Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHÀ THƠ LÊ VĂN NGĂN NGƯỜI ANH LỚN CỦA TÔI - Võ Quê

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, cận cảnh

     Mùa thu năm 1968, tôi được chuyển từ trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị vào Huế học lớp đệ nhất C trường Quốc Học. Từ một tỉnh lẻ vùng giới tuyến, nay được tới đất Cố đô tôi không khỏi có những băn khoăn, bỡ ngỡ, lúng túng lúc ban sơ. Tôi xem đây như một bước ngoặc đầu đời sau mười năm trở lại Huế.

     Theo tháng năm, tôi thích nghi dần với đời sống Huế, không khí văn chương nghệ thuật Huế đã cuốn hút tôi, và từ đây tôi may mắn được làm quen với nhiều văn nghệ sĩ của thành phố Huế.

     Thời gian đầu chưa có nơi tá túc, tôi được các anh trong nhóm Việt: Trần Duy Phiên, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Ngô Văn Ban… cho ở chung phòng tại tầng 2 thư viện Đại học Huế, nay là Trung tâm học liệu Đại học Huế trên đường Lê Lợi.

     Căn phòng này vừa là nơi làm việc của nhóm Việt, vừa là tụ điểm gặp gỡ giới hoạt động trên lĩnh vực văn chương nghệ thuật Huế mà anh Thái Ngọc San, anh Lê Văn Ngăn là hai người thường có mặt trong mỗi lần hai anh về Huế. Và chính nơi đây tôi hân hạnh được gặp mặt nhà thơ Lê Văn Ngăn, người anh lớn của tôi.

     Quý mến con người anh với những thăng trầm, trải nghiệm gió sương trong cuộc sống, tôi càng yêu thơ anh bởi cái chất phóng khoáng, lạc quan cùng những trăn trở sâu sắc về người, về đời, về xã hội, về cuộc chiến… được anh thể hiện rõ nét trong tập thơ Một thời im bóng ấn hành năm 1972 khi anh 30 tuổi.

     Sau đó, do hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, tôi không còn dịp được bên anh trong một thời gian dài cho đến sau năm 1975 mới gặp lại anh tại Huế.

     Với tôi, nhà thơ Lê Văn Ngăn còn là một nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực diễn xướng thơ ca, âm nhạc. Tôi ấn tượng nhất khi nghe anh đọc những bài thơ do anh sáng tác. Giọng anh khinh khoái, có chiều sâu, rất truyền cảm; anh đã chuyển tải vào hình thức thể hiện những nội dung hàm súc, sâu sắc giúp người nghe cẩm nhận hết thần thái những bài thơ anh đọc. Qua việc đọc thơ của anh tôi đã học phần nào những kỹ thuật cần thiết khi trình bày một bài thơ; Lúc bấy giờ tôi cũng là một trong những người thường tham gia các buổi đọc thơ tại Tổng Hội Sinh Viên Huế, số 22 Trương Định, nay là trụ sở Thành Đoàn Huế.

     Bên cạnh việc đọc thơ, nhà thơ Lê Văn Ngăn còn hát nữa. Anh hát rất hay! Giọng hát của anh đầy nội lực, khả năng xử lý từng nốt nhạc tinh tế, tự tin như một người ca sĩ chuyên nghiệp. Tôi đã rất chí thú khi nghe anh hát bài Tình ca của Phạm Duy. Ca khúc này giai điệu âm nhạc hay, ca từ đẹp, nội dung trữ tình nên rất phù hợp với chất giọng của nhà thơ Lê Văn Ngăn. Nhờ nghe anh hát Tình ca mà tôi cứ nhớ hoài đoạn nhạc có hình ảnh ba dòng sông lớn của nước mình khi nhạc sĩ Phạm Duy rất tài hoa để khái quát đặc điểm, tính chất của ba miền Bắc Trung Nam: “…biết ái tình ở dòng sông Hương, sống no đầy là nhờ Cửu Long, máu sông Hồng đỏ vì chờ mong…” Khi tuổi đã lớn nhà thơ Lê Văn Ngăn không còn chí thú với chuyện đọc thơ, hát ca khúc nữa nên cũng thiệt thòi cho một số anh chị em quen biết với anh sau này.

     Những chuyến công tác ở Quy Nhơn, tôi cũng thường ghé nhà thăm anh và chị Phước rồi sau đó hai anh em tìm một quán cà phê hàn huyên, tâm sự.

     Qua những câu chuyện kể, tôi hiểu nỗi lòng đau đáu với Huế quê nhà luôn thường trực trong anh. Một thời niên thiếu hàn vi trong mái ấm gia đình, một thời thanh xuân gắn kết với tuổi trẻ học đường đô thị, một thời phiêu bạt tang bồng trong thời chiến, rồi một thời phải sống xa quê hương sau khi thống nhất đất nước. Và với anh, thời nào thì tình cảm về nơi chốn sinh ra, lớn lên của anh cũng là nỗi nhớ thương vô hạn, sâu nặng nghĩa tình. Tập thơ Viết dưới bóng quê nhà của anh chính là tiếng lòng anh đan kết lại sau nhiều năm tháng.

     Từ sau những năm 2000, khi anh Lê Văn Ngăn có những dịp từ Quy Nhơn ra Huế tôi may mắn  gặp anh nhiều lần. Trước đây, khi nhà thơ Văn Hữu Tứ còn tại thế, làm việc tại nhà hàng nổi Sông Hương, mỗi lần về Huế anh và anh Văn Hữu Tứ thường ngồi với nhau chơi cờ tướng bên dòng sông Hương. Hình ảnh đôi bạn tâm giao ấy giờ vẫn như đang sinh động trước mắt tôi. Và khi nhà thơ Văn Hữu Tứ không còn nữa, mỗi sáng nhà thơ Lê Văn Ngăn ra ngồi cà phê vỉa hè Trương Định cùng chúng tôi. Những câu chuyện kể qua giọng nói chậm rãi khoan thai của anh thu hút nhiều sự chú ý của mọi người bởi nội dung chuyện kể của anh bao giờ cũng thâm trầm, sâu sắc pha chút hài hước rất duyên.

     Bây giờ người anh lớn của tôi không còn nữa,  nhưng tôi hiểu nhân cách và thơ anh vẫn sống mãi trong tâm thức tôi và của nhiều người vốn quý trọng, yêu thương anh và thơ anh.

     Xin cảm ơn Lê Hồ Ngạn, một hiếu tử luôn chăm chút những trang viết để đời của cha mình! Nhờ con trai, thơ Lê Văn Ngăn đang được lan truyền trên khắp thế gian này từ nay tới muôn sau…

 

Huế, 5.11.2019.

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.