Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Nhà thơ ĐÔNG HÀ

 

22742_1338129377404_1356214611_967615_1316266_n
Giới thiệu nhà thơ Đông Hà, hội viên Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế.

Nhà thơ ĐÔNG HÀ

 

090714blog_Dong_Ha

- Sinh năm 1976
- Hiện đang dạy ở trường Quốc Học - Huế
- Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế

Lời tác giả: "Lúc mới tập làm thơ, tôi nghĩ đây chỉ là một cuộc chơi. Không ngờ, bây giờ mỗi lúc muốn tìm lại mình, tôi lại làm thơ."

http://dongha.vnweblogs.com/

Tác phẩm:

Người đàn bà che mặt tập thơ, NXB Thuận Hóa 2010

 

Dongha by you.

 

NGƯỜI ĐÀN BÀ CHE MẶT – NGÂN NGẤN MÀU XƯA

Làm sao tròn suất diễn/ Sao giấu được mình trong ánh mắt đêm (Độc vũ)

 

Lê Vũ

Tập thơ Người đàn bà che mặt của Đông Hà (NXB Thuận Hóa - 2010) là một bày biện phơi mở những trầm tích của ký ức, những vết nhăn bội số của đêm, những thui đen mù chột mà “đắp bao nhiêu cũng không hết phần lận đận/nên hễ trái trời lại tấy đỏ cả nhau”. Là Đông Hà xin lỗi cũng đồng thời tự biện: Chỉ là sự che mặt của ký ức.

35 bài thơ trong tập đồng hành với năm tháng tóc bay, những nghĩ suy trải nghiệm của nhà thơ trẻ. Để một ngày ngồi nhìn lại/Biết mình buồn đến mênh mông (Trò dại)

Thơ thở hắt ra, không mệt nhưng trong nỗi dịu dàng là bàng hoàng thảng thốt

để đến đêm thì ngàn đêm chong trắng,

trắng mất mát, trắng vô vọng cầu xin. Lên chùa thắp một ngọn nến, gõ ba

tiếng chuông chợt nghe tiếng chuông thừa

bay lên; nhìn lại nhan sắc cụng cựa, biết ra hương thừa, thôi thì, lập chùa tu riêng.

Người đàn bà che mặt, trước hết là một ngoảnh lại với ngày xuân để tròng trành

tiếc nuối khi mà đã buớc quá cái tuổi

“đã toan về già”. Tâm tình với “Phố cổ” cũng là nhắn gửi với ngân ngấn màu xưa:

Thôi phố ạ, chuyện tình ta cũng cổ /Ngói lên rêu em cũng hóa rong rồi

Thời gian trôi, tiếng buồn rơi chậm vào những hoàng hôn và Đông Hà nhận ra rất rõ: Đã trôi hết những con đường đầy nắng/những xanh vô cớ bỗng ngại ngần/bỗng tung bỗng hứng phần nghi ngại/bỗng rớt mơ hồ dưới mắt ai (Giờ thì đã muộn).

Vĩ thanh của những cuộc tình hôm nao với những cung điệu: sầu, đau, chua chát, cợt cười chính là mảng đậm đặc trải ra suốt tập thơ. Tình tung hứng, tình gây mê nhưng tình, những lưỡi đao ngọn suốt khi nhìn lại. Ta tưởng chừng như Đông Hà cười lên rách mắt và cong một điệu môi heo héo:

Hôm qua nhặt lá ba hoa/Đổi mua được chút như là tình yêu/Tình yêu mua buổi chợ chiều

(Dã quỳ)

Thơ Đông Hà là một sự trở về của cái tôi như chính nhà thơ đã thú nhận: Mỗi lúc muốn tìm lại mình, tôi lại làm thơ.

Và Đông Hà đã thú nhận trong đêm vô tận, trong vô biên ngút ngàn những thủy ba ngầm xô lệch. “Đêm” lặp lại với tần số cao những da diết thương vay, những lồ ngồ nghi hoặc đặc biệt trong hai bài Đêm qua, Không còn bếp lửa nào tàn. Đêm rung lên những vực ngờ chống chếnh buồn rầu: “Rồi như thể cái đi là định mệnh/Không đi băng chân ta lại đi bằng hồn... (Rối). Đêm đau đáu nứt ra từ khát khao nhen lại nhưng bếp lửa đã tàn tro và cũng từ một xác quyết không còn nhầm lẫn: Em không còn là cái đích/Để anh có thể dừng chân/Vậy mà em tin (Cái đích cuối cùng). Khi hết là đích nhắm của tình ái, tình như giấc mơ bay đi, lọ mọ với chiêm bao: Sao ta lại quá bóng hình/Để nông thì cạn để mình thì đau (Em và anh). Câu lục bát mềm mại mà vỡ ra tan tác mảnh thủy tinh nhọn hoắt: Đêm qua sao rụng chân mày/Có ly nước mắt tưởng đầy lại vơi (Đêm qua).

Lê Vũ

Nguồn: Người Lao Động Online 21. 7. 2010:

http://nld.com.vn/2010072001173534P0C1020/nguoi-dan-ba-che-mat-ngan-ngan-mau-xua.htm

Bài được đăng lại trên:

http://news.ndthuan.com/van-hoa/2010/07/20/154205-nguoi-dan-ba-che-mat-ngan-ngan-mau-xua.shtml

.


THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI HUẾ

TRONG BÚT KÝ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

ĐÔNG HÀ


Văn chương bắt nguồn từ cuộc sống. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vậy, mỗi trang viết của anh là một sự khởi nguyên rất chân thật. Không thiên về lối miêu tả nhưng bằng cặp mắt tinh tế sắc sảo của mình, Hoàng Phủ đã “nói” về cuộc sống từ những tinh chất của thiên nhiên và con người Huế đọng lại dưới ngòi bút của anh.

Thiên nhiên và con người là hai đề tài rất quen thuộc trong văn chương nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung. Cuộc sống tự nhiên dù xoay vần đến đâu thì thiên nhiên và con người vẫn là hai chủ thể trung tâm của vũ trụ. Vì vậy, đề cập đến cuộc sống văn chương, thiên nhiên và con người xuất hiện là một lẽ tất yếu.

Thiên nhiên và con người xuất hiện trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường như một lẽ tự nhiên nhưng vẫn khoác cho mình sắc thái và phong cách riêng biệt. Điều đầu tiên người đọc dễ dàng nhận ra, đó là sự hòa điệu. Đây cũng chính là sự thừa hưởng một phong cách cổ văn theo tư tưởng triết lý phương Đông “Thiên nhân cảm ứng”. Con người phương Đông khác với phương Tây, nặng về cái “ta”, về sự giao hòa giữa con người, thiên nhiên, vũ trụ. Thế đối xứng trong quan niệm người phương Đông chính là sự tương hợp giữa Nhân - Thiên - Địa. Văn chương từ xưa đã rất nặng về mối quan hệ này. Thiên nhiên trong văn thơ xưa thường được biểu trưng qua mây hoa tuyết nguyệt, trúc mai đào liễu. Hoàng Phủ Ngọc Tường thừa hưởng tư tưởng triết lý cổ nhân nhưng đã phả vào cái hồn mới của văn học hiện đại. Thiên nhiên trong tác phẩm của anh chân thật, sinh động như vừa được bóc ra từ cuộc sống để dán vào trang viết chứ không đơn thuần là sự tinh lọc đến khuôn phép như thi ca xưa. Anh viết về thiên nhiên thật tự nhiên, những gì anh bắt gặp, những gì anh chợt thấy đã để lại những dấu ấn trong tâm trí anh thì buộc phải nói ra như một lời giãi bày, một lời phân ưu giữa cuộc sống. Trong tác phẩm của anh vì vậy có thể được đời sống của những lưu vực dòng sông, nghe được từng hơi thở của đời cây đời cỏ, ngửi được mùi hương của hoa lá và đau cùng tiếng kêu của những con chim bị trúng thương bởi tiếng súng của những kẻ bất tâm. Mỗi tác phẩm như một đời sống thiên nhiên thu nhỏ, được nhà văn miêu tả thật hồn nhiên, không một chút màu mè gượng gạo.

Thiên nhiên và con người trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa quyện vào nhau, rồi đôi lúc lại tách ra thành hai người bạn đồng hành. Nếu nói rằng nhà văn muốn lấy thiên nhiên làm chủ thể cũng đúng, con người làm chủ thể cũng không sai và thiên nhiên cùng con người tạo thành chủ thể cũng quá ư chính xác. Ở tác phẩm này thiên nhiên trở thành một đối tượng được nhà văn miêu tả riêng biệt, ở tác phẩm kia con người lại được ngòi bút ưu ái đề cập đến mọi ngõ ngách sâu xa của tâm hồn. Và đâu đó ở những trang viết khác, con người cùng thiên nhiên lại gộp chung trong một vấn đề nào đó được nhà văn phân tích mổ xẻ bao giờ không hay. Viết về hai đề tài này không mới nhưng Hoàng Phủ đã tạo ra được nhiều cái lạ, độc đáo trong văn phong riêng. Anh biết tìm đến cội nguồn của thiên nhiên để hiểu thiên nhiên chứ không chỉ đơn thuần chiêm ngưỡng những gì mà trời đất ưu đãi. Khi viết về một điều gì đấy của thiên nhiên anh luôn có một sự giải thích đến nguồn cội của nó. Từ một dòng sông với câu hỏi thắc tha thắc thỏm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đến những cánh rừng trên thung lũng A Sầu. Một ngọn núi mang nhiều ảo ảnh huyền thoại Bạch Mã. Một thành phố riêng của “nhân loại tím”, những con đường có hàng cây gọi mùa chim di trú… tất cả tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vừa rộng rãi lại vừa sâu sắc. Hoàng Phủ viết về tất cả mọi cái tồn tại trong thiên nhiên nhưng giọng văn khéo léo khiến người đọc không tìm ra một chút xao nhãng bừa bãi của chữ nghĩa.
Thiên nhiên Huế sinh ra vốn đã có một sự quyến rũ đầy thơ mộng. Đó là một quần thể văn hóa với những đền đài lăng tẩm, những kiến trúc nguy nga tráng lệ và sự hài hòa cân bằng độc đáo. Hoàng Phủ đã biết tận dụng những ưu đãi tạo hóa đã phú cho Huế để khêu lên thành cái hay, cái hoàn bích trong văn chương của mình. Văn phong anh lắm điều ẩn dụ. Nó như đi từ cảnh sắc này sang nơi bài trí khác, dẫn dắt người đọc lang thang giữa một vườn thiên nhiên hấp dẫn, đầy khuyến dụ và đam mê. Nói về sông Hương như sản vật gia bảo của Huế, anh tường tận đến nơi con sông sinh ra và những chặng đường dòng sông đã đi qua để lớn lên và trở về với biển cả: “…giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái digan phóng khoáng và man dại… ” để khi về lại thành phố, qua những khúc quanh tự nhiên cơ hồ như thân phận cuộc đời, dòng sông dịu dàng “…uốn một cánh cung rất nhẹ…” “như một tiếng “Vâng” không nói ra của tình yêu…”. Nhà văn miêu tả thiên nhiên, miêu tả dòng sông mà như khắc họa nơi sâu nhất tâm lý dòng sông, cơ hồ thiên nhiên cũng có trái tim như con người vậy. Phải chăng nhà văn đã khéo léo đánh tráo trái tim của kẻ đa cảm vào lồng ngực dòng sông, tạo cho con sông thiên nhiên trở thành một kiều nữ đất cố đô.

Viết về thiên nhiên Huế không chỉ riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường mà biết bao nhiêu nhà thơ nhà văn đã chạm ngoài bút vào tâm hồn Huế. Một Hàn Mặc Tử khắc khoải trong nỗi ngóng trông “Sao anh không về chơi thôn Vỹ”. Một Thu Bồn da diết bâng khuâng trong cách hiểu sâu sắc “con sông dùng dằng con sông không chảy/ sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” Và Dương Phước Thu với tập ký “Dòng sông nắng đục mưa trong” cũng đã hiến cho bạn đọc đôi điều về cảnh sắc Huế. “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong”… Rất nhiều nữa là đằng khác. Cứ như từ xa xưa lắm, Huế đã sinh ra cho thi ca vậy. Mà khi bước vào ký Hoàng Phủ, thiên nhiên Huế như chợt vừa được đánh thức trước cái đẹp đơn sơ nhưng rất đỗi ngỡ ngàng. Một ngọn cỏ một lá cây, một cánh hoa tàn và một thanh âm chưa rõ từ đâu vọng lại cũng tạo nên một thiên nhiên Huế đắm say trong ký của anh.

Bằng lối viết nhiều ẩn dụ như thế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hướng người đọc một cái nhìn về con người thật nhẹ nhàng, cảm nhận những nét đẹp về con người thật nhẹ nhàng, cảm nhận những nét đẹp về con người trong tác phẩm của anh không hề bị khiên cưỡng. Nhân vật trong ký không nhiều. Một tác phẩm thường chỉ một hay hai nhân vật (rất ít khi xuất hiện số đông) nhưng Hoàng Phủ đã biết tiếp cận nhân vật ở nơi sâu nhất của thế giới tâm hồn giúp người đọc thấy được nét riêng trong mỗi cái tên, mỗi gương mặt. Con người xuất hiện trong ký Hoàng Phủ không phải để giới thuyết về một cuộc đời trong cõi sống mà qua cách sống, qua đời sống của họ. Những nhân vật cụ thể được đưa ra từ cuộc sống có thật nhưng đã được nhà văn chọn một góc độ thích hợp nhất để tiếp cận nên không có cảm giác gượng gạo hay phô bày. Họ bước vào tác phẩm một cách hồn nhiên chân thật nhất.

Xuất hiện bên cạnh thiên nhiên, con người làm rạng rỡ thiên nhiên và thiên nhiên dường như cũng nói hộ con người những gì khó bộc bạch. Khác với con người khảng khái “ăn sóng nói gió” trong ký Nguyễn Tuân, con người trong ký Hoàng Phủ như rẽ hoa lá mà bước ra. Xuất hiện thật nhẹ nhàng, từng gương mặt hiện lên đủ các cung bậc: là người chiến sỹ (Rất nhiều ánh lửa, Chiếc Panhxô và khẩu súng của Trường), người phụ nữ yêu nước (Hoa trái quanh tôi), người con trai dân tộc đậm đà chất phác (Đời rừng), chàng nghệ sỹ lãng du tài hoa (Như con sông từ nguồn ra biển)… Đặc biệt với Hoàng Phủ, những nhân vật của anh không bước vào tác phẩm ngay từ đầu trang viết mà qua sự dẫn dắt của tác giả từ nơi họ tồn tại, từ thiên nhiên đang tạo dựng xung quanh họ, như một tấm bình phong cho những nhân vật đó đứng lên.

Có một điều cần nói khi đề cập đến hệ thống nhân vật trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, ấy là con người xuất hiện không nhằm đưa theo một loạt những tình tiết, tiểu tiết để tạo dựng thành một điểm riêng nổi bật nào đó. Tất cả cứ lặng lẽ nhẹ nhàng nhưng lại đủ sức thuyết phục người đọc dành cho họ một nét suy nghĩ riêng khó trộn lẫn vào ai mà lại không xa lạ với những con người xung quanh. Những nhân vật bình dị ấy nếu cần họ có thể đại diện cho một mẫu người, một lớp người hay cả một thế hệ.

Thiên nhiên trong ký Hoàng Phủ không xuất hiện tượng trưng cho một bức tranh mà đó là lời thủ thỉ tâm sự của con người hòa lẫn và đồng điệu cùng thiên nhiên. Những tên đất tên người cụ thể không làm mất đi sự thi vị hóa trong ký của anh mà ngược lại dưới cách thể hiện bằng độ mờ hóa bao phủ của óc liên tưởng tài tình, thiên nhiên càng lộng lẫy và con người thêm hoành tráng. Chính điều này khiến tác phẩm anh đạt được giá trị cao khi viết về đề tài quen thuộc.

Đặc điểm nữa tạo nên một thiên nhiên và con người riêng của ký Hoàng Phủ Ngọc Tường đó là chất Thiền đã ngấm vào trong từng hơi thở của những gì đã chảy ra dưới ngòi bút của nhà văn. Những gì anh đưa đến cho người đọc không tạo cảm giác choáng ngợp mà nó nhẹ nhàng len lỏi tạo thành sức thuyết phục của cái đẹp trong chiều sâu tâm tưởng. Chiêm ngưỡng thiên nhiên và thần phục con người trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ bằng trực giác mà phải vận dụng đến độ sâu của tâm hồn mới thấu đáo hết các ngõ ngách giá trị thẩm mỹ và nhân bản.

Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện tất cả những mặt của cuộc sống. Anh viết nhiều đề tài khác nhau. Đó có thể là chiến tranh, là sự đấu tranh của bản thân khi đứng ngoài nhìn vào cuộc chiến, cũng đôi khi là những người bạn đồng chí cách mạng cùng vài mối tình lãng mạn nên thơ, hay sự cam go của ngày thường ngoài đảo… Rất nhiều nhưng đặc biệt nổi trội vẫn là thiên nhiên và con người Huế. Ở đó có sự quy tụ của một tổng thể bản sắc văn hóa riêng của một vùng đất kinh thành.


Đ.H
(Sông Hương số 264/2-11)

.

Thương nhớ Tiểu Kiều


 

Khi đến ngôi nhà nhỏ ấy, tôi nghe một cái gì rất gần. Bởi ở đó có tất cả những người tôi biết, những người mà tôi không biết phân định thứ ngôi như thế nào trong sự xưng hô. Nhưng tất thảy là niềm yêu thương.

Tôi yêu quý người mẹ ấy. Mười lăm năm đúng. Mười lăm năm là tính số vuông tròn của thời gian. Còn lại bao nhiêu gần gũi tôi không đếm nổi, chỉ biết, với tôi, người mẹ ấy đã quen đến mức, thân đến mức, thương đến mức, và yêu quý đên mức không có một danh xưng nào đặt trước cái tên ấy cả. Cái tên mà tôi chắc rằng không phải chỉ mình tôi gọi riêng, thiên hạ nhiều người cũng đã gọi. Tên Tiểu Kiều!

Khi lũ chúng tôi là những đứa con gái lộc ngộc thường qua lại ngày mấy bận dòm dỏ ngó nghiêng đủ thứ, Tiểu Kiều đã ngồi nghiêm nghị trong văn phòng khoa. Từ cái ngó nghiêng bên ngoài, dần dần chúng tôi ngồi tọt vào chỗ riêng của Tiểu Kiều hồi nào không rõ. Chỗ ngồi đó thường có bánh, mứt, kẹo... và hơn cả là những cái nguýt mắt đầy thương yêu. Cái nguýt mắt chê nhiều hơn khen, chê chúng tôi là con gái mà sao như thế này như thế kia... Chê như một sự yêu thương mà Tiểu Kiều dành cho chúng tôi hồi nào không rõ.

Tôi nhớ những ngày còn đi học, mỗi buổi chiều bao giờ cũng chạy thật nhanh xuống cầu thang, đứng trước văn phòng, toét miệng cười trêu Tiểu Kiều mãi không chịu biết đi xe, ngày nào cũng phải chờ Võ Quê đưa đón ngày hai buổi. Chúng tôi gọi đó là cặp cúc cu.

Sau ra trường, trở lại học tiếp, Tiểu Kiều vẫn nhìn tôi cười cười vậy. Nhưng bữa nào thi hết học phần, đi ngang chỗ tôi, Tiểu Kiều cũng đặt lên bàn cái kẹo hoặc bánh, bởi theo cách lý giải của cái cười ấy, là ăn đi kẻo con bé trong bụng đang đòi. Thời gian đó, tôi đang mang thai Măng.

Hôm kết thúc khóa học, tôi ngỡ ngàng nghe Tiểu Kiều nói sắp nữa sẽ nghỉ hưu. Giật mình. Tôi trêu sao nhà nước phí phạm nhan sắc thế kia? Tiểu Kiều ôm ngực sò sè rũ rươi. Tôi biết đã đến lúc con người ấy không còn ở đây để mỗi khi quay lại tôi được nhận một cái cười cười.

Chiều nay lên thăm Tiểu Kiều về lòng cứ bần thần nhớ lại những cái cười cười khôn nguôi. Và loay hoay làm bổn phận của một người mẹ. Và chẳng hiểu sao trong mỗi việc làm bóng dáng Tiểu Kiều như hiện diện kề bên.

Này là khi tôi đút cháo cho hai đứa nhỏ ăn. Nhìn tụi cự nự nhau mẹ đút cho Sóc nhiều hơn Măng, tôi lại miên man nghĩ về hai cậu nhỏ của Tiều Kiều chắc ngày xưa cũng thế . Mẹ cũng đã phải cười thật vui để dụ dỗ hai đứa khỏi phải cự nự nhau.

Này là khi về đến nhà bồng hai nhóc xuống xe, đứa nào cũng muốn chạy thật nhanh vào nhà, mẹ phải hốt hoảng lao theo níu hai tay hai bên để con khỏi phải vấp ngã.

Này là bước vào nhà, lấy hai chiếc xe nhỏ cho hai đứa tự chơi, mẹ lại phải vội vàng vo gạo găm cơm, lật đật quay sang chuẩn bị nước nóng tắm cho mấy đứa. Thi thoảng dói với ra sân xem con chơi thế nào.

Này là mẹ sẽ chọn con cá nào ngon nhất nấu riêng cho hai đứa tô nhỏ ít thôi, và tỉ mẩn lọc bỏ hết xương, lựa thật khéo để cá không bị nát. Và đơm từng ít cơm một ra bát, sao cho vừa khéo nguội để ăn nhưng cơm không lạnh bởi bây giờ trời buổi chiều hơi se se buốt.

Này là mẹ dỗ hai đứa ăn từng ít một. Nhìn cái cách Sóc há miệng ăn một muỗng cơm rồi quay mặt vào cửa sổ để nuốt nhanh đồng thời gặm thêm miếng táo mẹ gọt sẵn trên đĩa, mẹ bật cười. Ngày xưa, chăc Ca Dao cũng đã từng lừa Tiểu Kiều những trò đại loại như con giờ, phải không?

Này là này là này là...

Cứ thế mà nối nhau qua hết giờ này ngày nọ tháng kia... Rồi đến ngày con lớn.

Như giờ Ca Dao và Sao Khuê vừa kịp lớn.

Thì cũng là lúc Tiểu Kiều đi.

Và đi, khi mà trọn suốt cả cuộc đời mình, Tiểu Kiều đã từng làm mẹ rất mực là Mẹ! Mình tin chắc chắn như thế. Vì, không chỉ có Dao và Khuê được Tiểu Kiều chăm sóc, mà ngày đó, mình cũng đã từng được Tiểu Kiều bày mình cách làm mẹ như thế nào.

Làm mẹ, là bởi thương yêu.

Bởi thương yêu, mà làm Mẹ!

 

Đ.H

.


DÃ QUỲ

Bàn tay một chút bàn tay
Trở qua trở lại mới hay rã rời
Ai đi đếm ngược tơ trời
Mình đi đổi vết thương người hôm qua

Hôm qua nhặt lá ba hoa
Đổi mua được chút như là tình yêu
Tình yêu mua buổi chợ chiều
Đêm về đã úa như liều tấm thân

Tấm thân thôi trót bụi trần
Mình về tắm gội qua tuần vu quy
Rồi đi góp lá dã quỳ
Về đem ủ nắng cho thì thầm xuân.

18-11-2008

KHÔNG CÒN BẾP LỬA NÀO TÀN

Lửa đã tắt rồi
làm sao nhen lại

em xòe bàn tay giữ lửa làm gì
có người lạnh lùng cầm đóm đem đi

Đêm qua em ước điều chi
mà mắt môi bập bùng muốn cháy
mà vòng tay rơi ngoài im lặng
mà ngàn lời đứng gió im cây

Đêm qua em nói với anh
con phố kia không còn thật
con sông kia không còn chảy
sao lòng vòng chẳng lối ra

Đêm qua chẳng lá hoa
chẳng trăng sao mà nghe lòng tri kỷ

dù bên này bếp lửa
không ai nhen cho nguội hết tro tàn.

19-2-2010

 

d2bb4fb7d3166d932d2d6df600914dea1712f726

GIỜ THÌ ĐÃ MUỘN

Sẽ không khóc đâu
em hứa

đã trôi hết những con đường đầy nắng
những xanh vô cớ bỗng ngại ngần
bỗng tung bỗng hứng phần nghi ngại
bỗng rớt mơ hồ dưới mắt ai

sẽ không khóc đâu
em hứa

dẫu xám mù u tím mặt người
thì cứ mơ hồ cho dịu vợi
cho đẹp vô cùng một trò chơi

giờ thì đã muộn
đã xám đã nâu đã tím bầm

đã buồn một chuyến hơn sương khói
đã thả ra về một trái tim…

3-5-2008

LỤY TÌNH

Bước đi thêm nữa là dừng
mà sao tấm vé nửa chừng muốn buông

biết rằng muôn thẳm dặm buồn
biết đi là đến một muôn trùng mình

thế rồi làm chuyến lặng thinh
thử xem một chuyện lụy tình ai mang...

13-1-2010

(Trích" Người đàn bà che mặt")

 

YÊU DẤU CŨ

Buồn ạ, ngày qua đi ra phố

gặp người quen sao khựng lại lưng chừng

sao lòng dạ rớt thình lình xuống tận

một chút mình ngần ngại đến chùng chân

 

Buồn ạ, đã lâu không nhớ lại

tưởng quên năm ấy đến bây giờ

đâu chỉ chút gặp mà xa ngái

bỗng kéo nhau về ríu rít kia

 

Ríu rít đi đâu mà vội vã

đem mây thương nhớ quấn môi mềm

đem gió yêu thương về trên má

đem người yêu nhỏ bỏ bàn tay

 

Nên giờ ngồi lại đầy thương nhớ

ta khóc cho hết dấu yêu này

rồi xem nước chảy về đâu ngả

mà thả theo mình một nỗi say...

THÌ YÊU NHƯ THẾ

thì không chi nữa cũng là

cũng hoa lá cũng sa đà tấm thân

cũng vui lem lấm bụi trần

có ra chi cũng là phần lỡ trao

 

nên giờ sóng vỗ ba đào

thì mong chi cái lao đao lại dừng

lại cay lại đắng lưng chừng

lại thương nhớ hết nỗi mừng nỗi vui

 

nên em giờ biết ngậm ngùi

biết yêu như thể  khóc vùi một đêm...

THỜI GIAN

Giờ buồn một chuyến qua sông

thả xem một đóa hồng nhung  rã rời

này tôi ngồi buộc tơ trời

tơ năm bảy mối tôi ngồi với tôi

 

Giờ sầu một chuyến ra khơi

thuyền kia vốn đã lả lơi bao giờ

thuyền kia chở một nghi ngờ

chở thêm một đóa tình cờ mà đau

 

Giờ em một chút còn đâu

thêm ba bốn nữa ra màu thời gian...

CHUYỆN TÌNH

Thì thôi cúi mặt không nhìn

thì thôi cúi xuống với mình thật lâu

 

để mà nhìn lại đêm sâu

để mà thương lấy một câu thơ buồn

 

để thôi lại biết  ghen hờn

biết thương biết nhớ cái hôm bạc lòng

 

ừ, thì cái bữa bòng bong

nói câu lỡ nên má hồng truân chuyên...

BỮA NI NGHỈ ĐA TÌNH

Thì cũng tại mình đa tình từ bữa

nên bây chừ mới nông nổi ra ri

mới thế gian ra điều như lắm chuyện

mới vô tình vô nghĩa với vô duyên

 

mà cũng tại cái thân lừa ưa nặng

việc đành hanh chi cũng vơ hết cho mình

cho đắm đuối cho nặng tình như thể

ngoại mình ra không ai nổi như là...

 

chừ thành thử ngồi chống cằm mà nghĩ

mà đắn đo suy tính thiệt hơn mình

mà đành đoạn chặt tim mình thật nhỏ

để hết đa tình đa sự với đa đoan!

 

ap_20100523124109235

 

CÓ AI NHỚ TỚI MÌNH ĐÂU!!!

 

Định hẹn về đây chơi một bữa

cho hoa cho lá hát trên  cành

cho muối mặn gừng cay còn thơm mãi

cho lòng đành đoạn rứa mà xanh

 

định hẹn về đây đi dạo phố

ngó xem hoa muối thuở bây giờ

ngó xem sông chảy xuôi hay ngược

ngó phố giữa bờ cứ sông Hương

 

mà ngồi dòm lại chao ơi tội

nói mãi nói hoài có nghe đâu

nên chi bữa nắng nghe lòng ướt

sao mãi không ai nhớ tới mình???

TUỔI THƠ

Tuổi thơ tôi bồng bềnh mây trắng
Con ngựa xanh bờm tía hí vang trời
Có những đêm nằm soi sao phẳng lặng
Gió qua đồng kể chuyện chốn xa xôi
Quê cha ngoảnh mặt dòng sông buồn bã
Con đò đầy độ ấy vãn người sang
Dòng nước chở ai hao gầy lá mạ
Rét cắt lòng mơ nắng trĩu trên vai

Tôi thơ dại bắt con cò bỏ chợ
Cổ ngóng trơ vơ-nhớ thuở mẹ đi rồi
Mùa đông năm xưa nghèo hơn hơi ấm
Giữ nỗi buồn lại lạnh chính mình thôi

Mùa đông qua sông in thêm vầng trăng vỡ
Tuổi thơ tôi qua bao chợ xứ người
Để đêm nay có vì sao vời vợi
Đổi ngôi cho người rồi lặn xuống sông trôi...


HỒI ỨC XANH

Tôi bắt con bọ xanh làm niềm vui thơ trẻ
Tuổi ngày xưa chết dại sau vườn
Mẹ đưa tôi đi qua mắt vườn với những niềm vui dâu bể
Lớn dần vạt nắng ban trưa

Tuổi gật gù nào đã biết hay chưa
Con đom đóm thả bàn tay, buổi dậy thì tan vỡ
Cha tôi nhìn hăt bóng tường hoảng sợ
Gà con kêu chiếp sân đình
Cải đầu làng chẳng kịp trổ bông...

Bến đò đầy tiễn bầy sáo sang sông
Cánh nhặt cánh thưa trập trùng mây lạ
Tôi xé toang cánh buồm lá
Đắp lên hai cánh tay trần

Thế rồi cười nụ phân vân
Bàn tay xanh nhợt những tần ngần tôi.



NGHE MƯA

Nghe mưa giọt lạnh bên đời
Nghe em nhớ lại một thời hôm qua
Tôi về xé giọt phù sa
Ươm vào hạt giống chở qua mắt người.

Nghe mưa ướp lạnh tiếng cười
Nghe lanh canh vỡ chín mười nỗi đau
Tôi về đếm lại thơ sầu
Thả rơi xuống đáy thung sâu.
Hết rồi.

Từ đây mưa cũng như đời
Rơi đâu cũng được.
Tôi ngồi với tôi.
Lẻ loi như một mồ côi.
Như em một độ thả rơi
đoá hồng.

Đ.H

 

PHỐ VẪN HOA

Phố lại về một mùa đầy bằng lăng. Cái màu hoa quen thuộc, dịu dàng và đơn giản như cách đây hơn chục năm đã nở đầy khắp thành phố, giờ vẫn dịu dàng đơn giản vậy. Nhưng, lại làm mình xốn xang vì nó còn mang mang hoài một màu sắc xưa cũ.

Vì rằng cũng màu hoa ấy của mười mấy năm trước đây đã làm cho đất trời trở nên lãng mạn hơn tất cả những điều lãng mạn khác trên đời khi mà chiều chiều có những đứa nhỏ ngớ ngẩn đạp xe trầm trồ xem màu hoa của cây này thẫm hơn cây kia, bằng lăng chỗ này nở sớm hơn chỗ kia, mà nở sớm như vậy, làm sao lòng người kịp nghĩ suy  để đắn đo xem thử nên bằng lăng hay bằng lòng?

Và phố ngày xưa thì rộng, người ngày xưa thì xinh, làm sao cái bằng lăng ấy không quắt quay trong tâm tình cho được!

Để bây chừ ngồi nhìn màu hoa trở lại, mình cứ không ngớt chạnh lòng. Càng chạnh lòng hơn khi ngồi lật xấp ảnh cũ. Không còn khuôn mặt bầu bĩnh, không còn cái nhìn trong sáng, không còn nụ cười tươi tắn của ngày xưa đâu nữa. Thì tìm hoài cái màu hoa xưa cũ cho thêm buồn lòng nữa làm chi!

Thế mới biết, thời gian thật kinh khủng. Thì nhớ làm gì cái độ hoa về. Có bằng lòng cỡ nào thì cũng không thể nào gật đầu nói  khác cái bằng lăng.

Nhưng phố vẫn hoa...

NGƯỜI UỐNG CÀ PHÊ

Ngồi buồn chợt nhiên bâng khuâng nhớ câu thơ người xưa. Rằng đại để trên một con đường thật dài, ngó trước không thấy ai, nhìn lui chẳng thấy ai, mới biết con đường mình đi dài thật là dài.

Thực ra khái niệm dài ngắn tuỳ mỗi hoàn cảnh, mỗi thời vận, mỗi tâm trạng mà thôi. Như câu thở dài thật đằng đẵng trong KiềuBa thu dọn lại một ngày dài ghê” thì quả nhiên thời gian thật khủng khiếp. Nhưng đơn giản như một buổi sáng chủ nhật mở mắt thức dậy, thấy không biết làm gì cho qua ngày nghỉ tươi hồng này thì khủng khiếp hơn. Thế là nghĩ ra cách tiêu khiển muôn năm nhất là cà phê! Vâng, đi uống cà phê ít ra cũng qua một buổi sáng!

Ấy thế mà sự đi cà phê cũng không thật đơn giản như thường nghĩ. Đã qua tuổi ẩm ương để có thể phớt lờ mọi ánh mắt mà ung dung đi vào quán một mình cô quạnh bên ly cà phê im tiếng. Bây giờ muốn vào quán phải đi cùng một ai đó. Đủ để thiên hạ không dòm dỏ ngó nghiêng. Thế là phải tư duy xem thử sáng nay còn ai có thể đi cùng mình được nhỉ?! Bạn bè thì nhiều. Người quen cũng lắm. Nhưng liệu có ai đủ kiên nhẫn sáng sáng chủ nhật mỗi tuần cùng ta đến một nơi thật im lặng, lắng nghe những tiếng nói thầm thì của ưu phiền  những ngày qua???

Nhiều khi đến quán cà phê như một thói quen. Lòng vòng phố xá chán chê  lại thèm ghé góc quán quen ngồi nhìn thiên hạ qua cầu với đủ sắc áo vàng xanh tím trắng. Đôi khi từ nơi chân cầu lặng lẽ nhìn lên, thấy bên kia sông một áng lụa là lướt qua cũng đủ làm lòng dịu dàng đi quá thể. Như thể chỉ một áng lụa là ấy đã đủ xua đi cái mệt mỏi đang khắp nơi tứ xứ ùa về quanh ta. Đôi khi từ chân cầu lặng lẽ nhìn qua. Bên kia sông cũng có một quán cà phê có lần năm xưa ngồi cùng người bạn, bây giờ đã phiêu bạt thật xa, định quay về mấy bận song lại lần khân rồi trôi tuột mất hút như giọt mưa trót rơi tận phía chân trời. Đôi khi ngồi quán chỉ để nghe rằng vẫn thấy bên đời còn có em…

Đi cà phê chỉ để ngớ ngẩn thế thôi hỏi làm sao đủ sức quyến rũ mà lôi kéo hết người này đến người khác từ năm này qua tháng nọ được? Nên đôi khi thèm được đi cà phê mà đành chịu cứng ngồi nhà. Dù đó là một buổi sáng đẹp vô cùng, nắng và gió lao xao, lòng cũng tươi hồng rộn rã… Thành thử mấy năm sau này muốn đi cà phê phải ngồi vắt óc tìm bạn. Tìm ra một vài cái tên. Dò dẫm được một vài số điện thoại. Rồi lại ngập ngừng… Biết thiên hạ có ai rảnh như mình… Thôi thì, cà phê có sẵn ở nhà. Nhạc cũng có sẵn ở nhà. Tự pha mời mình vậy. Buồn quá chừng chừng luôn. May mà có sẵn cái máy tính đang mở. Cà phê cà phê buổi sáng nào. Cà phê nóng em mới pha đấy. Cho thêm chút sữa nhé, em quen thế rồi. Ừ, anh cũng thường hay uống cà phê sữa, không sao! Mà em đang nghe nhạc gì đó?  Thôi, cất Trịnh của em lại đi. Lâu lắm rồi không nghe boléro, giờ nghe lại nhé! Cũng hay chứ không phải chỉ sến không, phải không?... Ừm…, chỉ thế thôi mà cũng rộn ràng, cũng dọn thành một buổi sáng cà phê vui chi lạ.

Huế, 6/5/08

ĐẸP NHƯ TRANG CỔ TỰ

Một ngày xưa chưa xưa lắm, tôi đã đến và đứng lại rất lâu trên ngôi chùa nầy, những mảng rong bám chặt như muốn rêu phủ thời gian. Và bài thơ khắc trên gỗ trở thành tiếng nói ân tình của nhà sư ấy gửi về đời. Bài thơ tịnh khiết, vị sư trẻ tuổi ngâm bằng giọng trầm, rằng đạo và đời đi trên hai con đường gần lắm, kề cận nhau nhưng để bước qua phải luỵ một chuyến đò. Tôi nghe trong mùi hương ngọc lan sau chùa đưa thoảng, mọt cánh hoa thuôn đượm dáng ngọc thả nhẹ mình xuống trang sách mở sẵn trên phiến đá đặt kề gốc cây. Những ngày tháng của tôi mê mải theo những câu chuyện đan thiền, bài học trên giảng đường tôi đem theo, ngẫm ngợi vào những lúc trầm mình trong tiếng chuông chùa tĩnh lặng.
Huế đã có tự nghìn xưa một không gian nhẹ nhàng như vậy. Nhưng ngôi chùa đẹp và yên như trang cổ tự là nơi giới sinh viên chọn làm điểm hẹn, có thể với bạn bè, người thương hay chỉ để hẹn cho lòng mình. Lúc rỗi rãi, chúng tôi lặn lội lên tận non cao với “Niềm đá xanh” và “Tình mây trắng” để nghe vị sư trụ trì chùa Huyền Không Sơn Thượng nói lên tình Thiền. Những bài thơ của sư rất tình, cái chất tình không thể thiếu được của giới đạo hạnh khiến người đời lấy làm xấu hổ với thứ “tình” mà mình ngỡ đã đầy đặn trao đổi cho nhau. Một vùng núi non tít tắp, ngó xuống trước mặt là thung lũng xanh ngắt ngút, lòng người dễ sinh tình, thành thơ. Giới nghệ sĩ – sinh viên mấy ai không biết chốn này, như một nơi đi về của tâm hồn những lúc mệt nhoài theo các cưộc rong chơi khắp nẻo.
Huế của những ngày gió nhẹ, lá và nắng đan nhau thành hoa nắng lao xao thả xuống mặt đường. Trên bất cứ một ngã rẽ nào cũng có thể dắt người ta đi đến một ngôi chùa hay tịnh xá, khuôn thất. Những kỳ thi của tôi đã trai qua những sân chùa như thế. Để bài học cứ trầm trầm một mùi nhang khói khó quên.

Tôi yêu vô cùng những cơn mưa Huế. Người ta nói nhiều, thương nhiều những cơn mưa dằng dai dấm dứt này, nhưng với tôi, phải là một đêm thật sâu, trong quán café giản đơn và đằm địa, cô chủ quán thật đẹp, dịu dàng đặt lên mép bàn một chiếc khay nhỏ, tựa hờ nếp tay làm duyên trên khay, bao giờ cũng cười nhẹ khi bưng tách café khẽ để trước mặt tôi, và cái đĩa xinh xinh trên có mấy điếu thuốc thường hay “cấc” một cái, tinh lắm thì nhận ra tuồng như giận dỗi. Ừ, thì tôi là con gái, có sao đâu! Cô giận tôi dã biết uống café không đường đá, giận thêm mấy đốm lửa đầu môi. Nhưng áo nhung đen váy rũ dài trắng muốt kia ôi, đêm nay Huế lại mưa, những cơn mưa như kéo dài hàng thiên niên kỷ. Lệ Thu đang hát bài xưa cũ kỹ: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…”. Chiếc máy đĩa cổ lổ sĩ khàn tiếng hát như muốn làm mốc thếch thời gian. Tôi hiểu hơn một bài Đường thi chiều kia Thầy vừa giảng. Bài thơ cô độc của người xưa néu tối nay tôi gõ vào máy vi tính, bốn câu thơ sẽ được in ra đẹp vô cùng trên trang giấy trắng tinh. Tôi cảm nó trong ánh điện sáng trưng và xung quanh là máy móc ư? Ban chiều, khi rời giảng đường, tôi ôm tập giáo trình bề bộn, nhặt được một chiếc lá vàng đánh dấu bài thơ. Rồi đến đây, thấy tâm hồn Đường thi đẹp một nét lụa là quyến rũ. Ngoài song cửa tre kia, mưa vẫn bay, những dòng mỏng manh dịu dàng bay trong ánh đèn đường khuya khoắt. Có đi mưa về đêm mới hiểu tấm lòng người đất Huế, dưới những cánh cổng kín đáo thâm nghiêm là chỗ trú ẩn tuyệt vời từ cái mái sùm sụp. “Làm nhà nhỏ hay to cũng làm cái cổng có mái che nghe con, cho đêm hôm có ai đi ngoài đường lỡ gặp gió máy”. Lời Mệ già dặn người bạn lớn tuỏi của tôi khi anh định cất ngôi nhà mới khang trang hơn một chút. Thời sinh viên của tôi đã được trú ẩn dưới biết bao tấm lòng như vậy. Những tấm lòng khiến cơn mưa dầm “thúi trời thúi đất” không làm gì khiến kẻ bộ hành kia rét mướt được.
Huế có nhiều cơn mưa, mỗi cơn mưa khiến người xa có một nỗi nhớ khác nhau. Huế có nhiều nơi lui tới để đi về. Người xa khi về thường chọn cho mình một nơi để ghé lại mà nghe lòng hàn huyên chuyện cũ. Tôi cũng vậy, dẫu giờ đây, khi ra trường, đi làm, mỗi lần nhớ đắm say cái thời sinh viên đầy hoa mộng, tôi lạ trở về đây, có khi một tuần mấy bận, để được thấy cô chủ quán cười thật hiền, thấy những chiếc ấm đất treo lủng lẳng bình thản trên vách tre. một người bạn hành nghề đạp xích lô cũng ghếch xe vào, kêu ly đen nóng, anh xin tôi 500 đồng, ngày nay ế khách, anh phân bua, rồi chạy sang quán bên chốc lát đem về trao tôi mấy cây nến nhỏ xíu. Khi ánh nến bập bùng toả lên, tôi nhận thấy nét u hằn ngang dọc trên gương mặt người bạn. Nhưng anh lại làm thơ, những vần thơ mềm mại tình tứ. Tôi lặng người nhớ về vô số những trang sách của một thừoi đèn sách. Hiện thực phê phán, chủ nghĩa lãng mạn, đâu là thực đâu là hư? Những bài thơ tình yêu, những dòng văn tố cáo… lần lượt hiện lên để khi ngước ra xa, cửa Hoà Bình của khu Đại nội kia đã bị bóng đêm cài then tĩnh mịch, tựa ngàn xưa đã tĩnh mịch.
Thời sinh viên của tôi đã trôi qua bằng những tháng năm biết nói. Cửa sổ giảng đường có những cụm bằng lăng. Phòng máy vi tính những chiều quay nhanh vội vã. Những con đường hối hả… Để khi ra trường tôi chứng thực cho các công sở biết mình là con người của thế kỷ mới sắp mở ra. Nhưng tôi vẫn sống lại những ngày xưa bằng trái tim của người “cổ điển”. Nột thời đèn sách đẹp nhưng nhức như nụ cười răng đen của các Mệ hoàng triều. Tôi đã sống, đã đi qua, để khi nhớ, lại bần thần đứng ở ngõ xưa, nhớ một người, thiết tha, chỉ cần gọi một tiếng thôi: “Chi ơi…” mà nghe cả một thuở xa xôi ùa về gõ cửa…

Đ.H

 

*

 

.
Nhà thơ Đông Hà đọc thơ tại buổi ra mắt tuyển THƠ TÌNH XỨ HUẾ (NXB Trẻ & soncamedia) Festival Thơ Huế lần thứ 4 - 2010.
(Photo by Vo Que)
.

Nhà thơ Đông Hà tại đêm thơ Thanh Hải (14. 12. 2010)
(Photo by Vo Que)
*

Tư liệu:

http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=6&catid=25&ID=2946&shname=Chum-tho-Dong-Ha

Đông Hà - cây bút thơ nữ triển vọng của miền Trung:

http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=4&catid=18&ID=4853&shname=Dong-Ha-cay-but-tho-nu-trien-v-ng-cua-mien-Trung

 

 

 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.