Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NGƯỢC XUÔI THẾ SỰ - thơ Võ Quê

 


 

 

 

NGƯỢC XUÔI THẾ SỰ

Thơ Võ Quê, Nhà xuất bản Văn Học 2011.

Chịu trách nhiệm xuất bản: Chủ tịch hội đồng thành viên,

Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Cừ.

Biên tập: Trần Thị Ngọc Lan

Bìa 1: Tranh họa sĩ Bửu Chỉ.

Bìa 4: Ký họa của họa sĩ Đặng Mậu Triết.

Trình bày: Hạ Sang - Hồ Lượng

Sửa bản in: Hà Giao.


 

.Bìa 1.


Bìa 4.

 

 

Lụt thế kỷ 1999 cảm tác

Trời lụt ca nhi cũng trụt lời

Trời đong mưa lũ xuống trong đời

Vái lạy lụt tan lành váy lại

Đời cho du khách dạo đò chơi

 

Huế 29. 10.1999

Nỗi đau mùa lũ lụt

Sầu đói tóc xanh cũng sói đầu

Cầu lon đầy gạo hãy còn lâu

Đất tổ thiên tai làm đổ tất

Giàu đi nghèo đến có gì đau!

Huế 2.11.1999.

.

Nghĩ về du lịch miền núi

Welcome du khách để gom khoen

Khèn lơi lả điệu lắm lời khen

Dốc tận tiềm năng ngành dân tộc

Men giàu giục chị dệt mau gièn (gièn = thổ cẩm)

A Lưới 2001

.

Hoạt cảnh vùng đầm phá

Đầm phá ngư ông khoái phá đầm

Hèn chi dân số vẫn còn tăng

Mặc cá trốn lờ bơi chốn khác

Lắc đò ôn mụ sướng càng hăng!

Tam Giang 2002

.

Tự trào

Cuộc đời thành một trò chơi

Khổ đau hạnh phúc là trời cho ta

Hạnh phúc đẹp sắc màu hoa

Khổ đau đừng để mắt ta dâng sầu

 

Huế, 2006

.

Cảm nhận hoa kiểng

Trồng sói hường lên được sướng hoài

Muốn tiền hung tùng mọc hiên ngoài

Trang lài dành tặng trai làng hưởng

Hoài mang thương nhớ đóa hoàng mai

.

Trước kẻng…

Bầu trỏ hèn chi phải bỏ trầu

Bầu to nên mới tậu bò trâu

Quệt má vì yêu nên quá mệt

Bầu lên hạnh phúc được bền lâu

.

Hôn nhân dị chủng 1

Gái nhà ai thật trái ngang!

Lấy Đài Loan đẻ một đoàn con lai

Oái ăm thế sự mỉa mai

Trai Đài Loan đón đoàn lai sang tàu

Miền Tây 2003

Hôn nhân dị chủng 2

Cô dâu Việt lấy Đại Hàn,

Bị đàn ông hại tro tàn về quê

Hôn nhân dị chng tái tê

Thương ai lê bước nặng nề thê lương!

Huế 2010

.

Dầu xăng tăng giá

 

Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu

Đầu tiên trăn trở bạc tiền đâu

Giật gấu vá vai theo vật giá

Thâu đêm nhức nhối nghĩ thêm đau!

Huế 2009

.

Vật giá leo thang

Vật giá leo thang gạo lỏng nồi

Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ơi

Ngồi eo sèo với bao gian khó

Gió khan đắng họng tái tê đời

Huế 2010

Giành nhau giàu nhanh…

 

Lần vô danh lợi hại dân lành

Tranh thùng tranh thủ mới trung thành!

Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy

Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh

.

Lanh mưu lưu manh…

Biến chất điếm đàng đi chiếm đất

Cánh đồng xoang bởi quán đồng xanh

Hối mại chức quyền gieo mối hại

Lanh mưu thoái hóa thật lưu manh!

.

Lời bợm nhậu

Một chai mai chột, coi chừng!
Nhị chai nhai chị tưng tưng ngà ngà
Ba chai là bai nghe cha!
Bốn chai cẩn thận kẻo mà bái chôn
Ngũ chai ngai chủ hùng hồn
Sáu chai sai cháu bếp cồn luộc tôm!

.
Thơ tự tặng

Cuối năm cắm cúi chăm nuôi vợ

Đầu năm mong vợ hết nằm đau

Số phận an bài ai bàn nữa!

Câu thơ Xuân đó có buồn đâu…

.

Festival Huế 2008 cảm tác.

Em về mặc áo cho cây

Hồn lai láng nhớ tình đầy sầu giăng

Anh thì nhặt cỏ vườn trăng

Bên sông mặt kể chuyện bằng điệu ru

Ngôi sao mờ ảo sa mù

Bài ca lễ hội ngàn thu tuyệt vời

 

*

- Triển lãm tranh chủ đề “Mặc áo cho cây” của HS Lê Bá Đảng.

- Triển lãm tranh chủ đề”Mặt Kể” của Gerald Godrigue - một tác giả truyện tranh đồng thời là giảng viên Trường đại học Hình ảnh Angoulême.

- Triển lãm nghệ thuật chủ đề “Nhặt cỏ vườn trăng” của Thêu XQ.

Các công trình này đều được trưng bày bên bờ nam sông Hương nhân Festival Huế 2008.

.

Đầu tư

Đầu tư anh đến từ đâu

Bày đặt dự án làm sầu nhân dân

Quan tham bạo ký xí phần

Sớm thành bị cáo gảy cần câu cơm

.

Thơ tặng Khoa thận nhân tạo BVTW Huế

Thành thạo, nhân từ lại tận tâm

Khoa thận nhân tạo tốt muôn phần

Biết ơn thầy thuốc giàu công đức

Quyết dứt công đầu cứu bệnh nhân

.

Mất giày ở bệnh viện Huế cảm tác

Nhờ tha giày của nhà thơ

Đôi chân kẻ trộm khỏi chờ đợi lâu

Chợ đời, bệnh viện đa màu

Vợ đau mà giày mất ôi chao tức cười!

.

Làm thơ lờ tham

Người ta vọc nước giỡn trăng

Mình thích văn học, vọc hăng trang đời

Làm thơ là lờ tham. Chơi!

Mặc cái sự đời mời đặt PR…

.

Mài chân mần mấy chai

Uống đơ li giả đi lơ

Xuống bờ sông kiếm bông sờ chút chơi…

Sờ xong mần tiếp mấy chai

Gọi mát-xa đến: Em mài chân ta!

.

Nụ cười xinh

 

Vì em biến nụ cười xinh

Thành cười xu nịnh tội tình mấy quan

Quan to ưa nịnh làm càn

Đừ hơi tội nghiệp quan đang hư đời!

.

Tự thán

- Bỏ cao tốc cốc tao khô ngoại tửu

Định vay đô mở cặp bỏ vô đây

- Được đà chơi đời cha ham ăn mặn

Vây đời con khát nước nợ vai đầy...

.

Tự trào

Mùa lễ hội thơ hoa lỗi hệ

Lục bát đành lạc bút từ khuya

Đợi lâu mới biết đâu có lợi

Bìa treo đây mai ruột đầy bia?

Festival Huế 2010

.

Nhờ facebook thành gia thất

Từ trò chơi ảo trời cho thật!

Đưa lối tìm nhau duyên lứa đôi

Hạnh phúc bay hồng trên facebook

Vọng chờ ngày tốt vợ chồng thôi!

.

Ngợi ca dân mình

Dân mình hiến đất xây trường

Quan tham lấn đất trầy xương thầy trò

Học đường lắm nỗi sầu lo

Quan tham thì vẫn trùm Sò dài lâu

.

Thơ tặng Hải Kỳ

Hoan hỉ cài thơ lên bệnh án

Hải Kỳ thăm Huế thắm hoa say

Cứ mở khóa tình từ quá khứ

Vào đây thi sĩ được đào vây!

.

Câu giờ

 

Câu giờ có cơ làm giầu

Ngôi sao nằm vạ mặt ngầu ngao sôi

Mặc trọng tài vội moi còi

Êm re sân cỏ coi mòi hơi lâu

.

Từ thiện giả hình

 

Làm từ thiện có tiền xây biệt thự

Thiệt bự, to thiên hạ chẳng ai bằng

Bọn giả hình nhân danh người cùng khổ

Chúng giàu nhanh trên bất hạnh dân mình

.

Hưu trí

 

Lui về bên lề vui lắm thay!

Trời cho trò chơi mới mỗi ngày

Đây tiền hưu tạo đầy tiên cảnh

Đây vài thế sự báo đài vây…

.

Tự hỏi

 

Viết câu chi đó?

Có viết chi đâu!

Trống rổng tim, đầu

Tìm đâu chữ nghĩa...

.

Thủy điện

Lũ thủy điện xả hại người vô tội

Sếp vội tô báo cáo đúng quy trình

Hình ảnh tả dân Phú Yên, Hà Tĩnh…

Vì Hố Hô, Ba Hạ chịu điêu linh

 

Huế 10.2010.

.

Đò ca đa cò

Đò ca Huế có đa cò

Sông Hương đục nước, giọng hò sầu tênh

Tình sâu Hương Ngự bồng bềnh

Ai xui cò đậu phách chênh, cậu đò?

.

Thơ tặng Hạnh Lý

Đời mãi đêm biết ai mà mời đãi?

Hạnh Lý ơi đừng lạnh hí... Huế xa

Ngày mãi buồn mắt sầu theo mầu sắc

Phôi pha hồn nơi phố thị phồn hoa?

.

Ngược xuôi thế sự

Đầu năm thi tứ nằm đâu?

Sắc màu nhân thế đượm sầu mắt ai?

Ngược dòng thế sự láng lai

Lang thang nhặt lái một vài câu chơi!

.

Vô thường

 

Biết đời là sự vô thường

Hèn chi lắm kẻ mới thương đã vồ!

Biết yêu đau khổ dường mô

Khâu vàng ngọc đỏ đeo vô tay người!

.

Cõi đi về kẻ đi vòi

Đường trần thế lắm người thề trấn lột

Kẻo mai sau là một cõi đi về

Và lắm kẻ đi vòi danh với lợi

Cánh dơi đen chao lạnh mộng đêm hè

.

Tứ phương vô sự ngẩu hứng 1

Tứ phương Vô sự thành hữu sự

Kinh doanh các cụ đặt quanh dinh

Viện cớ nhu cầu lo du khách

Nhầu cu, khát nước bị thần kinh

.

Tứ phương vô sự ngẩu hứng 2

Kê đít nơi đây phà khói thuốc

Tứ phương vô sự nhấp cà phê

Phu tướng vô minh dân kinh hãi

Ngô đồng lá rớt Thái Hòa ghê!

Huế 6.2011

Phủ nội vụ mai thành dịch vụ

Bây chừ thế sự khác xưa

Món cùng đinh lại làm vua cung đình

Phủ nội vụ chốn nghiêm minh

Mai thành dịch vụ hớ hênh ôn liều

Huế 6.2011

Khỏa thân vì môi trường

Vì môi trường để mương trồi

Khỏa thân khẩn thiết xin mời bóp, thoa

Núi rừng thịt nướng rồi cha!

Trương mồi này nạc, xương, da, môi, trường…

Vũng Tàu 4.2011

.

Lá cải

Báo lá cải do đồng tiền lái cả

Đăng lộ hàng khoe các hộ làng chơi

Chuyên đặt tít giật gân thành đít tặc

Thật nhố nhăng thoái hóa suy đồi…

Huế 9.6.2011

Chuyện tình buồn

Em không còn bên anh

Khi dã quỳ ướp hương cà phê đắng

Bóng quỷ già phủ đen vườn hạnh

Em mất ngày vu quy

Tình đầy tầy đình

Yêu nhau tha thiết tình đầy

Ghét nhau làm những chuyện tầy đình thôi!

Yêu nhau môi níu bờ môi

Ghét nhau kỷ niệm đẹp bôi đen, mờ!

Viết trước trận Tây Ban Nha – Đức

(lúc 1.30 am 8.7. 2010) World Cup 2010.

 

"Tây Ban Nha - Đức dốc lòng

Bóng lăn chuẩn xác bắn long khung thành

Đường vô chung kết mỏng manh

Không vô mảnh áo đừng mong nguyên màu..."

.

Viết trước trận chung kết World Cup 2010.

Với cổ động viên Tây Ban Nha

Hà Lan đấu Tây Ban Nha

Em hây má đỏ em tà váy nâng

Ủng hộ bò tót thành công

Đội cành nguyệt quế truyền thông mọi miền

Với cổ động viên Hà Lan

Tây Ban nha đấu Hà Lan

Hà Lan cổ động hàng hàng hô la

Quyết giành cúp giúp cành hoa

Tuy-líp tươi thắm lốc da cam vàng

Huế, 0.7.2010.

.

Sân golf

Sân golf lần lượt lấn sân bay

Đồng ruộng nông dân cũng bỏ cày

Bày cỏ xanh rờn sân golf mọc

Đại gia phè phỡn gậy vung tay…

 

Huế 10.7.2011.

 

Xào nấu báo chương

Xào nấu báo chương nõ xấu nào!

Càng xào nhuận bút nhập càng cao

Còn hơn cực khổ ngồi bưng cháo

Bao chứng bệnh hành phải hụt hao!

 

Huế 14.7.2011

 

 

PHỤ LỤC:

VÕ QUÊ CHUYỂN SANG LÀM THƠ LÁI

Tô Vĩnh Hà

" Trời lụt ca nhi cũng trụt lời

Trời đong mưa lũ xuống trong đời

Vái lạy lụt tan lành váy lại

Đời cho du khách dạo đò chơi"

" Mình là thơ lái từ năm 1999 với bài đầu tiên là Trời lụt ca nhi cũng trụt lời (trời lụt nói lái thành trụt lời} nhân cơn lũ thế kỷ 1999. Nghe mình đọc bài thơ ni xong, chị em ca Huế cười khoái chí, người Huế vốn có tính tự trào mà! Hiện nay mình làm chưa nhiều thơ lái nhưng cũng cố gắng để một hai năm tới có thẻ in một tập" - đó là tâm sự của nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế về "thể loại" thơ độc đáo mà ông đang theo đuổi.

Chỉ thơ lái mới tải hết được thời sự

Võ Quê là một người đã nổi tiếng từ khi còn là sinh viên trong phong trào đấu tranh chống Mỹ những năm bảy mươi của thế kỷ trước với “chức vụ” Trưởng Khối báo chí của Tổng hội Sinh viên Huế rồi bị tù ở Côn Đảo. Sau khi đất nước giải phóng, anh đảm đương nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội LHVH-NT Thừa Thiên Huế hai nhiệm kỳ và nay đang là Đại biểu HĐND tỉnh… Thơ anh giống như tên anh, mang đậm chất của đồ̀ng quê, dân dã. Có lẽ vì thế nên có thời anh đam mê và có công thật lớn trong việc đưa ca Huế trở thành một thương hiệu quốc tế khi dẫn đoàn ca Huế đi biểu diễn ở Mỹ, Hồ̀ng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc...

Vậy mà, bây giờ Võ CityVõ Thành phố - bạn bè ở  Huế thường gọi thế, lại chuyển sang cái nghiệp biến tất cả sự đời thành thơ lái và, như Võ City tự nhận, là thớ lai – tức gần nửa là thơ, phần còn lại là…(?) – để độc giả tự bình luận!

Võ City cho biết, tại Huế trước đây có nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, người cùng thời với Ưng Bình Thúc Giạ cũng có là thơ lái nhưng cũng chưa in thành tập riêng. Nay Võ City làm thơ lái là có hai lý do là có hai lý do. Lý do thứ nhất là anh muốn tìm một nét riêng nào đấy cho khang khác một chút bởi bây giờ nhà thơ nhiều quá và nhiều bài thơ na ná giống nhau quá. Còn thứ hai là thế sự bây giờ nhiều chuyện nhiễu nhương, buồn phiền quá nên chỉ có thơ lái mới tải hết được cái chất thời sự để cười mà vẫn đau, để khóc mà khó nhận ra nước mắt và, để yêu cuộc đời hơn từ chính cái sự truân chuyên nỗi buồn của nó. Thấy tôi đòi phải có ngay một thí dụ, Võ City trầm giọng: “ Ai cũng biết Huế nghèo nên vả trộn hay mít luộc trộn là những món ăn chỉ tốn có vài ngàn. Thế nhưng, mới đây trong một bữa tiệc cung đình, có cả khách tây lẫn ta, ai ăn cũng khen ngon. Đến khi tính tiền thì mình thấy xấu hổ vì người ta tính một đĩ̃a vả hay mít trộn lên đến 10 USD! Bất ngờ quá cho cái cung cách làm du lịch đầy nộ khí chặt chém kiểu giang hồ̀, mình bỗng nhiên lái… thành thơ”. Nói rồ̀i Võ City cất giọng ngâm theo đúng mùi… ca Huế: Chừ đây thế sự khác xưa. Món cùng đinh lại thành vua cung đình.

"Quái kiệt làng thơ"

“Anh có vẻ khoái đề̀ tài du lịch?” “Ai chẳng thích lang thang. Mình đã từng nịnh vợ sau khi lang thang mút mùa bằng mấy câu: Đôi lúc tôi phóng đãng. Vợ nhà nước mắt ngấn thành ngọc. Chờ. “ Nhưng đó chưa thấy lái ở chỗ nào về̀ đề̀ tài du lịch?”. Võ City e hèm rồi ngâm nga tiếp: Goen khom (Well come) du khách để gom khoen (khoen vàng, nhẫn vàng). Khèn lơi lả điệu lắm lời khen. Dốc tận tiềm năng ngành dân tộc. Men giàu giục chị dệt mau gièn (gièn= đồ thổ cẩm).

“Nóng nhất. Theo anh, bây giờ là cái gì?” Võ Quê cười buồn. “ Nóng nhiều lắ́m. Đến mức không hiểu nổi là cái nào nóng hơn cái nào”. Tôi gợi: “Chắc là chuyện người nghèo khó sống, giá cả leo thang?” Cái gợi của tôi, xét về độ thông thái là ngang với bèo tấm giữa ao – “cao” ngang với điều ai cũng biết. Võ City thủng thẳng: “ Đề tài này mình làm nhiều vì văn nghệ sĩ như mình cũng đồ̀ng dạng với cái nghèo. Đọc vài kiểu lái nghe chơi”.

Vật giá leo thang gạo lỏng nồi

Nỗi lòng (âm Huế đọc là nổi lòng) xa xót bạn nghèo ôi.

Ngồi eo sèo với bao gian khó.

Gió khan đắng họng tái tê đời.

**

Sầu đói tóc xanh cũng sói đầu.

Cầu lon đầy gạo hãy còn lâu.

Đất tổ thiên tai làm đổ tất.

Giàu đi nghèo đến có gì đau?

Giật mình vì cái chất “thông thái bèo tấm” lúc nãy nên tôi tính “đột phá” bằng cách nhắc cho Võ City nghe lại mấy câu chuyện "lùm xùm"tiêu cực được phanh phui trên báo. Võ City nghe mà chỉ ậm ừ. Tôi biết. Nên tôi tự nâng ly, tự chúc và… chờ.

Lần vô danh lợi hại dân lành.

Tranh thùng tranh thủ mới trung thành.

Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy.

Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh.

Giọng ngâm của Võ City lần này nghe giống như nghe “Cung oán ngâm khúc”. Quả là phải bái phục tài xuất khẩu thành… thời sự!

Một khoảng lặng giống như bao khoảng lặng khác giữa chúng tôi và thơ, và đời. Tôi băn khoăn: “Nhưng chưa thấy vui mấy. Trong khi anh nói là  nghe thơ lái phải yêu đời hơn cơ mà”? Võ City lại cười cái kiểu cười của “Bên kia biên giới” – hình như là của Lê Khâm – Phan Tứ: “Muốn vui phải động đến chuyện đời thường, đừng nghĩ đến cờ thế tức là đừng nghĩ ra cái kế để tôn thờ”. Bầu trỏ (có bầu, bụng trỏ lên) nên chi phải bỏ trầu (lễ ăn hỏi). Bầu to nên mới tậu bò tâu (tiếng chệch âm Huế = bò trâu, để làm lễ cưới). Quệt má vì yêu thành quá mệt. Bầu lên hạnh phúc được bền lâu.

Thú thực là cho đến khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa hiểu hết những điều mà người nhà quê thậm xưng là người thành phố muốn chuyển tải. Có thể phải ngẫm sâu hơn chút nữa mới hiểu đủ chăng? Âu đó cũng là một “nguyên tắ́c” của thời buổi kinh tế thị trường: ta phải biết lái lại tất cả những gì mình thấy, mình nghe, mình hiểu; biết biến buồn thành vui; khổ đau thành tiếng cười để may ra, nhờ thế mới sống được một cách bình thường?

Huế, 25.4.2008

Tô Vĩnh Hà (Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế)

Thể Thao & Văn Hóa số 127 (2278), Thứ Ba 6/5/2008

VÕ QUÊ THƠ LÁI

Bùi Ngọc Long

Chưa về nhắm rượu làng Chuồn

Chưa nghe thơ lái sao buồn Võ Quê... (Ca dao mới)

Võ Quê là nhà thơ nổi tiếng từ thời phong trào sinh viên miền Nam trước 1975. Thế hệ thanh niên thời kỳ đỏ lửa ấy dường như không ai không biết bài thơ đầy tính cổ động xuống đường Thừa Phủ ơi! Lòng ta hồng biển lửa. Thế nhưng, còn có một Võ Quê nhà thơ khác, được biết đến từ sau cơn lũ 1999. Trời đất vần vũ thế nào khiến anh thích làm thơ lái. Vui lái, buồn cũng lái, lái từ nhà ra phố.

Võ Quê sinh ra ở làng Chuồn (An Truyền), xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Chuồn nổi tiếng với hai đặc sản rượu gạo và bánh khoái cá kình. Dưới thời Tự Đức, cuộc nổi dậy của nông dân lớn nhất diễn ra được sử sách ghi là "Giặc Chày vôi". Cuộc khởi nghĩa này nổ ra ở công trình Vạn Niên, ngày 16/9/1866, và tiến thẳng về kinh thành Huế nhằm lật đổ vua Tự Đức. Thủ lĩnh của cuộc nổi dậy này chính là Đoàn Trưng (Đoàn Hữu Trưng) người làng Chuồn.

Chuyện "thơ lái" Võ Quê phải chăng là phát tiết của vùng đất địa linh nhân kiệt này? Và thơ lái của anh bây giờ cũng thành đặc sản Huế, đi vào ca dao: Chưa về nhắm rượu làng Chuồn/ Chưa nghe thơ lái sao buồn Võ Quê/ Cá kình bánh khoái còn chê/ Chưa ngon đặc sản sao về hỡi anh... Thơ lái của anh mới đọc ai cũng cười, ngẫm kỹ lại thấy đau. Vì thế nên có người nói anh không phải Võ Quê mà là "Ruột Quê", và thơ lái của anh cũng được người ta gọi lái thành "thái lơ".

Năm 1999, Huế gánh chịu một cơn lũ lịch sử, cả tỉnh như một cuộc đại tang, vậy mà anh vẫn trào lộng: Trời lụt ca nhi cũng trụt lời/ Trời đong mưa lũ xuống trong đời/ Vái lạy lụt tan lành váy lại/ Đời cho du khách dạo đò chơi". Hay "Vật giá leo thang gạo lỏng nồi/ Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ôi/ Ngồi eo sèo với bao gian khó/ Gió khan đắng họng tái tê đời...

Cách đây khoảng 5 năm, Huế bỗng rộ lên những công trình vui chơi giải trí có quy mô hoành tráng, được đầu tư và khởi công xây dựng ở khu vực rừng thông cảnh quan phía tây thành phố Huế, như: Khu vui chơi giải trí hồ Thuỷ Tiên-Thiên An, Công viên nước Ngự Bình. Mọi người kháo nhau, rồi đây Huế sẽ có "Đầm Sen", "Suối Tiên" không thua chi Sài Gòn. Ngồi ở quán cà phê Võ Quê liền ứng khẩu: Công viên nước thành công viên nát (người Huế đọc âm nước thành nát)/ Hồ Thuỷ Tiên em hát ai nghe/ Mưa sa gió nổi tứ bề/ Nát đi đường nát, tiên về đường tiên. Bốn câu thơ ứng khẩu như một điềm báo. Những dự án thiếu khả thi không lâu sau đó nơi thì phá sản, nơi chịu cảnh buồn hiu vì vắng khách.

Mới đây, khi rộ lên những dự án làm mất đất canh tác của nhân dân, Võ Quê liền thơ lái rằng: Đầu tư anh đến từ đâu/ Anh mang dự án làm sầu nhân dân. Bài thơ sau đó đã được đại biểu Phạm Quốc Dũng, Nguyên Bí thư huyện uỷ Hương Thuỷ, đọc lại trước diễn đàn HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế để phản đối dự án sân golf tại địa phương. Hay như để chế diễu các quan tham thời nay, anh có thơ: Lần vô danh lợi hại dân lành/ Tranh thùng tranh thủ mới trung thành/ Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy/ Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh.

Thơ lái của anh có nhiều bài diễu các bạn văn ở Huế rất vui, nhưng ngặt nổi mỗi lần đọc lên lại có người giận, nên chúng tôi không tiện dẫn ra đây. Bởi vậy, ai gặp anh hãy... "coi chừng", người tốt cũng được anh "thái lơ" để khen mà người không tốt cũng đề phòng anh "thơ lái" cho vài câu, chết còn chưa hết giận.

Bùi Ngọc Long

(Lao Động số Xuân Miền Trung Tây Nguyên 2009)

http://www.laodong.com.vn/Home/Vo-que-tho-lai/20091/124037.laodong

VÕ QUÊ VÀ THƠ LÁI

Mai Văn Hoan

Võ Quê được nhiều người biết đến với phong trào xuống đường của học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam (1966) . Anh từng bị kẻ thù bắt và giam ở nhà tù Côn Đảo. Những tháng ngày bị đày ải, anh vẫn luôn giữ vững ý chí và niềm tin vào tương lai cách mạng. Tập Thơ Một thuở xuống đường (NXB Thuận Hoá, 2001) đã ghi lại chặng đường lịch sử ấy. Sau 1975, Võ Quê là một trong những người có công đầu trong việc phục hồi và phát triển nghề ca Huế trên sông Hương. Anh cũng đã xuất bản hàng chục tập thơ. Những năm gần đây, ở Huế lưu truyền một số bài “thơ lái” khá độc đáo của anh.

 

Võ Quê không phải là người đầu tiên làm thơ lái. Ngay từ thời Trung đại, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã nổi tiếng với một số câu thơ lái hết sức quái kiệt, đáo để, như : “Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo” hay “Trái gió cho nên phải lộn lèo”... Ở Huế, thời Pháp thuộc có cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi cũng là một cây “lái thơ” khá nổi tiếng. Trong dân gian vẫn lưu truyền một số câu thơ lái hết sức dí dỏm và sâu sắc của cụ. Chẳng hạn như : “Cầu đạo nên chi phải cạo đầu”, “Nhắn bạn lên non đừng bắn nhạn”, “Công khó chờ nhau biết có không”, “Trông đời chỉ thấy cảnh trời đông”... Và đặc biệt là câu : “ Thầy tu mô Phật cũng thù Tây”. Sau khi cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi mất (1966), thơ lái tưởng như “đứt mạch”. Thời Bình Trị Thiên một số nhà thơ như Xuân Hoàng, Văn Lợi... chỉ nói lái trêu đùa nhau cho vui mà thôi. Tôi còn nhớ một vài câu, đại loại như : “Đi Cửa Lò bị cò lừa, bác Hà Sâm suýt hầm sa” ; “Đi phong trào được trao phòng” ; “Ăn cháo lòng, chống gió Lào”; LTM có bài thơ Những mùa trăng mong chờ khá nổi tiếng, các anh lái thành Những mùa trăng mơ chồng ; bài Trăng mùa đông của tôi thời ấy gửi báo nào cũng không thấy in, các anh đổi thành Trông mùa đăng...

Theo nhà thơ Võ Quê cho biết thì mãi đến năm 1999 anh mới làm thơ lái. Đó là năm mà tỉnh Thừa Thiên Huế bị một trận lụt thế kỷ. Thấy chị em làm nghề ca Huế trên sông Hương phải ngưng hoạt động trong một thời gian khá dài để chống chọi và khắc phục hậu quả của trận lụt thế kỷ ấy, nhà thơ bèn làm một bài thơ lái để đùa vui:

Trời lụt ca nhi cũng trụt lời

Trời đong mưa lũ xuống trong đời

Vái lạy lụt tan lành váy lại

Đời cho du khách dạo đò chơi.

Cái tài của tác giả là sử dụng cách nói lái rất tự nhiên và rất phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng của các ca sĩ lúc đó. Nghe Võ Quê đọc, chị em không nhịn được cười. Bài thơ lái ấy của Võ Quê không cánh mà bay. Chỉ mấy hôm sau, trong các quán cóc, quán cà phê vỉa hè người ta đọc chuyền nhau : Trời lụt ca nhi cũng trụt lời... Thành công bất ngờ ấy đã khích lệ tác giả, làm thức dậy tiềm năng sáng tác thơ lái của anh . Võ Quê lần lượt “xuất bản bằng miệng” một loạt bài thơ lái cũng dí dỏm, sâu sắc chẳng thua gì tiền nhân Thảo Am Nguyễn Khoa Vi.

So với một số thành phố khác trên cả nước thì Huế vẫn còn nghèo. Người Huế tự trào “Huế thơ, Huế mộng, Huế tòng bọng hai đầu”. Nghèo nhất vẫn là dân vạn đò, những người đạp xích lô, xe thồ... Có người “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Hơn ai hết, Võ Quê hết sức thông cảm với hoàn cảnh đói nghèo của họ, nhất là khi đồng tiền làm ra thì khó mà vật giá cứ ngày một “leo thang” :

Vật giá leo thang gạo lỏng nồi

Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ơi

Ngồi eo sèo với bao gian khó

Gió khan đắng họng tái tê đời

Cái độc đáo của bài thơ này là tác giả sử dụng kiểu lái bắc cầu, xoáy trôn ốc : hai chữ cuối câu đầu lái với hai chữ đầu câu hai, hai chữ cuối câu hai lái với hai chữ đầu câu ba, hai chữ cuối câu ba lái với hai chữ đầu câu bốn. (khác với kiểu lái trong từng câu mà cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi vẫn làm). Kiểu lái bắc cầu xoáy trôn ốc này cực khó, phải là bậc “cao thủ” mới làm được.

Đây là nỗi lòng của dân chúng khi giá xăng dầu tăng vọt :

Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu

Đầu tiên trăn trở bạc tiền đâu

Giật gấu vá vai theo vật giá

Thâu đêm nhức nhối nghĩ thêm đau

Không chỉ cảm thông với những người dân lao động nghèo khổ, Võ Quê còn sử dụng thơ lái để chống tiêu cực. Anh biến thơ lái thành một thứ vũ khí hết sức sắc bén đánh vào bọn tham nhũng :

Lần vô danh lợi hại dân lành

Tranh thùng, tranh thủ mới trung thành!

Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy

Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh

Ở bài thơ trên, ngoài những cặp lái : tranh thùng - trung thành, đầy tớ - tờ đấy, giành nhau - giàu nhanh, tác giả còn sử dụng một loạt các phụ âm t, tr, th ở câu thứ hai và thứ ba tạo nên âm điệu rất đặc biết. Những thủ đoạn : tranh thùng (tranh phiếu), tranh thủ (nịnh bợ)... của bọn tham nhũng được tác giả lột trần không chút e dè, ngần ngại. Bọn chúng là một lũ thoái hoá, biến chất :

Biến chất điếm đàng đi chiếm đất

Cánh đồng xoang bởi Kuán Đồng Xanh

Hối mại chức quyền gieo mối hại

Lanh mưu thoái hóa thật lưu manh!

Hầu hết thơ lái xưa nay đều sử dụng hình thức lái đôi (cặp hai chữ), ở bài thơ trên Võ Quê đã mạnh dạn thử nghiệm hình thức lái ba (cặp ba chữ) : “cánh đồng xoang” - “quán đồng xanh”.Làm thơ với kiểu lái ba này cũng cực khó. Nếu tôi không nhầm thì nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ sử dụng một lần duy nhất kiểu lái cặp ba này trong bài thơ Quán Sứ : Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo.

Thơ lái Võ Quê không chỉ sâu sắc, thâm thuý mà còn rất hóm hỉnh. Đây là bài thơ lái anh làm để trêu những cặp trai gái lỡ “ăn cơm trước kẻng” :

Bầu trỏ hèn chi phải bỏ trầu

Bầu to nên mới tậu bò trâu

Quệt má vì yêu nên quá mệt

Bầu lên hạnh phúc được bền lâu

“Bầu trỏ” là mới có thai nên phải làm đám hỏi (bỏ trầu). “Bầu to” là cái thai ngày một lớn nên phải làm đám cưới (tậu bò trâu). Lỡ “quệt má”- nghĩa là lỡ làm cái chuyện ấy nên phải lo đám hỏi, đám cưới “quá mệt” là phải. Nhưng cái thai càng lớn thì hạnh phúc càng “bền lâu”. Đằng sau tiếng cười nhẹ nhàng là quan niệm rất nhân văn về tình yêu và hạnh phúc của tác giả.

Võ Quê còn làm thơ lái đùa các bợm rượu :

Một chai mai chột, coi chừng!

Nhị chai nhai chị tưng tưng ngà ngà

Ba chai là bai nghe cha!

Bốn chai cẩn thận kẻo mà bái chôn

Ngũ chai ngai chủ hùng hồn

Sáu chai sai cháu bếp cồn luộc tôm!

Bài thơ này là một thể nghiệm nữa của Võ Quê. Hồ Xuân Hương, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi chỉ làm thơ lái theo thể đường luật và hầu hết là thất ngôn tứ tuyệt. Võ Quê mạnh dạn chuyển thơ lái sang thể lục bát. Bài thơ trên có tới 12 câu, câu nào cũng có cặp lái đôi. Quy luật lái khá linh hoạt. Câu một, câu hai, câu năm, câu sáu là những cặp lái đôi liền nhau. Câu ba, vế thứ hai được tách ra nằm xen giữa chữ “là” và “nghe” : ba chai - bai cha. Câu thứ tư, tác giả đột ngột chuyển sang lái cách (hai chữ đầu lái với hai chữ cuối). Ở câu kết lẽ ra không được dùng vần “ôm” ở chữ thứ tám vì nó vần thông với chữ thứ sáu, nhưng vần “ôn” và “ôm” đặt cạnh nhau nghe rất ngộ nghĩnh. Bởi thế mà tác giả đã mạnh dạn phá lệ. Ngồi trong chiếu rượu mà đọc bài thơ lái này không ai có thể nhịn được cười. Những lời nhắc nhở các bợm rượu thật dí dỏm mà cũng thật chí tình, chí lý.

Cuối năm ngoái, đầu năm nay, chị Tiểu Kiều (vợ nhà thơ) không may lâm bệnh hiểm nghèo, các cháu đang công tác xa, một mình nhà thơ vừa chăm sóc vợ vừa làm công việc nội trợ. Cứ ngỡ anh không còn tâm trí, thời gian để “lái thơ” nữa. Vắng thơ lái Võ Quê, dân quán cóc, quán cà phê vỉa hè cảm thấy thiêu thiếu một cái gì. Không biết ai đó đã than rằng : Chưa về nhắm rượu làng Chuồn / Chưa nghe thơ lái sao buồn Võ Quê (làng Chuồn nổi tiếng rượu ngon là quê của anh). Có lẽ hiểu được tâm trạng chờ đợi của của người hâm mộ, Võ Quê lại tiếp tục Tự trào bằng thơ lái :

Cuối năm cắm cúi chăm nuôi vợ

Đầu năm mong vợ hết nằm đau

Số phận an bài ai bàn nữa!

Câu thơ Xuân đó có buồn đâu…

Và :

Vợ chồng là phải vọng chờ

Dạo một vòng chợ nên thơ vợ chồng

Trong khó khăn, vất vả anh vẫn vui đùa, tếu táo :

Cuộc đời thành một trò chơi

Khổ đau hạnh phúc là trời cho ta

Thơ lái cũng là một “trò chơi” mà “trời” đã ban cho Võ Quê. Bởi vì không phải bất cứ ai cũng làm được thơ lái vừa thông minh vừa hóm hỉnh vừa thâm trầm như anh.

Huế. 4. 2010

Mai Văn Hoan

Tiền Phong số ra ngày 24. 7. 2010.

http://www.tienphong.vn/Van-Hoa/193577/Vo-Que-va-tho-lai.html

***

VÕ QUÊ THƠ LÁI

Bùi Ngọc Long

Chưa về nhắm rượu làng Chuồn

Chưa nghe thơ lái sao buồn Võ Quê... (Ca dao mới)

Võ Quê là nhà thơ nổi tiếng từ thời phong trào sinh viên miền Nam trước 1975. Thế hệ thanh niên thời kỳ đỏ lửa ấy dường như không ai không biết bài thơ đầy tính cổ động xuống đường Thừa Phủ ơi! Lòng ta hồng biển lửa. Thế nhưng, còn có một Võ Quê nhà thơ khác, được biết đến từ sau cơn lũ 1999. Trời đất vần vũ thế nào khiến anh thích làm thơ lái. Vui lái, buồn cũng lái, lái từ nhà ra phố.

Võ Quê sinh ra ở làng Chuồn (An Truyền), xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Chuồn nổi tiếng với hai đặc sản rượu gạo và bánh khoái cá kình. Dưới thời Tự Đức, cuộc nổi dậy của nông dân lớn nhất diễn ra được sử sách ghi là "Giặc Chày vôi". Cuộc khởi nghĩa này nổ ra ở công trình Vạn Niên, ngày 16/9/1866, và tiến thẳng về kinh thành Huế nhằm lật đổ vua Tự Đức. Thủ lĩnh của cuộc nổi dậy này chính là Đoàn Trưng (Đoàn Hữu Trưng) người làng Chuồn.

Chuyện "thơ lái" Võ Quê phải chăng là phát tiết của vùng đất địa linh nhân kiệt này? Và thơ lái của anh bây giờ cũng thành đặc sản Huế, đi vào ca dao: Chưa về nhắm rượu làng Chuồn/ Chưa nghe thơ lái sao buồn Võ Quê/ Cá kình bánh khoái còn chê/ Chưa ngon đặc sản sao về hỡi anh... Thơ lái của anh mới đọc ai cũng cười, ngẫm kỹ lại thấy đau. Vì thế nên có người nói anh không phải Võ Quê mà là "Ruột Quê", và thơ lái của anh cũng được người ta gọi lái thành "thái lơ".

Năm 1999, Huế gánh chịu một cơn lũ lịch sử, cả tỉnh như một cuộc đại tang, vậy mà anh vẫn trào lộng: Trời lụt ca nhi cũng trụt lời/ Trời đong mưa lũ xuống trong đời/ Vái lạy lụt tan lành váy lại/ Đời cho du khách dạo đò chơi". Hay "Vật giá leo thang gạo lỏng nồi/ Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ôi/ Ngồi eo sèo với bao gian khó/ Gió khan đắng họng tái tê đời...

Cách đây khoảng 5 năm, Huế bỗng rộ lên những công trình vui chơi giải trí có quy mô hoành tráng, được đầu tư và khởi công xây dựng ở khu vực rừng thông cảnh quan phía tây thành phố Huế, như: Khu vui chơi giải trí hồ Thuỷ Tiên-Thiên An, Công viên nước Ngự Bình. Mọi người kháo nhau, rồi đây Huế sẽ có "Đầm Sen", "Suối Tiên" không thua chi Sài Gòn. Ngồi ở quán cà phê Võ Quê liền ứng khẩu: Công viên nước thành công viên nát (người Huế đọc âm nước thành nát)/ Hồ Thuỷ Tiên em hát ai nghe/ Mưa sa gió nổi tứ bề/ Nát đi đường nát, tiên về đường tiên. Bốn câu thơ ứng khẩu như một điềm báo. Những dự án thiếu khả thi không lâu sau đó nơi thì phá sản, nơi chịu cảnh buồn hiu vì vắng khách.

Mới đây, khi rộ lên những dự án làm mất đất canh tác của nhân dân, Võ Quê liền thơ lái rằng: Đầu tư anh đến từ đâu/ Anh mang dự án làm sầu nhân dân. Bài thơ sau đó đã được đại biểu Phạm Quốc Dũng, Nguyên Bí thư huyện uỷ Hương Thuỷ, đọc lại trước diễn đàn HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế để phản đối dự án sân golf tại địa phương. Hay như để chế diễu các quan tham thời nay, anh có thơ: Lần vô danh lợi hại dân lành/ Tranh thùng tranh thủ mới trung thành/ Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy/ Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh.

Thơ lái của anh có nhiều bài diễu các bạn văn ở Huế rất vui, nhưng ngặt nổi mỗi lần đọc lên lại có người giận, nên chúng tôi không tiện dẫn ra đây. Bởi vậy, ai gặp anh hãy... "coi chừng", người tốt cũng được anh "thái lơ" để khen mà người không tốt cũng đề phòng anh "thơ lái" cho vài câu, chết còn chưa hết giận.

Bùi Ngọc Long

(Lao Động số Xuân Miền Trung Tây Nguyên 2009)

http://www.laodong.com.vn/Home/Vo-que-tho-lai/20091/124037.laodong

NHÀ THƠ VÕ QUÊ

LÀM THƠ LÁI MÙA WORLD CUP 2010

(TT&VH) - Ông cựu Chủ tịch Hội LHVHNT Thừa Thiên - Huế này vốn nổi tiếng về những vần thơ “lái”, tức là sử dụng nghệ thuật nói lái để tạo nên sự chơi chữ đầy thú vị trong những câu thơ.

Bài thơ lái nổi tiếng của ông là bài mô tả cảnh Huế lụt lội năm 1999: Trời lụt ca nhi cũng trụt lời/ Trời đong mưa lũ xuống trong đời/ Vái lạy lụt tan lành váy lại/ Đời cho du khách dạo đò chơi. Nhân dịp World Cup này ông vừa gửi đến TT&VH chùm “Thơ lái” mùa World Cup 2010, viết trước trận chung kết Tây Ban Nha - Hà Lan. Võ Quê vốn nổi tiếng khi chơi chữ kiểu “nói lái” ở trong thơ. Những chữ in đậm trong hai bài thơ dưới đây được tác giả “cố tình... nói lái” (đó là những chữ in đứng trong bài như: hà - tây (câu đầu) với hây - tà (câu 2); thành công (câu 3) với cành - thông (câu 4)...

Lan đấu Tây Ban Nha

Em hây má đỏ, em váy nâng

Ủng hộ bò tót thành công

Đội cành nguyệt quế truyền thông mọi miền


(Với cổ động viên Tây Ban Nha)

Tây Ban Nha đấu Hà Lan

Hà Lan cổ động hàng hàngla

Quyết giành cúp giúp cành hoa

Tuy - líp tươi thắm lốc da cam vàng

(Với cổ động viên Hà Lan)

Thanh Kiều

Thể Thao & Văn Hóa số ra ngày 12. 7. 2010

http://www.thethaovanhoa.vn/130N20100712055528822T176/nha-tho-vo-que-lam-tho-lai%E2%80%99-mua-world-cup.htm


 

 

Tranh Bửu Chỉ

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.