Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

GIỌT ĐÀN BẦU SÂU LẮNG ĐẸP TRONG THƠ - Võ Quê

     Độc đáo hình thể. Kỳ diệu âm thanh. Đàn bầu hay độc huyền cầm đã đi vào văn học nghệ thuật Việt Nam. So với các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, tam thập lục, tỳ bà, nguyệt cầm, đàn đáy, đàn nhị, đàn tam… thì đàn bầu đã tạo nên nguồn cảm hứng lớn trong sự sáng tạo thi ca, âm nhạc của nhiều văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ… trên cả nước qua nhiều thế hệ và được thể hiện trong nhiều môi trường sinh hoạt; trong tứ thời xuân hạ thu đông, trong thời bình, thời chiến có sức lay động, rung cảm hồn người…

      Nữ sĩ Anh Thơ đã thi vị hóa âm thanh độc huyền trong bài thơ Đàn bầu thành tiếng lòng, tiếng thời gian, tiếng không gian:

Hơi gió thoảng tơ đồng bay thoảng gió
Bên đầm sen nước loãng lọc trăng hè.
Buồn xa vắng một nỗi buồn nhơ nhớ
Mây tần ngần ngừng lại sau bờ tre...

Trời dịu lặng, cỏ cây cùng đứng lặng,
Tiếng đàn lên mỗi lúc một nâng sầu.
Trên khoảng biếc mắt sao nhìn thăm thẳm
Đây tiếng lòng? Hay đấy tiếng đêm sâu?

 

     Qua thi ca, chúng ta hiểu và trân trọng câyđàn bầu đã hiện diện trên ba miền đất nước cùng với các nhạc cụ dân tộc truyền thống khác để chuyển tải tinh hoa Việt.
     Với đồng bằng Bắc bộ nghệ thuật hát chéo đã có sức lan tỏa lớn, đàn bầu đã hòa âm cùng tiếng trống chèo từng cung bậc buồn vui theo tích tuồng kim cổ.  Nhà thơ Bế Kiến Quốc tinh tế khi viết về một đêm chèo đã không quên ngâm ngợi tiếng đàn bầu:

Ngỡ quên mất tình ngang trái cũ
Chèo là chi, tiếng gọi quê nhà
Ngõ khuất mất riêng tư quá khứ
Bỗng nghẹn mình nghe chèo đêm xa…

… Gặp một thoáng Thị Mầu ghẹo tiểu
Thị Kính than oan ức góc chùa
Mẹ Đốp rao hóm từng nhịp gõ
Đàn bầu rung non nỉ đẩy đưa

     Khi nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Triều Nguyễn và nghệ thuật Ca Huế  định hình, đàn bầu đã xuất hiện một cách đỉnh đạc bên các nhạc cụ dân tộc truyền thống khác; trong đó còn lưu âm trong tâm hồn những người đồng điệu tiếng đàn bầu của Nghệ sĩ ưu tú tài danh Trần Kích, người đã được Nhà nước Pháp phong tặng danh  hiệu Hiệp sĩ Văn hóa Pháp. Hình tượng Nhạc sĩ đàn bầu mặc áo hoa /Mơ theo thanh thót giọng ngân nga  trên thuyền sông Hương là bức tranh đẹp sinh động, truyền cảm trong bài thơ Nghe Ca Huế của Đặng Xuân Linh.
     Với vùng đất Nam bộ chơn chất nghĩa tình, đậm vị phù sa, phóng khoáng gió đồng bằng, đàn bầu đã hòa nhập vào người và đất, vào tứ thời thiên nhiên cây trái ngọt lành. Bài Dạ cổ hoài lang dạt dào nhịp trống đêm trường thì lý xàng xê lại nhờ tiếng đàn bầu mà gọi tìm nhau da diết thương, mênh mang nhớ:

Có người vớt ánh trăng tan
Câu thơ lục bát chưa thành ca dao
Nửa đêm nghe tiếng đàn bầu
Xàng xê điệu lý tìm nhau chốn nào

(Điệu lý xàng xê - Lưu Vĩnh Hạ)

     Tô Kiều Ngân, nhà thơ xứ Huế khi ngợi ca giọng Huế đã không quên mượn âm thanh tiếng đàn bầu để nói lên nỗi nhớ khắc khoải tự đáy lòng mình khi nghĩ về quê hương của “mô, tê, răng, rứa…”  

Có phải trưa nay chị nhớ người thương
Nên mượn cớ ru em để ru lòng mình thương nhớ
Có phải ngàn năm thương thương, nhớ nhớ
Khiến tiếng đàn bầu thêm xé ruột, bào gan

      Cũng mang tâm trạng tha hương như Tô Kiều Ngân, tác giả Vũ Hoài Giang trong bài thơ Khát quê đã xao xuyến viết:

 

Đêm mưa ray rứt lòng sầu 
Tiếng mưa như tiếng đàn bầu tỉ tê 
Trong lòng từ độ xa quê 
Nghe mưa khát một ngày về cố hương
   

     Còn Trường Phi Bảo khi viết thi phẩm Tha hương cứ đau đáu thiết tha nhớ giọt đàn bầu:

 

Thôi đừng trách những người xa tay Mẹ
Rời Quê Hương phiêu bạc chốn trời Âu
Nhớ vành nôi từng thắm giọt đàn bầu
Thương lời ru dãi dầu cơn mưa nắng


     Vào những năm đất nước kiên cường giữ nước, chống ngoại xâm, đã có những chàng trai Hà Nội phải giã từ Thăng Long vào Nam chiến đấu. Trong đêm Hồ Gươm trước buổi lên đường, giọt đàn bầu đã hóa thân lên đôi mắt người yêu. Giọt đàn bầu đã làm cho cuộc ra đi trở nên lãng mạn trong bối cảnh “Chiến tranh vào quyết liệt/ Cầm súng anh lên đường…”:

Chao ôi! là đôi mắt
Rung ngân giọt đàn bầu
Tiếng lòng anh da diết
Ước mơ đầy hai tay

     (Về một bài thơ tình – Tô Hà)

     Từ một góc nhìn khác, qua tiếng đàn bầu của chú văn công quân giải phóng , nhà thơ Trần Đăng Khoa khi viết Tiếng đàn bầu và đêm trăng đã hình dung rất nhiều hình ảnh đẹp của quê hương Việt Nam yêu dấu đang chung lòng giữ nước: Các chú văn công quân giải phóng/ Về nhà em chơi/ Chú gảy lên khúc đàn bầu / Chú đập tay ngồi hát / Ánh trăng bỗng thành bát ngát / Tiếng chim đêm cao vời/ Tiếng những vì sao lang thang trên trời / Nhưng dây đàn bầu / Lại rung những âm thanh về con người và mặt đất / Tiếng ân tình mấy nghìn năm trước/ Tiếng ân tình hôm nay/ Chứa sẵn từ bao giờ trong dây/ Cứ ngân lên với âm điệu tuyệt vời / Đằm thắm khúc ru con Nam Bộ / Tươi mát câu dân ca Quan họ/ Mái đình uốn cong/ Nhà máy tầng tầng bên kia sông... / Người nghe bắt gặp mình trong tiếng đàn nồng ấm…/ Tiếng đàn bầu, tiếng đàn bầu/ Ngân nga trong đêm trăng / Giữa hai mùa lúa / Dây đàn tưởng không bén tay chú nữa/ Mà căng trong không gian/  Tự rung lên ngàn đời sức mạnh Việt Nam… 

    Bài thơ Đàn bầu do Lữ Giang sáng tác năm 1956 đã khái quát được bóng dáng quê hương đất nước với chiều sâu văn hóa. Âm thanh đàn bầu đã tượng hình cảnh quan thiên nhiên đất trời sông núi; đàn bầu trong thơ Lữ Giang đã phản ảnh sự thăng trầm vận nước để từ đó lạc quan, tự tin vươn lên, đổi đời từ “mưa hòa cùng nước mắt” đến “Đưa hồn ta lên cao/ đàn bầu làm suối ngọt/ tình yêu quê dâng trào/ thay cho dòng nước mắt…”.
     Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã rất tài hoa khi phổ thành công bài thơ Đàn bầu của Lữ Giang. Với giai điệu đẹp, mượt mà, sâu lắng, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã góp phần sáng tạo đưa đàn bầu lên tầng cao rung cảm tâm hồn người trong nước, hải ngoại.
     Bài thơ Đất Nước của nhà thơ Tạ Hữu Yên được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc lại là thi phẩm viết về đàn bầu từ một câu chuyện thật mà nhà thơ Tạ Hữu Yên đã bồi hồi tâm sự:
     “...  Vào khoảng năm 1980, tôi đi thực tế để viết về các đội du kích và đại đội nữ dân quân pháo cao xạ 37 ly huyện Tiền Hải, Thái Bình. Chuyến đi này tôi còn về huyện Hưng Hà thăm những bà mẹ liệt sĩ tiêu biểu. Hưng Hà là quê hư­­ơng của nhà bác học Lê Quý Đôn, có đền thờ Bát Nàn t­­ướng quân, một nữ tướng giỏi của Hai Bà Trư­­ng. Nhưng Bát Nàn tướng quân thì ra trận, còn thời nay có một bà mẹ không đi đánh giặc nhưng lại sinh đư­­ợc ba người con trai, hai người con đầu vào miền Nam chiến đấu rồi hy sinh. Biết tin, ngư­­ời con thứ ba đang học trung học phổ thông nằng nặc đòi tiếp tục lên đ­­ường để trả thù cho hai anh. Đư­­ợc mẹ đồng ý, anh nhập ngũ rồi lại vào Nam và lại hy sinh. Hai người con đầu hy sinh, mẹ khóc nhưng chỉ khóc vụng, khóc thầm, không dám khóc to. Ngày ấy khóc to, sợ ảnh hưởng đến các bà mẹ khác và tinh thần lên đường giết giặc lập công của thanh niên. Đến ng­­ười con thứ ba hy sinh thì mẹ không hề khóc, đôi mắt cứ ráo hoảnh, lõm sâu như­­ nư­­ớc mắt đã cạn khô, đã lặn vào trong như­ mẹ­ chư­­a từng khóc bao giờ…

     Câu chuyện để lại một ấn t­­ượng mạnh trong tôi. Tôi quyết tâm làm một bài thơ về mẹ. Trong thơ, cái quan trọng nhất là “tứ”, như­­ trong nhạc phải có “giai điệu ”. Tôi đã chọn giọt đàn bầu. Tiếng đàn bầu không dồn dập mà khoan nhặt như­­ giọt mư­­a thu thánh thót ngoài hiên, mới xoa dịu đ­­ược nỗi đau của mẹ. Như­­ng nếu viết thành thơ; ba lần tiễn con đi, ba lần khóc thầm lặng lẽ, thì nỗi đau lớn quá, hẳn không ai chịu nổi. Nên tôi viết chỉ có hai anh hy sinh thôi, còn một anh sẽ trở về với mẹ, trở về trong tâm linh, bằng tiếng gió xào xạc của đêm thâu.

 “Đất n­­ước tôi, thon thả giọt đàn bầu
Nghe dịu nỗi đau của mẹ
Ba lần tiễn con đi
Hai lần khóc thầm lặng lẽ
Các anh không về, mình mẹ lặng im…".

     Bài thơ được tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Vĩnh Phú đăng đầu tiên. Sau đó được báo Sài Gòn Giải Phóng đăng vào cuối năm 1984 và bất ngờ nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã phổ nhạc và hình như­­ ca sĩ Cẩm Vân hát lần đầu tiên trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.  Bài hát nhanh chóng đi vào lòng ng­­ười.”

    Trong hơn ba mươi bài thơ viết về đàn bầu, nhắc đến đàn bầu mà chúng tôi sưu tầm được thì bài thơ Khúc đàn bầu của Trần Mạnh Hảo và bài thơ Đất nước đàn Bầu của nhà thơ Lưu Quang Vũ là hai bai thơ dài mang âm hưởng trường ca.

     Qua hình tượng, âm thanh đàn bầu , nhà thơ Lưu Qua Vũ đã đưa người đọc hành trình cùng đất nước từ thuở sơ khai đến thời dựng nước với bao nỗi can qua, chiến tranh khốc liệt; tới hiện tại vui buồn cùng mệnh nước: Gió mùa thu/ Tiếng đàn bầu nức nở/ Chiều chiều ra ngõ/ Sông dài cá lội biệt tăm/ Thương cha nhớ mẹ/ Mênh mông chớp bể mưa nguồn/ Cái nỗi buồn dân tộc/ Cái nỗi buồn bị đọa đày lăng nhục/ Của người quét đường, xẩm chợ, đò ngang/ Của mom sông đánh dặm, đỉnh rừng đốt than/ Đập đá sườn non, đi phu đi ở/ Mà mỗi tháng giêng, hoa gạo nở/ Vẫn sênh tiền gõ nhịp/ Giải yếm sau lưng cũng tím hoa cà/ Những người đi mở nước/ Lưỡi cuốc mòn cha gửi lại cho con/ Bốn bể Cà Mâu, mũi đất Hà Tiên/ Với Kinh Bắc, Tràng An chung ruột thịt/ Tiếng đàn bầu réo rắt…/ Tiếng đàn bầu, tiếng đàn bầu mong nhớ/ Trong gió lộng, dưới mặt trời xứ sở/ Vẫn cồn cào những cơn khát khôn nguôi/ Đất phù sa vô tận dấu chân người/ Những đoàn quân lại ra đi từ đất/ Bà đứng đó miệng trầu cay thơm ngát/ Vầng yêu thương soi sáng suốt cuộc đời/ Khắp triền sông vang tiếng trẻ con cười/ Đất nước đàn bầu/ Đất nước ban mai…
     Đọc Đất nước đàn bầu chúng ta hiểu được tấm lòng của nhà thơ Lưu Quang Vũ đã rất trân trọng, yêu quý cây đàn bầu của đất nước mình đến dường nào!
     Khúc đàn bầu
của nhà thơ Trần Mạnh Hảo như một truyện thơ bằng lục bát về cây đàn một dây của quê mẹ Việt Nam. Đàn bầu với Trần Mạnh Hảo đã thành lời ru mẹ. Lời ru mẹ kể chuyện cổ tích, thần tiên; Lờii ru mẹ kể chuyện nước non ngàn dặm; Lời ru mẹ kể chuyện chống thù trong, giặc ngoài; Lời ru mẹ có sức mạnh nối kết tình nhân loại, người và người đan tay nhân ái, hòa đồng: Đàn bầu của mẹ cha mình/ Gảy lên cho trái đất thành trái tim/ Thái dương nào ngủ im lìm/ Nghe đàn của mẹ thì tìm đến nhau…
    Vượt lên thời gian, vượt qua không gian, đàn bầu luôn réo rắc, lắng sâu, dạt dào trong mạch nguồn xứ sở. Thật đẹp, thật vĩnh hằng tầm vóc đàn bầu:

Nối tầm dây tới sao Khuê
Tiếng đàn nào cũng trở về lòng nôi
Con người thì sống có đôi
Mà đàn bầu cứ suốt đời một dây…


     Mà đàn bầu cứ suốt đời một dây!
Vâng, suốt đời một dây nhưng đã ngân lên cung đàn muôn điệu; đã được thi ca, nhạc khúc xưng tụng, xiển dương; đã và đang ngời lên sắc màu âm thanh kỳ vỹ từ bàn tay và tâm hồn những người nghệ sĩ tài hoa khắp mọi miền Tổ Quốc.

Võ Quê
Huế 15.12.2017




 

      

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.