HUẾ DA DIẾT “CÁI TÌNH CHI…” Ở TAM KỲ - Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5560
Ông Nguyễn Đình Thông, Trưởng ban LL Đồng Hương Thừa Thiên Huế ở Tam Kỳ, Quảng Nam.
HUẾ
DA DIẾT “CÁI TÌNH CHI…” Ở TAM KỲ
Nhân dịp tham dự kỷ niệm 40 năm Tổng Đoàn Học Sinh Đà Nẵng (1971-20112) tôi được gặp các anh chị em Tổng Đoàn Học Sinh Quảng Tín (tên gọi trước năm 1975) và theo chân họ vào Tam Kỳ, nơi các anh chị ấy đã từng hoạt động đấu tranh, xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược, đòi hòa bình, đòi thống nhất đất nước của một thời kiên cường oanh liệt. Những ngày ở Tam Kỳ, nhờ các cuộc gặp gỡ với anh chị em trong Tổng đoàn Học Sinh Quảng Tín mà tôi có dịp quen biết ông Nguyễn Đình Thông, Trưởng ban Liên Lạc Đồng Hương Thừa Thiên Huế ở Tam Kỳ, Quảng Nam. sinh năm 1930, quê quán ở Dạ Lê (gót), huyện Hương Thủy. Thừa Thiên Huế. Ông có 10 người con (5 trai, năm gái) và qua sự chăm lo nuôi dưỡng của vợ chồng ông, ai cũng thành đạt, có sự nghiệp xứng danh nếp nhà. Nay dù đã trên 80 tuổi nhưng ông Thông vẫn còn quắc thước, rắn rỏi, khỏe mạnh. Dù xa quê đã lâu năm nhưng chất giọng Huế của ông vẫn còn nguyên vẹn, hoàn toàn không hề bị pha ngữ điệu, âm tiết. Nhờ hầu hết con cái ổn định, vinh hiển mà ông thảnh thơi, tự tại. Ông đã tập trung trí tuệ, tâm huyết của mình vào việc điều hành Ban Liên Lạc Đồng Hương Thừa Thiên Huế ở Tam Kỳ, Quảng Nam được thành lập từ năm 1996 cho đến nay vừa tròn 15 năm. Uy tín cá nhân và gia đình ông đã được lan tỏa, nhờ vậy ông bà con đồng hương Huế tin tưởng ủng hộ ông. Qua cuộc hàn huyên với ông Nguyễn Đình Thông, anh Trần Đình Hộ - một thành viên tích cực trong Tổng Đoàn Học Sinh ngày trước và nay lại tiếp tục năng động. sôi nổi trong cộng đồng bà con Thừa Thiên Huế - tôi đã tìm hiểu được hoạt động đồng hương của bà con Thừa Thiên Huế trên thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam.
Khác với các tổ chức đồng hương Thừa Thiên Huế ở các tỉnh thành khác trong cả nước, mỗi năm chỉ tổ chức gặp nhau một lần vào dịp đầu xuân, Ban Liên Lạc Đồng Hương Thừa Thiên Huế ở Tam Kỳ, Quảng Nam lại thực hiện hai lần hội ngộ:
Lần thứ nhất là cuộc gặp gỡ vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm với sự tham dự độ trên dưới 300 người trong tổng số 600 người Thừa Thiên Huế đang làm ăn sinh sống ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Nội dung cuộc họp mặt đầu xuân rất phong phú, đa dạng với nhiều hình thức sinh động. Cùng với sự thăm hỏi nhau, chúc mừng năm mới; thông báo tình hình, tin tức trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa của bà con ở Tam Kỳ và ở quê nhà… là việc quan tâm trợ giúp cho các hộ gia đình đồng hương đang có những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn; chú trọng vận động nguồn kinh phí khuyến học để giúp con em đồng hương học tập tốt. Riêng phần văn nghệ góp vui trong cuộc họp mặt đầu xuân, ban tổ chức luôn nỗ lực để đưa thật nhiều tiết mục dân ca, ca Huế lên sân khấu. Chính loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống này đã từng gắn bó máu thịt với đông đảo bào con đồng hương khi đang còn ở quê nhà, cho nên khi phải tha phương, xa xứ bà con càng mong muốn được nghe lại những giai điệu da diết, mượt mà thắm đượm tình tự dân tộc từ âm hưởng dân ca, ca Huế.
Ban Liên Lạc Đồng Hương Thừa Thiên Huế trao tặng quà đồng hương có hoàn cảnh khó khăn
Cuộc gặp gỡ lần thứ hai là vào dịp kỷ niệm ngày thất thủ kinh đô 23.5 âm lịch. Bà con Thừa Thiên Huế tại đây cho rằng việc ghi nhớ công đức tiền nhân cùng những hy sinh lớn lao của tổ tiên ông bà trong giai đoạn này thật đáng trân trọng. Những tổn thất to lớn trong cơn biến động kinh thành Huế ấy không biết lấy gì bù đắp nổi. Việc gặp nhau trong dịp 23.5 âm lịch bên cạnh chuyện tri ân, tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong, thương tiếc các âm hồn bị tên bay đạn lạc trong cuộc chiến còn để thể hiện tinh thần yêu nước, yêu quê hương của người Thừa Thiên Huế đang vì hoàn cảnh mà phải mưu sinh nơi xa xôi. Chính nhờ có tấm lòng luôn hướng về đất mẹ mà người Thừa Thiên Huế nơi đây thường nhắc nhở nhau cố gắng sống tốt, sống đẹp, sống có tình, sống xứng đáng là người con dân Thừa Thiên Huế.
Để hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng tình cảm của nhiều bà con, Ban Liên Lạc Đồng Hương Thừa Thiên Huế còn được sự hưởng ứng nhiệt thành của bà con đồng hương Quảng Trị đang định cư ở Tam Kỳ và bà con người Tam Kỳ, Quảng Nam. Nhờ sự phối hơp ăn ý, giàu nghĩa tình, đoàn kết nhất trí cao giữa bà con Thừa Thiên Huế, Quảng Trị mà chất lượng cuộc sống của mọi người được nâng cao. Sự tương thân tương trợ này đã giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thành phố Tam Kỳ phồn vinh, thịnh vương.
Qua chuyện kể của anh Trần Đình Hộ, chúng tôi còn được biết đã có rất nhiều thành viên trong đồng hương năng nổ, nhiệt thành ở ngành giáo dục như thầy giáo Nguyễn Quỳnh, thầy Nguyễn Thái, thầy Nhã, thầy Trần Tứ, cô giáo Thu Phúc…; ở mảng y tế có bác sĩ Hối, bác sĩ Lâm Liên, bác sĩ Quang, bác sĩ Thân Trọng Long…; ở lĩnh vực doanh nghiệp có các hiệu kim hoàn Kim Thành, Kim Thạnh, Vĩnh Hòa, Kim Việt, hiệu nem chả Huế Thu Vang…; Anh Lương Tuyến, Giám đốc Sở Thủy văn Quảng Nam... Chính họ đã cùng với nhiều bà con đồng hương khác đã rất tâm huyết huy động nhiều công sức, đóng góp trên nhiều mặt nhằm giúp cho Ban Liên Lạc nâng cao chất lượng hoạt động, phù hợp, thích nghi với thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước.
Bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con đồng hương cũng là một trong những chủ trương của Ban Liên Lạc Đồng Hương. Cụ thể, vừa qua, có 2 em người làng Kế Môn, Điền Môn, Phong Điền, Thừa Thiên Huế do hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, thiếu thốn nên phải rời quê nhà vào Tam Kỳ tìm kiếm việc làm. Chẳng may hai em bị gia đình người chủ khắc nghiệt, dùng các thủ đoạn ngược đãi thậm tệ. Biết chuyện, Ban Liên Lạc Đồng Hương Thừa Thiên Huế ở Tam Kỳ đã kịp thời yêu cầu chính quyền sở tại can thiệp, giúp hai em thoát cảnh đọa đày, tìm công việc khác ổn định, an toàn hơn.
Biết tranh thủ các nguồn tài lực để thực hiện nội dung khuyến học, giúp đỡ các gia đình đồng hương có hoàn cảnh khó khăn nên trong thời gian qua Ban Liên Lạc cũng đã được sự hỗ trợ thiết thực của Công ty Bia HuDa Huế, Công ty Đà Điểu, doanh nghiệp Đức Thọ trên địa bàn Tam Kỳ. Ban Liên Lạc hy vọng trong thời gian tới sẽ tìm cách huy động thêm nhiều nguồn tài trợ khác nhằm phát huy các hiệu quả đạt được.
Riêng tấm lòng hướng về quê hương của bà con Thừa Thiên Huế ở Tam Kỳ mãi mãi là một mạch nguồn lai láng. Bà con hân hoan trước sự kiện Unesco hai lần công nhận Huế là di sản nhân loại. Bà con buồn lo khi nghe tin các di sản văn hóa Huế bị xâm hại, sử dụng sai mục đích… Những cuộc vận động quyên góp ủng hộ đồng bào Thừa Thiên Huế trong những mùa thiên tai, bão lụt hằng năm cũng thể hiện rõ nét, sâu sắc, thành khẩn một niềm thương yêu vô hạn của bà con vọng về quê cha đất tổ.
Từ việc tìm hiểu hoạt động của Ban Liên Lạc Đồng Hương Thừa Thiên Huế ở Tam Kỳ, Quảng Nam tôi trực nhận một điều: Con người Thừa Thiên Huế nói chung và Huế nói riêng luôn có một “cái tình chi…” vô cùng da diết mà đằm thắm, lắng sâu. Chính nhờ “cái tình chi…” ấy mà người Huế dù ở bất cứ phương trời nào vẫn giữ được bản sắc riêng trong từng phong cách sống, ăn, mặc, ở, vui chơi, giao tiếp… Tình Huế trong họ mãi mãi hóa thân vào nỗi nhớ, hóa thân vào thiên nhiên, sông núi Đi mô cũng nhớ quê mình, nhớ Hương Giang nước biếc, nhớ Ngự Bình trăng trong…
VÕ QUÊ
Ông Nguyễn Đình Thông, Trưởng ban LL Đồng Hương trao tặng quà khuyến học.