Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

LỬA ĐƯÒNG PHỐ - Hồi ký Võ Quê

luaduongpho

 

 

 

 

LỬA ĐƯỜNG PHỐ
Hồi ký

NXB THUẬN HOÁ

Huế 2003


Chiều hôm ấy, như mọi buổi chiều khác, sau khi họp kiểm điểm lại tình hình đấu tranh trong những ngày qua, thảo luận kế hoạch hành động cho thời gian tới, anh em chúng tôi lại quây quần bên nhau chung quanh một chiếc bàn dài nhấm nháp nước trà nóng và hát cho nhau nghe những bài hát cách mạng học lén được qua đài phát thanh Hà Nội, đài Giải phóng. Hoặc chúng tôi đọc những bài thơ, những câu ca dao chống Mỹ mới sáng tác gọi là “để xin ý kiến anh em”.

 

Giàn hoa giấy lung linh ngoài cửa sổ một màu đỏ chói. Ánh nắng mùa thu và tiếng chim sâu hót chuyền cành trong chiều gây cho chúng tôi một cảm giác ấm cúng, gợi cho chúng tôi nhớ tới những kỷ niệm về mấy mùa tranh đấu trước. Chúng tôi thấy gần nhau hơn, thương nhau hơn qua tiếng hát, lời thơ chứa chan tình cảm.

Bằng giọng trầm ấm, truyền cảm, Lượng – một sinh viên trường Mỹ thuật Huế - như gởi tất cả tình cảm vào bài hát ngợi ca chị Võ Thị Sáu – bài hát được ký âm lại từ một người tù Côn Đảo trở về đầu năm 1970 – Mãi sâu này, tôi mới biết đó là sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn được hát nhiều ở các nhà tù Miền Nam.

Lượng hát rất say sưa. Người nghe cũng rất say sưa.

“Chị Sáu đã hy sinh rồi. Giọng hát như vẫn còn vang dội vào tría tim của những người đang sống. Giục đi lên không bao giờ lùi…”

Tiếng hát dứt. Căn phòng yên lặng, trang nghiêm. Không khí dường như lắng đọng.

Chợt cánh cửa phòng họp Tổng hội sinh viên Huế sịch mở. Mọi người quay nhìn ra cửa. Thuỷ - sinh viên sư phạm – hấp tấp lách mình vào. Mấy chục con mắt đổ dồn về Thuỷ.

- Việc gì thế Thuỷ - Có tiếng hỏi

- Xe Mỹ … xe tụi Mỹ cán chết sinh viên mình ngoài ngã tư Lê Lợi – Duy Tân rồi bỏ chạy. Đồng bào, anh em… Anh em ta đang chận xe Mỹ ngoài đó !

Nhìn dáng người dong dỏng cao đang đứng đờ ra và miệng như mếu của Thuỷ, tôi liên tưởng đến nụ cười hồn hậu của Thuỷ đêm qua. Mới đêm qua đây thôi, Thuỷ tay xách một con gà trống bê bết máu tươi chạy vào Tổng hội. Hai con mắt Thuỷ nheo nheo, Thuỷ cười cười với anh em rồi nói:

- Xe Mỹ cán chết ngoài đường Duy Tân. Mình nhặt vào cho anh em đây, mọi người trong phòng đứng phắt dậy, Định – một sinh viên Luật – hét lên căm phẫn:

- Đốt xe Mỹ đi!

Tôi nhìn sang Định, bao giờ cũng thế, Định vẫn là người sôi nổi, thẳng tính và có nhiều ý nghĩa táo bạo. Đôi mắt Định lúc ấy quắc lên. Nhiều người khác ủng hộ ngay ý kiến của Định.

- Phải rồi! Chúng ta nên hành động sớm.

Tôi liếc nhanh qua từng khuôn mặt anh em. Từng con mắt ánh lên sự căm tức tột cùng. Trán Hoài dần cau lại. Lượng đấm mạnh tay lên bàn, la lớn:

- Thằng chó Mỹ khốn nạn. Đập chết hắn đi! Chỉ sinh viên Luật, người rất say mê hội hoạ, trong quá trình tự học hỏi, tìm tòi anh đã vẽ rất nhiều tranh vừa có giá trị nghệ thuật vừa mang tính chiến đấu cao. Anh được xem như là người tiêu biểu của phong trào văn nghệ sinh viên về lối vẽ tranh tranh đấu trong giai đoạn này. Anh lên tiếng:

- Đề nghị Tổng hội họp nhanh và có biện pháp trả thù Mỹ ngay.

Cuộc hội ý diễn ra chớp nhoáng. Ý kiến Thuyên, chủ tịch Tổng hội sinh viên Huế, ý kiến Hoài, Cần, Minh và của nhiều anh em khác đều thấy cần phải hành động mạnh

Tiếp lời Thuyên, Hoài nói:

- Trước tội ác bọn Mỹ gây ra cho anh em, bạn bè chúng ta, chúng ta nhất định phải trừng trị đích đáng. Chúng ta cương quyết thực hiện kỳ được khẩu hiệu chống Mỹ, đòi hoà bình đưa ra từ đại hội sinh viên học sinh miền Nam hồi tháng 7 – 1971 vừa qua. Chúng ta biến đau thương thành hành động trả thù cho những người đã chết vì bọn Mỹ. Và, qua đó tạo ra sức mạnh mới cho phong trào đuổi Mỹ, lật Thiệu.

Ngôi nhà 22 Trương Định, phút chốc sôi nổi hẳn lên. Các cánh cửa sổ mở rộng. Nắng tháng Tám ùa vào phòng rực rỡ. Những cành hoa giấy đỏ đung đưa. Mùi cà phê từ quán chị Giang toả nhẹ, dễ chịu. Nhưng hình như không ai để ý đến hương thơm ấy.

Một số anh em chạy bay ra đầu cầu Trường Tiền tiếp ứng, hỗ trợ đồng bào đang chận xe Mỹ lại. Trong đó tôi thấy có Thuyên, Cần, Định, Thuỷ….

Chỉ, trong tư thế nhanh nhẹn của một tay vẽ, viết lành nghề, nhảy qua bàn xách lon sơn và chụp cây bút lông ở gốc phòng chạy ra trước trường Đại học Khoa học, đối diện Tổng hội. Hoài, người mà các em nữ sinh trường Đồng Khánh thường gọi là “Anh – Hoài – cây – tre – trăm – đốt” vì anh quá cao – điềm tĩnh, chững chạc cầm lon sơn, bút lông tiếp chân Chỉ.

Hai người, một cao một thấp đứng quay mặt vào bức tường trắng đưa cao bút lông viết.

Những dòng chữ đỏ sáng lên trên nền vôi mới “American go home!”, “Đuổi Mỹ, lật Thiệu”, “Hoà bình cho Việt Nam”…và tôi hết sức xúc động khi nét chữ cuối cùng của câu “Mỹ cút, Thiệu nhào” do Hoài viết xong.

- Thơ Bác Hồ! Anh Hoài vận dụng thơ Bác Hồ làm khẩu hiệu… Tôi nói nhỏ bên tai Hiền và đọc thầm mấy câu thơ của Bác “… Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào. Tiến lên chiến sĩ đồng bào!...”

Một chuỗi cười khoái chí, hể hả của một anh em nào đó vang to.

- A ha! Nixon ! Chó sói Nixon!

Dưới ngọn bút lông của Chỉ, một con chó sói có cái đầu tên tổng thống Mỹ Nixon, mồm đỏ lòm ngoạm khúc xương người hiện ra trông gớm ghiếc, độc ác.

Dãy tường dài, rộng bao quanh trường Đại học Khoa học, Văn Khoa chỉ trong một quãng thời gian ngắn đã đỏ lên màu lửa.

Các em học sinh trong đoàn công tác xã hội sinh viên học sinh Huế đến sinh hoạt chiều nay ở Tổng hội cũng không chịu thua kém các anh. Vội vàng, tất cả các em chia nhau chạy tìm sơn, tìm vải, tìm mực để viết khẩu hiệu, bích chương. Các em viết bằng bất cứ vật liệu gì tìm được có thể viết. Hết sức khẩn trương các em vừa viết, vừa kháo chuyện:

- Sao chữ Mỹ bạn không viết hoa ?

- Thằng Mỹ xấu xa, độc ác, đẹp đẽ tốt lành chi hắn mà mình viết hoa

- Bạn Hải viết cả trên nón lá à ?

- Kệ, mình cứ viết, áo trắng còn không tiếc nữa nón lá. Viết xong câu nào, các em ôm chạy như bay ra đầu cầu Trường Tiền ngay lập tức. Những chiếc nón lá, những tà áo trắng, những cặp sách đầy ắp chữ. Những dòng chữ vụng về, nguệch ngoạc nhưng trông rất tình cảm. Tôi đọc và lòng mình thấy nao nao.

Cùng lúc ấy, giọng Nhạc và Thọ từ loa phóng thanh truyền đi dõng dạc:

- Đây, tiếng nói Tổng hội sinh viên Huế. Kính mời đồng bào, các bạn sinh viên, học sinh Huế nghe tin khẩn cấp…

Từ lâu, đồng bào, thanh niên, sinh viên học sinh Huế rất quen thuộc và cảm tình với giọng phát thanh của Nhạc và Thọ. Nhạc, quê ở Hội An, anh học năm thứ nhất ban Triết trường Đại học Văn Khoa. Vốn nhiệt tình, anh tham gia bất cứ sinh hoạt nào của Tổng hội. Nhạc có khả năng phán đoán nhanh, bén nhạy và hành động có suy nghĩ nên anh thường thành công trong một số việc mà anh đảm nhận. Còn Thọ, cô nữ sinh lớp 10 trường Đồng Khánh ấy đến với phong trào đấu tranh sinh viên học sinh từ tháng Năm năm 1970, lúc phong trào chống tập đoàn Lonnol Sêrit Matắc tàn sát đồng bào Việt Kiều ở Kampuchia của Huế đang lên mạnh. Thọ có giọng hát hay, tính tình cương nghị mà đằm thắm. Thọ đã hoà mình vào tập thể.

Giọng đọc của Nhạc và Thọ có lần làm bọn phóng viên báo Tiền Tuyến của Thiệu đưa tin Tổng hội sinh viên Huế mở đài phát thanh Việt Cộng công khai cho đồng bào Huế nghe. Nhiều báo chí phản động khác của Thiệu cũng phụ hoạ theo luận điệu này.

Riêng tôi, với nhiệm vụ được phân công, trong vòng mười phút đã cùng anh em quay ronéo và cắt được một số lớn truyền đơn bươm bướm mang nội dung tố cáo tội ác Mỹ và mời đồng bào dự cuộc mít – ting tổ chức trong chiều tại đầu cầu Trường Tiền, nơi vừa xảy ra vụ xe Mỹ cán chết sinh viên.

Các toán xe Honda của anh em sinh viên học sinh xung kích mang truyền đơn phóng toả ra các ngả đường trong thành phố Huế. Như những đàn bướm trắng, truyền đơn bay trắng cầu Trường Tiền, bay trắng các bến xe, bay trắng chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự… bay trắng các giảng đường đại học, các sân trường Quốc Học, Nguyễn Du, Đồng Khánh… bay trắng những con đường thành nội rợp lá cây xanh.

Chừng hai mươi phút sau, từ các hướng trong thành phố, đồng bào đủ mọi giới, mọi ngành, già có, trẻ có, tất cả ùn ùn kéo về hữu ngạn sông Hương, tụ tập trước bùng binh Lê Lợi – Duy Tân. Lòng căm hận Mỹ chất chứa từ lâu, tình cảm ruột thị dành cho người đã chết vì bọn Mỹ giục giã, hối thúc những bàn chân rầm rập xuống đường.

Theo sự hướng dẫn của Tổng hội sinh viên Huế, người tham dự mít – ting đứng thành một vòng tròn lớn giữa ngã tư Lê Lợi – Duy Tân. Chính ngã tư này, từ năm 1968 về sau đã nhiều lần đẫm máu đồng bào Huế. Chính ngã tư này, những cuộc tuyệt thực, những lần mặt đối mặt kẻ thù… đã diễn ra quyết liệt, sục sôi. Chính ngã tư này, hình nộm nhiều tên bù nhìn các chế độ tay sai, quân phiệt Mỹ đã bị quần chúng Huế đốt cháy.

Dòng người cứ dày lên, dày lên. Mỗi lúc mỗi đông thêm nhiều lớp. Tôi trìu mến nhìn bàn tay em bé bán mì nắm chặt tay một bác xích lô. Chị tiểu thương Đông Ba đứng chen vai cô nữ sinh viên trường Đại học Sư Phạm. Những người con đất Huế chiều nay đã gặp nhau ở cùng một điểm. Đó là lòng căm thù Mỹ sâu sắc, tình yêu thương đồng bào và ý chí chống ngoại xâm.

Trong nắng chiều rực rỡ, các khẩu hiệu bài Mỹ đỏ chói trước ngực mỗi người làm thành những hàng rào chữ kiên cố.

Trước làn sóng phẫn nộ của nhân dân, bọn cảnh sát Huế vội vã tìm cách đưa thằng Mỹ lái xe và chiếc GMC dấu đi nơi khác. Bọn cảnh sát dã chiến chỉ dàn ra ở khá xa địa điểm mít – ting. Chúng tôi chưa thấy có một dấu hiệu nào chứng tỏ địch sẽ đàn áp, giải tán đám đông.

Thay vào chỗ thi hài sinh viên Đặng duy đã được đưa vào nhà xác bệnh viện Huế. Tổng hội sinh viên Huế đã kịp thời mang đến một quan tài đỏ rực đặt bên vũng máu tươi. Màu đỏ quan tài. Màu đỏ của máu tạo nên một ấn tượng mạnh về chết chóc, tóc tang.

Chiếc quan tài tượng trưng cho cái chết của đồng bào Việt Nam với dòng chữ “Tội ác do chiến tranh diệt chúng của đế quốc Mỹ”.

Sát bên quan tài là một khẩu hiệu lớn viết bằng hai câu thơ của Tố Hữu:

Căm hơn lại giục căm hờn

Máu kêu trả máu đầu kêu trả đầu

Khi viết hai câu thơ trên, anh em đã đổi chữ van ở câu “đầu van trả đầu” (nguyên văn thơ Tố Hữu) thành ra “đầu kêu trả đầu” cho khác đi.

Thời gian từ đầu năm 1970 trở lại đây, anh em sinh viên học sinh Huế thường tìm tòi đủ mọi cách để vận dụng văn học, nghệ thuật cách mạng từ miền Bắc, từ vùng giải phóng vào các hình thức đấu tránh tuyên truyền công khai ở thành phố Huế. Từ phương thức này, tuổi trẻ học đường miền Nam mong ước đưa văn học cách mạng vào sâu rộng trong nhân dân, thanh niên, sinh viên, học sinh Huế càng nhiều càng tốt. Chúng tôi nghĩ, nếu làm được như thế thì sẽ có một ý nghĩa rất lớn về chính trị, tạo cho quần chúng, tuổi trẻ Huế có dịp làm quên văn học cách mạng. Qua đó, nhận thức, tình cảm của họ sẽ được nâng lên. Hành động chống Mỹ trên mặt trận đường phố sẽ có phương pháp, khoa học hơn, góp phần nâng cao thực tiễn đấu tranh trong lòng địch.

Trong lúc vận dụng, đưa văn học cách mạng vào thành phố, chúng tôi thường có thay đổi hoặc thêm thắt cho khác đi – miễn không làm lệch nội dung, tư tưởng của chủ đề tác phẩm – Hoặc nếu y nguyên văn thì cũng có nhiều cách lọt mắt địch, hoặc địch có phát hiện thì chúng tôi vẫn tìm được biện pháp đối phó với chúng.

Nhờ vận dụng như thế mà quần chúng, tuổi trẻ Huế đọc được nhiều bài thơ, bài viết của Tố Hữu, Giang Nam, Thu Bồn, Lưu Trọng Lư…. Trên các tờ báo của phong trào đấu tranh Huế như các tờ “Phụ nữ Huế” (Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống Huế), “Truyền Thống” (Nữ sinh Lê Kima) “Sinh viên Huế” (Tổng hội sinh viên) v.v…

Riêng hai câu thơ lục bát trong bài “Nỗi lòng con đến cùng cha” của Thu Bồn viết về Bác Hồ, anh em sinh viên trường Đại học Luật đã viết thành một khẩu hiệu lớn treo ngay trong phòng Ban đại diện sinh viên Luật phía chính diện cho đến ngày Huế giải phóng mà địch vẫn không phát hiện được. Hai câu thơ ấy, sinh viên chúng tôi ai cũng thuộc lòng:

Cho con núi rộng sông dài

Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm

Sau này ra miền Bắc, năm 1974 có dịp gặp nhà thơ Tố Hữu tại tư thất, ông đã nói đùa với chúng tôi:

- Nghe nói ở trong ấy anh em có sửa thơ mình phải không ?

Chúng tôi nhìn nhau cười và nghĩ tới chữ van trong khẩu hiệu “Đầu kêu trả đầu”.

Đứng giữa rừng người và khẩu hiệu, lòng tôi dấy lên một tình cảm mới. Tôi nghĩ về truyền thống đấu tranh, về sức mạnh của nhân dân Huế. Đau thương, chết chóc không làm Huế chùn chân. Ngục tù, súng đạn không được các phong trào yêu nước Huế nổi dậy. Sức mạnh Huế đã nuôi lớn tâm hồn tuổi trẻ chúng tôi. Huế đã giúp tuổi trẻ học đường miền Nam biết chịu thương, chịu khó và biết sống cao đẹp vì một lý tưởng cao đẹp.

Tôi nhớ lại mùa hè năm 1970, trong một cuộc xuống đường xuất phát từ giảng đường C – trường Đại học Khoa học Huế - quy tụ nhiều tầng lớp đồng bào, nhiều hội đoàn, tổ chức yêu nước, các tổng hội sinh viên Huế, Sài Gòn, Cần Thơ, Vạn Hạnh…. Phòng quân sự học đường của Mỹ Thiệu đặt tại trường Đại học Sư Phạm Huế đã bị hoả thiêu. Phong trào đấu tranh đã góp phần bẻ gãy âm mưu biến tuổi trẻ học đường miền Nam thành lính đánh thuê cho Mỹ.

Hình ảnh Huỳnh Tấn Mẫn, Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Hoàng Trúc, Lê Văn Nuôi… của Sài Gòn, Hoài, San, Minh, Cần… của Huế và lớp lớp sinh viên, học sinh Huế đầu đội lá sen xông xáo, nhanh nhẹn ném bong xăm lên đống hồ sơ quân sự học đường của chúng, hình ảnh bọn cảnh sát mặt mày thâm hiểm, hung ác, tay lăm lăm súng lục đến vây bít sinh viên tranh đấu trong sân trường Đại học Sư Phạm đậm nét trong ký ức tôi. Phải rồi! Bọn mật vụ đến hơi chậm chân một tí. Khi chúng vừa hùng hổ tới nơi cũng là lúc anh em tranh đấu vừa chụp xong “pô” ảnh kỷ niệm bên đống lửa hồng ngùn ngụt cháy. Đầu đội lá sen, anh em cười rất tươi và những bàn tay làm dấu chữ V tượng trưng cho chiếc thắng đưa cao trước nắng hè và sắc phượng tháng Năm rực lửa.

Cuộc vây bắt không thành, bọn mật vụ hậm hực. Những khẩu colt của chúng đành tiu nghỉu quay vòng vô bao.

Ngọn lửa đốt cháy phòng quân sự học đường Huế đã mở đầu các ngọn lửa thiêu rụi các phòng quân sự học đường Đà Lạt, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Sài Gòn… ngay trong mùa hè ấy.

Giờ đây, ngọn lửa truyền thống Huế lại đang reo lên trước gió sông Hương. Hàng vạn con mắt Huế đang ngước nhìn lên hình nộm tên Nixon hực lửa lủng lẳng trước bao lơn Đại học Văn Khoa. Cùng ngọn lửa trên mình Nixon, tiếng đả đảo Nixon, đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo Thiệu vang rân chất ngất hận thù.

Một chiếc Ford vàng do một tên Mỹ lái từ hướng khách sạn Thuận Hoá đến gần ngã ba Duy Tân – Trương Định thì dừng lại. Đoàn người mít – ting đã cản đường hắn định đi qua. Hắn rẽ xe vào đường Trương Định mà không một mảy may hay biết gì về số phận chiếc xe hắn đang lái trong vài phút tới.

Chiếc Ford vàng vừa trờ đến, anh em sinh viên trước Tổng hội đã biết ngay xe của hãng thầu RMK của Mỹ.

Ở miền Nam này, không ai lạ gì những chiếc Ford vàng ấy. Nó xuất hiện ở đâu là người ta biết hàng thầu RMK có mặt ở vùng đất đó. Hãng RMK đi đến chỗ nào, các căn cứ quân sự Mỹ, những ngôi nhà tiền chế, những hàng rào kẽm gai, những trại tập trung, những nhà tù… mọc lên tại đấy. Nổi tiếng nhất là chuồng cọp Côn Đảo, bọn RMK đã làm nên công trình tội ác này.

- Thằng Mỹ ! Xe thằng Mỹ ! Đốt !

- Đốt ! Đốt ! Anh em ơi ! Đốt !

Chiếc Ford vàng chạy loạng quạng một đoạn đường rồi húc mạnh vào dãy cột trụ trước cổng Trường Đại học Khoa học, cạnh giảng đường C nghe sầm một tiếng. Thằng Mỹ nhảy khỏi buồng lái, vắt giò lên cổ chạy. Hắn sợ hãi không dám ngoái đầu nhìn lại. Anh em sinh viên ngó theo hắn cười đắc ý.

Thực tình mà nói, lúc này anh em chưa chuẩn bị việc đốt xe Mỹ. Tiếng hô la “Đốt ! Đốt” chỉ là phản ứng tự nhiên trong anh em. Tiếng kêu phát xuất từ lòng căm giận Mỹ. Anh em không ngờ tiếng hô ấy lại có một tác dụng ghê gớm đối với thằng Mỹ như vậy.

Chiếc Ford vàng nằm ngon ơ trước mặt anh em.

Trong nháy mắt, anh em đã tập trung các xe Honda lại lấy xăng. Xăng vàng, xăng đỏ, xăng tím đủ các loại xăng. Rất từ tốn, cẩn thận, anh em tưới xăng lên khắp mình xe Ford không bỏ sốt một bộ phận nào.

Gành – người đã từng ném đá vào bàn tiệc bọn Mỹ ở đường Nguyễn Thị Giang rồi hô “American go home!” làm bọn Mỹ tưởng bị ném lựu đạn bò lê bò càng – lên tiếng:

- Tắm kỹ kỹ nghe anh em!

- Cháy hết sẩy cho coi - Định thú vị nói

Tin sắp đốt xe Mỹ trước mặt Tổng hội chuyền nhanh ra chỗ mít – ting. Đồng bào dồn hết vào đường Trương Định. Chiếc quan tài đỏ dần dần. Những đôi mắt mở to. Những lồng ngực phập phồng. Tất cả chờ đợi.

- Một, hai, ba, đốt.

Sau tiếng hô, một đám lửa bùng lên dữ dội.

Đoàn người reo to, sung sướng. Lửa, khói… bốc cao, ngùn ngụt. Trong đám đông, nhiều người nhảy cỡn lên. Nón lá, mũ, khăn tay, bay tung lên không trung giữa tiếng hò la. Anh em đấm vào lưng nhau thùm thụp. Các em nữ sinh Đồng Khánh khuôn mặt hồng lên trước ánh lửa. Những đôi mắt long lanh

Bông, em nữ sinh Đồng Khánh cầm tay áo tôi nhỏ nhẹ:

- Đốt xe Mỹ đã quá anh hè!

- Sẽ không lâu đâu Bông! Sau xe… này, anh em còn đốt nữa – Tôi cười trả lời Bông.

“Xuống đường. Xuống đường, nào anh em ơi ta cùng bước chân ra phố phường. Tim sục sôi. Ta cùng gánh giang sơn lúc này! Xuống đường. Đập tan tành soi lang giữa phố phương. Ta không sợ lao tù súng đạn. Xuống đường…

Tiếng hát xuống đường của đội văn nghệ xung kích sôi nổi vang vang như đếm nhịp hỗ trợ ngọn lửa đang tưng bừng cháy. Ngọn lửa khai hoả cho một chiến dịch mới của tuổi trẻ Huế! Chiến dịch đốt xe Mỹ.

*

* *

Ngay sau thắng lợi đầu tiên, theo chủ trương của Tổng hội sinh viên Huế, một cuộc trả thù Mỹ được diễn ra. Căn nhà 22 Trương Định đêm nay trở thành “Xưởng chế tạo bom xăng” chuẩn bị đợt tấn công xe Mỹ vào ngày mai. Nói “bom” cho oai thế, chứ thật ra cách làm rất giản đơn bằng những chất liệu dễ tìm.

Trời vừa nhá nhem tối, Thanh cùng một số nữ sinh trường Cán sự Y tế, trường Hộ sinh Huế xách mấy chục vỏ chai Sérum kiếm được ở bệnh viện Huế xuống Tổng hội. Thọ, Nhân, Lệ, Dung, Hồng, Trân và các em nữ sinh khác cũng vận động được bà con chợ Đông Ba mang về nhiều chai đủ cỡ, đủ loại và nhiều xà phòng bột, sợi cao su – thứ dùng để gói hàng. Có đủ tất cả các thứ ấy rồi, anh em bắt tay vào việc “sản xuất” bom xăng.

Cần – người sinh viên y khoa giàu kinh nghiệm hoạt động phong trào thành phố và đã từng có mặt trong nhiều vụ đốt xe Mỹ vừa hướng dẫn các em học sinh làm bom xăng vừa “trình bày lý thuyết”

­- Chúng ta dùng tất cả vỏ chai nào cũng được. Dung tích càng lớn, càng tốt. Cho xăng, xà phòng bột vào cùng cao su. Sau hết nhét một ngòi vải là xong trái bom xăng. Xà phòng bột có tác dụng gây sức ép lớn. Cao su làm ngọn lửa cháy lâu. Thằng Mỹ nào bị ném vào người không biết mà đưa tay hất hất, phủi phủi thì cao su càng dính, cháy lan ra.

- Em đề nghị các anh ném thử một trái – Công, học sinh Quốc Học đứng lên gợi ý.

Với dáng người cao to, khoẻ mạnh, Minh cầm trái bom xăng lên. Anh quẹt diêm châm ngòi vải. Mọi người đổ dồn ra sân Tổng hội. Bằng một động tác mạnh, Minh ném trái bom xăng ra trước mặt đường Trương Định. Một tiếng nổ khô khốc, một ngọn lửa cháy bùng to. Cao su kêu xèo xèo. Đám lửa bom xăng cháy kéo dài mấy phút mới tắt, để lại trên mặt đường ám khói đen và những mãnh thuỷ tinh vụn võ nằm vung vãi khắp nơi.

Nhìn những mảnh vỡ thuỷ tinh, tôi nghĩ đến một chiến công mới của anh em.

12 giờ khuya đêm hôm ấy, tôi đang nằm thao thức bên chồng khẩu hiệu thì Hiền tới lay vai.

- Dậy Quê ! Dậy xem bọn cảnh sát dã chiến hốt xác xe Mỹ cháy hồi chiều.

Từ sân Tổng hội nhìn tới, tôi thấy dưới ánh đèn đường hiu hắt vàng vọt, bọn cảnh sát dã chiến đang từ trên xe cây nhảy xuống đường. Âm thầm, vội vã như những tên trộm chuyên nghiệp chúng lặng lẽ hốt xác xe Mỹ vất lên xe cây rồi chuồn thẳng. Giữa mặt đường ám khói đen, chúng tôi nhặt lên một tấm bảng số xe còn sót lại. Chúng tôi vui mừng xem đây là chứng tích về một chiến công đầu. Riêng Quỳnh thì cứ tiếc mãi. Anh chắc lưỡi:

- Chậc! Bọn mình quên. Lẽ ra phải có một ít xác xe Mỹ để lại sau này cho nhà truyền thống thanh niên sinh viên học sinh Huế. Kiếm xác xe đâu phải dễ.

Đêm lặng lẽ trôi qua. Chúng tôi vẫn không thấy bọn cảnh sát Huế động tĩnh gì.

Hôm sau, khi trời chưa sáng hẳn, anh em trong Tổng hội mỗi người, trong tay đã thủ sẵn bom xăng. Đêm qua, nhiều anh em chạy đôn chạy đáo tìm mượn áo lính – loại có nhiều túi – để cất dấu thêm được nhiều bom xăng.

Các bạn làm thơ như San, Gành, Nhạc… cũng cầm gọn gàng bom xăng hăm hở đợi giở “xuất kích” đầu tiên.

Chương trình phát thanh buổi sáng của Tổng hội đang phát đi bản thông cáo về việc các xe phóng viên báo chí thông tấn nước ngoài muốn an toàn lúc di chuyển làm nhiệm vụ trong thành phố phải có hai chữ “Phản chiến” trước xe. Nghe giọng đọc sắc, mạnh và trong trẻo của Thọ, chúng tôi thấy phấn chấn trong người. Ai nấy đều tin tưởng lần này sẽ “làm ăn khấm khá”.

Toán xung kích sinh viên học sinh đốt xe Mỹ rời Tổng hội xuống đường khi Huế còn đẫm trong sương mù. Những dãy phố, những con đường, cầu Trường Tiền, dòng sông Hương… chìm dưới màu sương Huế đẹp và dễ thương quá. Tôi thấy gần gũi Huế và yêu Huế vô cùng. Sương mù Huế gây cho tôi một cảm xúc vừa bâng khuâng, vừa rạo rực niềm vui. Nhìn anh em mân mê trái bom xăng trong tay tôi nghĩ ra từ một bài thơ mình đã viết, trong đó hình ảnh mẹ, em gái tôi cùng biết bao đồng bào khác đang sống trong cùng cực khổ đau trong gió bụi Nam Lào Quảng Trị, dưới ách sưu thuế nặng nề của Thiệu, hình ảnh những vùng địch lập ấp dồn dân, những vành đai trắng Cồn Tiên, Dốc Miếu… Ở đó, dưới làn bom đạn Mỹ, người dân vẫn sống hiên ngang bám chặt ruộng vườn, quê làng yêu dấu. Đất kiên cường nuôi lớn các phong trào các mạng chiến đấu một mất một còn với quân thù.

Những trái bom xăng trên đường phố, tôi nghĩ, là sự hiệp đồng nhịp nhàng, ăn ý với tiếng súng giòn giã của những người du kích, của giải phóng quân từ các tuyến đầu Tổ Quốc.

Để hổ trợ anh em đốt xe Mỹ, truyền đơn bươm bướm lại bay trắng thành phố Huế. Tiếng hát đấu tranh lại theo các toán văn nghệ xung kích xuống đường Huế như sôi lên. Bọn cảnh sát dã chiến bắt đầu xuất hiện ở một số trục đường chính. Chúng trang bị đầy đủ các loại vũ khí chống biểu tình: ma trắc, khiêng mây, phi tiễn, lựu đạn cay, lựu đạn mửa, mặt nạ phòng chống ngạt (sinh viên chúng tôi thường gọi là mặt nạ heo vì rất giống đầu heo). Tên trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế, đôi môi tím bầm, hai con mắt trợn trào ngồi trên xe Jeep xanh chạy rè rè khắp đường phố. Anh em sinh viên nhìn hắn bĩu môi khinh bỉ. Cả thành phố này, không còn ai lạ gì về tên trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế và tội ác của hắn. Hắn học hành chẳng ra gì nên chui vào Địa phương quân và được bọn Đại Việt cho lên đóng ở Nam Hoà để chống phá, triệt hạ cơ sở cách mạng vùng này. Từ những thành tích về tội ác hắn đã gieo rắc cho đồng bào, hắn được bọn Đại Việt, chính quyền Thiệu đề bạt làm trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế.

*

* *

San, Cần, Chỉ cùng một em trường Trung học Nguyễn Du rời Tổng hội lúc gần 6 giờ sáng. Đèn đường, còn chưa tắt trong sương mù. Gió sớm mùa thu lành lạnh, dễ chịu.

Bốn anh em theo đường Duy tân rồi sẽ sang đường Nguyễn Tri Phương. Đến trước nhà nước, đối diện trường nữ Trung học Jeanne D’Arc rồi dừng lại. Cần lên tiếng trước.

- Bây giờ ba anh em mình vào gốc cây kia, còn Tiến – tên em học sinh – đến ngã tư Duy Tân – Nguyễn Tri Phương gác xe Mỹ, khi nào xe Mỹ sắp qua đường này, em vẫy tay báo hiệu cho mấy anh.

Chỉ sôi nổi tiếp lời Cần:

- Lần này phải làm tới tới. Thế nào xe Mỹ cũng đi qua đây

Được Cần phân công xong. Tiến nhanh như một con thỏ chạy bay trở lại ngã tư Duy Tân – Nguyễn Tri Phương. Em cho tay vào túi quần, tựa cột đèn ngó mông lung. Em huýt một điệu nhạc bô – lê – rô không ăn nhập gì tới điều em đang tập trung nghĩ trong đầu.

Em mong được tận mắt nhìn thấy một chiếc xe Mỹ cháy từ đầu tới cuối. Chiếc Ford bị đốt chiều qua em đến hơi chậm nên không được dự phần nào.

Đằng này San, Cần, Chỉ chụm đầu nhau núp sau một góc cây xà cừ ven đường. Lần đầu phục kích nên ba anh em lúng ta lúng túng. Đường có nhiều gốc cây không chia nhau mỗi người một gốc, ba anh em lại ngòi chen nhau rất cực khổ. Tất cả đều hướng tầm nhìn về phía Tiến, lòng rạo rực, thấp thỏm. Nửa vui, nửa lo âu. Vui khi nghĩ đến cảnh chiếc xe Mỹ bốc cháy, cảnh thằng Mỹ trên xe cuống cuồng như thế nào. Lo âu vì cứ ngại ném bom xăng bị trật ra ngoài xe hoặc ngòi cháy tắt nửa chừng. Chà ! khi ấy bọn Mỹ sẽ phản ứng ra sao với anh em nhỉ?

Chỉ bị ngồi ép giữa Cần và San trông rất khổ sở. Anh hết đưa tay gãi tóc lại quẹt quẹt sống mũi, bựt rựt nói:

- Hay bọn Mỹ bị cắm trại sau vụ xe Mỹ cháy đêm qua?

San chợt kêu lên:

- Có rồi! Bàn tay Tiến vẫy ở ngã tư đường.

Một xe Mỹ từ từ tiến về phía anh em. San lật đật quẹt diêm châm vào ngòi vải. Diêm ẩm, San phải quẹt đến lần thứ ba mới cháy. Kịp lúc thằng Mỹ vừa lái xe chạy ngang. Kịp lúc thằng Mỹ vừa lái xe chạy ngang. San ném bom xăng theo. Trái bom xăng bằng chai coca – cola rơi xuống mặt đường lăn lông lốc rồi tắt ngấm.

Cần, Chỉ bồi tiếp hai trái nữa. Lại bị hụt ra ngoài. San tức tối chạy theo xe Mỹ ném trái bom xăng còn lại. Trái bom xăng va vào thùng xe đánh cốp một tiếng rồi rơi xuống mặt đường.

Thằng thiếu tá Mỹ hãm xe lại. Hắn nhảy nhanh nhanh xuống đất rút súng colt đuổi ba anh em. Bọn cảnh sát cũng vừa ùa tới. Ba anh em chạy biến vào trường Jeanne D’Arc , băng qua đường Trần Cao Vân và “lọt” vào cơ sở dạy đánh máy chữ Thanh Bình.

Như hiểu biết diễn biến tình hình bên ngoài và hoàn cảnh bức bách hiện thời của anh em sinh viên, chị em học đánh máy chữ ở đây không một ai tỏ vẻ hoảng hốt sợ sệt khi thấy ba anh em xuất hiện đột ngột và khẩn trương.

San ra hiệu cho Cần, Chỉ ngồi lẹ vào các bàn máy chữ còn trống người. Không ai nhắc nhở mà sáu bàn tay của anh em đồng loạt gõ lia lịa lên các bàn máy chữ như những người học đánh máy chữ sắp lành nghề. Một lát sau, cô gái áo xanh ngồi ở góc phòng lên tiếng:

- Mấy anh vừa đốt xe Mỹ dưới đường Đội Cung chạy lên đây phải không?

Ba anh em nhìn nhau, không ai trả lời cô gái. San, Cần, Chỉ đều hiểu rõ chiếc xe Mỹ bị đốt cháy ở Đội Cung do bạn nào đốt rồi. Sán nay, Nhạc – một mình cầm bom xăng đi về hướng ấy.

Rút kinh nghiệm lần đốt đầu tiên, chiều lại San, Cần, Chỉ và Ngẫu đã đốt một chiếc xe Mỹ ở An Cựu, một chiếc nữa ở đường Lý Thường Kiệt. Niềm vui được nhân rộng trong tình cảm anh em.

Suốt ngày ở Tổng hội phụ trách làm các bản tin, truyền đơn, tủ sách đồng bào, không được tham gia đốt xe Mỹ như các bạn, nhưng tôi thật sự vui sướng phấn khởi vô cùng khi nhận được tin xe Mỹ cháy của anh em liên tục báo về. Tôi được nghe hầu hết chi tiết những lần đốt xe Mỹ của anh em. Qua đó, tôi hiểu được tình cảm anh em đối với đồng bào quê hương và sự căm thù giặc Mỹ đang ngày một lớn mạnh sâu sắc.

San tâm sự:

- Mình cứ ân hận mãi về việc bỏ mất cơ hội đốt một đoàn xe Mỹ chở xăng trên đường Nguyễn Huệ. Ba lần đưa bom xăng lên định ném, ba lần mình hạ tay để cho bọn Mỹ đi qua. Khi ấy, mình chỉ nghĩ đến tai hại nhà cửa đồng bào hai bên đường chịu ảnh hưởng xe xăng nổ mà không nghĩ đến tai hại gấp trăm gấp ngàn lần mà bọn Mỹ gây cho đồng bào mình bằng những đoàn xe xăng ấy. Những đoàn xe xăng chuẩn bị cho những cuộc hành quân tắm máu đồng bào.

Như đã bù đắp vào việc “bỏ mất cơ hội” trên, những ngày kế tiếp tôi thấy San lao mình vào các cuộc đốt xe Mỹ hăng say, mãnh liệt như những bài thơ anh viết sau này. Những bài thơ bừng bừng chất lửa.

Bước sang tháng Chín năm một ngàn chín trăm bảy mươi mốt. Tình hình chính trị miền Nam bắt đầu chuyển sang một thế cờ khác. Mỹ cùng bộ máy cai trị Thiệu tăng cường mức độ đàn áp, khủng bố trắng các phong trào nhân dân yêu nước. Chúng dùng đủ mọi thủ đoạn xảo quyệt nhất để triệt hạ những phần tử đối lập, các “chích khách” không ăn cánh. Chúng âm mưu tiến hành tổ chức cuộc bầu cử bịp bợm ngày 3-10-1971. Cuộc bầu cử mà mọi người đều cho đó là “trò chơi dân chủ kiểu mới” là “trò hề độc diễn” của Mỹ nhằm đưa tên tay sai Nguyễn Văn Thiệu làm bù nhìn cho Mỹ tiếp tục giật dây thêm 4 năm nữa.

Những ngày tháng này, càng chán ghét Mỹ và những trò hề của chúng, anh em chúng tôi càng hướng về miền Bắc ruột thịt bằng tất cả tình cảm yêu thương. Miền Bắc đang sống những ngày lũ lụt chưa từng thấy trong mấy chục năm trở lại đây. Miền Bắc chống thiên tai, miền Bắc còn anh dũng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Vì miền Bắc, anh em tuổi trẻ chúng tôi sẽ kiên cường đem tâm huyết, nghị lực mình vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập, thống nhất quê hương. Trước mắt là nỗ lực đập tan trò hề bầu cử của Mỹ Thiệu.

Sáng 10 – 9 Tổng hội sinh viên Huế cùng Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, Mặt trận Nhân dân tranh thủ Hoà Bình, Mặt trận Văn hoá Dân tộc Miền Trung, Tổng đoàn học sinh Huế… phát động phong trào tẩy chay trò hề bầu cử 3 – 10 và chống Mỹ xâm lược. Các chiến dịch “Nói với đồng bào’, chiến dịch bích chương, khẩu hiệu, truyền đơn cũng phát động mạnh trong ngày.

Đôi bàn tay tôi và bạn bè anh em lại có dịp lấm lem màu đen mực ronéo và màu đỏ của sơn. Tất cả chúng tôi sẵn sàng lao vào chiến dịch.

“Tủ sách đồng bào” một hình thức tuyên truyền mới cũng được hình thành từ trong chiến dịch. Lần lượt “Tủ sách đồng bào” đã gởi đến tận tay đồng bào lao động những bài thơ, bài vè, ca dao chống Mỹ Thiệu. “Tủ sách đồng bào’ đã đáp ứng đúng yêu cầu của đồng bào Huế góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của người dân Huế đối với các vấn đề đất nước, thời cuộc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền chống Mỹ trong nhân dân. Đồng bào huế đã chuyền tay nhau đọc một cách trìu mến. Tiếng hát của các em bé đánh giày chợ Đông Ba trong những ngày này cứ láy đi láy lại mãi câu ca dao trong “Tủ sách đồng bào” như hát những lời đồng dao mới:


Không đi, không cứ, không bầu

Để cho Tổng Thiệu xây lầu máu xương

Thiệu còn nước mất nhà tan

Thiệu nhào Mỹ cút Việt Nam hoà bình

Chiều ngày 13 – 9, sau khi tham gia chiếc dịch “Nói với đồng bào” từ chợ Đông Ba về, tôi ngỡ ngàng hết sức khi thấy một chiếc Honda màu đen với cái cái còng U.S sáng choé trên yên đậu trước sân Tổng hội. Xe Honda này tôi quên thuộc lắm. Tại sao chiều này nó lọt vào đây? Bọn Cảnh sát đã chiếm Tổng hội? Sân Tổng hội vắng lặng, không có một anh em nào. Đang tần ngần, chợt thấy Hiền bước ra, tôi chận Hiền hỏi ngay:

- Xe thằng mật vụ hay theo tụi mình sao lọt vào đây ? Anh em mình có việc chi ?

Hiền nói nhanh:

- Quê chưa biết à? Một em học sinh Quốc Học tên Bảo Dũng, 16 tuổi bị Mỹ bắn nguyên một băng đạn M.16 xuyên ngực chết liền tại chỗ dưới chân cầu Bạch Hổ. Thằng mật vụ là chú Bảo Dũng. Hắn đến nhờ sinh viên can thiệp. Một số anh em chạy lên Bạch Hổ rồi. Mình cũng đi đây.

- À ra thế! Mình cứ tưởng.

Cảnh sát mật vụ lại nhờ sinh viên can thiệp? Tôi thấy vui vui trong lòng. Người chuyên môn theo dõi ám hại sinh viên đấu tranh giờ lại đứng về phía sinh viên chống lại tội ác Mỹ. Tên trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế nổi cáu lên trước việc làm của thằng mật vụ. Mấy ngày sau tôi được anh em cho biết hắn đã đẩy thằng mật vụ, chú của Bảo Dũng vào tận vùng núi rừng Quảng Ngãi.

Cái chết của em Bảo Dũng gây xúc động sâu sắc trong lòng dân Huế. Nhất là trong giới học sinh cùng độ tuổi 13, 14 với em. Bọn Mỹ ác động đã xem thiếu niên Huế như những tấm bia sống muốn ngắm bắn khi nào cứ bắn. Hành động ngang ngược ấy nhất định phải chấm dứt. Phải trừng trị đích đáng bọn Mỹ này.

Ngọn lửa đã được đổ thêm dầu. Uất khí trào dâng. Chỉ một vài giờ sau, tin tức các xe Mỹ bị những toán xung kích sinh viên, học sinh Huế chận đốt dồn dập báo về Tổng hội. Bốn chiếc bị cháy trong ngày hôm đó. Một ở đường Lý Thường Kiệt, một ở An Cựu, một ở đường Lê Lợi, trước trường Quốc Học và một ở đường Duy Tân, gần khách sạn Thuận Hoá. Riêng chiếc ở đường Duy Tân, Cần kể khá chi tiết. Khi đêm vừa tối, đường phố đã lên đèn, Cần, San, Chỉ và hai học sinh Quốc Học hăng hái xách bom xăng rời Tổng hội. Cuộc truy lùng xe Mỹ không khó lắm. Rẽ ra đường Duy Tân là anh em thấy ngay một xe Mỹ bóng lộn đậu trước một quán nhậu gần ngã tư Duy Tân – Nguyễn Tri Phương. Quãng đường này gần khách sạn Thuận Hoá nên những năm trở lại đây mọc lên nhiều bar, nhiều nhà chứa gái điếm. Đêm đêm bọn Mỹ thường tụ tập ra đây tìm gái. Ba anh em thấy bọn Mỹ đang ngồi uống bia trong quán với bọn gái điếm. Tiếng cười hô hố của thằng Mỹ và tiếng cười ngặt nghẽo của mấy ả điếm vọng ra không làm anh em khó chịu mấy.

- Được, bay cứ cười to. Cười nhiều nữa đi. Cười càng to ta càng hoan nghênh. Cần nói thầm

Cần ra hiệu cho hai em học sinh canh gác bên ngoài xa, anh nhanh nhẹn mở cửa rồi ngoắc San, Chỉ nhảy tọt vào trong xe êm ru, không gây ra một tiếng động nhỏ nào. Bên trong xe trang bị khá nhiều máy móc, điện đài tối tân.

- Chắc chắn là xe tụi Mỹ cỡ bự - San rỉ tai Chỉ nhận xét

Quyết tâm làm ăn lớn, làm ăn “ra trò” nên ba anh em hết sức giữ bình tĩnh, thận trọng rót xăng lên từng bộ phận một trong xe. Nhất là các ghế nệm và nơi gần bình chứa xăng. Cẩn thận hơn, Cần mở nắp bình chứa xăng thả một ngòi vải vào.

Cho đến lúc anh em nhảy xuống xe, bọn Mỹ trong quán vẫn không hề hay biết.

- Yankee go home!

Ba anh em vừa hô vừa nện bom xăng vào trong xe. Ngọn lửa phựt to, cháy sáng một vùng. Bọn Mỹ hốt hoảng xô gái chạy ra. Chúng lồng lộn điên cuồng, chạy tới chạy lui la chí choé. Lửa và khói đen bốc cao cuồn cuộn, nghe ào ào như bão rít. Bà con dọc Duy Tân đổ ra đầy đường. Đồng bào An Cựu, đồng bào tả ngạn sông Hương kéo về rần rật, Honda phóng qua cầu Trường Tiền rầm rầm. Đứng từ Trường Tiền rầm rầm. Đứng từ Trường Tiền nhìn xuống thấy một cột lửa cao to sáng chói trong đêm, trông rất đẹp mắt.

Truyền đơn bướm xuất hiện tiếp theo ngay khi xe Mỹ vừa bốc cháy. Khung cảnh ở đây huyên náo quá chừng.

Không rõ thằng Hướng, em ruột tên trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế và đồng bọn mật vụ ở đâu mà xuất đầu lộ diện rất nhanh về Tổng hội. Thằng Hương rút colt bắn liền mấy phát uy hiếp tinh thần anh em. Hắn phát hiện được Cần liền chạy tới chụp cổ áo anh. Cần gạt tay hắn ra, chạy như bay về đường Nguyễn Tri Phương. Thằng Hướng cùng đồng bọn đuổi theo. Hoảng quá, Cần nhảy đại lên ngồi ngay sau lưng một người đan ông đang dừng Honda bên đường xem xe Mỹ cháy. Cần nói không kịp thở.

- Anh cho tôi về Tổng hội sinh viên !

Không ừ không hử một tiếng, người đàn ông đạp nổ máy phóng xe như bay chạy ngoắt nghoéo quá nhiều ngã đường. Cần hơi nhột bụng. Lỡ xe này của bọn “cớm” chở mình về Ty thì sao? Đang tìm hành động đói phó thì người đàn ông đã đưa Cần rẽ về Trương Định và dừng lại trước Tổng hội.

- Giờ nghĩ lại mình còn thấy ớn. May mà gặp “người nhà”. Vội quá mình chưa kịp hỏi tên, địa chỉ thì anh ta vù đi mất.

Câu chuyện kể về người lái xe Honda ấy làm tôi cảm động. Tôi nghĩ đến tấm lòng người dân huế bao qua tháng năm sát cánh tuổi trẻ Huế đấu tranh chống Mỹ. Bồi hồi, tôi nhớ lại, hai câu cơ viết về lòng dân cách đây mấy hôm, sau một cuộc biểu tình:

Lòng dân là giao thông hào

Trái tim cách mạng là sao dẫn đường

Lòng dân và cách mạng. Cách mạng và lòng dân. Ôi ! hai thứ ấy tuổi trẻ Huế chúng tôi cần biết chừng nào.

*

* *

Để tỏ lòng thương tiếc em Bảo Dũng, nói lên sự căm thù Mỹ cao độ, sáng hôm sau, tất cả học sinh các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Hưng Đạo, Nguyễn Du, Nông Lâm Súc… đồng loạt bãi khoá xuống đường đòi Mỹ trả nợ máu cho bạn mình.

Biểu ngữ căng hồng trong gió mai lồng lộng. Đoàn biểu tình đi qua các con đường phố chính. Tiếng hô khẩu hiệu rộn ràng:

- Đả đảo đế quốc Mỹ!

- Đả đảo tay sai Nguyễn Văn Thiệu !

- Tẩy chay trò hề bầu cử 3 – 10 !

Như thế là đã rõ. Cuộc biểu tình chống Mỹ, đòi trả nợ máu cho em Bảo Dũng cũng là cuộc xuống đường mở đầu đợt tấn công tẩy chay trò dân chủ bịp bợm của liên danh Thiệu – Hương.

Từ hai bên phố, đồng bào nhập vào đoàn biểu tình mỗi lúc mỗi đông. Nhiều bà con tiểu thương Đông Ba dẹp quán, dẹp hàng chạy ra ùa vào dòng người cuồn cuộn ấy.

Một bà mẹ gánh nguyên cả gánh quạt giấy chạy theo đoàn biểu tình phát cho mỗi người một cái.

- Đi giang cái đầu nắng đau chết con ơi !

Tôi nhận quạt trên tay mẹ và nghe mẹ nói.

Một chị tiểu thương khác lễ mễ bưng ra một thúng chanh to tướng. Vừa đặt thúng chanh xuống đất, hai tay chị hốt lia lịa chanh ném cho đoàn người.

- Ngậm đi em! Ngậm cho đỡ khát mà đả đảo thằng Mỹ, thằng Thiệu.

Một lát sau tôi thấy chị xách thúng không đi theo đoàn biểu tình. Dáng đi nhanh nhẹn, phấn chấn, dáng đi trong tư thế của người nhập cuộc.

Trong đợt bà con ủng hộ này, chúng tôi còn nhận được nhiều bao nilon, trầu không, bia lon, bia chai, bao bố… những thứ ấy chúng tôi dành để chống lựu đạn cay, phi tiễn của cảnh sát dã chiến.

Nhưng mấy ngày liền, cảnh sát Thiệu vẫn án binh bất động.

Dũng, một học sinh trường Nông Lâm Súc, đi cạnh tôi. Một tay em cầm quạt, một tay níu áo tôi hỏi:

- Lúc đi biểu tình sao không có đàn áp anh hè ? Chẳng có mùi lựu đạn cay mất vui.

Tôi cũng ở trong cái tâm trạng như em Dũng. Đi biểu tình mà thiếu lựu đạn cay, phi tiễn nhiều anh em thấy mất đi một phần hứng thú ban đầu. Qua nhiều lần nói chuyện với anh em tôi còn thấy cả tâm lý này nữa. Đi biểu tình mà chưa nếm mùi đàn áp, chưa bị địch bắt thì chưa phải loại “chì”. Tâm lý coi việc ở tù vì tranh đấu là niềm kiêu hãnh, tự hào khá phổ biến trong anh em lúc bấy giờ.

Tôi trao đổi với Dũng:

- Theo mình, mình thấy có hai khả năng. Một là cảnh sát Thiệu chủ trương “gió vô nhà trống”. Mình xuống đường thả giàn, hắn không đàn áp chi hết. Không đàn áp thì thiếu chất kích thích thật. Hai là bọn Thiệu chỉ đàn áp khi nào hắn thấy không thể làm ngơ. Nói thế chứ Dũng cứ yên chí đi thế nào cũng được nếm mùi lựu đạn cay, phi tiễn và cho cảnh sát dã chiến tắm mưa đá, thắp lửa bom xăng tụi mình.

Mải nói chuyện với Dũng đoàn biểu tình đi quá Thương bạc hồi nào tôi không hay. Chiếc cầu mới hiện ra trước mắt mọi người và làm loé lên đầu anh em chúng tôi một ý nghĩ hành động khác.

Thời gian gần đây dư luận Huế nói nhiều về cây cầu mới mà chính quyền Thiệu gọi là “cầu sông Hương” vừa làm song. Nhiều người cho rằng Thiệu làm cây cầu sông Hương để chiếm cảm tình dân Huế vì từ lâu, hắn bị dân Huế ghét cay, ghét đắng. Thiệu muốn cây cầu mới nhắc nhở dân Huế biết hắn cũng có quan tâm đến đời sống, đến các phương tiện giao thông công cộng, đến các sinh hoạt hằng ngày của nhân dân cố đô.

Lê Văn Thân, tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế dự định mời Thiệu ra khánh thành cầu trong vài hôm nữa. Cây cầu mới sẽ là diễn đàn cho Thiệu khoa môi múa mép kiếm phiếu trong bầu cử độc diễn 3 – 10.

Hai đầu cầu, kẽm gai giăng chằng chịt đợi ngày Thiệu ra cắt băng thông cầu. Ngay giữa cầu, suốt mấy ngày qua, Lê Văn Thân đã huy động công binh ra làm một lễ đài lớn. Đứng từ bờ sông nhìn ra thấy cờ xí, băng khẩu hiệu loè loẹt bay phần phật.

Cây cầu mới trở thành điểm nóng của đoàn biểu tình ngay lập tức.

Cùng lúc truyền đơn bướm bay trắng phố phường. Tiếng loa vang dồn dập, mời gọi:

- “Kính mời đồng bào và các bạn thanh niên, sinh viên, học ính Huế ngay từ bây giờ, ngay từ bây giờ tập trung tại đầu cầu mới phía tả ngạn sông Hương để khánh thành cầu. Chúng ta cương quyết vạch trần âm mưu của Thiệu lợi dụng cây cầu, lợi dụng mồ hôi, nước mắt đồng bào để kiếm phiếu trong ngày độc diễn…”

Không cần diễn văn thịnh trọng. Không cần cắt băng. Chỉ một loáng, toán xung kích sinh viên học sinh dẫn đầu đoàn biểu tình đã cuốn phăng kẽm gai đạp xuống chân cầu. Một chiếc băng đỏ với dòng chữ “CẦU CHỐNG MỸ” giương cao trước mặt mọi người. Đoàn biểu tình chạy ồ ạt lên cầu hò reo sung sướng. Khẩu hiệu bằng sơn được anh em viết đỏ mặt cầu những dòng chữ quen thuộc: “Đả đảo Mỹ - Thiệu”, “Tẩy chay độc diễn 3 – 10” v.v… Số công binh Thiệu đang làm lễ đài thấy đoàn biểu tình khai thông cầu cũng hò reo cởi mở. Họ chỉ mong chờ có thế. Mấy hôm nay trên nắng, dưới nước cực khổ biết bao. Bọn sĩ quan còn giục mau, giục hối cho kịp. Họ cùng toán xung kích đạp phăng cờ xí, băng hoan hô Thiệu xuống mặt cầu. Đoàn người biểu tình dẫm nát các thứ ấy. Chỉ trong vòng mấy phút, cái lễ đài tanh bành trông rất thảm hại. Những mảnh gỗ trôi dật dờ trên sông.

Cây cầu mới được khai thông. Thành phố Huế có thêm một chứng tích mới về sức mạnh đấu tranh chống Mỹ xâm lăng góp phần vào những chiến công đang nở rộ trên các chiến trường ác liệt.

“Cầu chống Mỹ”. Ba tiếng “Cầu chống Mỹ” trở nên quen thuộc với đồng bào Huế từ đây.

Sông Hương, thành Huế của ta

Nhịp cầu chống Mỹ là ba mối tình

Câu ca dao ấy đến nay còn ngân lên trong nỗi nhớ của nhiều người dân Huế, trong bài thơ Bài ca quê hương của Tố Hữu.

Đoàn biểu tình đã qua khỏi cầu. Tôi còn tần ngần đứng lại tựa lưng vào thành cầu say ngắm những đoàn xe đạp, xe Honda, xe ô tô nườm nượp qua cầu. Nhìn xuống dòng sông, tôi nghe lòng mình xao xuyến lạ! Tôi sung sướng vì biết đây cũng là một chiến công của một trận đánh vào đồn bốt địch cảu các anh giải phóng quân. Một chiến công có hàng ngàn người dân, tuổi trẻ Huế góp sức làm nên giữa vòng kìm kẹp của quân thù.

Chiếc băng “Cầu chống Mỹ” soi mình xuống dòng Hương một màu tươi rói, gợn sóng lăn tăn. Tưởng chừng âm hưởng dòng sông Hương đang kể chuyện về một cuộc xuống đường, một đêm không ngủ…

Sau một ngày xuống đường căng thẳng, đêm đến chúng tôi lại về Tổng hội quay truyền đơn, làm báo, viết bích chương, khẩu hiệu chống trò hề độc diễn.

Những ngày gần đây, đêm đêm tên trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế cho tay chân lén lút gỡ xé bích chương của phong trào. Chúng còn cạo xoá sửa lại nội dung các khẩu hiệu bằng sơn trên những bức tường đại học. Chúng sửa nhiều câu thật ngây ngô, tục tĩu làm lộ bộ mặt hèn hạ, vô văn hoá của chúng.

Câu “Thiệu hãy từ chức”… chúng sửa lại “V.C hãy từ chức” v.v… đọc lên nghe rất buồn cười.

Tên trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế còn huy động xe có máy phóng thanh chĩa loa vào Tổng hội, phát những bản nhạc vàng rên rỉ, ảo não để phá hoại các buổi phát thanh, các chương trình nhạc tranh đấu của sinh viên.

Chúng muốn dùng loại âm nhạc uỷ mị, rẻ tiền để ru ngủ tuổi trẻ Huế. Chúng quên mất rằng Huế vốn có truyền thống đấu tranh chống văn hoá đồi truỵ, lạc hậu. Huế đã từng thiêu cháy phòng Văn hoá Thông tin Hoa kỳ những năm 65, 66… để trả lời cho bọn Mỹ biết tuổi trẻ Huế không chấp nhận Mỹ và đánh trả quyết liệt trên mặt trận chống xâm lăng văn hoá. Chúng quên từ lâu: dòng văn nghệ đấu tranh của tuổi trẻ miền Nam nói chung và của Huế nói riêng là những vũ khí lợi hại chống xâm lược một cách hữu hiệu nhất như anh Trần Quang Long đã viết trong bài thơ “Thưa mẹ trái tim”

Con sẽ vót thơ thành chông

Xuyên vào gan lũ giặc

Con sẽ mài thơ thành kiếm sắc

Chặt đầu văn nghệ tay sai

Ngay trong đêm đó, vào lúc 12 giờ khuya, chúng tôi vô cùng tức giận khi nghe anh Đông chạy vào báo tin tên trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế đang trực tiếp chỉ huy thuộc hạ lột xe bích chương quanh khu Morin và đang loay hoay bắc thang leo lên gỡ câu khẩu hiệu dài 50 mét mang dòng chữ: “Nhân dân, thanh niên, sinh viên, học sinh Huế cương quyết đập tan âm mưu kéo dài chiến tranh của Mỹ Thiệu”. Một câu khẩu hiệu mà Hoài và Minh đã thức trắng đêm hôm kia viết.

Để chặn đứng các hành động phá hoại trên, chúng tôi ném bom xăng tới tấp vào chúng. Bị tấn công bất ngờ, bọn cảnh sát khá lúng túng. San dẫn một toán anh em chạy bọc ra đường Lê Lợi, giật chiếc thanh bằng nhôm của cảnh sát chạy vào Tổng hội. Hai thằng cảnh sát đứng trên bao lơn Văn Khoa la chéo véo. Tên trưởng Ty cảnh sát cũng léo nhéo bên máy bộ đàm. Hắn đang gọi thêm cảnh sát dã chiến tới tăng viện.

Tôi và Minh chạy tìm soong, chảo, thùng ra đánh báo động đồng bào. Tiếng gõ vang dội trong đêm. Soong, chảo, thùng bị bẹp dí mà cuộc chiến đấu vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi la hét yểm trợ nhau đến khản cổ. Bom xăng nổ lụp bụp. Lửa bom xăng toả sáng quanh khu nhà Đại học Văn Khoa và Khoa học.

Một trái bom xăng ném trúng tên trưởng Ty cảnh sát. Hắn đau đớn thét lên. Nửa người hắn bốc lửa. Hắn đưa tay phủi phủi, ngọn lửa có cao su cháy bầy nhầy ra. Đàn em hắn vội vàng dìu hắn ra xe dập tắt lửa và cứu chữa.

Một tên cảnh sát khác đánh gục Đông, kéo Đông xềnh xệch trên mặt đường lởm chởm mảnh chai liền bị Minh vác ghế đẩu choảng cho một cú nên thân. Chiếc ghế vỡ toang. Minh xốc nách Đông đưa vào Tổng hội kịp thời.

Bọn cảnh sát dã chiến tăng cường đã hung hãn kéo đến. Anh em sinh viên rút lui vào sau Tổng hội sinh viên Huế cố thủ.

Khanh, Chỉ, Định, Lượng, Minh và nhiều anh em khác đan tay nhau thành một hàng rào quyết không để bọn đầu trâu mặt ngựa tràn vào Tổng hội.

Qua máy phóng thanh, tôi nói với cảnh sát:

- Chúng tôi yêu cầu cảnh sát phải rút lui khỏi khu vực này. Chúng tôi sẽ tố cáo trước dư luận nhân dân, dư luận trong và ngoài nước hành động thô bạo của cảnh sát Huế. Sinh viên, học sinh chúng tôi cương quyết chống lại bất cứ mọi hành động đàn áp dã man, khủng bố trắng trợn nào của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Trước quyết tâm của sinh viên tranh đấu, bọn chúng nhảy lên xe xéo đi một mạch.

Chợt Gành chạy từ ngoài vào la lên như khóc.

- Anh em ơi ! Liêm bị bắt rồi. Tụi hắn lôi Liêm trên mặt đường đầy mảnh bom xăng.

Chúng tôi lặng người đau đớn nhìn nhau. Chúng ta mất cảnh giác rồi. thì ra trong cơn hỗn loạn, Liêm – em học sinh Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng ra Huế phối hợp hoạt động – chạy tấn công bọn cảnh sát trước đường Lê Lợi. Khi anh em rút lui Liêm không hay mới bị cảnh sát bắt đi. Căm túc quá, không dằn lòng được, Lượng chửi to:

- Tổ mẹ thằng bọn cảnh sát !

Lòng chất chứa hận thù, chúng tôi ngồi vào bàn họp. Ngọn lửa bon xăng trên mái hiên trường Đại học Khoa học còn âm ỉ cháy, hắt ánh sáng xuống mặt đường. Đêm nay chúng tôi lại thức trắng đêm chuẩn bị cho ngày mai. Vâng, ngày mai tiếp tục xuống đường.

Ngừng tay quay ronéo, tôi lắng lòng mình theo lời ca của Chỉ. Chỉ đang ôm đàn ghi – ta ngồi tựa lưng vào người Đông hát say sưa bài hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của Huy Du, nhạc sĩ miền Bắc. Lời bài ca thắp sáng trong tâm hồn tôi lửa ấm. Tôi nghĩ về Liêm. Đêm nay từ một phòng giam nào đó Liêm sẽ ra sao trước đòn thù. Tôi hình dung một con đường mới và tuổi trẻ chúng tôi hăm hở bước nhịp nhàng.

Một bản tuyên cáo lên án hành động khủng bố đàn áp, bắt bớ sinh viên học sinh của nhà cầm quyền địa phương Huế đồng thời buộc phải trả tự do tức khắc cho em Liêm được phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân Huế và các thị trấn, huyện lỵ: Tôi nhớ tới khuôn mặt gầy gầy và tính sôi động, xông xáo tích cực của em. Trước đây em đã bị mật vụ bắt một lần trên bến xe taxi chợ Đông ba khi em mang tài liệu đấu tranh, báo chí của sinh viên Huế vào Đà Nẵng. Tưởng tượng đến cảnh em bị cảnh sát lôi đi trên mặt đường lởm chởm mảnh thuỷ tinh đêm qua tôi thương em quá đỗi. Bắt được em, liệu tên trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế có tra tấn dã man để khai thác triệt để những gì em biết được về phong trào, về đồng đội, bạn bè em ở Huế, ở Đà Nẵng? Tôi thầm mong em sẽ lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh nhân dân, tin tưởng vào tình yêu đoàn thể và em hình dung được khí thế của Huế chiều nay đang xuống đường đòi trả tự do cho em, cho nhiều sinh viên học sinh và đồng bào khác đang ở trong ngục tù Mỹ - Thiệu. Đoàn biểu tình bao vây toà hành chánh tỉnh đông nghịt. Nhạc, Thọ thay nhau đọc tuyên cáo, kêu gọi lương tri nhà cầm quyền hãy nhận tội ác của mình. Nhưng là tội ác thì làm gì có lương tri. Đánh thức lương tri của chúng chỉ bằng cách tốt nhất là tranh đấu. Là ngọn lửa nhân dân đốt cháy cường quyền.

Đoàn biểu tình ồ ạt tiến qua cầu mới. Dẫn đầu đoàn là toán văn nghệ xung kích. Nhịp đi của đoàn người là nhịp đi của bài hát “Xuống đường”. Toán xung kích xinh viên học sinh huy động đồng bào chất lớp xe hơi ở các góc đường phố lớn và ném bom xăng vào. Khói lửa rần rần bóc lên đen kịt. Đứng từ xa nhìn về trung tâm Huế, nhiều người tưởng Huế đang bị cháy lớn.

Một thằng Đại Hàn, sĩ quan chư hầu Mỹ, vừa phóng xe Jeep tới, liền bị đoàn biểu tình chặn lại, đuổi hắn xuống xe. Hắn sợ toát mồ hôi hội, không dám van xin, riu ríu bước xuống đường run rẩy nhìn anh em xung kích tẩm xăng lên xe của hắn. Ngọn lửa bùng cháy trên đường Trần Hưng Đạo trước mắt hàng ngàn đồng bào Huế, trước ống kính của một số phóng viên báo chí nước ngoài. Thằng Đại Hàn thiểu não bước về phía bên kia sông. Bóng hắn xiêu vẹo trên mặt đường. Bà con nhìn nhau cười hả hê…

Từ những vụ đốt xe Mỹ trong những ngày vừa qua, người dân Huế thấy vắng hẳn xe bọn Mỹ đi lại trong thành phố. Khiếp sợ, kinh hoàng chúng đi làm việc từ nơi này sang nơi khác bằng xe bít bùng có hộ tống hoặc máy bay trực thăng.

Dần dần, tôi càng hiểu thêm vì sao bọn Mỹ không đóng các căn cứ quân sự quan trọng trong thành phố Huế. Chắc chắn bọn Mỹ đã rõ một điều: Thành phố này trước như sau như một không chấp nhận Mỹ, Mỹ là kẻ thù không dung thứ của Huế.

Huế không chấp nhận Mỹ, Huế cũng không chấp nhận Thiệu. Ngày 23-9-1971 trong khi ban vận động bầu cử địa phương Huế chưa treo bích chương Liên danh dân chủ Thiệu - Hương “ra mắt” đồng bào Huế, Tổng hội sinh viên Huế đã cho dán ngay một tấm bích chương của Liên danh này mà anh em vừa kiếm được từ Đà Nẵng đêm qua. Tấm bích chương được dán trước tiền đường Đại học Bách Khoa, chỗ anh em hay ngồi tuyệt thực sau khi Chỉ đã nắn nót sửa chữ Liên danh dân chủ thành ra “Liên danh dân chửi” và gạch vốn vạch chéo màu đen lên hái cái mặt Thiệu, Hương.

Đồng bào, sinh viên học sinh Huế vây quanh tấm bích chương “Dân chửi”, cười khoái chí. Bọn mật vụ tức tối lắm nhưng chẳng làm gì được anh em. Chữ “Liên danh dân chửi” đã gây một ấn tượng sâu trong ký ức nhiều người.

Sau tấm bích chương “Dân chửi”, Tổng hội dán lên, bọn tay chân Thiệu không dám treo bích chương Thiệu Hương giữa ban ngày ban mặt. Chúng lén lút treo trong đêm tối và sáng ra thì cái nào cái nấy rách tả tơi hoặc mặt Thiệu Hương bị rách nát. Nhìn những chiếc bích chương vận động cho “Liên danh dân chửi” nằm lửng lẳng trên các cột điện đầu chúc xuống đất, những chiếc khác rách rưới, nát tan trên những khung tường cũng đủ đo được mức độ oán ghét của người dân Huế dành cho Mỹ Thiệu tới chứng nào.

Nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế đã vận động bầu cử độc diễn bằng cách điều động một lực lượng công an, mật vụ, cảnh sát dã chiến khá đông đàn áp, khủng bố trắng phong trào tranh đấu. Em học sinh Liêm lại bị cảnh sát bắt cóc lần thứ hai sau khi chúng thả ra mấy ngày. Kể ra Liêm cũng có duyên nợ với Huế! Sau này em lại bị bắt đi Côn Đảo cùng một lượt với tôi hồi tháng 4 – 1972.

Một buổi sáng, anh em sinh viên cư xá Huỳnh Thúc Kháng bàng hoàng khi bọn cảnh sát dã chiến bất thần tấn công ồ ạt vào nơi này. Chúng hùng hổ đánh phá làm ba sinh viên bị thương trầm trọng. Chúng cướp đi một xe Suzuki, nhiều xe đạp, áo quần và đồ dùng của sinh viên.

Trả lời cho hành động bất lương, tàn ác của nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế, ngày 28-9 Tổng hội sinh viên Huế và các đoàn thể, tổ chức tiến bộ yêu nước khác vận động đồng bào, thanh niên, sinh viên học sinh Huế tập trung tại Tổng hội sinh viên Huế và sân Viện Đại học Huế đốt thẻ cử tri. Ngọn lửa truyền thống Huế lại bốc cao. Bà con, anh em tuổi trẻ Huế thích thú móc từ túi áo, túi quần mình lấy thẻ cử tri quẳng vào lửa đỏ. Hình nộm Thiệu cũng cùng chung số phận.

Huế từ lâu vốn không chấp nhận hắn!

Bao lớn Trường Đại học Văn Khoa được chọn làm căn cứ chỉ huy tranh đấu từ sáng 1-10. Băng khẩu hiệu dài 50 mét mà bọn cảnh sát Thừa Thiên Huế toan cướp giật đêm nào vẫn còn đỏ chói với dòng chữ: Nhân dân, thanh niên, sinh viên học sinh Huế cương quyết đập tan âm mưu kéo dài chiến tranh của Mỹ Thiệu. Giọng Nhạc rất cao trên nền bài hát “Dậy mà đi” lời kêu gọi xuống đường tẩy chay trò hề độc diễn. Đồng bào kéo về đứng dày đặc bùng binh cầu Trường Tiền làm tắc nghẽn mọi lưu thông của thành phố.

Lần xuống đường này còn có mặt hàng trăm thương phế binh – Những người trở về từ các thất bại thảm hại của quân đội Mỹ Thiệu ở trên khắp chiến trường miền Nam – mà gần nhất là những người sống sót từ cuộc hành quân Lam Sơn 718 qua Hạ Lào hồi tháng 4 năm 1971. Ai Lao đường rộng dễ sang khi đi áo giáp, áo quan khi về. Những người đã biết mình bị lợi dụng xương máu cho bọn đầu cơ chính trị, bọn trục lợi chiến tranh phê phỡn tranh giành địa vị, quyền thế và bòn rút tiền, vàng gửi ra ngân hàng ngoại quốc – Họ cũng trang bị gậy gộc, gạch đá và cả bom xăng. Họ ngồi trên xe lăn, đứng tì bên những chiếc nạng gỗ, áo quần đủ loại màu sắc, kiểu cách.

“… Dậy mà đi! Dậy mà đi núi sông đang chờ. Dậy mà đi! Dậy mà đi ơi đồng bào ơi!...”

Cánh quân hữu ngạn sông Hương gồm học sinh các trường Bồ Đề hữu ngạn, Bán công, Hưu Đạo, Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương… vừa đi vừa hát vang tiến về cứ điểm đại học Văn khoa.

Bên kia sông, cánh quân Nông Lâm Súc, Nguyễn Du, Bồ Đề tả ngạn, nữ trung học Thành Nội, Hàm Nghi, Gia Hội… băng băng tiến ra phố Trần Hưng Đạo nhập vào đoàn biểu tình của sinh viên và đồng bào ở đó.

Dậy mà đi !

Dậy mà đi !

Tiếng hát trở nên căng thẳng, dồn dập khi đoàn biểu tình vừa thấy lực lượng đàn áp của địch xuất hiện ở các góc đường. Lần này, bọn cầm quyền địa phương ra quân thực sự. Lực lượng đầu trâu mặt ngựa gọi cảnh sát dã chiến tới tăng cường từ Sài Gòn ra phối hợp với lính dù, lính biệt động. Ngoài phi tiễn, lựu đạn cay, lựu đạn mửa… Chúng còn trang bị thêm M.16. Chưa hết, chúng còn cho xe bọc thép, loại bánh cao su to án ngữ phía Thương Bạc, cầu chống Mỹ:

“Dùi cui thì mặc dùi cui

Đấu tranh chống Mỹ cũng cùi dùi cui”

Câu hát nhịp nhàng của các em học sinh làm cảnh sát dã chiến điên tiết. Tên trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế quấn lá cờ ba que lên mình hắn. Hắn đang “nhân danh Tổ Quốc” để chỉ huy đàn áp nhân dân. Ngồi trên chiếc xe Jeep xanh hắn nói gì đó qua máy bộ đàm.

Những cái đầu heo lố nhố đối mặt đoàn biểu tình. Bất ngờ, bọn cảnh sát dã chiến ném lựu đạn cay, bắn phi tiễn. Chúng bắn không lơi tay. Khói mù toả ra khắp phố. Từ Đại học Văn Khoa Huế nhìn sang thấy cả một vùng khói trắng. Cuộc chiến đấu chống trả bắt đầu. Rất bình tĩnh, không nao núng, bom xăng, gạch đá từ đoàn biểu tình ném vào đối phương rất chính xác. Vừa ném như mưa, vừa hô xung phong rất khí thế.

Để làm giảm một phần hiệu lực phi tiễn, lựu đạn cay, các em nữ sinh kịp thời lấy bao bố nhúng nước, đất sét phủ lên những trái lựu đạn cay, phi tiễn cảnh sát vừa bắn tới. Dưới lớp bố ướt, dưới lớp đất sét nhão các vũ khí độc ác Mỹ nằm im, bất lực. Từ hai bên phố Trần Hưng Đạo, từ chợ Đông Ba bà con bưng ra từng chậu bia, cho những ai bị lựu đạn cay, phi tiễn vục mặt vào. Bia làm cho đôi mắt của những người biểu tình dịu lại, đỡ cay.

Các em học sinh nhỏ 12, 13 tuổi cũng gan lì không kém các anh sinh viên học sinh xung kích. Bọn cảnh sát dã chiến có mặt nạ heo chống hơi cay, các em cũng có mặt nạ chống hơi cay. Trên đầu mỗi em chụp lên một bao nilon trắng muốt chỉ chừa miệng lại để thở. Nhiều thằng dù, biệt động bị các em ném đá trúng đầu, trúng hông la oai oái. Một số em không quên trổ tài thiện xạ của mình khi dùng ná cao su bắn trúng đầu trúng mắt nhiều tên. Thú tính nổi dậy, bọn dù, biệt động bắn phi tiễn vào đầu, ngực các em tới tấp.

Minh – một em học sinh Nguyễn Du mà cuộc biểu tình, hội thảo, tuyệt thực nào cũng có mặt – lần này tả xung hữu đột không thua các bạn. Em chạy nép nép vào ngách phố, tiến đến sau lưng một thằng cảnh sát dã chiến to cao. Ráng hết sức bình sinh em nện một cục đá lớn vào lưng hắn. Thằng này hự lên một tiếng đau đớn, rồi quay đầu lại, và thật bất ngờ, hắn lột mặt nạ heo ra để lộ mộ bộ mặt gầy, đôi mắt sâu, tóc râu tua tủa. Hắn hét lớn:

- Minh – Mi biết ai đây không? Về nhà mi chết tau!

Minh ngớ người ra, mắt mở to, lè lưỡi một cái rồi chạy sang toán khác.

Một số người chứng kiến cảnh ấy cười ồ lên khoái chí! Minh đã nện đúng ngay chóc anh ruột mình.

Trong lúc giao tranh còn quyết liệt diễn ra ở tả ngạn sông Hương thì hữu ngạn, lực lượng thương phế binh, đồng bào, sinh viên, học sinh của cánh quân bên này án ngữ tại bùng binh cầu Trường Tiền cũng đẩy lui nhiều đợt tấn công của đối phương.

Hai trung đội cảnh sát dã chiến từ đường Trần Hưng Đạo tiến qua cầu liền bị anh em thương phế binh dùng gậy gộc, nạng gỗ phang thẳng cánh. Gạch đá ném như vãi, chấm dứt đợt tấn công cuối cùng buổi sáng của địch.

*

* *

Dù bị đàn áp mạnh ban sáng nhưng đến chiều Tổng hội sinh viên Huế vẫn tổ chức chiến dịch “Nói với đồng bào” tại nhiều nơi trong thành phố. Riêng tại chợ Đông Ba, chiến dịch mang tên “Đồng tháp 11” đã bị mật vụ, cảnh sát dã chiến bao vây tấn công. Súng M.16 nổ ran. Lựu đạn cay, phi tiễn làm chợ Đông Ba chìm trong biển khói. Bà con trong chợ đầm đìa nước mắt. Mũi người nào người nấy đỏ kè.

Một bà mẹ thấy trái phi tiễn bọn cảnh sát vừa bắn tới đang quay quay sắp nổ giữa chợ vội vàng dùng một cái lồng bàn chụp lên. Trái phi tiễn nổ hất tung lồng bàn và bà ngã nhào ra bất tỉnh.

Mặc cho phi tiễn, lựu đạn cay, toán xung kích sinh viên chạy lên lầu chợ Đông Ba viết khẩu hiệu chống Mỹ Thiệu đỏ rực lầu mới rút lui trước sự che chở của bà con tiểu thương. Thế là trọn ngày 1 – 10 Huế hầu như chìm trong khói cay và khói lửa bom xăng. Mọi sinh hoạt thường nhật ngưng trệ hoàn toàn trước những cuộc giao tranh ác liệt.

Nhiều em học sinh nhỏ bị ngất xỉu hoặc bị địch bắt đi. Một số em khác được đồng đội đưa vào bệnh viện Huế cứu chữa. Đêm đó, dưới ánh đèn đường, giữa bùng binh cầu Trường Tiền bà con, nhân dân Huế đứng yên lặng theo dõi chương trình phát thanh Tổng hội sinh viên Huế đến mười một giờ khuya. Cảnh sát Huế không dám tới đàn áp số đồng bào ấy. thời tiết Huế đêm nay dễ chịu. Bầu trời lấp lánh sao.

Ngày tiếp theo (2 – 10) thành phố cũng chìm trong hơi cay và khói lóp xe. Đối với chúng tôi, đây là một ngày dài nhất từ trước đến nay. Đây là một ngày mà bọn cầm quyền tập trung cao độ mọi hành động đàn áp đồng bào, tuổi trẻ Huế. Nhà cầm quyền đã để lộ bản chất hiếu chiến khát máu, hiện nguyên hình một loài lang sói. Sức chiến đấu bền bỉ của nhân dân, tuổi trẻ Huế đã làm phơi bày bộ mặt thật chế độ độc tài quân phiệt Thiệu, lật tẩy mọi âm mưu nuôi dưỡng Thiệu của đế quốc Mỹ.

Dưới sự chỉ huy của tên trưởng Ty cảnh sát Thừa Thiên Huế, lực lượng đàn áp đã bắn phi tiễn, ném lựu đạn cay, lựu đạn nôn mửa vào đồng bào.

Tiếng hô xung phong của lực lượng tranh đấu tấn công cảnh sát chiếm thành phố của đoàn quân giải phóng. Hai bên bờ sống Hương khói toả mịt mù. Một đại đội cảnh sát dã chiến tấn công ngay vào trường đại học Văn Khoa, nơi Tổng hội sinh viên Huế đặt hệ thống phát thanh do Thọ, San, Nhạc phụ trách.

Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, hàng trăm phi tiễn, hàng trăm lựu đạn cay bắn lên bao lớn đại học Văn Khoa. Mặc cho chúng bắn, tiếng nói của Thọ vẫn hùng hồn tố cáo chúng. Hình ảnh Thọ chính là từ một bài thơ mà anh Thái Ngọc San đã viết sau này. Bài thơ “Người con gái thành phố Huế ngày đứng lên”

Một quả phi tiễn bay vào phòng phát thanh. Thọ ngất xỉu trước máy trong khi đọc lời kêu gọi của Phong trào phụ nữ đòi Quyền Sống Huế. Nhạc, San vừa thay nhau nói, vừa ném bom xăng.

Cuối cùng, trước sự tấn công quá thô bạo của đối phương, San ra hiệu cho Nhạc dìu Thọ thoát khỏi trường Đại học Văn Khoa, còn San ở lại. San có một mặt nạ chống cay cướp được của cảnh sát. San nghĩ là mình cầm cự được với chiếc mặt nạ. Song không quen sử dụng thứ này, San mang lệch đi, khói cay thuốc vào mắt, vào miệng, vào mũi làm San ho sặc sụa. Nhạc thấy một tên cảnh sát vừa leo lên bao lớn, San chụp một trái bom xăng ném lên đầu hắn. Hắn khiếp đảm thụt lùi, San nhảy xuống thang lầu chạy biến khỏi cứ điểm Đại học Văn Khoa.

Cùng lúc ấy, tại Tổng hội sinh viên Huế, lực lượng đàn áp của địch cũng tràn vào đánh phá tơi bời. Số anh em trong Tổng hội sau hồi chống trả dữ dội đành phải chạy thoát khỏi nơi ấy. Đứng núp sau cánh cửa sổ lầu hai trường Bán công. Thọ tức tối đến chảy nước mắt khi nhìn thấy bọn cảnh sát dã chiến kéo kẽm gai phong toả các mối đường đi vào Tổng hội sinh viên Huế.

- Thế là các anh em San, Chỉ, Trận, Cần, hoài, Minh, Hiền, Cước….và anh em khác đã dạt mỗi người mỗi nơi – Thọ nói với Nhân và Mỹ Hà.

Khác với nỗi lo âu của Thọ, sau khi bị cảnh sát đánh bạt ra khỏi các cứ điểm, Điền, Nam và nhiều anh em học sinh vượt sông phối hợp với đoàn học sinh Phật tử cùng đồng bào vùng Gia Hội từ chùa Diệu Dế bất thần ồ ạt đánh trả cảnh sát một cách táo bạo ở khu vực này. Một chiếc Jeep chở bọn cảnh sát mật vụ chạy ngang chùa Diệu Dế bị toán xung kích chận xe lật ngửa như lật một con rùa. Bốn bánh hướng lên trời, bom xăng từ trên tay các em học sinh nhỏ tuổi được bay vào xe tới tấp.

Đồng bào bên kia sông ùa ra đứng kín bờ đường Huỳnh Thúc Kháng nhìn đám cháy bên này. Tiếng hò la vọng sang nghe dậy trong đêm. Số anh em khác như Chuyên, Cần, Đông, Hoài, Hiền và Minh kịp thời di chuyển máy đánh chữ, máy ronéô cùng nhiều “đồ nghề tranh đấu” khác lên vùng Lịch Đợi tiếp tục hành động.

Ngay trong đêm đó tôi xúc động mạnh khi nghe tin Sơn, uỷ viên Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Huế, giáo sư Ngô Kha chủ tịch Mặt trận Văn hoá Dân Tộc Miền Trung, giáo sư Trần Đình Toán và 30 em học sinh khác bị bắt.

Riêng anh Ngô Kha là người tôi hằng yêu kính. Tôi đã từng sống chung với anh ở một căn gác xép bên bờ sông Gia Hội. Anh đã bị chính quyền Thiệu bắt giam nhiều lần qua các mùa tranh đấu trước. Anh làm thơ rất tài hoa và rất trung thực. Sau này anh bị chúng bắt rồi thủ tiêu luôn. Bài thơ cuối cùng của anh viết về một người con gái giao liên trong thành phố. Cô gái ấy đến đưa anh ra vùng giải phóng nhưng anh lỡ hẹn, anh ở lại Huế một thời gian ngắn và bị địch bắt. Bài thơ để lại ấy như những lời di chúc của anh:

“Con nước phù sa đắp bồi thành luỹ

Giọt máu kiên cường nuôi lúa đồng hoang

Em vẫn dày công trên đường kháng chiến

Đã có anh cùng chí hướng bền gan”…

Những cuộc bạo động vẫn liên tục diễn ra trong ngày bầu cử độc diễn 3 -10. Thành phố Huế vắng tanh như chiều 30 Tết. Các phòng phiếu lạnh ngắt. Hơi cay vương vất khắp nơi, khó chịu, kẽm gai chằng chịt trên những con đường chính. Bọn cảnh sát mật vụ mặt mày đằng đằng sát khí lùng sục khắp nơi.

Các em thiếu niên nhi đồng tay xách những chai bom xăng nhỏ chạy từng toán đột kích các đội tuần tiểu cảnh sát dã chiến rồi biến nhanh vào các hẻm phố. Các em dũng cảm làm những việc của sinh viên học sinh xung kích.

Trước sự truy lùng gắt gao của bọn ác ôn, anh em lãnh đạo phong trào hãy còn phân tán mỏng nhiều nơi. Một số anh em vào viện Bài lao Huế. Viện bài lao Huế - một tên gọi có nhiều kỷ niệm thân thiết của đời tôi, chính tại đây tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh ngày 26 – 3 – 1972.

Xuất phát từ chùa Diệu Dế, hằng trăm em thiếu nhi tay cầm biểu ngữ mang nội dung:

“Chính quyền Thiệu phải trả giá tự do ngay cho các sinh viên học sinh và các giáo sư” “Nhân dân, thanh niên, sinh viên học sinh Huế cương quyết tẩy chay kết quả độc diễn 3 – 10!”. Các em tuần hành từ Bạch Đằng – vượt cầu Gia Hội sang Phan Bội Châu. Tiếng hô khẩu hiệu của các em trong trẻo, dễ thương nghe rất cảm động. Táng tận lương tâm, cảnh sát dã chiến bắn loạn xạ phi tiễn vào các em. Đồng bào hai bên phố bồng các em bị ngất xỉu vào nhà cứu chữa. Những cánh cửa phố mở đón các em khác vào tránh sự đàn áp vô nhân đạo của lũ côn đồ.

Đêm ấy nhìn ánh trăng rằm tháng Tám toả sáng sân Viện Bài lao Huế, tôi bùi ngùi xao xuyến trong lòng. Ngày Trung thu của thiếu niên nhi đồng Huế đẫm hơi cay của kẻ thù và nước mắt các em. Các em đã hoà mình vào nỗi đau của đất nước, đồng thời đã trưởng thành trong hang động chống Mỹ xâm lược.

Bổng bóng Cần hiện lên trên khung cửa sổ, chỗ tôi ngồi, Cần cười rất tươi trao cho tôi một gói nhỏ và một bao thuốc lá Ruby rồi lặng lẽ biến mất sau giàn hoa dạ lan hương.

Tôi hồi hộp mở bao Ruby tìm điếu thuốc quen thuộc của mình, sung sướng cảm động tôi đọc lui đọc tới nhiều lần những dòng chữ nhỏ. Những dòng chữ như những ngọn lửa reo ấm tâm hồn tôi.

“Anh em vẫn an toàn đón Trung Thu với các em học sinh, thiếu nhi xung kích tại một ngôi vườn ngập ánh trăng. Theo Y.20 ([1]) chúng ta tiếp tục khơi thêm sức lứa, phát huy thắng lợi mặt trận đường phố, đấu tranh xoá bỏ kết quả độc diễn 3/10, đấu tranh đuối Mỹ.”

TB. Gởi Q. bánh trung thu của anh em trên này. Hẹn gặp nhau giữa mùa trăng chiến thắng”.

*

* *

Một tràng súng nổ chát chúa ở bên ngoài sân Tổng hội sinh viên Huế đã cắt đứt cuộc vui của anh em chúng tôi. Có tiếng của các em nữ sinh ré lên thất thanh từ phía trước. Tôi buông cây đàn ghi – ta xuống bàn. Một lũ người mặt mày hung tợn ùa vào phòng giữa cửa Tổng hội như một cơn lốc mạnh. Hung dữ và thô bạo.

- Bọn cảnh sát mật vụ!

Tôi buộc miệng khi vừa nhìn thấy sự xuất hiện của chúng. Những họng súng Mỹ M.16 đen ngòm chĩa thẳng vào ngực chúng tôi.

- Tụi bay ra ngoài sân mau lên! Chạy tau bắn nát óc!

- Thằng Nam mô rồi?

- Thằng Nhạc nữa? Tụi bay tưởng tụi tau không biết sáng nay có ai ở đây à ?

- Thằng Nhạc sáng nay có đánh cờ tướng ở đây mà!

Trong khi bọn mật vụ la lối om sòm thì trước mắt tôi đang diễn ra một cuộc đối thoại ngắn giữa Nhạc và một thằng mật vụ khác.

Tên mật vụ: - Giấy tờ ở đâu? A! Nguyễn Chúc hả? Học trường mô?

Trần Phá Nhạc: Đại học Văn Khoa

Tên mật vụ: Đến đây làm chi? Tranh đấu hả?

Trần Phá Nhạc: Tui tới uống cà – phê chơi không hà!

Tên mật vụ: Cho đi! Đừng tới đây lộn xộn nghe con.

Tôi và một số anh em khác hồi hợp chứng kiến cảnh đối thoại giữa tên mật vụ và Trần Phá Nhạc. Khi Nhạc chạy biến ra khỏi cổng Tổng hội, anh em chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm. Thế mà chúng cũng nói dóc là biết Trần Phá Nhạc. Tôi thầm chúc mừng Nhạc gặp may. Đường bay đã mở ra. Nhạc lần này chắc là sẽ lên với ngàn xanh như từ lâu anh em chúng tôi vẫn ước mơ và khao khát đến kỳ lạ.

Trong khi bọn mật vụ bắt tôi, Lợi – học sinh Nguyễn Du, Liêm, Lượng ngồi bất động trước ngưỡng cửa Tổng hội sinh viên Huế thì một toán mật vụ khác, đang tìm rượt bắt Nam ở đằng sau Tổng hội. Là người bị cận thị nặng mà lại bị mất kính cận thị trước đây nửa giờ tại trường Đại học Sư Phạm Huế sau một cuộc vây bắt của cảnh sát, Bửu Nam đến Tổng hội với hai con mắt trần và khuôn mặt tái xanh. Mất kính, Nam không phân biệt được cuộc thép gai tròn khác với cái hố đất như thế nào nên đã nhảy đại vào cuộc thép gai để trốn mật vụ.

Khi bọn chúng lôi được Nam lên thì áo quần Nam rách bươm. Da thịt Nam bị tướt xé đi nhiều chỗ. Máu đẫm cả người Nam. Nhìn dáng dấp cao to, dềnh dàng với sự luống cuống vụng về của Nam và chiếc còng Mỹ khoá chặt tay Nam, anh em chúng tôi dâng lên một niềm cảm thương Nam vô hạn và căm thù bọn mật vụ vô cùng.

Ngồi trên chiếc Jeep xanh của Cảnh sát, anh em chúng tôi mỉm cười đưa mắt nhìn nhau. Vẫn còn ánh lên trong đôi mắt của mỗi người niềm lạc quan, trong sáng. Vẫn còn người trong mỗi đồng tử lý tưởng của tuổi trẻ Huế trên tuyến đầu chống Mỹ.

Mỗi đôi mắt, tôi hình dung có ngọn lửa rực rỡ của ngày hè thành phố Huế. Hôm ấy là 30 – 4 – 1972. Tiếng chuông chùa đánh tỏng trưa gần chỗ chúng tôi ngồi làm ngạc nhiên rất nhiều người. Nhìn qua một khe ván, tôi thấy ngay ở trong nhà lao tạm có 2 bàn thờ nằm ở chính giữa lối ra vào. Một bàn thờ phật và một bàn thờ chúa làm sao át được tiếng kêu la của những nạn nhân đang oằn oại phát ra từ các phòng giam, từ các chổ hỏi cung. Gương mặt nhân hậu của bức tường Chúa làm sao xao dịu được nổi đau đớn trong từng vết thương sâu của những con người yêu nước. Nhân danh Phật, nhân danh Chúa, bọn chúng đang bày trò giả trá nơi đây.

Tôi xót xa nhìn Nam. Nam đang cúi đầu mâm mê từng vết thương trên chân, trên tay. Đôi mắt Nam đờ đẫn nhìn vào khoảng không. Một nụ cười rất trẻ thơ chợt đến đậu trên môi Nam.

Cơn nắng tháng tháng Tư của Huế tỏa xuống những mái tole của lao tạm Huế đã biến trại giam thành những lò hấp người vĩ đại. Hằng trăm con người chen chúc nhau trong những căn chòi chật chội, ngột ngạt. Mùi mồ hôi, hơi người, hơi quần áo lâu ngày không giặt xông lên khó chịu. Điều bất ngờ đối với chúng tôi là một số gương mặt tranh đấu quen thuộc của Huế trong gian đoạn này cũng đã bị lọt vào đây tự lúc nào trong ngày tôi chẳng hiểu.

Chị Quế, bác Đính, bác Nguyện, anh Tâm, chị Thảo… có lẽ nào tất cả…

Một ngày sau chúng tôi mới hiểu được chiến dịch Bình Minh của chúng.

Trước việc Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, ngụy quyền Thừa Thiên Huế đã đề phòng một nguy cơ là có thể bị mất theo nên đã phòng thủ từ xa với nhân dân, tuổi trẻ Huế bằng một chiến dịch có cái tên rất kêu là Bình Minh. Chiến dịch Binh Minh đã được chúng thực hiện bằng cách bắt hàng ngàn đồng bào Huế vô tội vào nhà lao của chúng.

Động tác bắt dân kỳ này chúng làm cũng rất tinh vi và xem chừng có vẻ “lịch sự” lắm. Nhiều người khi được giấy mời của ủy ban xã, ủy ban phường lên xã, phường để họp để ăn mặt rất chình tề. Nam giới thì khăn đóng, áo đen dài, quần trắng. Nữ giới thì áo dài quần trắng rất tinh tươm. Ai ngờ đến xã, phường rồi liền bị tịch thu giấy kiểm tra va xa huyện về đưa lên lao tạm Huế. Gia đình đi tìm táo tác. Cảnh tìm kiếm, kêu khóc diễn ra trong những ngày hôm ấy.

Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ông già Sắc. người ở dưới chân núi Ngự Bình trong buổi gặp đầu tiên ở lao tạm. Ông già Sắc mặc chiếc áo dài bằng vải the, đầu đội chiếc khăn đóng ngồi khòm lưng dưới mái tole nóng. Mắt ông đỏ ngầu lên với sự tức giận tột độ. Tiếng ông vang lên trong buổi trưa hè.

- Mồ tổ cha hắn. Tui lớn ri rồi mà hắn còn bắt tui đi thi tú tài. 70 tuổi mà tú tài chi tui nữa.

Là một người tù con so(1)tôi làm sao hiểu được chữ nghĩa của ông Sắc. Tò mò tôi lễ phép hỏi ông:

- Thưa ôn, thi tú tài là răn ôn?

- Tú tài là tái tù a! Tui bị bắt lần ni là lần thứ mấy rồi, Mả cha hắn.

Những ngày ở lao tạm chúng tôi vẫn thường xuyên lắng nghe, tìm kiếm những dòng tin tức từ bên ngoài. Quảng Trị được giải phóng đã tạo cho chúng tôi một sức mạnh mới trong tâm lý và tình cảm. Những ngày này, bị thua đau ở Quảng Trị, số lính tráng, sĩ quan Sài Gòn chạy vào Huế, đã gây nhiều nổi kinh hoàng trong thành phố. Nhiều cảnh cướp bóc, hãm hiếp, đập phá đã diễn ra trước sự bất lực của ngụy quyền Thừa Thiên Huế. Đêm mồng 3 tháng 5, từ những lỗ tò vo nhỏ của lao tạm tôi và anh em đã nhìn thấy ngọ lửa từ chợ Đông Ba như thế đó.

Mối căm thù trong chúng tôi chợt lớn không ngờ. Hy vọng về một ngày Huế được giải phóng như Quảng Trị được nhân lên trong mơ ước của tôi.

Bên kia trại giam nữ, nụ cười của Thọ, của Nhân, của Hà, của Châu, của má Hó chuyền sang anh em chúng tôi những tình cảm trong sáng và tươi mát. Tình đồng đội quý hóa biết bao trong những giây phút này.

Nỗi băng khoăn của tôi là không biết gia đình tôi ở Quảng Trị như thế nào? Ba, má và các em tôi liệu có thoát khỏi nạn bom mỹ. Hôm qua, có tin đồn là ba tôi đã chết ở Cầu Dài thuộc Hải Lăng, Quảng Trị. Tôi cố không tin điều ấy. Nhưng sao đêm nay nước mắt tôi vẫn chảy hoài. Có thật như thế không? Lẽ nào ba tôi lại chết đi một cách tức tưởi như vậy? Còn má?Còn các em? Những Diệu? Những Phước? Những Mường?...

Tiếng kiểng tù lảnh lói vang trong đêm oi bức. Có ai la hoảng hốt giữa khuya. Những ngày tù đầu tiên đang đến với tôi và tôi chuẩn bị cho mình một tư thế sản sàng chịu đựng và vượt khổ, vượt khó. Đến ngày thứ sáu ở lao tạm, Nam, Lượng, chị Quế, bác Đinh và một số trí thức Huế khác bị bọn cảnh sát Thừa Thiên Huế đưa vào Đà Nẵng, biết trước sẻ có cuộc chia tay, tôi, Nam và Lượng đã kín đáo hội y chớp nhoáng ở một góc nhà giam. Rồi đây mỗi người một ngã. Làm sao biết được ai sẽ về phương nào trong xích xiềng của địch? Dặn dò nhau những điều tâm huyết là làm thế nào để bảo về được anh em. sự dũng cảm và sức chịu đựng trong các lần hỏi cung sắp đến đòi hỏi mọi người trong anh em một nghị lực lớn. Làm thế nào để bảo toàn được bí mật tổ chức? Làm thế nào để địch không làm nhụt chí đấu tranh của anh em?

- Hãy tin mình. Mình có đủ sức mạnh để vượt khó trong những ngày sắp đến. Và chắc chắn anh em chúng ta sẽ đoàn tụ trong một ngày rất gần thật gần.

Khi Nam, Lượng đã đi rồi, suốt ngày hôm ấy tôi bần thần, ray rứt. Nam như một “con nai vàng ngơ ngác” trước mặt tôi. Sự hồn nhiên của Nam trước đời sống, vẻ ngờ nghệch trước những bất trắc, bão giông hôm nay của Nam liêu Nam có băng qua được những chướng ngại đầu đời? Tôi nhớ lại lần tôi gặp Nam ở viện bài lao Huế mới đây. Đêm ấy tôi đã nói với Nam về “tổ chức” Nam im lặng nhìn vào đôi mắt tôi. Mặt Nam đỏ bưng, vẻ bẽn lẽn, thẹn thùng mà lại vô cùng xúc động. Hai bàn tay to lớn của Nam nắm chặt bàn tay gầy guộc, bệnh hoạn của tôi. Cái yên lặng của Nam đã nói rất nhiều điều trong ấy. Đó là tình cảm rất là thiêng liêng, rất ruột thịt. Đó là tiếng nói chí tình về một ước mơ hòa bình, thống nhất đất nước, ước mơ về một cuộc đổi đời trong cuộc sống hôm nay và ngày mai.

Nghĩ về Nam, tôi lại nhớ về Lượng. Lần tồi giới thiệu Lượng vào tổ chức là một buổi chiều mùa thu bên dòng sông hương hiền hòa, thơ mộng. Chúng tôi ngồi bên nhau dưới bức bình phong trước trường Quốc Học hường nhìn ra phía sông. Bờ lau lách rung động trong gió chiều. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và ít lời được diễn ra như thế nào. Lật những tờ báo ảnh Việt Nam được gửi bí mật từ chiến khu về, Lượng cũng có cái yên lặng như Nam ngày ấy. Tôi hiểu có một ngọn lữa đang nhen lên rất ấm áp trong lòng tôi, trong lòng Lượng.

Bất giác, Lượng lại hát lên bài hát rất quen thân. Tôi phấn chấn trong người lắng mình theo câu ca.

- Dù mưa bom dù bão súng ta vẫn thề vì Tổ quốc ra đi…

Buổi chiều kì diệu ấy đến nay còn mãi trong kí ức tôi những âm thanh trầm bổng và ngọn gió chiều phát đi từ dòng Hương giang.

Thế là tôi, Lợi, Liêm, Thọ, Nhân, Châu, Hà… ở lại lao tạm thêm một ngày nữa trước khi lên đường ra côn đảo. Chuyến đi vào Đà Nẵng âm thầm của chị Quế, của Lượng, của Nam…rồi sẽ ra sao?. Bị bắt trước chúng tôi 12 ngày, Chỉ, Hiền, Cước cũng đã bị địch đưa vào Đà Nẵng. Liệu có còn một cuộc hội ngộ bất ngờ giữa những người con yêu xứ Huế trong vòng kẽm gai của nhà tù Đà Nẵng. Cuộc gặp gở ấy nếu được diễn ra chắc chắn sẽ tăng thêm một nguồn sinh lực mới cho anh chị em trong gian khổ, trước bạo lực của quân thù.

Hình dung của cuộc gặp gỡ này, tôi yên tâm nằm chờ sáng. Lời chúc lành xin được dành cho chi Quế, cho Nam, cho Lượng, cho Chỉ, cho Cước, cho Hiền… Cho những bạn bè không biết đang bay dạt vào phương nào như Hoài, như Minh, như Cần, như San, như Nhạc… Lời chúc lành cho những người thân yêu đêm nay đang ngủ quanh tôi dưới mái tole hầm hập nóng của lao tạm Huế.

*

* *

Khi hàng ngàn người bị lùa ra trước những đoàn xe GMC đậu dọc đường sân vận động Huế (đường Lê Quý Đôn ngày nay) thì một cảnh kinh hoàng , hỗn loạn đã hiện ra trước mắt tôi. Hàng ngàn thân nhân của người bị bắt đứng chật ních cả con đường nhựa. Một số người phải đứng xuống bờ ruộng phía đồng An Cựu.

Tiếng kêu khóc, tiếng gào thét, la hét, dậy cả một cung đường. Ai biết được chuyến xe GMC chiều nay sẽ đưa hàng ngàn đồng bào vô tội - trong đó có anh em sinh viên học sinh đấu tranh chúng tôi – đi về đâu? Điều làm tôi ngạc nhiên là ở đằng kia các dãy nhà hai bên đường đều im ỉm đóng. Sau sáu ngày bị bưng bít trong lao tạm, cách biệt với thế giới bên ngoài nên sự phát hiện của tôi tương đối nhanh và chính xác. Sao lại có sự im lìm từ các ngôi nhà ấy? Chỉ có sự hỗn loạn đang xảy ra ở nơi đây. Bọn cảnh sát mật vụ đứng dàn hàng ngang chận lấy những gói đồ thăm nuôi của thân nhân ném vào một góc.

- Tụi bay ác nhơn, ác đức, ăn ở hết phước mới không cho người ta gửi đồ.

- Hắn chở con đi mô rứa con ơi! Trời ơi! Tui chỉ được một mình hắn. Hắn đi, tui biết cậy nhờ ai?

- Đi mô thì cho bầy tui biết với để còn thăm nuôi này nọ.

- Định thủ tiêu hết bà con tui hay răng mà không cho biết đi mô?

Lời nguyền rủa, tiếng khóc than, giọng khóc kể, câu chửi mắng… Những âm bậc khác nhau, những âm sắc lảnh lói, nhức tai, cuồng nộ hoặc tỉ tê… tất cả đã tạo nên một nên âm thanh bi thảm và phẫn uất.

Khi tiếng xe GMC nổ dòn tan thì cả một luồng âm thanh của tiếng khóc như vỡ ra thành một tiếng nổ kinh hoàng.

- Trời ơi!

- Trời ơi!

- Cha ơi!

- Mẹ ơi!

Tôi bàng hoàng, lặng người theo từng tiếng kêu thất thanh, thảng thốt kia.

Tôi cố tìm một gương mặt thân quen của gia đình, của bà con nhưng hoàn toàn thất vọng. Không có ai dưới những bánh xe lạnh lùng kia. Má, ba, các em…. Không. Chỉ có gương mặt của đồng bào tôi, của nhân dân tôi đang oằn oại trước sự chia ly thảm khốc nầy. Những bàn tay tuyệt vọng. Đoàn xe lăn bánh và hàng ngàn người chạy theo một thôi đường.

Một cảnh kỳ lạ lại diễn ra trên đoạn dài từ sân vận động ra đường Lê Lợi. Những gói bánh chưng, những ổ bánh mì, những túi ni lông đựng áo quần, thức ăn… như có cánh mà bay lên trên các thùng xe.

Bay lên! Bay lên!

Nào mì, nào bánh, nào mũ, nào nón… Tôi cảm động nhìn những vật bay của đồng bào từ dưới đường bay lên đoàn tù – nhân - bất - đắc – dĩ. Những vật bay nào khác những lá truyền đơn chống Mỹ hôm nào bay trên các ngã đường của Huế.

Chắc chắn có cả một sức mạnh vô hình, một tình cảm mới của nhân dân Huế truyền thông vào những ổ bánh mì, những gói bánh chưng… mong giữ tấm lòng những người sắp từ biệt Huế.

Khi chiếc xe GMC rẽ quặt về ngã Thuận An, có nhiều người buột miệng kêu to:

- Thôi chết rồi! Đi côn đảo!

*

* *

Đi côn đảo. Đúng như nhận định của nhiều người. Hôm ấy anh em chúng tôi cùng hàng ngàn đồng bào Huế xuống Thuận An lên tàu ra Côn Đảo. Trên suốt đoạn đường 12 km từ Huế về Thuận An đã có rất nhiều đoàn người nhào ra gào khóc mong làm chậm nhịp lăn… của đoàn GMC. Bà con ở Vĩ Dạ, chợ Mai, chợ Nọ, bà con ở Lưu Khánh, Diên Trường, Tân Mỹ… Những chiếc nón lá bị nghiến nát dưới vòng quay của bánh xe.

Nhìn những ngôi nhà đóng cửa im ỉm hai bên đường tôi lại dâng lên một niềm lạc quan mới. Tôi suy luận việc đưa hàng ngàn đồng bào đi Côn Đảo là một bằng chứng về sự sợ hãi của ngụy quyền Thừa Thiên Huế đã đến rồi chăng? Những căn nhà kín cửa kia ơi, có phải tin mừng đang về tới. Đằng sau những cánh cửa đóng là mùa xuân đang chực òa ra hòa nhập với ước mơ tôi? Phải thế không? Nếu không, sao chúng phải gửi những người tù ra tận Côn Đảo? Dáng con tàu hải quân to lớn hiện ra trước mũi xe đã cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi.

Cùng xuống tàu đi Côn Đảo với hàng ngàn đồng bào Huế là hơn một trăm anh chị em tù ở nhà lao Thừa Phủ. Như vậy, các nhà tù ở Huế đã thực sự “bỏ hoang”. Côn Đảo được xem như một nơi tạm trú mới của tù nhân lao Thừa Phủ và lao tạm Huế.

Hầm tàu được mở ra và nuốt chửng hàng ngàn người Huế! Đến giờ phút ấy, một số người nhờ có thân nhân chạy chọt chuồi tiền thế mạng đã được bốc ra khỏi hầm tàu lên Huế! Một số cảnh mặc cả “mua bán” người đã thầm lặng diễn ra trong đêm. Tôi cũng mừng thầm cho một số bà con đã thoát khỏi cảnh đi tù.

Khi thấy đoàn người bị lùa lên hầm tàu, số thủy thủ trên tàu đã “dàn chào” chúng tôi bằng một loạt chửi rủa qua nhiều thứ giọng khác nhau.

- Đù má! Quăng bọn cộng sản này xuống biển là vừa.

- Bọn này coi bộ sáng sủa vậy mà ăm cơm quốc gia thờ ma cộng sản.

- Em xinh đẹp vậy mà em làm Việt cộng sao em?

- Đưa bọn này đi làm chi cho mất công lại tốn cơm tốn gạo – Lùa mẹ nó xuống biển Đông là hết đường Việt cộng.

Đại loại một số đông thủy thủ trên tàu đã đón tù nhân chúng tôi như vậy. Đi đôi với tiếng chửi tục tằn là những con mắt nhìn cún vọ, là những khuôn mặt đỏ đằng đằng sát khí như muốn ăn tươi nuốt sống chúng tôi. Không có một dấu hiệu nào của tình người. Những giây phút ban đầu bỡ ngỡ, chúng tôi nghe cũng hơi ớn và có vẻ chờn.

Tuy nhiên, cái khoảng thời gian bỡ ngỡ ấy không kéo dài được lâu. Chúng tôi đã hội ý nhanh trên tàu là phải “làm binh vận” - Phải bằng cách thuyết phục số lính thủy trên tàu. Cuộc hành trình ra Côn Đảo chắc sẽ dài ngày. Nếu không tranh thủ được số này thì thật bất lợi chi một chuyến đi xa lênh đênh trên biển khơi. Thế là chị Thảo, Châu, Thọ, Nhân và một số anh chị em khác đã phải tảng lờ trước những lời lẽ thô bỉ, khinh thị của bọn lính thủy và tìm cách lân la, trò chuyện làm quen với chúng, đồng thời giải thích cho chúng hiểu việc bắt bớ của ngụy quyền Thừa Thiên Huế đối với hàng ngàn đồng bào và trong đó không ít những người phụ nữ là vợ của lính, của sĩ quan quân đội Sài Gòn bị bắt đi Côn Đảo không có một lý do chính đáng. Từ thái độ hung hãn ban đầu, bọn lính thủy đã chuyển sang một thái độ khác sau khi chị em tù “làm binh vận”. Đôi mắt của chúng dịu lại. Tiếng nói chúng đằm hơn. Và thế rồi, nào lương khô, gạo sấy; nào bánh mì, thịt hộp… chúng đã đem cho nhiều người. Một số lính đã ẳm bồng các em thiếu nhi âu yếm, vỗ về, một số khác đã bày tỏ nỗi bất mãn trước việc bắt bớ giam cầm đồng bào của ngụy quyền Thừa Thiên Huế. Chính trong dịp này tôi đã tranh thủ nhờ gửi một số bài thơ tố cáo chế độ lao tù gửi cho các báo ở Sài Gòn.

Nhìn cảnh nheo nhóc, hỗn độn trên hầm tàu tôi rất đỗi ngao ngán, xót xa. Rất nhiều em bé sơ sinh đã theo mẹ ra Côn Đảo. Một số em còn đỏ hỏn như những chú chuột con trên tay mẹ. Các em đã chịu cảnh bất hạnh quá sớm. Các em chưa kịp được nằm nôi. Chưa kịp nghe tiếng mẹ ru ngọt lành về những tình tự quê hương đất nước, về đạo lý con người. Các em sớm nếm mùi tù ngục, xích xiềng của Mỹ. Bài thơ gửi người bạn tù sơ sinh tôi đã viết ngay trên chuyến tàu này. Chuyến tàu của khổ đau và phẫn nộ. Chuyến tàu của tội ác….

Một ấn tượng mạnh mà tôi còn giữ mãi đến ngày nay là hình ảnh của mõm tàu khi vừa khép lại để chuẩn bị rời bến. Khi ánh sáng bên ngoài cuối hầm tàu vừa bị mõm tàu khép lại tôi thấy Thọ, Nhân, Hà và rất nhiều chị em đứng bật dậy kêu lên:

- Mạ ơi!

Tiếng kêu nghe xé ruột, não nùng. Cùng với tiếng kêu “mạ ơi” là những dòng nước mắt tuôn nhanh xuống má.

Không còn nhìn thấy gì cái thế giới bên ngoài nữa rồi. Chỉ một vuông trời nhỏ phía trên hầm tàu với ánh sáng yếu ớt chiếu xuống đoàn người bị lưu đày!

Chào Huế. Chào từ biệt Huế thân yêu. Huế ơi! Làm sao tôi biết được ngày nào tôi trở lại. Bạn bè ơi! Hỡi Hoài! Hỡi Nhạc! Hỡi Hiền! Hỡi Lượng! Hỡi San! Hỡi Chỉ! Cuộc hành trình lặng lẽ này chắc các bạn chưa hình dung được. Hẹn một ngày bình yên và bạn bè anh em mình chung tụ nơi căn nhà Tổng hội đốt lửa lên mà hát ca, đốt lửa lên mà nhìn vào mắt nhau kể chuyện ngục tù, kể những ước mơ về một ngày thống nhất đất nước và bóng thù không còn trên Tổ quốc. Chào Huế. Chào từ biệt Huế thương yêu!

*

* *

Tàu rời bến Thuận An trong đêm. Vẫn một vuông trời nhỏ ở trên đầu. Không ngờ hôm nay tôi lại gặp hình ảnh của một cuốn phim mà tôi đã từng xem. Cuộc ra đi không định trước. Con tàu nặng nề. Khúc nhạc buồn dạo lên. Trong bóng tối nhập nhoạng chỉ thấy từng con mắt ánh lên đốm sáng. Cả một sự dữ dội bừng lên trong từng đôi mắt. Đêm nay, tôi đã bắt đầu làm quen được một số anh chị em tù lao Thừa Phủ. Anh Liệu, anh Kháng, chị Xuân, chị Hương, anh Quyết… Anh Quyết đã tặng tôi một bộ áo quần mà tôi không biết sẽ để ở đâu. Ngày bị bắt tôi không có gì mang theo cả ngoài bộ quần áo mặc trên người và chiếc mũ bê – rê - vật kỷ niệm cuối cùng của anh Ngô Kha - Tối đầu tiên trên tàu mọi người không có chỗ nằm nên ai cũng tựa vào lưng nhau mà ngủ ngồi. Từng gương mặt hốc hác, thiếu sinh khí, vàng vọt, trong ánh tù mù của những ngọn đèn trên cao tít của boong tàu. Tôi không ngủ được. Những ý nghĩ, những băn khoăn về bạn bè, về anh em, về một ngày vô định.

Tàu ghé bán đảo Sơn Trà trong chiều. Mõm tàu hé ra cho thấy mọt vùng trời biển mênh mông. Sắc biển xanh đến kỳ lạ. Một ngày một đêm bị bưng bít trong bóng tối mờ đục giờ được thấy một màu xanh của biển da thịt được chạm gió lành của biển, tâm hồn tôi chợt nghe sảng khoái. Như được tiếp truyền thêm sinh lực mới của thiên nhiên.

Tàu đậu lại Sơn Trà làm gì không ai biết được. Tôi thì cứ mong cái giờ phút ấy cứ kéo dài, dài mãi để gần gũi với thiên nhiên Đà Nẵng, với ngọn gió mặn, dịu dàng.

Thành phố Đà Nẵng xa kia như mời gọi, lôi cuốn tôi. Ở đó, có Chỉ, có Hiền, có Nam, có Lượng, chị Quế và nhiều bạn bè thân yêu đang ở trại giam Đà Nẵng. Một khát vọng tự do chợt bùng cháy trong tôi mãnh liệt và dữ dội. Biển xanh.

Hải âu bay trắng giữa chiều hè.

Điều không ngờ tới là chuyến tàu ghé Đà Nẵng là để đón gia đình người hạm trưởng vào Sài Gòn. Những chiếc tàu nhỏ cặp vào mạn mang đến tôi, một ngạc nhiên lớn. Sơn, Thịnh, Gành, Khanh, Định, những sinh viên của Tổng hội cũng có mặt trên một chiếc ca nô. Các bạn ấy đã bị bắt ư? Các bạn ấy kín đáo nháy mắt chào và ung dung lên trên boong hạm.

Khi các bạn khuất sau thang gác, tôi được một bạn tù báo tin Sơn có cho một trái dưa hấu, nhưng trái dưa hấu ai đã chuyển đi đâu mất. Một niềm vui nhỏ, ấm áp đã đến cùng tôi thật nhẹ nhàng. Có thêm đồng đội trên tàu tôi như được tăng thêm sức mạnh. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn không ngủ được vì cứ xoáy mãi trong đầu câu hỏi: “Sao Sơn, Thịnh, Khanh, và Gành lại xuất hiện trên chiếc HQ 500 này? Các bạn ấy đã bị bắt hay chưa?” Câu hỏi như một ám ảnh trong đêm. Tiếng máy tàu rì rầm. Tiếng trẻ con khóc đòi sữa mẹ. Vẫn câu hỏi: “Tại sao các bạn xuất hiện nơi này? Có lẽ nào?...”

Hôm sau, câu hỏi đêm qua đã được trả lời rất sớm, giải tỏa bớt nỗi lo ngại cho tôi và cho anh chị em trên tàu. Hạm trưởng là anh Dinh, anh ruột của anh Sơn và Thịnh, Gành, Định, Khanh, Sơn, Thịnh đã trốn khỏi chiến dịch Bình Minh ở Huế và vào Đà Nẵng đón hạm của HQ – 500 này để đi Sài Gòn. Như thế là đã rõ. Để đảm bảo an toàn cho các bạn ấy, tôi dặn anh chị em cứ “tỉnh bơ”, xem như không quen biết gì các bạn ấy.Thỉnh thoảng Sơn, Gành… lại hiện ra trước ô vuông thông gió trên hầm tàu có ý tìm kiếm, kín đáo chia sẻ buồn vui với bạn bè. Qua ánh mắt của các bạn hiện lên rất rõ niềm ái ngại, xót xa và đôi lúc như chực khóc. Tôi đã liên lạc được với Gành, đã gửi một số thư và thơ nhờ chuyển về Sài Gòn tố cáo chuyến đi của hàng ngàn người dân Huế ra Côn Đảo.

Tôi thầm mong các bạn được đến Sài Gòn an toàn. Ngại nhất là mấy thằng mật vụ áp tải trên tàu. Chúng phát hiện được các bạn ấy thì phiền lớn. Thật không ngờ chuyến đi đày này của tôi, của Thọ, Nhân, Hà, Liêm, Nghĩa… Lại có thêm một số bạn đồng hành thầm lặng làm một cuộc tiễn đưa không hẹn trước. Ý nghĩ có người đưa tiễn làm ấm áp, vui vui trong lòng tôi.

Đói và khát đã bắt đầu hành hạ tôi và nhiều người. Hai hôm nay bọn áp tải chỉ phát một lần cho mỗi người một vắt cơm muối. Số nước của người tù tự tìm cách bới theo đã cạn. Nhiều em bé khát nước khóc đến khản cổ. Cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu đang hiện rõ hơn trên hầm tàu. Đói, khát và không có chỗ vệ sinh, chỉ mới ba việc ấy thôi mà hầm tàu chẳng khác nào cảnh của những phim phương Tây diễn tả lại các chuyến tàu buôn nô lệ da đen.

Số phận những người trên tàu đúng là chẳng khác gì số phận những kẻ nô lệ da đen trước những lằn roi bạo lực.

Sự phẫn nộ, uất ức đã thật sự nổ ra rất sớm khi đồng bào đã không chịu đựng được nữa cơn khát kinh khủng ở trên tàu.

- Nước! Nước! Hãy cho chúng tôi nước!

- Có mô mà thất nhơn lắm rứa! Bắt tụi tui đi đày mà bỏ khát, bỏ đói ri đây.

- Nước mô? Nước!

Những lời đòi hỏi được kèm theo một động tác là những cánh tay đồng loạt đưa cao. Trên mỗi bàn tay có một vật dùng để đựng nước. Nào lon sữa bò, nào lon sữa guy – gô, nào ca, nào chén… bất cứ cái gì có thể đựng được nước uống đều nhất loạt đưa lên. Hình tượng cả rừng tay đưa lên với những vật cầm tay đã tạo nên một ấn tượng vừa bi tráng vừa mãnh liệt trong trí nhớ tôi. Giá có Chỉ ở đây, có lẻ Chỉ sẽ có được một bức tranh bút sắt sinh động về một cuộc đấu tranh đòi nước. Giá có Hạnh ở đây, có lẽ Hạnh đã ước muốn được một “pô” tư liệu rất nghệ thuật lên án sự dã man, độc ác của chế độ Sài Gòn trước loài người tiến bộ. Thơ hình như bất lực trước bối cảnh hừng hực, sục sôi này.

- Nước!

- Nước đâu? Nước đâu?

Mỗi lần có người kêu lên là tiếng la ré, tiếng thét, tiếng muỗng, đũa gõ vào những gì có thể phát ra âm thanh được vang lên nghe điếc tai, nhức óc. Có cả một sức mạnh tập thể được nhân lên trong quần chúng ấy. Sức mạnh tập trung vào những tiếng hò la đầy khí thế. Đứng trên các thùng nước, bọn mật vụ thằng nào thằng nấy mặt sắt đen sì. Lạnh như tiền, bọn chúng rút dây nịt da quất thẳng cánh lên đầu các cụ già đứng hàng đầu đưa “gô” lên đòi nước. Tiếng roi quất vun vút nghe lạnh người. Mặc các lằn roi da đau xé, đám người vẫn ùa lên đòi nước.

- Nước! Nước!

- Đả đảo quân dã man!

- Đả đảo! Đả đảo!

- Nước!

Không tách khỏi cuộc đấu tranh này, anh chị em sinh viên học sinh Huế đã là những xung kích bền bỉ và đấu tranh không mệt mỏi, không khoan nhượng. Những cánh tay già và trẻ đưa cao, những cánh tay gái và trai đưa cao… mặc những lằn roi bạo lực quất xuống.

- Nước! Nước!

Tôi khát khao cái giờ phút tức nước vỡ bờ.

Bốn ngày lênh đênh không thấy bờ, thấy biển, thấy màu xanh mùa hạ của đất nước. Việc đấu tranh đòi nước hôm qua còn nhức nhối giữa lòng tôi. Bọn địch dã man quá. Trên tàu, đã có nhiều em bé, nhiều mẹ bị sốt nằm mê man. Làm gì có thuốc men trong cảnh ngộ này. Chị Thảo và các em nữ sinh có vận động được của bọn lính thủy chút đỉnh nhưng chẳng ăn thua gì trước cơn đói khát. Bệnh tật của nhiều người. Không có chỗ đi tiểu, đi tiêu, phần đuôi chỗ mõm tàu đã biến thành nhà cầu lộ thiên. Hầu như không có ai cảm thấy trơ trẽn, dị dạng khi ngồi trước mặt đám đông mà làm cái công việc chỉ diễn ra ở nơi kín đáo. Mùi hôi thối bốc lên kinh tởm. Hàng ngàn đồng bào và trẻ em. Đã bốn ngày đêm. Số người ngồi gần chỗ dơ dáy kia không thể chịu đựng nổi. Bao giờ tàu mới đến đảo? Ai cũng mong đến đảo cho dù biết Côn Đảo đã nổi tiếng là địa ngục trần gian. Ngày và đêm trên tàu chợt dài bất tận. Vuông trời trên hầm tàu là tín hiệu của ngày và đêm.

Đã một đôi lần tôi đến ngay ô trời vuông ấy để tìm một vì sao. Nhưng ô vuông hẹp quá. Những vì sao vẫn xa xôi, tuyệt mù trước sự kiếm tìm, mơ ước của tôi. Vuông trời đen thầm lặng trên đầu và có ai ngâm thơ rất truyền cảm. Tiếng luyến láy rất tinh vi, điêu luyện tôi không biết chị ấy là ai nhưng có lẽ chị là một người trong số tù Thừa Phủ cùng đi. Ngâm nữa đi chị ơi bài thơ yêu nước ấy. Dường như thơ đã mở một khung cửa lớn cho tâm hồn tự do bay vào xứ sở của quê hương. Ngâm đi chị ơi! Em đang bay đây. Cánh bay của em đang dang rộng. Tự do! Ta đang thật sự tự do trong ước mơ ta.

Mịt mù một vuông trời xa.

Ta theo câu thơ đang là dòng sáng, vút lên khỏi ô vuông chật hẹp kia, chị ơi!

*

* *

Khi chưa biết Côn Đảo như thế nào tôi hình dung đảo là miền đấy hoang vu cằn cỗi. Ở đó chỉ có cát trắng và xương rồng. Mà cũng chẳng hiểu vì sao tôi lại tưởng tượng Côn Đảo là một hoang mạc khô cháy thiếu vắng màu xanh, thiếu vắng ngọn gió lành. Có lẽ tại vì tộc ác của giặc ở Côn Đảo đã hình thành trong đầu tôi cái ý niệm kia. Ý niệm của sự chết chóc, đày ải và niềm tuyệt vọng lớn lao không một chút sinh lực.

Tiếng máy tàu ngưng hoạt động. Bọn áp tải bảo chuẩn bị xuống tàu nhỏ vào đảo. Ngỡ ngàng, xúc động, có nhiều người chảy nước mắt. Dòng nước mắt như nói lên một điều “Đảo rồi ư! Đã đến đây thì biết khi mô mà về lại Huế?”

Sự chán chường hiện lên trong từng ánh mắt bà con. Có lẻ tôi cũng mang tâm trạng như nhiều người. Đến cái phút tàu ngừng đi, đến cái phút nghe nói lên đảo thì chắc ai cũng muốn con tàu cư trôi tiếp, trôi hoài, cứ lênh đênh mãi không dừng lại.

Nhưng mõm tàu đã há ra rồi.

- Ồ! Côn Đảo đẹp quá!

Không cầm lòng được tôi kêu lên như thế.

- Cái ông ni, khi mô cũng yêu đời! Đã ri đây mà cũng còn khen Côn Đảo đẹp.

Các bạn thân thiết của tôi ơi! Một ngày nào đó các bạn sẽ trách tôi nếu hôm ấy tôi không kêu lên niềm ngợi ca Côn Đảo đẹp. May mà tôi đã kìm lòng được. Lời khen đã cất tiếng. Và Côn Đảo “địa ngục trần gian” đã hiện ra kia với vẻ đẹp hoành tráng, với niềm tự hào của quê hương xứ sở. Hải Âu dang cánh vờn bay. Những chấm trắng dịu dàng hiện lên trong từng sắc núi xanh.

Côn Đảo không là một miền hoang mạc như tôi đã tưởng. Đang là mùa hạ, hoa phượng đỏ rực một góc trời. Hòa với màu hoa phượng, những mái ngói hồng ẩn, hiện dưới tán lá bàng xanh. Ngọn gió đảo mát rượi như tiếp truyền cho tôi thêm một sức mạnh tinh thần sau năm ngày năm đêm trong hầm tàu hôi hám, chật chội đầy sự kinh hoàng.

Hàng ngàn người lại bị địch phân tán qua các tàu nhỏ lên Côn Đảo. Tôi ngoái lại tìm kiếm Sơn, Định, Gành, Khanh, Thịnh… Các anh em ấy đang đứng trên boong tàu nhìn xuống chúng tôi ái ngại. Cuộc gặp gỡ thầm lặng hôm nào và bây giờ lại là cuộc chia tay thầm lặng. Nỗi đau đớn trong lòng anh em, trong lòng bạn bè chắc hẳn rất lớn lao nên chi những cánh tay như ngậm ngùi, chững lại. Mấy chiếc khăn tay hình như không đủ sức bay mà rủ xuống tạo nên hình dòng nước mắt đang chảy giữa khoang trời rộng.

Năm anh em trên boong tàu đóng thành một hàng dài bất động, xa dần rồi mất hút. Nước mắt tôi chợt ấm mặn miệng mình. Lời chúc bình yên xin dành cho các bạn! Mong anh em mình còn tìm thấy nhau!

Sau phút giây mềm lòng, ngậm ngùi về một cuộc chia tay thầm lặng, nghĩa tình, trong tôi lại dấy lên một trạng thái phấn chấn mới đó là chuẩn bị tinh thần cho những cuộc đấu tranh gian khổ trong ngục tù Côn Đảo; là ước mơ, khát vọng chiến thắng trên một mặt trận mới của tuổi trẻ Huế trong thời gian tới. Tôi tin, tôi khẳng định với chính mình: Ngọn lửa đường phố trong tôi, trong bạn bè không tắt. Không hề tắt! Cùng với đường phố, lửa đấu tranh đang lan hồng trong mỗi trại giam, trong mỗi nhà tù.



[1] Y.20: mật danh của Thành uỷ Huế.

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.