Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

ĐẤT CỦA LÒNG NGƯỜI VUN XỚI TIN YÊU - Võ Quê

Quảng Trị những năm 60 với tôi là những tháng năm hồng. Hồng sắc phượng con đường Gia Long trong ráng chiều hoàng hôn với những tà áo trắng học trò con gái tan trường đạp xe về chợ Sải. Hồng hoa đăng trong mấy mùa Phật Đản, Vu Lan trên sóng nước dịu êm Thạch Hãn, dòng sông của tình, ký ức, hoài niệm. Hồng những trang pelure thơ tình viết vội kín đáo tặng người nữ tình đầu. Và hồng trong “Lưu bút mùa hạ” thơ Phan Phụng Thạch:

… Rồi một mai khi mùa thu trở lại

Các em về với tuổi thơ hồng…

… Các em còn trái tim hồng tuổi nhỏ

Tấm lòng xanh thơm ngát lúa ban mai… 

     Vẫn sống trong ký ức tôi ngày ấy thành phố Quảng Trị nhỏ nhắn dễ thương, cái dễ thương của phố và người. Phố chở che tôi, người đùm bọc tôi qua cơn cùng cực, khổ nghèo. Ngọn gió Lào khắc nghiệt cũng đã nên thương trước tình người Quảng Trị chơn chất, nhơn hậu, từ tâm. Không những được sống giữa lòng dân Quảng Trị, tôi còn được chăm chút, đùm bọc và tiếp cận môi trường văn học nghệ thuật nơi đây.

     Nhà thơ Triều Sao Dại (bút danh của nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan, nay là chồng của ca sĩ Khánh Ly), nhà thơ Trịnh Nhược Thủy (sau này lấy bút danh Triệu Phong), nhà báo Huyền Anh, nhà thơ Thạch Nhân… là những người tôi quý mến. Chính họ đã giúp tôi hoàn chỉnh những trang viết đầu đời; động viên tôi viết lách. Khuyến khích tôi duy trì tập san viết tay độc bản Mắt Nai để nó tồn tại nhiều năm, tạo dư luận tốt trong đám học trò mê văn chương, báo chí.

     Phòng vẽ của họa sĩ Phạm Văn Hạng trên đường Trần Hưng Đạo trước chợ Quảng Trị là nơi tôi thường lui tới. Nhà Châu Thị Khương, bà con nhà thơ Phan Phụng Thạch đối diện với phòng vẽ này. Thỉnh thoảng tôi gặp nhà thơ Phan Phụng Thạch tại nhà Khương mỗi lần tôi đến chơi với Khương và các bạn Thanh Tâm, Ly, Nồng… Khi đang viết những dòng về anh tôi đã hình dung được một nhà thơ có vóc người dong dỏng cao, gầy với gương mặt rất thư sinh mang kính trắng. Nhà thơ trầm lặng và ít nói. Thương tôi con nhà nghèo mà thích văn thơ, thầy giáo Nguyễn Viết Trác trường Nguyễn Hoàng đặt báo Bách Khoa, báo Văn cho tôi tại nhà sách Tùng Sơn ở góc ngã tư Trần Hưng Đạo Quang Trung nên từ hai tờ báo này tôi được đọc thơ Phan Phụng Thạch. Có phải vì trầm lặng, ít nói mà bao nhiêu tinh hồn sinh động của nhà thơ được chuyển tải vào thơ.

     Trong quảng thời gian này cuộc chiến đang khốc liệt dần. Sân vận động sau lưng trường Nguyễn Hoàng ngày nào cũng ồn ả tiếng trực thăng lên xuống với những cuộc hành quân. Và đêm đêm tiếng đại bác vọng về làm nhức nhối cái thành phố hiền như lụa. Những lớp học trong trường Nguyễn Hoàng tôi học, nhà thơ Phan Phụng Thạch làm thủ thư, thỉnh thoảng vắng đi vài chỗ ngồi vì có người lên xanh hay đi lính. Học trò thời chiến ở tỉnh lẻ đã thành tứ cho rất nhiều bài thơ của thầy Phan Phụng Thạch. Thời điểm này tôi đã hiểu và thương nhà thơ biết mấy! Tấm lòng nhân hậu, bao dung; sự đồng cảm lớn lao của thầy Phan Phụng Thạch dành cho học trò quá lớn. Chính cái “quá lớn” này của thầy đã làm cho đời sống văn nghệ thời chiến ở Quảng Trị trở nên độc đáo vì có một nhà thơ nhà giáo chuyên tâm sáng tác thơ về học trò, cho học trò. Dấu ấn về tình thương quý học trò trong tập thơ “Lưu bút mùa hạ” là rất rõ. Những bài thơ “Lưu bút mùa hạ”, “Trong cơn bão hạ”, “Sân trường nắng hạ”, “Tháng hạ”, “Giã từ tháng hạ”, “Lời giã từ cuối năm”… đã kéo học trò muôn phương đến với thơ, yêu thơ, làm thơ mà trong đó có thệ học trò chúng tôi. Da diết, thấm thía, day dứt thay câu hỏi của thầy:

Ta trở về giữa sân trường vắng lặng

Hồn bơ vơ và chân lạc trong đời

Mới hôm nào các em đùa trong nắng

Sao bây giờ tất cả đã xa xôi !

Rồi một mai khi mùa thu trở lại

Các  em về với tuổi thơ hồng

Hay cuộc chiến đưa các em đi mãi

Và trường đời sẽ lắm núi nhiều sông…

     Lần cuối cùng tôi được gặp nhà thơ Phan Phụng Thạch là vào mùa thu năm 1970, khi ấy tôi đang là sinh viên năm thứ nhất đại học Văn khoa Huế. Sau một buổi chiều lang thang qua những con đường Huế với anh, chúng tôi về Tổng Hội Sinh viên Huế ở 22 Trương Định Huế nhâm nhi cà phê của chị Giang. Tối ấy vì không muốn làm phiền nhà trọ nên tôi rủ anh ngủ lại với tôi tại Tổng Hội luôn. Đêm đó thật tội nghiệp cho hai chúng tôi, do thiếu chuẩn bị mùng nên bị muỗi cắn. Mà muỗi cắn thì không thể nào ngủ được, thế là tôi và nhà thơ Phan Phụng Thạch đành phải làm một “đêm không ngủ” bất đắc dĩ. Tôi nhớ trong bóng đèn mờ, chiếc kính trắng của anh thỉnh thoảng ánh lên khi anh ngước nhìn tôi.

     Lâu ngày không gặp nhau nên mặc dù biết tính anh vốn điềm đạm, ít nói tôi vẫn hỏi anh nhiều chuyện, trong đó có nội dung tại sao anh lại chuyên tâm làm thơ về thế giới học trò là một đề tài ít người quan tâm trong thời điểm ấy. Chậm rãi, từ tốn, nhà thơ Phan Phụng Thạch tâm tình rằng cuộc chiến trên quê hương mình ngày càng khốc liệt, tuổi trẻ học đường là đối tượng bị thiệt thòi nhiều nhất. Không được lên lớp đệ tam là đi lính, không đậu tú tài là phải vô quân trường một thời gian rồi ra mặt trận như trong dân gian đã rộ lên câu “Rớt tú tài anh đi trung sĩ…”. Thế hệ tuổi trẻ đang sinh động, tâm huyết, tài hoa mà vì chiến tranh họ đã phải chịu thiệt thòi, hy sinh một cách oái ăm. Mỗi ngày lớp học, sân trường trên nhiều miền, nhiều xứ cứ thiếu vắng dần những gương mặt học trò thân quen làm nhói tim người thầy đã từng gắn bó với nhiều thế hệ trẻ. Nỗi đau mất mát, chia xa của các em học trò đã thấm vào mạch nguồn thơ để từ đó lần lượt những bài thơ được đến với người yêu thơ trong nước.         Biết tôi đang học ở Huế nên anh cũng nói lên tình yêu của mình dành cho Huế. Anh kể cho tôi biết anh đã làm một số bài thơ viết về thành phố Huế. Bài thơ anh thích nhất có tên “Con đường áo lụa”

Ta trở lại con đường xưa áo lụa

Hàng cây cao đứng đợi các em về 

Các em không về cây tàn lá úa

Ta cũng buồn đi giữa nắng lê thê 

     Năm 1972 nhà giáo Cao Hữu Điền đã phổ bài thơ “Con đường áo lụa “ rồi thực hiện một clip qua giọng ca Trần Quang Lộc và được phổ biến rộng rãi trên trang http://www.art2all.net/nhac/chd/trolaiduongxua.html.

     Tôi không ngờ đêm “muỗi cắn” với anh ở Tổng Hội Sinh viên Huế là lần gặp cuối cùng. Sau những cuộc hội thảo, xuống đường, làm báo ronéo đấu tranh, yêu nước tôi bị đày ra Côn đảo. Tôi bị đứt tin anh từ ấy.

     Nhìn lại, tôi thực sự không được nhiều thời gian gần gũi bên nhà thơ Phan Phụng Thạch, tuy nhiên lối sống chuẩn mực, đạo đức của một nhà giáo; sự tận tụy, mẫn cán của một thủ thư đã có những tác động, ảnh hưởng đến tôi sau này. Và tinh hồn thơ của anh nữa. Nỗi trăn trở, đau đáu về quê hương  trong chiến cuộc; tình nghĩa thầy trò thuở binh đao được gửi gắm vào thơ  anh đã góp phần định hình cho dòng thơ về đất nước của tôi về sau. Trong thời gian 40 năm anh ra đi, thơ Phan Phụng Thạch vẫn sống trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và học trò một thuở. Những trang website, blog, những đặc san, tạp chí trong ngoài nước trang trọng đăng thơ Phan Phụng Thạch. Người thơ Phan Phụng Thạch vĩnh hằng trong lòng người. Thơ Phan Phụng Thạch vĩnh cửu cùng thời gian. Còn ngân đâu đây vọng âm Thầy:

Rồi bên nhau các em tìm lẽ sống

Vun xới tin yêu trên đất của lòng 

Cây sẽ xanh và đâm chồi hy vọng

Các em cùng ta làm lớn quê hương

.

Võ Quê

Sài Gòn 7.11.2014

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.