Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

MỘT CUỘC GẶP GỠ KỲ THÚ - Võ Quê

 

Từ trái: GS Yoko Keiko, Thúy Hằng, Võ Quê, GS Yoko Hanashiro.

Thông qua sự giới thiệu của Nguyễn Thị Thúy Hằng – một bạn trẻ đang sinh sống tại Hà Nội - chiều ngày 9. 8. 2010, tại khách sạn Camellia số 57 - 59 Bến Nghé Huế tôi đã có một cuộc gặp gỡ thú vị với bà giáo sư Yoko Keiko hiện đang giảng dạy nghệ thuật múa truyền thống Nhật Bản tại Trường Đại Học Okinawa và bà giáo sư Yoko Hanashiro dạy tiếng Anh tại Trường Đại học Okinawa.
Tại buổi hội ngộ kỳ thú này, giáo sư Yoko Keiko cho biết chuyến sang Việt Nam và đến thành phố Huế lần đầu tiên này nhằm mục đích nghiên cứu về nghệ thuật múa truyền thống Việt Nam mà tâm điểm là múa cung đình với thiện chí muốn đưa văn hóa Việt Nam mở rộng ra thế giới và tăng cường sự giao lưu văn hóa giữa hai nước Nhật – Việt; bà cũng đã bày tỏ tha thiết muốn gặp gỡ những giáo sư, những nhà nghiên cứu tận tâm về vấn đề này ở Việt Nam.

 
Với GS Yoko Keiko

Trước sự nhiệt thành của hai nữ giáo sư người Nhật Bản về việc muốn tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam tôi trao đổi một số thông tin cần thiết về các sinh hoạt văn học nghệ thuật truyền thống Huế, về các nghệ nhân nghệ nghệ thuật múa truyền thống Huế đang sinh sống, hoạt động trên địa bàn thành phố Huế và đã gởi tặng một số bản photcopy, đĩa VCD về nghệ thuật múa cung đình triều Nguyễn cùng cuốn sách "THE UNIQUE CHARACTERISTICS OF HUE ' S CULTURE - NHỮNG NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA VĂN HÓA HUẾ" do Trung tâm Học liệu Đại học Huế xuất bản năm 2010.

 
Với  GS Yoko Hanashiro.

Ấn tượng nhất đối với tôi trong cuộc gặp gỡ chiều nay là đã thu thập, hiểu biết thêm về loại hình nghệ thuật múa truyền thống Nhật Bản qua phần nói chuyện và múa minh họa rất tuyệt vời của giáo sư Yoko Keiko. Giáo sư Yoko Keiko đã rất tâm đắc khi trình bày các cảm nhận của bà về những điểm tương đồng cũng như những dị biệt trong nghệ thuật múa cung đình của Trung Quốc – Việt Nam – Hàn Quốc – Nhật Bản; đồng thời bà rất muốn tìm kiếm các tư liệu về các vấn đề bà cảm nhận được.
Cuộc trao đổi, trò chuyện diễn ra chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, thật ngắn ngủi biết bao so với các yêu cầu muốn tìm hiểu, nắm bắt cặn kẽ, có chiều sâu về các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung và về Huế nói riêng của các nữ giáo sư Nhật Bản. Tuy nhiên chúng tôi đã hứa hẹn sẽ chuyên tâm tìm hiểu, trao đổi giao lưu hơn trong thời gian tới và đều có chung một ước muốn là làm thế nào để thực hiện nguyện vọng của Yoko Keiko trên tinh thần "thiện chí muốn đưa văn hóa Việt Nam mở rộng ra thế giới và tăng cường sự giao lưu văn hóa giữa hai nước Nhật – Việt."

Huế, 9. 8. 2010.

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.