửa sổ thật to thông lên trời, cho nó sáng ra chứ!”. Ứng xử trong hoàn cảnh khắc nghiệt này, nhân vật đã bộc lộ cái thói tật mang tính bản chất, và góp phần quan trọng để làm nên tiếng cười.
Hoặc như truyện sau:
CHỈ CÓ MỘT CON MA
Con Diêm Vương ốm. Diêm Vương sai quỷ sứ lên trần đón thầy lang xuống chữa. Khi tên quỷ sứ đi, Diêm Vương dặn:
- Tìm nhà thầy lang nào có ít ma đứng ở cửa nhất, thì hãy vào.
Lên đến trần, tên quỷ sứ đi khắp nơi, không tìm được thầy lang nào như thế cả. Nhà thầy nào xoàng ra cũng ba bốn chục con ma đứng ở cửa.
Đang định quay về thì bỗng thấy nhà một thầy lang nọ chỉ mỗi một con ma. Mừng quá, tên quỷ sứ bắt thầy lang đó xuống âm phủ. Xuống đến nơi, liền dẫn thầy vào yết kiến Diêm Vương.
Diêm Vương đón được thầy giỏi mừng lắm, phán hỏi:
- Nhà ngươi làm thuốc đã bao năm nay mà khá như vậy?
Thầy lang thưa:
- Thưa, tôi mới làm nghề thuốc này được mấy hôm nay, và cũng mới chữa cho một người thôi ạ! [5, 124]
Tạo hoàn cảnh con Diêm Vương ốm, sai quỷ sứ lên trần mời thầy lang xuống chữa, mới hay: thầy lang nào cũng từng giết chết hàng loạt người! Sở dĩ dựng hoàn cảnh này, vì chỉ có ma quỷ mới nhìn thấy ma quỷ (chứ người trần mắt thịt thì không thấy ma quỷ được), và phải làm thế mới có cơ sở kết án mấy ông lang băm.
Bên cạnh hoàn cảnh phi thực tế thuộc thế giới siêu hình, có không ít hoàn cảnh phi thực tế là hoàn cảnh của cuộc sống thật. Nói cuộc sống thật, bởi đó không phải là chốn sinh hoạt của ma quỷ, thần thánh như thường thấy trong văn học, mà là nơi trần thế, đời thường. Nhưng đây là một loại đời thường đã bị bóp méo, “che mắt”, để chỉ xuất hiện dưới một dạng thức tương ứng với kết cấu gây cười mà tác giả dân gian muốn thể hiện. Truyện “Chọn người gầy mà chữa” kể về một ông lang tồi làm chết bệnh nhân, nhà chủ doạ kiện lên quan, khiến ông hốt hoảng, lạy lục van xin. Nhà chủ bắt phải khiêng quan tài đi chôn thì mới tha. Thầy lang gọi vợ và hai con cùng đi khiên. Do người chết béo, quan tài nặng, mọi người phải méo mặt. Họ thốt lên những lời oán thán về nghề chữa bệnh. Dựng lên hoàn cảnh này, tác giả dân gian đã gạt bỏ tập quán, nghi lễ về việc tang ma mà dân tộc nào, địa bàn nào cũng có. Tập quán, nghi lễ ấy không để chỉ bốn người là vợ chồng và hai con của ông lang đi khiêng quan tài (1). Nên đây là hoàn cảnh phi thực tế.
Hoặc như truyện sau:
ĐỔ MỒ HÔI MỰC
Một ông tai mắt trong làng, tính thích ăn đỗ đen luộc, nhưng lại sợ vợ. Một hôm, nhân lúc vợ đi vắng, ông ta luộc một nồi đỗ đen ăn vụng. Ăn được một ít thì vợ về. Lúc ấy, lại đến giờ phải ra đình lễ thánh. Sợ để nồi đỗ ở nhà vợ biết thì nguy, ông ta trút vào mũ, rồi đội lên đầu mà đi. Dọc đường, nước đỗ cứ chảy ròng ròng, lem luốc cả mặt.
Ra đến đình, mọi người trông thấy, hỏi vì sao. Ông ta đáp:
- Ấy, tôi thường có tính đổ mồ hôi mực như thế đấy! [5, 70]
Tạo hoàn cảnh một chức sắc làng ăn vụng đỗ đen luộc mà sợ vợ, đến mức trút nồi đỗ vào chiếc mũ đặc biệt (chỉ đội khi đi lễ thánh), khiến nước đỗ (màu đen) chảy xuống lem luốc cả mặt, thì rõ là phi thực tế. Bởi đã “tai mắt trong làng” thì hiếm có ai ngu dại như thế. Dựng hoàn cảnh này, dân gian hẳn muốn trêu đùa, kết án mấy ông râu quặp, vì sợ vợ mà đánh mất cả tác phong, tư cách của mình.
3. Nhận xét, kết luận
- Tổng thể truyện cười nói chung là một tiếng cười. Tiếng cười ấy được tạo ra từ kết cấu (ở trường hợp đang đặt ra, được gọi là cơ chế gây cười). Để cơ chế này vận hành, nói cách khác, để tiếng cười bật ra, cần có sự hỗ trợ của một (hay một vài) phương thức, thủ pháp nghệ thuật. Phương thức, thủ pháp nghệ thuật được sử dụng chủ yếu ở đây là lạ hoá. Điều cần nhấn mạnh là cái phương thức, thủ pháp vừa nêu chỉ có vai trò quan trọng trong một số bước của cơ chế, chứ không phải chính nó là cơ chế ấy (2). Tức xét bình diện khái quát, phương thức lạ hoá có vai trò phụ giúp, trợ lực để cơ chế sử dụng nó phát huy tác dụng (3).
Bên cạnh đó, cũng nhận ra rằng, ba lối lạ hoá vừa trình bày có thể sử dụng riêng rẽ (như “Đổ mồ hôi mực”, “Đặt vòng”,...); đồng thời, cũng có thể kết hợp với nhau trong cùng một truyện (như “Diệu kế”, “Chỉ có một con ma”,...).
- Do trọng tâm ý nghĩa và tiếng cười dồn vào tình tiết cuối, mà nội dung của tình tiết này phù hợp với tính cách, đặc điểm của nhân vật chính, nên ở đây có sự biểu hiện mạnh các phương thức nghệ thuật gây cười. Nếu lạ hoá theo lối phóng đại hay dựng hoàn cảnh phi thực tế, nội dung của tình tiết này lắm khi chỉ như một sự thừa nhận hoàn cảnh phi thực tế đã được nêu trước ấy, thì lạ hoá theo lối tạo sự việc bất ngờ là nhiệm vụ duy nhất mà tình tiết cuối phải thể hiện.
- Truyện cười truyền thống vận dụng phương thức lạ hoá cả ba lối phóng đại, tạo sự việc bất ngờ, và dựng hoàn cảnh phi thực tế; trong lúc truyện cười hiện đại chủ yếu dùng lối tạo sự việc bất ngờ. Lối phóng đại và dựng hoàn cảnh phi thực tế khiến sự vật, sự việc bị méo mó, bất thường. Lối tạo sự việc bất ngờ có yêu cầu về tính hợp lẽ, logic của các tình tiết, đoạn mạch truyện. Cho nên, xét mặt hiện thực, truyện cười truyền thống không gần gũi với cuộc đời thường bằng truyện cười hiện đại. Nói cách khác, truyện cười truyền thống thiên về tư duy hình tượng, đậm chất hư cấu nghệ thuật, trong lúc truyện cười hiện đại có phần thiên về tư duy lí tính, coi trọng mặt lí lẽ và tính xác thực của sự vật, sự việc.
Trong một chừng mực nhất định, có thể tìm thấy lí do như sau: với truyện cười truyền thống, bởi lời nói việc làm góp phần gây cười ở tình tiết cuối phải phù hợp với tính cách, đặc điểm định trước của nhân vật, tức đối tượng đề cập của tình tiết này hạn chế, khiến phương thức biểu đạt cũng bị ràng buộc tương ứng; cho nên, để lạ hoá, lối phóng đại hoặc dựng hoàn cảnh phi thực tế là những thủ pháp thích hợp. Còn truyện cười hiện đại thường không bị ràng buộc như vậy, lại đòi hỏi cao về tính hiện thực, nên lạ hoá theo lối bất ngờ tỏ ra hữu hiệu hơn (4). Lí do khác, có tính tất yếu, là quan niệm thẩm mĩ của cộng đồng thay đổi, khiến phương thức biểu đạt trong tác phẩm nghệ thuật (ở đây là từ truyện cười truyền thống đến truyện cười hiện đại), cũng thay đổi theo.
T.N.
(257/7-10)
---------------
(1) Việc khiêng quan tài thường phải huy động vài chục trai tráng (không lấy phụ nữ).
(2) Thí dụ, cơ chế hành chính một cửa hiện nay, giả sử cơ chế này có tác dụng tốt như mong đợi, thì các hiệu quả có được tuy xuất phát từ các bộ phận chuyên môn, nhưng khi nhìn nhận khái quát, thì không phải từ mỗi bộ phận này hay sự tổng hợp từ chúng, mà từ cái cơ chế được tuân thủ.
(3) Cho nên, sẽ không chuẩn xác khi nói: “lời nói đáng cười, cử chỉ đáng cười, hoàn cảnh đáng cười,...” [1, 386]; hoặc: “Vì vậy, một trong những biện pháp gây cười là phóng đại sự thật” [1, 387]; hoặc: “Để gây tiếng cười thực là giòn giã, truyện cười dân gian hay dùng yếu tố bất ngờ” [1, 388] - “Lời nói đáng cười, cử chỉ đáng cười, hoàn cảnh đáng cười” trên đại thể thuộc vào tiếng cười nói chung, chứ không hẳn là các thuộc tính của thể loại truyện cười. “Biện pháp phóng đại” và “yếu tố bất ngờ” cũng chỉ góp phần vào cơ chế gây cười, chứ tự thân chúng không làm nên tiếng cười trong truyện cười.
(4) Chú ý, phóng đại hay phi thực tế đều dựa trên một thực thể (cái đang có) để tác động, hoặc làm cho khác về kích cỡ (phóng đại), hoặc làm cho khác về cách thức (phi thực tế); phân biệt với bất ngờ, không dựa trên cái đang có, mà thường bằng một liên tưởng khác loại, hay trái lẽ..
Nhà văn Triều Nguyên trình bày tham luận Tìm hiểu cách tu từ ẩn dụ được sử dụng trong ca dao tại Hội thảo Khoa học MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG VIỆC NGHIÊN CỨU DÂN GIAN ngày 26.6.2011 tại Huế. (Ảnh: Que Vo)