Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Trang viết Hoàng Đằng

Giới thiệu bài viết của Hoàng Đằng, cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị.

 

 

 

Trường Trung học  Nguyễn Hoàng

 

 



 

Từ viện Hán Học Huế

 

đến trường trung học Nguyễn Hoàng

 

Quảng Trị

 

Hoàng Đằng

 

Đội ngũ giảng huấn của trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị từ lúc thành lập (năm 1951) đến khi xoá tên (năm 1975) chủ yếu do nguồn Sư Phạm cung cấp. Ngoài ra, còn những nguồn nho nhỏ khác, trong đó có Viện Hán Học Huế.

 

Viện Hán Học Huế được thành lập vào cuối năm 1959. Viện là một thành phần của Viện Đại Học Huế. Thời đó, Viện Đại Học Huế gồm có: Đại Học Khoa Học, Đại Học Văn Khoa, Đại Học Luật Khoa, Đại Học Sư Phạm (4 khoa này mở năm 1957), Đại Học Y Khoa và Viện Hán Học (mở năm 1959).

Trụ sở Viện Hán Học Huế ban đầu đặt tại Di Luân Đường (cơ sở Quốc Tử Giám triều Nguyễn) - đó là toà nhà gỗ nằm chính giữa khuôn viên trường trung học Hàm Nghi - Huế - sau dời vào cơ sở Nội Vụ Phủ bên trong Đại Nội sát cửa Hiển Nhân và cuối cùng đổi cơ sở ấy cho trường Cao Đẳng Mỹ Thuật - Huế lên định cư tại một khu nhà gần Bến Ngự.

Năm học 1959 – 1960, Viện Hán Học tuyển một lớp 40 sinh viên. Trình độ học vấn tối thiểu để dự tuyển là bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Nếu tôi nhớ không sót, khoá này có 3 sinh viên người Quảng Trị; đó là Trần Vinh Anh (quê ở Cam Lộ ?), Nguyễn Lý Tưởng (quê ở Triệu Thuận - Triệu Phong) và Trần Văn Hoành (quê ở Lan Dinh – Gio Linh).

Trần Vinh Anh và Nguyễn Lý Tưởng học ở Viện Hán Học đến năm thứ 3 thì vào Đại Học Sư Phạm ngành Sử Địa. Ra trường, Trần Vinh Anh vào dạy ở trường Phan Chu Trinh – Đà Nẵng rồi lên làm hiệu trưởng trường này; hè năm 1967, Trần Vinh Anh được cử làm chủ tịch hội đồng thi tú tài ở Nha Trang và tử nạn do công vụ (một thí sinh bức xúc đâm chết). Nguyễn Lý Tưởng, sau một thời gian đi dạy, chuyển sang hoạt động chính trị, NL Tưởng đã từng giữ ghế dân biểu hạ nghị viện chế độ Sài Gòn; hiện tại, NL Tưởng sống ở hải ngoại.

Còn Trần Văn Hoành, sau khi tốt nghiệp Hán Học, học xong cử nhân văn khoa rồi công tác ở đâu tôi không biết. Vừa rồi, trong đặc san “Ký Ức và Hoài Niệm” kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hán Học, ở danh sách các cựu sinh viên đã qua đời, có tên Nguyễn Văn Hoành, lẽ nào đó là Trần Văn Hoành ghi lộn họ sao?

Năm học 1960 – 1961, Viện Hán Học mở 2 lớp, tuyển 80 sinh viên. Hội đồng thi tuyển đặt ở 2 nơi: ở Huế dành cho thí sinh miền Trung và ở Sài Gòn dành cho thí sinh miền Nam. Người Quảng Trị học khoá này có: Trần Văn Dật, Trần Văn Lữ tức Thạch (2 anh em con chú bác ở làng Quảng Lượng - Triệu Phong), Lý Văn Nghiên (gốc làng Trung Đơn - Hải Lăng) và Hoàng Đằng (làng Điếu Ngao – Đông Hà). Trong 4 người này, chỉ có Trần Văn Dật không về dạy ở Quảng Trị, TV Dật vào dạy ở trường nữ Qui Nhơn, sau năm 1975, dạy và định cư ở thị xã Vĩnh Long - miền Tây Nam Bộ; hiện tại, TV Dật là nhà từ điển học, đã biên soạn công phu 2 bộ từ điển: Từ Điển Vần Bằng và Từ Điển Vần Trắc rất có ích cho người làm thơ.

Tôi không biết ở các năm học 1961 – 1962, 1962 – 1963 và 1963 – 1964,  Quảng Trị có bao nhiêu người vào học Viện Hán Học. Tôi chỉ thấy Trương Khắc Rê (người làng Mai Xá – Gio Linh) có học Hán Học, nhưng xin lỗi, không biết TK Rê thuộc khoá nào. Hiện tại, TK Rê đang ở thành phố Ban Ma Thuột.

Năm học 1964 – 1965, Viện Hán Học thay đổi quy chế, tuyển đầu vào những người có bằng Tú Tài. Theo tôi biết, người Quảng Trị học khoá quy chế mới này có Trần Phò (làng Long Hưng - Hải Lăng). Ngoài ra, còn ai nữa, một lần nữa xin lỗi, tôi cũng không rõ.  Hè năm 1965, Viện Hán Học giải thể, T Phò tiếp tục việc học ở Đại Học Sư Phạm; ra trường, Phò có về dạy tại trường Nguyễn Hoàng trước khi thuyên chuyển vào Huế và định cư ở đó.

Tại Viện Hán Học, chương trình học không có các môn tự nhiên: toán, vật lý, hoá học và sinh vật mà chỉ có Hán văn, triết học Trung Quốc, triết học Tây phương, sử Trung Quốc, văn học Trung Quốc, văn học Việt Nam, sử Việt Nam, địa lý Việt Nam, Anh văn hoặc Pháp văn. Môn Hán văn chiếm hết một nửa số giờ học trong tuần lễ, chia ra: Hán văn giảng luận (các thầy giảng tứ thư, ngũ kinh), Hán văn giáo khoa (các thầy giảng những bài trích từ các tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc và Việt Nam xưa và nay) và tiếng phổ thông Trung Quốc (bắt đầu học từ năm thứ 4).

Xưa kia, học Hán văn để thi cử thường phải mất thời gian rất lâu, trung bình là 10 năm, do đó, trong dân gian có cụm từ: mười năm đèn sách. Ở Viện Hán Học, dù thời gian học chỉ 5 năm, sinh viên tốt nghiệp vẫn có kiến thức vững vàng. Được thế là nhờ sinh viên tuyển vào đã có trình độ văn hoá phổ thông tương đối khá, tuổi đời đang độ xuân xanh, trí tuệ tương đối thông minh (không thông minh làm sao trúng tuyển để nhập học !). Lại thêm, các thầy có nhiệt tình, có kiến thức rộng và biết phương pháp giáo dục. Đội ngũ giảng huấn ở Viện Hán Học gồm những bậc khoa bảng Hán Học còn sót lại, những học giả chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn, những nhà giáo thâm niên uy tín và những vị xuất thân ưu tú từ các đại học trong nước và ngoài nước.

Trong ban điều hành và ban giảng huấn, Quảng Trị chúng ta cũng góp một vị, đó là cụ Phan Văn Dật (1909 – 1987), quê làng Đạo Đầu - Triệu Phong. Cụ là nhà thơ tiền chiến, có chỗ đứng trong “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân, cụ còn là một trí thức, một học giả nổi tiếng tại Huế với một tủ sách rất quý hiếm. Cụ vừa đứng lớp vừa giữ chức giám học.

Phương pháp dạy của các thầy, ngoài việc truyền thụ kiến thức, chú trọng hướng dẫn sinh viên trên con đường “hậu học” (học tập và nghiên cứu sau khi đã ra trường), đặc biệt là phương pháp nghiên cứu một đề tài: sưu tầm tài liệu, tham khảo tài liệu, đánh giá tài liệu, trình bày đề tài, sáng tạo trong biên soạn …

Tiếc là Viện Hán Học phải giải thể vào hè 1965, mới được 6 tuổi. Lý do giải thể là không hợp “gu” với giới lãnh đạo chính quyền thời ấy. Viện Hán Học được thành lập do ý muốn khôi phục Nho giáo của tổng thống chế độ miền Nam Ngô Đình Diệm. Năm 1963, Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chính quyền miền Nam do các tướng lĩnh thay nhau nắm giữ; họ không quan tâm đến Hán học nữa; vì vậy, sau 2 năm 1964, 1965 hấp hối, Viện Hán Học phải chết. Số sinh viên đang học dang dở được chuyển qua học tiếp ở trường đại học sư phạm Huế hay trường sư phạm Quy Nhơn.

Chỉ có 2 khoá tốt nghiệp: khoá 1 (1959 – 1964), khoá 2 (1960 – 1965). Sinh viên ra trường một số ít được các viện khảo cổ, viện bảo tàng tuyển dụng, đại đa số được bộ giáo dục chính quyền Sài Gòn đưa đi dạy bậc trung học tại các trường khắp cả miền Nam.

Ở tỉnh Quảng Trị, đến trường trung học Gio Linh có Phạm Đăng Thiêm (khoá 1960 – 1965). Năm 1967, trường Gio Linh giải tán do chiến dịch bạch hoá khu phi quân sự; Phạm Đăng Thiêm chuyển vào trường Nguyễn Hoàng một thời gian ngắn rồi ra làm hiệu trưởng trường trung học Đông Hà cho đến năm 1975. Sau năm 1975, PĐ Thiêm tiếp tục công tác trong ngành giáo dục chế độ cách mạng. Hiện tại, PĐ Thiêm đã về hưu, sống cùng vợ con ở Huế.

Đến trường trung học Cam Lộ có Nguyễn Đăng Phú (khoá 1959 – 1964). NĐ Phú đã lập gia đình với một cô gái người Cam Lộ, có ý định lấy nơi này làm quê hương. Chiến tranh đã không cho NĐ Phú toại nguyện. Nghe nói NĐ Phú đã qua đời.

Đến trường trung học Đông Hà, ngoài trường hợp Phạm Đăng Thiêm đã nói ở trên, có Ngô Khôn Liêu và Trần Duy Lôc (khoá 1959 – 1964). Hai vị đã ở đây một thời gian khá dài (1966 – 1970), ngày đêm nghe tiếng đạn pháo và tiếng máy bay “đã đời” và chán chê. Sau đó, Ngô Khôn Liêu chuyển vào trường quốc gia nghĩa tử Đà Nẵng, rồi qua viện bảo tàng Chàm – Đà Nẵng. Sau năm 1975, NK Liêu vẫn tiếp tục công tác đến ngày nghỉ hưu. Hiện tại, dù tuổi đã cao, nhờ nói thông thạo tiếng Trung Quốc, NK Liêu còn được mời dạy tiếng Hoa và làm việc cho các công ty Trung Quốc hay Đài Loan (?) đầu tư vào Việt Nam. Còn Trần Duy Lộc chuyển vào trường trung học Hương Trà - Thừa Thiên (nay là trường Đặng Huy Trứ), lên làm giám học trường này. Sau năm 1975, TD Lộc tiếp tục dạy, nghe đâu tại một tỉnh ở Nam bộ.

 

Riêng những sinh viên đến trường trung học Nguyễn Hoàng có thể chia ra 3 đợt:

- Đợt 1 (từ năm học 1965 – 1966) có Nguyễn Đức Đô (khoá 1959 – 1964), Phan Quật và Hoàng Đằng (khoá 1960 – 1965).

Mặc dù quê ở Phú Lộc - Thừa Thiên, Nguyễn Đức Đô ở lại với trường Nguyễn Hoàng cho đến năm 1974 rồi đi khẩn hoang lập ấp theo dân Cam Lộ vào khu Động Đền – Hàm Tân, Bình Tuy (phần phía nam tỉnh Bình Thuận bây giờ); tới đây, NĐ Đô giữ chức hiệu trưởng trường trung học Cam Lộ dời từ Quảng Trị vào. Năm 1975, đời NĐ Đô đi vào ngả rẽ. Ngoài tình đồng môn, đồng nghiệp, NĐ Đô và tôi còn có tình ‘đồng trại”; chúng tôi cùng nhau vui buồn trong trại cải tạo trên vùng rừng núi Tánh Linh – Bình Tuy từ đầu tháng 7 năm 1975 đến đầu tháng 12 năm 1976. Hiện nay, nghe đâu NĐ Đô đang vui tuổi già ở một nơi nào trong tỉnh Đồng Nai.

Phan Quật quê ở Ưu Điềm – Phong Điền - Thừa Thiên, sau vài năm ở trường Nguyễn Hoàng, P Quật chuyển vào dạy ở Quy Nhơn, quê vợ. Sau năm 1975, trở về Huế, nhờ gia truyền và vốn học, P Quật hành nghề Đông Y khá nổi tiếng.

Hoàng Đằng ở với trường Nguyễn Hoàng đến năm 1970 thì chuyển ra Đông Hà. Năm 1972, theo gia đình di tản vào Hoà Khánh – Đà Nẵng, dạy và làm hiệu trưởng trường Triệu Phong tại đây. Năm 1974, theo chương trình khẩn hoang lập ấp vào Láng Gòn – Hàm Tân, Bình Tuy, H Đằng làm thanh tra trung học tại sở học chánh, hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Phúc Chu, cuối cùng là phó ty giáo dục. Sau năm 1975, Hoàng Đằng kiếm sống bằng đủ nghề: làm nông nghiệp, “làm thợ đụng”, làm cho những dự án y tế và cận y tế của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Hiện nay, lớn tuổi, H Đằng nghỉ ngơi ở quê nhà - thị xã Đông Hà.

- Đợt hai (từ năm học 1966 – 1967) có Trần Mạnh Liệu, Lý Văn Nghiên, Nguyễn thị Ngọc Khuê (khoá 1960 – 1965).

Trần Mạnh Liệu quê ở Ưu Điềm – Phong Điền - Thừa Thiên. Dạy ở trường Nguyễn Hoàng một vài năm, TM Liệu thuyên chuyển vào Long An – Nam Bộ. Sau năm 1975, Liệu còn công tác. Hiện nay, TM Liệu nghỉ tuổi già khi thì ở Huế, khi thì ở miền Nam. Cách đây mấy năm, điều làm tôi vô cùng cảm động là TM Liệu đã thuê xe ôm vượt cả trăm cây số tìm thăm tôi hai lần. Lần thăm sau, TM Liệu đi gặp mặt mẹ tôi, thăm hỏi rất tình cảm.

Lý Văn Nghiên dạy trường Nguyễn Hoàng được gần 4 năm. Năm 1969 thuyên chuyển vào trường trung học Hàm Nghi - Huế. Ngoài việc dạy, LV Nghiên còn có tài tổ chức hoạt động hiệu đoàn cho học sinh. LV Nghiên có giọng hát trời cho, mượt mà, óng ả, trầm bổng như cánh đồng lúa vùng trũng Hải Lăng chín rộ lả lướt theo ngọn gió chiều; LV Nghiên hát lên cao mấy cũng không đứt hơi, xuống thấp mấy cũng không mất tiếng, nghe hay không thua chi Duy Khánh. Nhờ năng khiếu này, sau năm 1975, LV Nghiên hoạt động trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ. Hiện tại, LV Nghiên đang nghỉ hưu ở Huế, thường đi đây đi đó để gặp bằng hữu và môn sinh. LV Nghiên rất có tình cảm với bạn cũ. Sau 30 năm không gặp nhau, năm 2006, đến Đông Hà, LV Nghiên đã nhờ thầy Nguyễn Viết Trác đưa đi tìm tôi. Tôi không nhận ra vì LV Nghiên mập lên nhiều và da sạm đen hơn thời thư sinh.

Còn Nguyễn thị Ngọc Khuê đến trường Nguyễn Hoàng chắc do động cơ gia đình: phu quân của Ngọc Khuê là bác sĩ đang công tác tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị. Dạy ở trường Nguyễn Hoàng một thời gian, Ngọc Khuê thuyên chuyển đến đâu tôi không rõ. Hiện giờ, Ngọc Khuê đang sống ở hải ngoại.

- Đợt 3 (từ năm học 1969 – 1970 ?) có Trần Văn Lữ tức Thạch. TV Lữ ra trường nhận nhiệm sở ở trường trung học Quảng Phước - Quảng Điền, Thừa Thiên. TV Lữ chuyển ra trường Nguyễn Hoàng để gần gia đình. TV Lữ có sở thích và năng khiếu làm thơ viết văn. TV Lữ rất quan tâm đến bằng hữu. Năm 1974, biết tin tôi sẽ đi vào sở học chánh Bình Tuy, TV Lữ đã sốt sắng tìm tôi trao lá thư giới thiệu với anh Nguyễn Như Lộc, nguyên hiệu trưởng trường Quảng Phước, mới vào nhận chức chánh sự vụ sở này. TV Lữ hy vọng nơi đất khách quê người tôi sẽ có người che chở. Sau đó ít lâu, TV Lữ qua đời. Đến bây giờ, mỗi lần nghe nhắc đến tên TV Lữ, tim tôi lại rung động, mắt tôi lại rươm rướm..

Hai khoá Hán học tốt nghiệp trên dưới 70 người mà tới Quảng Trị đến 11 người, trong đó đặc biệt có 8 người công tác tại trường Nguyễn Hoàng, kể ra cũng hơi nhiều so với các tỉnh thành và các trường khác trên toàn miền Nam. Âu cũng do nhiều lý do:

- Đoạn đường Quảng Trị - Huế tương đối gần, chúng tôi muốn hết giờ dạy tranh thủ thời gian về Huế học nốt cho xong các chứng chỉ trong văn bằng cử nhân. Hiếu học đáng nể !

- Những người ở Huế thì muốn về với vợ hay chồng đều đều, có thể một tuần một lần. Cũng biết ham đấy chứ !

- Những người ở Quảng Trị thì ngoài việc muốn gần gia đình, còn muốn đem sở học của mình phục vụ cho học sinh quê nhà. Lại ích kỷ, cục bộ !!!

- Thầy Thái Mộng Hùng, hiệu trưởng trường Nguyễn Hoàng, là một bậc thông nho - thầy đỗ thủ khoa tú tài ban D cả khu vực miền Trung cơ mà ! Chúng tôi đến Quảng Trị chắc cũng vì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

 

Chúng tôi đã sống và làm việc với đồng bào, đồng nghiệp và môn đệ ở Quảng Trị trong thương yêu và trọng vọng.

Gần đây, trong các đặc san nhớ về trường Nguyễn Hoàng, thỉnh thoảng có đồng nghiệp hay môn sinh nhắc đến anh em chúng tôi. Lại thêm trong 2 ngày 28 và 29/12/2009, anh chị em cựu sinh viên Hán học các nơi về Huế kỷ niệm 50 năm thành lập trường, lòng tôi rộn lên nhiều cảm xúc, tưởng đến cảnh cũ người xưa; vì vậy, tôi mạn phép, thay mặt các anh chị em khác, viết đôi dòng để độc giả thân thương hiểu thêm trước đây chúng tôi là ai, từ đâu đến và rồi bây giờ đi đâu, về đâu.

Do tuổi già, trí nhớ không được nguyên vẹn, có chi sai sót xin bằng hữu lượng thứ và cũng mong nhận được sự thông cảm về những chuyện vụn vặt, nhiều khi quá riêng tư.

 

Hoàng Đằng

10/01/2010

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.