NGHỆ THUẬT CA HUẾ ĐANG CẦN ĐƯỢC CHẮT CHIU, TRÂN TRỌNG…
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5959
NSƯT Thu Hằng
NGHỆ THUẬT CA HUẾ
ĐANG CẦN ĐƯỢC CHẮT CHIU, TRÂN TRỌNG…
Cung bậc trăm năm một thời vàng son tưởng đã chìm vào quên lãng vì đất nước có những ngày truân chuyên, gian khổ bởi chiến tranh. Nay cuộc sống yên bình, quê hương đang mở ra những giai điệu mới. Ca Huế đang tìm lại chính mình giữa một trung tâm có hai công trình được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Quần thể di tích lịch sử Huế, Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn. Ca Huế đang lan tỏa, thấm sâu cái tình dạt dào vào những tâm hồn đồng điệu. Sự đồng điệu thuần khiết, sang trọng đang cần được chắt chiu, nâng niu, gìn giữ. NSƯT Thu Hằng
Nội dung những bài ca Huế ngợi ca những ngày mới, nói lên những khát vọng ước mơ về tình yêu, về một ngày mai hạnh phúc bình yên, chan chứa tình người cũng là điều đợi mong của giới mộ điệu ca nhạc Huế. Từ mạch nguồn sinh động của quê hương những làn điệu ca Huế bay bổng dập dìu đầy ắp hơi thở xuân thì xứ sở. Non nước Hương Bình từ đó được thăng hoa cùng âm nhạc. Điệu hát cung đàn hòa nhập cùng núi sông muôn thuở.
Nghệ nhân Tôn Thất Toàn
Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, thì nghệ thuật ca Huế cũng còn nhiều điều để suy nghĩ, trăn trở, đó là ca Huế đang được khai thác triệt để dưới nhiều hình thức mà chưa có sự quan tâm đúng mức về: Các chế độ, chính sách ưu ái, cụ thể cho các nghệ nhân ca Huế cao tuổi, các nghệ nhân ca Huế có danh hiệu do Nhà nước trao tặng; Còn hạn chế trong việc bồi dưỡng, chăm lo nghệ thuật đàn, diễn xướng cho các thế hệ diễn viên trẻ đang được hình thành qua thực tiễn hoạt động; Giới soạn lời ca Huế chưa được chú trọng nên đội ngũ này vẫn chưa thành một lực lượng mạnh để đáp ứng trọn vẹn nhu cầu thưởng thức ca Huế của người mộ điệu… Với những băn khoăn trên, nội dung sau đây của bài viết xin đề xuất một số ý tưởng tâm huyết:
Hiện đang có một thời gian dài các làn điệu thuộc bài bản lớn của ca Huế như nam ai, nam xuân, quả phụ… không được diễn xướng trong các buổi biểu diễn ca Huế phục vụ du khách trên sông Hương do thời lượng quy định mỗi chương trình quá ngắn so với yêu cầu thưởng thức của giới điệu nghệ, bạn tri âm. Đã không có người ca tất nhiên sẽ không có người đàn, và nguy cơ thất truyền các bài bản lớn trên cũng là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, việc cần thiết trong tình hình hiện nay là các nhà tâm huyết, các cơ quan hữu quan như Sở Văn Hóa Thể Thao Du Lich, Hội Âm Nhạc, Hội Văn nghệ Dân Gian Thừa Thiên Huế, hệ thống các Nhà Văn Hóa tỉnh, thành phố, Phòng Văn hóa Thông tin Huế… quan tâm tạo điều kiện để giới nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế hình thành được các thính phòng ca Huế. Bên cạnh việc tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy các bài bản lớn, các thính phòng ca Huế còn là nơi tập hợp quy tụ các nghệ nhân lớn tuổi thuộc nhiều thế hệ khi họ đã không còn điều kiện biểu diễn phụ vụ khách du lịch nữa.
Trong quá trình bảo tồn và phát triển, giới nghệ nhân, diễn viên ca Huế tại thành phố Huế đang ngày một đông, trong đó có nhiều gia đình cha, mẹ con cái, dâu, rễ, cháu nội, cháu ngoại… đều là diễn viên ca Huế, ca kịch Huế mà tiêu biểu là gia đình của NS UT Ngọc Bình, Giám đốc Nhà Hát Nghệ Thuật Ca Kịch Huế; Số người được cấp thẻ biểu diễn đàn, ca Huế phục vụ du khách đã có trên con số 300. Đây là tín hiệu tích cực đáng mừng cho loại hình nghệ thuật truyền thống của cố đô Huế. Với đội ngũ ấy, nên chăng, hằng năm các cơ quan chức năng tổ chức một ngày liên hoan dành riêng cho ca Huế. Tại cuộc liên hoan này, cùng với việc thực hiện các chương trình biểu diễn đàn, ca Huế là các hội thảo khoa học chuyên đề về ca Huế với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Huế vốn tâm đắc với các giá trị văn hóa truyền thống Huế.
Từ lâu nay, việc biểu diễn ca Huế phục vụ du khách trên địa bàn thành phố Huế đã tạo một nguồn thu không phải nhỏ cho ngành du lịch. Tuy nhiên vấn đề bản quyền cho các soạn giả ca Huế chưa được quan tâm thật sự. Đã rất nhiều năm tháng qua, đêm đêm trên các khoang thuyền sông Hương những bài ca Huế, các bài chầu văn, tổ khúc ca Huế, dân ca… do Ưng Bình, Bửu Lộc, Thanh Tùng, Vu Hương, Kỳ Châu, Đăng Ninh… cùng nhiều tác giả khuyết danh khác soạn lời đã làm rung động biết bao tâm hồn du khách muôn phương. Nội dung các bài ca Huế cũng đã góp phần giới thiệu một cách trung thực mà trữ tình hình ảnh đẹp về con người, thiên nhiên Huế với bạn bè năm châu lục. Sẽ thật sự công bằng hơn nếu thực hiện được việc trả tác quyền cho giới soạn giả ca Huế; đồng thời việc trả tác quyền cũng sẽ tạo nên một hiệu quả tích cực là khuyến khích, động viên giới văn nhân thi sĩ tham gia soạn lời mới cho ca Huế. Nội dung các lời ca Huế chắc chắn sẽ phong phú, sinh động hơn; phản ảnh được muôn vẻ muôn màu của cuộc sống Huế xưa và nay. Nghệ nhân Hồng Tuyết
Nghệ nhân Hồng Tuyết
Được biết, tháng 3. 2011 Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã gởi hồ sơ “Đờn ca tài tử” trình lên Unesco để xét công nhận “Đờn ca tài tử” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là một tin vui cho hầu hết những người yêu nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam. Chúng tôi tin và mong ca Huế cũng rất xứng đáng được các cơ quan chức năng lập hồ sơ đề xuất lên Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, cồng chiêng Tây nguyên, dân ca Quan Họ, ca trù… Chúng tôi hy vọng với mái chèo trăng, con thuyền mộng, ngàn sao khuya lấp lánh, nét lung linh mờ ảo sương sa ... tất cả vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên cùng tri âm bốn phương trời đang về hội ngộ trên dòng Hương êm đềm là sự cộng hưởng tuyệt vời nâng tầm bay cho ca Huế.
Võ Quê
Huế
17.5.2011