30 NĂM CÂU LẠC BỘ CA HUẾ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN. - Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5158
Cách nay 30 năm vào ngày 20 tháng 8 năm 1983 Câu Lạc Bộ Ca Huế thuôc Nhà Văn Hóa Huế, tiền thân của Trung Tâm Văn Hóa Huế bây giờ được chính thức ra đời trong niềm hân hoan của các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế và giới mộ điệu, tri âm trong thành phố Huế. Nhân dịp này, Câu Lạc Bộ Ca Huế kính chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Tỉnh Ủy, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành Ủy, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Huế, Phòng Văn Hóa Thông Tin, Trung Tâm Văn Hóa Huế cùng các vị lãnh đạo đã nghỉ hưu hay đang còn tại chức của các cơ quan trên đã có một quá trình quan tâm, giúp đỡ cho Câu Lạc Bộ Ca Huế từ những ngày đầu tiên còn non trẻ cho đến những năm tháng về sau.
Trong không khí đoàn viên mừng 30 năm ngày Câu Lạc Bộ Ca Huế ra đời, các thành viên đã tâm thành tưởng nhớ, tiếc thương các bậc nghệ nhân, nghệ sĩ từng gắn bó, buồn vui với Câu Lạc Bộ Ca Huế nay đã vĩnh viễn ra đi. Hình ảnh những nghệ sĩ nghệ nhân ấy luôn sống mãi trong tâm hồn đồng điệu của bao người; Câu Lạc Bộ Ca Huế cũng chân tình gởi lời chúc bình an, sức khỏe đến các thành viên Câu Lạc Bộ Ca Huế vì hoàn cảnh gia đình, vì những lý do cá nhân mà không còn sinh hoạt với Câu Lạc Bộ Ca Huế.
Từ những nghệ sĩ nghệ nhân ban đầu với các danh cầm Lê Văn Cần (đàn tỳ bà), Nguyễn Văn Tân (đàn nhị), NSƯT Thái Hùng (đàn nguyệt), Châu Thới (đàn tranh) và các ca sĩ Minh Tâm, Thanh Tâm, Kim Thành, Quỳnh Hoa… Câu Lạc Bộ đã mời thêm được các nghệ nhân tên tuổi trong làn Ca Huế đến cùng Câu Lạc Bộ như Tôn Thất Toàn, Tôn Thất Dung, Trần Kích, Nguyễn Kế, Quang Hải Phạm Văn Thiết, Minh Mẫn, Vân Phi, Quế Trân, Minh Mẫn, Thanh Hương, Diệu Liên… Câu Lạc Bộ Ca Huế cũng đón nhận được sự cộng tác nhiệt thành của Đoàn Ca Kịch Huế, tiền thân của Nhà hát nghệ thuật Ca Kịch Huế ngày nay trong việc dàn dựng các trích đoạn tuồng làm phong phú thêm nội dung biểu diễn nghệ thuật ca Huế, ca kịch Huế của Câu Lạc Bộ. Đến nay Câu Lạc Bộ Ca Huế đã quy tụ trên 60 thành viên có chất lượng cao cùng tham gia sinh hoạt, 4 nghệ nhân, nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu Tú đã đánh dấu một bước trưởng thành đáng quý của Câu Lạc Bộ.
Từ những năm 80, 90 bên cạnh các đêm diễn định kỳ vào tối thứ Tư, thứ Bảy hằng tuần, Câu lạc Bộ Ca Huế đã biểu diễn thành công hằng trăm chương trình đón các đoàn khách của Tỉnh, Thành phố từ trung ương đến các địa phương trong nước cũng như quốc tế về thăm và làm việc tại Huế. Bộ môn Ca Huế lúc bấy giờ đã trở thành một “nghệ thuật đối ngoại” rất hiệu quả.
Việc lưu diễn chương trình ca Huế, chương trình “Áo dài và những khúc dân ca” tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong nước, tại các Festival Tỉnh, Thành phố cùng các chương trình giao lưu nghệ thuật ở Mỹ (1995), Hồng Kông (1996), Đài Loan (1998), Hàn Quốc (2007) được công chúng quốc tế, bà con kiều bào hoan hỷ đón nhận đã phản ảnh đúng giá trị nghệ thuật của loại hình ca nhạc truyền thống Huế.
Để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức Ca Huế trên sông Hương của giới mộ điệu tri âm Huế, Câu Lạc Bộ đã mạnh dạn chính thức mời khách xuống thuyền từ tháng 1 năm 1984 mà bến thuyến xuất phát đầu tiên là bến đầu đường Bạch Đằng, cạnh cầu Gia Hội và chiếc đò đầu tiên là đò anh Đới. Vui nhất là chiếc đò nhỏ của anh Đới đã chạm 6 chữ “Đò anh Đới, Đời anh đó” để kỷ niệm sự đổi đời của một người chuyên chở cát sạn hằng ngày nhờ Ca Huế mà thành đò du lịch. Ngày nay, Câu Lạc Bộ Ca Huế vui mừng khi được biết trên sông Hương đã có trên một trăm thuyền lớn nhỏ phục vụ Ca Huế đón du khách mỗi đêm và đã có trên 300 diễn viên Ca Huế được cấp thẻ hành nghề. Nêu lên các sự kiện này để Câu Lạc Bộ Ca Huế có niềm tự hào, nỗi sướng sung vì đã góp phần vào việc làm hồi sinh loại hình nghệ thuật truyền thống Huế từ sau năm 1975 và ngành du lịch Huế có thêm một môi trường nghệ thuật lành mạnh, bổ ích chào đón du khách từ khắp năm châu bốn biển.
Nhìn lại 30 năm thành lập và hoạt động, Câu Lạc Bộ Ca Huế thấy hứng khởi khi đã vượt qua những gian khó, thử thách ban đầu. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nghệ thuật Ca Huế trên sông Hương đã và đang có xu hướng thương mại, thành sản phẩm hàng hóa mà báo chí, các hệ thống truyền thông thường hay nhắc nhở cảnh báo nhưng các thành viên trong Câu Lạc Bộ Ca Huế thuộc Trung Tâm Văn Hóa Hiế vẫn giữ được khí chất của người nghệ nhân, nghệ sĩ chân chính, biết thương yêu, đoàn kết, người trước thương thế hệ sau, thế hệ sau biết trân quý, kính trọng các bậc nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối. Câu Lạc Bộ mong tinh thần chân thiện mỹ này luôn được quan tâm gìn giữ và phát huy để Câu Lạc Bộ luôn có được tiếng thơm. Nhân đây, Câu Lạc Bộ Ca Huế cũng xin nói lên lòng biết ơn sâu sắc đến các nghệ nhân, nghệ sĩ đàn ca Huế đã có công truyền dạy cho các lớp trẻ sau này tiếp thu các ngón đàn, ca Huế điêu luyện, điệu nghệ.
Trên đây là khái quát về quá trình hình thành và phát triển của 30 năm Câu Lạc Bộ Ca Huế, trong thời gian tới những nghệ nhân, nghệ sĩ trong Câu Lạc Bộ còn rất còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất lượng nghệ thuật ca Huế vốn đòi hỏi những . Với tinh thần cầu thị, yêu nghề chúng ta mong sẽ gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau hơn nữa để Câu Lạc Bộ ngày càng vững mạnh trên các lĩnh vực biểu diễn, soạn lời, học tập, rèn luyện các bài bản ca Huế, đàn Huế đến mức tuyệt kỷ.
Các thính phòng, các làng bản xa xôi, các công trình văn hóa, các điiểm hẹn trong và ngoài nước, mái chèo trăng, con thuyền mộng… tất cả đang chờ đợi các nghệ sĩ nghệ nhân đồng thanh tương ứng. Hồn Huế đang luôn đơm mầm trong mỗi thành viên Câu Lạc Bộ Ca Huế từng cung bậc thái hòa!
Võ Quê
( Chủ nhiệm CLB Ca Huế thuộc Trung Tâm Văn Hóa Huế)
Cuộc gặp gỡ kỷ niệm 30 năm thành lập CLB Ca Huế tại Trung Tâm Văn Hóa Huế sáng 20.8.2013
Thính Phòng Ca Huế ở Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi Huế) sáng 20.8.2013.