TÌNH NGHĨA PHONG TRÀO!
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5681
Mong cái tình phong trào mãi hào hoa, lunh linh, lan tỏa hương sắc xuân thì...
Chiều 25. 3. 2009, tôi một mình trên căn gác nhỏ. Tiếng gà sau nhà láng giềng Gò Vấp ngân lên điệu nhớ. Nhớ tiếng gàquê xưa xao xác mỗi khuya về. Sáng nay từ Huế, anh Nguyễn Văn Tuệ điện thoại hỏi chiều nay Quê có dự họp mặt nhân dịp 26. 3 của anh chị em phong trào Huế do Thành Đoàn Huế tổ chức ở 22 Trương Định, Tổng Hội Sinh Viên Huế cũ? Tôi cười: Em và Tiểu Kiều đang ở Sài Gòn!
Thế là năm nay tôi không có dịp để được gặp anh chị em phong trào đô thị Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam…. trong cuộc hội ngộ nghĩa tình nơi ngôi nhà có giàn hoa giấy tím là trụ sở Tổng Hội Sinh Viên Huế trước 1975; nơi ngôi nhà mà tôi đã từng nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên hát bài ca Nối vòng tay lớn; nơi hằng đêm tôi cùng bạn bè thức trắng để quay ronéo truyền đơn cho kịp ngày mai thả trắng phố phường thể hiện lòng khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước; nơi tôi đã từng trăn trối trên vòng tay bạn bè sau một đợt đàn áp, tấn công Tổng Hội Sinh Viên Huế của cảnh sát bạo quyền thời ấy.
Đang miên man với những hồi ức tản mạn về một thời lửa đường phố thì từ Huế lại điện thoại vào. Đầu tiên là họa sĩ Đặng Mậu Tựu, hiện nay là Chủ tịch Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế. Anh Quê ơi! Anh em phong trào Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đang gặp nhau rất đông vui! Mọi người đang hỏi răng không thấy Võ Quê, Tiểu Kiều nè! Rồi máy điện thoại được chuyền tay cho Huỳnh Phước, Đà Nẵng, cho Trần Hoài, Lê Thị Nhân… Tình nghĩa phong trào thành ngọn triều dâng qua làn sóng truyền thông. Trong thoáng chốc tôi hiểu mình không đơn độc từ một góc khuất Gò Vấp xa xôi. Anh chị em đô thị Huế nói riêng và miền Trung nói chung vẫn còn nhớ tới, còn phát hiện ra sự thiếu vắng của mình đó là điều hạnh phúc. Tôi biết nếu có tôi trong cuộc họp mặt chí tình này thế nào tôi cũng được anh em cho tôi đọc bài thơ Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa, một bài thơ quen thuộc của phong trào đô thị miền Nam trong những năm 70 đã được nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên phổ nhạc. Và chính tôi cũng sẽ tha thiết yêu cầu anh Phan Hữu Lượng ngâm bài thơ Maria Tố Chân của nhà thơ Trần Quang Long, anh Phan Hữu Kính hát bài Đường về Thành nội của anh Phan Lạc Lê… những tác phẩm Trần Quang Long, Phan Lạc Lê đếu là những áng thơ tình đẹp, lãng mạng, lý tưởng trong mấy mùa tranh đấu.
Điều bất ngờ hơn là sáng nay khi tôi đang viết những dòng này thì Lê Thị Nhân, một nhân vật nữ tù mà tôi đã đưa vào bài thơ Bài học ngục tù viết tại nhà tù Côn Đảo năm 1972 lại điện thoại vào thông tin cho biết nội dung cuộc họp mặt của anh chị em phong trào đô thị Huế, Đà Nẵng Quảng Nam chiều qua. Một cuộc họp mặt dạt dào tình nghĩa, khí phách, còn tinh khôi chất lửa thanh xuân. Sự có mặt của người tử tù Lê Quang Vịnh năm nào trong buổi này cũng tạo nên một cầu nối thế hệ rất đẹp. Thế hệ tuổi trẻ Lê Quang Vịnh là hiến thân không tiếc bản thân mình cho độc lập, thống nhất, hòa bình. Thế hệ trẻ hiện nay là hết sức chung tay, chung lòng, bằng tài năng, trí tuệ cho công cuộc đổi mới, công bằng, văn minh, dân chủ. Lê Thị Nhân còn ngợi ca Thành Đoàn Huế, các anh Đoàn Nhuận, Nguyễn Nhiên… của Huế đã rất tích cực góp phần tổ chức thành công cuộc gặp gỡ rất có ý nghĩa này và việc anh chị em phong trào Đà Nẵng, Quảng Nam tặng 20 triệu đồng cho quỹ học bỗng Ngô Kha của Huế cũng thể hiện tinh thần khuyến học của anh chị em phong trào đô thị dành cho đàn em thân yêu sau này. Tôi bồi hồi chợt nhớ hình ảnh cái thời công trường chiều nay em về góp bão, máu làm sơn, áo lụa làm cờ, mắt bồ câu em quá ngây thơ sáng rực lửa soi qua lòng nham hiễm.
Bây giờ áo trắng của các em trinh thơ nguyên vẹn tuổi học trò! Tình nghĩa phong trào! Mong cái tình phong trào mãi hào hoa, lung linh, lan tỏa hương sắc xuân thì một thuở cho tới hôm nay, mai sau! Mong cái nghĩa phong trào luôn khí phách, lấp lánh, hừng hực ánh lửa hồng từ độ ấy bền bỉ muôn nơi, muôn thuở! Võ Quê Gò Vấp, Sài Gòn. 26. 3. 2009 Ảnh: Tranh Bửu Chỉ