GIỚI SÁNG TÁC, SOẠN LỜI CA HUẾ ĐÃ GÓP PHẦN ĐƯA NỘI DUNG LỜI CA HUẾ LÊN HÀNG VĂN THỂ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7133
Với nghệ thuật ca Huế, đàn với ca như hình với bóng, hai bộ phận này không thể tách rời nhau mà đã gắn bó rất hữu cơ. Trải qua các thời kỳ, giới nghệ nhân chơi đàn, nhạc sĩ khá phong phú, đông đảo, trong đó có các danh cầm thuộc nhiều thế hệ như : Ông Hầu Biều, Cậu Cả Soạn, ông Chủ Văn, ông Khóa Hài, ông Lý Vũ, ông Thừa Khiên, Cậu Tôn Úït, ông Đội Song, Cậu Tôn Đổng, ông Đội Trác, cậu Tôn Lục, ông Mộng Tiên, ông Bửu Huấn, ông Văn Tạ, Cụ Vĩnh Trân, (tức Ngũ Đại), ông Bửu Lộc, ông Nguyễn Hữu Ba, ông Vĩnh Phan, ông Gia Cẩm, ông Nguyễn Kế, ông Trần Kích, ông Nguyễn Văn Tân, Thái Hùng, Trần Thảo, Lệ Hoa, Nguyễn Vân ... Chính các thế hệ nghệ nhân, nhạc sĩ này đã có công đóng góp lớn trong việc nuôi dưỡng thú thưởng thức đàn ca tại Huế, góp phần gìn giữ và truyền bá các tinh hoa của ca Huế, nhã nhạc cung đình Triều Nguyễn để ngày hôm nay nhã nhạc cung đình Triều Nguyễn được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể, là kiệt tác văn hóa của nhân loại.
Về các ca nhi nổi tiếng trong nghệ thuật ca Huế từ trước đến nay, có thể trân trọng nhớ, biết đến Cô Ninh, Cô Nhơn, Cô Bạch Liên, Cô Sâm, Cô Quyến, Cô Châu Loan, Cô Thu, Cô Tuyết, Cô Bích Liễu, Cô Thu Vân, Cô Vân Phi, Cô Quế Trân, Cô Thanh Hương, Cô Thanh Tâm, Cô Diệu Liên ... cùng nhiều ca sĩ đang được định hình tài danh sau năm 1975.
Bên cạnh đàn và ca, có một bộ phận quan trọng khác đã được hình thành qua nhiều năm tháng, thời kỳ nhưng giới nghiên cứu cũng như những người thưởng ngoạn chưa thật sự quan tâm chú ý, đó là những người có công trong việc sáng tác, soạn lời ca Huế, đưa nội dung những lời ca Huế và hò lên hàng văn thể.Trong "Lời nói đầu" của Tập Cố Đô Huế (ca và Hò - 1971) của các tác giả Thanh Tùng, Vu Hương, Kiều Khê có đoạn viết : "Vỗ theo tiếng đàn với những câu dài câu ngắn, với những âm thanh khi bổng, khi nhặt khoan, lời ca phải phục tùng những vận bằng và vận trắc. Vả lại những vận này phải uyển chuyển và hòa hợp với nhau để, khi ca lên, có thể gây được một hòa âm vui tươi hay trang nghiêm, não nùng hay ai oán ... có như thế mới có thể "truyền cảm" từ nội dung của bài ca đến tâm hồn của thính giả. Vậy ca là một loại vận văn, có lẽ dồi dào hơn tất cả các loại vận văn khác (lục bát, song thất lục bát, ca trù, văn, phú, vân vân ...)"
Trong những năm 1920-1921, giới nghệ sĩ trong nước đã có một cuộc giao lưu nghệ thuật âm nhạc rất thú vị: "Nhà thơ Á Nam khi tuổi trẻ cũng đã biết dùng nhiều điệu "ca lý mới" : hành vân, nam ai, nam bình, cổ bản, tứ đại cảnh. Đây là những điệu ca Huế, thuở ấy từ trong Trung kỳ, Trung bộ đưa phổ biến ra Hà Nội, ra Bắc bộ, các xóm Bình Khang và tạo nhân ngoài Bắc cảm nghe mới lạ và rất ưa thích, bèn gọi là ca lý mới ... Ca lý mới thì đầy rẫy tính chất thơ mộng; do vậy mà ngòi bút Á Nam mang nhiều "hồn lụy" hơn cả, chứng tỏ nghệ sĩ hồn nhiên nhất là khi viết những lời "ca lý mới".Tản Đà cũng như Á Nam đã gặp một miếng đất phóng túng để cho mình "lãng mạn" khi viết những lời ca Huế (1)
Riêng tại Huế, giới thi nhân mặc khách cũng đã có nhiều tâm huyết để hội nhập với bộ môn ca Huế, họ là những người góp phần nâng cao những giá trị văn chương trong các bài ca Huế như các vị Hà Viên, Ưng Bình Thúc Giạ, Hỷ Thần, Lương Khanh Nhược Thủy, Diên Chi, Hoè Đình ... Những thi nhân này, đã sáng tác và lưu truyền trong giới mộ điệu một số bài ca Huế, một số câu hò tài tình, điêu luyện. Chính sự tài tình, điêu luyện, nhuần nhuyễn trong cách thể hiện vận văn, từ ngữ đã giúp cho các ca sĩ dễ thuộc, dễ diễn đạt cái hồn, cái thần của các bài ca, giúp truyền bá sâu rộng trong tri âm, điệu nghệ.
Trong giới sáng tác, soạn lời ca Huế Ưng Bình Thúc Giạ Thị là người đã có nhiều cống hiến lớn vào việc đưa những điệu ca Huế và hò vào hàng văn thể. Với một tâm hồn phóng khóang, với một đời thơ hào sảng mà tao nhã cùng sự đồng điệu giữa người và thiên nhiên, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã sống mãi trong lòng dân xứ Huế như con sông Hương chảy mãi nguồn thơ không ngưng nghỉ mạch tình.Trong các loại hình văn học nghệ thuật : thơ, ca trù, tuồng, hò, ca Huế của Ưng Bình Thúc Giạ Thị thì hò và ca Huế đã có một sức sống mãnh liệt, bền bỉ và được phổ cập đến nhiều tầng lớp trong xã hội từ trước đến nay và nhất là trong giai đoạn mới này, khi mà nhu cầu thưởng ngoạn loại âm nhạc dân tộc truyền thống Huế đang trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Huế.
Câu hò mái nhì "Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông. Thuyền ai thấp thoáng bên sông, đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non" từ một bến sông Hương đã lan tỏa vọng ngân khắp mấy phương trời Âu, Á, người ở Huế, kẻ tha phương, khách du l;ịch ... tất cả đã tiếp nhận câu hò với niềm yêu nỗi nhớ và chính nhờ nội dung câu hò này được phổ biến rộng rãi mà điệu mái nhì được trong cả nước gọi là hò Huế.Ưng Bình Thúc Giạ Thị rất tài hoa, nhuần nhuyễn khi kết hợp dòng văn chương bác học với dòng văn học dân gian để cho câu hát điệu hò được hội nhập trong tâm hồn đất nước. Bước chân của Ưng Bình Thúc Giạ đã qua nhiều miền, nhiều xứ sở và ở đâu nguồn cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên của Ưng Bình cũng lai láng, chứa chan để cho những địa danh đó được nhiều người biết đến bằng sự mến mộ và mong được như Ưng Bình sẽ có lần tìm đến lãm du :
Ôm quả sầu riêng em qua miền Rạch Giá
Bâng khuâng trong dạ quay lại ngả Gò Công.
May may nhằm buổi chợ đông,
Gặp Bạc Liêu công tử bán mấy chục đồng cũng mua.Nhờ nội dung những làn điệu hò ca Huế của Ưng Bình mà sinh hoạt ca Huế của người dân Huế được duy trì và phát triển. Ưng Bình đã có một thực tế sống rất phong phú vì đã hòa nhập vào cuộc đời từ chốn quan trường đến nơi dân dã. Chính thực đây là chất liệu giàu có để Ưng Bình sáng tạo nên những tác phẩm ca Huế đáp ứng được tâm lý của nhiều tầng lớp quần chúng từ trí thức, sĩ phu đến người lao động cùng khổ.
Tác phẩm Ưng Bình có mặt khắp nơi trên xứ sở này. Từ cuộc hò giã gạo ở các làng quê dưới ánh trăng đêm đến những buổi ca Huế thính phòng của bạn tri âm hay chương trình ca Huế trên sông Hương làm ấm lòng du khách, lời ca của Ưng Bình đã làm cho những vòng tay nối rộng nghĩa tình và niềm nhân ái giữa người với người, giữa người với thiên nhiên càng trở thành tri kỷ."Tới đây đầu lạ sau quen, quen người mở miệng cười quen tiếng, đào mận quen hơi, chuông vàng khánh ngọc quen lời ..."
Sự sâu sắc, thâm trầm trong lời ca của Ưng Bình đã nâng tầm cho giai điệu Huế. Nhiều nghệ sĩ, ca nữ trong làng ca Huế được nổi danh là nhờ các bài ca của Ưng Bình. Tiêu biểu là các bài Đêm thất tịch (tứ đại cảnh) sáng tác năm 1923, Phong cảnh và nhân vật Vỹ Dạ (cổ bản), sáng tác năm 1922, Đầu lạ sau quen (nam bình) sáng tác năm 1926 ... Các nghệ sĩ Quế Trân, Minh Mẫn, Vân Phi, Thanh Hương, Thanh Tâm ... là những người biểu diễn rất thành công các tác phẩm hò và ca Huế của Ưng Bình.Tài hoa của Ưng Bình trên lãnh vực sáng tác đã có một ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nghệ sĩ, nhiều văn nhân viết lời cho các làn điệu ca Huế sau này. Quan niệm của Ưng Bình: "Những câu hát hay hò mà thường dân năng hát có phải là thường dân đặt ra đâu, chính các bậc văn sĩ đời xưa đặt ra mà thường dân ta nhớ lại. Văn sĩ đã đặt ra những câu ca dao để lại cho ta ngày nay, thì văn sĩ ngày nay cũng nên đặt ra thêm, thêm cho nhiều mà để lại cho ngày sau, rồi luôn luôn về sau nữa mới phải ..." đã được nhiều người tiếp thu mà sáng tác các lời ca Huế.
Đã có một đội ngũ sáng tác lời ca Huế đã noi gương Ưng Bình Thúc Giạ trong việc gìn giữ, trân trọng và phát huy loại hình nghệ thuật dân tộc của quê nhà ìtrong thành phố Huế qua nhiều thế hệ như Vu Hương, Kiều Khê, Thanh Tùng, Văn Lang, Ngọc Hùng, Hoàng Cẩm, Kỳ Châu, Đăng Ninh, Thái Hùng, Kim Vàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm ... Công việc lặng lẽ âm thầm nhưng hiệu quả cao của họ đang cần được công chúng, những người có trách nhiệm về sự phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể quan tâm, đánh giá đúng mức. Trước đây, nội dung những bài ca Huế thường ngợi ca phong hoa tuyết nguyệt; là nỗi tự sự về thế thái nhân tình thì ngày nay ca Huế còn có những nội dung ngợi ca ngày mới, nói nhiều đến những khát vọng ước mơ cho cõi đời hạnh phúc. Về một ngày mai chan chứa tình dân tộc, quê hương. Tâm huyết trong nội dung, chắt lọc, sáng tạo trong ca từ, rung cảm theo cung bậc, những người sáng tác, soạn lời ca Huế đang có những đóng góp mới đáng trân trọng trong việc đưa nội dung lời ca Huế lên hàng văn thể có giá trị nghệ thuật.
-------(1). Thơ Văn Á Nam Trần Tuấn Khải - Xuân Diệu Nxb Văn Học - 1984