Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NGHỆ SĨ VĂN LANG SÁNG DANH “HỒN LAO ĐỘNG”

 

    

 

Nghệ sĩ Văn Lang tên thật là Trần Văn Lang sinh ngày 9.9.1920 tại Huế. Quê quán làng Đồng Di, Xã Phú Hồ, Huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời niên thiếu, gia đình vốn nghèo khó nên phải đi học nghề đóng giày, rồi chuyển sang làm công nhân ngành in trước khi thành diễn viên và nhà hoạt động sân khấu Ca Huế, Ca kịch Huế.

     Năm 1985, trong một lần được nhà văn Tô Nhuận Vỹ, khi ấy là Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Bình Trị Thiên phân công tôi viết về nghệ sĩ Văn Lang, tôi đã may mắn nghe nghệ sĩ Văn Lang kể nguyên do vì sao mà ông theo nghệ thuật Ca Huế rồi Ca kịch Huế: “Thời gian theo học nghề đánh giày ở ngã giữa (nay là đường Phan Đăng Lưu), ban đêm thường rảnh rổi nên tôi thường xin người soát vé rạp hát Bà Tuần (Đồng Xuân Lâu) vào xem tuồng. Xem và nghe hoài thành mê nghệ thuật sân khấu luôn”.

      Nghệ sĩ Văn Lang còn cho biết từ năm 16,17 tuổi, nghệ sĩ có một thời gian hoạt động nghệ thuật nghiệp dư với bộ môn kịch nói tại thành phố Huế. Nhưng vì quá ưa thích nghệ thuật Ca Huế nên đã cùng một số bạn bè thân thiết tìm đến thầy Đội Trác học Ca Huế. Thầy Đội Trác lúc bấy giờ là một danh cầm tỳ bà nổi tiếng ở Huế. Sang năm 18 tuổi lần đầu tiên nghệ sĩ Văn Lang chuyển sang làm diễn viên chuyên nghiệp cho gánh Ca Huế Hồng Thu một thời gian; Sau đó tiếp tục làm diễn viên cho các gánh Ca Huế khác như Đô Thành, Đồng Thanh, Sông Hương… Theo nghệ sĩ Văn Lang những năm thập kỷ 30 là thời kỳ vàng son của Ca kịch Huế với nhiều gánh hát, trong đó gánh hát Kim Sanh nổi tiếng với các tuồng tích có đề tài hiện đại.

     Trong những năm ấy, nghệ sĩ Văn Lang đã thể hiện thành công một số vai diễn chính được khán giả ghi nhận, mến mộ cũng như để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong giới nghệ sĩ cùng thời. Tiêu biểu là vai Đề Thám (trong vở Hoàng Hoa Thám); vai Thanh Châu (trong vở Tình bạn); vai Dương Kế Thâm (trong vỡ Tờ hôn thú); vai anh thợ đàn (trong vở Gánh nợ đời); vai anh Ba (trong vở Hồn Lao động). Với chính vai anh Ba trong vở Hồn Lao động do nghệ sĩ Văn Lang sáng tác, được gánh Ca Huế Đồng Thanh công diễn nhằm tuyên truyền cho tinh thần chống áp bức, bất công bóc lột sức lao động của nhân dân mà nghệ sĩ Văn Lang bị thực dân Pháp bắt tại Lào và bị kết án tù 2 năm với nghệ sĩ Châu Thành.

     Trong suốt 24 năm, từ 1938 đến 1962 tham gia hoạt động sân khấu nghệ sĩ Văn Lang đã đảm nhận nhiều vai trò, trách nhiệm trên những cương vị khác nhau: Khi thì làm diễn viên, lúc là biên kịch, rồi đạo diễn hay công tác quản lý nghệ thuật. Điều đáng quý là dù ở trong môi trường, lĩnh vực nào nghệ sĩ Văn Lang cũng hoành thành xuất sắc các nhiệm vụ, được cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp cùng những người đồng sự, thuộc cấp trân trọng, mến thương.

     Theo nghệ sĩ Văn Lang, những năm đầu thập kỷ 60, bộ môn Ca kịch Huế đang gặp nhiều khó khăn, thử thách lớn. Năm 1962, Bộ Văn hóa cử nghệ sĩ Văn Lang làm Đoàn trưởng Đoàn Ca kịch Huế, với nhiệm vụ tập hợp các nghệ nhân, nghệ sĩ, đào tạo các thế hệ trẻ nhằm bảo tồn và phát triển bộ môn Ca kịch Huế trên sân khấu kịch hát dân tộc. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, đầy thách thức! Nghệ sĩ Văn Lang cho biết không như Tuồng, Chèo, Cải lương đã là những bộ môn kịch hát dân tộc có từ lâu đời; nghệ thuật Ca kịch Huế tuy đã có từ mấy chục năm trước đó nhưng vẫn còn nhiều mặt non yếu về nghệ thuật, về lý luận và đặc biệt là để nó thực sự là một bộ môn Ca kịch Huế thì rất cần một sự định hướng đúng đắn, cần có sự thể nghiệm, sáng tạo trên mọi phương diện như kịch bản ca kịch, chỉ đạo nghệ thuật, sưu tầm các làn điệu và bài bản ca Huế gốc và nghiên cứu phát triển, cách tân Ca Huế trên sân khấu Ca kịch.

  Trong cương vị quản lý một đoàn nghệ thuật Ca kịch non trẻ như vậy, nghệ sĩ Văn Lang nhận thấy công tác chỉ đạo nghệ thuật là một mũi nhọn tiên quyết cho sự phát triển của Ca kịch Huế, nghệ sĩ Văn Lang đã dành toàn bộ trí lực, kinh nghiệm và tất cả tấm lòng yêu tha thiết bộ môn Ca kịch Huế của mình để đưa Đoàn Ca Kịch Huế vào những mùa gặt mới với những hiệu quả tốt đẹp.

Điều ghi nhận quý báu ở nghệ sĩ Văn Lang là đã biết coi trọng tính kế thừa và phát triển của bộ môn Ca kịch Huế là yếu tố sống còn; nghệ sĩ Văn Lang tập hợp những anh chị em văn nghệ sĩ có kinh nghiệm, tâm huyết với Ca kịch Huế nhằm xây dựng một bộ máy nòng cốt làm nền tảng cho sự phát triển của Đoàn. Đồng thời, tích cực tìm kiếm và phát hiện các lớp thanh niên trẻ có năng khiếu ca hát dân ca để tổ chức đào tạo lớp trẻ bổ sung cho lực lượng diễn viên của Đoàn. Nghệ sĩ Văn Lang đã vận dụng khéo léo hình thức đào tạo theo lối truyền nghề với việc bồi dưỡng chính trị, kiến thức văn hóa, mỹ học… Nhờ đó, góp phần nâng cao trình độ toàn diện cho anh chị em diễn viên trong việc phân tích kịch bản, sáng tạo vai diễn.

    Sự trì chí trong học tập học chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cũng là một quyết tâm lớn khi nghệ sĩ Văn Lang tham gia Lớp giảng viên chính trị do Khu ủy Khu IV tổ chức năm 1951; Lớp chính kinh tế học (tại chức) do Tỉnh ủy Nam Định tổ chức năm 1960; Lớp bồi dưỡng chuyên tu trên đại học, triết học, mỹ học do các phó tiến sĩ Liên Xô (cũ) giảng dạy năm 1962 – 1963 tại Trường Lý luận và Nghiệp vụ Bộ văn hóa (nay là trường Đại học Văn hóa). Ngoài ra, nghệ sĩ Văn Lang đã tự học qua các tài liệu về công tác đạo diễn, lý luận biên kịch; nghiên cứu các trường phái sân khấu như B. Bret, Stanilapxki và các bộ môn sân khấu dân tộc như Tuồng, Chèo, Dân ca,…

      Trên lĩnh vực  nghiên cứu, sưu tầmnghệ sĩ Văn Lang đã cố gắng ghi chép và sưu tầm lại toàn bộ các làn điệu Ca Huế cổ để trên cơ sở ấy tìm cách đưa các làn điệu đó vào sử dụng trên sân khấu Ca kịch. Đặc biết là việc sử dụng đúng mỗi làn điệu của Ca Huế để diễn tả tâm trạng nhân vật, mang tính chất kịch trong ca; Nghệ sĩ Văn Lang còn nghiên cứu và tìm hiểu những yếu tố có tính sân khấu của Ca Huế, đồng thời sáng tác thể nghiệm một số ca khúc mới trên cơ sở nghiên cứu nâng cao các làn điệu cổ như bài: “Ông trăng tròn”, bài “Ta là chiến binh” trong vở “Viên đạn súng kíp”.

      Việc nghiên cứu và phát hiện tính chất lưỡng tính của một số bài bản ca Huế cũng là một phát hiện quan trọng của nghệ sĩ Văn Lang. Sự phát hiện này đã được thể hiện thành công trong một số vở diễn do nghệ sĩ Văn Lang sáng tác hoặc phóng tác (như đã sử dụng mặt bi tráng của bài Phú Lục, nét đau xót của bài Long Ngâm…). Những kết quả nghiên cứu và sáng tạo đó đã góp phần làm thay đổi cách sử dụng bài bản ca hát đa dạng hơn, mang nhiều tính kịch hơn so với cách ca hát của lớp diễn viên cũ trước đây. Từ đó đã tìm cho nghệ thuật Ca Huế một phương pháp luyện thanh, luyện thể thích hợp với bộ môn được toàn đoàn chấp nhận và thực hiện. Sau này được dùng cho công tác đào tạo.

     Nghệ sĩ Văn Lang cũng đã kế thừa và phát huy các kiểu nói lối truyền thống của một số gánh Ca Huế cũ đồng thời sáng tạo thêm kiểu nói lối mới để dẫn vào ca, nói lối thơ, câu văn có âm điệu để chuyển vào ca cho ngọt ngào thể hiện được một đặc trưng cho Ca Huế là “tính tự tình và tự truyện”.

Với quan niệm chỉ đạo nghệ thuật là việc làm liên tục và luôn gắn liền với thực tế và phải được thể nghiệm trên sân khấu để cớ cơ sở đúc kết, đánh giá và rút ra những phương hướng đúng đắn cho sự phát triển của bộ môn. Nghệ sĩ Văn Lang dã dành nhiều thời gian cho sáng tác kịch bản Ca kịch Huế (hoặc phóng tác từ các truyện ngắn, tiểu thuyết văn học, hoặc chuyển thể từ các kịch bản văn học thuộc các thể loại khác như kịch nói, dân ca bài chòi… sang kịch bản Ca kịch Huế) nhằm thể nghiệm những địn hướng về nghệ thuật Ca kịch Huế mà đặc biệt là sử dụng sáng tạo các yếu tố có tính kịch trong Ca Huế trên sân khấu Ca kịch. Các vở Ca kịch Huế tiêu biểu mà nghệ sĩ Văn Lang đã tham gia với hai tư cách là Tác giả và Chỉ đạo nghệ thuậtđã được dư luận đánh giá cao trên sân khấu Thủ Đô những năm 1960 – 1970: Một chuyến đò ngang, hoạt cảnh Ca Huế 1966; Vợ con tôi, Ca kịch Huế được phóng tác năm 1967;  Nón quê em, hoạt cảnh Ca Huế 1968; Người con gái Pa-Kô, Ca kịch Huế 1969; Tín hiệu trái tim, Ca kịch Huế chuyển thể 1971; Viên đạn súng kíp, Ca kịch Huế sáng tác năm 1971; Thoại Khanh – Châu Tuấn, Ca kịch Huế, chỉnh lý và nâng cao 1972.

Ngoài ra, nghệ sĩ Văn Lang còn nhiều kịch bản khác cũng được đầu tư sáng tác và được nhiều đoàn nghệ thuật đưa vào dàn dựng kịch mục của đoàn và được công diễn khá thành công như: Mùa Tôm, Ca kịch Huế, phóng tác; Hoa Trinh Nữ, Ca kịch Huế, chuyển thể; Dương Vân Nga, Ca kịch Huế, sáng tác; Biệt thự Hoàng Lan, Ca kịch Huế, phóng tác.

Bên cạnh công việc sáng tác, phóng tác các vở ca kịch Huế, nghệ si Văn Lang còn quan tâm đến phần lý luận phê bình, nghệ sĩ Văn Lang cho biết: “Bất cứ một sáng tạo hay một sự thể nghiệm nào cũng cần phải được đúc kết, đánh giá về mặt lý luận; Vì vậy, tôi cũng dành nhiều thời gian cho công tác này với mục đích từng bước khẳng định với công chúng những giá trị của Ca Huế nói chung và Ca kịch Huế nói riêng. Tôi đã tiến hành công tác này trên hai mặt:

Nói chuyện có minh họa với công chúng, trực tiếp đưa Ca Huế đến từng cơ sở, trường học để tuyên truyền và giới thiệu những nét độc đáo của Ca Huế và Ca kịch Huế.

         Lý luận phê bình viết trên báo và một số tạp chí văn hóa nhằm giới thiệu những thành quả của Ca kịch Huế. Đặc biệt là công trình nghiên cứu, tổng kết về quá trình phát sinh, phát triển của Ca Huế và Ca kịch Huế nhằm xác định những yếu tố có tính sân khấu của Ca nhạc Huế. Công trình này đã được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 1993 với tựa đề: “Ca Huế và Ca kịch Huế”

     Những năm cuối đời, dù tuổi cao, sức yếu nhưng nghệ với khí chất của người nghệ sĩ lớn, Văn Lang luôn dành hết số thời gian quý báu của mình để nghiên cứu, sáng tác kịch bản (Ca kịch Huế, Kịch nói, Tuồng…). Ngoài ra còn viết những ca khúc, hoạt cảnh Ca Huế để phát trên các làn sóng phát thanh và truyền hình Trung ương và Địa phương.

Có thể nói rằng, suốt cả cuộc đời hoạt động sân khấu nghệ thuật truyền thồng, nghệ sĩ Văn Lang đã dành trọn vẹn cho sự bảo tồn và phát triển bộ môn Ca kịch Huế. Những đóng góp đó của nghệ sĩ Văn Lang được nhiều người thừa nhận, đặc biệt trong vài trò Chỉ đạo nghệ thuật của bộ môn Ca kịch Huếvà đãđưalại cho Ca kịch Huế một chỗ đứng vững vàng trong nền kịch hát dân tộc, tạo điều kiện cho bộ môn Ca kịch Huế có những bước phát triển mới.

     Sự cống hiến to lớn của nghệ sĩ Văn Lang đã được đánh giá cao trước công chúng và Nhà nước. Nghệ sĩ Văn Lang đã vinh dự nhận Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất;Huân chương kháng chiến hạng Ba; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huy hiệu Chiến sĩ văn hóa do Bộ Văn hóa tặng; Nhiều Bằng khen và Giấy khen của Bộ Văn hóa, Tỉnh, Thành phố; Nhiều năm là Chiến sĩ thi đua hoặc Lao động Tiên tiến… Cùng với các giải thưởng có giá trị nghệ thuật cao: Giải thưởng của Ủy Ban Toàn Quốc Liên hiệp các Hội Văn Hoạc Nghệ Thuật Việt Nam tặng cho tác giả cao tuổi về tác phẩm: “Ca Huế và Ca kịch Huế” do Nhà xuất bản Thuận Hóa in năm 1993. Bằng khen của Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế về công trình nghiên cứu và giới thiệu bộ môn Ca kịch Huế.

     Ngày19.2.1999 , nghệ sĩ Văn Lang đã vĩnh viễn ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của nhiều người! Bất cứ thời điểm nào, không gian nào trong lòng người mộ điệu Ca Huế, Ca kịch Huế nghệ sĩ Văn Lang cũng luôn xứng danh là người nghệ sĩ, chiến sĩ quả cảm khi ngợi ca “Hồn Lao động” của nhân dân! 

Huế, 11.11.2018.

 



 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.