NGHỆ SĨ Ý NHI TÀI NĂNG VÀ KHỔ LUYỆN - Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5091
Nghệ sĩ Ý Nhi tên khai sinh là Nguyễn Tấn Tôn Nữ Ý Nhi sinh ngày 15.8.1982 tại Huế. Ý Nhi may mắn xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học. Thân sinh là một võ sư, am hiểu Hán học, mẹ là nghệ sĩ đàn tranh Tôn Nữ Lệ Hoa – một trong 37 nghệ nhân, nghệ sĩ đàn ca Huế được tôn vinh trong chương trình Âm Sắc Hương Bình của Fesstival Huế 2014.
Phải chăng trong giai đoạn hoài thai Ý Nhi, tiếng đàn tranh của người mẹ trong các cuộc biểu diễn ca Huế thính phòng và giảng dạy học trò đàn tranh ở nhà đã trở thành một hình thức “thai giáo” giúp Ý Nhi có một năng khiếu nghệ thuật đàn ca Huế sau này.
Nhờ tiếp truyền không khí âm nhạc của gia đình, Ý Nhi cùng hai em trai là Đỗ Vũ và Tử Mỹ được mẹ dìu dắt, hướng dẫn đến với nghệ thuật Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn và nghệ thuật ca Huế. Từ năm 15 tuổi, Ý Nhi đã biểu diễn ca Huế phục vụ tri âm, du khách. Đam mê đàn tranh, say cung bậc Huế, và để hoàn thiện mình hơn bên cạnh sự dạy dỗ của mẫu từ, Ý nhi đã chịu khó quyết chí “tầm sư học đạo”. Các nghệ nhân lão thành tài hoa Trần Kích, Nguyễn Kế đã giúp Ý Nhi thuần thục, điêu luyện hơn các bài bản gần như thất truyền trong âm nhạc truyền thống Huế hiện nay như lý Cửa quyền (lý Tình như), lý Vọng phu, Ngũ Đối Thượng và Nam Xuân. Nghệ nhân Minh Mẫn, ngoài việc bồi dưỡng và trau chuốt thêm cho Ý Nhi những bài bản đã được các cố nghệ nhân Trần Kích và Nguyễn Kế chỉ dạỵ, còn là người giúp Ý Nhi hoàn chỉnh bản Nam Ai do nghệ nhân Thanh Tâm truyền đạt trước đó. Bên cạnh đó, nghệ nhân Thanh Tâm cũng là một trong những người thầy giúp Ý Nhi có cách nhả chữ, buông lời, cách luyến láy, ngân nga làm thế nào cho bài ca Huế xuất thần thấm sâu vào tâm hồn người đồng điệu tri âm, tri kỷ. Với Ý Nhi, tất cả những ai đàn và hát Ca Huế đều là thầy, không phân biệt tuổi tác hay địa vị xã hội. “Từ những nhạc sư tiếng tăm trong nghề như Trần Thảo, Nguyễn Đình Vân, NSƯT Thu Hằng, nghệ sỹ Kim Liên cho đến các ca nương đồng trang lứa hay nhỏ hơn đều có thể là thầy của Nhi, ở mỗi người Nhi học được một chút từ luyến láy, cách lấy hơi, kỹ xảo trợ lực khi bậc cao, đẩy hơi khi nhạc thấp, cách nấc giọng tạo cảm giác như đang khóc đối với những bài bản hơi nam có nội dung u uẩn, v.v...”, và “mẹ cũng chính là người thầy đầu tiên dạy ca cho mình”, Ý Nhi tâm sự. Sự gắn kết tâm thành của nghệ thuật Ca Huế đã giúp Ý Nhi thương khó trong phương pháp rèn luyện, trau dồi thanh điệu mười sáu dây chứa chan tình, giọng ca Huế mượt mà thanh khí. Trực tiếp học thầy chưa đủ, Ý Nhi sưu tầm giọng ca Huế qua đĩa, băng hình các nghệ nhân đã quá cố như Cô Nhơn, Bích Liễu, Vân Phi, Quế Trân… Nhờ vậy mà Ý Nhi thuộc nhiều bài bản cổ có nội dung ngợi ca phong hoa tuyết nguyêt hay nhân tình thế thái hoặc xiển dương Phật giáo bi trí dũng … Nhiều bài bản mang tính bác học. Cha của ý nhi, Nguyễn Tấn Thiện, người có kiến thức Hán học rất tốt, đã hướng dẫn con hiểu biết nội dung sâu sắc ấy.Chính vì được thấm nhuần cái tình, mạch nguồn ca Huế, Ý Nhi cũng đã có một số bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Sông Hương; soạn lời nhiều bài ca Huế có hồn, đạt hiệu qua cao góp phần làm phong phú thêm đội ngũ những tác giả soạn lời ca Huế.
Dành nhiều thời gian cho nghệ thuật ca Huế nhưng Ý Nhi vẫn tập trung cho đèn sách học đường. Tốt nghiệp đại học khoa học ngành tiếng Anh năm 2004 với đề tài "Han Mac Tu and John Keats: two brilliant poets exposing their pains in the moon" (Hàn Mặc Tử và John Keats: hai thi sĩ trải niềm đau lên mảnh trăng) có điểm tốt nghiệp cao thứ 3 toàn khóa; Khi đã đi làm tại Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế, Ý Nhi đã biết sắp xếp thời gian, công việc cơ quan, gia đình tiếp tục học cao học tại trường đại học ngoại ngữ. Từ thực tiễn công tác là làm biên dịch cho Trung tâm, Ý Nhi đã trở thành Thạc sĩ năm 2009 với tiểu luận: "An investigation into difficulties faced by translators at Hue Monuments Conservation Centre: A case study" (Khảo sát những khó khăn của các biên dịch viên thuộc Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế gặp phải: nghiên cứu trường hợp).
Nhờ giỏi tiếng Anh nên từ năm 14 tuổi, Ý Nhi đã xuất hiện trong một số chương trình biểu diễn ca Huế thính phòng hay trên sông Hương phục vụ khách nước ngoài. Được biết, hiện nay Ý Nhi lại tiếp tục thuyết minh tiếng Anh tại thính phòng ca Huế ở Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi Huế) mỗi khi có khán giả quốc tế đến thưởng thức. Nhờ vốn liếng am hiểu nghệ thuật ca Huế trong lĩnh vực diễn xướng, ca từ, tính năng các nhạc cụ dân tộc mà phần thuyết minh tiếng Anh của Ý Nhi đã giúp khách nước ngoài hiểu sâu sắc hơn về một loại hình âm nhạc cổ truyền độc đáo của Việt Nam.
Do có quá trình tìm hiểu, theo dõi khả năng Anh ngữ, tài nghệ biểu diễn đàn tranh và ca Huế của nghệ sĩ Ý Nhi mà GS-TS âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong - người được Chính phủ Mỹ phong tặng danh hiệu "Di sản quốc gia" đã lần lượt giới thiệu các tổ chức âm nhạc thế giới lần lượt mời Ý Nhi biểu diễn tại Mã Lai (2012), Mỹ (2013), Philippines (2014). Chuyến lưu diễn tại Mỹ theo nghệ sĩ Ý Nhi là ấn tượng nhất. Chương trình thực hiện với tên gọi “Three Rivers, One Source” (Ba dòng sông – một cội nguồn) được lưu diễn 10 ngày trên nước Mỹ qua 7 trường đại học từ ngày 14 – 23.11 danh tiếng nhất như Harvard, Yale, Princeton, New York, v.v. nhằm giới thiệu với khán giả Mỹ các loại hình âm nhạc, múa, hát cổ truyền, các trang phục và nhạc cụ dân tộc VN, để kết nối khán giả với văn hóa các vùng sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long trên cả khía cạnh âm nhạc truyền thống và hát bội. Tham gia chương trình có GS Nguyễn Thuyết Phong, cùng 3 nghệ sĩ người Việt là Khương Văn Cường (Hà Nội), Nguyễn Tấn Tôn Nữ Ý Nhi (Huế) và Nguyễn Thị Ngọc Khanh (TPHCM), cùng nghệ sĩ người Mỹ David Badagnani. Đây là chuyến lưu diễn nhạc cổ truyền Việt Nam tới nhiều điểm nhất từ trước tới nay tại Mỹ.
Ngày 07/01/2014, nghệ sĩ Ý Nhi cũng đã được mời tham dự Hội thảo Dân tộc Nhạc học lần thứ 18 Châu Á Thái Bình Dương (The 18th International Conference of the Asia-Pacific Socitery for Ethnomusicology) gọi tắt là APSE, khai mạc tại Đại học Mahasarakham Thái Lan với chủ đề “Âm nhạc truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa: bảo tồn, truyền dẫn và phát triển”. Hội thảo có sự góp mặt của các nhà Dân tộc Nhạc học, nhà nghiên cứu và nhà khoa học từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Tại cuộc hội thảo này nghệ sĩ Ý nhi đã trình bày tham luận “Tương Tư Khúc, a Chamber Music Piece and the Impact of Music Socialization”.
Qua 2 ngày được nghe và ghi chép từ các bài tham luận trình bày trong Hội thảo, nghệ sĩ Ý Nhi đã có dịp hiểu sâu thêm phần nào thực trạng và tác động qua lại của các loại hình nghệ thuật truyền thống ở Đông Nam Á và một số khu vực trên thế giới, đặc biệt chú ý những biện pháp đang được áp dụng tại các quốc gia để củng cố và phát triển nền âm nhạc truyền thống và đề xuất những ý kiến khả thi mở ra những hướng đi mới cho các loại hình âm nhạc truyền thống ở Đông Nam Á cùng một số khu vực khác trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nghệ sĩ Ý Nhi vui mừng cảm nhận Hội thảo này cũng tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp, giao lưu giữa các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến tham dự, tạo tình đoàn kết, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Lòng yêu nghề, sự chăm chút chân thành của mẹ, của các nghệ sĩ, nghệ nhân bậc thầy tài danh Huế dành cho các thế hệ truyền nhân đã trở thành tấm gương sáng cho Ý Nhi ấp ủ một tâm nguyện thiết tha, tuy ngắn gọn nhưng vô cùng sâu lắng: “ Mong được đưa Ca Huế đến gần hơn với người Huế, đặc biệt là giới trẻ”. Thật đáng mừng, như mơ ước của Ý Nhi, giới trẻ Huế hiện nay đã dần đến với nghệ thuật ca Huế. Nhiều bạn trẻ ghi danh vào học nghệ thuật đàn ca Huế ở trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế, Học viện âm nhạc Huế hay tìm đến học theo dạng truyền khẩu với các nghệ nhân tên tuổi trong loại hình nghệ thuật đàn, ca Huế là tín hiệu vui. Số lượng hằng trăm diễn viên trẻ đêm đêm biểu diễn ca Huế ở các nhà hàng, khách sạn, trên thuyền sông Hương cho thấy hồn ca Huế đã tạo nên một dòng chảy đằm thắm mà bền bỉ. Thêm nữa, việc một số sinh viên đã chọn nghệ thuật ca Huế làm đề tài tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ cũng đã nói lên sức lan tỏa của nghệ thuật ca Huế trong giới trẻ và trong môi trường đại học.
Với phác thảo chân dung nghệ sĩ Ý Nhi, chúng ta có thể thấy được rất rõ rằng: Huế, đất học, tài năng, không những thế mà còn là khổ luyện!
Võ Quê
Sài Gòn 5.11.2014