THANH MINH TẠI BẠC LIÊU ÂM DƯƠNG HÒA HỢP - Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5104
“Thanh minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh...” Câu thơ một thời trong tác phẩm Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du chợt tái hiện trong tôi khi tôi được nghe các văn nghệ sĩ Phù Sa Lộc, Trúc Linh Lan, Đặng Hoàng Thám đưa thông tin của nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi gợi ý mời một số văn nghệ sĩ Cần Thơ về Bạc Liêu dự lễ tảo mộ của người Tiều Châu. Tôi may mắn được theo về cùng các thi hữu miền Tây. Háo hức! Chờ đợi!
Từ 5 giờ sáng ngày 10. 3 âm lịch, nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi đã mời chúng tôi ra nghĩa trang của người Tiều Châu ở Bạc Liêu dự lễ tảo mộ. Những ngôi mộ bằng xi măng đã đước đắp đất mới, những tấm bia đã được sơn mới, tên của người quá cố được tô màu xanh, tên họ của người sống ở sanh phần bên cạnh được tô màu đỏ. Người quá cố chỉ tô màu xanh cái tên mà không tô họ, theo quan niệm người Tiều chỉ tên cá nhân người chết, họ thì tồn tại muôn đời. Ngôi mộ nào trong nghĩa trang cũng được trang hoàng bằng giấy ngũ sắc rất đẹp mắt. Người anh ruột nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi cho biết: Theo quan niệm của người Hoa tiết thanh minh được xem như là cái Tết của người âm, nên trong dịp này con cháu thường ra nghĩa trang làm mới, trang hoàng cho ngôi mộ. Xem đây như là người âm đón Tết vậy
Lễ cúng tại nghĩa trang được chuẩn bị hai mâm: một mâm cúng trước mộ gồm có heo quay (trên lưng heo được cắm một con dao), hoa quả, giấy tiền vàng bạc, hương đèn; một mâm cũng thổ thần với lễ vật tam sinh là trứng vịt, mực khô, một miếng thịt heo luộc Sau khi cúng xong thì con cháu quây quần bên mâm cổ ngay trước mộ phần để cùng ăn uống trong tinh thần cùng dự tiệc, cùng ăn Tết với người thân đã qua đời, ông bà tổ tiên.
Nhân dịp này, tôi đã xin phép gia quyến nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi hát một đoạn chầu văn theo điệu Huế trích từ Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du: “Thanh minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mội hội là đạp thanh. Gần xa nô nức yến oanh...” Mà đúng là nô nức yến oanh thật. Khu nghĩa trang người Tiều Châu hôm nay đông đảo người già, em bé, nam thanh nữ tú... từ các miền đất nước về tảo mộ. Ngày hôm sau đã có nhiều trang báo thông tin về chuyện kẹt xe trên phà Cần Thơ, một trong những lý do là có quá nhiều người đi dự lễ thanh minh...
Đúng là có đi mới biết đời sống văn hóa, đời sống tinh thần, đời sống tâm linh mỗi nơi mỗi khác. Tùy theo hoàn cảnh địa lý, thời tiết... của mỗi vùng miền mà hình thành tính nhân văn. Và tuy mỗi nơi có khác nhau về hình thức thể hiện nhưng tất cả đều quy về một mối đó là lòng biết ơn các bậc tiền nhân, là tình yêu thương dành cho những người thân quý đã từng có một thời gian gắn bó, san sẻ buồn vui, hạnh phúc, khổ đau trên trần thế. Lễ tảo mộ là dịp cho âm dương tìm về nhau đoàn viên, hòa hợp trong tiết trời trong sáng thanh minh. Không có cuộc ngăn cách nào trong tâm thức chúng ta. Không có cuộc ngăn cách nào trên trái đất này!
V.Q
Huế, 10.04.2009