NHỮNG CHIẾC VỎ HẠT DƯA HỒNG - Võ Quê.
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5036
NHỮNG CHIẾC VỎ HẠT DƯA HỒNG truyện ngắn Võ Quê, NXB Thuận Hóa 2016. Kỷ niệm 120 năm trường Quốc Học Huế 1986 -2016
Ta sẽ về. Ta sẽ về. Về để đốt lên những ngọn lửa hồng đang lịm tắt trong ta. Ta sẽ về để đi lang thang. Đi qua những bức tường vôi loang lổ. Tới những ngõ tối trời u uất mù sâu. Có mẹ. Có em. Có căn nhà hoang liêu như nghĩa địa. Ta sẽ về. Chuyến lảng phiêu chưa tròn nhưng réo gọi nào đã trỗi giọng mời, đã vang lên lời quyến dụ. Đã mê hoặc lòng bằng rất nhiều tiếng than. Tên gù lưng nhủ thầm với mình thật nhẹ khi bước lần xa phía bờ sông như sợ làm kinh động từng ngọn cỏ lao xao đùa gió. Gió nhẹ. Gió êm. Gió thanh. Gió bình an. Công viên chiều nay nắng cũng hanh vàng thoáng đọng trên cành cây mấy giọt lung linh. Gã mỉm cười. Có một chút buồn vương rớt trên môi. Mình lại chờ nhau ơi phương trời ngoài nớ! Chỉ còn mươi hôm nữa thôi thì mùa đông sẽ hết, sẽ tàn. Gã ngồi xuống bên gốc dừa con muộn phiền. Không bao giờ ta vui trọn niềm vui. Ta nghe trong ta cơn xuyến xao và tình xa xứ. Mấy mùa đông rồi không được về hong lửa ấm. Mấy mùa xuân rồi không trở lại nép vào ngực già nua của mẹ khóc thật thơ ngây cho thỏa những ngày con bỏ mẹ đi hoài với kiếp người tàn phế. Mẹ vẫn vời vợi trông. Con vẫn mong ngóng quay về. Em thì ngút ngàn ngăn cách. Cuộc sống còn lắm oan khiên. Cõi đời nhiều bất trắc. Mãi hoài cứ phân ly cho đau đớn tình người.
Trước mặt, bên kia sông bức cổ thành đứng im lìm. Có phải đang giận hờn nhìn xuống dòng sông hay nũng nịu làm duyên với người tình cố cựu? Mấy trăm năm rồi vẫn vậy. Nét đẹp xưa mờ phai nhưng hồn cố đế khó phai quên. Như lòng gã không thể không nhớ về phương nớ. Ngôi nhà tịnh yên. Tiếng hát dịu trầm của mẹ. Vóc dáng em bé bỏng trước hiên nhà mỗi buổi chiều mưa. Lâu rồi xa cách quá. Ngắt một cọng lá dừa xanh, gã vô tình đan thành con châu chấu. Khi nhìn lại gã không khỏi giật mình: Ấu thơ ta. Phải rồi, tuổi thơ và những cọng dừa mọng biếc. Con châu chấu không có chân nằm nghiêng trên cỏ. Hai chiếc râu vểnh lên trời ngạo nghễ. Gã bật miệng cười. Tay với lên cao tìm cọng dừa xanh nữa. Hình ảnh bé bỏng dại khờ mười mấy năm về trước chập chờn xen trong màu lá, đong đưa theo ngón tay đan. Làm sao ta quên được thảm cỏ bên đình làng, con kênh ngầu đục. Ở đó mọi niềm vui được bắt đầu. Ở đó chỉ có tiếng hát lênh đênh bình yên mà thắm thiết. Ta còn nhớ mãi lời ru ngọt lịm của bé Hương. Bao giờ ca lý hóa long, đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa... Ta còn nhớ hoài một sáng mờ sương. Cô con gái láng giềng tên Thục chạy sang vườn sau hớn hở: Tao cho mày con châu chấu nè! Bàn tay búp măng trắng nuột đưa lên. Ta trố mắt nhìn. Đẹp quá! Mày dạy cho tao làm nghe Thục! Thục gật đầu. Từ đó những tàu dừa vườn sau nhà cứ xác xơ dần và chiến tranh cũng theo về. Lửa dậy, đất đau.
Có tiếng máy bay trực thăng vang động trên đầu. Bóng con bé Thục mờ đi rồi mất hẳn. Gã đứng dậy kiếm tìm giáo giác. Phải gắn chân vào cho những con châu chấu nhảy tung tăng. Thấp thoáng sau lưng, gã thấy có những người áo trắng. Những cô bé thơ ngây từ trong ngôi trường cổ kính tuôn ra. Giờ chơi rồi ấy nhỉ? Dường như có tiếng chim hót trên tàng cây muối và lá cũng thì thầm. Ghế đá trên công viên bắt đầu có những mái đầu chụm vào nhau nhỏ to trò chuyện. Các cô học trò be bé xinh xinh. Ngước lên nhìn trời. Gã ngó mây bay lãng đãng. Ước chi ta là mây để dược phiêu bồng. Những con châu chấu dừa vẫn yên lặng nằm trên thảm cỏ. Gã chợt muốn mình là bé Thục chạy nhanh đến các bé thơ ngây trên ghế đá nói thật dịu dàng: Các em có thích châu chấu dừa không? Và gã đã chạy đến thật: Này, các em có thích không? Gã lúng túng đưa ra. Ô! Thiếu mất một con rồi. Em không biết! Em không biết! Giọng nói líu lo, thân mật quá. Những tiếng nói chim chóc đây mà. Em không biết! Em không biết! Thôi, hãy chờ anh làm cho em một con thật đẹp. Chịu không? Cô bé có đôi mắt to, khuôn mặt bầu bĩnh gật đầu. Gã loay hoay một lúc. Con châu chấu dừa xinh đã làm xong. Bé bằng lòng chưa bé? Gã ngồi xuống bên cạnh những vóc chim. Nắng soi vàng màu áo gã. Có hơi ấm chuyền nhau trong chiều. Gã bắt đầu gợi chuyện. Câu chuyện nổ giòn với tiếng cười khúc khích. Với giọng chim líu líu lo lo. Hạnh phúc đến tình cờ với gã như cơn mưa mùa hạ. Các em làm tôi nhớ tuổi thơ tôi. Nhớ tới lũ em tôi giờ này đang nheo nhóc ở quê nhà đợi mùa xuân qua lặng lẽ. Chỉ còn vài hôm Tết lại đến rồi. Gã nghe tim mình nhói lên một tí. Mỉm cười, gã hỏi em bé mắt to:
- Các em không cho anh biết tên các em sao?
Em bé mắt to bẽn lẽn cúi đầu. Một em khác nhanh nhẩu trả lời:
- Em tên Ngọc, trò nớ tên Thu, trò ni tên Nhi, trò tê tên Hương. Quay về em bé mắt to, Ngọc tiếp, còn trò ấy tên Oanh. Cẩm Oanh!
- Chà! Tên các em hay quá! Coi chừng châu chấu bay nghe Oanh!
Cả lũ cười vang tinh nghịch. Nhi hỏi tên gù:
- Còn tên anh là chi mà Nhi không nghe anh nói?
- Anh không có tên, người ta gọi anh là thằng gù.
Giọng cười giòn giã, thích chí của bọn trẻ làm gã sướng sung. Các em hãy cười thật nhiều cho anh. Cho tuổi thơ em. Cho ý sống sung mãn trong tim các em thuần khiết. Anh bị mất tuổi thơ nửa vời. Chiến cuộc. Tật nguyền đã cướp đi của anh những tin yêu diệu kỳ mà lẽ ra anh được hưởng. Anh sống lây lất, đọa đày qua nhiều miền, nhiều xứ. Phận bèo là phải nổi trôi, nhưng anh còn khổ hơn cả phận bèo vì anh có cảm xúc, còn biết yêu thương… Chiều nay các em đã giúp anh sống với quá khứ lụa vàng, quên đi nỗi tủi hờn của một tên gù lưng khốn khó. Anh thương các em. Oanh, Cẩm Oanh. Thu. Nhi. Hương. Ngọc... các em có nghe anh nói không? Bây giờ thì các em hãy mỉm cười.
Bé Oanh nhìn gã ái ngại. Bé mở cặp da lấy ra một gói nhỏ. Oanh nói giọng hiền: "Mời anh ăn kẹo mè xửng và hạt dưa với mấy em cho vui. Chúng em vừa mới tất niên xong ở trong lớp". Gã cảm động. Gã thầm cám ơn các em. Những chiếc vỏ hạt dưa hồng rơi trên cỏ xanh. Nắng rớt vàng trên từng ngọn cỏ.
- Này các em! Các em có thích nghe anh kể chuyện?
- Hay quá! Kể đi anh!
- Kể cho hay anh hí!
- Không hay mô! Anh muốn các em nhìn xuống những chiếc vỏ hạt dưa hồng để các em có thể hình dung về câu chuyện anh sẽ kể. Anh bắt đầu bằng hai tiếng ngày xưa hí!
Giọng gã thực ấm, thực trầm. Bóng gã và mấy em bé mờ dần và người ta thấy khói trắng bay lên trên những ngọn đồi xanh. Chim hót điệu mừng. Một bé gái tóc thắt hai con bím nhỏ chạy nhảy bên những khóm hoa hồng mới nở. Bấy giờ là mùa xuân. Bé cất cao giọng hát. Giọng hát bé rất hay. Bé cười rất dịu hiền, trong sáng. Bên kia ngọn đồi là một ngôi chùa u tịch nay đã có nhiều người về lễ Phật đầu năm. Tiếng nói cười bay tới. Tiếng guốc gõ xuống mặt đường lóc cóc vui ta. Có cả lời chuông ngân nữa. Hương trầm thơm vương vương cho bé ngất ngây hồn. Chẳng mấy chốc bé gái tóc bím đã lên tới gần ngôi chùa. Bé thở phào nhẹ nhỏm. Một lúc sau có một cậu bé trai cầm tay một bà mẹ trẻ cũng bước đi trên con đường mà bé gái lên chùa. Môi cậu hồng như môi bé gái. Mũi cậu thanh và mắt cậu ươn ướt, buồn buồn. Cậu từ phương tây tới. Mẹ cậu muốn cậu phải làm một chuyến hành hương về phương đông. Muốn cho cậu nhìn mùa xuân cỏ cây của miền đất vốn bí hiểm và huyền hoặc. Cậu bé ngờ nghệch nhìn lên nóc chùa. Giọng chuông rền ngân. Lòng cậu bé một phen bồi hồi. Cậu bé quay đầu nhìn lại phương tây. Ngôi giáo-đường-ký-ức nhô cao trong đầu cậu bé. Phương đông không làm cậu bé quên được sự tìm về quê nhà của cậu. Khi đến chùa cậu rời tay mẹ chạy theo những lối hoa hồng, hoa cúc, hoa địa lan. Trong thoáng chốc, cậu thích chí, cậu vui mừng. Tuổi thơ vốn đã hồn nhiên như thế. Và tuổi thơ cũng dễ làm quen, dễ cảm thông và tìm về nhau như câu chuyện cậu bé phương tây và cô bé phương đông cầm tay nhau chạy xuống chân đồi. Hai chiếc bóng ngã dài. Một cao, một thấp. Những viên sỏi xám lạo xạo dưới chân. Cô bé gái níu cậu bé dừng lại dưới gốc thông già. Chúng cùng ngồi xuống trên một tảng đá cao. Cô bé gái dịu dàng lên tiếng:
- Ngồi đây thích nhỉ! Mày có thấy ngôi làng dưới chân đồi này không? Đẹp đấy chứ?
Cậu bé giương mắt nhìn theo cánh tay trần của cô bé. Nhiều cây cau vươn mình thẳng mượt. Dường như có cả khói mờ vảng vất bay bay.
- Ừ đẹp. Tao không ngờ quê hương mày có nhiều vẻ đẹp như vậy. Ở bên tao cũng đẹp nhưng không đẹp dịu dàng như ở đây. À! Năm nay mày bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Má tao bảo tao tuổi con rồng. Con rồng là mấy hả mày?
- Tao cũng không biết nữa. Còn tao, ba tao bảo tao tám tuổi rồi.
- Này! Mày có biết hát không? Hát cái bài kìa con chim xanh ấy.
- Tao không biết bài hát đó. Mày hát cho tao nghe đi! Giọng hát mày chắc là hay lắm?
Không ngại ngần, cô bé phương đông lên tiếng hát. Lời ca cao vút. Giọng hát tuyệt vời. Đôi mắt bé lửng lơ hay trầm tư theo điệu nhạc. Tiếng hát chạm vào hư không, vương trên lá cỏ, đậu giữa đóa hồng, hôn lên tóc bé, nũng nịu với chim muông. Gió cũng mang tiếng hát đi xa nữa. Sà xuống. Sà thấp xuống hòa lẫn trong màu xanh trong của suối. Nhập vào tiếng róc rách, thì thầm của suối. Con chim sâu nhí nhảnh chuyền cành nghe giọng hát cô bé thơ ngây cũng ngừng nhịp nhảy hót lên vài tiếng thanh thanh.
Cậu bé ngẩn ngơ theo âm thanh mềm ấm đó. Cậu hình dung được những con đường mùa xuân ươm đầy xác lá khô. Hai bên là hoa dại. Là hương nồng. Là tuổi thơ ngọc ngà êm mát. Đời sống từ đấy bình thản, hân hoan hơn bao giờ hết. Nụ cười vẫn hồng và nước mắt sướng sung còn tràn đầy trong cõi lòng hoa bướm vô tư. Khi cô bé ngừng tiếng hát thì cậu bé đã chìm vào giấc ngủ tự lúc nào. Lưng cậu tựa vào cánh tay cô bé. Nhịp tim đều đặn lên xuống trong lồng ngực trinh tuyền. Cô bé tóc bím lại hát. Nắng lan sa kéo những vệt mơ huyền. Ngọn đồi lóng lánh vàng xinh. Chúng mình đang gặp nhau. Đang đến với nhau bằng con đường đẹp nhất. Chim. Lá. Cỏ. Hoa. Tiếng hát và tuổi thơ. Chúng mình đang gặp nhau mà sao hình như đã thương nhau. Đã hiểu nhau rất chân thành. Có phải vì tâm hồn chúng mình còn thánh thiện, tinh anh và yêu thương trong chúng mình còn mớm đầy ý ngọc. Cho nên mới gặp đã mừng. Mới nhìn đã thấy vui. Mới gần nhau đã sợ rồi sẽ chia xa và phai quên như màu áo. Mà chia xa thực mất rồi. Mẹ cậu bé đang cất cao lời gọi. Đang kéo dài âm hưởng. Con! Con hãy về với mẹ! Hãy về lại phương tây. Chuyến hành hương đã không thể tiếp tục vì ngày mai mẹ còn phải đưa ba con lên đường rất sớm. Mẹ gọi thì cứ gọi. Giấc ngủ của cậu vẫn bình yên. Cô bé lay vai người bạn nhỏ:
- Dậy đi thôi! Mẹ mày đang gọi mày về. Dậy. Dậy đi mày!
Đôi mắt ươn ướt buồn của cậu bé rưng rưng. Gần nhau chừng ấy thôi à. Ngày vui qua mau quá. Khi nào hai đứa mình gặp nhau đây? Cậu bé đứng lên cầm tay cô bé:
- Tao phải về với mẹ. Chắc lâu lắm tao mới gặp lại mày. Mày đừng buồn nhá. Tao sẽ nhớ tới mày luôn. Nhất là tiếng hát của mày.
- Ừ. Tao sẽ không buồn đâu. Hoặc nếu buồn tao cũng chỉ buồn in ít thôi. Má tao dặn đừng buồn Con gái buồn thì dễ khóc lắm. Nước mắt cứ chảy hoài không hết à. Nhưng mày không quên tao đấy chứ?
- Không. Tao sẽ không quên mày đâu. Hay là ba năm sau tao sẽ đến với mày vào mùa xuân như ngày hôm nay. Ba năm nữa tao sẽ mười một tuổi và chắc mày lớn lắm. Tao sẽ trốn đi một mình để được ở đây với mày lâu hơn. Mắt cô bé sáng lên tia mừng rỡ. Ba năm nữa cũng khá dài nhưng như thế còn hơn là vĩnh viễn không được gặp nhau để kể cho nhau nghe mùa xuân này chóng qua, chóng hết. Cô bé dặn dò:
- Thật nhé! Tao sẽ chờ mày ở đây. Có lẽ tao rất nóng lòng.
Cậu bé buồn. Cậu bé phân vân. Ba năm có làm mình quên lối cũ? Trí nhớ sẽ không giữ được lâu những lối về. Không gian thì vẫn có nhiều thay đổi theo thời gian. Ba năm biết mình có tìm được ngọn đồi xanh, ngôi chùa tĩnh mặc này không?
- Tao sợ tao quên mất đường mày ạ. Ba năm sẽ rất dài. Tao ngại tao tìm không ra lối.
Cô bé nhìn xuống chân mình. Những ngón chân nhỏ xinh xắn với những chiếc móng hồng tự nhiên. Lòng bé u hoài. Mắt bé chừng muốn khóc. Bé thấy nhiều chiếc vỏ hạt dưa nằm rải rác quanh chỗ bé ngồi. Tim bé chợt rộn lên. Bé nghĩ ra rồi.
- Này nhé! Tao sẽ để dành rất nhiều vỏ hạt dưa và đến ngày hôm đó tao sẽ đi rải trên con đường dẫn đến nơi này. Mày chỉ việc theo dấu vỏ hạt dưa là tìm thấy. Chịu không?
Cậu bé reo lên:
- Thích quá! Mày tuyệt quá trời. Má tao bảo con gái thường khôn hơn con trai thế mà đúng nhỉ. Thôi tao về. Mày đừng buồn nghe cưng!
Cậu quay đi mà không quên nhìn cô bạn thêm lần cuối. Từng bước. Từng bước rã rời. Giọng mẹ cậu réo gọi. Thúc giục. Hãy về với mẹ. Hãy về với mẹ. Tiếng kêu vang trên đồi cao. Cô bé mơ màng nhìn theo bạn. Cô thấy cay xè nơi mắt. Ô hay cô bé khóc rồi. Nhớ thương nào... nhè nhẹ, thơ ngây. Lá rụng. Lá bay. Chiều rơi.
.
Từng mùa xuân qua. Cô bé phương đông đã chịu khó gom, chịu khó để dành thật nhiều vỏ hạt dưa hồng trong chiếc túi lụa điều. Chiếc túi lụa điều mà bé đã thức may trong những đêm mùa đông ngồi cạnh mẹ nghe lửa hồng tí tách trong bếp nhỏ, nghe lời mẹ ru ngọt ngào những tình tự quê hương cất lên một tiếng la đà cho chim nhớ tổ cho ta nhớ mình. Ta nhớ mình thật đó. Mày biết không cậu bé phương tây? Tao thấy chiếc túi lụa điều vẫn còn nhỏ quá. Sợ không đủ chứa tất cả những vỏ hạt dưa. Có phải con gái thì hay lo sợ vu vơ không? Nhiều đêm tao mơ thấy mày trở về. Mày cười xinh như con gái. Mày hát bài kìa con chim xanh của tao nghe ngọng nghịu buồn cười. Tao gọi mày. Mày bỏ đi và tao khóc trong giấc ngủ. Nước mắt thấm gối và má tao lại dỗ dành ngỡ tao làm nũng với má. Má đâu có biết là tao làm nũng với mày trong chiêm bao.
Bên kia trời tây. Cậu bé kia cũng sống những ngày dài trông ngóng. Mỗi chiều khi giáo đường rung chuông. Những hạt chuông buồn tênh. Buồn tênh lạ. Vóc dáng cô bé tóc bím chập chờn, mơ hồ trên trí nhớ. Một mùa xuân đi qua là một lần bé giật mình. Bé lo sợ mình quên lối cũ. Bé sợ thời gian đi chậm lại tủi phiền. Bé cũng có những giấc mơ tiên, cũng có âu lo và xuyến xao tuổi dại. Bé nhớ nhiều phương nớ. Xa xăm... Chẳng rõ người ta có còn nhớ bé từng mùa xuân qua với nhiều nôn nóng được lên đường?
Nhưng dù có đợi chờ mơ ước nao lòng gì đi nữa thì mùa xuân thứ ba cũng về mang theo ý lạ. Lộc non. Cỏ xanh. Chim. Lá. Hoa và tiếng hát. Hương nồng. Khuya nay, khi pháo giao thừa nổ những tràng vui. Trầm bay hương ngát. Nhà nhà mở cửa mời mọc gió xuân thì cô bé phương đông cũng rón rén bước ra khỏi căn nhà tranh yêu dấu để bắt đầu dẫn lối cho người bạn nhỏ bên xa kia mịt mờ trở lại. Chim hót trong lòng bé. Hoa nở. Lá rung rinh. Nụ cười rạng rỡ trên môi đào. Cô bé vừa rải vỏ hạt dưa vừa hát. Những chú cỏ may vươn cao chiếc cổ bám vào tà áo lụa mới thơm của bé những cọng hồn nhiên, tinh nghịch làm nhói nhẹ da chân cô bé. Mấy hạt sương nõn nà nhẹ hôn trên tóc thơm của bé. Tao sắp gặp mày rồi. Thích nhỉ! Tiếng hát của bé mang niềm tin yêu về theo mùa xuân. Rừng cây trên những ngọn đồi xôn xao gọi mời nhau. Xin mở lòng chào đón cô bé phương đông cùng tiếng hát ban mai.
Mặt trời hồng dưới chân đồi. Bé ngồi chờ đợi.
Hoa mai rừng rơi vàng mái tóc non.
Khuya nay, cậu bé phương tây cũng thầm lén tung chăn chạy ra khỏi nhà để lên đường sớm. Tiếng bước chân gõ mạnh và tiếng chuông rộn rã bên kia tháp giáo đường. Mùa xuân. Mùa xuân. Chuông gieo lời thiên ân cho cõi thế. Chuông báo tin mừng cho cây cỏ thiên nhiên. Cho những đám mây trắng mờ trên tít cao, lơ lửng. Thiên hạ cũng bắt đầu lao xao tiếng guốc, nhịp giày. Quần áo sặc sỡ muôn màu của trẻ thơ cũng chan đầy nắng sớm. Cậu bé háo hức bước thật nhanh. Tao phải đến sớm để mày ngạc nhiên chơi. Tao sẽ bước nhẹ đến sau lưng mày và "hù" lên một tiếng cho mày hết hồn... Mày không giận tao khi tao làm mày thất kinh như thế chứ? Cậu bé bắt đầu nhìn xuống mặt đường khi đến gần ranh giới miền đông. Dưới ánh nắng, từng chiếc vỏ hạt dưa hồng ánh lên rực rỡ. Cậu bé lắng nghe lá gió rì rào nhưng mắt vẫn không rời vỏ hạt dưa. Cậu nghe lòng bâng khuâng, rộn ràng. Chắc mày đợi tao lâu lắm? Cậu bé cứ theo dấu vỏ hạt dưa đi mãi. Thỉnh thoảng nhìn hai bên đường để tìm một chút ít quen thuộc của ba năm về trước. Nhưng bé hoàn toàn mù tịt không biết là đâu. Thiên hạ vẫn dập dìu trên các con đường vào thành phố, trên mấy lối về thôn trang. Mặt trời lên khá cao. Cậu bé cứ tìm theo những chiếc vỏ hạt dưa hồng. Ngôi chùa và ngọn đồi xưa kia sao vẫn chưa tìm thấy? Mà sao lạ chưa kìa! Vỏ hạt dưa đâu mà nhiều lắm thế? Bé bắt đầu lo lắng. Mồ hôi nhỏ trên trán bé. Bé hoài nghi. Sao trên con đường nào cũng đầy vỏ hạt dưa? Bé cứ lần dò quanh quẩn mãi theo dấu chúng. Có khi cậu bé lùi trở lại con đường mình đã đi qua. Có khi những vỏ hạt dưa hồng lại dẫn cậu bé sang một con đường khác dài hơn, xa hơn. Hay là mày chọc quê tao? Mày giỡn tao phải không cô bé tóc bím khôn ngoan. Mặt trời lên cao mà cậu bé vẫn quanh quất mãi với những vỏ hạt dưa hồng trên mặt đất. Sao mày rải trên nhiều con đường thế? Bé cố gắng cho khỏi lạc, nhưng rồi bé cứ lạc hoài. Vỏ hạt dưa hồng. Cố lên! Gắng lên! Hình như có tiếng cô bé tóc bím thôi thúc giữa thinh không. Mỏi chân, cậu bé ngồi một mình bên vệ đường tưng tức. Mày dễ ghét quá. Mày cũng không thèm đến đón tao. Niềm kiêu hãnh bắt tao không hỏi đường người khác. Tao phải tìm cho bằng được mày mới thôi. Bé quyết tâm nhưng rồi lại buồn. Ái ngại.
Hình ảnh cô bé tóc bím lại mơ hồ. Cậu bé phấn khởi trở lại tiếp tục cuộc kiếm tìm. Quanh co mãi, những chiếc vỏ hạt dưa hồng như đánh lừa cậu bé. Mất nhau rồi? Lạc nhau rồi phải không? Đã xế trưa rồi lại xế chiều, cậu bé mệt lả nằm dài xuống cỏ. Cỏ hôn lên người bé. Bé chực khóc… Giá bây giờ có tóc bím ở đây chắc bé sẽ khóc òa thật to không ngại ngần. Nhưng không kịp nữa rồi. Hai đứa mình đành phải lạc nhau thôi. Những chiếc vỏ hạt dưa hồng đã trở nên tinh nghịch và quái ác một cách ngu đần.
Trong khi ấy, trên ngôi chùa tịnh nghiêm và ngọn đồi trẻ thơ kia cô bé tóc bím buồn đến khóc. Nước mắt bé chảy dài. Tao mong mày không dối lừa tao. Vì tao thì vẫn chờ mày nơi này. Bé nhìn xuống lối đi, những chiếc vỏ hạt dưa hồng nằm ngoan mình trong nắng xế. Khóc chán, cô bé tóc bím nằm xuống gốc thông già và thiếp đi. Cô bé thấy cậu bạn nhỏ tiến đến bên mình, ngồi xuống. Bé mừng kêu lên. Nhưng không, đó chỉ là giấc mơ thôi mà. Tội bé quá!
Mà cũng tội cho cậu bé tí hon kia. Cậu đứng lên thẩn thờ trở bước. Bước chân nặng nề dẫm lên những hòn cuội, những chiếc vỏ hạt dưa hồng. Ta lạc em thật rồi. Xa nhau từ đây thôi ơi cô bé phương đông huyền nhiệm. Cậu bé ngã quỵ xuống đất. Lạc nhau rồi em ơi!
*
Cho tới ngày khôn lớn, khi cô bé trở thành thiếu nữ. Khi cậu bé đã là một thanh niên. Họ hiểu rằng thuở ấy mình đã quá ngây thơ khi đi rải những chiếc vỏ hạt dưa hồng và lần tìm theo dấu chúng. Cả hai đã không hề biết và nghĩ rằng khi mùa xuân về, tết đến thì ai cũng đều cắn hạt dưa và thả những vỏ hạt dưa trên những con đường nào mà người du xuân có mặt. Và dù thế nào thì chúng mình cũng đã lạc mất nhau. Những chiếc vỏ hạt dưa hồng hãy coi như những mảnh kỷ niệm mỏng manh rơi vỡ nhưng cũng đủ làm tê đau một kiếp người. Chốc nữa đây, tên gù lưng này cũng lạc mất các em. Những cánh chim bay tít mù về phương trời ấm. Kẻ tật nguyền ôm mùa đông vào lòng ho xót xa từng cơn.
Giọng người kể chuyện tắt dần và hình ảnh câu chuyện cũng tan nhanh. Người ta lại thấy tên gù lưng và năm em bé gái chụm đầu nhau trên ghế đá công viên. Nắng đang nhạt dần. Dòng sông Hương trước mặt buồn buồn như lòng thiếu phụ. Im lặng. Chỉ có lá muối rụng. Cỏ đong đưa sợi mướt, sợi mềm. Có tiếng chuông reo bên trong ngôi trường cổ. Năm đứa bé vội vàng đứng lên ríu rít. Tụi em vô học giờ chót rồi về nghe anh! Lần sau anh nhớ kể chuyện thật hay như bữa ni nghe!
Ta âm thầm ngồi lại với ta. Cuối cùng ta vẫn một mình trong cõi sống. Ta lại côi cút bên sông. Bên những nhịp cầu nghiêng bóng đổ. Con nước mang quá khứ xa nguồn về biển khơi. Ta mang dĩ vãng thiên đàng của ta đi về đâu trên bước đường phiêu bạt? Mẹ. Các em. Căn nhà tịch liêu. Kiếp tật nguyền không cho phép ta quay đầu trở lại.
Thu. Nhi. Hương. Oanh. Ngọc! Chiều nay các người hãy cho ta nép vào bóng mát các người trong chốc lát. Ta nhủ ta sẽ trở về nhưng làm sao về lại được? Hãy tha thứ và bao dung! Xin các người!
Chiếc lưng gù rung lên quặn xót. Cúi xuống. Cúi xuống gương mặt quê hương bi thảm cháy sém và những chiếc vỏ hạt dưa hồng chợt biến thành màu máu. Máu. Trời ơi! Máu. Bưng mặt. Gã rú lên não nùng. Khách qua đường hững hờ quay lại.
Trên lòng ta vết thương!
VQ
Huế, mùa xuân Kỷ Dậu 1969.
Viết cho muôn người.
.
(In trong đặc san Ngưỡng Cửa trường Quốc Học Huế NK 1968 – 1969; đã được in lại trong Nghiêng Nghiêng Nụ Cười tuyển tập truyện ngắn hay đienan.dongtay.vn 2012 – 2013, NXB Văn Học; Thoang Thoảng Hương Trầm tập truyện ngắn nhiều tác giả, NXB Hồng Bàng & Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây 2013).