Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHỮNG NGƯỜI GIỮ HỒN CA HUẾ - Nguyễn Thị Anh Đào

 

 
IMG_0903
 
Báo Nhân Dân số ra ngày Chủ Nhật 6. 6. 2010

 



 

NHỮNG NGƯỜI GIỮ HỒN CA HUẾ

 

 

Tác giả Nguyễn Thị Anh Đào

 

            Huế không chỉ được biết đến với những đền đài, lăng tẩm, với sông Hương, Núi Ngự. Mà còn một Huế lắng sâu trong từng lời ca, tiếng đàn, nhịp phách. Chính vì thế,  mỗi lần trở về Huế, tôi đều có cảm giác như được trở về với những giá trị văn hóa sâu thẳm nhất của vùng đất và con người nơi đây. Những nét Huế đôn hậu đôi khi chỉ đơn thuần là một câu chào hỏi, một tiếng dạ - thưa, vài món ăn Huế bình dị… nhưng đã để lại trong tôi  dấu ấn khó quên. Trên mảnh đất có bề dày lịch sử-văn hóa đó, ca Huế là nét văn hóa độc đáo để những ai từng đến Huế, sẽ có điều để nhớ, có điều để luyến lưu…

Tôi bắt đầu phóng sự này từ một lời nhận xét của Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh về ca Huế: Mặc dù ca Huế không phải là loại âm nhạc cung đình, song nó là thứ âm nhạc trình diễn, là một sinh hoạt nghệ thuật thực sự. Nó không còn gắn với các hoạt động thực dụng trong đời sống hàng ngày. Để chiếm ảnh và biểu diễn nó, cần phải có tài năng của các nghệ nhân”. Đến Huế, thực sự đi sâu tìm hiểu về ca Huế mới biết được nhiều điều thú vị chung quanh thể loại âm nhạc này. Theo các nghệ nhân, ca Huế được hình thành từ cơ sở âm điệu tiếng nói địa phương, ca Huế ngày nay rất gần, được phổ biển rộng rãi trong đời sống của người dân và trở thành một nét văn hóa độc đáo của riêng xứ Huế. Theo thời gian, sự giao thoa giữa tầng lớp quí tộc và dân dã đã tạo môi trường cho ca Huế có điều kiện đến được với nhiều tầng lớp công chúng. Đầu thế kỉ XX, ca Huế trở thành hình thức sinh hoạt âm nhạc mang nét đặc sắc của Huế. Lời ca Huế được sáng tạo tuân theo nét nhạc của các nhạc khúc quen thuộc, gieo vần ở cuối câu, ít dùng tiếng đệm mà dùng tiếng láy. Các nghệ nhân ca Huế thường bắt đầu một bài ca Huế bằng một điệu hò, một điệu lý, rồi mới nhẹ nhàng chuyển qua lời ca Huế trong nhiều cung bậc khác nhau. Về Huế trong những đêm sông Hương đầy trăng, hay những buổi chiều mùa đông lất phất mưa, được thả mình trên thuyền rồng trôi dọc sông Hương, đắm mình trong khúc Nam Ai, Nam Bình, một câu hò mái nhì thanh thoát… tâm hồn người nghe sẽ được lắng lại trên những dấu tích một thời của kinh đô xưa.

Đối với những người gắn bó với ca Huế lâu năm hay những người mới bắt đầu học nghề, thì điều không thể thiếu là niềm đam mê và tình yêu với Huế. Những người nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhạc công… đã bằng chính tâm huyết của mình để gìn giữ và lưu truyền được cái hồn cốt ca Huế, làm đẹp thêm cho ca Huế. Hiện nay ở Huế có 400 ca sỹ, nhạc công phần lớn thuộc các đơn vị nghệ thuật được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực ca Huế. Họ làm việc ở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Câu lạc bộ Ca Huế Nhà Văn hóa Huế, Câu lạc bộ ca Huế Trung tâm Thông tin Thừa Thiên Huế. Hàng năm Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đều tổ chức rà soát, thẩm định, phân loại chất lượng diễn viên, nhạc công nhằm quản lý và chấn chỉnh hoạt động ca Huế. Trong thời gian qua những người làm công tác quản lý ca Huế và đội ngũ nghệ sỹ biểu diễn ca Huế đã có nhiều cố gắng để mang lại cho ca Huế một diện mạo mới, phù hợp nhu cầu phát triển của xã hội và nhu cầu thưởng thức của người nghe. Có thể nói, để ca Huế được phổ biến và phát triển như hiện nay, người có công trong việc gầy dựng phong trào ca Huế trên sông Hương những ngày đầu là nhà thơ Võ Quê - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1983, ông bắt đầu công việc vận động và thuyết phục các nghệ sỹ xuống thuyền biểu diễn ca Huế. Buổi đầu đó mọi việc rất khó khăn vì ở Huế bấy giờ nhiều người không ủng hộ việc biểu diễn ca Huế trên sông. Nhưng sau một thời gian, ca Huế trên sông đã đi vào nếp sống của người dân địa phương và trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Sau nhiều năm gắn bó với ca Huế, từng tìm mọi phương cách để vừa lưu giữ vừa phát huy những giá trị của ca Huế, ông tâm sự: “Đến Huế, phải nghe ca Huế mới hiểu được phần nào con người và mảnh đất này. Qua việc thưởng thức từng lời ca, tiếng đàn, nhịp phách… chúng ta sẽ được lắng lại cùng một Huế đằm sâu. Việc bảo vệ và giữ gìn vẻ đẹp hồn cốt của ca Huế không chỉ là công việc của những người quản lý, các nghệ sỹ mà cần có sự đồng lòng của nhiều người. Để làm sao ca Huế có được một vị trí tương xứng trong nền âm nhạc dân tộc”.

Ở Huế, bên cạnh các Nhà hát nghệ thuật truyền thống, còn có nhiều câu lạc bộ ca Huế đã được hình thành, trong đó có câu lạc bộ sinh hoạt ca Huế dành cho thanh thiếu niên, sinh viên. Một đội ngũ đông đảo các sinh viên đang theo học tại Viện âm nhạc Huế, Trường Văn hóa nghệ thuật Huế, hay được đào tạo tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế là thế hệ kế cận bổ sung cho lực lượng nghệ sỹ ở Huế. Hiện nay, ca Huế không chỉ dừng lại ở việc biểu diễn, mà phải là chất lượng mang lại cho người xem, người nghe. Đội ngũ những lớp nghệ nhân lớn tuổi bậc thầy trong ca Huế như Minh Mẫn, Mộng Điệp, Thanh Hương, Thanh Tâm Châu Dinh,… bây giờ tuổi đã cao nhưng niềm đam mê ca Huế vẫn sâu nặng như ngày nào. Họ là những nghệ nhân vàng của ca Huế hiện nay. Bằng những việc làm cụ thể, họ đã truyền đạt lại các bí quyết, kỹ thuật thể hiện ca Huế cho lớp Nghệ sỹ ưu tú kế cận như: Khánh Vân, Lan Phương, Ngọc Bình, Kiều Oanh, Thu Hằng, Bạch Hạc,… và hiện nay, ở Huế có một đội ngũ đông đảo nghệ sỹ trẻ đang theo học nghề ca Huế để làm đẹp thêm cho bộ môn nghệ thuật này. Về Huế, tìm gặp nghệ nhân Mộng Điệp, Thanh Hương, họ là những nghệ nhân vàng của ca Huế, mới hiểu được chất Huế, niềm say mê ca Huế của người nghệ sỹ có một sức sống diệu kỳ. Bây giờ họ là những nghệ sỹ tuổi đã cao, nhưng vẫn một lòng nâng niu giữ gìn, phát triển ca Huế. Lớp nghệ sỹ trẻ hiện nay đã học hỏi được từ họ nhiều kinh nghiệm và bài học quý trong việc thể hiện ca Huế. Tình yêu ca Huế vì thế đã được nuôi dưỡng và trao truyền qua nhiều thế hệ. Năm nay đã ngoài 90 tuổi, Nghệ sỹ ưu tú Mộng Điệp là một trong rất ít nghệ nhân ca Huế xưa nay hiếm, bà là hạt ngọc của âm nhạc truyền thống Huế. Nói về ca Huế, NSƯT Mộng Điệp cho rằng, ca Huế vốn là đặc sản một thời, hiện tại đã được phục hồi tốt nhưng còn ở chừng mực, không thể cách tân, phải đặt ca Huế vào môi trường hoài cổ của Huế thì mới thể hiện hết được những giá trị đích thực của nó. Đối với du khách, đây là món lạ hấp dẫn người lạ, nhưng chúng ta không nên dễ dãi với ca Huế, vì nếu vậy sẽ làm mất đi phần nào cái sang trọng, nền nã vốn có...

                  

       (Từ trái: Nghệ nhân Thanh Hương, Minh Mẫn,Thanh Tâm)

Ở Huế có rất nhiều gia đình truyền thống về ca Huế, như gia đình NSƯT Ngọc Bình, NSƯT Khánh Vân, nghệ sỹ Lệ Hoa… Tôi xuôi về Gia Hội tìm gặp nghệ sỹ đàn tranh Tôn Nữ Lệ Hoa trong không khí những ngày Huế đang náo nức chuẩn bị cho lễ hội Featival 2010. Tiếp tôi trong ngôi nhà giản dị ở số 71 đường Mạc Đỉnh Chi, Thành phố Huế, nghệ sỹ Lệ Hoa đã có dịp bộc bạch những tâm tư của mình về nghề mình đã theo trọn 40 năm qua. Sinh ra trong một gia đình truyền thống về ca Huế, nghệ sỹ Lệ Hoa đã chọn và gắn bó với đàn tranh. Cô nữ sinh Văn khoa Huế ngày nào bây giờ là một nghệ nhân đàn tranh có tiếng ở Huế. Đối với chị, say mê nghề cũng như say chính cuộc sống của mình. Có một điều ngạc nhiên là các con của nghệ sỹ Lệ Hoa, mặc dù đều tốt nghiệp đại học và đang làm nhiều công việc khác nhau nhưng cả ba người đều sử dụng thuần thục các nhạc cụ ca Huế, đều biểu diễn được ca Huế. Chị nói vì trong dòng máu gia đình đã có niềm đam mê thì dẫu có trốn tránh hoặc không theo nghề thì vẫn phải “say”. Bây giờ ngoài giờ giảng dạy ở Học viện âm nhạc Huế, nghệ sỹ Lệ Hoa lại cùng anh em nghệ sỹ khác mang tiếng đàn, tiếng hát của mình biểu diễn cho du khách trong các lễ hội và các thuyền du lịch trên sông Hương. Nói về nghề, chị tâm niệm: “Mình muốn trao truyền lại những cái tinh chất nhất của đàn tranh cho thế hệ trẻ hôm nay, để làm sao giữ trọn được cái chất của Huế. Ngày xưa chúng tôi học nghề ca Huế để mà chơi chứ không lấy để làm nghề, nhưng bây giờ thì học vì thị hiếu. Tôi mong các nghệ sỹ trẻ phải say nghề rồi mới nghĩ tới chuyện mưu sinh vì nghề. Đôi khi vì mưu sinh mà các nghệ sỹ phải chạy sô diễn ca Huế mỗi đêm, nhưng tôi mong đừng vì thế mà các bạn đánh mất đi nét duyên của ca Huế…”. Ca Huế là nghề làm dâu trăm họ, rất khó hát, kén người nghe. Vì thế có người khen và cũng không ít người chê. NSƯT Khánh Vân, người có nhiều năm gắn bó với ca Huế lại trăn trở: “Muốn biểu diễn thành công ca Huế, người nghệ sỹ phải rút ruột mình ra để hát, để kéo người nghe về phía mình. Cái gì cũng phải có cái gốc, có cái đinh. Người nghệ sỹ ngoài việc học kiến thức, học nghề, thì cần có cái tâm, phải biết trau chuốt và thổi màu vào ca Huế. Tôi rất lo đến một lúc nào đó ca Huế không còn sức hấp dẫn du khách, vì người phát triển, nghề phát triển mà lời ca không thay đổi, không được chú tâm thì rất khó”.

 

 

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa Huế trong đó có ca Huế để làm đẹp thêm cho mảnh đất này là cần thiết. Nhưng làm sao để ca Huế giữ được nguyên giá trị và không bị lai tạp bởi những cái tầm thường hay vì mục đích thương mại hóa. “Đừng để thế hệ sau này phải đi tìm lại những giá trị ca Huế, trong khi hiện nay chúng ta có đủ điều kiện tốt nhất để gìn giữ và phát triển ca Huế”- Lời tâm huyết đó của NSƯT Bạch Hạc cũng là điều mà những người có trách nhiệm đối với ca Huế đang làm. Với hy vọng ca Huế không ngừng phát triển và có một vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc Việt Nam./.

 

N.T.A.Đ

 

 

IMG_0903

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.