Đi Và Viết: RỂ SÀI GÒN – Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4959
Sáng 30.6.2014 khi đã ổn định chỗ ngồi trên chuyến bay AF 0253 của hãng Air France từ Sài Gòn sang Vienna, Áo tôi tình cờ thấy người khách ngồi bên cạnh mình – là một người đàn ông Tây - đang chăm chú đọc tờ báo Thanh Niên, tôi ngạc nhiên thầm: Hay hè!
Không nén nổi sự tò mò trước hình ảnh người nước ngoài mắt xanh đang xem báo Việt, tôi mạnh dạn hỏi: Xin lỗi ông! Ông đọc được chữ Việt chắc là nói tiếng Việt cũng được? Người đàn ông Tây nhìn tôi cười thân thiện, cởi mở nói tiếng Việt theo giọng Sài Gòn: Tôi ở Việt Nam lâu rồi, tôi là Philip, gọi Philip cho dễ vì tên theo tiếng Hà Lan khó phát âm. Hôm nay tôi sang Amsterdam, Hà Lan thăm ông anh đang bị bệnh, chừng một tháng tôi sẽ về lại Sài Gòn. Vợ tôi người Sài Gòn đang chăm sóc con gái chúng tôi vừa hai mươi tháng tuổi.
Khi nghe Philip thông tin nhanh về mình như thế tôi chợt nghĩ: Năm 2013, ở Huế mình đã có bài viết “Rể Huế” kể chuyện John Mould, một nghệ sĩ nhiếp ảnh người Úc lấy vợ Huế với tấm lòng yêu Việt Nam rất đổi đậm đà, nay gặp chàng Philip này biết đâu lại cho mình một bài viết mới: “Rể Sài Gòn”. Và từ ý tưởng này tôi dần đi sâu vào câu chuyện kể của Philip, Philip đã không giấu mối thiện cảm của mình giành cho đất nước Việt Nam.
Philip sinh năm 1967 tại Asterdam, Hà Lan, năm 1991 Philip sang học tại đại học Cần Thơ theo chương trình hợp tác giữa đại học Cần Thơ, Việt Nam và một đại học ở Amsterdam. Philip cho biết giai đoạn này Việt Nam đang cần Hà Lan hỗ trợ về các hoạt động nông nghiệp, thủy lợi. Đây là cơ hội thuận lợi cho Philip. Được sang một nước châu Á để học tập và làm việc là mơ ước lớn nhất của PhiLip và Philip đã tốt nghiệp với bằng kỷ sư nông nghiệp của đại học Cần Thơ. Philip rất tri ân các thầy cô giáo Việt Nam đã chuyên tâm dạy giảng dạy, giúp đỡ Philip trong qua trình học tập sinh sống tại Cần Thơ, nhất là giáo sư Võ Tòng Xuân, người đã truyền tải cho Philip nguồn hưng phấn trong học tập, trong tình yêu con người, ruộng đồng, vườn tược với cây trái đồng bằng nam bộ.
Nhờ làm kỷ sư nông nghiệp mà Philip có nhiều chuyến đi dài, thâm nhập sâu vào quê hương Việt. Sau những lần làm việc cật lực với các tỉnh miền Tây, Philip tiếp tục ra miền Trung Việt Nam để công tác ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trên lĩnh vực thủy lợi… Khi nhắc tới Thừa Thiên Huế Philip nói lúc tới công tác tại đây Philip đã nhờ ông Phước, giám đốc Sở Thủy lợi tạo điều kiện tốt để Philip nắm bắt, tìm hiểu thêm về văn hóa Huế. Philip nhấn mạnh chính nhờ những chuyến đi này mà Philip hiểu sâu hơn về con người, cuộc sống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp trên từng nơi chốn. Đây là vốn liếng quý báu từ thực tiễn cuộc sống giúp Philip sau này khi không còn làm việc theo chức năng của một kỷ sư nông nghiệp.
Tôi hỏi Philip, không làm nông nghiệp, thủy lợi thì hiện nay anh làm gì? Philip cười hiền, phấn khởi tâm sự là do quá yêu Việt Nam nên khi không còn các công việc chuyên môn để làm, Philip rất muốn tìm một công việc khác phù hợp hơn để ở lại Việt Nam. Ý nghĩ thực hiện “tour du lịch xe đạp cho người Hà Lan trên đất Việt Nam” đã được hình thành. Philip cho rằng người Hà Lan vốn thích đi xe đạp, nếu đưa những người Hà Lan có điều kiện vui chơi, du lịch sang đạp xe ở Việt Nam ngắm phong cảnh non nước Việt, ngủ lại trong vườn trái cây nam bộ, cùng sinh hoạt ăn, ở với người Kơtu tại Nam Đông, người Tà Ôi ở A Lưới hay người Vân Kiều ở Quảng Trị… là những nới Philip đã từng trải nghiệm trước đây thì thật thú vị, mới lạ với du khách Hà Lan.
Nghĩ là làm. Với sự giúp đỡ tận tình của bạn bè, người thân, Philip hình thành tour du lịch xe đạp ở Việt Nam từ năm 1998, văn phòng đặt tại Hà Lan và đã thành công mỹ mãn. Hiện nay tour của Philip đang tiến hành thuận lợi với nhiều chuyến trong năm. Lượng du khách Hà Lan qua kênh của Philip có chiều hướng tăng dần cùng năm tháng. Nguồn thu nhập ổn định đã giúp Philip yên tâm được ở lâu dài tại Việt Nam. Hạnh phúc bất ngờ và lớn nhất là cách nay 3 năm, trong cuộc rong chơi tình cờ Philip đã làm quen và sau đó làm đám cưới với một cô gái Sài Gòn có cái tên rất hiền thục, dễ thương: Thùy Nhiên. Philip không ngờ tình yêu châu Á, tình yêu Việt Nam đã mang lại cho mình một kết quả tuyệt vời. Philip chân thành thổ lộ hiện nay bên cạnh việc lo tổ chức tour, tuyến chu đáo cho du khách Hà Lan đến dong ruổi xe đạp trên những nẻo đường non nước Việt, Philip đang tích cực tranh thủ thời gian học thêm tiếng Việt, vừa để thuận tiện trong chuyện giao tiếp hằng ngày vừa để sau này khi con gái là Anna lớn lên Philip có đủ từ Việt để trò chuyện với con gái. Chàng rể Sài Gòn cười hóm hỉnh với tôi khi nói tiếp câu “không lẽ mình là cha mà nói tiếng Việt thua con gái!”.
V.Q
Wien, 15.7.2014
.
.
.
.