Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NGHỆ SĨ HỒNG LÊ CHAN CHỨA MẠCH TÌNH

   

 

     Nghệ sĩ Hồng Lê tên thật là Nguyễn Thị Hồng Lê, sinh ngày 07.05.1970 tại Nghệ An trong khi quê quán: Phong Chương, Phong Điền, Thừa Thiên Huế.

     Do thân sinh Hồng Lê là một người rất mê nghệ thuật Ca Huế, chơi thuần thục đàn Nhị, mê giọng ca của NSƯT Hồng Lê, người cùng thời với nghệ sĩ tài danh Minh Tâm, Bích Liễu… nên ông đã ưu ái đưa tên NSƯT Hồng Lê đặt tên cho con gái với thầm mong sau này con gái mình cũng thành một nghệ sĩ tài danh như NSƯT Hồng Lê vậy.

     Từ truyền thống đam mê nghệ thuật cổ truyền dân tộc ấy của gia đình, Hồng Lê vào học trường Quốc Gia Âm nhạc năm 1982 với chuyên ngành: đàn Bầu. Năm 1990 Hồng Lê được tốt nghiệp bậc Trung học dài hạn loại giỏi; Và trong nguồn hứng khởi đang dạt dào tươi trẻ, Hồng Lê tiếp tục theo học đại học chuyên ngành chính đàn Bầu và đàn Tỳ bà chuyên ngành phụ tại Nhạc viện Hà Nội năm 1990 – 1994. Tốt nghiệp loại xuất sắc.

     Trở lại Huế, từ tháng 10 - 1994 đến nay nghệ sĩ Hồng Lê tham gia giảng dạy tại trường Đại học Nghệ thuật Huế, nay là Học Viện Âm nhạc Huế. Trong thời gian này, Hồng Lê đã tham gia nhiều cuộc biểu diễn giao lưu nghệ thuật tại Trung Quốc, Thái Lan và đặc biệt là được tham gia chương trình “Giao lưu sáng kiến Văn hóa Nghệ thuật các nước Châu Á” một năm tại Hàn Quốc, chương trình này mang lại cho nghệ sĩ Hồng Lê nhiều trải nghiệm quý báu. Nghệ sĩ Hồng Lê cho biết đây là cơ hội tốt giúp mình có điều kiện học tập tinh hoa nghệ thuật truyền thống các nước Asian nói chung và Hàn Quốc nói riêng.
     Năm 2014 nghệ sĩ Hồng Lê đã có học vị Thạc sĩ; là thành quả tốt đẹp của một người có quá trình học tập, giảng dạy, cống hiến vì nghệ thuật đàn bầu.

     Bên cạnh các hoạt động tại học đường, đêm đêm nghệ sĩ Hồng Lê gửi tiếng lòng mình qua ngón đàn Bầu tài hoa trên thuyền sông Hương với tâm niệm giới thiệu du khách bốn phương những giá trị tinh hoa của nghệ thuật Ca Huế do tiền nhân để lại; trong đó nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu là một nhạc cụ góp phần nâng cao chất lượng cho các giọng ca; hòa thanh cùng các nhạc cụ khác tạo nên sự thành công mỹ mãn các chương trình Ca Huế trên sông Hương. Nhiều du khách trong nước, hải ngoại đã rất mê mẩn, thích thú mỗi lần xem, nghe Hồng Lê độc tấu đàn Bầu. Tiếng đàn bầu ngọt ngào, lắng sâu qua kỷ năng điêu luyện của Hồng Lê không khỏi làm chạnh lòng nhiều du khách; gợi lên trong tâm thức họ hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, một Huế trữ tình, thơ mộng. Chính nghệ thuât diễn tấu nghệ thuật đàn Bầu xuất thần của nghệ nhân, hiệp sĩ văn hóa Trần Kích, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Tiếncùng làn điệu Tương tư do nghệ sĩ Hồng Lê độc tấu đàn Bầu trênthuyền sông Hương đã tạo nguồn cảm hứng cho tôi soạn lời Nam bình “Sâu lắng đàn Bầu” in trong tập Hòa Âm do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2017:

      “…Bóng trăng chênh bên trời, bàng bạc gương Hằng; nhấn dây đàn rót thanh âm, tình dan díu nghĩa nhân tâm thành. Em dạo bài tương tư khơi gợi nguồn tâm sự bởi vìthương. Thệ hải minh sơn; hoàng lan quyện làn hương thiết tha tơ đàn…”
       Càng toàn tâm toàn ý với cây đàn Bầu trong các chương trình biểu diễn trước công chúng thì nghệ sĩ Hồng Lê lại càng chú trọng đến công việc giảng dạy, đào tạo của mình cho nhiều thế hệ học trò. Qua sự hướng dẫn, dìu dắt tận tình của cô giáo Thạc sĩ, nghệ sĩ Hồng Lê, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên nay đã được trở thành nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật trong nước và giáo viên các trường trung học Văn hóa Nghệ thuật các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Khi có điều kiện gặp nhau họ lại nhắc đến tên cô giáo, nghệ sĩ Hồng Lê với lòng trân quý, yêu   thương…

      Trong những năm qua, với không khí hứng khởi thi đua học tập, rèn luyện trong môi trường nghệ thuật, nhiều liên hoan nghệ thuật nhạc cụ dân tộc đã diễn ra thường xuyên trên toàn quốc. Hưởng ứng các cuộc liên hoan này, nghệ sĩ Hồng Lê đã tích cực giảng dạy để các học trò của mình có thể hội nhập vào những sân chơi lớn của nghệ thuật dân tộc và đã đạt những thành tích đáng quý, cụ thể là: Giải ba độc tấu đàn Bầu tác phẩm: “Thoáng quê” sáng tác: Thanh Tâm do sinh viên Trần Đình Khắc Du dự thi Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc tại Hà Nội năm 2008; Huy chương bạc độc tấu đàn Bầu tác phẩm: “Nhịp cầu quê hương” sáng tác: Toàn Thắng, cuộc thi “Đàn và hát dân ca” do sinh viên Bùi Văn Chiến đoạt giải năm 2015 tại Quảng Nam; Huy chương vàng độc tấu đàn Bầu tác phẩm: “Buổi sáng sông Hương”sáng tác: Xuân Khải, cuộc thi “Thắp sáng niềm tin” do học sinh Võ Thị Oanh Kiều đoạt giải năm 2016 tại Hà Nội;  Huy chương Bạc độc tấu đàn Bầu tác phẩm: “ Nhịp cầu quê hương” do sinh viên Nguyễn Công Cường đoạt giải cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc tại Nha Trang năm 2017… Những thành tích này đã được Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT) phản ảnh rất rõ nét qua phóng sự “Nghệ sĩ Hồng Lê” thực hiện vào giữa năm 2018.

     Việc tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; Tham gia viết nhiều tham luận về nghiên cứu khoa học tại Học viện Âm nhạc Huế và hội thảo của Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch cũng là những hoạt động chuyên môn mà nghệ sĩ Hồng Lê luôn quan tâm thực hiện nhằm tự nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy.

    Từ tháng 8 năm 2013, khi Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Trung tâm Vănhóa Huế hình thành thính phòng Ca Huế tại Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi, Huế) biểu diễn miễn phí vào tối thứ Ba hàng tuần và phục vụ thiện nguyện tại Bệnh viện Trung ương Huế, các Trung tâm bảo trợ xã hội… nghệ sĩ Hồng Lê là một trong những nhân tố tích cực mời gọi, quy tụ nhiều nghệ sĩ đàn, diễn viên trong thành phố Huế đến với thính phòng Ca Huế; Trong đó gia đình nghệ sĩ Hồng Lê với chồng là nghệ sĩ đàn nguyệt Trần Văn Việt, công tác Nhà Hát Nghệ Thuật Truyền Thống Huế cùng hai con gái là Ánh Hồng (11tuổi), Ánh Tuyết (9 tuổi) thường rất gắn bó với thính phòng; Mái ấm Hồng Lê đã tạo nên một nét đẹp gia đình văn hóa mới. Hình ảnh này được minh chứng qua việc thành phố Huế mời gia đình nghệ sĩ Hồng Lê tham dự liên hoan văn hóa chuyên đề “Gia Đình Hạnh Phúc” năm 2018 của Tỉnh Thừa Thiên Huế và đã gặt hái thành quả tốt.

      Đánh giá cao những thành tích trong quá trình hoạt động nghệ thuật và giảng dạy của nghệ sĩ Hồng Lê, Sở Văn Hóa Và Thể Thao, Bộ Văn Hóa Thể Thao Và Du Lịch đã tặng bằng khen vào năm 2017.

      Giữa năm 2018, qua làn sóng của Melodically Challenged - chương trình radio thơ nhạc được phát thanh hàng tuần trên sóng WRAS của đài phát thanh trường đại học công lập Georgia State University những ca khúc “Huế - Hà Nội - Sài gòn” sáng tác: Hoàng Vân, “Gởi Thu Bồn”, sáng tác: Khắc Chí, “Câu hát mẹ ru”sáng tác: Phú Quang; làn điệu “Văn Thiên Tường”,Tứ đại cảnh”… tiếng đàn bầu réo rắt, nỉ non chan chứa mạch tình với nhiều cung bậc của nghệ sĩ Hồng Lê đã có dịp ngân lên đồng điệu với nhịp sống thường ngày hạnh phúc, an nhiên…    

 

Huế 10.11.2018.

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.