Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Nhà văn NGUYỄN KHẮC PHÊ

Giới thiệu Nhà văn Nguyễn Khắc Phê, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 

nguyen-khac-phe_songhuong

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

                                                             Bút danh khác: Trung Sơn

* Tên khai sinh: Nguyễn Khắc Phê, sinh ngày 26.4.1939 ở Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hiện sống và viết ở Huế. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tốt nghiệp đại học. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1977).

* Từ 1959 đến 1974 Nguyễn Khắc Phê là cán bộ kỹ thuật thi công cầu đường ở Lạng Sơn, Hà Đông, Nghệ An. Cán bộ bảo đảm giao thông chống Mỹ ở đường 12A Tây Quảng Bình (đường Hồ Chí Minh) rồi cán bộ thi đua giao thông vận tải Quảng Bình.

Từ 1974 - 1975 là cán bộ binh vận, ủy viên Thường vụ BCH Hội Văn nghệ Quảng Bình. Từ 1976 đến 1983 là cán bộ biên tập, ủy viên BCH Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Từ năm 1983 đến 1991 là ủy viên BCH Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Phó Thổng biên tập tạp chí Sông Hương (trong đó có 8 tháng làm Tổng Biên tập). Từ 1991 đến nay tiếp tục tham gia BCH Hội, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên-Huế. Ngoài ra còn tham gia Hội Nhà báo tỉnh (hai nhiệm kỳ) và BCH Liên đoàn Lao động tỉnh (2 nhiệm kỳ).

- Nhà văn đã nhận được các giải thưởng: Giải ba cuộc thi viết về "Thầy giáo và nhà trường" do Bộ Giáo dục tổ chức năm 1962 với truyện ngắn Một đêm mưa. Giải thưởng văn học về đề tài công nhân 5 năm (1975-1980) do Tổng công đoànViệt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với tiểu thuyết Chỗ đứng người kỹ sư: Giải thưởng Bông sen trắng hạng A do UBND tỉnh Bình Trị thiên tặng năm 1988 với tiểu thuyết Những cánh cửa đã mở; Giải thưởng Cố đô hạng B do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng năm 1994 với tác phẩm Nếu được chết thay em. Giải thưởng hạng B do UB toàn quốc Liên hiệp VHTT Việt Nam tặng 1995 với tác phẩm Lê Văn Miến - người họa sĩ đầu tiên, người thầy đầu tiên. 

* Tác phẩm chính đã xuất bản: Vì sự sống con đường (tập ký sự, 1968); Đường qua làng Hạ (tiểu thuyết, 1976); Đường giáp mặt trận (tiểu thuyết, 1976, tái bản có sửa chữa lần 1 năm 1985); Chỗ đứng người kỹ sư (tiểu thuyết, 1980); Miền xa kêu gọi (tiểu thuyết, 1985); Những cánh cửa đã mở (tiểu thuyết, 1986); Nếu được chết thay em (tiểu thuyết, 1989);

Lê Văn Miến, người họa sĩ đầu tiên, người thầy đầu tiên (nghiên cứu, 1995); NXB Kim Đồng 2007:

162085

 

Những ngọn lửa xanh, (tiểu thuyết, NXB Phụ Nữ, 2008)

Giải C giải thưởng VHNT Cố Đô lần thứ IV (2003 - 2008)

bia_nhungngonluaxanh_nkphe_googlesearch

Chân dung và kỷ niệm (Nguyễn Khắc Viện) Nguyễn Khắc Phê sưu tầm và tuyển chọn, (NXB Khoa học Xã hội, 2008).

177802

 

Nguyễn Khắc Phê Tản văn chọn lọc (NXB Văn Nghệ 2009).

NKP
IMG_0693
 
Biết đâu địa ngục thiên đường (tiểu thuyết 2010 - NXB Phụ Nữ)
                   small_hum1264583326      BietDaudiangucthienduong_55582827330

 

Như thấy cụ Nguyễn đang cười...

 (Đọc Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân của Ngọc Trai, NXB Hội Nhà Văn)

TT - Cái thú vị của cuốn sách là sau những trang chữ là chân dung cụ Nguyễn thật sinh động và có thể là đầy đủ nhất, với mọi cung bậc tình cảm. Chúng ta như đang thấy cụ nheo mắt cười, điệu đàng nhấp chén rượu, mê mải bên bàn đèn thuốc phiện cùng bạn hát ả đào, đạp xe đến các chiến hào, trèo lên đỉnh Phanxipăng, đóng cửa không tiếp dù đó là một vị chức sắc có quyền uy trong giới lãnh đạo văn nghệ...

Đều là “chuyện cũ kể lại” nhưng đọc cứ cảm thấy “mới toanh”, trước hết nhờ ngôn ngữ và giọng điệu không lẫn với ai, sau nữa là do cụ Nguyễn không hề tránh né những điều mà ta thường gọi là “tế nhị”, “nhạy cảm”, cũng như những khuyết tật của mình.

Ví như trong quan hệ với vợ, nhất là thời mới vào đời, cụ thẳng thắn tự nhận mình là cái “thằng phá đình phá chùa... tôi phá bà ấy nhiều đận đến điêu đứng... cái đận tôi trốn sang Xiêm, tôi đã mang theo hết cả tư trang của vợ tôi, đến khi bị bắt là mất sạch”.

Hơn thế, cụ còn có nhân tình là bà Chu, chủ nhà hát ả đào. Thật may là vào lúc cụ đang mê bà Chu thì Việt Minh chiếm phủ thống sứ. Cụ kể: “Nếu không có cách mạng thì tôi sẽ gay go to, có thể lấy bà ta làm vợ bé, cho nên vợ tôi phải cảm ơn cách mạng nhiều lắm!”.

Cả những chuyện chính trị “tế nhị” cụ cũng kể lại với giọng điệu dí dỏm pha chút giễu nhại như thế. Như hồi xảy vụ Nhân văn, phải đi học tập chống hữu khuynh, cụ kể: “... Mình bước vào thấy trước cửa hội trường có một khẩu hiệu to tướng “Chống tư tưởng nhân văn, giai phẩm”. Mình quay ra và yêu cầu dỡ bỏ cái khẩu hiệu ấy đi. Mình bảo chống là chống nhóm Nhân văn Giai phẩm chứ cái anh văn nghệ mà lại chống tư tưởng nhân văn thì làm văn nghệ kiểu gì?...”.

Nhắc lại chuyện bài ký “Phở” bị “đánh” do có đoạn viết về vẻ đẹp của Tổ quốc, sau khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên, cụ viết: “... Tôi biết rằng Tổ quốc tôi còn có phở nữa!”. Thế là người ta quy kết cụ “dám đem phở ra mà so sánh với chiến thắng vĩ đại Điện Biên!”.

Khó mà kể hết những điều lý thú như thế trong cuốn sách này (chuyện cụ làm tổng thư ký Hội Văn nghệ, rồi chuyện cụ vào Đảng và định ra Đảng khi về hưu, chuyện cụ bàn về đám tang của mình và vô số cuộc tiếp xúc với những tên tuổi lớn trong làng văn nghệ).

Sách về một nhà văn lớn như Nguyễn Tuân thì những bài học về lao động nghệ thuật qua lời kể của chính tác giả cũng rất đáng quý. Chỉ tiếc là sách in 1.000 cuốn mà nghe nói đã tặng người dự kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Tuân (10-7-1910 - 28-7-1987) của cụ đến hơn 600 cuốn thì không biết bạn đọc tìm mua ở đâu?

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Tuổi Trẻ số ra ngày Thứ Sáu  23. 7. 2010

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/391539/Nhu-thay-cu-Nguyen-dang-cuoi.html 

 Nguyễn Khắc Phê với tản văn

 

 

Tôi đến tìm ông vào một buổi sáng đầu đông, trong căn nhà ngập tràn bóng tre và bóng lá. Nếu không quen ắt hẳn tôi đã khá ngỡ ngàng bởi giữa phồn hoa đô hội lại có một khu vườn xanh tươi đến vậy!.

Vẫn khuôn mặt hiền từ và nụ cười nhân hậu, trước tách trà bốc khói, hai chú cháu lại nói chuyện “nhân tình thế thái”. Bất giác tôi chỉ buồn! Chỉ mới đây thôi, khi tiểu thuyết “Chỗ đứng người kỹ sư” vừa mới ra đời và những cuộc chiến khốc liệt trên dãy Trường Sơn, vậy mà đã hai mươi năm trôi qua. Hai mươi năm chưa phải là nhiều, song cũng vì nó mà đời người trở nên quá nửa. Hình như với Nguyễn Khắc Phê, khi tuổi đời đã đi chếch về bên kia trái núi, thay vì vui thú tuổi già thì ở ông, sức sáng tạo lại càng dẻo dai bền bỉ. Ngoài những bộ tiểu thuyết có quy mô, khai thác nhiều khía cạnh của cuộc sống, gần đây trên các báo và tạp chí, ông lại cho ra đều đặn các tác phẩm văn xuôi trữ tình – tản văn.

Cũng là một tiểu loại kí như bút kí, kí sự... và tất nhiên, những thể loại đó đã có cho mình được những định nghĩa tương đối ổn định và đầy đủ với đặc trưng riêng của nó. Tản văn từ trước đến nay rất ít người quan tâm thấu đáo, có lẽ vậy mà đến bây giờ thể tài này vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Có thể nói với gần 40 tản văn in chung trong tập Đời hoa, Nguyễn Khắc Phê thực sự đã đóng góp không nhỏ cho thể tài mới mẻ này.
Từ đoá hoa trắng trên cây bưởi ở góc vườn, đến hình ảnh những trẻ em lang thang trên hè phố, Nguyễn Khắc Phê không chỉ đưa người đọc bước vào thế giới bao la, thanh khiết mà dường như ông đã “cắm thẳng ngòi bút” vào những vấn đề của cuộc sống. Bọc trong thứ hương bưởi đơn sơ đến sững sờ kia, biết đâu là trái ngọt, vậy cớ sao trong những em bé không gia đình kia, biết đâu lại không có những nhân tài?
Thiên nhiên trong tản văn Nguyễn Khắc Phê được tái hiện không phải như những khách thể tự nó mà đó là thiên nhiên trong mối quan hệ với con người, con người sẽ trở nên thánh thiện hơn khi soi mình vào thiên nhiên hay nói cách khác, thiên nhiên khúc xạ tâm hồn và tình cảm con người.
Viết về xã hội, Nguyễn Khắc Phê chú trọng đến mảng đề tài suy thoái giá trị đạo đức thuần khiết Phương Đông. Mỗi thành viên trong xã hội đều trở thành nạn nhân của đồng tiền nếu lệ thuộc quá nhiều vào nó.
“Phải, ước chi các quan tham đang núp bóng các cửa quan cũng biết cảm thấy nhục nhã khi nhận những “món quà tình nghĩa” mà cấp dưới cống nạp lên trong dịp lễ tết thì bạc tỉ của công quỹ sẽ không bay hơi” [2,9 tỉ và 500, tr.5]
Phẩm chất đáng quý nhất trong tản văn Nguyễn Khắc Phê chính là trực giác nhạy bén, một tâm hồn giàu xúc cảm. Ông trân trọng những mầm non, yêu thương cả chú gà con vừa mới ra đời (Mẹ và con). Ông mở rộng, đón nhận những âm vang của cuộc sống (Bà già bên dốc Bến Ngự và những chuyến xe qua), quan tâm tới tất cả những gì diễn ra quanh mình, vươn tới sự đồng cảm, sẻ chia với bao cuộc đời khác. Ông vui với cái vui của người lao động dù là lao động chân tay hay lao động trí óc. (Niềm vui ngày cuối năm ở một phòng tranh, Những lá thư ngày mưa...). Thì ra đối với ông “mỗi điều trông thấy đều đau đớn lòng!”
“Biết làm sao được, nhờ trời thì bộ máy sẽ trong sạch hơn, và nhà báo các cậu cứ thẳng tay phanh phui mọi chuyện đi. Cứ nói huỵch toẹt cái nỗi nhục của thằng giám đốc như mình đi để các quan trên cũng biết nhục nhã khi nhận đút lót...” [2,9 tỉ và 500, tr. 64]
Tản văn Nguyễn Khắc Phê với kết cấu chặt chẽ, song lại nhẹ nhõm thoải mái. Đối với ông, mỗi giờ, mỗi khắc trong đời sống, ông đều nhắc nhớ trách nhiệm của mình. Vạn sự, vạn vật đều có thể đi vào văn pháp, hiểu được tận cùng đạo lý của sự vật sẽ nghĩ ra nhiều điều kỳ diệu... “Vì thế giữa vòng xoay ngày một nhanh trong cuộc sống hiện đại, ngày ngày xin nhớ dành ít phút tĩnh lặng cho tâm hồn...”
Thiết nghĩ, văn học không thoát ly được chính trị, song trói buộc văn học phụ thuộc chính trị một cách lộ liễu lại càng không nên – nhất là với tản văn.
Ông đã khá thành công khi viết về chính trị mà vẫn khiến người đọc hứng thú với tác phẩm, không hề cảm thấy bị thuyết giáo, tuyên truyền.
Dường như với Đời hoa thì người đọc không thể thờ ơ với tản văn được nữa. Có lẽ vì trước đó, tản văn được xem là một bày đặt nhỏ nhoi, không động tới xã hội, không phản ánh thời đại mà đâu biết rằng nghệ thuật không phân chia to nhỏ, thứ bậc. Mỗi tản văn đều có đỉnh cao của nó. Phải chăng mỗi cuộc đời này đều là canh bạc – một canh bạc lớn. Ở đó mọi con bài đều lật ngửa (?!) từ 2,9 tỉ và 500 đồng đến Những tấm phông kẻ sọc bên đường hay là Nỗi khổ của giám đốc ngày giáp tết, tịnh như ông đã tìm được cái tâm thái của xã hội, tìm được cái khí ấy mới đưa vào tác phẩm: “Khéo lắm bạn càng trở nên kênh kiệu, vàng vọt nhỏ bé” [Giả Bình Ao]
Đời hoa không làm choáng ngợp người đọc bằng những hình tượng vĩ đại hay một không gian kỳ vĩ, ở đó thấp thoáng tấm lưng còng của bà mẹ già đang quét lá (Bên quả chín cuối mùa), là hình ảnh của người đưa thư trong làn mưa giăng mắc... “Cuộc sống đâu chỉ toàn chuyện xấu và đừng vội nghi ngờ... Chợt nghĩ trong hàng ngũ những người làm công việc thầm lặng trên mọi nẻo đường đời, hẳn còn biết bao người như anh...” [Những lá thư ngày mưa, trang 14]
Có thể nói những hình tượng mà tác giả sử dụng trong tản văn của mình đều toát lên sức nặng tư tưởng. Chú gà con khi lìa mẹ có khác gì không khi người mẹ mang con mình bỏ vào thùng rác? Lẽ nào bên đường đời này giá trị đạo đức suy đồi đến vậy sao? Trường liên tưởng mà Nguyễn Khắc Phê dẫn dắt người đọc qua cách sáng tạo hình tượng không hề chống chếnh, bởi dù muốn hay không, sự thật vẫn luôn là sự thật dẫu thời gian có là kẻ đồng loã đáng ngờ!.
Nguyễn Khắc Phê không tự sáng tạo về mình, không đứng ra giao tiếp với độc giả theo ý muốn chủ quan của bản thân. Ở đó, những hình ảnh khách quan của cuộc sống đập vào cảm quan tác giả. Cùng với tư duy của mình, ông buộc độc giả phải tự khám phá, trả lời các câu hỏi để mà buồn vui cùng nhân thế.
Tản văn của Nguyễn Khắc Phê là nỗi buồn của một cuộc đời đã nhiều đêm dài trăn trở. Đi từ cái tôi trữ tình, chúng ta sẽ khám phá được nhiều vấn đề qua từng tản văn. Phong cách tản văn của Nguyễn Khắc Phê mới lạ và độc đáo, cái mới lạ cái độc đáo ở đây không phải là sự khoa trương ngôn ngữ mà là chất trữ tình đằm thắm, sâu sắc.
Nguyễn Khắc Phê đã xâu chuỗi được những chi tiết nhỏ bé, giản đơn trong cuộc sống thường nhật, thổi vào đó một linh hồn để nó cựa quậy, sống cùng độc giả. Như một đạo diễn tài hoa, tản văn Nguyễn Khắc Phê là sự tổng hợp nhiều kết cấu. Bà già bên dốc Bến Ngự và những chuyến xe qua, Đời hoa, Cây bưởi góc vườn, Thiếu quê hương... là kiểu kết cấu đơn tuyến. Những tản văn này thường có một nhân vật chính, đóng vai trò trung tâm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Có lẽ không ít người thắc mắc về điều này bởi tản văn là logic cảm xúc mà không như hồi kí. Tản văn không lấy mô tả nhân vật làm mục đích, không nhờ vào thiên tài bịa chuyện hoặc "trò chơi từ vựng xanh xanh đỏ đỏ" [Giả Bình Ao, tản văn và truyện ngắn. Trang 13]. Tuy nhiên bên cạnh đó ta vẫn thấy thấp thoáng kiểu kết cấu song tuyến. Chủ đề của tác phẩm xuất hiện trong loại này dựa trên sự so sánh, đối chiếu giữa hai tuyến nhân vật song song và phát triển, hoặc bổ sung, hoặc đối lập (Bức tranh tương phản, 2,9 tỉ và 500).
Đó là hình ảnh của hai nữ sĩ Việt mặc đầm tha thướt và nữ họa sỹ người Pháp Mia Skene bó mình trong chiếc áo dài màu xanh. Tất nhiên không hẳn sự tương phản nào cũng đều mang nghĩa.
Ở đây, tác giả chỉ muốn người đọc cùng mình trả lời câu hỏi... "Có thể người Việt mình dễ thích nghi, khéo sử dụng những yếu tố ngoại lai chăng?" [Niềm vui ngày cuối ở một phòng tranh, trang 28]. Ngoài ra có nhiều tản văn có kết cấu đơn giản như: "Ngày xuân bàn về tốc độ...". Điểm sáng ở các tản văn này là tính nhân văn cao cả... "Vì thế giữa vòng quay ngày một nhanh trong cuộc sống hiện đại, ngày ngày xin nhớ dành ít phút tĩnh lặng cho tâm hồn". [Ngày xuân bàn về tốc độ, trang 11].
Thực tế sáng tạo của Nguyễn Khắc Phê qua Đời hoa còn phong phú hơn nhiều, song chúng ta chỉ trình bày một vài kết cấu đặc trưng để làm rõ cái hay, cái đẹp mà chưa phải là tất cả.
Qua một vài khám phá nho nhỏ của người viết, có lẽ người đọc đã ít nhiều định hình được tản văn Nguyễn Khắc Phê, song thật thiếu sót nếu không nhắc đến đặc trưng ngôn ngữ mà nhà văn đã sử dụng. Tản văn Nguyễn Khắc Phê dễ đi vào lòng người chính nhờ giọng văn kể chuyện đều đều, không cung thứ. Nhưng ẩn dưới những tâm sự dung dị kia là một tấm lòng đầy nhiệt huyết. Không hề vật lộn hay hằn học trong từng câu chữ như một số nhà văn khác, tản văn Nguyễn Khắc Phê còn sử dụng tình tiết gây cười và giọng văn hài hước để châm biếm những mặt trái của xã hội.
"Tôi viết những dòng này khi đêm đã khuya. Ngoài đường, như nhiều đêm trước, bác xích lô già sau một ngày lao động vất vả (chắc đã có tự thưởng cho mình một cốc rượu), thong thả đạp xe về với vợ con, miệng nghêu ngao hát những câu ca cổ. Tôi chợt nghĩ bác xích lô ấy so với một sếp tham nhũng ngồi trong ô tô kín bưng, trước những cặp mắt ghẻ lạnh của dân chúng, bụng căng đầy bia thịt và cũng đầy âm mưu móc ngoặc, hối lộ hòng che giấu tội lỗi thì chắc gì ai sướng hơn ai?" [Thử bàn chuyện sướng khổ, trang 97].
Dù ngôn ngữ tản văn Nguyễn Khắc Phê không mượt mà trau chuốt, nhưng nỗi đau đời còn đó, mỗi ngày lại càng nhoi nhói trong tim. Chính điều này cũng là một yếu tố nữa để lại dấu ấn khó phai khi đã đọc tản văn Nguyễn Khắc Phê. Từ cái vô hạn của thiên nhiên đến cái hữu hạn của đời người, người đọc như mơ hồ nhận ra một sự khẳng định lẽ sống, về cái đạo làm người trong muôn vàn hỗn tạp. Như không thể thiếu được thứ chất men say nồng của nghệ thuật thì ta khó hình dung được mặt trắng của cuộc đời. Vốn dĩ nghệ thuật là nhằm đem lại cho người đọc những giây phút thảnh thơi. Tản văn Nguyễn Khắc Phê là vậy - không ồn ào mà sâu lắng gợi cảm. Bước vào thế giới hình tượng trong tản văn Nguyễn Khắc Phê, chúng ta gặp một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống. Ngôn ngữ Nguyễn Khắc Phê sử dụng đã lột tả được toàn bộ cái thần của nghệ thuật. Điều này đã làm cho các tản văn Nguyễn Khắc Phê giàu chất lãng mạn hơn, phong phú hơn về hình thức, về thể loại "đoản - ngắn".
Đời hoa như một tiếng thở dài tiếc nuối. Ẩn đằng sau lớp từ tản văn là cả một tấm lòng sâu nặng với cuộc đời, với những khoảnh khắc thần diệu nhất của Đời người - Đời hoa.
Trước đây, người đọc nhận diện được Nguyễn Khắc Phê với các tác phẩm viết về những công trình xây dựng, và cuộc chiến đấu chống Mỹ trên đường ra trận thì nay tản văn Đời hoa ra đời là sự cố gắng lớn của ông vào việc đóng góp cho thể tài mới mẻ này trong cuộc sống sau hòa bình.
Dưới con mắt quan sát tinh tế và vốn sống thâm viễn nên mỗi vấn đề nổi cộm của cuộc sống đều khiến ông trăn trở, băn khoăn. Sự nhạy cảm của một nhà báo đã nhiều năm lăn lộn trong nghề cho ông cái nhìn tỉnh táo - dù trần trụi. Kết thúc mỗi tản văn là một câu hỏi cứa vào lòng người đọc. Văn hóa là gì khi bên lề cuộc sống hãy còn những mảnh đời nghiệt ngã?. Liệu bằng tác phẩm nghệ thuật có gợi nhớ cho lòng người một thời trầu xanh vôi trắng?
Đời hoa, cũng như mọi tác phẩm văn học tích cực khác đã đem lại giá trị thực sự, bởi nó đã thức tỉnh mọi tình cảm, những hy vọng và ước mơ có thể có mà đang yên ngủ trong mỗi chúng ta, làm cho trái tim thêm tràn đầy tình yêu và những thổn thức về cuộc sống, biết được thế nào là hạnh phúc, giúp trí tưởng tượng bay nhanh tới đỉnh cao mơ ước.
Thời gian - câu trả lời không chỉ nhờ thời gian mà có cả ý thức của mỗi người. Thời gian sẽ giúp chúng ta tin rằng một ngày nào đó sẽ lại bắt gặp một tản văn khác của Nguyễn Khắc Phê. Ở đó, lại tràn đầy tình yêu thương và sự đấu tranh không mệt mỏi cho một xã hội công bằng, không vụ lợi.

              Huế 12/2000

LƯƠNG MỸ HÀ
(nguồn: TCSH số 152 - 10 - 2001)

*

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

ĐỌC "NHÀ VĂN & THỜI CUỘC" THẤY THƯƠNG YÊU VÀ TRÁCH NHIỆM TRƯỚC QUÊ HƯƠNG
Ngày cập nhật 17/10/2013 05:56
(TTH) - Từ những năm qua, tôi cũng như nhiều bạn đọc khác không những biết đến nhà văn Nguyễn Khắc Phê qua các tiểu thuyết được giải thưởng của ông như “Chỗ đứng người kỹ sư” - giải thưởng Văn học đề tài công nhân 5 năm (1975-1980) của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức; “Những cánh cửa đã mở” – giải thưởng “Bông sen trắng” hạng A của UBND tỉnh Bình Trị Thiên; “Nếu được chết thay em” hạng B, “Thập Giá giữa rừng sâu”, hạng A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; “Biết đâu địa ngục thiên đường” - giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2006-2009)... mà còn biết ông là một nhà văn, nhà báo viết chính luận sắc sảo phản ánh nhiều vấn đề thiết thân, cấp bách trong cuộc sống. Bằng bút lực sung mãn, nội dung phong phú, đa diện, ông đã chiếm được nhiều tình cảm trong lòng bạn đọc và là cây bút tin cậy của nhiều tờ báo trong cả nước.

Tác phẩm Nhà văn & Thời cuộc, tuyển tập văn chính luận của nhà văn Nguyễn Khắc Phê do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép in vào quý 2/2013 là công trình mới nhất, đánh dấu thành quả đầy tâm huyết của một công dân khi chứng kiến những biến thiên thời cuộc của xã hội, như nhà văn đã bộc bạch: “Trước cuộc sống sôi động với không ít thách thức và nguy cơ đe dọa tiến trình “Đổi Mới” đất nước, khiến văn hóa, đạo đức suy thoái, thậm chí đe dọa sự sống của cả nhân loại, cũng như không ít nhà văn, nhà báo khác, với trách nhiệm một công dân, trong những năm qua, tôi đã nhiều lần lên tiếng bằng thể văn chính luận – một thể loại ngắn gọn, tác chiến kịp thời, với hy vọng mỗi bài viết được làm phận sự như là một “viên đạn” tiếp sức cho cuộc chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu xa đang diễn ra mọi nơi, mọi lúc…”

Với 75 tác phẩm báo chí chọn lọc trên hơn mười năm qua được tập hợp trong Nhà văn &Thời cuộc, tác giả đã sắp xếp có hệ thống thành ba phần với các tiêu đề: Phần thứ nhất: Những bài học đắt giá; Phần thứ hai: Văn hóa & Phản văn hóa; Phần thứ ba: Khi cái Đẹp thật sự được lên ngôi. Bằng phương thức này, nhà văn Nguyễn Khắc Phê giúp người đọc nhanh chóng cảm nhận trực tiếp nội dung các sự kiện được mô tả vừa chi tiết, vừa khái quát, sinh động qua từng bài viết.

Trong phần Những bài học đắt giá, tác giả đã rất có trách nhiệm khi mạnh dạn nêu lên những điều cốt lõi mang tính phản biện, đặt vấn đề với tổ chức, với công chúng. Những trang viết Bài học từ “đêm trước” đổi mới, Đảng & Quốc hội, Để những ông “Hoàng” không làm khổ dân, Khi suy thoái đạo đức lối sống hiện hình thành những con số, Thông tin với dân phải trung thực, Xà xẻo tiền Tết cho hộ nghèo, Tham nhũng & suy thoái văn hóa, 60 năm trước – Nhâm Thìn 1952, Hồ Chí Minh đã nói… tạo nên những hiệu ứng đầy cảm xúc trong lòng người đọc. Những người chí cốt với đất nước quê hương nhất định sẽ đồng cảm cùng ông: “…nếu tổ chức Đảng ở mọi cấp thực sự quyết tâm, thực sự làm đúng di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ đảng viên phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” phải là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng suy thoái đạo đức lối sống. Cắt bỏ ung nhọt ngay trong cơ thể mình là điều đau đớn, nhưng đã là “trọng bệnh”, đã thành “quốc nạn”, không lẽ bó tay chờ chết?” (Khi suy thoái đạo đức lối sống…hiện hình thành những con số).

Những bài viết trong phần Văn hóa & Phản văn hóa tác giả đã lần lượt dẫn dắt người đọc vào một hành trang khác. Nỗi day dứt, băn khoăn về hiện tượng suy đồi, xuống cấp văn hóa của một bộ phận không nhỏ hiện nay của xã hội đang thường trực hiện hữu trong tâm thức nhiều người. Văn hóa và phản văn hóa luôn đồng hành cùng cuộc sống. Được và mất, hai mặt tương phản này thường phơi bày cụ thể trong cộng đồng xã hội. Làm thế nào để cái xấu bị triệt tiêu, chỉ còn lại những gì đẹp nhất là ước mơ, khát vọng trong cuối mỗi bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê: “Mong rằng, tất cả chúng ta, chứ không chỉ các bạn trẻ, hãy gìn giữ lối sống trung thực - một bản lĩnh, một vẻ đẹp tự nhiên, như lá cây thì xanh, như biển thì mặn, chẳng bận tâm đến chuyện “được-mất”. Vì chỉ như thế mới xứng đáng với hai chữ CON NGƯỜI viết hoa…”(Đã nói đến “trung thực” không tính chuyện “được-mất).

Là một người thiên về sự ngợi ca, xưng tụng chân thiện mỹ, xiển dương vẻ đẹp thuần khiết chân chính của con người: “Mỗi con người là một đài hoa/ Ta trân trọng đời nhau ta sống/ Mỗi con người là một cung đàn/ Ta tìm đến tình nhau hy vọng…” nên tôi càng chí thú hơn với phần Để Cái Đẹp thật sự được lên ngôi trong Nhà văn & Thời cuộc. Trong phần này, một không gian văn hóa phóng khoáng cảnh và người được mở ra trân quý, trang trọng. Những ảnh sắc thiên nhiên, những chứng tích văn hóa, lịch sử, các sinh hoạt dân gian đời thường cũng như không khí lễ hội hoành tráng của nước non mình được hòa quyện tôn vinh cùng các danh nhân văn hóa, văn học nghệ thuật xưa, nay…

Xin cảm ơn “Nhà văn & Thời cuộc” đã giúp tôi tiếp cận được một Nguyễn Khắc Phê nhạy bén, cứng cựa, phản biện trong hai phần đầu của tập sách. Tôi và có lẽ bạn đọc nữa còn bắt gặp một Nguyễn Khắc Phê điềm đạm, đôn hậu khi viết về Cái Đẹp của người và cảnh.

Tôi hình dung người và cảnh trong văn phong Nguyễn Khắc Phê “mỗi con người là một dòng sông/ Gặp biển lớn dạt dào nhịp sóng!” để từ đó Nhà văn & Thời cuộc càng gắn bó nhau hơn qua những trang đời đầy ắp tình thương yêu và trách nhiệm trước quê hương.

Võ Quê
 
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

 

Tư liệu:

Phim Truyền hình VTV

Đường đến văn chương của Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

 {playerflv}http://117.103.225.6/vod/THinhOFFLINE/VTV1/03-2010/15/VHNThuat_ConDuongDenVoiVanChuongCuaNhaVanNguyenKhacPhe1.flv|500|520|#000000|false{/playerflv}

Văn Tôn - Hải Bằng, một chân dung toàn vẹn - Nguyễn Khắc Phê

http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=4&catid=18&ID=3738&shname=Van-Ton-Hai-Bang-mot-chan-dung-toan-ven

Biết đâu địa ngục thiên đường - Tiểu thuyết Nguyễn Khắc Phê

http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=12009&LOAIID=23&TGID=1019

 Biết đâu địa ngục thiên đường - Nga Vũ.

http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=372607&ComponentID=1 

 
  
 

 

 

 

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 st1\:*{behavior:url(#ieooui) }

 

 

/* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.