NHÀ THƠ VÕ VĂN HOA
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 12194
Sinh ngày : 15 tháng 4 năm 1954
Quê quán : Thi Ông, Hải Vĩnh ,Hải Lăng, Quảng Trị
Thường trú tại Khóm 2 Thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị
ĐT: 0914127685
http://vovanhoaqt.vnweblogs.com/
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị
Hiện là Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo Huyện Hải Lăng , Quảng Trị
Đã có nhiều thơ văn đăng trên các báo, tạp chí, các thi tuyển.
Tác phẩm:
- Còn ta với mình (Tập thơ- NXB Thanh niên-2004)
- Vĩnh Định ơi ta về ( CD thơ phổ nhạc - 2006 )
- Gió cuối mặt sông ( Tập thơ - NXB Thuận Hóa - 2008 )
Các giải thưởng, tặng thưởng:
- Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục (1997)
- Huy chương Vì hạnh phúc người mù (2003)
- Giải 3 cuộc thi Văn học trên Tạp chí Cửa Việt (1996,1997)
- Giải thưởng Phóng sự “Những bác sĩ của ruộng đồng”-Báo Quảng Trị -1998
- Giải 2 Câu đối hay toàn quốc (cùng tác giả Võ Văn Luyến)- Đài Truyền hình Việt Nam – 2003
- Giải thưởng sáng tạo Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2004 - Giải B tập thơ “Còn ta với mình”
- Giải thưởng cuộc thi “Ký ức học đường ”-Báo Khuyến học & Dân trí – 2005
- Giải thưởng Sáng tạo Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2008 - Giải A tập thơ Gió cuối mặt sông
THƠ HAI CÂU
1.
Không nói chi nhiều
Nhìn tai anh sẽ biết !
2.
Đừng phân tích gì nhiều
" Để tưởng nhớ mùi hương !"
3.
Đừng nói điều không tốt về bạn
Khi bạn vắng mặt !
4.
Hãy nhìn cho kỹ anh
Chủ nhân Tri Âm Các !
5.
" Cọng rơm vàng" với anh
Khuất tất mần răng được !
6.
Đừng la hét kiểu chó sói
Ta là người !
7.
" Tôi tư duy, tôi tồn tại"
Biết thế ! Xin đừng nói mãi !
8.
Kiểu như trời đánh
Hãy xem lại mình!
9.
Tiếng gà báo sáng
Chắc gì đã bình minh ? !
10.
"Lều thơ "cùng với "nhà thơ "
Trường ca chi lắm nào ngờ đoản ca !
Chủ nhật, 03/4/2011
VÕ VĂN HOA
DỐI
Có chuyện đùa như thật
Có chuyện thật như đùa !
Đừng như con lật đật
Chắc gì được hơn thua ? !
01/4/2011
.
VÕ VĂN HOA
· Với công tác chuyên môn, hôm nay tôi điều hành cuộc thi giải toán trên mạng Internet cấp Huyện để chuẩn bị chọn hạt nhân thi cấp Tỉnh ngày 10/4/2011 sắp tới, ngoài các thí sinh là con của giới trí thức, tôi cảm động gặp một số phụ huynh xuất thân từ chân lấm tay bùn đưa con lên Huyện thi . Qua trao đổi bên lề, tôi nghiệm suy chẳng qua vì hoàn cảnh nhưng mục tiêu là chí tiến thủ trong họ đang trào dâng...và tôi tốc ký bài thơ thế sự này ! ( VVH)
NHÀN ĐÀM NGÀY THI GIẢI TOÁN TRÊN MẠNG
Tôi gặp những người nông dân đem con đi thi giải toán trên mạng internet
Vượt gió mưa !
Trước computeur lạ chưa ?
Sao con mình thông minh đến vậy!
Trách chi trâu đen bây chừ trâu máy
Bàn phím ư? Con chuột thế này ư?
"Tin học như cơm bình dân" ư?
Sao đối với mình xa vời đến thế !
Thôi thì đầu tư cho con trẻ
Đời cha lạc hậu quá rồi !
Tôi gặp anh thân quen quá đi thôi !
Quanh năm cuốc đất
Gieo niềm tin vị mật
Gieo con chữ về phía tương lai
" Google- Thế giới trong tầm tay !"
Mai ngày về hướng dẫn cha - con nhé!
Tôi đứng lặng một bình minh vừa hé
Tôi tin vào Tam nông* !
29/3/2011
VÕ VĂN HOA
.
VỀ LỆ THỦY
* Thân tặng bạn văn VÕ VĂN HÀ
( GV THPT Lệ Thủy)
Đường ngang ngõ dọc Quảng Bình
Hôm nay về lại thấy mình ngu ngơ
Thượng nguồn sông Kiến bài thơ
Mới hay Mũi Viết bây giờ là đây !
Mộ Nguyễn Hữu Cảnh nơi này
Chưa qua Hưng Thủy đã say lòng người
Suối Bang ấm nóng tình đời
Mây bay An Mã nói lời hàm ngôn
Rượu Tuy Lộc loại hàng zôn
Nâng ly bạn nhé thả hồn cung thang
Về quê Đại tướng thưa rằng
Có chàng họ Võ Hải Lăng thăm nhà
Trưa nay cùng bạn Văn Hà
Chuốc thơ Lệ Thủy để mà nhớ nhau !
Ta còn một chút mưa mau
Ta còn em đó ngày sau vẫn chờ...
Kỷ niệm ngày mưa cả gia đình ra xứ Lệ
27/3/2011
VÕ VĂN HOA
.
LAI RAI CÙNG CHÚ EM VÕ VĂN LUYẾN
Ly này
Nhớ về tuổi thơ
Anh em ta trong mái ấm gia đình
Nghèo khó thương yêu!
*
Ly này
Nhớ ngày đến trường
Mẹ thổi cơm sớm
Cha đưa các con qua truông Cu Hoan hằng năm trời
Mong con học cái chữ làm người!
*
Ly này
Nhớ con sông chảy qua làng Thi Ông
Những chiều hè anh em tập bơi, tập lặn
Sông đi vào thi ca!
*
Ly này
Nhớ những năm chiến tranh
Đỗ Đại học, em xếp bút nghiên
Đất nước bình yên
Trở về giảng đường yêu mến
*
Ly này
Tạ ơn tổ tiên, ông bà, mẹ cha…
Đã hun đúc, sinh thành chúng ta
Phù hộ độ trì cháu con thành đạt!
*
Ly này
Mừng thế hệ sau bước tiếp
Kế thừa truyền thống cha ông
Thắp ước mơ hồng…
*
Và ly này
Ngưỡng vọng bà con bạn bè
Động viên và chia sẻ
Con đường xanh tiếng ve…
XII.2008
KHOẢNG SÁNG
Kính tặng tập thể
thầy thuốc Bệnh viện Hải Lăng
Một bệnh nhân nhập viện nửa đêm
Một khoảng sáng nhằm tới
Người thầy thuốc có mặt
Trước mặt tôi
Người áo trắng làm dịu cơn đau quặn thắt
Khoảng sáng bên đời
Đến khi xa rồi
Khoảng sáng ấy len vào tôi một nửa
20/2/1997
NGẪU HỨNG ĐẠI AN KHÊ
"Trường học thân thiện..." ta về
Hỏi em ? Em bảo đam mê độ nào...
Cánh diều mơ ước nghiêng chao.
Góc trời kia một ánh sao bên thềm.
TÔI ĐẾN LÀNG AN THƠ
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
Cột mốc làng
Rêu phủ thời gian!
Có phải nét bút của ông Nghè Hoan, Nghè Tư thủa trước*?
*
Tôi đứng trước nhà thờ họ Nguyễn Đức**
Di tích văn hoá của quê hương
Một sớm mù sương
Những cháu con hướng về nguồn cội
Khăn đóng áo dài...
*
Dòng sông Ô Lâu
Buông neo những đêm thơ thức trắng
Một góc Quảng Trị cuối trời
Một góc Thừa Thiên xa vắng
Tôi đi tìm An Thơ!
27.11.2008
VÕ VĂN HOA
*:Nguyễn Đức Hoan, Nguyễn Đứn Tư đỗ Tiễn sĩ triều Nguyễn, người làng An Thơ, bia đá được khắc ở Văn Thánh Huế.
**: Nhà thờ họ Nguyễn Đức: Được công nhận di tích văn hoá cấp Tỉnh.
Kính tặng nhà thơ Võ Quê!
NGẪU HỨNG
Bỏ lại trên bờ, anh bỏ hết *
Mong tìm em đi suốt dòng Hương
Long ngâm, cổ bản...nghe da diết
Anh tặng cho người ...Lý mười thương **
Huế, chiều hôm 1. 5. 2008
Võ Văn Hoa
0914427685
............
* Ý tưởng của nhà thơ Võ Quê
** NSƯT Bạch Hạc ca Lý mười thương.
KHÔNG ĐỀ
"Hà Nội đêm trở gió"
Quảng Trị đêm trở mùa!
Ta bắc cầu giải yếm
Mưa ngoài trời se sua!BÊN KHE NƯỚC CHÈ
Hoang dã một thời lau lách
Người về Thượng Đạo xa xôi
Bên khe Nước Chè róc rách
Tôi ngồi tôi nghĩ thằng tôi
Lặn lội tìm nguồn năm tháng
Vỡ ra giọng tiếng ru hời
Tôi gặp đất đai thầm lặng
Cho đời cây lá xanh tươi
Bên khe Nước Chè tuôn rơi
Phố thị giờ mọc như nấm
Gặp em hiền như cô Tấm
Thoáng như chợt hé môi cười
Để tôi nhiều đêm trăn trở
Về ai " như bát nước đầy "...
NGƯỢC CHIỀU
NHỮNG CON CHIM TRỐN TUYẾT
Anh ngược chiều những con chim xứ lạnh
Đi về phía trái tim
Ấm nồng Tổ quốc
Những sông Đuống, sông Hồng chảy qua bài học.
Những hoa đào thao thức mầm xuân
Gác Khuê Văn và Lăng Bác
Bài thơ ai tạc đến xanh ngần !
Mai anh giã từ Quảng Trị
Đêm nghe trời đổ mưa
Xin chia tay em nhé
Hỡi em hiền ngoan xưa !
Anh ngược chiều những con chim trốn tuyết
Lòng rất xanh xanh đến không ngờ !
Mặt trời đỏ - vừng dương soi phía trước
Để bây giờ không thấy lạnh đâu em ...
1994
CUỐI NĂM Ở SÔNG HỒNG
Đi qua đất nước một vòng
Cuối năm mình gặp sông Hồng trên tay
Niềm mơ từ bấy đến nay
Đỏ dòng cảm xúc, chân mày chung chiêng.
KÝ ỨC THANH XUÂN
Còn người thì rất trẻ
Thanh Xuân rất thanh xuân
Em dịu dàng nói thế !
Mùa xuân như về sớm
Từ buổi sớm mai này
Về đâu hoa đào cũ
Còn chào gió đông nay
Anh một lần qua phố
Lãng quên tình đắm say
Thượng Đình em còn nhớ
Hoa sữa nào quanh đây !
Anh về với vầng trăng
Đọc thơ tình năm tháng
Này em, hát lời rằng :
Tình ai còn sâu lắng ...
Hà Nội, 29/10/1997
GỬI BÚP -BÊ VÔ CẢM
Em " búp - bê vô cảm "
Anh yêu đến cháy lòng
Em góc trời tím biếc
Cánh diều anh thầm mong .
Nụ hôn đầu ngày ấy
Làm sao quên bây giờ !
Đôi mắt tròn lúng liếng
Đi theo về trong mơ .
Chiều qua ngõ nhà em
Hoa mai thêm lần nở
Biết người đi hay ở ?!
Hóa ra giếng trăng vàng ...
Em - " búp - bê vô cảm "
Thương nhau ta tìm về .
NGÀY EM HAI MỐT TUỔI
Ngày em hai mốt tuổi
Người trồng cây si đứng vệ đường
Áo trắng tung bay chiều ngược gió
Đôi mắt vô tình thương đến là thương !
Ngày em hai mốt tuổi
Bạch lạp thắp hồng ước mơ xanh
Anh đến rồi đi đời trai rong ruổi
Em có hay đâu ngọn gió tình !
Ngày em hai mốt tuổi
Có còn không " cô bé vô tư " !
Giáo án, sân trường, chiến trường, người lính
Hành khúc nào tím biếc những phong thư
Ngày em hai mốt tuổi
Ngày em hai mốt tuổi ...
.
03/10/1997
HOA DÃ THẢO
Lâu rồi ba chơi cây cảnh
Khôn nguôi cỏ nội hương đồng
Ông bà tấc lòng canh cánh
Đồng làng đất ải nắng nôi !
Bao giờ con nghe Đất thở
Ướm phèn gan nóng bàn chân
Nhớ về đời ba một thuở
Tình quê xa hóa như gần
Ba nhớ màu hoa dã thảo
Nhẹ nhàng, đôn hậu, thủy chung
Hoa mọc từ trong ruột đất
Một đời sắc nét bao dung.
Như Đất, như Người làng vậy
Ba đi còn nhớ quay về
Cây - cảnh - đời - ba - chật - hẹp
Mai cùng dã thảo rong sang ..
.
MÌNH SẼ ĐI NƠI KHÁC
" Chiếu dời đô " gửi các con
Giã ngôi nhà ven sông
Mình sẽ đi nơi khác
Giã cây đào đã đi vào trang văn
ngày con thi toàn quốc
Có thể vui hoặc có thể buồn
Những cánh chuồn mỏng tang trên bờ rào con gặp
Những dế mèn, dế trũi phiêu lưu
Cánh đồng tuổi thơ con chẳng biết hận cừu
Mình sẽ đi nơi khác !
Con sẽ đến với mái trường xanh mát
Những hàng cây rộn tiếng chim ca
Và đi trên con đường nhựa lát
Nhớ đừng quên đường cấp phối quê nhà ...
15/04/1994
TA CÓ NHỮNG NGÀY
Ta có một ngày
Sáng thế
Một ngày
Nhưng nhức thế gian !
Một ngày
Mặt đất nghiêng
Một ngày thế giới phẳng
Chiếu rượu không làm ta vui
Ta đi giữa trần đời!
Cơn nắng hạ
Khát
Cháy bỏng
Có dấu chân người…
Ngày mưa đông
Có loài chim di trú
Vỗ cánh bay
Ta có những ngày
Nhiều ngày
như thế
Em ơi!
4h sáng 18.7.2008
.
ẤN TƯỢNG PRENN
Giữa thiên nhiên xanh, chen những màu áo len đủ kiểu
Prenn là phong cầm réo gọi tình yêu !
Làm người yêu phải sững sờ đến ngọn nguồn trời đất.
Prenn trong tôi cháy bỏng đến muôn chiều !
GỬI EM TRAI
Anh bên này Đông Trường Sơn
Thái Lan em đến xanh hơn mọi ngày
Nói gì trong buổi chia tay!
Hẹn ngày gặp lại chuốc say thơ nồng
Đông Hà,14h 26/6/2008
NHÌN VÔ TRONG HUẾ
Khuất nẻo lưng chiều đồng vọng
Ngàn năm mây trắng bay bay
Em có nhìn vô trong Huế
Một thời hoa bướm ngất say
Này em Thiên An, Bạch Mã
Sông Bồ ai tiễn ai đi
Để ai tim buồn hóa đá
Rằng thôi biết nói những gì !
Anh về trầm hương lá cỏ
Màu chiều như thể ca dao
Cùng em nhìn vô trong Huế
Ấm tình xuân biếc xanh cao.
ĐÊM ĐÀ LẠT
Đêm chùng xuống thung xanh
Một Đà Lạt mờ sương ảo ảnh
Ven Hồ Xuân Hương se lạnh
Bạn cùng tôi rong suốt bao ngày.
Tháp Vi- ba phản quang
Như Ép - phen của " Pa - ri thu nhỏ " *
Đêm Đà Lạt mới hình dung phố
Một trời hoa cao nguyên
Vó ngựa nào đưa tôi đến cùng em
Hương dạ lan cồn cào nhịp thở
Mai " Xa rồi em có nhớ ..." **
Đà Lạt ơi, đêm rộng đến vô cùngNGHỊCH LÝ Ở CỬA ĐẠI
Con gái nói nhiều hơn con trai
Ở Cửa Đại một chiều như thế !
Cù lao Chàm bên xa, em lại rất gần
Sóng tung bờm ngực trẻ.
*
Con gái Việt chăm sóc làn da
Con gái Tây nằm phơi dưới nắng
Ở hàn đới nên da em trắng
Để cho anh nhiệt đới chết thèm!
*
Con còng gió đến gần em chửng lại
Nhìn vu vơ !
Ngồi trên xe, con trai lại nói nhiều hơn con gái
Trừ người làm thơ !?
KÝ ỨC 1982
Dăng mắc tơ trời
Không gian xanh Hoàng Yến
Ngày con ra đời
Vẹn nguyên thánh thiện !
Bài thơ ba viết tặng con .
Giờ thì con đã đọc
Áo sinh viên và trường đại học .
Ba mong con từ lâu .
Huế đằm sâu trong ba dòng Hương
Và kinh thành trầm mặc .
Huế lại về với con hôm nay có khác .
Ý tưởng ban mai .
Niềm vui ba rộng dài
Từ một chín tám hai .
Một mầm xanh đang lớn
10-2000
CHÙM THƠ VỀ TÌNH CẢM GIA ĐÌNH CỦA VÕ VĂN HOA
Võ Thị Như Mai
Một buổi sáng đẹp trời đi lạc vào vườn thơ của Võ Văn Hoa, tha thẩn một hồi đến quên cả lối ra, rồi tự bảo, nhẩn nha thêm tí nữa, thêm tí nữa, cho đến khi chạng vạng, mới giật mình quay về với thực tại. Khu vườn mênh mông đó đưa tôi qua nhiều tầng cảm xúc khác nhau, dẫn tôi đến những địa danh khác nhau trên cả nước và gặp được rất nhiều người, từ những em bé mới chào đời, đến các cô thôn nữ miệng cười chúm chím, các O, các mệ, các ôn, các chú, các nhà nho, nhà giáo, thầy thuốc và những người làm các ngành nghề khác nhau trên mọi miền tổ quốc. Tôi tìm lại mình qua những vùng đất ngày xưa tôi đã dừng chân ở một miền quê hương Quảng Trị nắng, gió, mưa, bão, lụt lội. Tôi thấy tôi đi qua làng An Thơ, nơi có con sông Ô Lâu, tôi thường đi theo chị đi đò từ sông Mỹ Chánh về ở lại chơi đến chiều lại lên. Tôi thấy tôi dạo chơi qua các đình làng, xem các bé con đánh bi dưới cây ngô đồng. Tôi thấy tôi qua Bến Đá, Cam Lộ, Khe Sanh, Diên Sanh, Hải Thành không theo một trật tự không gian hay thời gian nào cả. Ký ức bềnh bồng, mênh mông khiến tôi trở nên mộng mị, và có một khao khát mãnh liệt muốn trở về lại trên mảnh đất ấy, để hoà mình vào thiên nhiên, nói chuyện với những người dân bình dị, sống ở đó một thời gian chứ không phải chỉ dạo qua như một người khách du lịch. Tôi chưa từng biết ai viết nhiều, viết hay, cặn kẽ và bao quát về nhiều địa danh be bé trên mảnh đất Quảng Trị này như thế, có chăng là khi bạn tập hợp lại các bài viết của các tác giả khác nhau, may ra bạn có một cái nhìn tổng thể.
Đã có quá nhiều người viết về thơ của Võ Văn Hoa, có quá nhiều người họa thơ anh, ca ngợi vẻ đẹp trong thơ anh và phân tích thế giới thơ bao la của anh. Đặc biệt, thạc sĩ Bùi Như Hải đã có hai bài viết rất cặn kẽ, thấu đáo và ngùn ngụt cảm xúc về rất nhiều phương diện trong thơ Võ Văn Hoa qua hai bài “Ở Một Chân Trời Yêu Thương” và “Thế Giới Thơ Võ Văn Hoa”. Mọi người viết về anh với một lòng ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc, một Tri Âm Các bề thế, một nhà thơ giàu lòng nhân ái, một nhà quản lý giáo dục được mọi người xung quanh ngấm ngầm yêu thương, qúy mến và nể trọng. Với tôi, thơ Võ Văn Hoa có thể được ví như một cô gái nhu mì, hiền lành và duyên dáng. Cái đẹp trong cô không làm các chàng trai phải lòng ngay cái nhìn đầu tiên, nhưng một khi đã tiếp xúc, khó ai có thể quên cô được, bởi vì cô không những dễ thương, trẻ trung, đằm thắm mà còn rất sắc sảo, thông minh và hài hước.
Với thời gian hạn hẹp và với cảm nhận của một độc giả yêu thơ, hôm nay tôi xin giới thiệu với mọi người một phần thế giới thơ dịu dàng, sâu lắng dành cho gia đình của Võ Văn Hoa. Cùng cảm nhận với tôi nhé. Tôi cố ý không phân tích từng đoạn vì tôi có quan niệm rằng đôi khi “phân tích là hũy hoại tính thống nhất”
Nhà thơ Võ Văn Hoa
1.
Vào một ngày hội Làng, nhà thơ nghĩ đến người mẹ dấu yêu của mình. Tác giả mượn Làng Văn để nói về mẹ. Mẹ cũng như các dì, các cô gái làng Văn nói chung, rất đẹp và nền nã. Đó là những cô gái đứng đắn, thùy mị, khiến bao chàng trai ngẩn ngơ, trong đó đặc biệt có một người, yêu đến “cháy lòng”. Qủa là một cái nhìn thật mỹ miều.
CON GÁI LÀNG VĂN
Mẹ ngày xưa chắc đẹp lắm
Con gái làng Văn đi lấy chồng
Có kẻ phong trần ngơ ngẩn tiếc
Từ đây vắng bóng một bông hồng.
Con lại về thăm quê ngoại ta
Hội làng vừa mới được mở ra
Các dì – con thấy đều xinh cả
Tuổi trẻ tình yêu đẹp mọi nhà
Con gái làng Văn bạn biết không ?
Đoan trang tính cách, má môi hồng …
Ruộng lúa, biền ngô … xanh tiếng hát
Ấm lòng bè bạn những chiều đông !
Hội làng khép lại… hẹn mùa trăng
Giã bạn bây giờ biết nói năng…
Con lại soi mình về thuở …bố
Cháy lòng bên mẹ cội làng Văn
2.
Người bố trong anh là một người thầy mẫu mực, đáng kính từ từng cử chỉ, từng lời khuyên răn. Nhờ bố, các con đã nên người, đã sống thực xứng đáng. Nhờ bố, con học được bài học làm người, giữ nếp đạo lý gia phong, giữ cái tâm trong sạch.
Bố – người thầy đầu tiên của con
Truyền dạy cho con những Minh tâm Bửu giám …
Lên chút nữa , qua truông dài rú rậm
Bố dắt con mỗi sớm đến trường
Thời gian khó, nhà đong từng bữa gạo
Nếp gia phong từ mũi chỉ đường kim
Bố răn dạy học văn, học lễ
Để mai sau con mãi kiếm tìm
Con đã lớn : Lập ngôn, lập chíBố vui sao những đứa con mình
Củng cố đời con, đời bố hy sinh
Con thấy bố – người “trồng người” hạnh phúc
Giờ sang tuổi tám mươi tai lãng, mắt mờTâm vẫn sáng, nếp nhà xưa vẫn giữ
Ngày đi xa, con càng thêm hiểu bố
Bố mãi là người thầy trong trái tim con
3.
Một người rất quan trọng làm nên một Võ Văn Hoa toàn diện, đó là người bạn đời của anh, người luôn thấp thoáng trong rất nhiều câu thơ rải rác khắp nơi của Võ Văn Hoa, tôi tìm thấy bóng dáng chị trong bài thơ anh post gần đây:
ĐÊM NÓI GÌ CÙNG TA
Tiễn em về phố xómÁnh đèn mãi lung linh
Để rồi đêm huyễn hoặc
Chất sâu nặng ân tình
Tố Nga con đã ngủ
Vương ông mãi thức hoài
Chú Thạch Sùng di trú
Chắt lưỡi hoài không thôi
Ban ngày công với việc
Ban đêm “tư” về ai ?!
Trong suốt hành trình dài
Niềm thương nào khỏa lấp?Đêm nói gì cùng ta
Giữa muôn ngàn sao saTiễn em rời phố xóm
Chẳng thể nào cách xa
Điệp trùng mây – sóng – biển
Đêm nói gì cùng ta … !
4.
Nhắc đến Võ Văn Hoa thì mọi người không thể không nhắc đến người em trai cũng không kém phần tài hoa của anh, thạc sĩ, giảng viên CĐSP Quảng Trị, nhà thơ Võ Văn Luyến, người cho rằng “Tôi gieo chữ trên cánh đồng hạn hán, con chữ khô cong thành dấu hỏi quay về”. Hai anh em cùng nhau ngồi đàm đạo, khề khà về những ngày tháng cũ, cùng nói chuyện thơ văn, tất cả được khắc hoạ rất chi tiết qua bài “Lai Rai Cùng Chú Em Võ Văn Luyến”
LAI RAI CÙNG CHÚ EM VÕ VĂN LUYẾN
Ly này
Nhớ về tuổi thơ
Anh em ta trong mái ấm gia đình
Nghèo khó thương yêu!
*
Ly này
Nhớ ngày đến trường
Mẹ thổi cơm sớm
Cha đưa các con qua truông Cu Hoan hằng năm trời
Mong con học cái chữ làm người!
*
Ly này
Nhớ con sông chảy qua làng Thi Ông
Những chiều hè anh em tập bơi, tập lặn
Sông đi vào thi ca!
*
Ly này
Nhớ những năm chiến tranh
Đỗ Đại học, em xếp bút nghiên
Đất nước bình yên
Trở về giảng đường yêu mến
*
Ly này
Tạ ơn tổ tiên, ông bà, mẹ cha…
Đã hun đúc, sinh thành chúng ta
Phù hộ độ trì cháu con thành đạt!
*
Ly này
Mừng thế hệ sau bước tiếp
Kế thừa truyền thống cha ông
Thắp ước mơ hồng…
*
Và ly này
Ngưỡng vọng bà con bạn bè
Động viên và chia sẻ
Con đường xanh tiếng ve…
5.
Với con gái Võ Hoàng Phương, Võ Hoàng Yến, và cậu con trai giống ba như giọt nước, nhà thơ thể hiện tình yêu thương qua những trang thơ thật cảm động.
THƠ TẶNG CON GÁI VÕ HOÀNG YẾN
Ra trường về Gio Linh
Con làm bên “Chia sẻ”
Có bao điều mới mẻ
Tiếng Anh bao ngọt ngào!
*
Quê nhà những ước ao
Lại về nơi cố quận
Thế giới trong “Tầm nhìn…”
Niềm tin vào thông tấn
*
Rồi đến một ngày kia
Mùa xanh cây trĩu quả
Đường hoa thơm cỏ lạ
Sóng vui vỗ quanh đời!
THƠ TẶNG CON GÁI VÕ HOÀNG PHƯƠNG
Học hành lập nghiệp xong
Thiên chức người phụ nữ
Ngày con đi lấy chồng
Thơm hương mùi hoa sữa
*
Kê tính đã một năm
Ba mừng sắp lên ngoại
Quê chồng không xa ngái
Nên được gặp con luôn
*
Ba tâm tình việc lớn
Nhỏ nhẻ mẹ bảo ban
Trong đời thường bận rộn
Yêu thương con dâng tràn !
GỬI CON TRAI
Ba theo dõi bản tin thời tiết
Hà Nội mấy hôm đã trở mùa
Con trai ba chưa quen cái rét
Ở tầng 3 nhớ tránh gió lùa !
*
Đi học phải quàng khăn kín cổ
Năm đầu tiên rồi sẽ thích nghi
Mọi thách thức chỉ là trước mắt
Tự vượt lên mình nuôi chí nam nhi
*
Hà Nội ngoài trái tim cả nước
Trong ba còn một trái tim…
6.
Niềm vui cuộc sống gia đình chỉnh chu của nhà thơ còn được bồi đắp bằng tiếng cười trẻ thơ của cháu ngoại trong hai bài thơ “Yêu Thương Dành Cho Cháu Win” và “Cháu Tôi”
YÊU THƯƠNG DÀNH CHO CHÁU WIN
Hoãn chuyến tham quan Hà Nội*
Đưa con “vượt cạn” khuya này
Chuẩn bị lên làm ông ngoại
Bên ngoài mưa gió bay bay…14h 35 cháu khóc!
Nội ngoại vang tiếng cười
Mai ngày cháu khôn lớn
Yêu thương dành cho đời!
CHÁU TÔI
*Cho Nhật Minh ngoại tônNgoại đi công tác Hải Hoà
Cháu về quê nội, ngoại nhoà lệ thương!
Thấm thoắt đã mấy tháng trường
Ấm êm tay mẹ, ngọt đường bà ru
Canh chầy từ …gió mùa thu
Ngủ ngoan cháu nhé, chim gù ngoài kia
Ngoại đi rồi ngoại sẽ về
Tối nay vắng cháu bốn bề lắng yên
Nhớ cháu tiếng khóc ngoan hiền
Căn phòng lửa ấm xanh miền dấu yêu
Giờ còn khoảng trống bao nhiêu
Rộng thênh nỗi nhớ…
bao điều …cháu con!
Đêm nay ngoại ngủ không tròn…*
Võ Văn Hoa đi đứng ra thơ, thở ra thơ, nói ra thơ và gủi gắm tình cảm của mình qua thơ. Bất cứ phút giây nào, đi đâu, gặp ai, nghe gì, đọc gì, cảm gì và nghĩ gì anh cũng trải dài trên trang giấy thành những vần thơ sóng sánh, bình dị, trong trẻo và êm dịu. Gửi đến anh những lời chúc tốt lành nhất của một người yêu thơ anh nhân kỷ niệm sinh nhật nhà thơ 15/4/2010.
VTNM
14/4/2010
Nguồn: http://vothinhumai.wordpress.com
THẾ GIỚI THƠ VÕ VĂN HOA
Thạc sĩ Bùi Như Hải
“Đời ngoài tuổi năm mươi - Mong gì hương sắc lạ”
(Hoa trên đá- Chế Lan Viên)
1. Có người nói văn học nghệ thuật là “quý hồ tinh hơn quý hồ đa”, nhưng tôi lại thiết nghĩ có “đa” mới có “tinh”. Với nhà thơ Võ Văn Hoa, không chỉ quan tâm “đa” hay “tinh”, nhiều hay ít, điều anh tâm niệm là phải cố viết bằng sự chân thành, không giả dối, điệu đà, khoa trương hay triết lý rối rắm. Trong sự nghiệp trước tác, Võ Văn Hoa từng được các giải thưởng về thơ, nhưng chưa bao giờ anh khoe mĩ về các giải thưởng ấy. Có lần anh tâm sự: Đối với người cầm bút thì giải này hay giải nọ đâu phải cái đích cuối cùng. Điều khao khát nhất là luôn tạo ra những thi phẩm hay hơn, mới hơn, thật hơn với chính mình. Cố viết bằng tâm hơn là viết bằng tài, có như thế mới gần gũi với bạn đọc, nhà thơ mới tồn tại.
Trên hành trình sáng tạo thi ca, nhà thơ Võ Văn Hoa có rất nhiều thi phẩm được đăng trên các tạp chí Trung ương và địa phương, được tuyển chọn vào những tập thơ chung, sau đó anh đã góp nhặt và cho ra đời hai tập thơ riêng Còn ta với mình (NXB Thanh Niên, 2004 ), Gió cuối mặt sông (NXB Thuận Hoá, 2008). Có được thành quả đó, là nhờ vào quá trình làm việc nghiêm túc, miệt mài không mệt mỏi của anh. Điều đó, đã làm nên chứng chỉ thi ca, và chứng chỉ thời gian của hành trình nghệ thuật, mà anh trót nặng nợ, đa mang, và có thể hệ lụy, nhưng anh không thể khước từ, không thể lặng im.
Thế giới nghệ thuật thơ của Võ Văn Hoa đa dạng và phong phú. Cảm hứng sáng tạo chính trong thơ của anh là sự hoà quyện những cảm hứng lớn về quê hương, đất nước, và những cảm hứng thẳm sâu về con người, thiên nhiên, về tình yêu, thế sự... được thể hiện trong suốt con đường thơ của anh.
2. Trong mỗi con người, ai cũng có quê hương để thương, để nhớ, đó là nơi chôn rau cắt rốn, nơi sinh ra và lớn lên trong những năm tháng ấu thơ. Quê hương, hai tiếng thân yêu ấy đến với Võ Văn Hoa trong tiếng nói đầu của thi ca. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê đằm thắm hương vị của ruộng đồng và biển cả. Và thế, anh đã mang trong tâm hồn tấm lòng tha thiết với quê hương. Bước vào đời thơ, Võ Văn Hoa đã có bài Quê mẹ Hải Lăng: “Có một miền quê nồng nàn đến thế/Tôi đưa em về quê mẹ Hải Lăng.../Có một vùng quê nồng nàn đến thế/Tôi đưa em về huyện trũng Hải Lăng.../Có một vùng quê nồng nàn như lửa/Qua đạn bom mới yêu hết tình đời”.
Vừa tự sự, vừa miêu tả, cảm nhận, bài thơ đã nói hộ tình yêu nồng mặn của thi nhân - nhà thơ với một vùng chiêm trũng, sông nước, một vẻ đẹp nhỏ nhẹ, đằm thắm. Tình yêu ấy ngày càng nghiệm sinh, thấm sâu vào hồn thơ của anh: “Miền quê nghèo giàu nhân nghĩa nhân gian/Có một miền quê, có một miền quê “rũ bùn đứng dậy”/Chói sáng tim hồng”(Quê mẹ Hải Lăng).
Thi phẩm được coi là kiệt tác tiểu biểu cho mảng đề tài quê hương, đất nước. Bài thơ mang hồn thơ chân thật, nồng nàn, trong sáng, là tiếng thơ của một tâm hồn giàu cảm xúc đã được ý thức soi sáng. Lời thơ mộc mạc, trong trẻo, giản dị, với chất giọng tâm tình làm cho bạn đọc cứ tưởng như tấm lòng ta vậy.
Nơi chốn quê của anh có dòng sông, biển bãi, có vùng chiêm trũng, có bờ tre nghiêng bóng, có bờ xanh lúa khoai, buổi trưa hè... Ở đó, có dòng sông, nơi tắm mát tuổi thơ đã ăn sâu vào tâm thức nhà thơ, nơi anh kí thác tâm tình: “Bờ tre xanh nghiêng bóng/Con sông nhỏ về đâu?/Con sông nhỏ nông sâu/Vĩnh Định ơi ta về” (Vĩnh Định ơi ta về). Bài thơ Vĩnh Định ơi ta về đã gây được tiếng vang lớn trong công chúng. Sau đó, bài thơ được nhạc sĩ Phan Thạch Hùng phổ nhạc đã tiếp sức lan toả của thi phẩm tới độc giả. Được biết bài thơ được phổ nhạc, tâm hồn anh khi ấy thật bay bổng, thơ thới, và xúc động nghẹn ngào. Đó là đứa con tinh thần của đời anh, chấn động đời anh trên con đường sáng tạo thi ca, góp phần dắt anh đi suốt chặng đường sáng tạo đầy chông gai và hạnh phúc.
Quê hương trong anh có lẽ lớn hẳn lên với một khí thế chiến đấu tưng bừng, với những người con ưu tú anh dũng hy sinh: “Về bãi ngang một thời oanh liệt/“Mồ chen thôn xóm...” năm nào.../Bao người mẹ anh hùng, bao người con bất tử!/Hải Lăng trong tôi”(Quê mẹ Hải Lăng). Sức mạnh đấu tranh của những người mẹ, người chị, người anh, người em... đã đi vào huyền thoại. Lúc này, trong anh đã đâm chồi nảy lộc một miền tin vào sức mạnh kì diệu của quê hương: “Đảng chỉ cho ta đường ra phía trước/Để mai sau đón lấy mùa vàng.../Con muốn bơi giữa dòng đời đẹp thế!Báo tin vui - Ngày-nước-đến muôn làng” (Nước đã về trên cách đồng Triệu Hải mẹ ơi)
Những địa danh, tên đất, tên làng của những vùng quê khác nhau đã đi vào trang thơ của anh như Hạ Long, Qua đèo Hải Vân, Một mình với Huế, Thơ viết từ mùa xuân đôi chín, Đêm Đà Lạt... Anh có nhiều chuyến đi vào cuộc sống thực tế và nhạy bén trong việc quan sát, nắm bắt hiện thực khác quan, tìm thấy nhiều miền quê mới, một Tiên Điền: “Làng quê nghèo như bao làng quê khác. Sóng Cửa Hội vẫn vỗ vào đất liền âm ba của thơ”(Tiên Điền). Một Đà Lạt mộng mờ, huyền ảo trong sương mờ: “Đêm chùng xuống thông xanh/Một Đà Lạt mờ sương ảo ảnh/Ven Hồ Xuân Hương se lạnh”(Đêm Đà Lạt). Một cố đô Huế cổ kính, rêu phong: “Màu tím Huế chiều Hoàng Thành bịn rịn.../Không gian Huế bức tranh trầm mặc/Tố nữ ơi xuân tím đến bao giờ?”(Thơ viết mùa xuân đôi chín). Trước vẻ đẹp của một thủ đô ngàn năm văn hiến, anh đã chú ý chọn lọc một số nét tiêu biểu, tô đậm, thể hiện cảm xúc trước cảnh Hồ Gươm: “Bừng thức chuyện rùa vàng/Hồ gươm xanh bóng phố/Hạt ngọc qua thời gian/Sáng ngời trang cổ sử” (Bên hồ Gươm). Tình cảm với Hà Nội cũng là tình cảm với đất nước. Mỗi bước đi của hiện tại đều gắn liền với lịch sử hôm qua, và cũng là sự ngời sáng cho ngày mai. Đến với phong cảnh thiên nhiên hay các địa danh, tất cả đều xuất phát từ tình yêu quê hương được nâng lên thành tình yêu Tổ quốc.
Tôi yêu những vần thơ quê hương, đất nước phả đầy cảm xúc, thiết tha của anh, bởi ở anh, chất hồn nhiên, mộc mạc và chân thật, những lời tâm sự thủ thỉ, và tấm lòng da diết với quê hương, đất nước không hề đổi thay. Võ Văn Hoa không đưa ta vào những mê cung huyền bí, những trận đồ bát quái, những chữ nghĩa mê hồn trận làm tan tác hồn người, mà ở đó, anh đưa ta về những hồn quê đắm say, ngay cả những người đang sống giữa lòng quê hương mình.
3. Ngoài mảng viết về quê hương, đất nước, Võ Văn Hoa cho ra đời dòng thơ về bản thân, gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp và đời tư-thế sự... Từ những con người bé nhỏ đến những người nổi tiếng đều là đối tượng để anh đưa vào trang thơ. Mở đầu tập thơ Gió cuối mặt sông là hình ảnh của người con gái anh hùng, gan dạ của một thời xẻ dọc Trường Sơn, tiêu biểu cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam: “Em vẫn đi dọc Trường Sơn/Tìm lại dấu chân son những ngày khói lửa/Đồng đội em ngã xuống nơi nào?/Cây rừng kèn dày phế tích” (Có một nơi xa nào).
Cũng là con người, nhưng mẹ Việt Nam lại phải hứng mưa bom bão đạn, phải gắn chịu bao nỗi đau thương, đứng lên tự chủ vì đất nước đang bị dày xéo tả tơi: “Cả Thị xã máu trộn cùng vôi vữa trắng thời gian. Dòng Thạch Hãn như vết cắt nhói tràn đất mẹ” (Vĩ thanh Thành Cổ). Những người chị (Trần Thị Tâm) đang còn tuổi thanh xuân, chân lấm tay bùn, đứng lên từ trong đau khổ, căm thù lũ giặc cướp nước: “Nơi này xưa chị ở/Cả vùng trời màu xanh” (Ở một chân trời quê hương).
Anh viết nhiều về những người lao động chân bùn tay lấm, những người hăng say dựng xây cuộc sống mới: “Những cô gái Lệ Ninh nói ít làm nhiều/Vết chai sạn hằn lên da thịt/Dù không nói ra, anh vẫn biết/Xe cát nhọc nhằn... không uổng đâu em/Có mồ hôi em lúa sẽ lên xanh/Đất và nước hẹn mùa sáu tấn/Đồng Triệu Hải những ngày vui vô tận/Nước đã về. Em lại tiếp ra đi...” (Những cô gái Lệ Ninh).
Những nhân vật nổi tiếng cũng là đối tượng được khai thác. Anh viết về họ với một tình cảm chân thành, tấm lòng kính phục: “Vẫn làng quê như bao làng quê khác/Vẫn ngôi nhà mộc của bậc sinh thành.../Người học trò xuất sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh/“Nhành mai đỏ” bên dòng sông Thạch Hãn/Đại thắng Mùa xuân dấu soi tươi sáng/lịch sử sang trang/Ông - một con người toàn vẹn với non sông” (Thăm nhà Tổng Bí Thư Lê Duẫn).
Có những bài thơ anh viết rất hay về bạn bè, đồng nghiệp. Đó là những người cùng chất sống như anh: “Nhiều đêm dốc bầu thức trắng/Nghêu ngao thơ phú nỗi niềm/Bất luận nắng mưa sớm tối/Tìm về một cõi thân quen”(Nét xuân). Khởi nghiệp là nhà giáo, sau đó anh làm quản lí, nên anh rất thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả, khó khăn của đồng nghiệp trong việc đưa cái chữ lên miền núi, về miền xuôi: “Quê anh lầm lội cơn mưa/Đồng nước bạc ngỡ như chưa bao giờ/Em về dạy các em thơ/Mấy mùa gian khó nối bờ thương yêu”(Gửi em cô giáo trường làng); “Các cô giáo miền xuôi lên đây cắm bản/Dốc chiều nghiêng!/Gian khó buổi đầu không thể nào quên”(Như hoa Cà-phê trắng). Người bạn đồng nghiệp gắn bó bên anh “Những tháng năm dài gian khổ bên nhau”, trong “Tình bè bạn men nồng thức trắng” đã ra đi vào cõi vĩnh hằng trong khi “trang đời mới mở” để lại “bao nỗi thương đau” cho người ở lại: “Tin mới nhận bồi hồi nóng bỏng/Có thể nào bạn đã ra đi.../Hải Khê ơi!Trong từng lời sóng vỗ/Chia cùng ta bao nỗi thương đau”(Cho người nằm xuống). Và bất kỳ đâu, nơi nào, thăm, gặp nhân vật nào, nhà thơ cũng có thể đưa ngay họ vào trang thơ của mình: “Lâu chú mới về thăm làng/Gặp cháu nghêu ngao gõ sừng/Tan học chăm trâu giúp mẹ” (Đứa bé chăn trâu đồng làng).
Và những lúc anh cảm nhận đặc sắc nhất cái vô thường của đời người ,và sự bất lực trước thời gian, qua hình ảnh của người Cha thân yêu thuở nào “dắt con mỗi sớm đến trường”, thế mà “Giờ sang tuổi tám mươi tai lãng, mắt mờ” (Bố). Và Mẹ - Người con gái làng Văn “Đoan trang tính cách má môi hồng”, biết bao chàng trai “phong trần ngơ ngẫn tiếc”(Con gái làng Văn), nhưng giờ đây “Dáng mẹ hao gầy vào ra sớm tối/Gậy khua vào bảng lảng hoàng hôn”(Bão).
Cuộc sống và con người trong trang thơ của anh phong phú và đa dạng dường nào, có đầy đủ các đối tượng, tất cả đều xuất hiện một cách có khí phách, có tầm cỡ và có vóc dáng riêng của bản thân, góp phần làm giàu thêm mình bằng chất tiểu thuyết, chất đời, chất người qua các nhân vật. Và như thế, cũng có nghĩa là cái tôi trữ tình của nhà thơ đã phong phú, lớn lao, đã có sự hoá thân, gửi gắm vào những nhân vật vật trữ tình ấy. Đến tập thơ Gió cuối mặt sông, thơ Võ Văn Hoa mới đến độ chín nhất định. Đó là một kết quả của một quá trình phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi của anh để có sự hòa quyện cùng nhịp đập giữa cái tôi và cái ta.
4. Phong cảnh thiên nhiên được Võ Văn Hoa miêu tả bằng một sự trìu mến, yêu thương, đặc biệt với những nét đẹp tinh tế, sáng tạo. Thơ anh tràn ngập sông nước, trời biển, trăng, mây gió, hoa lá, rơm rạ, cá chim... Thiên nhiên trở thành bầu bạn, sẻ chia, tâm tình. Những hình ảnh ấy như có linh hồn khi thi nhân thổi hồn vào đó tạo cho nó sức sống mãnh liệt: “Thôi đừng trách anh, nghe em/Mình bỏ lại cho nhau mùa xuân đôi chín/Mùa tím Huế, chiều Hoàng Thành bịn rịn/Ta còn gì chia sớt nắng sương pha”(Thơ viết mùa xuân đôi chín).
Mỗi năm có bốn mùa, xuân qua hè tới, thu tàn đông đến, là quy luật của thiên nhiên, và mỗi mùa gắn với những đặc trưng quy luật riêng của nó. Trong hành trình thơ của anh luôn có sự hiện diện các mùa trong năm: “Mùa thu qua cuối trời.../Để mùa đông khô khốc/Mùa xuân qua mau/Mùa hạ vương buồn trên lá” (Ngày ấy lâu rồi). Thế nhưng, mùa xuân và mùa thu in đậm dấu ấn hơn hết. Mùa xuân đến tất cả như căng đầy sức sống, trăm hoa đua nở, như để níu kéo ai đó trên đường xuân: “Bây giờ còn chi để nói/Khi bên ngoài úp cánh mùa xuân!.../“Mây” buồn nhớ xuôi chân về đỉnh núi/Gió còn thương nên vấn víu cây cành!/Còn gì không em khi mùa xuân đến/Ta âm thầm đếm bước mãi đi xa” (Mùa xuân cuối trường); “Mùa xuân mai nở non cao/Mai nở vàng sông rực suối”(Núi Mai). Và mùa mùa thu ở Trường Sơn: “Chớm thu vàng cánh lá/Anh mãi còn đi xa/Trường Sơn heo hút quá/Đêm thức mỏi tiếng gà”(Ra giêng anh cưới). Một mùa thu không vàng vọt, uỷ mị, mà êm đềm, duyên dáng trong những nét tươi mới của cuộc sống mới: “Ta nâng chén với mùa thu Đất Nước/Cất cao lên tiếng hát mọi nhà/Hướng mở có rồi thẳng đà lên phía trước/Chân trời vui xanh sắc sáng thu này” (Cùng mùa thu). Thi nhân từng làm da diết, ngẩn ngơ bạn đọc qua bức họa mùa thu. Mùa thu trên đất Cố đô Huế, trong tâm tình, có cái gì xao xuyến tận bên trong: “Có một chiều thu hiền dịu/Em như góc bể xanh màu/Viên mãn bên trời ai níu/Trong chiều Đại Nội buông mau” (Thu Hương). Tất cả đều gợi sự cao độ trong cảm giác về mùa thu của nhà thơ.
Khi tiếp xúc với các tập thơ của Võ Văn Hoa, hầu như bạn đọc bắt gặp nhiều đến các hình ảnh, chi tiết về sông, biển, núi... Sông chảy êm đềm dịu nhẹ mang đầy phù sa và kỷ niệm. Biển êm trôi từng con sóng nhỏ đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Núi không hoang sơ mà phủ đầy hoa và tuyết. Anh viết nhiều về sông nước quê hương, sông nước Việt Nam. Có những con sông cụ thể gắn với kỷ niệm của tuổi thơ, của nỗi đau chia cắt, và chứng nhân của lịch sử: “Sông một thời dậy sóng/Chôn giặc xuống bùn đen”(Vĩnh Định ơi ta về); “Trầm tích một “tình sử Ô Lâu”/Tôi đi về phía dòng sông ban mai quá khứ.../Nào ai biết vị tiến sĩ đầu tiên ở Đàng Trong/Bùi Dục Tài bươn bả ra đất nghìn năm kinh sử/Để năm trăm năm sau bia đá bảng vàng”(Bên này sông Ô Lâu)
Trăm con sông đều đi ra biển cả. Bên cạnh viết về sông, nhà thơ cũng có không ít bài viết về biển. Biển của quê hương, của đất nước, của tình thương, của con người và cuộc sống ấm no hạnh phúc: “Mùa xuân này anh ra biển cả/Còn đây những âu thuyền cảng cá”. Biển gắn liền với kỷ niệm của tình yêu: “Một chấm xanh giữa trùng khơi/Mùa xuân này anh ra biển cả.../Cồn Cỏ nở đầy hoa/Một chấm xanh anh về”(Một chấm xanh). Biển chứng nhân lịch sử gắn với sự anh dũng chiến đấu của những người con ưu tú: “Nơi này chị đã nằm/Sớm chiều nghe sóng hát/Nghe tháng năm dào dạt/Nhắc những điều mến thương”(Ở một chân trời yêu thương).
Nếu như trăng trong thơ Hàn Mặc Tử đẹp một cách lạnh lùng, kì dị “Trăng nằm sóng soài trên cành liễu”. Trong thơ Xuân Diệu, trăng là nhịp cầu nối về tình yêu, thì Võ Văn Hoa lại nói lòng anh như mảnh trăng đang mọc. Trăng luôn gắn bó, bầu bạn cùng thi nhân. Trăng mang sắc thái cung bậc tình cảm đa dạng, mang khuôn mặt nhớ, thương, trong cái sâu lắng, tâm tình của người đang yêu: “Ví dụ trăng tròn bóng/Hai mái đầu giao nhau” (Ví dụ). Trăng trong tình nhớ, tình thương khi phải chia xa: “Mười sáu vầng trăng em mười sáu/Tiếng cười làng nón khuyết vào đâu/Thăm làng mấy bữa muôn đời nhớ/Ai để bài thơ nắng lợp đầu”(Làng Nón). Trăng choáng ngợp giữa không gian bao la: “Trăng lẻ bóng, trăng trôi về đâu?”(Tình ca Ô Lâu).
Nếu vũ trụ này không có nguyệt thì địa cầu sẽ biến dạng, lịch sử sẽ khác đi, con người sẽ thay đổi. Vầng trăng quan trọng biết dường nào đối với sự sống và vẻ đẹp của trái đất này. Nhưng đó là vầng trăng của cõi Trời. Còn một vầng trăng của cõi Người, cõi Mình, vầng trăng của tâm thức: “Anh về với vầng trăng/Đọc thơ tình năm tháng”(Ký ức thanh xuân). Có thể nói, ánh trăng luôn rọi vào thơ anh, làm cho thơ anh đậm đà ý vị, tươi trẻ.
5. Với tình yêu, Võ Văn Hoa viết cũng không phải là ít so với nguồn thơ tình dồi dào đến mức định in thành “từ điển” của một số nhà thơ lớn. Điều đáng chú ý là nét riêng trong thơ tình của anh. Đọc và suy nghĩ, tôi nhận thấy thơ tình của anh không bộc lộ sôi nổi, ráo riết, ồn ào, cuồng nhiệt như Xuân Diệu – ông hoàng của thơ tình. Đây là thơ tình của người lớn tuổi, vì thế rất ý nhị, đằm thắm, trang nhã, lắng sâu, tâm tình, thủ thỉ, một tiếng nói nhẹ nhàng, buồn buồn của một thời hoa mộng chưa xa. Tất cả xuất phát từ một cái tình thực, xúc cảm thực của anh, tạo ra nhiều vần thơ đẹp, thơ mộng cho tình yêu đôi lứa: “Ra giêng anh cưới em/Bên thềm xuân gõ cửa/Còn vui nào hơn nữa/Ra giêng về... cưới em”(Ra giêng anh cưới).
Tuy nhiên, những bài thơ tình hay lại là những thi phẩm mà anh viết về tình yêu của một thời hoa mộng, trong sự chia ly cách xa. Sự chia ly, xa cách ngay từ mối tình đầu của nhà thơ: “Có phải từ bao giờ/Vân vê tà áo mỏng/Cánh chuồn bay trong thơ/Cũng ngân vang tiếng sóng/Anh từ nỗi đau xưa/Quên sao ngày xa vắng”(Thơ tình).
Điều đó cũng hợp lẽ thường tình, vì suốt những năm tháng của tuổi hoa mộng học trò, với những ánh mắt, nụ cười, những rung động đầu đời, và với những tháng năm đất nước bị chia cắt... đã đi vào kí ức của anh. Cảm xúc nhớ thương trong xa cách ấy thường trực trong tình cảm của anh, và khi bắt gặp mỗi hoàn cảnh cụ thể nỗi nhớ lại bùng lên, tạo những ý thơ, tứ thơ, hình ảnh thơ xúc động trong những bài thơ sâu lắng: “Em hát tình ca đọng mật đời/Dấu tình như thể chẳng buông lơi/Anh mang gió nắng chiều rung nhẹ/Đi tận chân mây đến cuối trời”(Người hát tình ca). Anh đã bộc lộ những cung bậc của tình yêu, nhờ vậy nhà thơ đạt tới chất trữ tình bền vững. Với bút pháp liên tưởng tạo nên sự lung linh, huyền diệu, và một chất men tình ái cho thơ. Thời gian luôn được ngoái nhìn về quá khứ, không gian luôn cách xa, chia cắt.
Thơ tình của Võ Văn Hoa là mạch tình cảm chân tình. Anh không che đậy lòng mình, cũng không khoa trương thi vị hoá. Thơ anh như là lời tâm sự, mà thấu hiểu lẽ đời, tình người, thấm thía từ cảm nhận xót xa, cay đắng trong tình nhớ, tình buồn: “Bổng dưng trời đổ thay màu/Em về buổi ấy nghe đau nhân tình/Lời yêu từ độ chúng mình/Để còn góc cạnh hành trình vời xa/Bỗng dưng ngừng bặt khúc ca/Khoảng không nỗi nhớ còn ta với mình” (Còn ta với mình).
Đến những nỗi buồn thấm thía thiết tha, đau đáu, dang dở của cuộc tình vẫn tìm chốn nương nhờ, ẩn khuất giữa đất trời, thiên nhiên: “Anh về thăm lại Đakrông/Cô gái năm xưa đã lấy chồng/Cầu treo như nhắc ngày xưa cũ/Anh mãi đi về một nhánh sông” (Đakrông)
Độc giả thực sự xúc động trước những suy nghĩ trải nghiệm về tình yêu của anh, dù vui hay buồn, đủ đầy hay dang dở, gần gũi hay chia ly, hiện thực hay mong ước... đều xuất phát từ tính thực. Tính thực là cái gốc để có thơ hay, nhất là với thơ tình, và thơ tình của Võ Văn Hoa có cái gốc vững chãi ấy: “Mai em có về/Huyện trũng quê anh/Ngày mới quê hương trên đường đổi mới/Bão lụt qua rồi-xốc hành trang đi tới/Hải Lăng ơi quê mẹ anh hùng!/Mai em có về.../Về làm dâu quê anh!”(Huyện trũng).
Võ Văn Hoa luôn hiểu rõ những giới hạn mà mỗi người vượt qua khó khăn trong tình yêu, có lẽ vậy hơn một lần anh tự bạch: “Em đi ngang còn thơ thì đi dọc/Em và thơ ngang dọc suốt đời tôi”.
Viết về đề tài tình yêu, Võ Văn Hoa có cái nhìn, cách thể hiện riêng. Đó là sự chân thành, mộc mạc, đậm đà, không cầu kỳ, bay bổng, choáng ngợp để đưa tâm hồn ta vào thế giới tình ái mông lung, ảo hoá. Là cái cụ thể của người yêu cụ thể, được thi vị hoá thành thơ rất thật, gần gũi với đời thường, như những gì vốn có của nó: “Ngày em hai mốt tuổi/Người trồng cây si đứng vệ đường/Áo trắng tung bay chiều ngược gió/Đôi mắt vô tình thương đến là thương!”(Ngày em hai mốt tuổi).
Tôi thiết nghĩ, trong tình yêu cũng cần bình đẳng. Có cái rạo rực xao xuyến của tình yêu tuổi trẻ, có cái sâu lắng, thâm trầm của lớp người lớn hơn. Đều cần cả. Tình yêu trong thơ anh không chỉ có “hoa thơm trái ngọt”, mà còn cả “trái đắng”. Đây chính là chất giọng riêng, một cung bậc không giống ai của thơ tình Võ Văn Hoa.
6. Sau chiến tranh, đặc biệt sau đổi mới, thế giới thi ca mở rộng biên độ và phong phú, đa dạng hơn. Và vì thế, những cây bút mới có điều kiện tìm tòi nghệ thuật thể hiện, không tỏ ra lạnh nhạt với những thể thơ cũ, nhưng đồng thời cũng mạnh dạn hơn. Hoà tấu cùng dòng chảy đó, Võ Văn Hoa đã thể nghiệm các thể thơ tự do và thơ văn xuôi, chủ động sáng tạo trong kết cấu, ngôn ngữ, hình ảnh... Có gì tai hại hơn khi phải nệ theo một khuôn mẫu cứng nhắc, làm rơi rụng hết những ý tứ phong phú. Ý tứ càng phong phú, cách tư duy càng đa dạng cần phải tìm đến các dạng thức phong phú trong kết cấu tác phẩm như Tiên Điền, Tình ca Ô Lâu, Í a Xuân, Email xuân, Quà tặng... Mạch luận lí không thật rõ, nhưng có phải trạng thái tâm hồn ảo huyền, “thất tình” là dòng chảy mạch ngầm trong thi phẩm Tình ca Ô Lâu. Thế nhưng, hai câu thơ toàn thanh bằng đã tạo nên một sự nhẹ nhàng như đôi cách thiên thần dẫu có chút vô vọng, xót xa: “Dòng sông Ô Lâu-Em đi về đâu?/Dòng sông Ô Lâu-không còn em-tôi đi về đâu”. Hay khi anh thể hiện những suy tưởng thế sự, những tâm tình sử ký, anh lại dùng thơ văn xuôi như bài Tiên Điền, Vĩ thanh Thành Cổ. Trong bài thơ Tiên Điền anh viết:
“Tế Hanh có “Bài học nhỏ về nhà thơ lớn” chuyện hôm nay có khác hơn. Trẻ em ở đầu làng đã đọc thuộc Kiều đương nhiên còn tận tường chỉ cho tôi đường về mộ Nguyễn.
Tiên Điền tôi qua một lần thôi. Nhưng người giảng Kiều lâu năm trong tôi sẽ nhập thần hơn từ buổi sớm mai này”.
Võ Văn Hoa có cách nói hội tụ và thắt nút vấn đề, nên bên sau câu thơ, bài thơ thường có cái tứ chung, từ đó, vực dậy đem lại cho bạn đọc những cảm xúc bất ngời, mới mẻ. Thơ anh ít triết lý, hầu như anh không cố tình triết lý, nhưng nhiều cảm xúc đến độ chín, tự nó trở thành triết lý cho thơ như bài Chớp bể, “Chuột bạch” ơi! chẳng hạn: “Người đi rừng nhìn từ phía bể/Nhà nông nhìn tổ kiến trên cao/Anh yêu em nhìn từ đôi mắt”; “Người tuổi Tý sành điệu ít nói/Nhưng nói ra triết lý dịu dàng”.
Với cách thể hiện linh hoạt như thế, thơ anh có khả năng đi sâu vào những vấn đề rộng lớn của quê hương, đất nước, những vấn đề đời tư-thế sự, và cả miền sâu thẳm của tâm hồn. Như thế, có ai dám bảo những miền đó không tiềm tàng những điều chân thật nhất, đáng nghĩ suy nhất!. Thơ anh mang sắc thái, dáng vẻ hiện đại (thể thơ, kết cấu, ngôn từ, tư duy...), nhưng vẫn lưu giữ, vang vọng một trình tự dân tộc, một màu sắc dân dã, và những nếp nghĩ cổ truyền: “Ăn gạo mòn răng mà chẳng biết/Hôm qua mạ nói:Gạo ba trăng/Mới hay gạo cá thơm tình mạ/Trời đất!Con quên cả chị Hằng ”(Gạo ba trăng).
Thơ Võ Văn Hoa thể hiện trên nhiều chủ đề, đề tài khác nhau, tạo nên sự phong phú và đa dạng. Từ tập thơ Còn ta với mình đến tập thơ Gió cuối mặt sông đã vươn ra khỏi những nẻo đường nhỏ hẹp, là một thế giới thơ rộng lớn, phong phú, khoáng đạt. Cảnh sắc quê hương, ất nước, con người, tình yêu... được mở mang, tạo điều kiện cho độc giả khám phá thêm nhiều điều mới mẻ. Với những mảng thơ này làm dịu mát tâm hồn ta.
Trong dòng chảy của nền thơ ca đương đại, Võ Văn Hoa không gây ồn ào, sóng gió như nhiều nhà thơ khác, nhưng ở anh có cái trung thực, tinh tế và sự trong trẻo... lại vốn là chất thơ của anh vẫn thấm sâu vào lòng bạn đọc trong nhiều thế hệ qua. Điều đó đã góp phần lý giải vì sao Võ Văn Hoa là một trong rất hiếm nhà thơ thuộc thế hệ U55 nhưng không bị già cũ, và có khả năng đồng hành được với nhiều thế hệ. Thế hệ nhà thơ trẻ ngày nay ắt có những điều khác với thế hệ nhà thơ Võ Văn Hoa. Thế nhưng, các bạn làm thơ trẻ nhìn thấy ở anh một tấm gương nghệ thuật siêu năng đầy nhiệt tâm, và tìm thấy trong thơ anh nhiều góp ý bổ ích, kích thích thêm sự tìm tòi, thể nghiệm nghệ thuật của mình “Thơ hay như người đẹp - Ở đâu, cũng được lấy chồng”(Chế Lan Viên).
.
MÙA XUÂN CỦA TUỔI HAI MƯƠI - Võ Thị Như Mai (Tây Úc).
.
." Bài thơ lớn hơn tôi hai tuổi và tác giả viết bài ấy khi bước sang tuổi hai mươi"( VTNM).Đi dự đám cưới về, mở hộp thư điện tử, rất vui khi nhận được bài viết của một nhà giáo- nhà thơ bên Tây Úc bình bài thơ MÙA XUÂN CUỐI TRƯỜNG của mình. Bài thơ viết đã lâu đăng trên Giai phẩm Xuân Ất mão (Sở Văn hóa Giáo dục và Thanh niên Quảng Trị - 1975) khi chủ nhân Gác Tri Âm mới tốt nghiệp Sư phạm Huế ra trường ( Khóa IV- 1972-1974).Cảm ơn Thạc sĩ Võ Thị Như Mai đã đồng cảm và đồng thanh! Xin gửi đến bạn bè nơi góc biển chân trời! (Võ Văn Hoa).Sao không là cỏ hoaĐể mãi trong im lặngSao không là hai giọt nắngRớt xuống đời xa lạ vu vơBốn câu thơ dễ thương không rõ tựa đề và tác giả trong trang Mực Tím thuở nảo nao mà tôi thường lẩm nhẩm mỗi khi tâm trạng vui vẻ, chẳng hiểu sao tôi lại thuộc và nhớ mãi. Đôi khi người ta chẳng lý giải được vì sao họ cảm mến người này mà ơ hờ với kẻ khác, vì sao họ không thể nào quên được một kỷ niệm nho nhỏ và dễ dàng thả vào quá khứ điều mình đã từng gắn kết và quen thuộc cả một khoảng thời gian dài.Mấy năm trở lại đây, tôi thích đọc thơ của nhiều người khác nhau và Mùa Xuân Cuối Trường của nhà thơ Võ Văn Hoa là một bài hiếm hoi trong số rừng thơ ấy khiến tôi thuộc lòng ngay từ lần đầu tiên xem trên Văn Nghệ Quảng Trị, như bài thơ ngày xưa trên Mực Tím đã in vào trí nhớ.Hôm ấy, tôi tìm một trang vở học sinh và nắn nót chép lại Mùa Xuân Cuối Trường bằng bút bơm mực, phải viết đến lần thứ ba mới cảm thấy hài lòng. Có cảm tưởng như mình là cô học trò nhỏ hiền lành với những dòng chữ đang ráo mực, ngồi bâng khuâng cuối hiên trường dõi mắt xa xăm với dòng ý nghĩ bộn bề, nét ưu tư điểm lên đôi chân mày nhíu lại một tí.Bài thơ lớn hơn tôi hai tuổi và tác giả viết bài ấy khi bước sang tuổi hai mươi.Tuổi hai mươi, của ưu tư và lo toan khi bước vào ngưỡng cửa cuộc sống. Tuổi hai mươi luôn tự hỏi liệu có quá muộn để thay đổi một quyết định, một hướng đi mới. Tuổi hai mươi băn khoăn liệu mình đã thực sự chín chắn chưa, ước mơ đặt ra có thực hiện nổi không và thế nào là lý tưởng sống cao đẹp. Tuổi hai mươi vạm vỡ và tràn đầy nhựa sống, ngoài mong ước sớm ra trường để tìm một công việc tốt, còn là niềm tin được dang rộng vòng tay bảo vệ, che chắn và bao bọc người thân. Tuổi hai mươi còn là điểm khởi đầu để bắt đầu suy nghĩ về tình yêu và định hướng cho một mái ấm gia đình.Bây giờ còn gì để nóiKhi bên ngoài úp cánh mùa xuân
Ta tưởng người đi không bến đợi
Nên chẳng cần chi như mọi lần.
Đối với tôi mà nói, tuổi hai mươi của mình trôi qua khá nhạt nhẽo, là công thức chung được đúc khuôn bằng ngọn nến sinh nhật lấp lánh, bằng những ngày đi bộ đến trường đại học, chăm chỉ ghi điểm và thích được ngắm những đôi bạn hạnh phúc tay trong tay đến giảng đường và góp gạo thổi cơm ở cùng nhà trọ (về sau này hiếm lắm mới có một đôi thành vợ thành chồng).
Tuổi hai mươi của tác giả xem chừng chất chứa suy tư khi trải rộng lòng mình trên trang giấy,nhưng dù có nhiều điều để thổ lộ đến đâu, khi mùa xuân đến, khi những đoá hoa thơm ngát rực rỡ điểm sắc tô son cho những khu vườn, vỉa hè, công viên, chàng trai trẻ chợt thấy mình muốn được bước những bước chậm rãi, khoan thai dừng lại để cảm nhận hương xuân tràn ngập đất trời.
Ta cũng gặp cô em bé nhỏ
Hai năm hoài bướm trắng cũng thành xanh
“Mây” buồn nhớ xuôi chân về đỉnh núi
Gió còn thương nên vấn víu cây cành!
Mùa xuân trong đôi mắt chàng trai có bóng dáng của một cô em bé nhỏ đang từng bước trưởng thành, một hình ảnh thoáng gặp rồi xa xăm vời vợi, để cho cái nhớ nhung cứ lẩn quẩn và kéo dài da diết, để trong từng bước chân thong dong chiêm ngưỡng chiếc lá xuân thi thoảng vướng víu chút hoài niệm yêu thương lãng đãng mơ hồ.
Còn gì không em, khi mùa xuân đến
Ta âm thầm đếm bước mãi đi xa
Buồn lắm lúc khi trường đời hiển hiện
Cuộc đời này sao chỉ khúc cuồng ca!
Nếu bạn đã từng đi qua tuổi hai mươi tươi đẹp, chắc chắn rằng bạn cũng có những trở trăn như thế này, cuồn cuộn cảm xúc thế này với những triết lý sâu xa, tưởng chừng như đã thấu hiểu gần như mọi chuyện, qua bao gió biển sóng gào như thể đã bước qua một phần lớn nấc thang cuộc đời. Hơn lúc nào hết, những cuộc chia tay tạm biệt gần như đem lại quá nhiều muộn phiền dẫu biết rằng mỗi một người đều có ước mơ riêng chân trời riêng để theo đuổi.
Bây giờ còn gì để nói
Khi em còn hoài bão cao xa
Ta thầm nói: Ừ, thôi kiếp mới
Kiếp vừa rồi đường có nở thêm hoa!
Để rồi sau cùng chàng trai trẻ cũng chấp nhận sự thật của hiện tại dẫu còn nhiều nuối tiếc, rằng có hội ngộ thì có tạm biệt, rằng cuộc sống còn thênh thang và ở tuổi hai mươi cũng chỉ mới là điểm khởi đầu. Và đúng như vậy, gần ba mươi bảy năm trôi qua còn gì, ba mươi bảy năm để những vần thơ không chỉ dừng lại ở niềm yêu thương nuối tiếc của một mùa xuân cuối trường, ba mươi bảy mùa xuân đơm bông kết nên hàng trăm bài thơ hay về đủ mọi đề tài của Võ Văn Hoa hiện thời, của một Võ Văn Hoa có mặt trên từng con đường làng quê và phố xá và trong lòng của bạn đọc.
Đôi khi thì thầm lời bài thơ, tôi tự hỏi không biết tác giả nghĩ ngợi gì khi tình cờ đọc lại và có ai trong số độc giả cũng thuộc lòng Mùa Xuân Cuối Trường như tôi không. Và nếu một lần bạn tình cờ nhìn thấy một chàng trai trẻ đang ngồi tư lự trên ghế đá trường Đại Học với dáng dấp vô cùng thân quen khiến bạn cứ ngờ ngợ và chăm chú nhìn mãi. Chàng trai đeo kính với đôi mắt một mí và khuôn mặt thông minh ấy là qúy tử của nhà thơ Mùa Xuân Cuối Trường chứ không phải chính tác giả đâu nhé.
Tây Úc 12/3/2011VTNM.
Thủ bút Võ Văn Hoa.
TƯ LIỆU, SÁNG TÁC CỦA VÕ VĂN HOA:
Đến với bài thơ Hay: Cỏ Thơm (Võ Văn Hoa) - Hoàng Tấn Linh
http://vovanhoaqt.vnweblogs.com/post/10775/217322
"Ngày thơ Việt Nam " Nguyên tiêu Canh Dần - 2010 tại Quảng Trị.
http://vovanhoaqt.vnweblogs.com/post/10775/217256
Khoảng sáng (thơ)
http://vovanhoaqt.vnweblogs.com/post/10775/217088