Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHỮNG LÁ THƯ ĐỒNG MÔN

Sau khi Đặc san Nguyễn Hoàng của Ban liên lạc cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị tại Huế ra mắt, BBT nhận được những lá thư đồng môn gởi về...

LÁ THƯ ĐỒNG MÔN

    Bài viết của Nguyễn Văn Tri gởi đến thầy cô nhân buổi họp mặt chiều nay do một số bạn bè cấp 3 niên khóa 1970 - 72 tổ chức mời một số thầy cô ở tại SG đến dự. Xin chia sẻ cùng Thầy cô và các anh chị đồng môn.

    
Thưa các Thầy cô giáo trường Trung học Nguyễn Hoàng kính yêu,

     Thật là một niềm hạnh phúc lớn lao cho chúng em khi được tiếp đón quý thầy cô tại quán sân vườn Mẹ Tôi  trong buổi chiều hôm nay  để chúng em có dịp được gặp gỡ, thăm hỏi và nói lời cám ơn chân thành đến với những người đã hết lòng bảo ban dạy dỗ mình từ thời còn là học sinh trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị cách đây đã 36 năm.

     Năm nay ngày Hiến chương nhà Giáo Việt Nam, 20/11/08 lại đến. Nếu em nhớ không lầm thì ngày xưa thời chúng em cắp sách đến trường ở miền Nam không có ngày này. Nhưng những gì tốt thì nên làm. Không phải chỉ dưới chế đô XHCN nghề dạy học mới được tôn vinh mà từ thời xa xưa cha ông ta đã nghĩ đến công ơn cao như trời, sâu như  biển của bậc "vạn thế sư biểu"  nên hàng năm vào dịp Tết, các trò thường rũ nhau đi thăm viếng thầy "Mùng một tết cha, mùng hai tết Mẹ, mùng ba tết thầy".

     "Thầy như Cha, Cô như Mẹ". Càng lớn  chúng em mới thấu hiểu ý nghiã sâu sắc của câu ví von này - Quả thật trong xã hội Việt Nam ta vai trò của  thầy cô giáo vô cùng quan trọng và cao quý. Tục ngữ có câu "không thầy đố mày làm nên" để nêu bật sự quan trọng của những nhà giáo dục trong sự phát triển của cá nhân và xã hội. Trong tiền đồ hưng, suy  của đất nước cũng có trách nhiệm của nhà giáo "lương sư hưng quốc". Cho dù hiện nay, cuộc sống với một số mặt tiêu cực trong góc độ nào đó làm suy giảm  hình ảnh cao quý của người thầy, nhưng trong lòng  chúng em, những cựu học sinh Nguyễn Hoàng, các thầy cô giáo luôn mãi là tấm gương sáng, cao quý và đẹp đẽ.

     Thưa Thầy cô quý mến của chúng em,

     Mỗi năm cứ đến gần ngày Hiến chương Nhà Giáo VN, nhìn con trẻ cặm cụi vẻ tranh, làm thiệp, tập ca múa  để tặng thầy cô giáo lòng chúng em lại xao xuyến nhớ đến các Thầy Cô giáo cũ của thời trẻ thơ cắp sách đi học. Chúng em không chỉ nhớ các Thầy cô trường Nguyễn Hoàng có mặt hôm nay mà còn nghĩ đến những thầy cô đã dạy chúng em từ thời mẫu giáo, tiểu học, trung học rồi bậc đại học...Mỗi thầy cô có một tính cách, một sở thích, một lối sống riêng, nhưng tất cả đều cùng mẫu số chung là người mang sứ mệnh truyền đạt kiến thức và dạy dỗ học trò của mình nên người hữu dụng.

    Khi nghĩ về Thầy cô lòng  chúng em  ấm lại với bao kỷ niệm thân thương của một thời làm học sinh vô tư lự. Cơm cha -áo mẹ - chữ thầy. Hàng ngày chúng em cứ việc  cắp sách đến trường, học với thầy, chơi với bạn... Rồi thời gian trôi qua như bóng câu qua cửa sổ. Mới đây mà đã một đời người, bạn TH Nguyên, một trò ngoan,giỏi của quý thầy cô - người đã mãi mãi chia xa chúng ta, đã ghi mấy lời tâm tình  trong nhật ký: " Thời tôi còn là học sinh trung học cũng là thời chiến tranh. Chiến sự xảy ra ác liệt. Bạn cùng lớp còn lại mấy chục. Thầy cô cũng còn được vài người. Ở tuổi tóc học sinh cũng đã bạc, thầy trò gần gũi nhau hơn, không còn những khỏang cách như ngày trước. Gặp mặt chắc là vui lắm. Tôi ước mình có mặt trong những ngày hội như thế!

    Đúng vậy, thầy trò chúng ta đi qua một cuộc chiến tranh đã mấy mươi năm mà ngỡ như giấc mơ. Nhà cửa, phố xá, trường ốc tan hoang. Thương hải biến vi tang điền (Ruộng xanh biến thành bể dâu), mái trường xưa chỉ tồn tại trong ký ức. Hôm nay Thầy trò chúng ta may mắn gặp gỡ nhau tại chốn này, vui mừng vì hạnh ngộ nhưng vẫn thấy chút nào trống vắng và chạnh lòng khi quanh ta còn thiếu bao nhiêu là thầy cô và bạn bè thân mến. Ngừoi bám trụ quê nhà, kẻ bôn ba tứ xứ, một số người thì mãi mãi ra đi  không còn gặp lại.

    Thưa thầy cô kính yêu, tục ngữ nước ta có câu: "không thầy đố mày làm nên". Thật  đúng vậy: Những gì chúng em có được ngày hôm nay từ đời sống vật chất lẫn tinh thần, cũng nhờ một phần không nhỏ sự dạy dỗ ngày xưa của quý thầy cô để ra hoa kết trái trở thành chân giá trị bền vững giúp cho chúng em đương đầu và trụ vững trước bao nhiêu cơn sóng gió của cuộc đời.

    Carl Jung (1895-1961), một nhà tư tưởng lớn phương Tây có một câu nói mà em rất tâm đắc xin được chia  sẻ với Thầy cô và các bạn: "Một tấm lòng hòa ái cảm thông là điều cốt lõi ở một người thầy… Sau này khi ra đời và nhìn lại, ta đánh giá cao những thầy cô  thông thái, nhưng ta lại biết ơn những thầy cô đã làm cho ta lòng ta rung động.Giáo trình là nguyên liệu cần thiết ở một mức độ nào đó, nhưng sự nồng nàn của thầy cô mới là chất liệu ươm trồng cho mầm non đang lên và cho tâm hồn đứa trẻ.”

    Và em cũng xin thay mặt bạn bè có mặt trong ngày hôm nay xin gởi đến quý thầy cô lời tri ân chân thành nhất nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam. Mong sức khỏe, sự thanh thản và niềm hoan lạc đến với quý thầy cô, những người đã hoàn thành xuất sắc phần việc của minh trên cuộc đời này và có quyền được thanh thản để tận hưởng niềm vui  sống.

Thân quý,

Nguyễn Văn Tri – Đại diện một nhóm cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị.

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 LÁ THƯ ĐỒNG MÔN

     Kính gởi: Ban biên tập ấn phẩm NGUYỄN HOÀNG tại Huế

     Sau thời gian xa Huế, tôi về nhà và nhận được  ấn phẩm NGUYỄN HOÀNG tại Huế do ban biên tập gởi tặng. Tôi xin chân thành cám ơn các anh chị.

    Đọc ấn phẩm NGUYỄN HOÀNG, qua hình ảnh tôi đã thấy lại những khuôn mặt thân quen,trong lát giây hoài niệm về quá khứ, những hình ảnh xưa tái hiện cho tôi nhớ lại một thời đã qua thật tuyệt vời.

    Ấn phẩm NGUYỄN HOÀNG phong phú về nội dung ,trang nhã về hình thức, đặc biệt loạt bài có tính cách khảo cứu làm rỏ thêm về danh nhân Nguyễn Hoàng,vị anh hùng mà ngày trước trường chúng ta có vinh dự được mang tên.

    Ngoài giá trị về sử tích, loạt bài này đã có tiếng nói chung đáp ứng với nguyện vọng của nhiều người xem Nguyễn Hoàng là một trong những vị anh hùng của dân tộc, có công dựng nước và mở rộng bờ cỏi về phương Nam, có vị trí xứng đáng trong chính sử Việt Nam và xin được trả lại tên Nguyễn Hoàng cho ngôi trường xưa, nơi đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh ưu tú đã và đang đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng đất nước.

     Nhắc lại việc này làm tôi nhớ lại Thầy Thái Mộng Hùng nguyên Hiệu trưởng trường Nguyễn Hoàng trong một lần tôi và một số thân hữu được gặp Thầy ở Đông Hà khi Thầy về thăm quê, qua đàm đạo ,Thầy cho biết đang tìm cách để đề đạt nguyện vọng lên chính quyền xin cho đổi tên trường PTTH Thị xã Quảng Trị thành trường PTTH Nguyễn Hoàng, bởi vì theo Thầy thì tên trường Nguyễn Hoàng không những ghi dấu ấn đậm nét trong lòng của giới giáo chức và học sinh qua nhiều thế hệ mà còn là một cái tên thân thương khó quên trong lòng người dân Quảng Trị. Ôi! ước vọng chưa thành thì Thầy đã đi xa, Thương thay!

     Với thế hệ U 80 như chúng tôi bây giờ, công danh, sự nghiệp, chức quyền, sang hèn... đã thuộc về quá khứ,phù phiếm, chỉ có tình cảm mới là điều đáng được trân trọng và quý mến nhất.

    Xin cho tình cảm của chúng ta sẻ mãi rực cháy trong tim mọi người.

                                                                     Xin cám ơn.

                                                        Huế, ngày 20 tháng 10 nãm 2008 

                                                                   Nguyễn Huy Vỹ

                                                                 Tel: 054-3836079

 

Thứ Sáu, 22.8.2008

Kính gởi: Ban Biên tập Đặc san NGUYỄN HOÀNG

Kính thưa quý anh chị

Chiều qua, nhận được cuốn ĐS NH do anh Trần Kim gởi vào, tôi đọc liền một mạch cho đến quá khuya.

Theo ý kiến cá nhân tôi, ĐS NH kỳ này đúng là hết ý - từ hình thức đến nội dung. Mong rằng những lần phát hành sau ĐS NH sẽ ngày càng chất lượng để xứng danh với hai tiếng NGUYỄN HOÀNG !

Tôi rất thích một số bài viết trong cuốn này. Chẳng hạn sự da diết của các tác giả bài "Nguyển Hoàng - Chúa Tiên (1525-1613); Lời thầm trước lăng Nguyễn Hoàng; Nỗi niềm mất tên... Và nhất là bài "Hoài niệm Ái` Tử" của nhà văn Nhất Lâm, có thể xem là lời ai oán nhất của một người đánh mất quê hương của mình. Đọc bài này xong, thú thật, tôi bỗng thấy cay cay ở mắt mình. Biết bao giờ hai chữ Nguyễn Hoàng mới về lại chốn xưa để tiếng thổn thức không còn vang nữa???

Tôi cũng thích bài "Nếu như không... nếu" của tác giả Nguyễn Văn Dũng. Nếu không có một tấm lòng, một cảm xúc thật sự, một hoài vọng quá vãng... thì thật khó viết lên nhưng dòng tâm sự xúc động và đẹp đến vậy.

Còn nhiều nữa những bài viết khuấy động lòng người, làm xao xuyến trái tim của một thuở làm học trò Nguyễn Hoàng.

Xin cám ơn những con người muốn cho trường Nguyễn Hoàng sống mãi với thời gian dù tất cả giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Xin anh chị em thắp sáng mãi niềm tin là có một ngày không xa nữa, trên mảnh đất ngày nào đồng môn chúng ta học tập, chơi đùa... lại rỡ ràng hai chữ NGUYỄN HOÀNG thân thương. Kính chào


Trần Quang Thắng

Lập Thành, Xuân Thanh, Thống Nhất, Đồng Nai

ĐT 061.770357

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.