Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

VĂN NGHỆ SĨ HUẾ DỰ TRẠI SÁNG TÁC TẠI VŨNG TÀU

 

 

Ảnh: Nguyễn Hữu Hài

Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa Thể Thao Du Lịch, Liên Hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã tổ chức Trại sáng tác năm 2011 tại Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Vũng Tàu từ ngày 15. 3 đến 29. 3. 2011. Đã có 15 hội viên thuộc các Hội chuyên ngành tham dự trại: Kiến trúc: Nguyễn Nguyến - Trại trưởng, Âm nhạc: Lê Anh, Lê Văn Đình, Mỹ thuật: Nguyễn Văn Hoàng, Trần Quốc Bảo, Nhà văn: Nguyễn Quang Hà, Lê Tấn Quỳnh - Trại phó, Kiều Trung Phương, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Quang, Sân khấu: Trương Trọng Bình, Nhiếp ảnh: Nguyễn Hữu Hài, Nguyễn Tâm Hành, Văn nghệ dân gian: Võ Quê.

Chiều ngày 15. 3. 2011 lễ khai mạc trại đã diễn ra trong không khí thân tình với sự có mặt của ông Đỗ Vũ Mão, Giám đốc Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Vũng Tàu. Bên cạnh việc sáng tác tại Trại, các trại viên còn thâm nhập thực tế ở địa phương, nhà tù Côn Đảo để chụp ảnh nghệ thuật, lấy tư liệu sáng tác văn học...

9 giờ sáng ngày 29.3.2011, Trại sáng tác của văn nghệ sĩ Huế đã làm lễ tổng kết, bế mạc trại với sự hiện diện của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch LHCHVHNT Thừa Thiên Huế, nhà thơ Lê Huy Mậu, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ Thuật Vũng Tàu - Bà Rịa, ông Đỗ Vũ Mão, Giám đốc Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Vũng Tàu. Tiếp theo phần trình bày báo cáo tổng kết trại, do kiến trúc sư Nguyễn Nguyến - Trại trưởng, phần phát biểu của các vị lãnh đạo LHCHVHNT Thừa Thiên Huế, Nhà Sáng tác VHNT Vũng Tàu là phần giới thiệu các tác phẩm mới được hình thành từ trại.



 

Quang cảnh lễ bế mạc Trại sáng tác Vũng Tàu của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế sáng 29.3.2011


 

Nhạc sĩ Lê Anh trình bày ca khúc "Tạm biệt Huế" phổ thơ Thu Bồn


 

Nhạc sĩ Khắc Yên trình bày ca khúc "Ru  đêm"


 

Nhà thơ Võ Quê trình bày chùm Thơ Lái: Khỏa thân vì môi trường - Bô-Xit - Lũ thủy điện.


 

Nhà văn Nguyễn Quang Hà (trái), Giám đốc Đỗ Vũ Mão. Ảnh: Nguyễn Hữu Hài

.

GIỚI THIỆU MỘT SỐ TÁC PHẨM HÌNH THÀNH TẠI NHÀ SÁNG TÁC VŨNG TÀU

.

Thơ LÊ TẤN QUỲNH



CHẠM

 

Những hàng dương

Rủ rỉ mây

Biển mê man sóng

Dỗi

Ngày vắng tênh

Con đường tóc xõa nghiêng xanh

Rưng rưng lạc bước một mình

Trong veo

Gọi gì giấc ngủ

Ủ rêu

Lung linh ủ cả men chiều

Vào thơ

Nhìn nhau

Chỉ chút bâng quơ

Chỉ con sóng ngỡ hững hờ

Thế thôi

Mà đâu sóng ở mắt người

Những thao thiết

Đậu giữa trời

Như mây

Một mình

Trước biển

Chiều nay

Ngỡ như lại chạm cơn say

Ngút ngàn…

.

GẶP

 

Những cơn sóng

Rủ nhau trôi

Ríu ra ríu rít trắng lời

Rong rêu

Chợt xanh

Như nắng qua chiều

Chợt lênh đênh

Cát lặng trêu tim người

Gió đi qua những mảnh đồi

Để quên những hạt sương rơi

Ngập ngừng

Hạt sương dấu cả cánh rừng

Mắt em dấu cả ngại ngần trong nhau

Con đường

Chở tiếng xôn xao

Bước chân chở ngọn gió nào

Vu vơ

Mở bàn tay

Gặp giấc mơ

Khép bàn tay

Lại bất ngờ

Gặp em.

Trại sáng tác Vũng Tàu 2011

L.T.Q

.

Thơ NGUYỄN VĂN QUANG

 



BIỂN TRỜI


Trời vừa nhú lên

Mặt đỏ như gấc

Ẩn dưới chân mây

Gối đầu ngọn sóng

 

Gió vá mây hồng

Mặc vào quá khứ

Nới rộng tương lai

Bằng những đường gân

 

Sóng dựng chân trời

Biển làm áo mỏng

Mắc lên phận người

Hở hang đầu sóng

 

“Đêm dài lắm mộng”

Ru ngủ trần gian

Nhưng biển thì thức

Bởi sóng miên man…

.

CHÂN DUNG BIỂN

 

Ta khắc họa chân dung người thiếu nữ

Sóng tung lưỡi dao chém vào thớ đá

Từng mảng tan đi xé gió cuộn tròn

Nâng khối âm dương lồi lõm đại dương

 

Vuốt cong ngọn khói nhấn nhá trời mây

Điểm nhãn con mắt gió căng tràn ngực biển

Đêm nhớ em đau đáu thiên hà chốn này

 

Biển hồi sinh như em thời con gái

Nghiêng đầu đỏ mặt buổi hoàng hôn

Cứ khắc họa vào em nỗi nhớ

Ẩn chân mây niềm e thẹn không tên.

.

ĐÊM HÀNG DƯƠNG

 

Nhà thơ đâu có tuổi tên

Bước qua núi xương tàn tưởng sa mạc

Ngày kê dốc đầu lâu há mồm

Đêm sờ gáy bóng ma biên ải

 

Sóng vũng Tàu vọng hồn Côn Đảo

Cát hàng dương mắc cạn hàng triệu dáu vân tay

Ta đốt đời mình làm cây nến

Soi vào địa ngục lần tìm thực hư

 

Đêm vô hình sờ lên xác lạnh

Hỡi người đàn bà bị giam cầm

Ta chờ em dẫu ngày khuất trong lối cỏ

Đem tàn thế chấp trái tim

 

Ta đâu có giang sơn như Chế Mân

Đêm mòn vệt trăng

Cầm từng hơi thở

Lung linh hàng dương soi bóng mặt trời  -Tâm Hành

.

THIÊN CHỨC


Ta khoan vào em giếng dầu thế kỷ

Mắt đại dương dáng ngược con thuyền

Ngày trở dạ rốn vũ trụ lay lắt

Biển đêm thai ngén tình em

 

Ta neo giữa trái tim mơ hồ

Nửa cầu thang đánh đu ngọn gió

Sóng úp bàn tay lên ngực Vũng Tàu

Bái trước, Bãi Sau xin làm thiên chức…

.

THUYỀN TRĂNG


Thuyền thúng Bãi Dâu cắm đầu ngọn gió

Sóng chòng chành khâm liệm vầng trăng

Lách từng lạch nước qua vần điệu

Như người nghệ sĩ múa dây tử thần

 

Gió dựng đầu tranh giành ngọn khói

Nghiêng vầng trăng múc sóng đại dương

Nâng mái chèo khoe đầu ngọn bút

Họa bài thơ bất tử cho sóng thăng hoa

 

Sóng hung dữ nuốt chửng vầng trăng

Nên ta chỉ thấy hoài sa mạc trắng

Sóng dồn vó như bầy ngựa hoang

Hóa ngư dân thành người thám tử

 

Sóng lên cao gió xuống thấp

Đong đưa số phận lênh đênh mái chèo

Khắc họa chân dung người thiếu nữ

Lật mặt đại dương kẻ đường chân mây

 

Neo sóng chẻ gió buộc phía trùng khơi…

.

TRƯỚC BIỂN


Sóng đánh bắt những con còng

Đêm khoét sâu vũng gió

Từng mẻ lưới tung lên

Tội nghiệp thân còng hóa thân vào biển

 

Người đàn bà nhan sắc mặc cả số phận

Ôm con ngủ mơ gã đàn ông trước biển

Bước chân cát lồng vào bóng đêm

Ta nghe trong tiềm thức em…

 

Trại sáng tác Vũng Tàu 2011

N.V.Q

.

Văn NGUYỄN NGUYÊN AN

.

 

 

CHÂN DUNG

Ghi chép của Nguyễn Nguyên An

Cùng đi trong đoàn với tư cách phó đoàn là anh Lê Tấn Quỳnh, Văn phòng Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế. Quỳnh từng được giải Nhất, Cuộc thi thơ Bút Mới – Báo Tuổi Trẻ với bài thơ Hoa Vông Vang. Người cao tuổi nhất là nhà văn Nguyễn Quang Hà. Anh vừa được giải Nhì với tiểu thuyêt Vùng Lõm, Cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam. Anh đăng ký 100 trang tiểu thuyết mới, tình trạng sức khoẻ của anh hiện nay, anh phải gồng mình viết làm chúng tôi khâm phục và xúc động. Hôm họp bầu trưởng đoàn, anh Võ Quê đang dự họp Hội đồng Nhân dân tỉnh, điện về: “Thời mình làm Chủ tịch chưa đi trại lần nào, nay xin làm trại viên thôi!”. KTS Nguyễn Nguyến đang là cán bộ lãnh đạo, quản lý một đơn vị tư vấn xây dựng làm trưởng đoàn. Anh vừa được giải Nhì giải thưởng Kiến trúc Quốc gia với tác phẩm Làng Hành Hương, tác phẩm này cũng được giải A giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ IV (2003-2008).

Anh Kiều Trung Phương đến sớm nhất, anh dự đêm thơ Nguyên Tiêu, kỷ niệm 400 năm Phú Yến với bài thơ “Tháp Nhạn Trăng Và Thơ”. Thơ tứ tuyệt của anh thâm trầm, thơ lục bát nhuần nhuyễn. Tôi và anh ở phòng 507, tầng 05. Mỗi ngày tôi được chạm khoảng không vô cùng, hùng tráng, mạnh mẽ của biển. Hình như biển giúp tôi lành hơn. Phòng này xảy ra một sự kiện, cho tôi kiến được tâm mình. Hóa ra thằng tôi cũng “Sạch”. Kiều Trung Phương nói: “An à! Viết cho sạch, tròn trách nhiệm nhà văn”. Tôi chép bài thơ “Dọn” của anh: “Dọn ngày bề bộn quanh tôi/ Thu vén lại một chỗ ngồi bên hoa/ Am mây thi vị đạo trà/ Dọn tôi sạch sẽ nhìn ra thấy mình”.

Chúng tôi lên Núi Lớn bằng cáp treo. Cáp treo Vũng Tàu dốc cao 250. Trên này, một khu du lịch sinh thái 300.000m2 trải ra. Thông Caribê, bằng lăng, vườn nuôi chim công, trại nuôi Đà Điểu. Tôi đảnh lễ Đức Phật, thành tâm niệm: Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lạc Tôn Phật

Xem tivi, tôi nghiêng mình trước tinh thần dũng mãnh, trật tự trước cái chết của nhân dân Nhật. Người Nhật sắp hàng chờ chết, ở lại với lò hạt nhân có nguy cơ bùng vỡ phóng xạ. Tôi viết bài thơ: SẮP HÀNG.

Dũng cảm sắp hàng trước cái chết

Những đứa trẻ

Bỗng hóa mồ côi

Sau vài tích tắc

Chấn động

Vẫn bình yên

Trong cưu mang

Trật tự

Sắp hàng trước tử sinh

Nhân cách

Anh hùng

Ông Đỗ Vũ Mão, Giám đốc NST Vũng Tàu, người có 13 năm làm bà đỡ cho văn nghệ sĩ cả nước, từ buổi ban sơ đến nay, chưa có phiền lòng một ai. Một người thường bưng cơm nước phục vụ bữa ăn 15 văn nghệ sĩ chúng tôi trong 15 ngày đoàn Thừa Thiên Huế tham gia trại viết ở nhà Sáng tác Vũng Tàu. Tôi được biết anh là nhà thơ Phạm Minh Châu, Phó Giám đốc Nhà văn Nghệ Vũng Tàu. Anh đã có 05 tập thơ trình làng, thơ anh khúc mắc và triết lý.

Đoàn chúng tôi 6 người ở lại, 9 người tự túc nguồn kinh phí quết tâm thăm nhà tù Côn Đảo. Đến Côn Đảo, đoàn được bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Ban Quản Lý Di Tích Lịch Sử Cách Mạng Côn Đảo quan tâm giúp đỡ bố trí một phòng 9 giường trước Trung tâm cải huấn Phú Hải xây dựng năm 1862. Từ cảng Cát Lở tàu xuất phát lúc 5 giờ, 6 giờ 55 phút đến cảng Bến Đầm, sau khi vượt 97 hải lý ngày không biến động. Ô tô tiếp tục đưa chúng tôi qua đèo mũi Cá Mập, hoa bằng lăng nở tím khung trời. Ở Côn Đảo bằng lăng và bàng cổ thụ vươn cao vài chục mét um mát. Đây cũng là nơi nhiều cái nhất, rừng nguyên sinh nhất, môi trường lý tưởng tuyệt vời nhất, an ninh trật tự nhất, đường phố không bóng anh công an, nhờ người dân ý thức cao. Tôi tin 6500 người dân thường trú tốt, thừa sức giáo dục 2000 người dân tạm trú. Một thành phố mở không nhà tù là tiêu chuẩn nhiều nước tiên tiến trên thế giới không với tay được. Bà Vinh, 85 tuổi ở đầu đường Lê Duẩn nói: “Ở đây không trộm cắp, không ăn xin, đi chợ đánh rơi ví, quên giỏ hàng người ta tìm đưa đến tận nhà, ngủ, xe máy để ngoài hiên, đôi khi không đóng cửa”. Chị Thu Hiền bán tạp hóa, trú tai tổ 1, khu 8, Côn Đảo tâm sự: “Em ở đây 11 năm, quen rồi không muốn về đất liền. Đất liền bon chen và bụi bặm, thích gì điện thoại người ta đem ra”. Chị Phở gốc Cần Thơ chồng thương binh 4/1 ra đây được cấp 104m2 đất, xây một nhà 60m2, chị bán bánh bò, xôi gấc, xôi đậu nói: “Đây không nói thách, nói sao bán dzậy hà”.

Chúng tôi ăn bún bò Huế ở nhà hàng Phi Yến Côn Đảo, tôi ra bái lạy Cầu Tàu lịch sử 914. Nhẫm tính đã có 914 người tù vừa bước tới đây đã vĩnh viễn yên nghỉ, hoặc mất khi khổ sai xây dựng cầu tàu. Sau đó được cô hướng dẫn đưa chúng tôi tham quan hệ thống nhà tù Côn Đảo. Bắt đầu trại Phú Hải. Trong đoàn có nhà thơ Võ Quê cựu tù Côn Đảo. Anh đến đây lần thứ 5, lần đầu anh đi trên tàu Hải Quân 500, xuất phát từ cửa Thuận An, Huế. Anh giới thiệu nơi anh đã bị giam cầm. Anh nói: “ Trong thời gian ở tù, đi đâu cũng có trật tự đi theo kèm sau lưng, khi ra tù mình có cảm giác hụt hụt, thiêu thiếu”. Chúng tôi tiếp tục tham quan Chuồng Cọp Pháp, Chuồng Cọp Mỹ, chuồng Cóp Pháp có xây cấp, trên song sắt, cai tù đứng trên lấy sào tre thọc xuống, và vải vôi bột, dội nước xuống người tù, gây loét, gây thương tật. Chuồng Cọp Mỹ bít bùng, không có cấp, người tù bị hành hạ trong cứt đái ẩm thấp và bóng tối. Cả hai chuồng Pháp Mỹ, người tù không một giây yên ổn.

Tiếp tục tham quan khu biệt lập Chuồng Bò, gồm 9 phòng biệt giam, 24 hộc chứa phân, 2 chuồng nuôi bò, 1 phòng chứa phân bò. Hầm phân bò chia 2 ngăn, sâu 3m dẫn phân từ các chuồng. Hầm phân bò dùng để ngâm người tù để tra tấn hành hạ dã man và bí mật. Chúng tôi đi sang trại Phú Sơn, Phú Thọ, Phú Phong, Phú An… Đến đâu cũng đầy rẩy cách tra tấn, hành hạ đày ải người tù dở sống dở chết trong xiềng xích đau đớn, bệnh tật, lao dịch khổ sai, để giết mòn sinh mạng người tù trong cái “Địa Ngục Trần Gian” suốt 113 năm rùng rợn nhất của loài người.

Chúng tôi đi dâng hương ở Nghĩa trang Hàng Dương nơi có những ngôi mộ Liệt sĩ Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và nữ anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng Cao Văn Ngọc, Lê Văn Việt… nơi có 20 ngàn người tù yên nghỉ tại Côn Đảo, giặc đã lấp vùi không quan quách, không bia mộ, bà con chỉ tìm được 1900 hài cốt mà chỉ 713 hài cốt có danh tánh. Tôi xin trích mấy câu thơ.

“Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận

Hết lớp này,lớp khác dập lên

Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên

Không bia mộ không tên và không tuổi..”

Ở đây tôi được đảnh lễ dâng hương mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong tôi nghe cô hướng dẫn đọc mấy hai câu thơ:

Máu ta quý cả hơn vàng

Tổ quốc cần đến sẵn sàng ta dâng”

Và,

“Sắt thép trên Côn Đảo có thể nung chảy, nhưng không nung chảy được ý chí của những người tù không ly khai”.

Ở Côn Đảo có 02 vị nữ thần luôn cứu dân độ thế, đã hiển thánh thường hiện về mách bảo cho dân làng mình biết điều bất tường sắp xảy ra, bà con cư dân đảo thành tâm lập miếu thờ sùng kính họ đó là miếu thờ Đức bà Phi Yến (Thứ Phi của vua Gia Long) và nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Anh Nguyễn Quang Hà đến Côn Đảo lần thứ 2, lần này khi tàu Côn Đảo 09 vật lộn xuyên đêm với gió cấp 6 ở Nam Biển Đông, anh em ai cũng bơ phờ, có người ói đến mật xanh mật vàng, nhưng anh Quang Hà nằm yên thật là một sức chịu đựng bền bỉ, đúng là nhà văn chiến sĩ Nguyễn Quang Hà. Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tâm Hành sức khỏe, thể trạng anh cũng khiêm tốn nhưng rất năng nổ tác nghiệp, lấy tin và chụp ảnh nghệ thuật với tấm lòng và sự yêu nghề.

Sắp bế mạc trại, anh em chúng tôi ai cũng cấp tập hoàn thành tác phẩm. Tâm Hành, Nguyễn Hữu Hài tuyển chọn ảnh để công bố. Nhà thơ Lê Tấn Quỳnh, Nguyễn Văn Quang cặm cụi viết, tìm nơi đánh máy vi tính. Nghệ sĩ Trọng Bình – Hội sân khấu hoàn thành kịch bản sân khấu : “Những ngày Ly Hương”, Nhạc sĩ Khắc Yên với Biển Hát Lời ru, nhạc sĩ Lê Văn Đình – Ru đêm – Các anh đang tập vở với ca sĩ dầu khí Vũng Tàu, chờ công diễn hôm bế mạc; Nhà thơ Võ Quê hình thành tác phẩm tại Trại với Những Trang Viết Mới. Hôm qua, anh Võ Quê đọc bài “Hội Chứng Khỏa Thân Người Mẫu” trên báo An ninh Thế giới số ra ngày 26.3.2001 anh đã ứng tác bài thơ lái “Khỏa Thân Vì Môi Trường”.

“ Vì môi trường để mương trồi

Khỏa thân khẩn thiết em mời anh thoa

Chân dài quyết chài dân ta

Trương mồi chụp ảnh thịt, da, môi, trường…”

Những ngày ở đây, một nữ luật sư, nhà thơ có tặng tôi một tập truyện ngắn của chị. Ngày bận rộn, đêm yên tĩnh tôi mở ra đọc vài truyện “chớp”. Tôi buột miệng : “Bất ngờ hay!” và viết bài thơ THAO THỨC tặng chị.

47 phút chờ em

Bơ vơ trước biển

Chưa có lửa để chia đều nỗi nhớ

Chưa có buồn để thắp sáng cơn đau

Chỉ cô đơn

Trong ngày mặc khải

Mắt em có bão

Có nỗi buồn

Nhấn chìm anh

Trong thao thức

Vũng Tàu, 23h53’ ngày 24/03/2011

.

Họa sĩ Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Hoàng cũng lặng lẽ hoàn thành tác phẩm hội họa. Nhạc sĩ Lê Anh, người vừa được giải A giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ IV (2003-2008) cũng đã in ra nhạc phẩm của anh viết về Huế. Mỗi người mỗi nét, mỗi vẻ, mỗi tài năng đã làm nên bức tranh văn nghệ của Thừa Thiên Huế để lại Nhà Sáng tác Vũng Tàu.

Nét cần cù, sức chịu đựng gan góc của nhà văn Nguyễn Quang Hà, của cựu tù Côn Đảo Võ Quê và thiêng liêng, oai nghiêm nhất là hương linh 20000 người tù đã yên nghỉ trên Côn Đảo cùng những cựu tù Côn đảo nhiều thế hệ đã mất lẫn còn sống đã làm nên, đã góp phần xây dựng bức Chân Dung Việt Nam lồng lộng nhân cách anh hùng trên bốn biển năm châu.

 

NST Vũng Tàu, 290311

N.N.A

.

Ảnh nghệ thuật NGUYỄN HỮU HÀI

 


 

 

Bức tranh đô thị - Nguyễn Hữu Hài


 

Diều bay - Nguyễn Hữu Hài



 

Bãi Sau sáng sớm - Nguyễn Hữu Hài


***

 

Ảnh nghệ thuật TÂM HÀNH

 



 

Đồng hành - Tâm Hành

***

Tranh TRẦN NGỌC BẢO

 


 


.

Phong cảnh Côn Đảo - Tranh Trần ngọc Bảo

 

 

Phố biển đêm 1 - Tranh Trần Ngọc Bảo



 

Phố biển đêm 2 - Tranh Trần Ngọc Bảo

 

*


Tranh NGUYỄN VĂN HOÀNG


 

 

Thuyền - Tranh Nguyễn Văn Hoàng

 


Những chiếc dù - Tranh Nguyễn Văn Hoàng

 

 

Hải đăng - Tranh Nguyễn Văn Hoàng

.

Văn VÕ QUÊ 



.

 

Đường Trịnh Công Sơn

được ôm ấp bằng vòng nôi thi ca Huế

.

Như một cơ duyên, trong những ngày tháng 3 năm 2011, một số tỉnh, thành phố của cả nước đang quảng bá, chuẩn bị cho các hoạt động âm nhạc kỷ niệm mười năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1. 4. 2001 – 1. 4. 2011) thì tại phiên họp tổng kết nhiệm kỳ khóa V (2004 – 2011) Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra nghị quyết đặt tên cho 68 con đường ở thành phố Huế, trong đó có con đường mang tên Trịnh Công Sơn trước niềm hân hoan, phấn khởi của công chúng yêu nhạc Trịnh.

UBND, HĐND thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế đặt tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho một con đường mới, đẹp bên cạnh sông Hương là một việc làm rất “đắc nhân tâm’, phù hợp với nguyện vọng tha thiết lâu nay của giới văn nghệ sĩ cũng như của công chúng yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Từ những ngày đầu đặt tên đường phố đến nay, UBND, HĐND thành phố Huế cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất công tâm khi lưu ý đưa tên nhiều văn nghệ sĩ tài hoa, tâm huyết, có nhiều thành tích đóng góp vào sự phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam lên những con đường. Số đường mang tên văn nghệ sĩ chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong danh mục tên đường đã được đặt và sẽ đặt trong tương lai ở Thừa Thiên Huế. Nhà thơ Nguyến Đình Chiểu, nhà thơ Ngô Kha, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ba danh nhân có con đường nằm bên cạnh sông Hương.

Con đường mang tên Trịnh Công Sơn còn có một điểm rất thú vị, hữu duyên, hữu tình là được nằm trong một không gian thi ca xứ Huế. Con đường như được ôm ấp bằng một vòng nôi của thơ và ca dao với những địa danh mà phía đầu đường Trịnh Công Sơn là các tên gọi thân quen:

Ấy là cầu Trường Tiền, một thắng cảnh trên đất cố đô đã đi vào văn học nghệ thuật bằng ca dao, thơ văn, câu hò, điệu hát, hội họa, nhiếp ảnh…

- Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp

Em đi không kịp tội lắm anh ơi!

Bởi vì ai em phải mang tiếng chịu lời

Có xa nhau đi nữa cũng tại trời mà xa…

Ấy là bến đò Đập Đá hằng ngày đưa khách sang sông, và ban đêm thì man mác nguồn thương yêu vô hạn cùng mối tình non nước trong làn điệu hò mái nhì gợi cảm:

- Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá

Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình

Lờ đờ bóng xế trăng chênh

Theo nhau cho trọn mối tình nước non

Ấy là cảnh quan cổ kính, trang nghiêm của ngôi chùa Diệu Đế tịnh yên, u tịch giữa hai cây cầu nhỏ bên dòng sông đào Gia Hội:

- Đông Ba Gia Hội hai cầu

Ngó qua Diệu Đế trống lầu giá chuông

Về phía hạ nguồn sông Hương, con đường Trịnh Công Sơn gần với Chợ Dinh và bên kia cầu Chợ Dinh là Nam Phổ qua câu hò ru em trìu ái, người Huế dường như ai cũng nằm lòng:

Ru em cho theéc, cho muồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ, mua trầu Chợ Dinh

Chợ Dinh bán áo con trai, Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim…

Bên phải con đường Trịnh Công Sơn là Cồn Hến, là Vĩ Dạ soi bóng cùng dòng Hương trong xanh mà Hàn Mặc Tử đã vẽ nên từng nét đan thanh:

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyến ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay

Với đặc điểm này, con đường Trịnh Công Sơn càng trữ tình, nên thơ hơn bởi đang được ấp yêu bằng cái hồn Huế đậm đà từ lời ru dân dã bình yên đến những dòng thơ hiện đại. Một hôm nào đó, tình cờ hay hữu ý, khi bạn đặt chân lên con đường Trịnh Công Sơn này, có lẽ bạn cũng sẽ thấy xao xuyến, cảm hoài vì được lắng sâu trong từng cung bậc thi ca.

Đã có con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên thành phố Huế!

Đây là niềm vui lớn của biết bao người yêu nhạc trong nước và hải ngoại. Tôi đang hình dung con đường Trịnh Công Sơn một khi đã hoàn thành với công viên dọc bờ sông Hương sẽ được mọi người yêu nhạc Trịnh dốc lòng chăm chút tạo nên một không gian Trịnh Công Sơn mới. Tôi tưởng tượng từ công viên này, đêm đêm tiếng đàn ghi- ta bập bùng hòa thanh cùng giai điệu Trịnh sẽ được ngân vang diệu vợi; Tôi tưởng tượng rồi cũng sẽ có những khoang thuyền Huế hát nhạc Trịnh Công Sơn từ khúc sông này như sông Hương đang từng đêm bềnh bồng Ca Huế. Khánh Tùng, một cô giáo Khoa Ngữ Văn trường Đại Học Sư Phạm Huế cũng có ý tưởng hay khi mừng Huế có con đường mang tên Trịnh: “ Giá như các quán cà phê dọc con đường Trịnh Công Sơn bên cạnh việc mở nhạc Trịnh đều chọn tên một ca khúc Trịnh Công Sơn để đặt tên cho quán của mình thì hay lắm!”. Và không chỉ riêng Khánh Tùng mà có lẽ còn nhiều người yêu nhạc Trịnh khác cũng đang có những ý tưởng hay, mới về một không gian Trịnh trên con đường này. Các thế hệ yêu nhạc Trịnh sẽ cùng nhau quần tụ trong khung cảnh gió mát trăng trong, giữa đất trời tự tại để hát ca, thương quý, trân trọng cuộc đời luôn bát ngát quỳnh hương, để chiêm nghiệm, sống tốt, sống đẹp mà dạt dào yêu dấu nhau hơn khi nhận biết tất cả kiếp người phù sinh chỉ là cát bụi, là một cõi đi về thánh thiện, vĩnh hằng.

Một số ca khúc Trịnh Công Sơn đã viết về những con đường Huế. Không có chữ Huế nào trong ca từ Trịnh Công Sơn nhưng hình ảnh con đường phượng bay mù không lối vào; hình ảnh của hàng long não lung linh biêng biếc xanh trước ngôi nhà Trịnh ở đường Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam; hình ảnh từng cung đường ngày đêm trên thành phố Huế lưu dấu chân Trịnh hằng qua… đã hình thành một Huế với những con đường có chiều sâu nội tâm có buồn, vui, nước mắt, nụ cười… trước dòng đời.

Nay Huế đã có thêm một con đường mới mang tên Trịnh, con đường được bà con lao động, thợ thuyền dọc bờ sông Hương đồng tình di dời sang một nơi ở mới góp phần chỉnh trang đô thị, giúp Huế có thêm những công trình mới, đẹp, phong quang. Từ thời điểm này, bà con lao động, thợ thuyến ấy chắc lòng cũng thấy ấm áp, hoan hỷ hơn khi bà con được biết nơi mình đã từng được sinh ra, từng sống với vô vàn kỷ niệm thăng trầm trong cuộc mưu sinh đã thành một con đường đẹp với tên gọi con đường Trịnh Công Sơn.

Âm vang nào, ca từ nào của các tài hoa xứ Huế sẽ sáng tạo thành tác phẩm viết về con đường mang tên Trịnh như Trịnh đã từng ngợi ca những con đường Huế? Thời gian rồi sẽ trả lời về điều ấy và chúng ta tin tưởng, chờ đợi vào một sự kế thừa từ Huế.

Riêng giờ đây, xin mừng Huế đã có một con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!

.

V.Q

18.3.2011

(Bài viết cho Tập san Áo Trắng số ra ngày 1.4.2011)

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.