THƠ VIẾT Ở CÔN ĐẢO (7.5.1972 - 27.1.1973)
- Details
- Category: Thơ
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5325
Trại giam tù tử hình - Ký họa Đặng Mậu Triết
“… Hoàn cảnh của những nhà thơ – chiến sĩ như Võ Quê khắc nghiệt quá… Thế hệ Võ Quê đã làm đẹp thêm truyền thống bất khuất của dòng thơ yêu nước của dân tộc. Thể xác của các anh có thể bị gông xiềng nhưng tư rưởng, tình cảm của các anh thì không ngục tù nào có thể giam hãm được. Không có giấy, các anh viết trên lá. Thiếu bút, các anh dùng que nhọn, kim sắt. Chính vì thế thơ các anh thực sự tự do…”
GS TRẦN HỮU TÁ
*
CHO NGƯỜI BẠN TÙ SƠ SINH
Bé vào tù ngày chưa được nằm nôi
Như chú chuột con đỏ lòm trong tay mẹ
Ngục tù bắt em sống đời nô lệ
Mẹ dạy em bài học quê hương
Bằng bài ca xé nát những bức tường
Cuốn rào kẽm
Chỉ còn hoa tim tím
.
Hoa tim tím một khung trời rụng lớn
Bé thơ ơi!
Đừng khóc để lòng vui
Vắt cơm tù không mặn bờ môi
Bé ngậm đỡ
Ngày mai ta trả lại
Giặc cùng đường
Giặc giam ta đói
Nhưng sợ gì lòng ái quốc ta no
Đêm nay mẹ cất tiếng hò
Vẳng trong lời mẹ con đò đưa quân
Đò đưa quân đưa mùa xuân trở lại
Dòng sông lành mát mái chèo mau
Những dòng sông những nhịp cầu
Nối liền Nam Bắc một màu Bắc Nam
.
Ngủ đi bé thơ
Đời xanh tươi lắm
Ngoài cánh cửa đề lao
Trời cao và rộng
Trên mái nhà tù
Gió lộng trăng thanh
Gió lộng trăng thanh em lành giấc ngủ
Đợi ba về mở cửa tự do
Đêm đêm mẹ lại khoan hò
Đọc trong lời mẹ nghìn pho sử hồng.
7-5-1972, trên tàu ra Côn Đảo.
LỤC BÁT CÔN ĐẢO
CẦU TÀU
Chênh vênh đá tắm máu người
Biển xao sóng vỗ trao lời nước non
Đường vào địa ngục trần gian
Dẫu trong nỗi chết giữ tròn hiếu trung.
XÀ LIM
Mịt mù một vuông trời xa
Tường loang máu rệp vẽ hoa trong tù
Đôi chân vướng nặng xích tù
Mà trăng sao mọc lên từ trái tim.
CHUỒNG CỌP
Nửa khuya lòng đất cựa mình
Tiếng kêu dậy đất xé thành đá cao
Lời ca hùng tráng tự hào
Vượt lên trái đất bay vào tự do.
NGHĨA ĐỊA HÀNG DƯƠNG
Nhấp nhô lớp lớp mồ xanh
Khói hương là bóng mây lành chiều sa
Chim rừng hót vọng tình nhà
Lời ca chị Sáu mượt mà hàng dương.
MA THIÊNG LÃNH
Sương giăng lũng thấp chập chùng
Đêm Ma thiêng lãnh hồn rừng về theo
Xác người xưa đắp chân đèo
Máu tù xưa thắm cờ đào hôm nay.
HANG ĐÁ LẠNH
Vượn kêu ngàn lá xạc xào
Đoạn trường từng khúc ruột đau cách vời
Thù sâu thăm thẳm khôn nguôi
Hang sâu nuôi chí lớn người tù xa.
SỞ CỦI BẾN ĐẦM
Rừng sâu trăm suối độc tuôn
Giặc thù chắn lối cạn nguồn hồi sinh
Rìu vang rừng động bãi ghềnh
Trăm năm xương trắng in hình đảo mâ .
CƠM TÙ
Chắc chiu nhai hạt cơm đen
Mắm bùn khô đắng nước phèn là canh
Đón thù môi mặn máu tanh
Nuốt đau thương nguyện giữ lành lòng son.
KIỀNG TÙ
Âm ba rờn rợn oan thù
Nửa đêm kiềng vọng trăng mù khơi xa
Lưới thù bủa kín hồn ta
Không ngăn được giấc mơ hoa đêm tù.
ĐẤU TRANH
Ruồi bay quanh khạp cơm khô
Khói cay giặc xé đôi bờ mi cay
Ngoài sân ngục rộn tiếng giày
Hầm giam tiếng hát lên đầy niềm tin.
Côn Đảo 1972
HAI NGƯỜI BẠN
Dìu nhau trên ngục đảo
Đôi mái đầu xanh xanh
Lá bàng rơi vướng áo
Mắt sao trời long lanh
.
Hai người tù thiếu nữ
Hồn nhiên hơn chim rừng
Cất tiếng ca thánh thót
Quên nhứt buốt đôi chân
Sau những ngày cùm xích
Cùm xích không thắng được
Lòng yêu nước trong em
Cùng con tim đỏ máu
Và khối óc căm hờn
.
Bước mạnh lên bạn hí!
Tựa đầu vào vai mình
Mai ta về thành Huế
Nhìn lại giòng Hương xanh
Thuyền ta xuôi Vỹ Dạ
Đò mẹ ngược Kim Long
Hòa bình cờ đỏ phố
Núi Ngự rợp mây hồng…
.
Áo bạn sờn vai đó
Ngồi xuống vá đây thôi
Những mảnh hồn bất khuất
Những trang đời sục sôi…
.
Nỉ non lời tâm sự
Hai cô gái sông Hương
Nở hoa hồng hạnh phúc
Trên môi cười dễ thương.
Côn Đảo 1972
BÀI HỌC NGỤC TÙ
Không viết trọn những trang bài mực tím
Cô nữ sinh thành Huế - sông Hương
Tóc sớm rơi trên mặt đất Côn Sơn
Từng sự biếc – đời lao tù thiếu thốn
Bụng chẳng no cơm, áo chằm phai mảng lớn
Những – trang – bài – thực tế của quê hương
Em biến khám sâu thành một mái trường
Máu làm mực viết nên lời đanh thép
Chân em bại trước hành lang tập bước
Em thì thầm tự nhủ: tiến lên!
Đôi chân em có sức mạnh ngàn cân
Chân em mạnh kẻ thù kia mới sợ
Trời đây ráng mây chiều pha máu đỏ
Của oan hồn? Không của triệu triệu anh linh
Quên đời mình cho Tổ quốc quyết sinh
Màu máu đỏ dạy em bài “quyết tử”
Em nhớ Huế, nhớ con đò Thừa Phủ
Áo lụa ngà trăng trắng nón nghiêng duyên
Em nhẹ nhàng vươn mười ngón tay tiên
Bướm trắng truyền đơn trắng trong phố trắng
Chuyện ngày ấy em ơi còn mãi sống
Trong tim em một đóa mặt trời quay
Vì hạnh phúc ngày mai tim rướm máu hôm nay
Và hạnh phúc em ơi phải đong bằng nước mắt
Lệ - cường – toan ta đốt tan cửa ngục
Áo vá quàng ta chắp cánh loài chim
Cơm tù khô mắm tù đắng vô vàn
Ta cô đọng uất hờn lên chót lưỡi
Ngày tổ quốc vinh quang đang dần tới
Bài học ngục tù em nhớ dở qua trang
Ngày em về thành Huế nở mai vàng
Cả nước chào em cô gái tù Côn Đảo.
Côn Đảo, 1972
MẸ CÔN ĐẢO
Nước mắt mẹ mẹ luyện thành a xít
Đốt nhà tù cháy ngục phá xiềng gông
Căm hờn là những mũi chông
Trái tim mẹ nở hoa hồng mẹ ơi!
Tiếng hát mẹ mẹ biến thành tên lửa
Ngập tim thù vỡ mộng xâm lăng
Cho con chấp cánh chim bằng
Trong đêm rực lửa, trên lòng ngời sao
Cõi lòng mẹ bao dung biển núi
Mẹ hy sinh cho dòng sống quê hương
Ví dầu biển động sóng cuồn
Đôi bàn tay mẹ cánh buồm thong dong
Tròn đời mẹ một bài thơ đẹp
Sáng sao trời lấp lánh trăm phương
Ngục tù không hết sắc hương
Nghe trong lời mẹ ngân muôn tiếng đàn
Môi trầu mẹ nụ cười thơm bông lúa
Đàn cò bay trắng cánh ân tình
Đêm tù mơ lúa đồng xanh
Thì thầm mẹ gọi Hòa Bình trên mơ.
Côn Đảo, 1972
TẶNG BÉ
(tặng Hồng Minh – Nam Hà)
Ta tặng bé bài thơ từ Côn Đảo
Nhớ bé hồn nhiên như chú chim rừng
Mỗi sáng mai về trên sân ngục
Con sáo mỏ vàng nhí nhảnh đôi chân
Nhớ chi lạ tiếng ca của bé
Hát trong chiều phố Huế mù sương
Ta nghe ấm lòng ta dù mưa lạnh
Hay ngục tù hằn lên vết thương
Mẹ của bé ngày ngày ta vẫn gặp
Nụ cười tươi và mái tóc xanh
Mẹ nhắc bé mà thương da diết
Sau cửa tù đôi mắt mẹ long lanh
Nhớ da diết bài thơ bé viết
Có Trường Sơn và chú giải phóng quân
Người chiến sĩ tí hon mơ ước
Tải đạn về thành lập nhiều chiến công
Bé ơi bé Huế chừ vui lắm?
Sao ta nghe tiếng pháo về gần
Mẹ cũng thấy mùa xuân phơi phới
Cờ sao bay rợp cửa hoàng thành
Ta tặng bé một trời mây sơn đảo
Có lòng ta trải rộng nhớ thương về
Ta tặng bé một biển xanh biêng biếc
Có nụ cười theo sóng nước tình quê
Bé nhớ chải tóc xanh mềm óng mượt
Dẻo đôi tay trong điệu múa hòa bình
Vui bé nhỉ quê ta ngày thống nhất
Ta làm rừng và bé sẽ làm chim
Ta trao bé giấc mơ hồng cháy bỏng
Món quà xuân từ Côn Đảo bay về
Bé nhớ giữ câu thơ và tiếng hát
Rất trong ngần chan chứa hồn quê
Ngày về Huế không còn xa mô bé
Mẹ sẽ mừng con mẹ lớn khôn ra
Người chiến sĩ tí hon chừ lớn hẵn
Cao hơn rừng về giải phóng quê ta.
Côn Đảo, 1972
NHẮN VỀ QUÊ TA TRỊ THIÊN
Ai về Quảng Trị Thừa Thiên
Cho ta gởi gió Côn Sơn về cùng
Gió Côn Sơn lạnh lùng biết mấy
Đêm trong tù nỏ thấy trăng sao
Căm hồn rực lửa trời cao
Cờ quân giặc gãy hôm nào thảm thương
Ai về thành Huế quê hương
Cho ta gởi vắt cơm đen ơi người
Vắt cơm đen một đời áp bức
Chút mắm bùn sằn sặc cơn ho
Nhớ lời mẹ dặn ngày xưa
Cơm tù nuôi lớn hồn thơ anh hùng
Ai về qua những dòng sông
Cho ta gởi áng mây hồng chiều hôm
Mây bay nước chảy về nguồn
Lòng quê một khối vuông tròn thủy chung
Ai về đất nước miền Trung
Trường Sơn trùng điệp nuôi dân giết thù
Nhắn dùm ngục đảo thâm u
Đợi ngày giải phóng mùa thu nắng vàng
Nhắn người em gái hiền ngoan
Nhanh chân tải đạn theo đoàn quân xa
Mỗi dấu chân mỗi đóa hoa
Đẹp hồng tươi thắm lá cờ lộng hương
Ví dầu tù ngục đau thương
Máu ta và thịt liền xương ngời ngời
Biển có cạn núi có dời
Trái tim cách mạng đời đời không tan
Đêm đêm hồn nở hoa vàng
Chào người thành Huế huy hoàng chiến công.
Côn Đảo, 1972
GỞI NGƯỜI EM GÁI Y KHOA
Ngoài Côn Đảo nghe tin em trong nớ
Đã vào trường đại học Y khoa
Vui rứa em ơi hạnh phúc không ngớ
Em đã chọn con đường đẹp nhất
.
Ngày còn bé em hằng mơ ước
Dùng đôi tay hàn gắn vết thương đời
Đem tình yêu muôn thuở gởi muôn nơi
Tổ quốc quê hương, loài người tất cả…
.
Hình dung em chiếc áp choàng trắng xóa
Trắng như tấm lòng trong trắng bao dung
Đi vào đời không ngần ngại đôi chân
Khối óc con tim em dâng xã hội
Xã hội cho em những luồng gió mới
Mẹ cho em mắt biếc môi hồng
Mái tóc dài con suối chảy triền lưng
.
Ơi em gái nhớ bước tròn nhịp bước
Hơi thở em hòa hơi thở quê nhà
Bom đạn thù còn banh thịt dân ta
Bàn tay em còn luyện đều dao phẩu
Tinh thần em còn không ngừng chiến đấu
Trước kẻ thù xảo trá điêu ngoa
Chối bỏ vàng son hào nhoáng chói lòa
Em quyết sống vì đời người lao động
Ruộng lúa dòng sông áo em gió lộng
Xóm thôn nào cũng đẹp bước chân em
Đẹp vô cùng hoa nở trong tim
Trong tim em mùa xuân hồng mới
Lá đổ sân tù lòng anh phơi phới
Thương dạt dào ơi em gái ta ơi!
Côn Đảo, 1972
BÀI HỌC NGỤC TÙ
Không viết trọn những trang bài mực tím
Cô nữ sinh thành Huế - sông Hương
Tóc sớm rơi trên mặt đất Côn Sơn
Từng sợi biếc – đời lao tù thiếu thốn
Bụng chẳng no cơm, áo chằm phai mảng lớn
Những – trang – bài – thực tế của quê hương
Em biến khám sâu thành một mái trường
Máu làm mực viết nên lời đanh thép
Chân em bại trước hành lang tập bước
Em thì thầm tự nhủ: Tiến lên!
Đôi chân em có sức mạnh ngàn cân
Chân em mạnh kẻ thù kia mới sợ
Trời đây ráng mây chiều pha máu đỏ
Của oan hồn? Không! Của triệu triệu anh linh
Quên đời mình cho Tổ quốc quyết sinh
Màu máu đỏ dạy em bài “quyết tử”
Em nhớ Huế, nhớ con đò Thừa Phủ
Áo lụa ngà trăng trắng nón nghiêng duyên
Em nhẹ nhàng vươn mười ngón tay tiên
Bướm trắng truyền đơn trắng trong phố trắng
Chuyện ngày ấy em ơi còn mãi sống
Trong tim em một đóa mặt trời quay
Vì hạnh phúc ngày mai tim rướm máu hôm nay
Và hạnh phúc em ơi phải đong bằng nước mắt
Lệ - cường – toan ta đốt tan cửa ngục
Áo vá quàng ta chắp cánh loài chim
Cơm tù khô mắm tù đắng vô vàn
Ta cô đọng uất hờn lên chót lưỡi
Ngày tổ quốc vinh quang đang dần tới
Bài học ngục tù em nhớ dở qua trang
Ngày em về thành Huế nở mai vàng
Cả nước chào em cô gái tù Côn Đảo.
Côn Đảo, 1972
GỞI ANH NGƯỜI TÙ HẦM ĐÁ
Anh ơi gượng nhẹ bàn chân
Ngồi lên nghe tiếng chim rừng xôn xao
Mùa xuân đến tự hôm nào
Rừng thay áo mới cờ đào ta bay
Quê ta cả nước đêm này
Mừng tin thắng trận vui ngày giặc thua
Bom bi bom lửa bom đìa
Lúa ta vẫn mọc ngàn tia nắng vàng
Máy bay giặc vỡ tan hoang
Em thơ lại có vô vàn đồ chơi
Đạn ta đan lưới đầy trời
Tinh thần ta vững xanh tươi hương lòng
Anh ơi! Anh có nghe không?
Việt Nam đại thắng thành công loài người
Đường xưa vàng đóa hoa mai
Vườn xưa hoa nở hồng tươi hoa hồng
Quê ta nhất định hòa bình
Ngục tù phá vỡ xây thành trường vui
Xà lim, Chuồng cọp tan rồi
Côn Sơn tiếng hát mở trời tương lai
Biển đông tiếp sóng chân trời
Lời ca chị Sáu mừng người tự do.
Côn Đảo, 12-72
SÓNG VỠ
Sóng vỡ ngày đêm sóng ngoan cường
Cuốn phăng bạo lực xóa đau thương
Lời chú lời anh vang dậy đảo
Tiếng nói tuyệt vời lộng gió hương
Giặc thất bại rồi, giặc bắt ta
Đói cơm đói nước lạnh xương da
Nhưng lòng yêu nước ta không đói
Nên trái tim hồng vẫn nở hoa
Trăng ngủ ngọt ngào trong mắt anh
Xà lim vang khúc nhạc oai hùng
Bài ca xông trận mùa Thu trước
Xác giặc phơi đầy máu đỏ sông
Anh nợ! Quê mình đang thắng lớn
Nhà mình bông điệp nở đầy sân
Ngày mai còng sắt thành tro bụi
Mẹ đón anh về đẹp bước chân
Sóng vỡ Côn Sơn vỡ ngục rồi
Hằng khuya rầm rập giọng kêu đòi
Giặc run giặc sợ buông tay súng
Các chú các anh thắm môi cười
Phất phới cờ xanh xanh mái khám
Sao trời lấp lánh một trời sao
Xã hội thiên đường ta mở lối
Anh hí! Quê mình xinh biết bao!
Côn Đảo 12-12-1972
MÓN QUÀ CÔN ĐẢO
Hạt cơm tù ta kết lại thành thơ
Gởi cho em món quà Côn Đảo
Thơ ta viết những ngày dài thiếu gạo
Mười mấy ngàn tù cả đảo đấu tranh
Từng đêm khi nghe tiếng kiểng đồn canh
Gió rừng vội hùng hồn cùng nhạc sóng
Tiếng yêu cầu hô la thành nhịp trống
Thức ba quân Nguyễn Huệ nhập kinh thành
Côn Đảo bừng bừng khí thế nhân dân
Đòi thống nhất, chống bạo quyền áp bức
Đòi cơm áo, đòi tự do, độc lập
Chốn lao tù vì tổ quốc hy sinh!
Thơ ta viết bằng con tim vàng ngọc
Mẹ đã cho máu đỏ rất tinh anh
Cha tôi luyện nên nguồn sinh lực mới
Quyết vì đời người lao động quang vinh
Em có biết trời đây mưa bão dậy
Để quật cường cùng sức mạnh tù nhân
Gió mang xa vạn lời anh phản đối
Bão truyền đi tiếng mẹ giục hờn căm
Ơi em gái quê nhà thương mến ấy!
Đừng một giây quên thù hận quân thù
Nhớ bắn trúng đích hồng tâm lũ giặc
Chiến công nào cũng hừng hực rừng thu
Như thơ anh đang ngày đêm vót sắc
Mỗi dòng xanh là mỗi mũi tên
Mỗi âm thanh là mỗi tiếng pháo rền
Nguyền nhả xuống đầu thù tan tác vỡ
Món qua thơ em ơi sao bé nhỏ
Mong em vui và phấn khích tâm hồn
Dù thiếu gạo cơm tù không no đủ
Nhưng hồn thơ đầy ắp nước non…
Côn Đảo, 15-12-1972.
CHỊ ƠI HOA HỒNG NỞ
Chị ơi cách mạng về rồi
Thuyền ta ghé bến cho người sang sông
Ngục tù đang trỗ mùa bông
Lúa thơm hương cốm vàng đồng quê ta
Chim rừng vỗ cánh tự do
Bao năm gian khổ, một giờ vinh quang
Gặp nhau thoáng chốc vội vàng
Mà răng thương mến như ngàn năm xa
Chị em em chị một nhà
Đọc trong mắt chị trăm pho sử hồng
Chừ chừ cách mạng thnahf công
Chị ơi! Em chị nghe lòng bâng khuâng
Ngày mai em, chị hiệp đồng
Bàn tay lao động không ngừng nở hoa.
Côn Đảo, 15.12.1972.
LỜN VÔ CÙNG ƠI CÔ GÁI MIỀN NAM!
Em còn bé mẹ gọi em là Bé
Hạt cơm tù em nếm đã bao năm
Mắt trong trong tim dệt sử hồng hồng
Em khôn lớn qua trường thành cách mạng
Ngày giặc bắt em tuổi còn đôi tám
Tóc chấm bờ vai má thắm hồn nhiên
Trước súng thù mắt tinh đẩu long lên
Lòng yêu nước dẫn đường em đi tới
Em đã đứng đương đầu cùng bạo lực
Hết Chí Hòa Nha Tổng đến Côn Sơn
Chải tóc xanh tóc là kiếm là gươm
Tiếng hát lời ca em là bộc phá
Em còn bé mẹ gọi em là Bé
Nhưng kẻ thù khiếp nhược dưới chân em
Tình quê hương đằm thắm đậu trên hồn
Những vóc bướm thơ ngây mùa xuân mới
Em thêu vội những vuông khăn hồng chói
Cánh bồ câu trăng trắng ngậm lúa vàng
Lớn vô cùng ơi cô gái miền Nam
Mẹ thương lắm mới gọi em là Bé đó!
Côn Đảo, 15-12-1972
THƯA MẸ MÙA XUÂN
Ơi mẹ mùa xuân đến nữa rồi
Én rừng Côn Đảo vượt ngàn khơi
Mang tin con mẹ về thưa mẹ
Con mắt vẫn xanh đẹp nụ cười
Con gởi lòng mình theo ánh sao
Đêm đêm đứng tựa cửa nhà lao
Vằng trăng không đủ vóc nhỏ
Lời mẹ đâu đây giọng ngọt ngào
Ước nguyện chưa tròn đó mẹ ơi
Khám lạnh mùa xuân đến nữa rồi
Cơm tù khô đắng thù khôn lắng
Bão dậy hồn con thù khó nguôi
Giặc hãm chân con giữa còng đau
Nào bóp tim con đỏ một màu
Máu nhuộm sắc cờ dâng tổ quốc
Và đôi chim trắng lượn trên đầu
Áo mẹ vá chừ con vá thêm
Tình quê trong mối chỉ đường kim
Mùa xuân áo vá thay áo mới
Có tự do về trên cánh chim
Ơi mẹ mùa xuân đến nữa rồi
Đất liền chắc hẳn lắm tin vui
Mai xuân hoa nở vàng tim mẹ
Con mẹ về trong tiếng mẹ cười.
Côn Đảo, mùa xuân 1973.
BÀI THƠ VIẾT TRÊN LÁ BÀNG
Lá bàng trong gió đong đưa
Lá rơi ta nhặt làm thơ lá bàng
Long lanh từng mũi kim vàng
Ngợi ca đất nước đẹp hàng chữ thiêng
Thơ ta thơm lúa mùa chiêm
Bồ câu bay trắng con đường thơ đi
Qua rồi máu đổ phân ly
Cầu cao mấy nhịp tìm về Bắc Nam
Thơ ta một chiếc thuyền nan
Chèo thơ một mái chèo sang sông dài
Nhị Hà mơ gió Đồng Nai
Sông Lô sông Mã thương hoài sông Hương
Thu Bồn nhớ sóng Hiền Lương
Mối tình sông nước đoàn viên đất trời
Lá bàng rơi lá rơi rơi…
Cho ta viết đẹp ngàn lời ca dao.
Côn Đảo, 25-1-1973
MÓN QUÀ XUÂN MẸ RA CÔN ĐẢO
Từ Côn Đảo con nhận quà mẹ gởi
Bánh tráng, mứt gừng, thuốc lá chè thơm
Món quà Xuân ơi mẹ rất yêu thương
Mẹ đã mớm cho con hơi thở mới
Tháng năm qua trong tình yêu đồng đội
Con hằng mơ dáng mẹ thuở nào xưa
Mẹ gánh từng thúng gạo trắng thơm tho
Nuôi quân mình ăn no đánh thắng
Đời sống ngục tù vốn nhiều thiếu vắng
Thiếu bát cơm thơm mùi vị quê hương
Thiếu bàn tay của mẹ dịu dàng
So đũa xới cơm cho con trìu mến
Bánh mẹ tráng hạt gạo quê mịn nhuyễn
Mứt mẹ làm hương vị ngọt cay cay
Thuốc mẹ trồng con hút thấy ngất ngây
Chè mẹ ủ một trời thương nhớ đó
Con biết mẹ bao đêm rồi không ngủ
Cả miền Nam thức trắng mấy mươi năm
Nỗi lo cơn nỗi thương nước thương dân
Đời sống mẹ héo mòn trong cuộc chiến
Nhưng tim mẹ nồng nàn hơn gió biển
Thổi mát lòng con trẻ buổi ra đi
Món quà Xuân, ơi mẹ nặng tình quê
Cho con sống những ngày tù ý nghĩa
Hương lúa hương đồng ngọt bùi chan chứa
Bánh tráng mứt gừng ra Côn Đảo ngon ghê!
Côn Đảo mùa Xuân 1973
ĐƯỜNG VỀ GÓT ĐỎ
Cầm bằng máu đỏ xà lim
Cờ ta ta vẽ trong đêm ngục tù
Cầm bằng khuya xuống trăng mù
Vầng trăng cách mạng mùa Thu vẫn ngời
Cầm bằng đói hạt cơm ôi
Lòng ta yêu nước thương nòi mà no
Cầm bằng nát thịt bầm da
Tinh thần dân tộc nở hoa anh hùng
Cầm bằng vách đá xiềng gông
Nhân dân giải phóng phá tung lao tù
Ngày nào Côn Đảo thâm u
Ngày mai Côn Đảo trăng thu ửng vàng
Đường về gót đỏ thênh thang
Sao bay năm cánh huy hiangf tự do!
Côn Đảo,1973
Mừng Hiệp định Paris 27-1-1973
.
Chuồng cọp theo kiểu Mỹ - Ký họa Đặng Mậu Triết. 10.4.204