Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHỚ NHỚ QUÊN QUÊN THƯỢNG TỨ ĐÃ NÊN THƯƠNG - Võ Quê

 

“Thượng Tứ Ngày Xưa Nhớ Nhớ Quên Quên” của Quế Chi Hồ Đăng Định do Nhà xuất bản Thuận Hóa cấp giấy phép là một ấn phẩm mới được ra mắt bạn đọc gần xa trong mùa hạ Huế. Xin chung niềm vui cùng tác giả Hồ Đăng Định: Ngày trở lại quê nhà yêu dấu của mình anh đã tạo nên một “tình tích” rất đáng quý, đáng trang trọng, làm ấm lòng người Huế trong nước và hải ngoại. Vậy là “tủ sách Huế” vốn phong phú thể loại, đề tài, nội dung về Huế chừ đây lại đón nhận thêm tác phẩm văn học “Thượng Tứ Ngày Xưa Nhớ Nhớ Quên Quên” nên nghĩa nên tình của một người con xứ Huế xa quê.

     Chỉ một không gian nhỏ trong thành phố Huế với con đường ngắn và xóm nhà dọc bờ hồ trước cửa Thượng Tứ thôi nhưng trong hồi ức của Quế Chi Hồ Đăng Định cơ man là chuyện. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện vui, chuyện buồn… nơi đây đã gieo hạt, nẩy mầm trong anh từ lúc ấu thời cho tới khi rời xa Huế cố đô. Bóng dáng những người Mệ Huế, Mạ Huế, O Huế, Chị Huế rồi Thầy thuốc Huế, Thầy bói Huế cùng bà con cô bác lao động ven bờ hồ Thượng Tứ được linh hoạt sinh động lên trước bút pháp Quế Chi Hồ Đăng Định. Phải chăng trong quá trình viết tác giả đã hóa thân vào bối cảnh bấy giờ để cùng trăn trở, thao thức, thương yêu theo từng số phận người, từng mảnh đời thăng trầm thuở ấy.

     Những sinh hoạt đời thường, những sự kiện vui buồn của Huế trong các năm tháng xa xưa cũng được tái hiện một cách tinh khôi theo trí nhớ văn nhân. “Đi kéo ghế ở Huế 40, 50 năm về trước”, “Thú vị xem xine ở Huế”… là những tản văn làm bồi hồi, luyến tiếc trong tâm khảm nhiều bạn đọc trong và ngoài nước – những bạn đọc đã từng có một thời như tác giả “chờ chực” vô rạp xine thuở  thiếu niên hay “kéo ghế” lúc trưởng thành.

     Lần mở từng trang “Thượng Tứ Ngày Xưa Nhớ nhớ Quên Quên”, người đọc có cảm giác Quế Chi Hồ Đăng Định đã dụng tâm nhiều hơn dụng công trong quá trình viết thành tác phẩm. Vốn quen với việc luận về chữ và nghĩa nên văn chương của tác phẩm này cũng chuẩn mực trong mỗi ngữ cảnh, mỗi nội dung. “Bà con lối xóm - Cà kê dê ngỗng”, “Bánh khoái Lạc Thiện – O tôi”, “Bà con lối xóm - Bạn bè thời xà-lỏn”… mô tả sống động, chi tiết cụ thể, rất Huế chính là nhờ sự dụng tâm ấy của Quế Chi Hồ Đăng Định.

     Từng trang viết trong “Thượng Tứ Ngày Xưa Nhớ Nhớ Quên Quên” đã thành nguồn tư liệu quý về Huế một thời chưa xa lâu cung cấp đến các nhà nghiên cứu Huế; cho những ai từng sống, từng gắn bó hết mình cùng xứ sở Thần kinh văn vật càng biết nâng niu, chăm chút kỷ niệm xưa rất đáng tự hào, trân quý; cho tuổi trẻ Huế ngày nay hiểu rõ mà thương yêu cảnh quan, cuộc sống, con người Huế ước mong được an bần lạc đạo mà tâm thành, dũng khí.    

     Xin chung niềm vui cùng Huế bởi Huế từ nay đã có thêm một cây bút Huế hải ngoại viết rất duyên mà sắc sảo cùng đồng hành với các tác gia Huế hải ngoại Võ Quang Yến, Nguyễn Tường Bách, Cao Huy Thuần, Bùi Minh Đức, Thái Kim Lan, Trần Kiêm Đoàn… Và mừng cổng thành Thượng Tứ ngày xưa đang hồi quang trong văn học để từ đây những người yêu Huế chỉ nhớ nhớ mà không quên quên. Nhớ nhớ để mà về cùng Thượng Tứ thương yêu, không quên quên cho trong ký ức mỗi người luôn đầy ắp không gian Huế trữ tình và con người Huế mãi nhu hòa, nhân ái…

    Bây giờ sen bên hồ Thượng Tứ đang hồng! Tác phẩm của Quế Chi Hồ Đăng Định đang là một đài sen Thượng Tứ sắc và hương…

Võ Quê

Huế, 7.7.2013.

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.