Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

TA TÌM ĐẾN TÌNH NHAU HY VỌNG! - Võ Quê

 


Từ trái: Nhà thơ Kevin Bowen, GĐ Trung tâm William Joiner (Mỹ), Võ Quê, Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Đắc Xuân trên sông Hương chiều 8.3.2012. Ảnh: Hoàng Phương

 Những năm tháng hoạt động văn học nghệ thuật tại thành phố Huế, thông qua Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội VHNT Thừa Thiên Huế qua nhiều nhiệm kỳ chúng tôi đã có dịp đón tiếp nhiều nhà văn của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính mối quan hệ tốt đẹp ấy đã cho chúng tôi  có dịp tiếp cận được một số nhà văn nhà thơ tên tuổi Mỹ thuộc Trung Tâm William Joiner (Mỹ) đang có những tình cảm sâu đậm, chân thành, hữu nghị về đất nước Việt Nam. Hôm nay, trong không khí ấm cúng thân tình của diễn đàn văn học “Nhìn lại và phát triển” nhân kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao văn học giữa Hội Nhà Văn Việt Nam và Trung Tâm William Joiner tôi xin được viết về một số kỷ niệm đẹp, thân tình các nhà văn Mỹ mà tôi đã từng gặp gỡ, thường xuyên giao tiếp, liên hệ với sự quý trọng: Fred Marchant, Nguyễn Bá Chung, Larry Heinermann.

 

Nhà thơ Fred Marchant đồng điệu thâm tình

.
Nhà thơ GS.TS Fred Marchant hiện nay là giáo sư Anh ngữ, Giám đốc chương trình sáng tạo viết văn của Đại học Suffolk, Boston; nguyên là trung úy quân cảnh Mỹ tại Okinawa. Trong thời gian phục vụ trong quân ngũ, ông đã rất sốc trước thông tin vụ lính Mỹ thảm sát thường dân Việt Nam tại Mỹ Lai vào ngày 16. 3. 1968. Khi bị điều động sang Việt Nam tham chiến ông đã viết đơn kiện gởi các tòa án quân sự Mỹ với lý do ông là một sĩ quan tình nguyện, không chấp nhận cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam và ông đã thắng kiện.

Từ thái độ chống chiến tranh, ông càng chú tâm tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, nhân văn, văn học nghệ thuật cùng những giá trị văn hóa, tâm linh của người Việt. Mối thiện cảm dành cho đất nước, con người Việt Nam trong tâm hồn ông được lớn dần, sâu đậm dần theo thời gian.

Fred Marchant là tác giả của ba tập thơ: Tipping Point, đoạt giải của giải thưởng năm 1993 Washington, Full Moon Boat, House on Water, House in Air và nhiều tiểu luận văn học được đăng tải trên nhiều tạp chí. Cùng với Nguyễn Bá Chung ông đã cùng dịch tập thơ Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa. Ông còn là người thẩm định tác phẩm bậc thầy của Trung tâm William Joiner nghiên cứu về chiến tranh và hệ quả xã hội tại Umass Boston. Ông cũng là người giới thiệu hai cuốn sách Trở về núi Bà Đen của Larry Heinemann và Cốm non (Green Rece) của Lâm Thị Mỹ Dạ đã được dịch ở Mỹ.
Tháng 7. 1995 khi tôi cùng đoàn Nghệ thuật Ca Huế sang Mỹ biểu diễn trong chương trình Liên hoan Âm nhạc dân tộc toàn nước Mỹ tại thành phố Lowell bang Massachusetts, nhà thơ Fred Marchant là một trong những người Mỹ tích cực tận tình giúp đỡ đoàn trên nhiều mặt. Ngoài thời gian đoàn biểu diễn tôi đã lang thang cùng vợ chồng nhà thơ Fred Marchant trong phố chiều và nghe ông hỏi thăm về Việt nam về Huế với lời hứa hẹn sẽ cố gắng thực hiện những chuyến sang thăm Việt Nam, thăm Huế và sáng tác.

Một trong những bài thơ của ông về Việt Nam được độc giả Huế trân trọng đón đọc là bài thơ “Ba mươi cái cúi đầu bắt buộc” đăng trên tạp chí Sông Hương số 179- 180 tháng 1 – 2. 2004 do Tô Diệu Linh chuyển ngữ, tựa đề của bài thơ là viết sau ba mươi năm Mậu Thân. Ba mươi cái cúi đầu bắt buộc về những mất mát, những nỗi đau chiến tranh do Mỹ gây ra:

 “… Một cây chuối đầy đủ Lá gập xuống bên chiếc thuyền một người đàn ông dáng vẻ nghiêm nghị: Đó là hình ảnh về sự tang tóc của tôi.

Đứng ngay bên cạnh tôi là cha mẹ tôi, mắt họ cũng có vẻ lạ thường và trống vắng.
Đó là vào năm 1968, và chẳng ai trong chúng tôi biết chúng ta đang làm gì cả.
Đó là lý do tại sao bây giờ tôi ghét Hartford(3) là lý do tại sao tôi lái xe vòng vòng quanh thành phố, là tại sao tôi bị lạc giữa xa lộ để dẫn tôi đến chỗ ghi danh đi lính tình nguyện.
Hình ảnh trên truyền hình quay quanh hình ảnh biểu tình chống đối, đánh bằng dùi cui, và một giọng phát thanh viên cất lên nói về cuộc chiến tranh “không được nhiều người ủng hộ” đó…”

Theo nhà thơ Fred Marchant chuyến về thăm Huế năm 1997 là lần có nhiều kỷ niệm đẹp trong quá trình sáng tác của ông. Với Huế ông thường có những hồi ức về một thời chiến tranh khốc liệt. Dằn vặt và trăn trở như trong hồi ký “Huế trong đêm - nguyên cớ một bài thơ” của ông được trích dẫn dưới đây:

“…Dòng sông đêm nay đẹp một cách lạ lùng, tôi nhủ thầm. Những chiếc thuyền giấy nho nhỏ do khách trên sông thả trôi theo dòng nước mang theo những cây nến. Những chiếc thuyền rồng - một loại thuyền dài gắn máy nổ, được trang trí phía đầu và đuôi như hình một con rồng, với các du khách đang dùng cơm tối và thưởng thức những bản nhạc cổ điển Việt do một đoàn hợp tấu trình diễn. Tôi có thể nghe thấy văng vẳng tiếng ca, tiếng trống tiếng phèng mặc dù xe cộ vẫn rộn ràng qua lại trên cầu. Trong bữa ăn tôi giữ im lặng. Nhìn những người bạn tôi trong khu vườn lộ thiên của nhà hàng, dưới ánh sáng của những ngọn nến, tôi thấy họ toát lên một phong cách thật đẹp. Tôi không thể quên được ánh mắt của họ như sáng lên với tình bạn và hạnh phúc. Tự nhiên tôi cảm thấy thật biết ơn đã được ngồi đó bên cạnh bạn bè, và ngay khi có cảm giác đó, tôi hiểu tại sao tôi đã không thể nhớ, đã không thể đọc được bài thơ nào ở Đàn Nam Giao…
…Khi buổi gặp mặt sắp chấm dứt, tôi đứng dậy đề nghị một lời chúc. Tôi muốn chúc tất cả những người bạn của tôi. Lời chúc của tôi tối hôm đó là bản nháp đầu tiên của bài thơ mà sau đó tôi tiếp tục làm suốt đêm. Đây là bản sau cùng của nó:

 
Huế trong đêm Đàn Nam Giao


Đôi khi tôi nghĩ Huế là trung tâm của vũ trụ,
nơi hàng ngàn con mắt hướng về chúng ta.
Con mắt lặng lẽ của vầng trăng đầy với mây
Con mắt cháy bỏng của bó nhang
chen vào mặt đá
Con mắt hoành tráng của sân đình hoàng đế,
tấm đá cẩm thạch biết nói.
Con mắt hồ nghi của người đàn bà khấn cầu trên bậc thang nhoè bóng tối.
Con mắt sáng quắc của đèn xe.
Và những chấm sáng lung linh của ngọn nến sông ẵm trên tay
Những con mắt của bao người không còn nữa.
Và những con mắt hôm nay của bè bạn, còn đây.

Nhà thơ Nguyễn Bá Chung sứ giả của đôi bờ văn học

.

Nhà thơ Nguyễn Bá Chung sinh năm 1949 tại Kim Thanh, Hải Dương. Vào Sài Gòn sinh sống với gia đình năm 1955. Năm 1972, ông sang Mỹ du học. Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại Mỹ, Giáo sư trường Ðại Học Massachuset (Boston - Hoa Kỳ). Ông là nhà thơ, bỉnh bút, dịch giả, ông đã từng dịch và xuất bản thơ chữ Hán sang Việt ngữ và Anh ngữ. Ông là đồng dịch giả tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu - A Time Far Past (1997 với Kevin Bowen và Ngô Vĩnh Hải). Ông cũng là đồng dịch giả các tuyển tập thơ song ngữ của văn học Việt Nam: Mountain River, Vietnamese Poetry From The War 1948 - 1993 (1988, với Kevin Bowen, Bruce Weigl) . 6 Vietnamese poets Nguyễn Bá Chung, Kevin Bowen, Martha Collins. Distant Road - Selected Poems of Nguyen Duy ( 1999, với Kevin Bowen). From A Corner of My Yard (2006, với Fred Marchant, LadyBorton & Trịnh NgọcThái.) Ly - Tran Zen Poems of Vietnam - Thơ thiền Lý Trần Nguyễn Duy (chủ biên), Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung, 2008. Với một bút lực sung mãn, ông đã cho xuất bản các tập thơ Nguồn thơ NXB Hội Nhà Văn 2009.Cỏ nội thơ 1995.Mưa ngàn thơ NXB Văn Nghệ 1996. Ngõ hạnh thơ NXB Văn hóa Thông tin 1997. Tuổi ngàn năm từ buổi sơ sinh thơ NXB Hội Nhà Văn 1999.

Nhà thơ Nguyễn Bá Chung là một trong những nhà thơ Mỹ gốc Việt về thăm Huế nhiều lần. Hầu như lần nào ông đến đất cố đô này tôi thường có dịp gặp gỡ, chuyện trò. Khi thì cùng ông với một số anh chị em văn nghệ sĩ Huế lênh đênh trên một con thuyền xuôi dòng sông Hương rồi neo đậu cuối Cồn Hến. Lúc thì đưa ông lên chùa Huyền Không Sơn Thượng bằng xe gắn máy đàm đạo với các nhà sư … Qua nội dung những lần hàn huyên ấy, tôi tìm thấy nơi nhà thơ Nguyễn Bá Chung có một tâm hồn Việt lắng sâu, thuần khiết như chính những trang thơ giàu cảm xúc, nhuần đượm chất thiền, chan chứa mạch nguồn dân tộc của ông:

Tôi về trồng cải vườn xưa
Tháng năm sương muối bây giờ cỏ hoang

Tôi về lấy lẽ bồ hòn
Kết duyên trăng gió cho tròn đắng cay

Tôi về ở với mai này
Ngày không không ở với ngày không không

 (Muối Sương – thơ Nguyễn Bá Chung)

Từ góc độ “20 năm nhìn lại và phát triển”, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã đánh giá rất cao về vai trò “sứ giả” của nhà thơ Nguyễn Bá Chung trong cương vị là một thành viên của Trung Tâm William Joiner. Ông là một trong những người đã cùng Trung tâm có công giới thiệu văn học Việt Nam cũng như giới thiệu nhiều nhà văn tên tuổi Việt Nam đến cùng công chúng Mỹ. Trong bài viết kỷ niệm 25 năm thành lập Trung Tâm William Joiner đăng trên tạp chí Sông Huơng số 225-11/2007, nhà thơ Nguyễn Bá Chung tâm sự: “Nhìn lại chặng đường 25 năm vừa qua, tôi nghĩ là Trung tâm Joiner đã có một đóng góp rất lớn cho sự hòa giải giữa hai dân tộc Việt Mỹ, nhất là trong suốt những năm cấm vận ngặt nghèo từ 1975 tới 1994. Cái lớn của sự đóng góp đó không phải do tài chánh, do quyền lực, mà là cái lớn ở tấm lòng. Chính vì ở tấm lòng nên mới có thể hòa giải, mới có thể có những tình bạn chân thực giữa những người Việt và người Mỹ. Và từ tấm lòng đó mới có thể đi đến thơ văn.

Với tấm lòng đó làm cơ sở, tôi có thể yên tâm nhìn tới phía trước.”

 Nhà văn Larry C Heinemann người kể chuyện Việt Nam

 

Trên sông Hương 8.3.2012. Ảnh: Hoàng Phương

Qua sự giới thiệu củan nhà văn Tô Nhuận Vỹ, tôi được biết Nhà văn Larry C Heinemann sinh năm 1944 ở Chicago (Hoa Kỳ), là một tiểu thuyết gia với các tiểu thuyết, hồi ký liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Larry C Heinemann đã từng ở chiến trường Việt Nam với sư đoàn bộ binh 25, tham chiến tại khu vực gần núi bà Đen Tây Ninh vào năm 1967 -1968.

Cũng như nhiều lính Mỹ khác, Larry C Heinemann cũng đã phải nếm trải từng nỗi kinh hoàng, khiếp đảm của chiến tranh; không tránh được mối ám ảnh bởi “hội chứng Việt Nam” và từ đó với ông viết văn như là một biện pháp hữu hiệu nhằm giải tỏa những dằn vặt, bức xúc của một thời tham chiến và văn chương với ông đã trở thành một phương pháp trị liệu tốt.Tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Hà Lan, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, và Việt Nam.

Ông đã hoàn thành ba tác phẩm về chiến tranh Việt Nam là Giáp lá cà (tiểu thuyết), Trở về núi bà Đen (ký), Chuyện của PacoChuyện của Paco đã được công chúng chú ý, đã nhận giải thưởng quốc gia Hoa Kỳ năm 1978; đây là cuốn sách của ông lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt và được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành vào mùa Thu năm 2010.. Chuyện của Paco kể chuyện 93 người thuộc đại đội Alpha khi tham chiến tại Việt Nam đã bị chết, chỉ còn lại một mình Paco. Và câu chuyện do chính 93 oan hồn lính đã bị chết kể lại. Dưới bút pháp của Larry C Heinemann chuyện trở nên ly kỳ, hấp dẫn, cuốn hút người đọc.

Bằng một tình yêu Việt Nam sâu đậm, nhà văn Larry C Heinemann đã nhiều lần sang Việt Nam, ông đã có nhiều cuộc tiếp xúc, giao lưu, nói chuyện với bạn đọc Việt Nam. Riêng với thành phố Huế cổ kính, thơ mộng ông cũng đã đến nhiều lần mà cchuyến về ở Huế lâu nhất là 6 tháng vào năm 2003 để nghiên cứu, lấy tư liệu tìm hiểu về văn học dân gian Việt Nam và Thừa Thiên Huế. Chính thời gian đó, tôi đã có dịp tìm hiểu thêm về tình cảm, trí tuệ của các nhà văn Mỹ khi họ thật sự gắn bó, ưu ái đến một đất nước mà họ đã từng tham chiến. Tôi trực nhận rằng vượt lên trên mọi dị biệt, mọi đối nghịch, các nhà văn Mỹ ở Trung tâm William Joiner và các nhà văn Việt Nam luôn đề cao các giá trị nhân văn sâu sắc cũng như khát vọng hòa bình trên khắp hành tinh. Cuộc sống quý giá từ trái đất này đáng trân trọng biết bao!

Để kết thúc bài viết này cho phép tôi mượn lời của Larry C Heinemann như một sự đồng cảm lớn lao về tình yêu về lòng nhân đạo, về thiên chức của nhà văn và hy vọng “20 năm nhìn lại và phát triển” của chúng ta cũng được khơi nguồn từ ấy:

"Nhân đạo tức là biết xúc động, biết cảm thông, thấy "động tâm" (empathy) trước tha nhân và muôn loài và vạn vật của đất trời. Từ một quang cảnh bao la kỳ vĩ cho tới những vật nhỏ mọn như một cái lông chim, một hòn đất, một cái vỏ bào quăn queo; đôi mắt của một con kiến, một cái vẫy tay chào... 

Võ Quê 

Huế, 7.3.2012

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.