Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

HUẾ: TRIỂN LÃM TRANH NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8-3 & KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG.

 

Cho ngày mai – Lê Thị Phương Thảo

Chào mừng 101 năm ngày Phụ nữ Quốc tế 8. 3 và 1971 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chiều ngày 7-3, tại 26 Lê Lợi, Huế đã khai mạc cuộc triển lãm tranh “CÁC TÁC GIẢ NỮ” lần thứ 16 do Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật, Hội LH Phụ Nữ Thừa Thiên Huế, Trường Đại Học Mỹ Thuật Huế phối hợp tổ chức. Phòng tranh đã giới thiệu 42 tác phẩm của 34 tác giả gồm các chất liệu sơn dầu, acrylic, bột màu,sơn mài, in đồng, khắc gỗ, lụa…

 

Tĩnh vật – Nguyễn Lan Phương

Hương Tây nguyên – Đào Thị Huệ

 

Cùng ngày, phòng tranh “TẶNG PHẨM THÁNG BA” lần thứ 14 của các nam họa sĩ cũng đã được khai mạc tại 4 Hoàng Hoa Thám, Huế thu hút đông đảo công chúng yêu mỹ thuật đến thưởng ngoạn.

 

***


Họ xứng đáng được tặng nhiều hơn thế

TT: Ngày 8-3 năm nay, triển lãm tranh “TẶNG PHẨM THÁNG BA” của các tay cọ nam xứ Huế tặng chị em phụ nữ bước vào tuổi 14.

Ngày quốc tế phụ nữ năm 1996, đông đảo giới yêu tranh của Huế đã đón chào sự kiện lần đầu tiên ra mắt phòng tranh của các nữ họa sĩ đất cố đô. Gần hai năm sau đó, nhà thơ Võ Quê, lúc ấy đang là chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật, chợt nảy ra sáng kiến: các tay cọ nam cần có phòng tranh vừa để “galăng” vừa để “đối ứng” với phòng tranh của các chị. Các họa sĩ Huế lúc ấy nhất loạt hưởng ứng.

Ngày 8-3-1998, triển lãm Tặng phẩm tháng ba mở màn với sự tham gia của các cây cọ Vĩnh Phối, Hồng Trọng Mỹ, Thân Văn Huy, Vũ Văn Thiện, Đặng Mậu Tựu, Phạm Quang Trinh, Đặng Mậu Triết, Lê Quý Long... Nói về sáng kiến của mình, nhà thơ Võ Quê cho biết: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ được chừng ấy thôi, chứ thật ra họ, những người phụ nữ, xứng đáng được tặng nhiều hơn thế!”.

Kể từ đó, hễ đến chiều 8-3 hằng năm, người yêu tranh đến ngay số 4 Hoàng Hoa Thám để xem các tay cọ nữ khoe tài và tự thưởng cho mình như thế nào. Đồng thời đến 26 Lê Lợi để xem các tay cọ nam tặng gì cho các chị. Không chỉ họa sĩ, các văn nhân nghệ sĩ khác cũng đưa “một nửa đời mình” đến xem tranh. Dịp khai mạc trở thành nơi hội tụ của phần lớn gia đình nghệ sĩ xứ Huế...

Trải qua nhiều triển lãm “TẶNG PHẨM THÁNG BA” có đến hàng trăm cách thể hiện sự ái mộ chị em bằng tranh khác nhau. Phần lớn vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ được tôn vinh rất rõ nét cả về đường nét hình thể và những cốt cách công, dung, ngôn, hạnh. Có nhiều năm, không ai bảo ai nhưng các nam họa sĩ cũng có cùng ý tưởng, cảm hứng khi thể hiện tặng phẩm của mình.

 

Tác phẩm tranh lụa của Phan Hoài Niệm - một tay cọ trẻ lần đầu tham gia triển lãm Tặng phẩm tháng ba lần 14.


Chừng mười năm trước, Tặng phẩm tháng ba có rất nhiều hoa, cả hoa “trực quan” lẫn ẩn khuất trong từng hình tượng, từng nét đẹp của người phụ nữ. Có năm hình ảnh người phụ nữ luôn gắn với áo dài, nón lá. Và tất nhiên “thường trực” trong tranh là hình ảnh những người vợ, người mẹ. Nhiều người nhận xét vui rằng các tay cọ nam của Huế không mấy khi “khoe” tác phẩm về người tình...

Tặng phẩm tháng ba đã trở thành một “truyền thống” ở riêng xứ Huế, ít thấy nơi đâu có được, chỉ tiếc là, như nhận xét của một họa sĩ: “Tặng phẩm tháng ba đang là nơi góp tranh, có gì tặng nấy!”. Giá như có sự phát động từng chủ đề mỗi năm thì triển lãm sẽ phong phú, sinh động và ý nghĩa hơn...

Thái Lộc

Tuổi Trẻ số ra ngày thứ Ba, 8-3-2011

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/427850/Ho-xung-dang-duoc-tang-nhieu-hon-the.html

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.