SỰ TƯỞNG NIỆM LẶNG LẼ - LÊ ĐỨC DỤC
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6902
Danh thơm của người mở cõi dành cho ngôi trường được vinh dự mang tên, tên trường
nay cũng không còn
Hiếm có ngôi trường nào đặc biệt như Trường Nguyễn Hoàng. Được một nhóm thân hào, nhân sĩ ở thị xã Quảng Trị lập ra vào năm 1951 là trường trung học tư thục, năm học tiếp theo được công nhận là trường công lập và đến niên khóa 1953-1954 mang tên Trường trung học Nguyễn Hoàng. Quảng Trị vốn là đất địa đầu giới tuyến, sau những tao loạn thời cuộc Trường Nguyễn Hoàng đã có lúc dời vào tận Hòa Khánh (Đà Nẵng) nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi.
Sau 24 năm tồn tại, sau ngày giải phóng (1975) ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh Quảng Trị không còn mang tên Nguyễn Hoàng. Trên vị trí trường xưa mọc lên một ngôi trường trung học mới mang tên Trường cấp III Triệu Hải, và sau những lần tách nhập địa giới hành chính, bây giờ ngôi trường ấy mang tên Trường THPT thị xã Quảng Trị.
Trường Nguyễn Hoàng không còn mang tên xưa nhưng những thế hệ cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã mang theo hình ảnh ngôi trường cùng tên vị chúa mở cõi đi khắp năm châu bốn bể. Hiếm có ngôi trường nào với nhiều thế hệ trò giỏi như Trường Nguyễn Hoàng, không chỉ trước 1975 mà hơn 30 năm nay vẫn gìn giữ và phát huy truyền thống đất học.
Đi đến đâu, những cựu học sinh miền đất này vẫn mang niềm tự hào “học trò Nguyễn Hoàng”, dù họ đang là anh nông dân hay chữ lam lũ ruộng vườn hoặc những nhà khoa học, doanh nhân đang sống ở chân trời góc biển. Đó cũng là sự tưởng niệm lặng lẽ rằng cho dẫu thế nào thì không ai, không điều gì bị lãng quên, như sau này nhà thơ Nguyễn Duy cảm khái về lễ cải táng vua Duy Tân: “Bao triều vua phế đi rồi/ Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”.
Năm 2006, những cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã góp tay để cho ra đời tập sách Chân dung và kỷ niệm. Chỉ chưa đầy hai năm, tiếng gọi của những cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã nối vòng tay lan xa khắp các châu lục, đã có bốn tập sách, mỗi tập dày ngót ngàn trang in những hồi ức, kỷ niệm về ngôi trường. Tâm nguyện của những học trò ra đi từ mái trường này vẫn là không làm điều gì thẹn với uy danh tiền nhân mà ngôi trường được mang tên.
Mơ một nơi lưu bóng tiền nhân?
Dấu ấn của các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị không chỉ ở Ái Tử, Trà Bát, Cửa Việt… Bây giờ đi ngược lên miền tây huyện Gio Linh, nơi những rừng cao su xanh tốt bạt ngàn, đặc biệt với hệ thống giếng cổ độc đáo được xếp hạng di tích quốc gia, ít ai biết miền đất ấy đã được Nguyễn Hoàng mở mang bằng việc đưa các tù binh nhà Mạc lên đấy khai khẩn, lập nên làng xóm (sau này cũng với chính sách ấy ông đã đưa tù binh nhà Trịnh vào khai phá các vùng đất mới từ Quảng Ngãi vào đến Phú Yên ngày nay).
Hay giờ đây cái tên Lao Bảo trở nên nổi tiếng là đầu cầu của hành lang kinh tế Đông - Tây nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là cửa ngõ đường xuyên Á, một khu kinh tế đặc biệt trên biên giới Việt - Lào. Tuy nhiên ít ai biết vào năm Nhâm Tuất (1622), chính Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên là người đã lập nên dinh trấn Ai Lao này để canh phòng nạn cướp bóc nơi biên thùy, tạo sự thông thương buôn bán với các bộ lạc Lạc Hoàn, Vạn Tượng (Lào), khi ấy thủ phủ vẫn ở làng Trà Bát.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nói rằng tìm hiểu về triều Nguyễn mà thiếu chặng đường khởi nghiệp ở Quảng Trị là một thiếu hụt đáng tiếc. Nhưng Quảng Trị, trải qua mấy chục năm binh lửa đạn bom, dấu vết di tích đã không còn được bao nhiêu. Bom đạn phá một phần, những nhìn nhận thiếu khách quan về nhà Nguyễn suốt mấy chục năm qua, sự vô tâm của con người cũng góp phần xóa đi phần ít ỏi dấu tích còn lại.
Trong một lần làm việc với lãnh đạo huyện Triệu Phong (với huyện lỵ đang đóng tại vùng đất Ái Tử), chúng tôi được biết huyện Triệu Phong cũng mong muốn tôn tạo, trưng bày những dấu vết của thủ phủ Ái Tử, dinh trấn Trà Bát. Nhưng cũng chỉ là ước mong vậy thôi, chưa có gì khởi động. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gợi ý khó có thể phục dựng tất cả, bởi đó là công việc đòi hỏi nhiều kinh phí và tốn kém, nhưng có một cách làm khác là thu nhỏ những di tích ấy bằng những mô hình với tỉ lệ nhỏ hơn, và tập trung tất cả mô hình ấy vào một khu vực.
Ở Ái Tử có một khu đất rộng chạy sát sông Thạch Hãn lâu nay vẫn được giữ để làm sân bay trong tương lai (thời chiến tranh là sân bay quân sự của Mỹ). Tuy nhiên, mới đây quy hoạch sân bay cho Quảng Trị đã được dời ra vùng Quán Ngang, huyện Gio Linh. Nhiều người mơ ước trên khu đất định làm sân bay ấy, những dấu tích buổi đầu mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng được phục dựng, mô hình thành Tân Sở được tái hiện trở thành một bảo tàng thu nhỏ nhưng sinh động, để rồi khi đến đó người ta hình dung được lịch sử khai mở Đàng Trong đã bắt đầu từ miền đất Ái Tử như thế nào, công cuộc kháng chiến của vua Hàm Nghi và thành Tân Sở đã diễn ra ra sao… Âu cũng là hậu thế tri ân tiền nhân vậy!
Nhưng ước mơ chuyện ngôi trường xưa được mang lại tên Nguyễn Hoàng, một con phố trung tâm nơi đô thị cửa ngõ Lao Bảo mang tên Chúa Sãi… có là điều quá khó khăn khi lịch sử trước hết là sự công tâm và quá khứ lịch sử cũng cần sòng phẳng?