GIỮA LÒNG DÂN… - Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5255
(Ảnh: Báo Tuổi Trẻ ngày 5.4.2005: Đại biểu Võ Quê đang phát biểu với quan điểm
không đồng tình với việc xây dựng khu du lịch trên đồi Vọng Cảnh)
Được sự giới thiệu của của Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế cùng với sự tín nhiệm của bà con ớ địa bàn dân cư nơi tôi đang trú ngụ, tôi đã ra ứng cử Hội đồng Nhân dân và đã trúng cử 5 nhiệm kỳ: 2 nhiệm kỳ là đại biểu HĐND thành phố Huế (6 năm) và 3 nhiệm kỳ đại biểu HĐND tỉnh (17 năm). Đây là vinh dự lớn cho bản thân tôi và giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Qua 5 lần bầu cử, được người dân bỏ những lá phiếu tin cậy và thương yêu cho văn nghệ sĩ tôi mới hiểu một cách sâu sắc rằng người dân quê tôi luôn trân trọng các loại hình văn học nghệ thuật, họ mong muốn những người hoạt động trên lĩnh vực này cũng phải có mặt trong HĐND với một tinh thần trách nhiệm công dân cao, đầy nhiệt huyết vì lợi ích thiết thực của cộng đồng mà phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Nhìn lại quá trình làm một đại biểu hội đồng nhân dân tôi tự thấy mình cũng đã có cố gắng trong việc tìm hiểu, lắng nghe nhiều ý kiến buồn vui, những ước mơ, khát vọng của người dân trên nhiều mặt khác nhau, trong đó tập trung lưu ý các hoạt động về văn hóa, văn học nghệ thuật là nghiệp vụ chuyên biệt mà tôi đang công tác, đang gắn bó. Việc cử tri quan tâm từng bước phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật ở một miền đất có hai di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được thế giới công nhận là rất cần thiết nhằm góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, những định hình mới, những thành tựu lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của quê hương.
Bên cạnh những lần tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp tại các xã, phường, ngôi nhà nằm trong kiệt sâu của tôi đã nhiều lần được đón nhiều cử tri đến để trao đổi, mạn đàm những vấn đề mà họ đang quan tâm như chuyện các dự án, quy hoạch treo, các dự án thực hiện chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến chuyện mưu sinh của người dân; hoặc đề nghị tôi kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng những vấn đề cụ thể, thiết thân đến quyền lợi chính đáng của họ. Trong các lần gặp gỡ cử tri tại nhà này thỉnh thoảng tôi còn chăm chú lắng nghe cử tri đọc những bài thơ tâm tâm đắc được sáng tác bằng chính cuộc sống, hơi thở của cử tri. Cùng với nội dung đề cao đất nước, quê hương Thừa Thiên Huế đang từng ngày đổi mới với nhiều thành tựu trong kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… là sự lên án các hiện tượng tiêu cực trong xã hội như nạn tham nhũng, nạn học giả bằng thật: Hợm hĩnh mà chi học vị hư/ Bằng mua hàm chạy có gì cừ/ Tô vẽ, to ve ông “tiến sĩ”/ Trịnh trọng. huênh hoang cụ “giáo sư”/ Mồm mép ba hoa đầu cạn chữ/ Nói năng bẻo lẻo óc khan từ/ Giả chân, chân giả, đâu là giả/ Nào biết rằng ai khóc Tố Như (Học vị hư – Lê Văn Lân).
Từ những cuộc tiếp xúc cử tri này, tôi thấy mình được học hỏi rất nhiều điều về cuộc sống vốn sinh động, phong phú, đa sắc màu, được hiểu biết nhiều hơn hai chữ “lòng dân” như có lần tôi đã ngợi ca: Huế với ta như da với thịt, Huế nuôi ta tình nghĩa đồng bào, ta vì Huế một đời nguyền chiến đấu, Huế vì ta ơi Huế đẹp sao! Ta sống giữa lòng dân Huế tự hào!
Việc tôi bỏ một lá phiếu duy nhất không đồng tình với dự án xây dựng một hệ thống khách sạn của người nước ngoài trên đồi Vọng Cảnh trong phiên họp bất thường của HĐND tỉnh (khóa V) ngày 5.4.2005 cũng là xuất phát từ lòng dân. Với người dân Huế nguồn nước sạch từ thượng nguồn sông Hương, cảnh quan thiên nhiên trữ tình thơ mộng nơi này là vốn quý của Huế cần được bảo vệ, gìn giữ. Khát nguyện chính đáng ấy của người dân Huế đã được đáp ứng, đồi Vọng Cảnh được giữ nguyên vẹn, hiện nay rừng thông trên đồi Vọng Cảnh đã lên xanh. Du khách tiếp tục lên đồi ngắm dòng sông Hương xanh mặt trời rực đỏ chợt hòa tím sắc quê hương…
Xuất phát từ lòng dân, tôi mong mình có những định hướng mới trong sáng tác, và với vai trò một đại biểu hội đồng nhân dân thì phải làm thế nào để thâm nhập vào thực tiễn sinh động của cuộc sống; cảm nhận sâu sắc được những hy sinh, cống hiến lớn lao của nhân dân, của bà con nông dân, lao động từ làng bản, ruộng đồng đến phố phường đô thị để có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sát với thực tế, với những điều kỳ diệu mà nhân dân đang tạo nên trên vùng đất tôi đang được sống và chở che.
Những bài thơ viết về các địa danh Phú Đa, Phú Lương, Phú Hồ, Phú Xuân, Vinh Phú… trong tập thơ “Ruộng đồng tôi yêu dấu” là thành quả tôi gặt hái được từ những chuyến đi tiếp dân, tiếp xúc cử tri với các anh Bạch Hiền, Hồ Văn Hiền trong nhiệm kỳ HDNĐ tỉnh khóa IV tại địa bàn Phú Vang. Cho đến lúc này, vẫn còn sáng lên trong ký ức tôi hình ảnh của những quê cát nghèo khổ nhưng anh hùng Đa, Hà, Phú, Thái…”Anh về nhớ ở lâu lâu, quê em cát trắng chung màu trăng quê” (Bài thơ Vinh Phú quê em). Những lần anh Bạch Hiền đề nghị tôi đọc thơ trước cử tri đã thành những kỷ niệm đẹp, khó quên, nhất là lần ở Phú Hồ, quê hương anh sau cơn lũ lịch sử 1999: “Dẫu mạ chưa xanh trên cánh đồng sau lũ/ Người Phú Hồ hẹn một đông xuân…” (Bài thơ Hẹn một đông xuân).
Những chuyến đi giám sát với Ban Văn hóa Xã hội Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh khóa V (nhiệm kỳ 2004 – 2011) cũng là những bài học mới mà tôi tiếp thu được từ thực tiễn. Hai từ “trung thực” có một ý nghĩa rất lớn và thật sâu sắc đối với tôi qua các lần giám sát. Bằng sự phản ánh, báo cáo trung thực từ phía các cơ quan, đoàn thể, từ phía cử tri, từ Ban Văn hóa Xã hội… mà các sự được, mất, vui, buồn… của người dân được hiện lên rõ nét để từ đó sẽ có những điều chỉnh kịp thời cho cái được, cái vui ở lại mà cái buồn, cái mất tan đi theo thời gian...
Những năm tháng làm một đại biểu hội đồng nhân dân tôi hiểu tôi còn nhiều kỷ niệm sâu sắc nhớ đời không thể phai quên. Do chưa thể hiện trọn vẹn trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người con quê hương trong quá trình làm đại biểu hội đồng, cho nên tôi tự nhủ với chính mình là còn phải tiếp tục cố gắng phấn đấu để mong được hoàn thiện bản thân, tiếp tục sử dụng vốn sống phong phú mà tôi tiếp thu được trong những năm làm đại biểu vào những trang viết sau này. Những trang viết của lòng dân, từ lòng dân và sự trung thực.
V.Q