CỔNG TRƯỜNG CHẢI MÁI TÓC XƯA - Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4704
Ba mươi lăm năm, kể từ ngày tên trường Nguyễn Hoàng không còn nữa (1972), ngày 4 tháng 8 năm 2007, trên mảnh đất trường Nguyễn Hoàng xưa, (nay là trường Trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị) đã có một cuộc hội ngộ, trùng phùng kỳ thú, đầy ấn tượng, đầy xúc cảm với nụ cười, với rưng rưng nước mắt. Thầy giáo, cô giáo, học trò các thế hệ thuở nào xưa chừ mừng mừng tủi tủi, ngỡ ngàng gọi tên nhau trong trạng thái nghẹn ngào hay òa vỡ, buồn, vui, mơ, thực...
Ban vận động tổ chức cuộc họp mặt cựu thầy cô giáo, học sinh Nguyễn Hoàng chỉ mới dám mời chừng ba trămngười về dự, nào ngờ số người về lên gần bảy trăm. Thầy trò trong tỉnh Quảng Tri, trong nước: Sài Gòn, Đà Lạt, miền Tây, Tây Nguyên, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế... Nước ngoài... Bốn phương trời biển lại tìm đến tìm nhau bằng nghĩa khí Nguyễn Hoàng. Hôm ấy trời không mưa, không nắng. Trời còn thiếu gió Lào. Ngọn gió Lào từng xạc xào trên những rặng liễu trường tôi.
Chuyện cũ bao giờ cũng mới. Những hồi ức. Những kỷ niệm về thầy, về cô. Về học trò một thời áo trắng, quần xanh lại hiện nguyên mẫu, nguyên hình trong từng câu chuyện kể. Trên ánh mắt. Trên nụ cười. Trong cái siết tay, trong vòng ôm trìu ái, ấm nồng. Thế ai còn? Ai mất? Ai đi đâu? Ai về đâu? Ai làm chi? Những câu hỏi dồn dập. Những câu hỏi ái ngại với thầm mong thầy cô, bằng hữu vẫn bình yên cho dù đang nơi chốn nào xa xôi, giờ đây không có mặt. Mấy chục năm rồi biền biệt. Cách ngăn. Mấy chục năm rồi tưởng không một lần nào gặp gỡ. Nhìn lên mái đầu nhau. Những mái tóc không còn tuyền một màu đen nữa. Sương năm tháng. Muối thời gian đã nhuộm trắng tuổi xuân thì. Rồi thì mi tau. Rồi lại tau mi vô cùng thân ái. Đã có dâu rể, con cháu nội ngoại đầy đàn rồi mà chừ vẫn mi tau. Tình cảm trong ngần thuở học trò đã bắt thời gian lùi lại, lùi lại trong khoảnh khắc thiêng liêng này. Có ai ngờ rằng những cô bé học trò ngây thơ ấy mấy chục năm sau là những bà mẹ, là những mụ gia (nhạc mẫu), là những bà nội, bà ngoại lại có một ngày như ngày hôm nay, hồn nhiên đứng chải mái tóc xưa trước cổng trường yêu dấu rồi ngẩn ngơ hỏi nhau khi mô mới có cái tên trường Nguyễn Hoàng lại mi hè? Câu hỏi vu vơ ấy với tôi nghe như tiếng thở dài. Biết khi mô cái tên Nguyễn Hoàng quen thuộc, dấu yêu kia mới được tái hiện trên cổng trường? Trước "ba quân thiên hạ". Không gian xưa còn đó. Người người năm trước về đây mà tên trường lẩn khuất nơi mô? Ngẩn ngơ là phải lắm. Nguyễn Hoàng ơi! Tại thời điểm này, khi nhìn hình ảnh những mái tóc dài, mượt với những cánh tay cầm lược chải của các cựu nữ sinh dưới tàng cây trước cổng trường tôi đã cầm lòng không đậu buột miệng kêu lên trời ơi đẹp quá và chạy tới gần, nhìn ngắm cho bằng được. Tôi lại còn kèo nài xin mấy o cho tui chụp ảnh mấy người chải tóc bằng thơ: Cổng trường chải mái tóc xưa. Mi tau cùng ngẩn cùng ngơ... Nguyễn Hoàng...
Tôi hòa tôi trong dòng người đông tứ xứ, trong mạch nguồn thầy cô và hình dung những gương mặt, giọng nói của các thầy, cô đã từng dạy dỗ tôi là các cô Mai Thị Hảo, cô Bùi Ngọc Lan, cô Phan Ngọc Lan, cô Tường Vy, cô Táo, cô Toàn, cô Nhã, cô Nhũ Hương, cô Nhạn, cô Lê Thị Tránh, thầy Nguyễn Đăng Ngọc, thầy Nguyễn Diên... Tôi hòa tôi trong láng lai tình học trò nhiều thế hệ. Từ đây, trong bối cảnh hội trường đông vui, hòa ái này, tôi cố lắng nghe. Lắng nghe hồn trường. Và hồn trường dường như lung linh, kỳ ảo trong nhịp thở mỗi người. Trong hoài niệm thầy trò. Nhớ lại, thời tôi học. Tiếng máy bay trực thăng lên xuống ầm ào sau sân vận động cách trường bằng một bức tường dài. Âm thanh của chiến tranh. Những giờ học bị ngắt quãng bởi âm thanh ấy. Từ bên trong lớp học, chỉ cần nhướng người lên là có thể chứng kiến những cuộc hành quân xuất phát hay trở về ở sân vận động này. Lớp học tôi thỉnh thoảng vắng một người và có lẽ những lớp học khác nữa trong trường cũng vậy. Lớp học tôi thường thì thầm với nhau khi có người bỏ học lên xanh. Những khoảng trống thiếu trên bàn học thành những dấu hỏi lớn buồn. Nhức nhối. Những bài thơ của thầy Phan Phụng Thạch viết cho học trò thời chiến xoáy vào tâm thức tôi những dòng xốn xang:
Rồi một mai nhìn mùa thu trở lại
Các em về với tuổi thơ hồng?
Hay cuộc chiến đưa các em đi mãi
Và trường đời sẽ lắm núi nhiều sông.
(Lưu bút mùa hạ - Phan Phụng Thạch)
Hết hồi tưởng, tôi trở về thực tại. Từ một nhóm khác trong đám đông tú xứ ấy, bạn bè đang kháo nhau kể chuyện về những mối tình học trò thơ dại dưới mái ấm Nguyễn Hoàng ngày ấy... Những trường đoạn phim hồi ức được trình chiếu một cách dễ thương, chơn chất mà sinh động. Có mối tình lặng thầm của tay nớ tay kia. Có mối tình nổi tiếng trong thành phố nhỏ. Có mối tình thành trăm năm hạnh phúc chừ đang dắt tay nhau cùng về dự hội trường. Có mối tình dở dang như ả nọ, anh này... Hai ta thương chắc mần ri, mạ cha mần rứa anh thì mần răng? "Mạ cha mần rứa..." chỉ là một trong những lý do thôi. Tuổi học trò chúng mình có biết bao nhiêu điều, biết bao nhiêu chuyện làm cho đôi lứa cách ngăn, không được đến cùng nhau trong cuộc tình dài, đằm thắm. Hồi nớ đến với tình nhau, nhiều lá thư viết vội, vụng về trên trang vở học trò. Lúc giận nhau, lại tìm trả lại thư cho người tình đáng ghét, đáng hờn làm những lá thư tình tung tóe bay trên sân trường đang gió Lào mù bụi. Giờ đây những cuộc tình dang dở ấy lại gặp nhau bồi hồi, xuyến xao, thương cảm. Ôi chao! Những mối tình học trò thơ dại ban đầu thế mà cũng sâu lắng, vương mang. Họ ngại ngần một thoáng khi bạn bè kéo hai người vào chụp chung một khuôn hình. Liệu anh ở nhà có nói chi không? Rồi bà xã ông có ghen không? Ối dào! Chừ thì ai cũng đã có rể có dâu, có cháu, có chắt rồi. Nói chi mà nói. Ghen chi mà ghen. Tìm lại một vầng trăng nhớ. Một áng sao xưa. Một làn hương cũ. Một sắc phượng hồng ngày ấy. Có hề chi. Có can chi cái chuyện tình cảm học trò trong veo giọt nước. Đứng gần bên nhau. Thật gần. Thật gần. Và hãy cười tươi lên nhé. Ta ghi lại khoảnh khắc trang trọng này đi! Vì em ơi! Vì anh ơi! Vì bạn thân yêu ơi! Sau giây phút tái hiệp đoàn viên kỳ diệu này biết chúng mình có còn gặp lại nhau? Tình thơ dại ai ngờ sâu nặng thế. Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau...
Trong một góc khuất. Có giọng nói sôi nổi nhắc tên vài người học trò cá biệt nổi tiếng của Nguyễn Hoàng dạo trước. Những người ấy hôm nay không có mặt nơi đây. Họ còn hay mất? Hay đang lang bạt mưu sinh chốn nào xa trên trái đất nầy? Với tôi, hôm nay, những người đó vẫn đang về đây trong các mẩu chuyện vui đang được kể về sự phá phách ngang tàng, rất anh chị nhưng trọng tình bằng hữu; ngỗ nghịch, hung hãn nhưng lại vô cùng nghĩa khí. Biết buồn. Biết thương. Biết giận để khi cần họ cũng thành người nghĩa hiệp diệt chằn tinh, bắn đại bàng cứu công chúa như ai.
Một đêm trước ngày họp mặt, sau bữa cơm tối thân mật tình cờ với thầy Nguyễn Viết Trác, thầy Đỗ Tư Nhơn, thầy Lý Văn Nghiên, thầy Lê Hữu Thăng (từ Mỹ về), thầy Phan Khắc Đồ (Đà Nẵng) và các thầy cô từ Sài Gòn ra, với Phan Thị Thanh Tâm, Phan Thị Bích, Hậu, Phan Thị Bằng Bằng, Lê Thiện Ngữ, Phương... tôi một mình lang thang qua những con đường trong thành phố Quảng Trị. Thành phố một thời nhỏ nhắn, bình yên như tranh lụa đã đùm bọc tôi, nuôi nấng tôi những năm tháng thiếu niên cùng khổ, bần hàn. Tại đây, tiếng rao mì, cà-rem tôi đã từng hòa thanh với tiếng rao của các bạn nghèo cùng trang lứa. Thuở thương nhau áo rách nên lành. Rạp xi-nê Đại Chúng, chùa Sắc Tứ, chùa Tỉnh Hội, nhà thờ La Vang... là những tên gọi thân quen, thùng cà-rem của tôi thường được hết nhanh từ đây. Phòng Đọc sách Công giáo tiến hành cũng là nơi tôi hay tới vùi đầu vào những trang truyện Tàu hấp dẫn, lôi cuốn để cố quên mình đã có năm năm dài thất học. Đêm ấy, tôi còn thơ thẩn trên con đường Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu... cũ, độc hành dọc dòng sông Thạch Hãn - con đường Gia Long ngày trước với áo dài trắng Nguyễn Hoàng về chợ Sãi trong mỗi trưa, chiều tan học, với sắc phượng đỏ thắm gợi tứ cho tôi viết bài thơ Nơi con sông khi trở lại thành phố có chiều sâu kỷ niệm đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá. Thành phố - mối tình đầu hóa thân làm một. Mối tình đầu - thành phố đan quyện, nhức nhối, dằn xé tâm thức tôi trong mỗi đêm mơ. Đổ nát rồi thành phố thuở chiến tranh. Anh tiếc nuối thương từng con đường nhỏ. Như có máu trong màu hoa phượng đỏ rơi xuống đời từng mảnh đau thương.
Lại nhớ. Quảng Trị những mùa tranh đấu. Như mới hôm qua đây thôi. Quảng Trị bừng lên giữa mùa pháp nạn 63 rồi các mùa đấu tranh 64, 65, 66... Đấu tranh chống bạo quyền, đấu tranh chống bất công áp bức. Đấu tranh vì một ngày mai hòa bình, thống nhất. Và hôm nay đất nước mình đã thống nhất, hòa bình. Thầy và trò Nguyễn Hoàng chắc chắn đã có một quá khứ hào hùng, góp phần chung tay trong việc làm đổi thay vận nước. Thuở bằng hữu lên xanh thương người ở lại. Xuống đường. Hào khí tiếng loa vang. Quảng Trị rung lên mấy mùa tranh đấu. Em bên anh. Sát cánh Nguyễn Hoàng.
Những câu chuyện tâm tình. Những hồi ức, những màn chụp ảnh quay phim cứ kéo dài không chịu dứt dưới khung trời râm mát trước hội trường. Ban tổ chức phải mời gọi nhiều lần đến khan giọng trên loa phóng thanh, gần bảy trăm con người ta mới chịu vào để tiến hành lễ gặp mặt chính thức. Trước phần đọc diễn văn, phát biểu của các thầy, cô, của các đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng... Ban tổ chức đã bố trí một chương trình văn nghệ chào mừng phong phú để tạo không khí gồm các tiết mục cây nhà lá vườn thật dạt dào tình. Hay quá! Vui quá! Tiếng hát lời ca, giọng ngâm thơ của thầy, cô và trò đã ngân lên những hợp âm đồng điệu và từng độ rung truyền cảm, tâm huyết. Tất cả được phát đi từ tiếng lòng rất mộc. Rất thật. Rất trẻ. Đã già rồi mà tiếng-hát-học-trò-một-thuở có già đâu!
Điều làm tôi xúc động nhất là khi toàn thể mọi người có mặt trong hội trường chợt trầm, chợt trang nghiêm hẳn đi khi có một phút tĩnh mặc dành tưởng niệm về các thầy cô và học trò đã vĩnh viễn ra đi, hôm nay không hiện diện nơi đây. Lắng lòng lại thật sâu. Định tâm. Định huệ thật vi tế để vầng sáng đồng môn, sư đệ hồi quang giữa đất trời xứ Quảng thương yêu xua tan mọi dị biệt, mọi rào cản, mọi hoàn cảnh sống mà thầy, mà cô, mà học trò Nguyễn Hoàng đã sống, đã trải nghiệm; để chừ đây, trong không khí thuần khiết, vô ngại này thầy và trò chúng ta cùng thầm gọi lên hai tiếng thiêng liêng: Nguyễn Hoàng!
Quá khứ đẹp câu hò Ái Tử
Nơi tiền nhân khai mở nước non nhà
Tên Nguyễn Hoàng đã hồng trang sử
Lại nhân từ trong tâm khảm học trò quê.
Niềm vui của người về dự hội trường được trọn vẹn hơn khi có chương trình thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn vinh ơn nghĩa các thầy cô đã một đời hy sinh, tận tụy dạy dỗ các thế hệ trẻ "ngày nay học tập, ngày mai giúp đời". Những ánh mắt học trò ngời lên niềm ngưỡng mộ kính yêu cùng hướng lên thầy cô đang nhân hậu môi cười. Những đài hoa thắm sắc, tỏa hương dâng tặng thấy cô trong xanh nguồn ân đạo. Phần tặng quà lưu niệm đến một số cựu học sinh Nguyễn Hoàng có hoàn cảnh khó khăn hiện nay trong cuộc sống cũng là một điểm nhấn quan trọng làm xúc động mọi người. Nguyên ơi! Tôi đã không giấu được khoảnh khắc mềm lòng của mình khi ướt mắt nhìn em với tà áo dài trắng trinh thơ đang nghẹn ngào, thổn thức trên chiếc xe lăn trong vòng tay bè bạn, anh em... Khi ấy tôi rất muốn em, Băng Tâm, em Tiên, chị Thúy, anh Ngân, anh Châu... trở lại một thời áo lam trên đồi La Vang lộng gió chiều chơi trò chơi lớn. Cỏ may chạm vào áo, chích vào tuổi thơ những cọng hồn nhiên. Nhưng không thể được rồi. Thương dĩ vãng qua rồi không trở lại. Từ một chéo sân trường, tôi chỉ biết thầm cầu nguyện cho em Nguyên và tất cả chúng ta thân tâm thường an lạc! Cầu nguyện tên trường Nguyễn Hoàng luôn là sợi chỉ điều bền bỉ và bao dung xâu kết chúng ta thành một chuỗi ngọc lành. Và chúng ta cũng phải ra sức trân trọng, bảo bọc, giữ gìn sợi-chỉ-điều-bảo-bối kia em nhỉ?
Trong không khí trang trọng của buổi gặp gỡ, điều quý báu nữa đáng lưu tâm là nội dung các phát biểu trình bày trước hội trường. Hầu hết các bài viết đã phản ánh, thông tin tương đối đầy đủ, trung thực về sự nỗ lực không ngừng trên nhiều lĩnh vực của các thế hệ cựu giáo chức, học sinh Nguyễn Hoàng đang ở bên trong và ngoài tổ quốc. Các ban liên lạc, các hội ái hữu Nguyễn Hoàng được thành lập ở nhiều nơi, các ấn phẩm văn học nghệ thuật, các đặc san về trường Nguyễn Hoàng trong nước và hải ngoại được phát hành tạo nên những mối dây thân ái, nghĩa tình bền chặt, phần nào thỏa mãn nhu cầu nhớ, thương, hoài niệm của nhiều người dành cho ngôi trường Nguyễn Hoàng có quá nhiều chiều sâu, độ dày kỷ niệm. Bên cạnh những thành đạt sự nghiệp về kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật... nhiều người thầy, cô, cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã đào tạo, nuôi dưỡng con cháu noi gương cha ông trên các mặt: học hành xuất sắc, đời sống mẫu mực, đạo đức, làm ăn giỏi, có hiệu quả cao trên các ngành kinh doanh, thương trường, khoa học kỹ thuật, xã hội nhân văn, công nghệ thông tin... đóng góp nhiều công sức cho cộng đồng, nơi mình đang học tập, làm việc, sinh sống... Một mặt tích cực khác, tinh thần, tình cảm hướng về Quảng Trị quê nhà yêu dấu của thầy và trò Nguyễn Hoàng đang ngày càng tỏa sáng. Một số công trình văn hóa giáo dục, các dự án kinh tế đang được triển khai thực hiện trên quê nhà với ước muốn làm một chút gì đó, dù bé nhỏ cho mảnh đất mà mình đã từng học tâp, từng gắn bó. Việc huy động các nguồn quỹ học bổng dành cho học sinh xuất sắc của tỉnh Quảng Trị cũng đã và đang được thầy trò Nguyễn Hoàng quan tâm thực hiện từ nhiều năm nay. Của ít tình đầy. Tuy chưa là bao trong cái khó khăn chung của xứ sở, nhưng bạn ơi đó là cả trời thương, biển nhớ! Thời gian tới, sau cuộc hội ngộ lịch sử này chúng ta hy vọng, tin tưởng các thầy cô giáo, cựu học sinh Nguyễn Hoàng bằng tâm huyết của mình sẽ có nhiều hoạt động ái hữu thiết thực hơn nhằm huy động có hiệu quả các nguồn tài lực, xây dựng thêm nhiều quỹ học bổng hiếu học cho tuổi trẻ học đường của quê nhà. Riêng trong sáng hôm nay, hình ảnh các thầy cô, học trò Nguyễn Hoàng tươi cười, chen chúc nhau thả phong thư vào thùng gây quỹ học bổng từ năm 2007 về sau đã tạo thêm cho toàn cảnh một nét sinh động, đầy hứa hẹn.
Trong buổi lễ hội trường trang trọng, ấm áp tình đồng môn, khi nhìn các em nữ sinh xuất sắc của trường Trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị lên nhận phần thưởng trong tà áo dài trắng tinh khôi, không dưng lòng tôi bồi hồi, xuyến xao một tí. Tôi thoang thoáng có cảm giác mình trẻ lại thời đi học. Dễ thương, hiền thục và học giỏi quá các thế hệ học trò con gái xứ Quảng của tôi ơi! Cơ chi trên những tà áo dài trắng nguyên sơ kia của các em gái quê nhà chừ mang cái bảng tên trường Nguyễn Hoàng thì tôi và các thầy cô, học trò Nguyễn Hoàng cũ bốn phương tám hướng hạnh phúc biết bao! (Thật ra, tôi thầm biết tại không gian, thời điểm gặp gỡ đáng giá nầy, từ trong sâu thẳm thâm tâm thầy và trò Nguyễn Hoàng cũ ai cũng muốn trên cho khôi phục lại tên trường Nguyễn Hoàng nhưng còn e ngại, chưa chính thức kiến nghị, đề xuất. Và tôi cũng thầm trực nhận rằng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đã hiểu, cảm thông trước nguyện vọng rất chính đáng, chí cốt, thiết tha ấy bấy lâu nay của chúng ta. Chúng ta cứ hy vọng và chờ đợi!). Chạnh lòng, bâng khuâng tôi nhớ câu chuyện kể của thầy Hiệu trưởng Thái Mộng Hùng mà tôi được đọc trên trang web http://www.nguyenhoang.org của Hội Ái hữu Nguyễn Hoàng Bắc California (Mỹ): Sau năm 1975, ông Nguyễn Hữu Kiểm, người Quảng Trị vào định cư tại Bà Rịa - Vũng Tàu khi đi mua nông sản ở một vùng quê Bà Rịa, tình cờ thấy trên dây phơi nhà một thiếu phụ nghèo có tà áo trắng còn mang nguyên cái bảng tên trường Nguyễn Hoàng. Ông Kiểm vô cùng xúc động trước việc người thiếu phụ đồng hương nghèo lưu lạc kia đã trân trọng nâng niu tà áo dài còn nguyên bảng tên trường của mình học thời con gái ở quê nhà. Chuyện xảy ra đã lâu, đến năm 1999, ông Kiểm đã viết thư kể chuyện với thầy Thái Mộng Hùng và kèm một bài thơ về tà áo dài trắng Nguyễn Hoàng mời thầy cảm tác:
ÁO TRẮNG NGUYỄN HOÀNG
Bài xướng:
Tuổi dại thuở nào áo trắng bay
Ai về lướt thướt dưới heo may
Phố xưa Quảng Trị đâu rồi nhỉ?
Bạn cũ Nguyễn Hoàng hỡi có hay!
Sách vở đã xa từ dạo ấy
Ruộng vườn theo mãi đến hôm nay
Mái đầu điểm trắng bàn tay trắng
Áo trắng xưa còn cất mãi đây.
LINH ĐÀM NGUYỄN HỮU KIỂM
Bài cảm tác:
Rong ruổi miền quê một sớm mai
Phất phơ áo trắng giữa vườn ai
Đôi tà trinh bạch màu như mới
Hai chữ Nguyễn Hoàng nét chửa phai
Trường cũ đã xa từ dạo ấy
Áo dài còn giữ đến hôm nay
Xốn xang hồi ức thời thơ mộng
Thơ thẩn đường về mắt thoáng cay.
THÁI MỘNG HÙNG
Kết thúc buổi hội trường là bữa cơm thân mật. Chắc chắn không có ai trong chúng ta ngờ được rằng mình sẽ có được một lần ngồi bên nhau ăn cơm uống nước ngay trên mảnh đất trường Nguyễn Hoàng tọa lạc ngày xưa. Hôm nay đây, đúng là bữa cơm hy hữu, độc đáo. Mà chỉ thầy, cô, học trò Nguyễn Hoàng mình mới có chuyện hy hữu ni thôi. Đúng là ba mươi lăm năm mới có cuộc vui này. Xin kính mời thầy cô! Nào! Xin mời các bạn! Nâng ly! Nâng ly! Nâng ly mừng hội ngộ. Nâng ly thương tưởng các thầy cô, anh chị em bạn bè ta hôm nay không có mặt. Nâng ly trân trọng đón mời dĩ vãng quý yêu từ mái trường xưa về thắp lửa trên lòng ta từng kỷ niệm buồn vui, sướng khổ học trò. Nâng ly! Nâng ly với nguồn hy vọng tràn trề cùng niềm tin yêu dành cho các thế hệ học trò đàn em thân yêu từ hiện tại này đến tương lai luôn học hành xuất sắc, tài năng, thành đạt và đức hạnh, mai lớn khôn chung tay xây dựng Quảng Trị quê nhà phồn vinh, giàu đẹp. Nâng ly! Nâng ly! Và đừng nói lời tạm biệt. Đừng nói lời tạm biệt. Nguyễn Hoàng ơi! Nguyễn Hoàng ơi! Hẹn nhé một ngày về!
Bạn đi rồi đâu phải đã chia tay!
V.Q Huế, 1-8-2007.
(Trích từ XÔI CHUÔNG tản văn, NXB Văn Học 2013)
Nhóm cựu nữ sinh Nguyễn Hoàng trong bút ký “Cổng trường chải mái tóc xưa”của Võ Quê: "Cổng trường chải mái tóc xưa. Mi tau cùng ngẩn cùng ngơ Nguyễn Hoàng!"