Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Nhà thơ NGÔ MINH

 


 

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Tên thật: Ngô Minh Khôi

Quê quán: Làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Thường trú tại: 11/ 73 Phan Bội Châu, TP. Huế.

Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam

Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam.

http://ngominh.vnweblogs.com/

 

Tác Phẩm:

PHÍA NẮNG LÊN (1985)

CHẮC LÀ BIẾT ĐI (thơ thiếu nhi – in chung, 1987)

CHÂN DUNG TỰ HỌA (1989)

CHÂN SÓNG (1995)

QUÀ TẶNG XỨ MƯA (1998)

ĐƯA CON CỦA CÁT (1998)

NẮNG MẶN (thơ thiếu nhi, 2001)

PHÙ SA BIỂN (2001)

HUYỀN THOẠI CỬA TÙNG (2004)

MÚT MÙA LỆ THỦY (2005)

THƠ TẶNG (2007)

GỌI LÁ 2008)

HỒN QUÊ TRẦM TÍCH (2010)

CỔ TÍCH TÀU KHÔNG SỐ (2011)


.

.

.

 

LẠY CỤ NGUYỄN DU

 

lạy này xin cụ xá cho

cô Kiều năm ấy mới vừa qua đây

nom chừng son phấn thêm dày

cầm ca  một thuở đã  phai nhạt rồi

*

lạy này xin cụ đánh roi

trăm năm báo oán mà đời oán dâng

lũ Tú bà, Mã Giám Sinh

nhung nhúc Ưng Khuyển, Sở Khanh…nảy nòi

*

lạy này xin cụ ngậm cười

văn chương trần thế chín mười đơn sai

chữ tâm rơi rớt  dặm dài

chữ tài liền với chữ tai… Thôi thì…

*

lạy này xin cụ say vì

cháu con thơ lại đến quỳ trước thơ

Tiên Điền mây cỏ ngẩn ngơ

trăm phần trăm

chén giang hồ

Nguyễn ơi…

Tiên Điền-Huế 1-2007

 

NHỚ ÔNG NGUYỄN TUÂN

 

ông là cây đời phiêu bạt ném vào xanh lá

mỗi ngày tiếng chữ bật chồi

tí tách niềm mới lạ

không ai trùm che nổi ông

ông chẳng  trùm che ai

bóng mát văn ông chim về xây tổ

*

ông là tô phở Hà Nội mình

quý người ăn nên sang người nấu

một bữa nhớ đời

mà bắt chước thì vô cùng khó

cái dư vị trinh nguyên nết đất

cái nhân tình đậm đặc

nói với tôi: Mình hãy cứ là mình

nếu mong  đến một cái gì đích thực!

*

ông rượu gạo nước mình

ngon mà đắt mà hiếm

mặn ngọt chua cay mời nhau một chén

buồn  khổ sướng vui thấu lẽ đời

uống ông

say ông

càng yêu sống với đời

*

ông đếm từng manh ván cầu Hiền Lương đo nỗi đau đất nước

ông  gang từng phân tội ác

chất thành tường cao

năm tháng Hoả Lò

không dạy ai

ông chỉ đếm và đo

xê dịch đến tận cùng ngày tháng

mà tiện tằn từng chữ từng câu

*

tôi không tin là ông đã ra đi

sáng nay mùa thu nhận bàn giao trời đất

ông vẫn kia

tóc cười gió ngược

mắt chớp bao lời

ông đang nới với chúng tôi

về MỘT CON NGƯỜI!

Huế 2/8/1987

 

TRƯỚC NGÔI NHÀ  CỬA ĐÓNG

 

Tặng thi sĩ Lê Đình Ty

 

tôi đã đến và ngôi nhà cửa đóng

cây đinh lăng không biết trả lời

đồng cày ải mạ chưa cắm xuống

gió yêu đương  cuốn bạn đi rồi ?

giếng nước soi bạc xám khung trời

tôi gặp tôi ở tận cùng sâu thẳm

ở tận cùng ước ao không gặp bạn

những tàu dừa đùa gió vu vơ

đêm qua còn gặp bạn trong mơ

nụ cười  xanh sáng làn mây bạc

rượu uống đến say mềm. Và hát

lời ngang tàng mà chân thật cao sâu

giờ cửa đóng rồi biết tìm bạn nơi đâu

trời rộng thế bà đường đi trăm nẻo

ngã ba sông đã tàn  phiên chợ Tréo

tôi lỡ làng một chuyến đò sang

thế là đành hát với thời gian

hát với ngôi nhà lặng im cửa đóng

bạn tìm tình yêu. Tôi tìm trống vắng

gió tìm nhau nên lỡ hẹn suốt đời…

-----------

Lê Đình Ty, nhà thơ, Hội VHNT Quảng Bình

 

MƯỜNG ĐÊM

 

Tặng Bùi Thị Tuyết Mai

 

ngàn dặm về chưa kịp lau mặt rửa chân

Mường đã kéo tay anh dọn mâm so đũa

đã rơi vào mắt nhau

chìm trong chén lửa

say rồi

anh như chú Cún theo em

Mường đêm dang vòng tay núi

dắt anh từng bậc lên trời

nơi những ngôi sao bên nhau không ngủ

em bảo gió Mường gió tươi

gió lứa đôi gió thơm mùi tóc

con gái Mường đi tay múa eo lưng

ngực căng như câu thơ chợt mọc

mắt em liếc anh rơi xuống vực

mong Mường đêm dài thêm

cao thêm…

Mường ơi anh quen hơi bén tiếng

Mường đêm xa lạ thành thân

anh thành chàng trai được chờ được hẹn

Mường đêm  như chén thuốc

Mường đêm tái sinh anh …

----------

Bùi Thị Tuyết Mai, nhà thơ người Mường ở Hoà Bình

 

KHUYA HUẾ UỐNG VỚI BẠN THƠ CÀ MAU

 

Tặng  Nguyễn Trọng Tín

 

ta khuya với bóng đền đài

tưởng như tuổi đã ra ngoài thời gian

lo mơ râu tóc sương giăng

Nam Ai…ngâm khúc tiễn nàng Huyền Trân

nước non ngàn dặm mong gần

núi cao vực thẳm phong trần sá chi

thơ còn đêm thức ngày đi

khi nơi chót Mũi khi kề Hương Giang

giai nhân ơi hỡi giai nhân

trăm năm Minh Mạng rượu dành chờ say

sông không chảy sông ắp đầy

sương sương khói khói đâu ngày sau xưa

tuổi tên danh phận như đùa

rượu vơi lựng nậm

chuông chùa cầm canh…

NHỚ THU BỒN

 

lực lưỡng sông quê phù sa bồi đắp

thời gian áo lính bạc màu

sống đến tận cùng

quyết không làm kẻ khác

viết như say

như khát

như cuồng

Thu Bồn

miên man trường ca cong cần rượu vít

Tây Nguyên ngựa tung bờm

Tổ Quốc như bầu vú nóng

đời ngất ngưỡng hát rong

Thu Bồn

không mào đầu vòng vo rào đón

yêu ghì chặt vòng tay

ghét quay lưng đỏ mặt

khó làm sao chân thật với lòng mình !

Thu Bồn

thơ -  bàn tay đỡ người qua vách đá

thơ - gương mặt mồ hôi nhễ nhại

thơ – làn môi tím tái nụ hôn

thơ như lửa thắt lòng chén đắng

uống cạn

còn đau

ơi Hiệp sĩ Thu Bồn !

8-2003

 

TƯỞNG NIỆM VĂN CAO

 

ngang mày

chén Tiên

nhấp

thời gian gọi ông bằng ANH

bởi chưng rượu trẻ !

ông gầy như cái vỏ chai

bảy mươi hai năm đầy vơi mắt rượu

bảy mươi hai năm không đựng lẫn thứ gì

ngoài men

và lửa

ai đã từng cụng chén ông mời

ai được rót vào chai gầy từng xị

sông Huế lạnh đêm đàn

Thiên Thai Lưu Nguyễn lạc…

đời gọi ông : Tiếng Gà Báo Thức

ông : Lá rớt Hồn thu

ông : Bên trời Giọt Tháp

ông : Sum suê Như Mùa

nhưng ông chẳng nói gì

lặng nâng chén ngang mày

và nhấp

Văn Cao

chàng Quốc lủi Hồn Quê

giữa khung trời

ngồi như nốt nhạc…

Đêm 27-7-1995

Hoàng Phủ Ngọc Tường - 'người ham chơi'

 


 

“Người ham chơi” Hoàng Phủ Ngọc Tường chín năm nay chỉ nằm một chỗ, khi tiếp khách phải ngồi xe lăn. Đã sáu bảy lần vợ “tha” đi chữa bệnh khắp các thầy giỏi trong Nam ngoài Bắc, anh vẫn chưa thể đứng lên được...

Nhưng anh vẫn làm thơ, mỗi cái tết anh vẫn viết năm bảy bút ký cho các báo lớn trong nước. Nghĩa là anh vẫn đều đặn đến với người đọc. Văn chương anh là mạch vỉa than đá cung cấp nguồn năng lượng cho bao thế hệ người VN, nhưng anh lại là người hứng chịu tai ương bệnh tật nằm một chỗ chín năm nay. Có lần nằm một mình ở lầu hai, vợ và mẹ vợ bận đi chợ đâu đó, lâu không thấy ai đến chơi, anh điện thoại cho tôi, nói một câu làm tôi nổi da gà: “Ngô Minh ơi, đến đây nói chuyện tào lao chơi, mình thèm nghe tiếng người lắm!...”.

1. Hồi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn ở Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường chưa bị tai biến, ba chúng tôi chiều nào cũng ngồi với nhau ở một quán cóc nào đó nhâm nhi chén rượu Hiếu để sinh hoạt “Chi hội nhà văn Bến Ngự” vì nhà ba người đều ở cạnh chợ Bến Ngự. Hồi đó, Hoàng Phủ tự gọi mình là “người ham chơi”: "Vẽ tôi một nét môi cười/ Một dòng nước mắt một đời phù du"... Anh có cả một tập nhàn đàm dày mấy trăm trang có tên Người ham chơi. Dường như lúc nào anh cũng có mặt bên chiếu rượu với bạn bè từ rừng tới biển, từ Bắc chí Nam, nói đủ chuyện Đông, Tây, kim, cổ. Trong cuộc vui, Tường bao giờ cũng nói nhiều hơn uống. Mà nói rất hay. Nói y chang như văn anh viết trong sách. Có lần tôi đến nhà gọi anh đi nhậu, mệ (mẹ nhà thơ Mỹ Dạ) bảo: “Ông ấy đi nói rồi!”.

Tường rong chơi với Hoài Vũ ở Vàm Cỏ Đông; lang thang cùng Trịnh Công Sơn khắp xó xỉnh Sài Gòn; la cà dọc Quảng Trị, Tây Nguyên với giáo sư Trần Quốc Vượng, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Huấn, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Ngọc... Đọc bút ký, nhàn đàm, thơ của Tường, mới hay anh ngao du khắp thế giới: Từ Rừng hồi xứ Lạng, đến Đất Mũi, từ Núi bài thơ Hạ Long, Hàng rào điện tử MacNamara Dốc Miếu, đến Tháp Mười, từ Phố con mèo câu cá ở Paris, đến Trời Điện Biên mây trắng...

Cuối tháng 3/1998, Hoàng Phủ, Nguyễn Trọng Tạo cùng tôi được nhà thơ Trần Nhuận Minh, lúc đó là chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ninh, mời về Hạ Long dự “Ngày thơ Quảng Ninh 29/3”. Trong cuộc hội thảo thơ hôm đó, gần cuối buổi, vị chủ tọa bất ngờ mời anh Tường phát biểu. Tường xoa xoa tay rồi nói vo vì không chuẩn bị trước: “Tôi ngồi nghe gần chục cái tham luận thấy các nhà thơ, nhà lý luận Quảng Ninh nói nhiều đến “các tính”, các “chức năng” của thơ, tôi thấy sợ quá, không dám bàn gì thêm. Tôi chỉ xin mạo muội nói một ý nhỏ: thơ cũng là sự chơi! Có chơi mới có thơ hay!".

Rồi Tường dẫn Tản Đà: Chơi cho biết mặt sơn hà - Cho sơn hà biết đâu là mặt chơi; vừa đánh giặc xong, Thánh Gióng bay về trời, đó là sự chơi; rồi quan họ hội Lim, rượu làng Vân, tranh làng Hồ... đều là sự chơi tài tử ở đời... Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... đều là người chơi nổi tiếng đương thời. Còn Nguyễn Công Trứ thì... tay chơi hết nói! Hết “chơi đại thần” thì “chơi lính trơn”. Chán lính trơn lại chơi lên đại thần. Lênh đênh một chiếc thuyền nan/ Một cô gái Huế, một quan đại thần...

Trịnh Công Sơn thì rong chơi suốt mùa mà để lại cả gia tài ca khúc vô giá. Rồi Tường kết luận: “Ham chơi không phải lười biếng. Ham chơi là cách sống đạt đạo của con người đã nhìn thấy từ lâu bản chất phù hư của thế giới. Văn chương nghệ thuật cũng là cuộc chơi thượng thặng”. Không ngờ phát biểu của Hoàng Phủ lại được mọi người tán dương, tâm đắc. Giờ giải lao và suốt buổi “bữa cơm thân mật” hôm đó, nhiều nhà thơ, nhà phê bình đất mỏ đến “xin chữ ký” Hoàng Phủ. Có người còn nhiệt tình mời chúng tôi đi thăm Uông Bí, Yên Tử...

Hoàng Phủ Ngọc Tường coi mình là “người ham chơi”, vì “Ham chơi là văn hóa gốc của người Việt” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Nhưng cứ nhìn vào số lượng tác phẩm đồ sộ và xuất sắc của anh đã xuất bản, ai cũng hiểu rằng anh chẳng “chơi” chút nào. Sau những chuyến đi như thế, anh ngồi lì trên cái ghế cổ, không có chỗ dựa lưng để viết suốt đêm, không cho phép mình được nghỉ ngơi, buông bút!

2. Tôi và Nguyễn Trọng Tạo hay gọi vui “Tường là nhà hiền triết cũ còn sót lại”. Anh có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực triết học, văn học, văn hóa, lịch sử, địa lý... Đó không phải là kiến thức “tầm chương” mà đã nhập tâm thành máu thịt. Nhờ đó, anh soi sáng dưới nhiều góc độ khác nhau những vấn đề mà mình quan tâm. Từ đó chiết ra được những ý nghĩa mới, giá trị hình tượng mới thấm đẫm tình yêu và trí tuệ, thành thứ văn chương “tri âm tri kỷ” làm nhiều thế hệ độc giả mê say. Có một độc giả già ở Hà Nội đã tỉ mẩn cắt từng câu của bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường in trên báo Văn Nghệ, nối lại thành một bài thơ, ép giấy bóng gửi vào Huế tặng tác giả. Từ những chuyện nhỏ gặp trong những đợt đi chơi lang thang, qua ngòi bút Hoàng Phủ biến thành những vấn đề nhân sinh thấm thía.

Trong bài nhàn đàm Đất nước, Tường viết về con chim cà ruồng cà tiệc, người Cơ Tu A Lưới gọi là chim patoong. Tiếng người dân tộc Cơ Tu cà ruồng cà tiệc nghĩa là đất nước. Tức là con chim đang kêu đất nước! Bởi thế mà ở Huế, chim patoong bắt đầu kêu khi vua Duy Tân bị người Pháp đưa đi đày. Người ta nghe tiếng chim kêu thành “Thôi rồi cơ cuộc... Thôi rồi cơ cuộc”, cho nên, "Hỡi con chim patoong của người lữ hành, sao ta thấy se lòng mỗi lần chim cất tiếng gọi"... Bài Con chim bách thanh lại xoáy mũi dùi vào bọn ăn nói như vẹt. Chim bách thanh hót được tiếng của muôn loài, nhưng nó không có tiếng hót riêng của mình: "Hỡi con chim tội nghiệp. Té ra trời sinh ra mi để hót bằng cái lưỡi của E-dốp!".

Không giống một số người, nói khác, viết khác, làm khác, nghĩ khác, họ luôn đeo cái mặt nạ ngăn cách tâm trạng thật của mình với xã hội, Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nói chơi, hay nói bốc đồng trong cuộc rượu, cũng chân thật đến tận cùng, giống y chang những điều anh viết thành văn trên trang sách. Nguyễn Trọng Tạo nhiều lần bảo những điều Tường nói trong các cuộc rượu, nếu ghi âm rồi in ra sẽ là những bài viết vô cùng thâm thúy, gan ruột. Vì lúc nào anh cũng sống, cũng viết bằng trái tim đỏ thắm của mình với nhân dân, với Tổ quốc. Đến nay anh đã xuất bản 15 tập truyện ký, nhàn đàm, thơ.

Anh đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập, được đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước đợt này. Hoàng Phủ Ngọc Tường tuổi Bính Tý, năm 2007 này anh tròn 71 tuổi, đã vào “tuổi xưa nay hiếm”. Anh đang nhờ vợ, chị Lâm Thị Mỹ Dạ, tập hợp một tập bản thảo dày có tên Cỏ thơm, gồm 55 bút ký, 20 bài thơ anh viết từ khi bị bệnh đến nay cùng với gần 100 bài viết của bạn bè về văn chương và con người Hoàng Phủ Ngọc Tường để gửi xuất bản. Ham chơi như thế thật đáng ham chơi!

3. Tường không chỉ có trái tim đỏ thắm trên từng trang viết, mà trong cuộc sống hằng ngày cũng luôn đau đáu nỗi người. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, Tường bảo với tôi: “Nhất định sẽ có tổng động viên”, phải chuẩn bị “lên đường kháng chiến”! Chờ mãi không thấy tổng động viên gì cả, anh sốt ruột nói với Mỹ Dạ: “Anh phải lên biên giới thôi, đất nước nguy nan, dân mình chết như rứa, mình làm sao đứng nhìn cho được. Nhà mình còn tiền không?”. Thời đó sống bằng tem phiếu, ít gia đình có tiền dự trữ. Mỹ Dạ hiểu tính khí chồng nên chị lẳng lặng đi bán mấy tấm vải, ứng trước mấy tháng lương để anh lên biên giới. Chuyến đi ấy Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết được thiên bút ký nổi tiếng Rừng hồi. Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân đã đề nghị chọn Rừng hồi vào Tuyển tập bút ký Việt Nam... vì có Rừng hồi thêm vào thì cuốn sách sẽ hoàn chỉnh hơn”.

Hồi bao cấp, UBND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) cấp cho vợ chồng Tường - Dạ một miếng đất 200 m2 để làm nhà ở khu quy hoạch Trường An với giá chỉ 200.000 đồng. Mỹ Dạ cầm tờ quyết định phân đất có dấu đỏ về hớn hở khoe với chồng. Không ngờ Tường nổi giận: “Khu đất ấy là khu mồ mả người Huế bao đời nay. Ta tranh người chết mà ở được sao? Thất đức lắm! Thất đức lắm! Em đi trả ngay cho...”. Thế là Mỹ Dạ lên tỉnh trả lại cái giấy cấp đất trước sự ngạc nhiên của bao quan chức. Nhiều văn nghệ sĩ ở Huế thời ấy không trả đất, bây giờ bán lời bạc tỉ! Mỗi lần tôi và Dạ nhắc lại chuyện “từ chối lộc trời” ấy, Hoàng Phủ lại cười bảo: “Mỗi người trong đời mình chỉ nằm một chiếc giường, một nấm huyệt, có ai nằm được một lúc hai chiếc giường, hai nấm huyệt đâu mà tranh cho lắm. Khối người còn không có chỗ trú thân. Hãy dành cho họ...!”.

4. Tường ham đi, ham chơi, lại hay thương người, nên có rất nhiều giai thoại về chuyện “ngô nghê” của “ông Tường” (chữ hay dùng của Mỹ Dạ). Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ kể: “Ông Tường là chúa ngờ nghệch. Có ai nghe các em “cave” kể khổ, có bao nhiêu tiền cho hết”. Lần ấy gần tết, Tường chưa bị bệnh, vào Sài Gòn để viết báo tết. Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Huấn... kêu đi nhậu chơi. Vào quán mới biết là chỗ có bia ôm. Suốt buổi Hoàng Phủ chỉ ngồi hỏi chuyện cô gái ngồi cạnh mình: “Em tên chi?”, “Quê ở mô?”, “Sao phải đi làm nghề ni?”...

Cô gái liền khóc ràn rụa, than: “Quê em ở Trà Vinh. Bố mẹ em vay tiền bà chủ, không đủ tiền trả nợ nên em phải đi làm với bà để trừ dần...”. “Thế mẹ em còn nợ bao nhiêu?”. “Dạ, nợ có hai chỉ vàng...”. Thế là Hoàng Phủ Ngọc Tường không một giây ngần ngại, rút ngay xấp tiền trong ngực áo nhét vào tay cô gái: “Anh chỉ có ngần này, có thể giúp em thoát khỏi chốn này!”. Đó là khoản nhuận bút mấy bài viết nhàn đàm trên báo Thanh Niên, dự kiến mang về Huế cho gia đình ăn tết! Tan cuộc, nghe Tường kể lại câu chuyện về “em gái thương tâm”, Trịnh Công Sơn ngậm ngùi: “Chao ôi, ai cũng như Tường cả thì xứ sở này sẽ thành Niết bàn!”.

Một lần ở Huế, hồi Tường mới ngao du ba tháng bên châu Âu về, có người bạn gái ở Đức mua tặng anh một chiếc áo khoác vừa len vừa da màu vàng rất đẹp để chống lại cái rét dưới độ âm ở trời Âu. Bữa đó cố nghệ sĩ điêu khắc Đỗ Toàn người Huế, sống ở Đà Nẵng ra, rủ chúng tôi đi nhậu. Cuối đông, rét tê người mà “các em gái” cứ áo voan, mini váy trông da thịt tím tái, thật đáng thương. Hoàng Phủ nhìn các em động lòng trắc ẩn: “Sao rét ri mà mấy em ăn mặc phong phanh rứa?”. Nói rồi anh cởi luôn chiếc áo khoác Đức của mình khoác lên vai cô gái trẻ ngồi cạnh. Khi ra về, cô gái trả lại chiếc áo, nhưng Hoàng Phủ gạt đi: “Anh tặng em để mặc cho ấm. Nhớ từ nay trở đi đừng có mặc mỏng manh như rứa nghe...”. Nói xong anh phong phanh áo gió đạp xe về nhà!

Vui nhất là chuyện Tường tặng đồng hồ. Một lần Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo và tôi được anh em Nghệ An mời ra Vinh chơi. Đêm đó chúng tôi vui nâng ly tại một nhà hàng ở Vinh. Thấy cô em tiếp viên mặt mày khôi ngô, sáng sủa, Tường lại nổi “máu thương người”: “Sao bé không đi học, kiếm nghề chi mà làm, lại đi làm nghề ni?”. “Ôi, anh ơi, mẹ em mắc nợ, nghèo quá không trả được. Em làm ở đây hai năm rồi mà vẫn chưa trả hết nợ”. Cô gái đỏ hoe đôi mắt. “Thế mẹ em còn nợ bao nhiêu?”. “Dạ, mấy triệu...”.

Tường gọi cô gái đến bên, nhẹ nhàng rút chiếc đồng hồ anh đang đeo trên tay, đeo vào tay cô gái: “Anh tặng em chiếc đồng hồ này, bán đi mà trả nợ rồi đi kiếm việc làm khác!”. Thấy chiếc đồng hồ thuộc loại Omega rất đắt tiền, Nguyễn Trọng Tạo liền gặp bà chủ nhà hàng nói với cô gái phải trả lại ngay cho ông khách có nốt ruồi đen to dưới má cái đồng hồ, vì lúc ấy “ông ấy đùa cho vui”. Cô gái tiếp viên bị chủ “nhắc nhở” liền chạy theo níu Tường lại để trả đồng hồ. Hoàng Phủ ngạc nhiên: “Em cứ đeo, anh tặng thật mà!”.

Như hiểu ra, Tường với tay xé tờ lịch tường, viết mấy dòng cam đoan mình đã tặng đồng hồ cho cô gái rồi ký chữ ký to tướng. Khi về tới Huế, Lê Diễn, người đã tặng Tường đồng hồ, một bữa ra Huế chơi, thấy Tường không đeo chiếc đồng hồ mình tặng nữa, hỏi: “Chiếc đồng hồ Diễn tặng anh mô rồi?”. Tường thản nhiên: “Tặng cho cô gái ở quán bia ở Vinh rồi!”. Diễn vỗ đùi: “Trời ơi, anh có biết chiếc đồng hồ giá 3 triệu bạc đó cả miền Trung này chỉ có tôi và anh mới có không?”. Tường cười hồn nhiên: “Mấy triệu cũng thế, đã thương là cho...”.

N.M

*

Tư liệu: Trang thơ Ngô Minh

http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=634

 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.