LỄ TRAO BẰNG XẾP HẠNG CỔ NHẠC TỪ, HUẾ LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA.
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5640
Nhân ngày giổ tổ Ca Huế hằng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, sáng ngày 29. 4. 2010 (tức 16. 3 năm Canh Dần), Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao Bằng Xếp Hạng di tích cấp Tỉnh, Thành phố công nhận nhà thờ Cổ Nhạc (Cổ Nhạc Từ), tọa lạc tại số 5 kiệt 127 (số cũ 63/6) đường Nguyễn Trãi, tổ dân phố 10, khu vực 3 phường Thuận Hòa, thành phố Huế là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.
Dưới đây là một số hình ảnh về lễ trao Bằng Xếp Hạng:
Ông Ngô Hòa, PCT Tỉnh Thừa Thiên Huế
trao Bằng Xếp Hạng di tích lịch sử văn hóa Cổ Nhạc Từ cho BQL di tích:
Các nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế, nhã Nhạc tại buổi lễ:
Rước Bằng Xếp Hạng từ UBND phường Thuận Hòa về Cổ Nhạc Từ:
Bằng Xếp Hạng về tại Cổ Nhạc Từ:
Nghệ nhân Thanh Tâm, NSƯT Khánh Vân (ảnh dưới)
biểu diễn Ca Huế chào mừng Lễ nhận Bằng Xếp Hạng di tích
TƯ LIỆU:
BẢN TÓM TẮT DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
NHÀ THỜ CỔ NHẠC
Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Cổ Nhạc, còn có tên chữ và tên thường gọi là Cổ Nhạc Từ, tọa lạc tại số 5 kiệt 127 (số cũ 63/6) đường Nguyễn Trãi, tổ dân phố 10, khu vực 3 phường Thuận Hòa, thành phố Huế. Nhà thờ Cổ Nhạc được xây dựng trên sở đất có diện tích là 144,6m2, mặt nhìn về hướng nam và gồm có các công trình kiến trúc sau: cổng và hệ thống tường thành, tiền đường, nội điện và sân vườn.
Sở đất xây dựng Cổ nhạc Từ nguyên là khu vực Tân Miếu (sau đổi tên là Cung Tôn miếu) do vua Thành Thái tạo lập năm 1891 để thờ phụ hoàng là vua Dục Đức. Năm 1899 thần khám Cung tôn Huệ Hoàng Đế Dục Đức chuyển về thờ tại Điện Long Ân, miếu Cung Tôn bị phế bỏ. Năm 1966 bà Hoàng Thị Cúc tức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, vợ vua Khải Định, đồng ý cho ban cổ nhạc Đại Nội sử dụng để xây dựng từ đường. Lễ thượng lương tổ chức vào ngày 1. 8 năm Bính Ngọ tức ngày 25. 9. 1966. Cổ Nhạc Từ được Hội Ca Nhạc Truyền Thống Huế quản lý và sử dụng cho đến ngày nay.
Cổ Nhạc Từ là từ đường thờ tổ sư của bộ môn ca nhạc truyền thống Huế, một loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời và có vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Đây là nơi thờ tổ chuyên chế tác các loại nhạc cụ, sáng tác nhạc chương liệt vị tôn sư, lịch đại thánh hiền giáo truyền nhạc nghệ, đàn nương, chư hương liệt vị tiền hậu nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca công, nam nữ quá cố đã có nhiều công đức to lớn khai sáng dựng xây tinh anh lễ nhạc và trao truyền tài nghệ âm nhạc cho các thế hệ nối tiếp. Do đó, di tích nhà thờ Cổ Nhạc có mối quan hệ đặc biết liên quan mật thiết với quá trình phát triển nền âm nhạc dân tộc nói chung và bộ môn ca nhạc truyền thống Huế nói riêng. Di tích này còn thể hiện cho thấy sự “gặp gỡ và kết hợp hài hòa” của hai dòng nhạc bác học cung đình và dòng nhạc dân gian Huế.
Tại Cổ Nhạc Từ, hoạt động văn hóa lễ hội truyền thống quan trọng nhất là lễ tế tổ vào ngày 16. 3 và 16. 10 âm lịch hàng năm với sự tham gia của đông đảo các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhạc hữu, là nơi thờ tự thiêng liêng gắn bó lâu dài, sâu sắc, với đời sống tâm linh, cuộc sống nghề nghiệp của các nghệ sĩ đàn hát ca Huế, nơi thể hiện tình cảm đạo lý cao đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của những người hoạt động trên lĩnh vực ca vũ nhạc kịch truyền thống. Đây còn là cơ sở hoạt động chính trị của Hội Ca Nhạc Truyền Thống Huế, nơi quy tụ đông đảo hội viên và khách tri âm mộ điệu gần xa tiến hành các hoạt động có ích cho Hội, có lợi cho nghề nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy ngày càng tốt hơn bộ môn Ca Huế, Nhã nhạc, những tinh hoa của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, là một kho tàng âm nhạc vô giá của dân tộc.
Khu đất xây dựng Cổ Nhạc Từ là nơi có mối quan hệ với thời Nguyễn, với danh nhân Đào Duy Từ, và các vị vua Dục Đức, Thành Thái. Do vậy, đây là sử liệu vật chất có ý nghĩa giúp hiểu rõ và đánh giá khách quan về thờ Nguyễn, nói lên đường nét đặc thù của di tích về mặt nghệ thuật kiến trúc, góp phần làm phong phú loại hình di tích kiến trúc dân gian cổ truyền của thành phố.
Trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị vốn văn hóa Huế cỏ truyền quý báu này, từ năm 1982, nhà Văn Hóa Huế, Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế đã tạo điều kiện vận động tổ chức các Câu lạc bộ Ca Huế, Câu lạc bộ Nhã nhạc Phú Xuân quy tụ những nghệ nhân lão thành, những người tâm huyết với nghề vượt qua gian khổ khó khăn duy trì nghiệp tổ, từ đó Nhã nhạc cung đình Huế đã phát triển vững chắc, được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa truyền khẩu của nhân loại; các nghệ nhân Trần Kích, Minh Mẫn cũng đã được Hội Văn nghệ Dân Gian Việt Nam tôn vinh là nghệ nhân dân gian Việt Nam; có thể nói rằng ca nhạc truyền thống Huế mà nòng cốt là Nhã nhạc và Ca Huế đã đi vào đời sống văn hóa dân tộc, trở thành sứ giả thiện chí, hòa bình trên con đường hội nhập và phát triển của đất nước.
Tóm lại, những đặc điểm nêu trên chứng tỏ Cổ Nhạc từ là một di tích có giá trị tiêu biểu, đặc sắc về mặt lịch sử và văn hóa, một bộ phận hợp thành quần thể di tích cố đô, di sản văn hóa của nhân loại. Đây còn là một thiết chế văn hóa nghệ thuật độc đáo có vị trí không kém phần quan trọng trong nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc trên quê hương Thừa Thiên Huế.
(Tư liệu của Nhà Bảo Tàng Huế)