Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

TRANG VĂN THƠ NGUYỄN TUYẾT MAI (Cựu HS Nguyễn Hoàng)

Giới thiệu sáng tác Nguyễn Tuyết Mai, cựu học sinh Nguyễn Hoàng, Quảng Trị (1956 - 1965).                                                     

            

Chúng tôi đến thăm Boston

                                                                          

     Theo lịch trình thăm Mỹ của tôi, tối 13 tháng 8 tôi có mặt tại Boston. Nhưng chuyện đời luôn có những sự đổi thay không ai ngờ đựơc. Chuyến bay đưa gia đình tôi từ New York đến Boston bị huỷ bỏ không một lý do rõ ràng. Nghe con tôi nói các phi công đình công vì đã có hai chuyến hành khách ngồi đầy mà không thấy phi công đến.  Ối chà chà kiểu này thì biết khi nào mình đến nơi đây, trong khi vợ chồng con tôi và hai đứa cháu nội phải về Việt Nam trong ba ngày tới. Tiếng loa phóng thanh thông báo từng tràng dài bằng tiếng Mỹ, con tôi dịch lại rằng các chuyến bay đều tạm ngưng vì thời tiết xấu. Không có một thông tin gì thêm.  Con tôi chạy lui chạy tới tìm chuyến bay và cuối cùng nó cho gia đình biết 7 giờ sáng mai sẽ bay về Philadelphia và 10 giờ bay về Boston. Thôi thế cũng goị là gặp may,bây giờ phải lo chổ ngủ. Tưởng Mỹ là ngon lành nhất thế gian, ai ngờ chẳng ai đoái hoài chi đến hành khách cả. Tôi bảo con tôi đi xem họ có giải quyết chỗ ngủ cho mình không thì nó bảo người ta đang nháo nhào tìm chuyến bay mà chưa có nói chi đến chuyện ngủ ngáy của mình, thôi đêm nay chịu khó ngủ tại sân bay để mai đi sớm. Trời về đêm đã quá lạnh mà còn chịu thêm một hệ thống máy lạnh toàn  khu hành khách nữa nên tất cả chúng tôi co ro không tài nào ngủ được, chỉ riêng hai đứa cháu nội được ưu tiên toàn bộ aó ấm nên vẫn ngáy o o. Nằm ngắm những người chung quanh, không thiếu một chủng tộc nào, kẻ nằm người ngồi thấy chẳng khác gì Việt Nam, đến nỗi nửa đêm mơ mơ tôi cứ tưởng mình đang ở một sân ga nào đó trên quê nhà. Rồi trời cũng phải sáng, chẳng thấy loa phóng thanh nói một câu nào, tôi lại thúc con tôi đi hỏi xem chuyến bay có thay đổi gì không. Nó phàn nàn bảo tôi cứ lo xa  nhưng tôi không chịu, nó bảo tôi tới sắp hàng rồi nó hỏi cho. Ở cái đất Mỹ này cái chi cũng sắp hàng, mình mà loạng quạng là nó chỉ tay bảo “Please get line”( Làm ơn sắp hàng) ngay, dù chỉ hỏi một câu để kịp lên tàu cũng phải đợi nó giải quyết cho những người đứng trước cả tiếng đồng hồ. Chưa kể cái nạn dốt tiếng người ta, nói gì mà nói cả tràng dài chẳng thế nào nghe kịp.  Thật may cho cái lo xa của tôi, chuyến bay lại hoãn đến 9.30 sáng mới bay. Bà người Mỹ còn bảo nó mang hết hộ chiếu ra kiểm tra lại và đổi lại vé mới vì không đi gate 25 mà sang gate 23. Thế đó, bao nhiêu thay đổi mà họ không hề nói chi cả, ai tự lo liệu lấy thế thôi. Nè, những chuyện như thế này mà xảy ra ở Việt Nam thì ngày mai trên các trang báo đầy dẫy những bài viết của hành khách  phàn nàn này nọ rồi, còn ở Mỹ thì sao tôi không biết vì tôi có theo dỏi những tờ nhật báo của Mỹ đâu. Khổ nỗi, những người đến New York đa số là nước ngoài nên chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện phản ảnh phản ánh gì cả, lo cho cái thân đi đến nơi về đến chốn chưa xong nói chi chuyện phàn nàn người ta. Nghe đâu có một bà già từ Việt Nam qua, transit tại sân bay này để về Houston, mà vì chuyến bay hủy bỏ chứ không phải delay, thế là chẳng có ai giúp bà hết, bà hoảng quá la lối khóc lóc nhưng khổ nỗi không ai hiểu bà muốn gì, vì tiếng Mỹ bà không biết, tiếng Việt người ta chào thua. Thằng cháu rể tôi tới khoe nảy giờ lo giúp bà già đó mà chưa tìm ra chuyến bay cho nó. Đúng là tình đồng hương nó áp dụng đúng lúc. Lớn lên trên đất Mỹ mà nó được như thế thật đáng khen. Ngay cả vợ chồng tôi nhờ cùng bay một chuyến với đứa con thường xuyên đi nước ngoài chứ chưa chắc đã dễ dàng qua  được những rắc rối loại này.

 

    Chuyến bay đưa chúng tôi về Philadelphia nho nhỏ như những chuyến bay từ Sài Gòn về Huế, nước Mỹ cũng thế thôi, tỉnh lẻ máy bay nhỏ. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là từ khi nó khởi động đến khi nó cất cánh lâu ơi là lâu. Chiếc máy bay cứ nằm chờ trên phi đạo hơn nửa tiếng đồng hồ. Tôi để ý thấy nó phải ưu tiên cho những chuyến bay quốc tế, mà phi trường New York thì ngập tràn các chuyến bay loại international này, vì cứ thấy trên đường phố New York thì biết,  người nước ngoài đông đúc đến nỗi người ta thấy như đang có hiện tượng gì lạ lùng đang xảy ra vậy .Thực thì cả thế giới đang tập trung về đây. New York, thành phố huyền thoại cuả Mỹ, cuả toàn thế giơí. New York  với sự kiện 11 tháng 9, đã từng làm bao người trên toàn cầu rơi lệ. New York với Nữ Thần Tự Do, ngaọ nghễ hiên ngang giữa gió mưa làm cho du khách phải sững sờ tấm tắc ngắm nhìn. Nhưng New York không phải vì thế mà không gây phiền hà cho khách đến và khách đi. Thành phố New York dơ hơn các thành phố khác rất nhiều, buổi tối các đống rác rất lớn chưa kịp thu dọn nằm đầy các hè phố đặc biệt là khu phố Tàu. Còn cái việc “sắp hàng” để ra thăm tượng Nữ Thần Tự Do thì khỏi phải nói, nó dài  gần cả cây số. Đứa cháu rể đi sắp hàng mua vé ,chúng tôi cứ ung dung ngồi chờ, đem vé về nó bảo sắp hàng để lên tàu,thì ôi thôi phải gần một tiếng đồng hồ nữa mới tới phiên mình. Ai cũng la nó, bảo không nói để lo sắp hàng  trước thì nó nói nó có biết gì đâu. Toàn là người lần đầu đến thăm Nữ thần và New York mặc dầu gia đình em tôi đã định cư tại Mỹ 16 năm rồi. Thành phố không bao giờ ngủ này  không cần chiều du khách, vì thế nghe nói những chuyến bay dày đặc đến nỗi mà nó cất cánh quá sít sao khiến gần đụng nhau trên không và ngày tôi về là ngày sân bay New York bị cảnh cáo toàn ngành. Cũng vì lẽ đó mà chuyến bay nhỏ cuả tôi phải đợi khoảng cách an toàn mới được phép cất cánh, sau khi đã ưu tiên cho bao nhiêu chiếc đàn anh đàn chị . Vui nhất là đợi chờ hồi hộp lâu ơi là lâu mà mới bay có 30 phút máy bay đã đáp xuống đất. Cả nhà tôi ai cũng ngạc nhiên vì chưa bao giờ đi một chuyến bay nhanh như vậy, và chuyện như thế lại lặp lại với chuyến bay từ Philadelphia đến Boston. Cũng vì không  dự đoán được giờ bay nên chúng tôi đến Boston thì nhà anh tôi chưa ra đón và cũng nhờ ngồi trên máy bay ít quá nên bao mệt mỏi hai ngày qua cũng  dễ dàng biến qua mau.

 

      Boston hiện ra trong mắt tôi vui tươi và sống động. Cái vắng vẻ im lìm của những bang khác không có ở đây. Với cách sinh hoạt và quang cảnh của thành phố cổ kính trong 13 thành phố cổ nhất Hoa Kỳ hợp với vợ chồng tôi hơn các bang khác . Khi chưa qua đây tôi cứ nghĩ rằng tôi không thể ở Mỹ đến 4 tháng, vì  phương tiện đi lại bị lệ thuộc người nhà, mà vợ chồng tôi thì như một cặp ngựa song hành trên khắp mọi nẻo đường mà phải chịu chết dí một chổ thì tiếc thời gian lắm.  Boston có “ Revere beach” đẹp vô cùng, buổi chiều những người già cả, hưu trí hoặc những cặp tình nhân  đem nhau ra đây để đón gió biển , thi thoảng có những ban nhạc hòa âm trên sân khấu thật sinh động và mê hồn . Chưa kể những khu nhà ở của giai cấp giàu có nằm sâu trong các khu rừng ngập tràn thông, tre nứa chạy ven bờ biển và khi xe của chúng tôi đi xuyên qua thì tôi gần như bị vẻ đẹp thiên nhiên mê hoặc. Nhà anh tôi ở gần baĩ biển Umass cũng không kém phần nên thơ, mỗi buổi sáng tôi có thể thả hồn bách bộ để tìm cho mình một chút riêng tư thỏa thích.

 

       Nói đến Boston người ta ai cũng nghĩ đến các trường đại học nổi tiếng ở đây. Harvard, MIT… và gần 100  trường đại học lớn bé nằm rải rác khắp thành phố, đủ thấy Boston còn là cái nôi của văn hóa nhân loại. Nghe nói rất nhiều học sinh Việt Nam sang đây du học, lâu lâu tôi cũng gặp các em trong các tiệm ăn, tiệm phở. Thương lắm, mong các em thành tài nơi đất khách và học được những điều mới lạ của quê người.

 

      Người Mỹ không sợ ai sống trên đất họ hư hỏng, vì thế xa Boston khoảng 2 giờ chạy xe, môt  sòng bài hiện đại được xây cất rất đẹp, sẵn sàng phục vụ cho những ai muốn tìm relax ở đó. Ai chưa hề tới casino thì cứ nghĩ rằng đó là một nơi dành cho những con bạc tiền đầy túi với những cô gái waiters hấp dẫn. Không phải thế đâu. Đó vẫn là một loại văn hóa của các nước có nền văn minh cao, một trật tự và an ninh nghiêm ngặt cho những ai tìm đến đây. Đây cũng là một loại hình du lịch cho bất cứ người nào. Đến đây, càng khâm phục thêm đất nước có luật lệ nghiêm minh của họ. Ai muốn chơi thì chơi, muốn thôi chơi thì cứ đổi tiền  ra về, người ta vui vẻ bye mình và mong được mình trở lại không có một câu chèo kéo mời chào. Nhưng đã sống trên đất Mỹ thì xin nhớ đừng làm liều và sống liều vì chắc chắn xã hội sẽ đào thải rất nhanh chóng những loại người như thế nên tôi thấy ai ai cũng chăm lo cho cái “job” của mình, phải nói rất ư cặm cụi nghiêm túc.

 

      Tôi cũng được thưởng ngoạn một tối “Boston by night” hơn một tiếng đồng hồ trên xe đứa cháu, mới thấy Boston về đêm huyền ảo thật.  Dòng sông Charles  thơ mộng hiền hoà chẳng khác gì dòng sông Hương Giang của thành phố Huế, các con đường rợp những hàng cây uốn quanh theo những chiếc cầu vượt qua thành phố  khiến tôi rưng rưng buồn và thèm khóc. Tôi vốn như vậy mỗi lần tâm hồn mình bị kích động  quá mức. Tôi bị bệnh lãng mạn đến yếu đuối khi phải ở trong một phong cảnh quá hữu tinh nhất là về khuya, trời lất phất mưa và bên tai vọng nhẹ một bản nhạc xa xưa nào đó.

 

     Boston không làm cho kẻ xa xứ thấy cô đơn vì người Việt sống rất đông, ra đường bạn có thể hỏi ai giông giống mình  bằng tiếng Việt thì y chang họ là người Việt, cửa hàng Việt cũng đầy rẫy trên các con đường quen thuộc như Dorchester, Savin Hill… nơi mà tôi thường đi qua hằng ngày…

 

      Tôi nghe nói đến mùa đông ngoài cái lạnh thấu xương thì Boston còn đẹp não nùng vì cây trụi lá và tuyết phủ trắng mọi nhà.  Mùa thu thì màu nâu  uá vàng của cỏ cây cũng làm nao lòng bao mặc khách thi nhân. Tôi ước gì mình được ngắm nhìn một lần trước khi  rời Boston, nhưng có lẻ ao ước vẫn mãi là ao ước vì tôi phải về, vì bên Việt Nam đang cần  tôi … Xin hẹn với Boston lần trở lại sau…

                                                                                    

                                                                                                     Boston, 4  tháng 8 2008

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.