Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

HỘI NGỘ TRÊN ĐẤT PHƯƠNG NAM - Võ Quê

 

 

Trong những ngày dự sáng tác tại tại Nhà Sáng tác văn học nghệ thuật Vũng Tàu, ngoài chuyến đi thăm Côn Đảo ba ngày, tôi đã có niềm vui khi lần đầu tiên được đặt chân đến hai địa danh Ngãi Giao, Suối Nghệ thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chiều ngày 26.3.2011, nhà thơ Phạm Bá Nhơn cho xe về Vũng Tàu đón tôi tới thị trấn Ngãi Giao và gặp thêm một số bạn đồng hương Quảng Trị của anh cùng nhà thơ Nguyễn Đại Bường, nhà thơ Lê Huy Mậu, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bà Rịa – Vũng Tàu. Được biết tại đây, người Quảng Trị vào sinh cơ lập nghiệp rất nhiều. Đã có những người thành đạt, trong đó có nhà thơ Phạm Bá Nhơn. Thật tình cờ, thú vị khi trong cuộc hội ngộ này tôi gặp lại anh Trương Nguyễn – một huynh trưởng Gia đình Phật tử, nay là một nhà thơ – đã cùng cùng tôi dự trại Lộc Uyển tại Quảng Trị vào năm 1967. Tôi thật xấu hỗ vì anh nhận ra tôi mà tôi thì không nhận ra anh. Anh Trương Nguyễn còn nhớ và đọc lại những dòng lưu bút của tôi viết trong sổ tay anh ngày ấy. Trên 40 năm rồi mà anh ấy vẫn khắc ghi. Mối tình lam thật tuyệt vời. Đêm ấy, cùng với chén tạc chén thù là chuyện quê nhà đất Quảng; là thơ phú nghĩa tình, là tâm sự chân thành nghiệp duyên văn nghệ… Trước tấm tấm thịnh tình của nhà thơ Phạm Bá Nhơn và của các thân hữu Ngãi Giao, ngẫu hứng tôi đã hát chầu văn bài thơ lục bát Ngày mai trả lại dài 170 câu trong tập thơ Khung trời mây trắng của nhà thơ Phạm Bá Nhơn. Tôi chợt nhớ hai câu lục bát mình đã từng ghi: Đi mô cũng chộ người thân, mới hay trái đất cũng bằng trái tim…
.
Từ trái: Trương Nguyễn, Nguyễn Đại Bường, Phạm Bá Nhơn, Võ Quê, Nguyễn Nguyến

 

Sáng ngày 28.3.2011 Chinh Nguyên gọi điện thoại về thông tin: 11 giờ 30 trưa nay Tuyết Nguyên và con sẽ gặp chú ở nhà con Suối Nghệ. Địa chỉ thế này, thế này… Tôi ôm eo một người bạn mới quen ở Vũng Tàu tên là Ngô Tứ Huynh quê ở Hoài Nhơn, Bình Định lên đường tìm Suối Nghệ. Dọc đường, Tứ Huynh tâm sự nhà có bốn con, hai gái hai trai. Trong đó ba người đã lập gia đình, riêng con trai áp út đang học Thạc sĩ ở Úc. Do hoàn cảnh khó khăn nên một mình vô Vũng Tàu mưu sinh. Ban ngày đi xe ôm, ban đêm đạp xích lô. Áo quần, chăn mùng cho vào xích lô, tối ngủ vỉa hè. Thỉnh thoảng gởi tiền về cho vợ đang một mình ngoài quê. Đồng cảm với tâm trạng của Tứ Huynh, dọc đường đi thỉnh thoảng tôi hát vài đoạn bài chòi, vài câu lô tô như muốn nói với anh rằng ta cứ lạc quan cùng cuộc sống. Anh cũng hứng chí hát bài chòi – làn điệu dân ca quen thuộc của quê anh khi cả hai ngồi cà phê ở quán Hoài Cổ - quán cà phê này được Chinh Nguyên xếp vào hạng đẹp nhất ở Suối Nghệ. Chinh Nguyên còn hỏi sao chú biết mà ghé vô Hoài Cổ?
Nhà Chinh Nguyên khang trang xinh xắn một màu trắng tinh khôi. Má Chinh Nguyên phúc hậu, hiền lành và đẹp nữa. Bữa cơm trưa thật ngọt tình. Trong khoảnh khắc này tôi nhớ lại những trang viết của Chinh Nguyên trên blog thời Yahoo. “Lan chi mô?” là bài văn đượm nguồn thương yêu về một người cha thân yêu của Chinh Nguyên nay đã không còn trên dương thế. Tôi kính cẩn thắp nhang lên bàn thờ Phật và bàn thờ ba Chinh Nguyên. Tôi hình dung sắc lan, hương lan một thời trong ngôi vườn Suối Nghệ như đang lấp lánh hồi quang. Trong tưởng tượng ban trưa của tôi bóng dáng hai cha con Chinh Nguyên hồn hậu, chăm chút nhành phong lan cũng lung linh sinh động “Lan chi mô?.
.
Từ trái: Võ Quê, Tuyết Nguyên, má Chinh Nguyên, Chinh Nguyên
Tuyết Nguyên, bạn Chinh Nguyên có người má bán cá khô ở chợ Bà Rịa. Nghe tin Tiểu Kiều – hiền thê của tôi bị bệnh, má Tuyết Nguyên đã chịu thương chịu khó mua mướp đắng về xắt mỏng, phơi khô rồi chuyển lên Sài Gòn để Tuyết Nguyên gởi ra Huế cho Tiểu Kiều bằng đường bưu điện. Nghĩa cử cao đẹp ấy vợ chồng tôi luôn ghi nhớ, hàm ơn. Tiếc là Tiểu Kiều chưa kịp nói lời tri ân với hai mẹ con Tuyết Nguyên thì đã sớm ra đi. Lần này, theo Tuyết Nguyên, Chinh Nguyên tôi ra chợ Bà Rịa thay mặt Tiểu Kiều thăm và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với má Tuyết Nguyên. Vị đắng của khổ qua đã ngọt lành tình nghĩa. Nụ cười hiền của hai má con Tuyết Nguyên, của hai má con Chinh Nguyên đã đưa tôi về bình yên trong suốt những cung đường.
.
Từ trái: Má Tuyết Nguyên, Chinh Nguyên, Võ Quê, Tuyết Nguyên
Rời Vũng Tàu lên Sài Gòn, ngày 31.3.2011 tôi có cuộc hội ngộ với Trần Nhung – một “multiply” ở nhà hàng Wrap & Roll khu Phú Mỹ Hưng. Năm ngoái khi tôi vào Sài Gòn tham gia tiết mục nhỏ cho chương trình truyền hình HTV của một nghệ sĩ Huế tôi không gặp Nhung được dù Nhung đã có lời mời. Thời gian ở Sài Sòn lúc ấy quá ngắn ngủi, eo hẹp. Buổi họp mặt lần này còn có Trân - người bạn thân thiết của Trần Nhung. Sự thân tình, cảm thông hoàn cảnh sống của gia đình tôi ngoài Huế của Trần Nhung đã giúp tôi không bỡ ngỡ mà lại thấy gần gũi trong lần đầu biết mặt nhau. Khoảng cách giữa hai thế hệ trẻ, già cũng hẹp bớt đi. Chỉ còn lại trong nhau niềm ưu ái, trang trọng. Những đài hoa thủy tiên Trần Nhung tặng tôi trong trưa ngời lên sự tin cậy tinh khôi, mãi mãi... Điều bất ngờ, thú vị trong cuộc gặp gỡ này là Trân. Qua trò chuyên, hàn huyên tôi mới biết Trân là ái nữ của một người bạn rất thân từ trước năm 1975: bác sĩ Nguyễn Trận. Câu lục bát cũ lại hiện ra, lần này đậm nét hơn: “Đi mô cũng chộ người thân, mới hay trái đất chỉ bằng trái tim”.

Hoa ngời lên sự tin cậy tinh khôi...

 

Từ những trang “multiply”, tôi được quen thêm họa sĩ Ngô Đồng. Thời gian qua, dù chưa diện kiến nhau nhưng trong thẳm sâu tôi hiểu giữa anh và tôi có một mối đồng cảm, đồng điệu chân tình. Chưa được có dịp xem tranh của anh nhưng những vần thơ anh viết trên multiply mà tôi từng đọc và những comment của bạn bè anh gởi đến anh đã tạo trong tôi một mối thiện cảm sâu đậm với anh. Chiều 30.3.2011 tôi vui mừng, xúc động thật sự khi anh có mặt tại Trung tâm Văn hóa TP.HCM dự buổi nói chuyện chuyên đề của tôi “Ca Huế - Tiếng nhạc tri âm”. Thời điểm này, tôi chưa kịp trò chuyện cùng anh nhưng dung mạo anh cũng kịp để lại tôi một ấn tượng đẹp. Tôi hiểu họa sĩ Ngô Đồng là một người khinh khoái!

Trưa ngày 2.4.2011 họa sĩ Ngô Đồng hẹn gặp tôi ở nhà hàng Quê Nhà gần công viên hồ con rùa. Trước đó anh đã nhắn tin cho biết ngoài anh ra còn có thêm những người bạn multiply. Và thế là lần lượt tôi được gặp một Hiền Minh đẹp trai, kể chuyện sôi nổi, có duyên với tài ứng tác thơ nhanh; một Kiệt (mrolman) trẻ trung, thích nhạc Trịnh, một Tiểu Thúy hiền lành, sâu sắc, một Ngọc nhỏ nhắn, hồn nhiên… rồi Hoa Quỳnh, Loan Dinh, Lưu Lệ Thanh… dung nhan đẹp xinh mỗi người mỗi vẻ. Hien Minh đã nhắc tôi về một bài thơ viết chung của ba người dạo trước. Hai câu đầu của tôi, hai câu tiếp theo là An Thảo (Hà Nội), hai câu cuối cùng của Hien Minh. Tôi phục Hien Minh có trí nhớ tốt khi anh chép lại cho tôi nguyên văn bài thơ ấy:

 

Tiếng chuông gọi rác ban chiều
Một ngày qua biết bao nhiêu hồng trần
Sáng nâng niu những ân cần
Chiều buông xuống lại tần ngần phôi pha
Vui buồn một thoáng rồi xa
Đêm về lặng lẽ ru ta bềnh bồng…
Thưởng thức hương vị “Quê Nhà” xong, mọi người lại tiếp tục sang một nhà hàng kem bên cạnh. Những câu chuyện kể dòn lên trong chiều về nhân tình thế thái, về chuyện tử vi mà họa sĩ Ngô Đồng là chứng nhân của rất nhiều nội dung thú vị. Tình bạn multiply Sài Gòn của các bạn thật dễ thương. Tôi như được hội nhập vào đây cùng các bạn. Tôi quên tôi là khách. Tôi hứng chí chạy hai câu trên multiply khi trở về chung cư Conic:
“Multi – Quê Nhà liên hoan
Thanh Minh Kiệt Ngọc Đồng Loan Thúy Quỳnh!
Tôi gọi tên từng người thân quý. Và tiếng gọi của tôi đã có Hien Minh đáp lời bằng một bài tứ tuyệt:
Thanh, Minh, Kiệt, Ngọc, Đồng, Loan
Thúy, Quỳnh, Quê Võ liên hoan một ngày
“Quê nhà”… bia lẫu ngất ngây
Cà phê, kem, bánh thế này, khó quên!

Thật khó quên! Thật khó quên!
Người và Đất phương nam…

Q.V

Từ trái: Kiệt (mroldman),họa sĩ Ngô Đồng, Loan Dinh, Hoa Quỳnh, Lưu Lệ Thanh, Võ Quê
(ảnh: Hien Minh)

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.